Phân biệt một số khái niệm và chức năng của Tiền Tệ là gì?

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến khái niệm “tiền tệ”, nhưng liệu bạn có thực sự hiểu rõ về nó? Tiền tệ không chỉ đơn thuần là những tờ giấy hay đồng xu mà chúng ta sử dụng hàng ngày, mà còn là một công cụ quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá và phân biệt các khái niệm cơ bản cũng như các chức năng chính của tiền tệ. Hãy cùng truy cập vào chuyên mục Tài Chính của VNLibs.com để tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này và nắm bắt những kiến thức tài chính hữu ích cho cuộc sống của bạn! Trân trọng!

1. Phân biệt một số khái niệm về tiền tệ là gì?

Để thâm nhập vào lĩnh vực tiền, chúng ta hãy bắt đầu làm quen với những khái niệm đơn giản. Trong ngôn ngữ hàng ngày của những công dân bình thường, “Tiền” được sử dụng với nhiều nội dung. Các nhà kinh tế lại giải thích “Tiền” một cách khác. Có thể xem xét một số khác biệt sau đây.

1.1. Tiền (Money) và đồng tiền (Currency).

Khi người dân nói về “Tiền”, tức là họ đang nói về đồng tiền (tiền mặt), về giấy bạc hay tiền kim loại. Xem “tiền” chỉ đơn thuần là “đồng tiền” thì quá hẹp với các nhà kinh tế. Thường cần một định nghĩa rộng hơn của tiền, bởi vì các khoản khác như séc du lịch hay tiền gửi hoạt kỳ,… có thể có tác dụng hữu hiệu như tiền.

Nếu chúng có thể được chuyển đổi một cách nhanh chóng và dễ dàng thành tiền mặt hoặc thành món gửi ở dạng tài khoản séc. Rõ ràng khó có một định nghĩa đơn giản, chính xác của tiền hoặc lượng tiền cung ứng, ngay cả đối với những nhà kinh tế. Chúng ta sẽ thường xuyên đụng chạm đến vấn đề này xuyên suốt môn học về tiền và hoạt động ngân hàng.

1.2. Tiền và của cải (Wealth).

Trong khi đồng tiền (currency) là một định nghĩa quá chật hẹp của tiền (money), cách sử dụng phổ thông khác lại quá rộng nghĩa, chẳng hạn khi nói: “Ông X có một lô khổng lồ tiền, bao gồm một khối đồng tiền lớn, số dư cao trong tài khoản séc, có nhiều cổ phiếu trái khoán, xe, nhà cửa,…”.

Các nhà kinh tế xác định một sự khác biệt giữa tiền (money) dưới dạng tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn và những khoản được dùng để mua với của cải (wealth) là tập hợp các vật chất sở hữu có chứa giá trị. Của cải (wealth) bao gồm không chỉ tiền (money), mà còn cả những gì là đối tượng để sở hữu (được gọi là tài sản có – asset), như trái khoán, cổ phiếu, tác phẩm nghệ thuật, đất, đồ đạc, xe hơi, nhà cửa,…

1.3. Tiền và thu nhập (Income).

Người bình thường cũng dùng từ “tiền” để mô tả cái mà nhà kinh tế gọi là “thu nhập” (income), như trong thí dụ sau: “Anh ấy có một việc làm tốt và kiếm được nhiều tiền (money)”. Thu nhập là một lượng tiền đang kiếm được trong một đơn vị thời gian. Mặt khác, tiền (money) là một lượng tồn kho, nghĩa là một lượng tiền xác định tại một thời điểm nhất định.

Các nhà kinh tế thường định nghĩa “tiền” theo các chức năng của nó. Tiền theo định nghĩa của các nhà kinh tế là: “một vật đảm nhận đồng thời vai trò công cụ trao đổi, công cụ thước đo giá trị và công cụ tích lũy”.

2. Các chức năng của tiền tệ là gì?

Bàn về chức năng của tiền là để khẳng định sự tồn tại khách quan của tiền. Chức năng có những nội dung mang tính tất yếu khách quan vốn có của sự vật. Nhưng nếu không có sự tổng kết hoạt động thực tiễn và phát hiện của con người, thì chức năng không được thể hiện thành văn. Ví dụ, chức năng công cụ trao đổi của tiền là đòi hỏi tất yếu của lưu thông hàng hóa mà có.

Chức năng của phạm trù tiền tệ – đó là hình thức biểu hiện cụ thể của nội dung bên trong của nó. Mỗi chức năng phản ánh từng mặt nhất định của phạm trù tiền tệ. Do đó, nghiên cứu các chức năng của tiền tệ sẽ làm cho bản chất kinh tế – xã hội của tiền, ý nghĩa xã hội của phạm trù kinh tế này bộc lộ đầy đủ hơn.

Nếu trong thời kỳ sơ khai của nền kinh tế hàng hóa, người ta chỉ sử dụng tiền như một công cụ trao đổi, thì cùng với sự phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hóa, tiền đã thể hiện ngày càng đa dạng hơn các chức năng vốn có của mình. Với sự đa dạng về các hình thức tiền tệ được sử dụng trong điều kiện kinh tế hiện nay, các nhà kinh tế đã xem xét các chức năng của tiền tệ ở góc độ tổng quát hơn.

2.1. Công cụ trao đổi (Medium of exchange).

Đồng tiền là một công cụ trao đổi, hay nói chính xác hơn là một công cụ trung gian trong các trao đổi. Mặc dù trong các nền kinh tế hiện đại có nhiều định nghĩa và hình thức tiền tệ khác nhau đang được sử dụng, tất cả các hình thức tiền tệ đều là phương tiện trao đổi của việc mua hàng hóa và dịch vụ. Sự hiện diện của tiền tệ giúp con người tránh được sự bất tiện của việc đổi chác hàng hóa và dịch vụ.

Đối với người sản xuất, khi hàng hóa tiêu thụ được nghĩa là đã chuyển từ hình thái H sang hình thái T có nghĩa là hàng hóa sản xuất ra được thị trường chấp nhận, giá trị hàng hóa được thực hiện, mặt khác giúp người sản xuất bảo tồn được giá trị sản phẩm không bị ảnh hưởng xâm thực do điều kiện tự nhiên.

Khi chưa có đồng tiền, thì trao đổi chỉ được thực hiện một cách có điều kiện. Việc trao đổi phụ thuộc vào sự trùng lắp phức tạp giữa các ý muốn khác nhau, thông thường lại đối lập nhau, bởi nó được thực hiện trong các điều kiện không thỏa đáng. Thật vậy, trao đổi chỉ có thể diễn ra khi người muốn mua một vật có thế thuyết phục người chủ sở hữu vật đó, chấp nhận nhượng lại để đổi lấy vật khác mà anh ta nắm giữ.

Như vậy, việc tìm kiếm “hai ý muốn trùng khớp” sẽ khó khăn và tốn thì giờ. Hai ý muốn trùng khớp (double coincidence of wants) = tìm ra người muốn cái bạn đang thừa và người đó có sẵn cái bạn muốn. Nói nôm na, trao đổi chỉ xảy ra, khi một bên trao đổi tìm gặp người sở hữu hàng hóa mà mình cần và người đó cũng cần loại hàng mà mình có.

Thời gian tiêu hao khi gắng sức để trao đổi hàng hóa và dịch vụ được gọi là một chi phí giao dịch (exchange cost, transaction cost = chi phí giao dịch bao gồm: chi phí thời gian, chi phí đợi chờ và chi phí tìm kiếm). Nhu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi, một cách tự phát, tiếp tục thúc đẩy con người tìm cho được vật thể trung gian (hay vật “gán nợ”) cùng được nhiều người thừa nhận.

Thuở xưa, khi mà suy luận và nhận thức về tiền chưa được hoàn chỉnh, vật trung gian trao đổi phải có “những giá trị cụ thể” được làm từ các dạng vật chất mà bản thân nó đã có giá trị sử dụng sẵn, ít nhất phải tương đương với những gì con người đã trao đi để nhận nó về, lúc đó mới được mọi người thời xưa tín nhiệm nhanh chóng, chấp nhận nó là vật trung gian trao đổi. Những vật thể trung gian ấy đương nhiên phải quen thuộc với tất cả mọi người, và phải quý giá trong cách nhận thức của đa số. Vật thế trung gian ấy ngày càng được sử dụng rộng rãi.

Các thành viên của xã hội thay vì phải chạy loanh quanh kiếm đối tác trao đổi, hoặc phải trao đổi như trước, để có tác nhân thực hiện giao dịch, thì nay chỉ cần dùng sản phẩm thừa đổi ngay lấy “vật thể trung gian”, rồi dùng vật thể trung gian ấy trao đổi ngay cái mà mình cần ở bất kỳ một đối tác khác nào có sản phẩm ấy. Đối tác có sản phẩm chấp nhận “vật thể trung gian” này một cách không băn khoăn, vì họ hoàn toàn cũng có thể dùng nó để trao đổi bất kỳ mọi thứ khác trong xã hội mà mình cần.

Trong thời kỳ đầu, vật trung gian trao đổi thường được chọn từ một loại hàng hóa có giá trị sử dụng cần thiết chung cho nhiều người, có thể bảo tồn lâu ngày đồng thời mang tính chất phổ biến đặc trưng cho địa phương, khu vực diễn ra quan hệ trao đổi.

Vì vậy, trong lịch sử đã có nhiều sản phẩm được sử dụng lúc này hay lúc khác, nơi này hay nơi khác để làm “vật trung gian” trong trao đổi. Một hàng hóa này hay một hàng hóa khác sở dĩ trở thành vật trung gian trao đổi, không phải do sản phẩm nó có một cái gì kỳ diệu và bí ẩn, hay do con người tự đặt ra, mà là kết quá chọn lọc từ hoạt động của các hàng hóa trong quá trình trao đổi lâu dài, để tìm ra một hàng hóa có tính chất thông dụng và phổ biến.

“Vật thè trung gian” ấy đã làm cho trao đổi và tiếp đó là “buôn bán” giữa các cá nhân trong cộng đồng diễn ra rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc chọn vật trung gian trong trao đổi đã không cố định vào một hàng hóa nào, mà trong từng thời gian và ở từng địa phương hàng hóa được nhận làm vật trung gian (vật ngang giá chung) có khác nhau.

Do đó, cùng với phân công lao động mở rộng, quá trình trao đổi không đóng khung trong một địa phương nhỏ hẹp, mà thị trường hàng hóa ngày một mở rộng với các mặt hàng đa dạng và phong phú hơn, đã đòi hỏi phải có một thứ hàng hóa có được tính đồng nhất, đáp ứng yêu cầu trao đổi ngày càng phải chi ly, chính xác và thuận tiện hơn.

Như vậy, quá trình chọn lọc các hàng hóa đã từng đóng vai trò vật trung gian trong trao đổi là quá trình cố định dần vai trò vật ngang giá, vào một hàng hóa mang tính phổ biến nhất. Ngày nay, người ta gọi tên những “vật thể trung gian” như thế là “tiền”. Vật trung gian trao đổi được nhân dân chấp nhận, là vì nó tạo tiện lợi cho trao đổi và vì nó có giá trị thực với những “giá trị cụ thể”.

Trong một nền kinh tế đổi chác, các chi phí giao dịch là rất cao. Như vậy, hình thức hàng đổi hàng không khuyến khích sự phát triển của trao đổi. Suy rộng ra, nền kinh tế phi tiền tệ không thể phát triển bằng một nền kinh tế tiền tệ. Nguyên nhân thì rất dễ hiểu và rất nhiều.

Chỉ riêng nguyên nhân trao đổi, cũng đủ cho thấy là trao đổi bằng hiện vật rất bất tiện, vì phải tìm đúng người vừa có sản phẩm mà mình cần, vừa bằng lòng trao đổi sản phẩm của mình, tức là cần phải có “một sự trùng hợp hỗ tương về ý muốn”.

Tiền là phương tiện giúp mọi thứ có thể chuyển đổi lẫn nhau, giúp xã hội phát triển. Tiền sẽ không được chấp nhận, nếu nó chỉ có hiệu lực trao đổi trong ngày hôm nay, mà không thể dùng để trao đổi từ ngày mai trở đi. Tiền có hiệu lực trao đổi càng ổn định trong thời gian càng lâu càng tốt.

Phương tiện trao đổi là chức năng cổ điển nhất, thông dụng nhất, được đồng ý gần như hoàn toàn về chức năng của tiền và là chức năng quan trọng nhất, mà mọi thứ để được gọi là tiền phải có. Chức năng trao đổi là chức năng quan trọng nhất của tiền, và do vậy, khả năng trao đổi xét về tính chất rộng hay hẹp, sẽ quyết định việc tiền được chấp nhận nhanh hay chậm, dễ dàng hay khó khăn.

Ý nghĩa của chức năng trung gian trao đổi là tiền không phải là thứ mà mọi người thực sự cần, nhưng từ nó hoặc thông qua nó mọi người có được cái mà họ cần. Tiền chỉ là phương tiện, không là cái đích ngắm cuối cùng, là loại phương tiện để mọi thứ có thể chuyển hóa lẫn nhau, giúp xã hội phát triển (vì thế chức năng trung gian trao đổi còn được gọi là “vật ngang giá chung” hay “ngôn ngữ chung”).

Tiền tệ được tạo ra nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi. Đồng tiền cho phép có trao đổi mà không cần bất kỳ điều kiện nào, bởi lẽ đồng tiền là một phương tiện thanh toán vĩnh viễn, vì nó tạo ra một sức mua phổ biến và dễ dàng được sử dụng tức thì.

Phương tiện thanh toán vĩnh viễn có nghĩa là đồng tiền giữ một giá trị gần như bất biến: hàng hóa có thể hư hao nhanh chóng, nhưng bán nó lấy tiền, nhờ vậy giá trị của sản phẩm do người sản xuất tạo ra, được tiền bảo tồn trong một thời gian vô định. Vì hoạt động kinh tế là một hoạt động xảy ra trong một thời gian, cho nên vai trò bảo tồn giá trị này đáng được xem là cực kỳ quan trọng.

Với sức mua được phổ biến, đồng tiền cho phép người nắm giữ nó, sắm được không chỉ một hàng hóa giới hạn nào đó, mà bất cứ hàng hóa nào nằm trong một khu vực địa lý xác định. Nhờ đó, đồng tiền giúp tránh khỏi vấn đề “hai ý muốn trùng khớp”, loại bỏ được nhiều thời gian chi phí khi trao đổi hàng hóa dịch vụ.

Bên cạnh sức mua phổ biến, đồng tiền cũng còn phải là một sức mua có thể được sử dụng tức thì. Chỉ có bản thân tiền mặt mới có tính chất này. Thậm chí các chứng khoán, được coi gần như có thể thay thế được tiền mặt như các tài khoản vãng lai, cũng còn xa mới đạt được khả năng tuyệt đối, tức là có thể chuyển hóa ra tiền ngay lập tức và chi phí bằng không, vì còn phải mất thời gian để đi đến ngân hàng đổi séc lấy tiền mặt (mặc dù ngày nay, sự phát triển công nghệ cho phép giảm thời gian để thanh toán các chứng khoán so với trước) và cũng phải mất một số lệ phí.

Một tín phiếu kho bạc thời hạn một năm chẳng hạn, không thể cứ như vậy được dùng để thanh toán; trước hết nó cần phải được chuyển đổi thành tiền mặt khi đến hạn, hoặc thậm chí được hoàn trả trước hạn. Đồng tiền rõ ràng tỏ ra là vốn khả dụng tuyệt vời.

Các nhà kinh tế thông thường đo lường mức độ khả dụng (sẵn sàng thanh toán) của một hàng hóa bằng thời hạn và chi phí, để chuyển đổi hàng hóa đó thành tiền mặt. Khi mà thời hạn và chi phí nói trên bằng không, thì hàng hóa đó được coi là tương tự như đồng tiền. Chính điều này (chức năng công cụ trao đổi) phân biệt tiền với những động sản tài chính khác (như cổ phiếu, trái khoán,…)

Để có thể là một công cụ trao đổi, tiền phải có thể “lưu thông”, có nghĩa là phải được trao và được nhận, đồng tiền phải có dạng tồn tại, trực tiếp hay gián tiếp, dưới hình thức vật chất hay phi vật chất (tiền trên tài khoản). Nói cách khác, đồng tiền không thể là “đơn vị tính toán” mà không có dạng tồn tại thực sự.

Ý nghĩa trung gian trao đổi biểu hiện là tiền không phải là thứ thỏa mãn trực tiếp thực sự nhu cầu mà con người cần, nhưng từ nó hoặc thông qua nó mọi người có được cái mà họ cần. Với chức năng công cụ trao đổi, tiền thúc đẩy hiệu quả kinh tế qua việc loại bỏ được nhiều thời gian chi phí khi trao đổi hàng hóa và dịch vụ.

Nó cũng thúc đẩy hiệu quả kinh tế qua việc, cho phép một người chuyên làm các công việc mà người đó làm tốt nhất. Tiền có tác dụng như một thứ dầu mỡ bôi trơn cho phép nền kinh tế vận hành trơn tru hơn, nhờ giảm thiểu chi phí giao dịch, từ đó khuyến khích chuyên môn hóa và phân công lao động trong xã hội.

Để một hàng hóa hoạt động được một cách hữu hiệu như tiền, nó phải đạt được một số chuẩn mực: Nó phải được tạo ra hàng loạt một cách dễ dàng, làm dễ dàng cho việc xác định giá trị của nó; Nó phải được chấp nhận một cách rộng rãi; Nó có thể chia nhỏ được nhờ đó dễ “đổi chác” hay ngược lại phải cho phép thực hiện các khoản thanh toán lớn hơn; Nó phải dễ chuyên chở; Nó không bị hư hỏng một cách nhanh chóng.

Các dạng tiền tệ thỏa mãn các chuẩn mực này, đã có nhiều dạng khác thường qua lịch sử phát triển của nhân loại, được tạo ra trong đời sống xã hội của các dân tộc ngay từ khi dân tộc đó cảm thấy có nhu cầu trao đổi. Tính chất đa dạng của tiền được tạo ra từ xưa đến nay là một minh chứng cho tính sáng tạo của loài người tương tự như việc tạo ra công cụ và ngôn ngữ.

Để thực hiện công cụ chức năng trao đổi, tiền có các đặc trưng sau: bắt buộc phải là tiền mặt; không nhất thiết phải là tiền thật (tiền vàng) mà có thể là các dấu hiệu giá trị (tiền giấy…); có sức mua ổn định, có đủ khối lượng và chủng loại lớn, nhỏ.

Sự vận động của tiền gắn liền với sự vận động của hàng hóa theo công thức H-T-H. Công thức H-T-H (hàng – tiền – hàng) là một khái niệm trong kinh tế học, mô tả quá trình chuyển đổi hàng hóa thành tiền và sau đó tiền lại được sử dụng để mua hàng hóa khác.

Quá trình này bao gồm ba giai đoạn chính: Hàng (H): Sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; Tiền (T): Khi hàng hóa được bán, người mua trả tiền cho người bán; Hàng (H): Tiền thu được từ việc bán hàng hóa được sử dụng để mua hàng hóa khác, tiếp tục chu kỳ H-T-H. Công thức này giúp mô tả sự lưu thông của tiền tệ trong nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch và phát triển kinh tế xã hội.

Nhờ đó lưu thông hàng hóa được thuận lợi, sản xuất phát triển. Trong trao đổi, hàng hóa và tiền vận động ngược chiều nhau: tiền từ người mua sang người bán, hàng từ người bán sang người mua và theo đó cũng chuyển đổi luôn quyền sở hữu. Dòng đối lưu của chu chuyển hàng hóa là tiền tệ.

Sự luân chuyển ngược chiều nhau không ngừng của hai dòng chảy tiền, hàng tạo nên sự tăng trưởng liên tục của hoạt động kinh tế. Bất cứ vì một lý do nào, luồng tiền bị tắc nghẽn, tức khắc sự lưu thông hàng hóa đình trệ ngay tại cùng thời điểm. Từ khi có ngân hàng, ngân hàng đã chủ động tạo ra tiên trước với tư cách là vốn để chuyển hóa ra hàng nhằm thu được lượng tiền mới lớn hơn theo công thức T-H-T.

Công thức T-H-T (tiền – hàng – tiền) là một khái niệm trong kinh tế học, đặc biệt trong lý thuyết tư bản của Karl Marx. Công thức này mô tả quá trình lưu thông của tư bản, trong đó tiền được sử dụng để mua hàng hóa, và sau đó hàng hóa được bán lại để thu về một lượng tiền lớn hơn ban đầu.

Quá trình này bao gồm ba giai đoạn chính: Tiền (T): Đầu tư một số tiền ban đầu; Hàng (H): Sử dụng số tiền đó để mua hàng hóa hoặc dịch vụ; Tiền (T): Bán hàng hóa hoặc dịch vụ đó để thu về một lượng tiền lớn hơn, tạo ra giá trị thặng dư.

Mục đích của công thức T-H-T là tạo ra giá trị thặng dư, tức là số tiền thu về phải lớn hơn số tiền đã đầu tư ban đầu. Đây là một trong những nguyên lý cơ bản của tư bản, giúp giải thích cách mà tư bản phát triển và tích lũy giá trị.

2.2. Công cụ thước đo giá trị (Standard of value; Unit of account).

Đồng tiền cho phép đo lường giá trị của các hàng hóa không đồng nhất, và lập nên mối quan hệ tương hỗ giữa các loại hàng hóa. Đó là một mẫu số chung cho phép biểu thị và so sánh giá cả của tất cả các loại hàng hóa.

Tiền tệ cung cấp đơn vị tiêu chuẩn cho việc tính toán, biểu thị giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ bằng một đơn vị đo lường duy nhất, để giản dị hóa việc giao dịch và công việc ghi chép, làm cho đời sống kinh tế được đơn giản hóa rất nhiều.

Bởi lẽ, trong nền kinh tế phát triển với sự tham gia của hàng vạn mặt hàng trên thương trường, nếu không có một đơn vị thanh toán chung, người ta sẽ tốn rất nhiều thời gian để xác định những quan hệ tỷ lệ giữa các hàng hóa với nhau khi muốn thực hiện trao đổi.

Nhưng nếu có một đơn vị thanh toán chung, người ta chỉ quy định giá cả hiện tại, mà hơn nữa còn dự đoán cả mức giá trong tương lai. Nhờ đó, đồng tiền cho phép đo được các chi phí dịch vụ và hàng hóa trên thị trường, và cho phép sự lựa chọn so sánh giữa các loại hàng hóa này với hàng hóa khác.

Giờ đây, chúng ta hãy đặt mình trong một xã hội đơn giản hóa, chỉ có ba loại hàng hóa: lúa mì, cừu và bò. Ngay từ khi trong xã hội này, hình thành sự trao đổi thì mối quan hệ tương hỗ được thiết lập giữa ba loại hàng hóa nói trên.

Nếu chúng ta quyết định lấy đơn vị thanh toán là lúa mì, thì chúng ta không cần ghi nhận ba mối quan hệ tương hỗ nêu trên, mà chỉ cần có hai mối quan hệ thôi, đó là các mối quan hệ giữa mỗi một hàng hóa với hàng hóa được chọn là đơn vị tính toán và từ hai quan hệ trên, chúng ta có thể suy ra mối quan hệ thứ ba.

Trong một xã hội mà chỉ có ba loại hình hàng hóa, thì lợi ích đưa ra một đơn vị tính toán tỏ ra không lớn lắm, bởi lẽ nó chỉ dừng lại ở chỗ xác định mối quan hệ thứ ba trên cơ sở có sẵn hai mối quan hệ trước đó. Trong một xã hội, như các xã hội hiện đại, có sự gặp gỡ hàng nghìn hàng hóa thì lợi ích nêu trên trở nên rất đáng kể.

Thực vậy, khi mà “n” hàng hóa được sản xuất ra, có bao nhiêu cách so sánh hai hàng hóa một với nhau, có nghĩa là (n (n – 1))/2 , thì sẽ có bấy nhiêu mối quan hệ tương hỗ giữa các hàng hóa đó. Việc sử dụng một đơn vị tính toán sẽ cho phép người ta biết được (n – 1) mối quan hệ tương hỗ giữa hàng hóa được dùng làm đơn vị tính toán và các hàng hóa khác, xác định được toàn bộ các mối quan hệ hiện có trong xã hội.

Với 100 loại hàng hóa thôi, thì việc biết được (n – 1) = 99 mối quan hệ sẽ đem đến sự hiểu biết về (n (n – 1 )) / 2 = 4950 mối quan hệ. Không một nền kinh tế nào, dù kém phong phú như nêu ở trên, cũng không thể không có một đơn vị tính toán chung. Như vậy, với 100 loại hàng, chúng ta sẽ cần biết 4950 giá để trao đổi một thứ hàng hóa này với một thứ hàng hóa khác; với 1000 mặt hàng cán 499.500 giá,…

Từ đó, có thể hình dung ra sự khó khăn đến thế nào, nếu đi mua sắm ở một siêu thị với 1000 mặt hàng khác nhau trên các giá đặt hàng của nó: khi quyết định chọn một loại hàng rẻ hơn loại khác, người ta có thể so sánh giá của tất cả các mặt hàng và thời gian dùng, để so sánh sẽ đưa đến một chi phí giao dịch rất lớn. Giải pháp cho vấn đề này, là đưa tiền vào nền kinh tế và định giá bằng đơn vị tiền tệ cho tất ta các mặt hàng. Chúng ta thứ so sánh bằng bảng sau đây.

Bảng 1: Số lượng giá trong một nền kinh tế đổi chác ứng với số lượng giá trong một nền kinh tế dùng tiền.
Số mặt hàng Số lượng giá trong một nền kinh tế đổi chác Số lượng giá trong một nền kinh tế tiền tệ
3 3 3
10 45 10
100 4.950 100
1.000 499.500 1.000
10.000 49.995.000 10.000

Công thức cho chúng ta biết số giá ta cần khi chúng ta có N mặt hàng giống như công thức tính số cặp khi có N phân tử: (n (n-1)) / 2. Ví dụ trường hợp có 10 mặt hàng, ta sẽ có công thức tính như sau: (10 (10 -1)) / 2 = 45 giá.

Qua bảng trên, có thể thấy rằng việc dùng tiền làm thử đơn vị đánh giá, giảm được chi phí thời gian để giao dịch trong một nền kinh tế, nhờ giảm số giá cần phải xem xét. Đồng tiền là một yếu tố không thể thiếu được đối với hoạt động của tất cả mọi nền kinh tế.

Trong nền kinh tế thị trường, đồng tiền cho phép các nhà sản xuất thông qua giá trị của các khoản thu nhập của mình, được đánh giá bằng đồng tiền có được các quyết định có liên quan đến việc theo đuổi, hay là ngừng hoạt động sản xuất, có nghĩa là chọn hướng đầu tư của các doanh nghiệp.

Đồng tiền cho phép các nhà tiêu dùng cung cấp các chỉ dẫn cần thiết cho các nhà sản xuất, qua sự lựa chọn trong tiêu dùng của họ. Đồng tiền cho phép đo giá trị thực tế của các luồng, và các đại lượng tài chính hay hàng hóa trong kế toán quốc gia.

Đơn vị tiền tệ hiện hành trong một nước làm thành bản vị đo lường. Bản vị tiền tệ là cái tiêu chuẩn chung, mà mỗi nước chọn làm căn bản cho đơn vị tiền tệ của mình. Trong lịch sử tiền tệ, các tiêu chuẩn chung đó có thể là hàng hóa, không phải là kim loại, kế tiếp là bạc, vàng hay ngoại tệ. Chọn bản vị cho đơn vị tiền tệ của một nước, tức là định nghĩa đơn vị tiền tệ nước đó.

Trong giai đoạn tiền kim loại quý, bản vị tiền tệ được xác định bởi một trọng lượng vàng hoặc bạc. Ngày nay, bản vị tiền không được xác định theo cách ấy nữa, mà được luật pháp thừa nhận (nên được gọi là Tiền pháp định). Quyền định ra đơn vị tiền tệ là quyền tối thượng (Droit régalien), thuộc chủ quyền tiền tệ quốc gia.

Một khi chính quyền đã chọn và định nghĩa đơn vị tiền tệ của nước mình, về mặt pháp lý, đơn vị tiền tệ đó có một giá trị chính thức và có hiệu lực giải trái (discharge: thanh toán xong nợ) vô hạn định trên khắp đất nước, nghĩa là nó được dùng rộng rãi trong dân chúng, trong các cuộc giao dịch, ngoài việc đo lường giá trị tài sản.

Khi làm chức năng thước đo giá trị, tiền tệ biểu hiện và đo lường giá trị của các hàng hóa khác thành giá cả. Giá cả do vậy được xác định, được so sánh cao thấp, được đánh giá ”mắc” hay “rẻ”, thông qua số lượng đơn vị tiền tệ phải bỏ ra để có được hàng hóa. Tiền giúp cho mọi việc đều có thể định lượng và đánh giá.

Thông qua số lượng đơn vị tiền tệ được dùng để trao đổi lấy nó, hàng hóa, dịch vụ,… được xác định bằng cái mà người ta vẫn gọi là “giá cả”. Vì vậy, khi tiền là đơn vị tính toán, nó đồng thời là tiêu chuẩn, là thước đo của các loại giá trị khác nhau của mọi vật chất trong đời sống. Để đo lường giá trị hàng hóa, bản thân tiền cũng phải được đo lường, phải có tiêu chuẩn giá cả, nghĩa là đơn vị đo lường tiền tệ (hay là đơn vị tiền tệ, bản vị tiền tệ).

Mỗi đơn vị tiền tệ đều có một giá trị tiềm ẩn, mà người ta gọi là sức mua của nó. Đồng tiền được ưa chuộng là nhờ sức mua của nó. Sức mua của đồng tiền được hiểu là số lượng hàng hóa và dịch vụ tạo mãi được. Như vậy, trong đồng tiền có một số lượng hàng hóa và dịch vụ tiềm ẩn, tức là giá trị thật của nó.

“Con người kiếm tiền chẳng phải vì tiền, mà vì những gì con người mua được bằng tiền” (Adam Smith – 1776). Bản vị đo lường giá trị (đơn vị tiền tệ) trừu tượng hơn bản vị độ dài (mét – M), hoặc bản vị sức nặng (kilogam – Kg). Giá trị là một khái niệm trừu tượng, trong khi độ dài và sức nặng có thể nhận ra bởi một hoạt động giác quan.

Trên thực tế, bản vị giá trị đo giá trị những của cải trao đổi là những dấu hiệu tiền tệ, sự biểu hiện của giá trị này là giá cả. Để thực hiện chức năng thước đo giá trị, tiền có các đặc điểm: phải là tiền thực, nghĩa là có đầy đủ giá trị, giá trị ổn định trong một thời gian dài; không nhất thiết phải là tiền mặt mà chỉ là tiền trong ý niệm thôi.

2.3. Công cụ tích lũy, lưu giữ giá trị hay bảo tồn giá trị (Store of value hay Store of purchasing power).

Chức năng này của tiền là hữu ích, vì hầu hết chúng ta không muốn chi tiêu thu nhập của mình ngay lập tức khi nhận được nó, mà muốn đợi đến khi chúng ta có thời giờ hoặc có ý muốn mua sắm. Với chức năng này, đồng tiền cho phép người nắm giữ nó, dự trù được mật độ sức mua khả dụng cho các giao dịch trong tương lai, là một nơi chứa sức mua hàng qua thời gian.

Tiền tệ có chức năng dự trữ giá trị cho đến chừng nào cá nhân hoặc tổ chức, muốn tiêu xài để mua hàng hóa và dịch vụ vào thời điểm mong muốn. Như vậy, tiền không chỉ được sử dụng tất cả cho chi tiêu, mà còn thực hiện tích lũy để đề phòng rủi ro trong tương lai, hoặc tích lũy để mua sắm, nghĩa là người ta muốn chuyển nhu cầu tiêu dùng từ thời điểm này sang thời điểm khác.

Trước đây, trong cơ chế lưu thông tiền kim loại, người ta có quan niệm tích lũy tiền tệ như một dạng của cải xã hội, nên việc chôn giấu kim loại quý trong những chum, lọ là phổ biến. Và ngày nay, trong giai đoạn mà nền kinh tế có lạm phát cao, người ta cũng có xu hướng quay về tích lũy vàng như một hình thức bảo tồn tài sản của mình.

Trong điều kiện nền kinh tế phát triển bền vững, khi các doanh nghiệp muốn đầu tư mở rộng sản xuất, khi dân cư có nhu cầu mua sắm những vật phẩm có giá trị cao để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, người ta thường tích lũy dưới dạng tiền tài sản hoặc số dư trên tài khoản ký thác tại ngân hàng. Với chức năng phương tiện tích lũy, tiền cho phép người sở hữu nó, dự trù một sức mua khả dụng cho các giao dịch trong tương lai.

Tuy nhiên, chức năng này không phải là của riêng tiền tệ. Phần lớn các tài sản có như động sản, đồ trang sức, vàng khối, chứng phiếu,… đều có thể đóng vai trò lưu giữ giá trị này. Một số tài sản có thể tỏ ra ưu việt hơn so với đồng tiền trong chức năng này.

Đặc biệt trong giai đoạn có lạm phát, việc tích trữ tiền mặt chỉ cho phép chuyển một sức mua bị giảm đi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác mà thôi. Việc lưu giữ các tín phiếu kho bạc có thời hạn ngắn, có thể tỏ ra có lợi thế hơn bởi các khoản lãi do tín phiếu đem lại, có thể bù đắp một phần giảm sút của sức mua do lạm phát gây ra.

Tuy nhiên, việc nắm giữ tiền mặt vẫn có một lợi thế, đó là tính khả dụng của nó. Một người đã mua chứng phiếu hay thỏi vàng, thì sẽ phải bán lại chúng trên thị trường cùng với mọi rủi ro vào ngày, mà anh ta quyết định sử dụng dự trữ sức mua này. Nếu anh ta lưu giữ dưới dạng tiền mặt, thì bất kể lúc nào anh ta cũng có được một sức mua khả dụng (liquidity) ngay tức khắc.

Những tài sản khác đòi hỏi chi phí giao dịch khi cần chuyển sang tiền, còn tiền thì không cần phải được chuyển thành thứ gì khác với mục đích để mua hàng. Tiền là nơi chứa giá trị tốt đến thế nào, thì tùy thuộc vào mức giá do giá trị của nó được ấn định theo mức giá.

Bạn phải nhớ, nếu các giá cả mặt hàng tăng gấp hai chẳng hạn, thì nghĩa là giá trị của tiền đã sụt một nửa, còn nếu các giá cả mặt hàng đều giảm đi một nửa, thì nghĩa là giá trị tiền đã tăng lên hai lần.

Chính vì đồng tiền có thể được lưu giữ trong một khoảng thời gian nào đó giữa hai lần sử dụng liên tục, mà luôn luôn có sự tồn tại một khối lượng nào đó, một “kho lưu giữ” nào đó về đồng tiền khả dụng của các chủ thể kinh tế khác nhau (đặc biệt là các doanh nghiệp và các hộ gia đình).

Chính chức năng này, giải thích phần lớn tầm quan trọng của việc lưu thông tiền tệ trong các nền kinh tế hiện đại. Nếu các thành viên trong nền kinh tế cho rằng, đồng tiền chỉ duy nhất được dùng để mua sắm ngay lập tức, thì hiển nhiên là họ không cần lưu giữ đồng tiền. Đồng tiền ngay sau khi kiếm được, sẽ được chi tiêu ngay.

Mỗi một đơn vị tiền tệ sẽ được chạy liên tục từ người này sang người khác, mà không bao giờ dừng lại trong tay ai cả. Nếu người ta nhận thấy có một khối lượng tiền tệ đáng kể, đang lưu thông trong tất cả các nền kinh tế lớn ngày nay, đó chính là vì tiền tệ đó không chỉ được dùng để chi tiêu, mà còn được sử dụng không cho mục đích chi tiêu, hay nói cách khác, là tích lũy, chuyển sức mua từ giai đoạn này sang giai đoạn khác.

Tất nhiên, khối lượng tiền đang lưu thông nói trên, biến đổi không ngừng tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, song điều này sẽ được đề cập sau. Để có thể đo được một cách chính xác các biến đổi nói trên, và tìm hiểu nguyên nhân của chúng, cần thiết phải nghiên cứu các loại hình tiền tệ, chứ không phải chỉ đơn thuần dựa trên các chức năng của đồng tiền.

Chức năng công cụ tích lũy khiến cho người ta thích giữ tiền, tích trữ tiền. Nếu không có tiền, của cải thu hoạch không tiêu dùng hết, sẽ được tích trữ dưới hình thức hiện vật, những hình thức tích trữ này bất tiện, vì hiện vật giữ lâu dễ bị hư, mất phẩm chất,… Hơn nữa, muốn tích trữ nhiều hiện vật phải có chỗ rộng rãi. Đó là chưa kể điều bất lợi khác ở chỗ tích trữ tài sản dưới hình thức hiện vật không che giấu được lợi tức của cá nhân.

Trái lại, với hình thức tiền tệ tài sản, của cải có thể để dành lâu dài được và những bất tiện kể trên cũng biến mất. Giữ tài sản dưới hình thức tiền tệ, người ta có thể mua sắm mọi vật, có thể thỏa mãn ngay các nhu yếu của mình khi cần. Như vậy, tiền có đặc tính là dễ lưu động, và tiền còn được gọi là thanh khoản (liquidity), nghĩa là ngân khoản có thể huy động dễ dàng để thanh toán mọi khoản chi tiêu khi cần thiết.

Tiền làm chức năng công cụ tích lũy, khi người sở hữu trực tiếp của nó tạm thời chưa sử dụng, mà để dành cho nhu cầu mua sắm, chi trả trong tương lai. Lúc đó tiền ở trạng thái nằm im để dự trữ. Tuy nhiên cần lưu ý dự trữ dưới hình thức tiền tệ, chưa phải là phương án tối ưu, đặc biệt là trong điều kiện lạm phát.

Dưới hình thức tiền tệ, hành vi tích lũy thể hiện ở chỗ tích tụ tài sản có tiền tệ như: sự tích trữ tiền đúc hoặc tiền giấy, sự duy trì một số dư tối thiểu ở những tài khoản séc, biến đổi những vật thể nợ trực tiếp ra công cụ chi trả.

Dĩ nhiên, hành vi tích lũy có thể diễn ra bởi việc mua những phương tiện tài chính, nghĩa là bởi việc chuyển đổi tiền tệ thành tài sản có hoặc trái phiếu phát hành bởi những công ty hoặc công trái của chính phủ. Tiền tệ cũng có thể cho vay, người tích lũy lúc đó chuyển cho một tác nhân khác quyền mua, mà họ không sử dụng và để bù lại được quyền đòi nợ tác nhân này.

Tiền tệ là một yếu tố trong những yếu tố khác của gia sản của những ai có nó: chứng khoán, động sản, bất động sản,… Một nền kinh tế muốn cho các nguồn vốn lưu thông đưa từ khu vực thặng dư sang khu vực khiếm hụt, nền kinh tế đó phải đầy đủ thanh khoản.

Thanh khoản không những giúp lưu thông nguồn vốn, nó còn giúp lưu động hóa các nguồn vốn bất động dễ thiếu thanh khoản, tích lũy của nền kinh tế sẽ bị bất động dưới các hình thức các tài sản như vàng, bất động sản, các đồ vật quý,… Nhưng một nền kinh tế muốn có đầy đủ thanh khoản, nền kinh tế phải được tiền tệ hóa cao.

Tiền tệ hóa, nói một cách tổng quát, có nghĩa là mọi hành động tích lũy, trao đổi mua bán, chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ, các giấy tờ có giá trị đều được thực hiện bằng tiền hoặc chuyển tiền. Mức độ tiền tệ hóa cao hay thấp của nền kinh tế tùy thuộc vào khả năng cung ứng tiền tệ, khả năng này tùy thuộc chính sách tiền tệ ngân hàng trung ương.

Như vậy, để thực hiện chức năng công cụ tích lũy trong nền kinh tế hiện đại, tiền tệ phải là tài sản chứa đựng đặc tính của một thứ tài sản tài chính, nghĩa là có thu nhập dự tính (bên cạnh thu nhập dự tính, tất yếu phải có rủi ro và tính thanh khoản).

3. Tóm lại.

Các diễn giải trên đưa đến một nhận định khái quát sau: Tiền tỏ ra là một loại hàng hóa đảm nhận đồng thời ba chức năng: công cụ trao đổi; đơn vị tính toán (hay công cụ đo lường giá trị); công cụ tích lũy (hay lưu giữ giá trị).

Khi là đại diện cho một sức mua phổ biến (hay vật ngang giá chung) và sử dụng ngay tức thì trong một khu vực tiền tệ, thì đồng tiền là công cụ trung gian trong các trao đổi, cho phép đảm nhận các việc thanh toán

Khi đóng vai trò là đơn vị tính toán, tiền tệ cho phép đo lường và so sánh một cách thuận tiện giá trị của hàng hóa không đồng nhất. Hơn các tài sản có khác, đồng tiền cho phép, dựa trên tính khả dụng của mình có thể chuyển sức mua từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, ít ra khi mà trượt giá còn nằm trong giới hạn hợp lý.

Các nhà kinh tế từ Đông sang Tây đều tìm hiểu khái niệm tiền tệ qua chức năng vai trò của nó trong đời sống xã hội. Nếu trong thời kỳ sơ khai của nền kinh tế hàng hóa, người ta chỉ sử dụng tiền tệ như một công cụ trao đổi, thì cùng với sự phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa, tiền tệ đã thể hiện ngày càng đa dạng hơn các chức năng vốn có của mình.

Trong thời đại của mình, K.Marx cho rằng “vàng” trong vai trò vật ngang giá chung là tiền hàng hóa và ông nêu lên 5 chức năng mà “vàng” – tiền tệ thực hiện trong điều kiện kinh tế hàng hóa phát triển là: Chức năng thước đo giá trị; Chức năng phương tiện lưu thông; Chức năng phương tiện cất giữ; Chức năng phương tiện thanh toán; Chức năng tiền tệ thế giới.

Ngày nay cơ chế lưu thông tiền kim loại, đã nhường chỗ cho cơ chế lưu thông tiền giấy không chuyển đổi ra “vàng”. Do đó, với sự đa dạng về các hình thức tiền tệ được sử dụng trong điều kiện kinh tế hiện nay, các nhà kinh tế đã xem xét các chức năng của tiền ở một giác độ tổng quát hơn.

Không còn xem xét ở góc độ hạn hẹp và giản đơn rằng tiền tệ chỉ là tiền kim loại hay tiền giấy, mà đã xem xét tiền tệ ở góc độ rộng hơn kể cả các loại séc, số dư tiền gửi hoạt kỳ tại ngân hàng,… nếu chúng có thể chuyển đổi dễ dàng thành tiền mặt.

Trước đây, chúng ta đã làm quen với khái niệm là tiền tệ thực hiện 5 chức năng: thước đo giá trị; phương tiện lưu thông; phương tiện cất trữ; phương tiện thanh toán; tiền tệ thế giới. Cả 5 chức năng, nhất là 4 chức năng đầu, quyện chặt vào nhau trong nền kinh tế hàng hóa, một quốc gia có nền tiền tệ theo cơ chế bản vị vàng.

Gần đây, có tác giả tuy có sự đồng ý với 3 chức năng của tiền tệ như đã trình bày, còn đề cập thêm chức năng thứ tư là công cụ thanh toán hoãn hiệu (standard of deferred payment). Chính chức năng này biến tiền tệ thành tín dụng, hay đúng hơn, gắn tiền tệ với tín dụng. Muốn được chấp nhận làm phương tiện thanh toán hoãn hiệu (tức là phương tiện trả nợ) trong các hợp đồng tín dụng, tiền tệ phải có sức mua hay giá trị ổn định trong thời gian.

Trong chức năng này, tiền tệ không còn là trung gian của trao đổi hàng hóa, mà là khâu bổ sung, kết thúc cho lưu thông hàng hóa. Lúc này sự vận động của tiền tách rời độc lập tương đối, so với sự vận động của hàng hóa phục vụ cho việc thanh toán các khoản nợ nần.

Thực ra, phương tiện thanh toán là một chức năng gộp của hai chức năng “trung gian trao đổi” và “đơn vị tính toán”. Tuy nhiên, người ta vẫn cứ muốn tách nó riêng ra để phản ánh một tính chất điển hình của tiền giấy: tiền giấy là phiếu nợ (hay trái phiếu).

Ngày nay, phần đông các nhà kinh tế đồng ý với luận giải ba chức năng của tiền tệ. Các nhà kinh tế đã có cách tiếp cận hiện đại, nhấn mạnh sự tương tác giữa lý thuyết kinh tế và kinh nghiệm thực tế sống động. Từ năm chức năng trước đây, hay bốn chức năng gần đây của tiền tệ, nay được quy gọn thành ba chức năng.

Ba chức năng của tiền tệ thu gọn lại đã quy tụ đủ thông tin, để thể hiện năng lực lưu thông và thanh toán rồi, vì có lưu thông mới làm được chức năng trao đổi, có đo được giá trị và cất giữ giá trị thì mới xuất hiện phương tiện thanh toán.

Chính sức mua hay giá trị của tiền tệ được ổn định hay bền vững, đã gây cho người ta một niềm tin và sự tín nhiệm nơi tiền. Và chính chữ tín là căn bản trong mọi giao dịch về tiền tệ, là điều kiện quan trọng nhất để một vật nào đó được dùng làm tiền, đáp ứng được toàn bộ các chức năng của tiền. Không cần thiết phải chứng minh rằng, việc sử dụng công nghệ mới sẽ không làm thay đổi chức năng và bản chất của tiền tệ.

Trong thời kỳ phát triển công nghệ thông tin hiện nay, đã không hình thành thêm một chức năng mới nào, ngoài 3 chức năng (phương tiện lưu thông; thước đo giá trị; và phương tiện cất trữ giá trị) đã được biết đến. Ngày nay, những tiến bộ mới gắn với việc sử dụng công nghệ thông tin, là mô hình hóa các đặc điểm của vật thể và quan hệ hình thành các quá trình, chức năng và công nghệ mà nhân loại đã sử dụng trong hoạt động kinh tế trước đó.

Tác giả: Lê Văn Tư


Bạn đang xem bài viết:
Phân biệt một số khái niệm và chức năng của Tiền Tệ là gì?
Link https://vnlibs.com/tai-chinh/phan-biet-mot-so-khai-niem-va-chuc-nang-cua-tien-te-la-gi.html

Hashtag: #taichinh #tiente #thitruongtaichinh #kinhte #taichinhnganhang #taichanh

Mọi người cũng hỏi: Các chức năng của tiền tệ là gì? Khi thực hiện chức năng phương tiện lưu thông, tiền dùng để làm gì? Đâu là chức năng cơ bản nhất của tiền? Tiền tệ giữ vai trò như thế nào trong quá trình trao đổi hàng hóa?

Mọi người cũng tìm kiếm: 3 chức năng của tiền tệ; 5 chức năng của tiền tệ; Bản chất của tiền tệ là gì; Các hình thái của tiền tệ; Chức năng của tiền tệ và ví dụ; Chức năng quan trọng nhất của tiền tệ; Khái niệm tiền tệ là gì; Mối quan hệ giữa các chức năng của tiền tệ; Nguồn gốc của tiền tệ; Phương tiện lưu thông là gì; Tệ trong tiền tệ là gì; Tiền là gì theo triết học; Tiền tệ có mấy chức năng; Tiền tệ là gì kinh tế chính trị; Trong 5 chức năng của tiền tệ chức năng nào quan trọng nhất vì sao; Ví dụ về 5 chức năng của tiền tệ.