Đo lượng tiền tệ là gì?

Đây là một nội dung quan trọng nhất của chính sách tiền tệ. Chánh sách này về thực chất nhằm duy trì mối tương quan giữa tổng cung và tổng cầu tiền tệ bằng cách điều tiết tăng hay giảm khối lượng tiền trong lưu thông.

Tổng cung tiền tệ (hay mức cung tiền) là toàn thể khối tiền tệ (bao gồm tiền mặt, tiền chuyển khoản…) đã được cung cấp cho nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Tuy nhiên, xác định các bộ phận cấu thành mức cung tiền tệ còn có nhiều quan niệm khác nhau. Hãy cùng, VNLibs.com đi sâu vào nghiên cứu vấn đề này.

1. Phương pháp lý thuyết và Phương pháp thực nghiệm.

Cách đây hơn 150 năm, một nghị sĩ Anh đã nói rằng: “ngày tình yêu cũng không làm cho nhiều người mất trí như việc nghiền ngẫm về bản chất tiền tệ”. Cho đến nay điều này cũng chưa phải là lỗi thời. Song, khoa học kinh tế đã tìm ra nhiều phép chế ngự tính đỏng đảnh của đồng tiền.

Dẫu sao thì đồng tiền vẫn là thứ công cụ hữu hiệu, và có thể chế ngự được trong công cuộc tăng trưởng và phát triển kinh tế. Miễn là biết vận dụng những phép chế ngự đó đúng cách và kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Có hai cách để nhận biết một định nghĩa chính xác về tiền: Phương pháp lý thuyết và phương pháp thực nghiệm.

Phương pháp lý thuyết định nghĩa tiền bằng cách dùng lý thuyết kinh tế, để quyết định xem những thứ gì trong số các tài sản phải được đưa vào phạm vi đo lượng tiền. Đặc điểm then chốt của tiền là ở chỗ nó được dùng làm phương tiện trao đổi. Do đó, phương pháp lý thuyết tập trung vào phương diện này, và đề nghị rằng chỉ những tài sản nào rõ ràng tác dụng như một phương tiện trao đổi mới nằm trong việc đo lượng tiền cung ứng.

Tiền mặt, các món tiền gửi tài khoản séc và séc du lịch đều có thể được dùng để thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ và rõ ràng có tác dụng làm phương tiện trao đổi. Phương pháp lý thuyết đề nghị rằng việc đo lượng tiền cung ứng chỉ phải kể các thứ tài sản này mà thôi.

Phương pháp lý thuyết không rõ ràng dứt khoát như chúng ta muốn. Định nghĩa tiền là bất cứ cái gì được chấp nhận chung trong việc thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ cho chúng ta thấy rằng tiền được định nghĩa dựa theo thái độ của mọi người.

Nhiều tài sản khác nhau đã đóng vai trò này qua nhiều thế kỷ, kể từ vàng đến tiền giấy rồi đến tài khoản séc. Vì lý do đó, định nghĩa mang tính chất dựa vào thái độ của mọi người, không cho chúng ta biết chính xác những tài sản nào, phải được coi là tiền trong nền kinh tế của chúng ta.

Trong nền kinh tế hiện đại, những tài sản khác, ngoài những thứ kể trên, tác dụng phần nào giống như phương tiện trao đổi nhưng không hoàn toàn “lỏng” (khả dụng) như tiền mặt và các món tiền gửi tài khoản séc. Chẳng hạn, có những tài sản khác có thể được chuyển nhanh chóng thành tiền mặt, không phải chịu mọi phí tổn nào.

Thí dụ, tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng, liệu những tài khoản này có thực sự tác dụng như một phương tiện trao đổi hay không?

Sự không rõ nghĩa cố hữu trong phương pháp lý thuyết, để xác định những tài sản nào được kể tới khi đo lượng tiền tệ, đã khiến nhiều nhà kinh tế đưa ra đề nghị rằng, tiền phải được định nghĩa theo phương pháp thiên nhiều về kinh nghiệm hơn, tức là những quyết định về việc cái gì thì gọi là tiền, phải dựa trên cơ sở là phép đo lượng tiền nào tác dụng tốt nhất, trong việc dự báo các diễn biến của những biến số mà tiền có tác dụng giải thích.

Thí dụ, chúng ta phải xem phép đo lượng tiền nào giúp thực hiện được tốt nhất việc dự báo tỷ lệ lạm phát, hoặc chu trình kinh doanh, và sau đó chọn nó làm phép đo ưu tiên để đo lượng tiền cung ứng.

Rất tiếc, các bằng chứng kinh nghiệm về phép đo lượng tiền nào tác dụng lớn nhất, lại cũng không dứt khoát: một phép đo giúp dự báo được tốt trong một thời kỳ, có thể không là phép đo giúp dự báo tốt trong một thời kỳ khác; và một phép đo để dự báo lạm phát, có thể không phải là phép đo tốt nhất để dự báo chu trình kinh doanh.

Như vậy cả hai phương pháp nêu trên đều không đáp ứng đầy đủ các mong muốn của chúng ta. Phương pháp lý thuyết thì không đủ rõ ràng, để cho chúng ta biết những tài sản nào phải được đưa vào hay loại trừ, trong một phép đo lượng tiền thích hợp.

Phương pháp kinh nghiệm cũng gặp những khó khăn, vì chứng cứ cho việc phép đo nào là phép đo tiền được ưu tiên không phải là chứng cứ rõ rệt, và ngay cả nếu chứng cứ là rõ rệt, chúng ta cũng không thể chắc chắn rằng một phép đo đã tác dụng tốt trong quá khứ lại tác dụng tốt trong tương lai.

2. Tổng lượng tiền.

Từ năm 1980 đến nay, Ngân Hàng Trung Ương của nhiều nước đã thay đổi các định nghĩa của mình về tiền một vài lần và đã dùng những phép đo lượng tiền cung ứng được gọi là tổng lương tiến (monetary aggregates) với các ký hiệu: M0, M1, M2, M3, M4.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khi mới thành lập đã quan niệm khối tiền tệ của một quốc gia bao gồm tiền mặt đã phát hành, và tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Như vậy tiền gửi tiết kiệm và định kỳ không được coi là thành phần của khối tiền tệ, mà chỉ được xem là “chuẩn tiền”.

Từ năm 1980 trở đi, nhiều nhà kinh tế đã coi những “chuẩn tiền” là một thành phần của khối tiền tệ. Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới đã chấp nhận quan niệm này và phân biệt nhiều dạng khối tiền.

Sở dĩ có sự phân ra giữa M1, M2, M3, là nhằm tách những loại tiền khác nhau về mặt thanh khoản ra từng nhóm. Các nhóm tiền càng đi về sau này, càng có thanh khoản kém hơn và càng mang tính chất của một khoản đầu tư.

M1 gọi là tiền mạnh (high-power money) với ý nghĩa là loại tiền tiện lợi nhất trong thanh toán hay tiền theo nghĩa hẹp (narrow money), nhưng là một loại tài sản không sinh lợi, cho nên nó không có ý nghĩa như một hành động đầu tư.

M1 chính là những khoản tiền đang trong lưu thông và những khoản tiền này sẵn sàng nhảy vào lưu thông bất kỳ hình thức nào và thời gian nào. M1 là khối tiền trực tiếp làm phương tiện lưu thông trong nền kinh tế và được kiểm soát chặt chẽ.

Ngược lại, M2, M3 và L vừa là tiền vừa là tài sản sinh lợi. Do vậy, kinh tế càng phát triển, xu hướng chuyển tiền từ loại không sinh lãi (M1) sang các loại cũng là tiền, nhưng đem lại lãi suất (M2, M3, L) là càng lớn như một hoạt động đầu tư.

L được gọi là tiêu sản động hoặc tích sản động; (L / GNP) là độ sâu tài chính (financial depth). L là ký GNP hiệu của khối lượng tín dụng. Trong nền kinh tế thị trường, hướng tập trung chủ yếu của chính sách tiền tệ quốc gia là khối tiền rộng (M2, M3) và khối lượng tín dụng (ký hiệu là L).

M2 đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế. Khi ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi định kỳ, thì người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn và sẽ làm gia tăng khả năng tiền mặt của các ngân hàng, hoặc khi lãi suất giảm người dân sẽ rút tiền ra, làm giảm khả năng cung ứng tiền mặt của ngân hàng.

Việc phân loại tiền thành M1, M2, M3, L nhằm giúp Ngân Hàng Trung Ương và chính phủ theo dõi mức độ đầu tư trong nước vào các tài sản sinh lợi; giúp nền kinh tế huy động một cách tốt nhất các nguồn lực, các nguồn tài sản khác nhau trong nhân dân vào guồng máy sản xuất kinh doanh. Nó cũng đồng thời, đáp ứng nhu cầu cần sự gọn nhẹ, bảo đảm, có lãi cho tài sản và dễ dàng trong thanh toán ở mọi nơi, mọi lúc.

Như vậy, lượng tiền trong lưu thông là một tập hợp mà người ta có thể chia ra thành những tập hợp con (tổng lượng tiền – monetary aggregates) theo những tiêu chuẩn khác nhau: phân chia theo việc sử dụng dễ dàng hay không, những dấu hiệu tiền tệ trong thanh toán (tiền giấy, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền chuyển qua bưu điện,…) và phân chia theo loại tác nhân kinh tế.

Chỉ cần nhìn vào các tỷ lệ giữa các loại tổng lượng tiền tệ, sẽ biết ngay được về sự ổn định hay chất lượng của tiền tệ. Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, thì M0 tiền trung ương không nằm trong tay các ngân hàng chiếm khoảng 7% của tổng lượng tiền M3 ; trong khi đó tại Việt Nam tỷ lệ này khoảng +70%.

Ở Việt Nam, khối lượng tiền tệ bao gồm chủ yếu là tiền Ngân Hàng Trung Ương (giấy bạc) và tiền gửi tương đối ngắn hạn. Cơ cấu khối lượng tiền như vậy, cho thấy hệ thống ngân hàng kém phát triển, ít giành được lòng tin của khách hàng. Chừng nào đồng nội tệ với chức năng là phương tiện tích lũy giá trị còn yếu kém, thì tỷ lệ tiền mặt còn cao; tiền Ngân Hàng Trung Ương không quay trở về các ngân hàng, dưới hình thức các khoản tiền gửi và như vậy hệ số tạo tiền sẽ nhỏ đi.

Nền kinh tế càng phát triển bao nhiêu, nhân dân càng quý thời giờ, tiền bạc, tài sản và luôn luôn muốn làm lợi thêm từ những tài sản đã có. Do vậy, kinh tế càng phát triển, xu hướng của nhân dân chuyển tiền từ loại không sinh lời (M1) sang các loại cũng là tiền nhưng đem lại lãi suất (M2, M3, L) là càng lớn.

Nói cách khác, các loại vừa là tiền vừa là tài sản đầu tư (M2 ,M3, L) bành trướng nhanh chóng nhiều lần hơn M1. Bởi vì, giữ M1 trong tay, chỉ được mỗi một điều tiện lợi là dễ dàng trong trao đổi và thanh toán, trong khi giữ các loại tiền khác như M2, M3, L vẫn vừa tiện lợi trong thanh toán, mà đồng thời, có được điều thứ hai là nó sinh ra lợi tức mỗi ngày như một hoạt động đầu tư.

Định nghĩa hẹp về tiền là M1 tương ứng với định nghĩa đề ra theo phương pháp lý thuyết và bao gồm tiền mặt, các tiền gửi tài khoản séc và séc du lịch. M1 tương ứng với tiền tệ sẵn sàng sử dụng, nghĩa là những công cụ chi trả thực sự, hay còn gọi là “tiền giao dịch”, gồm các khoản tiền thực tế được dùng cho giao dịch để mua hàng hóa.

Tổng lượng tiền M2 = cộng thêm vào M1 những tài khoản khác, có đặc điểm viết séc (tài khoản tiền gửi thị trường tiền tệ và cổ phần quỹ tương trợ thị trường tiền tệ) và những tài sản khác (tiền gửi có kỳ hạn loại nhỏ, tiền gửi tiết kiệm, hợp đồng mua lại qua đêm và đô la châu Âu qua đêm; những loại tài sản này đặc biệt “lỏng”, vì chúng có thể được chuyển thành tiền mặt một cách nhanh chóng với phí tổn rất thấp). M2 xấp xỉ như khối lượng tiền tệ, là định nghĩa tiền theo nghĩa rộng, là tiền tài sản hay chuẩn tệ.

Tổng lượng tiền M3 = thêm vào M2 những loại tài sản hơi kém “lỏng”. Thí dụ, như tiền gửi có kỳ hạn loại lớn, hợp đồng mua lại dài hạn, đô la châu Âu có kỳ hạn và cổ phần quỹ tương trợ thị trường tiền tệ có tổ chức. M3 sánh ngang với tổng số khả năng thanh toán, bao gồm: M2 + tài khoản ngoại tệ + các phiếu tiền gửi tiết kiệm.

Phép đo cuối cùng, L, thực sự không là một phép đo lượng tiền mà đúng hơn là một phép đo những tài sản độ “lỏng” cao, và thêm vào M3 một vài kiểu chứng khoán chủ yếu, là những trái khoán có mức “lỏng” cao, như những chứng khoán kho bạc ngắn hạn, thương phiếu, trái khoán tiết kiệm và hối phiếu được ngân hàng chấp nhận.

Chung lại, dưới sức ép của những nhà lý luận và những tổ chức quốc tế, thói quen có khuynh hướng phổ cập gọi M1, M2, M3 là ba mức tích tụ liên tiếp những phương tiện tiền tệ. Sự phân loại này được phần lớn các nước chấp nhận với những sắc thái và những sửa đổi cần thiết.

Bảng 1: Các thành phần và định nghĩa của tiền
Cấp độ thanh khoản Thành phần Mô tả
MB (Cơ sở tiền tệ) Dự trữ ngân hàng Tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương.
Tiền mặt ngoài ngân hàng Tiền mặt đang lưu hành bên ngoài hệ thống ngân hàng (trong tay người dân và doanh nghiệp).
Séc du lịch của những người phát hành phi ngân hàng Séc du lịch do các tổ chức phi ngân hàng phát hành, có thể đổi thành tiền mặt dễ dàng.
M1 MB Tất cả các thành phần của MB.
Tiền gửi giao dịch Tiền gửi tại ngân hàng có thể sử dụng để thanh toán bằng séc hoặc thẻ ghi nợ.
Tiền gửi séc khác Các loại tiền gửi khác có thể được sử dụng để thanh toán bằng séc.
M2 M1 Tất cả các thành phần của M1.
Tài khoản tiền gửi thị trường tiền tệ Tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng hoặc quỹ tương hỗ, thường có lãi suất cạnh tranh và cho phép viết séc giới hạn.
Số dư quỹ hỗ tương thị trường tiền tệ Cổ phần của các quỹ tương hỗ đầu tư vào các công cụ thị trường tiền tệ ngắn hạn.
Tiền gửi định kỳ và tiết kiệm Tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn nhất định, thường có lãi suất cao hơn tiền gửi giao dịch.
Thỏa thuận mua lại qua đêm và đô la châu Âu Các thỏa thuận mua lại chứng khoán trong thời gian ngắn, thường là qua đêm, và tiền gửi bằng đồng euro.

Tóm lại:

MB là thước đo hẹp nhất của cung tiền, chỉ bao gồm tiền mặt, dự trữ ngân hàng và séc du lịch.

M1 mở rộng MB bằng cách thêm vào các loại tiền gửi giao dịch.

M2 mở rộng M1 bằng cách thêm vào các loại tiền gửi tiết kiệm và đầu tư có tính thanh khoản thấp hơn.

Mỗi cấp độ thanh khoản đều có vai trò quan trọng trong việc theo dõi và quản lý cung tiền, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát và các biến số kinh tế vĩ mô khác. Về mặt cầu, Bảng 1 trên cho thấy những thành phần và định nghĩa khác nhau của tiền mà nền kinh tê có yêu cầu.

MB (monetary base) là cơ số tiền tệ, là tổng dự trữ của ngân hàng và tiền mặt nằm ngoài các ngân hàng, tất cả gộp lại thành tổng số tiền tệ. Các mục tiêu tiền tệ tiềm tàng là cơ số tiền tệ M1 và M2. Ngân hàng trung ương điều chỉnh các khối tiền tệ này để đáp ứng các yêu cầu kinh tế.

Điều này, có nghĩa là chính sách tiền tệ có thể được sử dụng để tác động đến nhiều loại tiền hơn, chứ không tập trung một loại riêng. Ngân hàng trung ương lợi dụng ba công cụ chính sách khác nhau, để đạt các mục tiêu tiền tệ của mình: dự trữ bắt buộc, cửa sổ chiết khấu và chi nghiệp vụ thị trường mở (sẽ được đề cập chi tiết kế sau).

M1, M2, M3 và L là các thước đo cung tiền, đại diện cho các cấp độ thanh khoản khác nhau của tiền tệ trong một nền kinh tế. Chúng được sử dụng để theo dõi và quản lý cung tiền, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát và các biến số kinh tế vĩ mô khác.

Bảng 2: Bảng tóm tắt phép đo lượng tiền
Cấp độ thanh khoản Thành phần Mô tả
M1 Tiền mặt Tiền giấy và tiền xu đang lưu hành.
Séc du lịch Séc có thể đổi thành tiền mặt dễ dàng.
Tiền gửi không kỳ hạn Tiền gửi tại các ngân hàng có thể rút ra bất kỳ lúc nào mà không cần báo trước.
Tiền gửi khác ở dạng có thể phát séc Các loại tiền gửi có thể được sử dụng để thanh toán trực tiếp bằng séc.
M2 M1 Tất cả các thành phần của M1.
Tiền gửi có kỳ hạn, lượng nhỏ Tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn ngắn, thường dưới 1 năm.
Tiền gửi tiết kiệm Tiền gửi tại ngân hàng với mục đích tiết kiệm, thường có lãi suất cao hơn tiền gửi không kỳ hạn.
Tài khoản gửi thị trường tiền tệ Các tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng hoặc quỹ tương hỗ, thường có lãi suất cạnh tranh và cho phép viết séc giới hạn.
Cổ phần quỹ tương trợ thị trường tiền tệ (không có tính tổ chức) Cổ phần của các quỹ tương hỗ đầu tư vào các công cụ thị trường tiền tệ ngắn hạn.
Hợp đồng mua lại qua đêm Các thỏa thuận mua lại chứng khoán trong thời gian ngắn, thường là qua đêm.
Đô la châu Âu qua đêm Tiền gửi bằng đồng euro qua đêm.
Điều chỉnh hợp nhất cho đúng
M3 M2 Tất cả các thành phần của M2.
Tiền gửi có kỳ hạn, lượng lớn Tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn dài hơn, thường trên 1 năm.
Cổ phần quỹ tương trợ thị trường tiền tệ (có tổ chức) Cổ phần của các quỹ tương hỗ đầu tư vào các công cụ thị trường tiền tệ, được quản lý bởi các tổ chức tài chính.
Hợp đồng mua lại, dài hạn Các thỏa thuận mua lại chứng khoán trong thời gian dài hơn.
Đô la châu Âu có kỳ hạn Tiền gửi bằng đồng euro có kỳ hạn.
Điều chỉnh hợp nhất cho đúng
L M3 Tất cả các thành phần của M3.
Chứng khoán kho bạc ngắn hạn Trái phiếu chính phủ có thời hạn đáo hạn ngắn.
Thương phiếu Các công cụ nợ ngắn hạn do các doanh nghiệp phát hành.
Trái khoản tiết kiệm dài hạn của kho bạc
Hối phiếu nhận thanh toán ở ngân hàng

L: số đo L. Một số đo của các tài sản rất lỏng được cộng vào M3. Trên thực tế, ngân hàng trung ương các nước vận dụng các học thuyết tiền tệ, để phân chia các khối tiền sao cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, phục vụ cho quá trình xây dựng chính sách tiền tệ quốc gia.

Dĩ nhiên, phép đo lượng tiền không phải là hoàn toàn bất biến, mà các cơ quan quản lý tiền tệ (NHTW) sẽ thường xuyên thay đổi kết cấu khối tiền, dựa vào khả năng khả hoán nhanh của các loại tiền, hoặc đưa mức độ thực hiện các chức năng của tiền để sắp xếp. Vì vậy, thông thường khi nhìn vào cơ cấu tiền tệ trong lưu thông, người ta có thể thấy được trình độ phát triển kinh tế của nước đó, sự đa dạng phong phú của các loại tiền.

Việc xác định các mục tiêu táng các tổng lượng tiền tệ (đại lượng tiền tệ) là một kỹ thuật thông dụng từ 15 năm nay ở phần lớn các nước (1975 ở Đức, Thụy Sĩ, Italia và Mỹ, 1976 ở Anh và 1977 ở Pháp). Ngoài các tranh cãi về lý thuyết, công việc này vấp phải hai khó khăn quan trọng về thực tiễn.

Trước hết là định nghĩa chính xác về khối lượng tiền tệ. Muốn vậy, phải chọn được một tổng lượng (đại lượng) thể hiện được hoàn hảo đồng tiền. Nhưng các sáng kiến tài chính đã “đảo lộn” biên giới giữa đồng tiền, và các công cụ đầu tư tài chính dài hạn, đồng thời đảo lộn biên giới giữa các loại tài sản tiền tệ khác nhau.

Vì vậy, mà từ đầu những năm 1980, các cơ quan quản lý tiền tệ đã phải thường xuyên thay đổi bản thân định nghĩa các tổng lượng tiền tệ, và việc chọn các tổng lượng để làm mục tiêu chính sách. Mặt khác, các tổng lượng tiền tệ, dù có được xác định, cũng trở nên khó quản lý hơn trước.

Thật vậy, các sáng kiến tài chính đã làm tăng khả năng thay thế lẫn nhau giữa các tài sản tiền tệ (thông qua việc đa dạng hóa tinh vi hóa các công cụ tài chính). Không có gì hay thay đổi khó nắm bằng sự biến hóa của những tổng lượng tiền tệ, và người ta luôn luôn lo sợ khi phải dự tính những tổng lượng tiền tệ.

Do đó, các tổng lượng tiền tệ có xu hướng trở nên ngày càng bất ổn định. Vì vậy, mặc dù chỉ xác định các mục tiêu về mặt tương đối theo kiểu “cặp đôi” (mức cao nhất và thấp nhất, chứ không phải là mức cố định), nhiều nước vẫn thường xuyên thấy các mục tiêu dự kiến của họ bị vượt qua.

Trong điều kiện hiện nay, do khả năng chuyển hóa rất nhanh của các tổng lượng tiền tệ này (các chứng phiếu ngắn hạn và ngoại tệ có thể nhanh chóng, chỉ sau vài phút, chuyển thành tiền mặt), nên ranh giới của các tổng lượng tiền tệ cũng không ổn định.

Và cũng chính vì vậy, mà ngày nay, trong chính sách tiền tệ của mình, nhiều Ngân Hàng Trung Ương của các nước đã chọn M3 – nguồn đối ứng tạo tiền – làm lĩnh vực can thiệp. Chẳng hạn như, khi khối lượng tín dụng cấp ra giảm đi, có nghĩa là nguồn đối ứng tạo tiền cũng giảm đi (M3 cũng giảm đi tương ứng).

Tác giả: Lê Văn Tư


Bạn đang xem bài viết:
Đo lượng tiền tệ là gì?
Link https://vnlibs.com/tai-chinh/do-luong-tien-te-la-gi.html

Hashtag: #tiente #taichanh #taichinh #doluongtiente #cungtiente

Mọi người cũng tìm kiếm: Cung tiền tệ là gì; Lượng tiền cung ứng là gì; Khối tiền tệ là gì; Các khối tiền mb m1, m2, m3 và l được sắp xếp; Cung tiền là gì kinh tế vĩ mô; Cung tiền m1, m2, m3 là gì; Cơ sở tiền tệ là gì; Cung tiền M2 là gì; Khối lượng tiền tệ là gì; Phép đo lượng tiền trong lưu thông; Thước đo tiền tệ là gì; Thị trường tiền tệ là gì; Cung ứng tiền tệ là gì; Hệ thống tiền tệ là gì.