Mỗi nền văn hóa có thể được quy về một loại hình văn hóa. Khi biết được một nền văn hóa thuộc loại hình nào, ta cũng sẽ biết được những dấu hiệu đặc trưng cho phép phân biệt nó với những nền văn hóa thuộc các loại hình văn hóa khác.
Việc quy một nền văn hóa về một loại hình và việc khu biệt nó với các nền văn hóa khác trong cùng loại hình (cũng như giữa các loại hình văn hóa với nhau) được chúng tôi thực hiện căn cứ vào việc định vị nền văn hóa đó trên một hệ tọa độ gồm ba trục là Không gian văn hóa, Chủ thể văn hóa, và Thời gian văn hóa. Hãy cùng VNLibs.com khám phá nội dung tiếp theo để hiểu rõ thêm về văn hóa Việt Nam.
1. Hệ thống loại hình văn hóa.
Hệ thống loại hình văn hóa là một cách phân loại và tổ chức các nền văn hóa khác nhau trên thế giới dựa trên các đặc trưng, đặc điểm và yếu tố cụ thể của từng nền văn hóa. Mục tiêu của hệ thống này là giúp hiểu rõ hơn về sự đa dạng văn hóa, cũng như mối quan hệ và tương tác giữa các nền văn hóa khác nhau.
Các yếu tố chính trong hệ thống loại hình văn hóa: đặc trưng địa lý; lịch sử và truyền thống; ngôn ngữ; tôn giáo và tín ngưỡng; kinh tế và xã hội; nghệ thuật và văn học.
– Đặc trưng địa lý: Vị trí địa lý ảnh hưởng đến điều kiện tự nhiên, khí hậu, tài nguyên và môi trường sống, từ đó tạo nên các đặc trưng văn hóa riêng biệt.
– Lịch sử và truyền thống: Quá trình phát triển lịch sử, các sự kiện quan trọng, phong tục tập quán, và truyền thống dân tộc đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành loại hình văn hóa.
– Ngôn ngữ: Ngôn ngữ là phương tiện truyền đạt văn hóa quan trọng, mỗi loại ngôn ngữ có cách biểu đạt, cấu trúc và ngữ nghĩa riêng, phản ánh đặc trưng văn hóa của một dân tộc.
– Tôn giáo và tín ngưỡng: Tôn giáo và tín ngưỡng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các giá trị, chuẩn mực đạo đức, phong tục và lối sống của cộng đồng.
– Kinh tế và xã hội: Cấu trúc kinh tế, nghề nghiệp chính, cơ cấu xã hội và mức độ phát triển kinh tế ảnh hưởng lớn đến đời sống và văn hóa của mỗi dân tộc.
– Nghệ thuật và văn học: Các thành tựu trong nghệ thuật, văn học, âm nhạc, kiến trúc và các hình thức sáng tạo khác thể hiện rõ nét tính độc đáo và đa dạng của mỗi nền văn hóa.
Hệ thống loại hình văn hóa giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về sự phong phú của văn hóa nhân loại, đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa khác nhau.
1.1. Phân biệt văn hóa phương Đông và phương Tây.
Trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, tại cựu lục địa Á – Âu (Eurasia) đã hình thành hai khu vực văn hóa lớn là “phương Tây” và “phương Đông”. Phương Tây là khu vực phía tây – bắc bao gồm toàn bộ châu Âu (đến dãy Uran của Nga); phương Đông là khu vực phía đông – nam bao gồm toàn bộ châu Á và phần đông – bắc của châu Phi.
Những đặc trưng loại hình rút ra từ đối lập “phương Tây – phương Đông” thực ra chỉ đúng với khu vực Đông Nam Á cổ đại; khu vực còn lại (ở giữa châu Âu và Đông Nam Á cổ đại) mang tính chuyển tiếp với những đặc trưng loại hình đúng với cả hai bên.
Ở trên, khi phân biệt văn hóa với văn minh, đã nói rằng văn hóa gắn bó nhiều hơn với phương Đông nông nghiệp, nông thôn; còn văn minh gắn bó nhiều hơn với phương Tây đô thị, công nghiệp và thương mại. Bốn nền văn hóa cổ đại lớn mà nhân loại từng biết đến đều xuất phát từ phương Đông: Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Hoa.
Các nền văn hóa phương Đông đều hình thành từ lưu vực các con sông lớn là những nơi có địa hình và khí hậu thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp. Nền văn hóa phương Tây sớm nhất là Hy-La (Hy Lạp và La Mã) cũng bắt nguồn từ phương Đông, nó được hình thành trên cơ sở tiếp thu những thành tựu của hai nền văn hóa phương Đông gần nó nhất là Ai Cập và Lưỡng Hà.
Về mặt kinh tế, thực ra kinh tế phương Tây không phải là công nghiệp và thương mại ngay từ đầu, mà là chăn nuôi du mục và thương mại. Trong hoàn cảnh địa lý – khí hậu của xứ lạnh, gần nửa năm phủ trong băng tuyết, con người không thể sống bằng thức ăn thực vật. Lịch sử cho biết người phương Tây xưa chủ yếu nuôi bò, cừu, dê; ăn thịt và uống sữa bò, áo quần dệt bằng lông cừu hoặc làm bằng da thú vật.
Với nguồn thức ăn động vật là chủ yếu, nghề chăn nuôi ở phương Tây phổ biến đến mức trong Kitô giáo, tín đồ được gọi là “con chiên” [con chiên = ‘con cừu’], còn Chúa là “người chăn chiên”; trong Kinh Thánh có tên 93 loài động vật, một số con được nhắc đến rất nhiều lần. Từ nghề chăn nuôi du mục, người phương Tây đã sớm chuyển sang thương nghiệp.
Mặc dù đã chuyển sang thương nghiệp rồi công nghiệp, nhưng cái gốc du mục đã để lại dấu ấn quan trọng trong đời sống văn hóa của các dân tộc phương Tây. Sự khác biệt văn hóa giữa phương Tây và phương Đông là rất lớn.
Chẳng hạn, trong khi người phương Tây coi trọng cá nhân thì người phương Đông coi trọng cộng đồng; trong khi người phương Tây có truyền thống chìa tay ra bắt lúc gặp nhau thì người phương Đông có truyền thống cúi đầu, chắp tay hoặc khoanh tay; trong khi các ngôn ngữ phương Tây biến hình, thì các ngôn ngữ phương Đông chủ yếu là đơn lập và chắp dính,…
1.2. Đặc trưng văn hóa gốc nông nghiệp của Việt Nam là gì?
Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á trồng lúa nước nên thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp điển hình. Vậy những đặc trưng chủ yếu của loại hình văn hóa gốc nông nghiệp là gì?
Vì nghề nông, nhất là nghề nông trồng lúa nước, cùng một lúc phụ thuộc vào tất cả mọi hiện tượng thiên nhiên (Trông trời, trông đất, trông mây; Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm…) cho nên, về mặt nhận thức, hình thành cái nhìn và lối tư duy kết hợp, cố gắng bao quát được mọi yếu tố.
Tư duy kết hợp kéo theo việc coi trọng quan hệ – cái mà người nông nghiệp quan tâm không phải là các yếu tố riêng lẻ, mà là những mối quan hệ qua lại giữa chúng. Người Việt tích lũy được một kho kinh nghiệm hết sức phong phú về các loại quan hệ này: “Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa”, “Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống”; “Được mùa lúa thì úa mùa cau, được mùa cau thì đau mùa lúa”…
Về mặt tổ chức cộng đồng, trồng lúa nước là nghề mang tính thời vụ cao nhất, vì vậy cư dân trồng lúa nước cũng có nhu cầu cao nhất trong việc hợp tác với nhau để cấy, gặt cho kịp thời vụ, dẫn đến việc hình thành tính cộng đồng ở quy mô làng xã. Người nông dân làm gì cũng phải tính đến tập thể, luôn có tập thể đứng sau. Hàng xóm sống cố định, ở lâu dài với nhau còn phải tạo ra một cuộc sống hòa thuận trên cơ sở lấy tình nghĩa làm đầu: “Của đầy mình không bằng tình ăn ở”…
Trong truyền thống Việt Nam, tinh thần coi trọng ngôi nhà, coi trọng cái bếp, coi trọng người phụ nữ là hoàn toàn nhất quán và rõ nét: Phụ nữ Việt Nam là người quản lý kinh tế, tài chính trong gia đình – người nắm tay hòm chìa khóa. Chính bởi vậy mà người Việt Nam coi “Nhất vợ nhì trời”; “Lệnh ông không bằng cồng bà”…; còn theo kinh nghiệm dân gian thì “Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng”.
Phụ nữ Việt Nam cũng chính là người có vai trò quyết định trong việc giáo dục con cái: “Phúc đức tại mẫu”; “Con dại cái mang”. Vì tầm quan trọng của người mẹ cho nên trong tiếng Việt, từ “cái” với nghĩa là ‘mẹ đã mang thêm nghĩa chính, quan trọng’: sông cái, đường cái, đũa cái, cột cái, trống cái, ngón tay cái, máy cái… Tư tưởng coi thường phụ nữ là từ Trung Hoa truyền vào (“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết võ”; “Nam tôn nữ ty”; “Tam tòng tứ đức”).
Đến khi ảnh hưởng này trở nên đậm nét (từ lúc nhà Lê tôn Nho giáo làm quốc giáo), người dân đã phản ứng dữ dội bằng việc đề cao “Bà chúa Liễu” cùng những câu ca dao như: “Ba đồng một mớ đàn ông, Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha; Ba trăm một mụ đàn bà, Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi”!
Không phải ngẫu nhiên mà vùng nông nghiệp Đông Nam Á này được nhiều học giả phương Tây gọi là “xứ sở Mẫu hệ” (le Pays du Matriarcat). Cho đến tận bây giờ, ở những tộc người ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Chăm-pa hoặc hoàn toàn không chịu ảnh hưởng như nhiều tộc người ở Tây Nguyên (Ê-đê, Gia-rai…).
Vai trò của người phụ nữ vẫn rất lớn: phụ nữ chủ động trong hôn nhân (cưới chồng), chồng về ở đằng nhà vợ, con cái đặt tên theo họ mẹ… Cũng không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay, người Khmer vẫn gọi người đứng đầu phum, sóc của họ là mê phum, mê sóc (“mê” = ‘mẹ’), bất kể người đó là đàn ông hay đàn bà.
Lối tư duy kết hợp và trọng quan hệ, luôn đắn đo cân nhắc của người trồng lúa nước cộng với tính trọng tình đã dẫn đến lối sống linh hoạt, luôn biến báo cho thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, dẫn đến triết lý sống “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; “Đi với Bụt mặc áo cà-sa, đi với ma mặc áo giấy”… Sống theo tình cảm, cư dân trồng lúa nước còn phải biết tôn trọng và cư xử bình đẳng, dân chủ với nhau. Đó là nền dân chủ làng xã, nó có trước nền quân chủ phong kiến phương Đông và nền dân chủ tư sản phương Tây.
Mặt trái của tính linh hoạt là thói tùy tiện, biểu hiện ở tật co giãn giờ giấc (giờ cao su), sự thiếu tôn trọng pháp luật… Lối sống trọng tình làm cho thói tùy tiện càng trở nên trầm trọng hơn: “Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình”… Nó dẫn đến tệ “đi cửa sau” trong giải quyết công việc: “Nhất quen, nhì thân, tam thần, tử thể”… Trọng tình và linh hoạt làm cho tính tổ chức của người nông nghiệp kém hơn rất nhiều so với cư dân các nền văn hóa gốc du mục.
Trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên, nghề trồng trọt buộc người dân phải sống định cư để chờ cây cối lớn lên, ra hoa kết trái và thu hoạch. Do sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên cư dân nông nghiệp có ý thức tôn trọng và ước vọng sống hòa hợp với tự nhiên. Người Việt Nam mở miệng là nói “lạy Trời”, “nhờ Trời”, “ơn Trời”…
Trong lối ứng xử với môi trường xã hội, tư duy kết hợp và tính linh hoạt còn quy định thái độ dung hợp trong tiếp nhận: ở Việt Nam không những không có chiến tranh tôn giáo mà ngược lại, mọi tôn giáo thế giới (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo…) đều được tiếp nhận.
Trong việc ứng phó với các cuộc chiến tranh xâm lược, người Việt Nam luôn hết sức mềm dẻo, hiếu hòa. Ngày xưa, trong kháng chiến chống ngoại xâm, mỗi khi thế thắng đã thuộc về ta một cách rõ ràng, cha ông ta thường dừng lại chủ động cầu hòa, “trải chiếu hoa” cho giặc về, mở đường cho chúng rút lui trong danh dự.
1.3. Loại hình văn hóa gốc du mục thường có đặc trưng trái ngược.
Dựa trên nguồn gốc lịch sử và lối sống, văn hóa con người được phân chia thành nhiều loại hình khác nhau. Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt này, chúng ta hãy xem xét sự so sánh giữa hai mô hình văn hoá chính: văn hóa gốc nông nghiệp và văn hóa gốc du mục. Bảng dưới đây sẽ tóm tắt những nét đặc trưng cơ bản của mỗi loại hình, giúp làm sáng tỏ những điểm tương đồng và khác biệt đáng chú ý giữa chúng.
Tiêu chí | Văn hóa gốc nông nghiệp (thiên về âm tính) |
Văn hóa gốc du mục (thiên về dương tính) |
|
---|---|---|---|
Đặc trưng gốc | Địa hình | Đồng bằng (ẩm, thấp) | Đồng cỏ (khô, cao) |
Kinh tế, lối sống | Trồng trọt, định cư | Chăn nuôi, du cư | |
Văn hóa nhận thức – Lối tư duy | Kết hợp và trọng quan hệ; Chủ quan, cảm tính và kinh nghiệm | Phân tích và trọng yếu tố; Khách quan, lý tính và thực nghiệm | |
Văn hóa tổ chức cộng đồng | Tính cách | Ưa ổn định. Trọng tình, trọng đức, trọng nữ | Ưa thay đổi. Trọng sức mạnh, trọng tài, trọng nam |
Cách thức | Trọng cộng đồng. Linh hoạt | Trọng cá nhân. Nguyên tắc | |
Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên | Tôn trọng, ước vọng sống hòa hợp với tự nhiên | Coi thường, có tham vọng chinh phục tự nhiên | |
Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội | Dung hợp trong tiếp nhận. Hiếu hòa trong đối phó | Độc tôn trong tiếp nhận. Hiếu thắng trong đối phó |
Lưu ý rằng, sự phân chia này là một cách tiếp cận đơn giản hóa. Trong thực tế, các nền văn hóa thường là sự pha trộn phức tạp của nhiều yếu tố, và hiếm khi thuộc hoàn toàn vào một loại hình duy nhất.
Ví dụ về Văn hóa gốc nông nghiệp (thiên về âm tính):
– Cộng đồng làng nghề truyền thống ở Việt Nam: Nhiều làng nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam (như làng gốm, làng vải, làng mây tre đan) thể hiện rõ nét văn hóa gốc nông nghiệp. Người dân định cư lâu đời, sống dựa vào nghề truyền thống, trọng tình làng nghĩa xóm, ưu tiên sự ổn định và kế thừa kinh nghiệm từ thế hệ trước. Mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ, cùng nhau hỗ trợ trong sản xuất và kinh doanh. Đây là minh chứng cho lối sống trọng cộng đồng, ưa ổn định và trọng tình cảm.
– Nông dân trồng lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam): Cuộc sống của nông dân vùng này gắn liền với việc canh tác lúa nước, một hoạt động đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhạy bén với thời tiết và sự hợp tác trong cộng đồng. Họ tuân theo chu kỳ mùa vụ, trọng việc duy trì sự cân bằng sinh thái, thể hiện sự tôn trọng và ước vọng sống hòa hợp với tự nhiên.
Ví dụ Văn hóa gốc du mục (thiên về dương tính):
– Các bộ lạc du mục ở thảo nguyên Mông Cổ: Những bộ lạc chăn nuôi du mục ở Mông Cổ di chuyển theo mùa để tìm kiếm thức ăn cho gia súc. Họ ưa thích sự tự do, thích ứng nhanh với môi trường thay đổi và trọng sức mạnh, thể hiện qua kỹ năng cưỡi ngựa và săn bắn. Mỗi cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống còn của gia đình và bộ lạc.
– Thương nhân thời kỳ khai phá vùng Viễn Tây Hoa Kỳ: Những người tiên phong di cư đến Viễn Tây Hoa Kỳ, tìm kiếm cơ hội làm giàu và chinh phục vùng đất mới, thể hiện tinh thần mạnh mẽ, dám chấp nhận rủi ro và ưa thích sự thay đổi. Họ coi trọng cá nhân, sức mạnh và sự quyết đoán để thành công trong một môi trường khắc nghiệt và cạnh tranh cao. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là một ví dụ phức tạp hơn, vì nó kết hợp nhiều yếu tố văn hóa khác nhau.
Trong lĩnh vực nhận thức thì thiên về tư duy phân tích (theo lối khách quan, lý tính và thực nghiệm, dẫn đến kết quả là khoa học phương Tây phát triển), đồng thời chú trọng các yếu tố (dẫn đến lối sống thực dụng, thiên về vật chất). Trong tổ chức cộng đồng thì coi trọng sức mạnh (kéo theo trọng tài, trọng võ, trọng nam giới); coi trọng vai trò cá nhân (dẫn đến lối sống ganh đua, cạnh tranh nhau một cách khốc liệt); ứng xử theo nguyên tắc (khiến cho người phương Tây có được thói quen sống theo pháp luật từ khá sớm).
Trong ứng xử với môi trường tự nhiên thì nghề chăn nuôi buộc người dân phải đưa gia súc đi tìm cỏ, sống du cư, và do nay đây mai đó, ít phụ thuộc vào thiên nhiên nên sinh ra coi thường tự nhiên, dẫn đến tham vọng chinh phục tự nhiên (cho nên phương Tây đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này). Trong ứng xử với môi trường xã hội thì độc tôn trong tiếp nhận; cứng rắn, hiếu thắng trong ứng phó.
Các đặc trưng của loại hình văn hóa gốc nông nghiệp cho thấy nó thiên hẳn về âm tính, trọng tĩnh (chỉ có hai đặc trưng dương là tính trọng quan hệ và tính linh hoạt mà thôi). Trong khi đó, các đặc trưng của loại hình văn hóa gốc du mục cho thấy nó thiên hẳn về dương tính, trọng động (chỉ có hai đặc trưng âm tính là tính trọng yếu tố và tính nguyên tắc mà thôi).
Ta có thể định danh hai loại hình văn hóa này theo một trong ba cặp khái niệm: Xét theo hình thái kinh tế sẽ là “gốc nông nghiệp” và “gốc du mục”; xét theo bản chất sẽ là “thiên về âm tính” và “thiên về dương tính”; xét theo động thái sẽ là “trọng tĩnh” và “trọng động”. Đây là hai loại hình văn hóa gốc. Việc so sánh các đặc trưng của hai loại hình văn hóa này được trình bày trong Bảng 1.
1.4. Loại hình văn hóa và Không gian văn hóa.
Hai khái niệm “loại hình văn hóa” và “không gian văn hóa” không phải là đồng nhất. Quan hệ giữa chúng là quan hệ đại diện. Loại hình văn hóa gốc du mục/ thiên về dương tính/trọng động được thể hiện một cách tập trung nhất, điển hình nhất ở khu vực phương Tây.
Loại hình văn hóa gốc nông nghiệp/ thiên về âm tính/ trọng tĩnh được thể hiện một cách tập trung nhất, điển hình nhất ở khu vực Đông Nam Á cổ đại, là nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa và mưu sinh bằng nghề trồng lúa nước.
Toàn bộ khu vực còn lại của châu Á từ bán đảo A-rập (khu vực Tây Nam Á) sang đến Ấn Độ (khu vực Nam Á) chạy xéo lên khu vực Siberia và Đông Bắc Á (tạo thành một dải đường chéo) là một khu vực mang tính chuyển tiếp, cư dân nơi đây sống bằng cả nghề chăn nuôi du mục và thương nghiệp lẫn nông nghiệp trồng lúa cạn.
Đây là vùng không gian chuyển tiếp, tiêu biểu cho loại hình văn hóa thứ ba là loại hình văn hóa trung gian. Trong khu vực chuyển tiếp này thì vùng Đông Bắc Á có văn hóa vừa âm vừa dương, vừa tĩnh vừa động nhưng có khuynh hướng coi trọng thế tục hơn – đây là tiểu loại trung gian hướng dương. Vùng Tây Nam Á và Nam Á tuy cũng có văn hóa vừa âm vừa dương, vừa tĩnh vừa động nhưng có khuynh hướng coi trọng tâm linh hơn – đây là tiểu loại trung gian hướng âm.
Loại hình Văn hóa (LHVH) | Đặc điểm chính | Không gian văn hóa điển hình |
---|---|---|
LHVH thiên về dương tính | Gốc du mục, trọng động | Khu vực phương Tây |
LHVH thiên về âm tính | Gốc nông nghiệp, trọng tĩnh | Đông Nam Á cổ đại (vùng trồng lúa nước) |
LHVH trung gian | Vừa âm vừa dương, vừa tĩnh vừa động | Dải khu vực chuyển tiếp (Tây Nam Á, Nam Á, Siberia, Đông Bắc Á) |
LHVH trung gian hướng dương | Vừa âm vừa dương, trọng thế tục | Đông Bắc Á |
LHVH trung gian hướng âm | Vừa âm vừa dương, trọng tâm linh | Tây Nam Á và Nam Á |
Phân tích các loại hình văn hóa dựa trên ví dụ thực tiễn cho thấy sự đa dạng và phức tạp của văn hóa trong thế giới hiện đại. Thung lũng Silicon, với các doanh nhân khởi nghiệp công nghệ, minh họa rõ nét loại hình văn hóa thiên về dương tính, nơi cạnh tranh khốc liệt thúc đẩy đổi mới không ngừng, thành công cá nhân được đo bằng tiền bạc và ảnh hưởng, và sự sẵn sàng làm việc không biết mệt mỏi là chuẩn mực. Ngược lại, cộng đồng Amish ở Bắc Mỹ thể hiện loại hình văn hóa thiên về âm tính một cách điển hình, với lối sống giản dị, cộng đồng khép kín, tôn trọng truyền thống và từ chối công nghệ hiện đại. Họ nhấn mạnh vào sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, và đặt đức tin lên hàng đầu.
Vùng Đông Nam Á đang đô thị hoá nhanh chóng minh họa cho loại hình văn hóa trung gian, nơi sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại tạo ra một bức tranh văn hóa đa dạng và phức tạp. Gia đình trẻ ở các thành phố lớn vẫn giữ gìn các giá trị truyền thống về lễ Tết và quan hệ gia đình, song lại phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt trong kinh tế thị trường. Người trẻ thành thị ở các đô thị lớn của Trung Quốc đại diện cho loại hình văn hóa trung gian hướng dương, họ năng động, tham vọng, hướng tới thành công cá nhân, nhưng vẫn duy trì sự gắn kết với gia đình và xã hội.
Cuối cùng, các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc Việt Nam thể hiện loại hình văn hóa trung gian hướng âm, nơi truyền thống văn hoá được gìn giữ mạnh mẽ, các nghi lễ tâm linh đóng vai trò quan trọng, song song với quá trình thích ứng với sự hiện đại hóa. Sự cân bằng giữa bảo tồn bản sắc văn hóa và hội nhập vào xã hội hiện đại tạo nên một thực tế phức tạp và đầy thách thức. Tóm lại, các ví dụ này cho thấy sự đa dạng và sự đan xen phức tạp giữa các yếu tố văn hóa, không thể khái quát đơn giản thành hai thái cực âm và dương.
2. Định vị không gian và loại hình văn hóa của Việt Nam.
Việt Nam, với vị trí địa lý chiến lược nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương, không chỉ là cầu nối giữa các nền văn hóa Đông Á và Đông Nam Á mà còn là trung tâm của sự giao thoa văn hóa. Với bờ biển dài và giáp ranh nhiều quốc gia, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển và giao thương.
Đặc trưng văn hóa của Việt Nam được hình thành từ nền tảng nông nghiệp lúa nước, gắn bó chặt chẽ với đời sống cộng đồng, tín ngưỡng đa dạng và nghệ thuật phong phú. Hệ thống loại hình văn hóa này đã và đang tạo nên một bản sắc độc đáo, phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, góp phần làm giàu thêm cho bức tranh văn hóa thế giới.
2.1. Hoàn cảnh địa lý và khí hậu.
Hoàn cảnh địa lý – khí hậu của Việt Nam có ba đặc điểm cơ bản: Thứ nhất, Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, nơi có lượng mưa trung bình/năm vào loại cao nhất thế giới: nếu lượng mưa trung bình/năm ở Dresden (Đức) là 602 mm/năm, ở Bắc Kinh là 673 mm/năm, thì ở Huế con số này đạt tới 2.890 mm/năm.
Hiện tượng này dẫn đến đặc điểm thứ hai: Việt Nam là một vùng sông nước. Sông nước đã để lại dấu ấn rất quan trọng trong tinh thần văn hóa khu vực này. Đây là một hằng số địa lý quan trọng. Chính nó tạo nên nét độc đáo của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Đặc điểm quan trọng thứ ba: Đây là nơi giao điểm (“ngã tư đường”) của các luồng văn hóa, văn minh.
Việt Nam nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương, trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một quốc gia có vị trí địa lý quan trọng, giáp biển Đông với bờ biển dài hơn 3.260 km, giúp Việt Nam thuận lợi trong giao thương và phát triển kinh tế biển. Việt Nam tiếp giáp với các quốc gia: Phía Bắc: giáp Trung Quốc; Phía Tây: giáp Lào và Campuchia; Phía Đông và Nam: giáp biển Đông. Với vị trí đặc thù này, Việt Nam không chỉ là cầu nối giữa các nền văn hóa Đông Á và Đông Nam Á mà còn có vai trò chiến lược trong khu vực.
2.2. Không gian văn hóa.
Không gian văn hóa có phần phức tạp hơn. Bởi lẽ văn hóa có tính lịch sử (yếu tố thời gian), cho nên không gian văn hóa liên quan đến lãnh thổ nhưng không đồng nhất với không gian lãnh thổ. Nó bao quát tất thảy những vùng lãnh thổ mà ở đó dân tộc đã từng tồn tại qua các thời đại. Do vậy, không gian văn hóa không thể nhỏ hơn không gian lãnh thổ. Không gian văn hóa của hai dân tộc ở cạnh nhau thường có phần chồng lên nhau, có miền giáp ranh.
Trong phạm vi hẹp, không gian gốc của văn hóa Việt Nam nằm trong khu vực cư trú của người Bách Việt. Có thể hình dung khu vực này như một hình tam giác với cạnh đáy nằm ở dãy Tần Lĩnh – dòng Hoài Hà của Trung Quốc (ở giữa sông Dương Tử và sông Hoàng Hà), còn đỉnh nằm ở vùng đèo Hải Vân của Việt Nam. Khu vực này là cái nôi của nghề nông nghiệp lúa nước, của nghệ thuật đúc đồng với những trống đồng Đông Sơn nổi tiếng.
Trong lần xuất bản năm 1995 của sách này, cạnh đáy khu vực cư trú của người Bách Việt được xác định là sông Dương Tử. Song ranh giới này chưa chính xác, vì tự nhiên và kinh tế ở hai bờ một con sông lớn sẽ như nhau, chỉ một dãy núi chạy ngang từ tây sang đông như dãy Tần Lĩnh mới có thể phân cách được tự nhiên và kinh tế ở hai bên sườn núi. Các tài liệu của Trung Quốc đều đã xác định ranh giới giữa vùng trồng lúa nước và vùng trồng kê mạch là dãy Tần Lĩnh – dòng Hoài Hà.
Ở một phạm vi rộng hơn, không gian văn hóa Việt Nam nằm trong khu vực cư trú của người Indonésien lục địa. Có thể hình dung khu vực này như một hình tam giác với cạnh đáy vẫn là dãy Tần Lĩnh – dòng Hoài Hà ở phía bắc, còn đỉnh là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Mê-kông) ở phía nam, bao chứa hình tam giác khu vực cư trú của người Bách Việt. Đây là khu vực chứa hai con sông lớn cùng bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng: sông Dương Tử và sông Mê-kông.
Ở khu vực này, phần lớn các tên sông và địa danh liên quan đến sông đều là những biến âm của cùng một từ gốc Nam Á cổ đại với nghĩa là sông nước: giang (Dương Tử Giang, Việt Giang, Chiết Giang, Linh Giang, Tam Giang, Tiền Giang…); kiang, kung, khung (Khung Giang, Khung Bích [Thái Tây Bắc]; Mè Khủng [Lào]); kong (Mê-kông); krong, krông (Krông Púc, Krông Pacô… [Tây Nguyên]); sông (Việt); sung (Sung Lung, Sung Vang [phụ lưu sông Đà, sông Cả]).
Xét từ cội nguồn, văn hóa Việt Nam được định hình trên nền của không gian văn hóa Đông Nam Á cổ đại. Không gian văn hóa Đông Nam Á cổ đại có thể hình dung như một hình tròn bao quát toàn bộ Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, bao chứa cả hai hình tam giác là khu vực cư trú của người Bách Việt và khu vực cư trú của người Indonésien lục địa.
Yếu tố Văn hóa | Ảnh hưởng Nam Á Cổ Đại (Từ gốc) | Đông Nam Á (Chung) | Việt Nam |
---|---|---|---|
Ngôn ngữ | Từ gốc chỉ sông ngòi (giang, kiang, kong, sông…) phản ánh nền văn minh lúa nước | Đa dạng ngữ hệ (Austronesian, Tai-Kadai, Mon-Khmer, v.v.), phản ánh sự di cư và giao thoa văn hoá | Ngữ hệ Việt-Mường, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Hán-Việt |
Tín ngưỡng | Ảnh hưởng của các tôn giáo từ Ấn Độ (Phật giáo, Ấn Độ giáo) | Đa dạng tín ngưỡng (Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, tín ngưỡng bản địa, Thiên Chúa giáo) | Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian (sự kết hợp độc đáo) |
Kiến trúc | Ảnh hưởng gián tiếp qua các tuyến giao thương, lan tỏa từ Ấn Độ | Kiến trúc đa dạng, chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hoá (Ấn Độ, Trung Quốc, phương Tây) | Kiến trúc truyền thống (chùa, đình, nhà rường…) chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc nhưng có sự biến đổi độc đáo |
Nông nghiệp | Phát triển nông nghiệp lúa nước (có thể suy luận từ từ gốc chỉ sông) | Lúa nước là cây trồng chính ở nhiều nơi, nhưng cũng có sự đa dạng về cây trồng khác | Lúa nước là nền tảng của nền kinh tế và văn hoá |
Nghệ thuật | Ảnh hưởng gián tiếp, có thể thấy qua đường tơ lụa | Đa dạng nghệ thuật truyền thống (điêu khắc, âm nhạc, múa, hội họa) | Âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, văn học mang đặc trưng riêng biệt |
Sự hình thành và phát triển không gian văn hóa Việt Nam phản ánh một quá trình giao thoa và tổng hợp phức tạp. Mặc dù có những ảnh hưởng từ Nam Á cổ đại, thể hiện rõ nhất qua các từ gốc chỉ sông ngòi phản ánh nền văn minh lúa nước, nhưng tiếng Việt lại thuộc ngữ hệ riêng biệt, khác với các ngữ hệ chính của Đông Nam Á.
Về tín ngưỡng, Việt Nam thể hiện sự tổng hợp độc đáo giữa Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian, khác với sự đa dạng tín ngưỡng trong khu vực Đông Nam Á, nơi có sự hiện diện của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo.
Kiến trúc Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, vẫn mang những nét độc đáo riêng biệt, thể hiện rõ nét trong các công trình kiến trúc truyền thống như chùa, đình, nhà rường. Nông nghiệp lúa nước, dù phổ biến ở nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á, lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế và văn hoá Việt Nam.
Cuối cùng, nghệ thuật Việt Nam, dù chịu nhiều ảnh hưởng từ các nền văn hoá khác, vẫn thể hiện những nét độc đáo riêng, giàu tính biểu cảm, qua âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc và văn học. Không gian văn hóa Việt Nam, dù nằm trong khu vực Đông Nam Á và chịu ảnh hưởng từ Nam Á cổ đại, vẫn mang những đặc trưng riêng biệt, phản ánh sự tổng hợp và biến đổi độc đáo trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc.
Từ thời nhà Tần của Trung Quốc trở về sau, không gian văn hóa khu vực Đông Nam Á đã bị thu hẹp lại một cách đáng kể do vùng trồng lúa nước ở Nam Trung Quốc đã bị nhà Tần và các vương triều tiếp theo thâu tóm, để rồi dần dần đồng hóa cư dân ở đây trở thành người Hán phương Nam.
Mặc dù vậy, cho đến bây giờ ngay cả vùng này cũng hãy còn giữ được không ít nét trong số hàng loạt những đặc điểm chung của khu vực văn hóa Đông Nam Á mà từ năm 1948, học giả danh tiếng người Pháp thế kỷ XX về khảo cổ học và lịch sử Đông Nam Á là George Cœdès đã liệt kê (trong cuốn “Les états hindouisés d’Indochine et d’Indonésie”) như sau:
“Về phương diện vật chất: làm ruộng cấy lúa, nuôi trâu bò, dùng đồ kim khí thô sơ, giỏi bơi thuyền. Về phương diện xã hội: địa vị quan trọng của phụ nữ, huyết tộc mẫu hệ, tổ chức xã hội theo nhu cầu tưới nước ruộng. Về phương diện tôn giáo: thuyết vạn vật hữu linh, thờ phụng tổ tiên và thờ thần đất, đặt đền thờ ở những chỗ cao, chôn người chết trong các chum vại hay các trác thạch. Về phương diện thần thoại: đối lập vũ trụ luận giữa núi và biển, giữa loài phi cầm với loài thủy tộc, giữa người thượng du với người hạ ban. Về phương diện ngôn ngữ: dùng những ngôn ngữ đơn âm với năng lực dồi dào về phát triển từ…”.
Chính những đặc điểm chung của văn hóa phương Nam này đã tạo nên sự thống nhất cao độ của vùng văn hóa Đông Nam Á. Hơn thế nữa, do vị trí đặc biệt của mình, Việt Nam là nơi hội tụ ở mức độ đầy đủ nhất mọi đặc trưng của văn hóa khu vực. Không phải vô cớ mà nhiều nhà Đông Nam Á học đã nói một cách hình ảnh rằng Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ.
2.3. Bản sắc chung của văn hóa Việt Nam.
Sự thống nhất do cùng cội nguồn đã tạo ra bản sắc chung của văn hóa Việt Nam; còn tính đa dạng của điều kiện tự nhiên và của các tộc người lại làm nên những đặc trưng bản sắc riêng của từng vùng văn hóa. Sự khác biệt này được phản ánh trong nhiều câu tục ngữ (đôi khi khá dí dỏm) về tính cách của mỗi vùng. Những năm gần đây, việc phân vùng văn hóa Việt Nam đã được nhiều học giả bàn đến.
Ngô Đức Thịnh (1993) phân chia không gian văn hóa Việt Nam thành 7 vùng; Huỳnh Khái Vinh (1995) chia thành 8 vùng; Đinh Gia Khánh (1995) chia thành 9 vùng; Trần Quốc Vượng (1997) chia thành 6 vùng.
Trên cơ sở một bộ công cụ và phương pháp nghiên cứu văn hóa đã xác lập, chúng tôi đi đến kết luận rằng, khoa học và hợp lý hơn cả là phân chia không gian văn hóa Việt Nam thành ba miền, với 8 vùng văn hóa như bảng 4.
Miền | Vùng | Địa phận |
---|---|---|
Bắc Bộ | 1) Vùng văn hóa Tây Bắc | Miền núi từ Tây Bắc đến phía tây Thanh Hóa |
2) Vùng văn hóa Việt Bắc | Miền núi Việt Bắc + Đông Bắc | |
3) Vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ | Đồng bằng sông Hồng + sông Mã | |
Trung Bộ | 4) Vùng văn hóa Bắc Trung Bộ | Từ Nghệ – Tĩnh đến hết Thừa Thiên |
5) Vùng văn hóa duyên hải Nam Trung Bộ | Từ Đà Nẵng đến hết Bình Thuận | |
Nam Bộ | 6) Vùng văn hóa Tây Nguyên | Miền núi và cao nguyên Trung phần |
7) Vùng văn hóa Đông Nam Bộ | Vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ | |
8) Vùng văn hóa Tây Nam Bộ | Vùng sông nước miền Tây Nam Bộ |
Việt Nam, với chiều dài lịch sử và sự đa dạng về địa lý, văn hóa được chia thành ba miền chính: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Mỗi miền lại mang những đặc trưng văn hóa riêng biệt, phản ánh điều kiện tự nhiên, lịch sử hình thành và quá trình giao lưu văn hóa đa dạng. Dựa vào Bảng trên, đã trình bày hệ thống ba miền và tám vùng văn hóa chính của Việt Nam, phân chia dựa trên các yếu tố địa lý, lịch sử và văn hóa đặc trưng của mỗi vùng.
2.3.1. Miền Bắc.
Miền Bắc có ba vùng văn hóa là vùng văn hóa Tây Bắc, vùng văn hóa Việt Bắc, và vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.
– Vùng văn hóa Tây Bắc là khu vực bao gồm hệ thống núi non trùng điệp bên hữu ngạn sông Hồng (lưu vực sông Đà) kéo dài tới phía tây Thanh Hóa. Ở đây có trên 20 tộc người cư trú, tiêu biểu là hai tộc Thái, Mường. Biểu tượng cho vùng văn hóa này là hệ thống mương phai ngăn suối, cọn nước dẫn nước vào đồng; là nghệ thuật trang trí tinh tế trên chiếc khăn piêu Thái, chiếc cạp váy Mường; là âm nhạc với các loại nhạc cụ bộ hơi (khèn, sáo…) và những điệu múa xòe…
– Vùng văn hóa Việt Bắc là khu vực bao gồm hệ thống núi non hiểm trở bên tả ngạn sông Hồng (Việt Bắc và Đông Bắc). Cư dân tiêu biểu là hai tộc Tày, Nùng; trang phục nhuộm chàm tương đối giản dị, với lễ hội lồng tồng (xuống đồng) nổi tiếng; xây dựng được hệ thống văn tự riêng (chữ Nôm Tày)…
– Vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ có thể hình dung như một tam giác bao gồm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình và sông Mã với cư dân Việt (Kinh) sống quần tụ thành làng xã. Đây là vùng đất đai trù phú; cư dân sống bằng nghề trồng lúa ở đồng bằng nên có đặc điểm “xa rừng, nhạt biển”.
Biển ở vịnh Bắc Bộ rất nông nên dù có sống ở ven biển, người dân cũng quai đê lấn biển, thau chua rửa mặn để mở rộng vùng trồng lúa; Mai An Tiêm dù có bị đày ra hoang đảo thì cũng vẫn phát huy nghề trồng trọt để mong có ngày trở về đất liền chứ không đánh cá để sinh nhai. Vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ từng là cái nôi của văn hóa Đông Sơn thời thượng cổ, văn hóa Đại Việt thời trung cổ… với những thành tựu phong phú về mọi mặt. Nó cũng là cội nguồn của văn hóa Việt ở Trung Bộ và Nam Bộ sau này.
Vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ có Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa vật thể thế giới năm 2010; Quần thể danh thắng Tràng An (ở Ninh Bình) được UNESCO ghi nhận là di sản hỗn hợp thế giới (2014); và 5 di sản văn hóa phi vật thể thế giới được UNESCO ghi nhận là: Dân ca Quan họ ở Bắc Giang, Bắc Ninh (2009); Ca trù ở đồng bằng Bắc Bộ (2009); và Hội Gióng ở ngoại thành Hà Nội (2010); Hát xoan ở Phú Thọ (2011); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2013).
2.3.2. Miền Trung.
Miền Trung có ba vùng văn hóa là Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
– Vùng văn hóa Bắc Trung Bộ định vị trên một dải đất hẹp chạy dài theo ven biển từ Nghệ – Tĩnh đến hết Thừa Thiên với người Việt (Kinh) chiếm đa số. Do khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, nên con người ở đây có tính cách mạnh mẽ, ý chí và nghị lực, đặc biệt cần cù, hiếu học để thoát nghèo. Biển ở đây đã sâu hơn nên người dân bắt đầu vươn ra biển đánh cá.
Ở vùng này có hai di sản văn hóa vật thể thế giới được UNESCO ghi nhận là Thành nhà Hồ (Thanh Hóa, 2011) và Quần thể di tích Cố đô Huế (1993). Dân ca Ví giặm Nghệ – Tĩnh được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2014); Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO ghi nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (2003).
– Vùng văn hóa duyên hải Nam Trung Bộ có hình dáng nhô hẳn ra biển; biển ở đây rất sâu (Hình 5). Sống cạnh biển sâu nên cư dân rất thạo nghề đi biển, bữa ăn của con người cũng giàu chất biển. Cư dân hai vùng văn hóa Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ đều thích ăn cay (để nóng người khi xuống biển lạnh và khử bớt chất tanh).
Bên cạnh đó, dải đất đồng bằng ven biển ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ cũng rộng hơn, việc trồng trọt cũng thuận lợi hơn, cuộc sống không đến nỗi quá khó khăn như ở vùng văn hóa Bắc Trung Bộ. Cư dân ở vùng văn hóa này, ngoài người Việt (Kinh) chiếm đa số thì còn có tộc người Chăm. Trước khi người Việt tới đây sinh sống, vùng này từng là địa bàn cư trú của người Chăm với một nền văn hóa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ với nhiều thành tựu rất đặc sắc.
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có hai di sản văn hóa vật thể thế giới được UNESCO ghi nhận đều ở Quảng Nam là Phố cổ Hội An (1999) và Thánh địa Mỹ Sơn (1999). Nghệ thuật Bài chòi của cả vùng được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017).
– Vùng văn hóa Tây Nguyên nằm trên sườn đông của dải Trường Sơn, khởi đi từ vùng núi Bình – Trị – Thiên với trung tâm là bốn tỉnh Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Ở đây có trên 20 tộc người nói các ngôn ngữ Môn-Khmer và Nam Đảo cư trú.
Đây là vùng văn hóa đặc sắc và đa dạng với những trường ca (khan, h’ămon; nổi tiếng là các trường ca Đam San, Xing Nhã); với những lễ hội đâm trâu và loại nhạc cụ không thể thiếu là những dàn cồng chiêng (mà người Tây Nguyên gọi là “chinh”) phát ra những phức hợp âm thanh hùng vĩ đặc thù của núi rừng Tây Nguyên… Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại năm 2005.
2.3.3. Miền Nam.
Miền Nam Bộ có hai vùng văn hóa là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Toàn bộ miền Nam Bộ thường được phần lớn các nhà nghiên cứu coi là một vùng văn hóa (Ngô Đức Thịnh, 1993; Đinh Gia Khánh, 1995; Trần Quốc Vượng, 1997). Việc định vị không gian – chủ thể thời gian cho thấy miền Nam Bộ có một đặc điểm chung về môi trường tự nhiên là khí hậu tốt lành với hai mùa mưa – khô và một đặc điểm chung về môi trường xã hội là tộc người Việt (Kinh), vốn là những di dân đến từ miền Trung và miền Bắc, có dân số giữ vai trò chủ đạo.
Với nghị lực đi xa như thế, họ là những con người dương tính nhất trong số những người Việt Nam âm tính. Mọi phương diện còn lại đều cho thấy Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ là hai vùng văn hóa khác hẳn nhau.
Ngay cả khi có điểm chung thì trong cái chung vẫn có sự khác biệt rõ rệt giữa hai vùng: chẳng hạn, Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013) đang được phát triển ở cả 21 tỉnh thành, song không gian văn hóa điển hình của nó vẫn là vùng văn hóa Tây Nam Bộ.
– Vùng văn hóa Đông Nam Bộ nằm ở lưu vực sông Đồng Nai, là vùng cao hơn Tây Nam Bộ so với mực nước biển, là vùng đất đỏ thuận tiện cho việc trồng các loại cây công nghiệp, giàu tài nguyên dầu khí. Đông Nam Bộ là vùng văn hóa hình thành sớm hơn Tây Nam Bộ; cư dân bản địa ở vùng này là các tộc người Mạ, Xtiêng, Chơro, Mnông.
Đông Nam Bộ ngay từ khi hình thành đã giao lưu mật thiết với phương Tây, hiện nay là vùng của những đô thị lớn (mật độ dân số bình quân năm 2019 là 706 người/km²). Đông Nam Bộ có kinh tế công nghiệp rất phát triển, hiện là vùng có hệ thống các khu công nghiệp – khu chế xuất lớn nhất nước.
Nhờ phát triển công nghiệp và đô thị mà Đông Nam Bộ trở thành vùng có GDP bình quân đầu người cao nhất nước. Những hình ảnh mang tính biểu tượng điển hình cho Đông Nam Bộ là đất đỏ, cây công nghiệp, nhà ống, xe máy, thị dân, công nhân.
– Vùng văn hóa Tây Nam Bộ ở vị trí thấp nhất trong cả nước so với mực nước biển, có lưu vực sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ với mênh mông sông nước và kênh rạch. Đây là vùng trồng lúa, trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Từ khi hình thành đến trước giai đoạn Đổi mới (1986), Tây Nam Bộ từng là vùng giàu nhất nước nhờ phát triển nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo đi khắp trong ngoài nước.
Cư dân Việt, Hoa, Chăm tới đây khai phá đã nhanh chóng hòa nhập với thiên nhiên và với những di dân Khmer đến trước đó. Vào đầu thế kỷ XX, Tây Nam Bộ từng có mật độ dân số cao hơn Đông Nam Bộ (50,4 người/km² so với 33,4 người/km²; nay thì ngược lại).
Nhà cửa ở Tây Nam Bộ có khuynh hướng trải dài theo ven kênh, ven lộ; bữa ăn của người Tây Nam Bộ giàu thủy sản; tính cách con người Tây Nam Bộ ưa phóng khoáng; tín ngưỡng tôn giáo hết sức phong phú và đa dạng. Những hình ảnh mang tính biểu tượng điển hình cho Tây Nam Bộ là sông nước, chợ nổi, cầu khi, văn minh miệt vườn, nông dân Hai Lúa…
Văn hóa Việt Nam có tính thống nhất trong sự đa dạng và mối liên hệ mật thiết với Đông Nam Á là do tuyệt đại bộ phận cư dân đều bắt nguồn từ cùng một gốc nhân chủng, ngôn ngữ và văn hóa – đó là cơ sở làm nên sự khu biệt cơ bản giữa văn hóa Việt Nam với Trung Hoa.
3. Định vị chủ thể và thời gian văn hóa Việt Nam.
Chủ thể văn hóa Việt Nam là toàn bộ các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó dân tộc Kinh (Việt) chiếm đa số, cùng với 53 dân tộc thiểu số khác như Thái, Tày, Nùng, Mường, H’Mông, Dao, và nhiều dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có những đặc trưng văn hóa riêng, góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú cho đất nước.
Thời gian văn hóa Việt Nam có thể được xem xét qua các giai đoạn lịch sử chính như sau: Thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc (thế kỷ VII TCN – thế kỷ II TCN); Thời kỳ Bắc thuộc (thế kỷ II TCN – thế kỷ X); Thời kỳ độc lập tự chủ (thế kỷ X – thế kỷ XIX); Thời kỳ Pháp thuộc (thế kỷ XIX – giữa thế kỷ XX); Thời kỳ hiện đại (giữa thế kỷ XX đến nay). Những chủ thể và giai đoạn thời gian này đã định hình nên bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần tạo nên một nền văn hóa đa dạng, độc đáo và giàu truyền thống.
3.1. Nguồn gốc của dân tộc Việt Nam.
Về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam – chủ thể văn hóa, cho đến nay vẫn tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau. Song các nghiên cứu di truyền được thực hiện và công bố trong khoảng hơn 20 năm gần đây cho phép tái khẳng định rằng đã có những đợt dân cư “rời khỏi châu Phi” (out of Africa), thiên di tới khu vực Đông Nam Á cổ đại làm hai đợt cách đây vào khoảng 60 và 30 nghìn năm, hình thành chủng người Đông Nam Á tiền sử, gọi là chủng Indonésien (hay “cổ Mã Lai”) với nước da ngăm đen, tóc quăn dợn sóng, tầm vóc thấp.
Tại đây, người Đông Nam Á tiền sử đã tạo dựng nên nền văn hóa Hòa Bình thuộc thời Đồ đá cũ (niên đại khoảng hơn 1 vạn năm trước Công nguyên [trCN]), lan tỏa rộng khắp Đông Nam Á lục địa đến tận phía nam sông Dương Tử và một phần Đông Nam Á hải đảo (xem Hình 6). Khoảng hơn 10 nghìn năm trCN, khi mực nước biển dâng lên trở lại, cư dân văn hóa Hòa Bình đã di cư lên phía bắc (điều này đã được xác nhận bởi nghiên cứu di truyền của J.Y. Chu và cộng sự năm 1998).
Cho đến khoảng hơn 3.000 năm trCN, cư dân định cư ở khu vực trồng lúa nước phía nam dãy Tần Lĩnh – Hoài Hà đã tạo lập nên hàng loạt nền văn hóa khảo cổ. Đó là Bành Đầu Sơn (Pengtoushan, 7.600-6.200 năm trCN); Cao Miếu (Gao Miao, 5.000-3.500 trCN); Hà Mẫu Độ (Hemudu, 5.000-4.500 trCN), Mã Gia Banh (Majiabang, 5.000-3.000 trCN); Đại Khê (Daxi, 4.500- 3.000 trCN); Đại Bộn Khanh (Dabenkeng, 3.500-2.500 trCN).
Ở đây đã hình thành một cộng đồng tộc người hùng hậu bao gồm nhiều tộc người, phần lớn cùng có chung tên “Việt”: Điền Việt, Dương Việt, Ư Việt, Mân Việt, Đông Việt, Âu Việt, Nam Việt, Lạc Việt, Câu Ngô, Dạ Lang… Họ sinh sống khắp khu vực từ phía nam dãy Tần Lĩnh – Hoài Hà, qua lưu vực sông Dương Tử, sông Châu Giang đến lưu vực sông Hồng, sông Mã. Cổ thư Trung Hoa và Việt Nam gọi cộng đồng này bằng danh từ định lượng biểu trưng “Bách Việt”.
Về ý nghĩa của tộc danh, Việt vốn là tên gọi của một loại công cụ kiêm vũ khí rất đặc thù của người Việt cổ là cái rìu, tiêu biểu là loại rìu lưỡi xéo. Trong ngôn ngữ Nam- Á cổ đại, rìu có thể đã được phát âm là yịt (truyền thuyết Mường gọi vua Việt là Bua Yịt [Dịt] hay Yịt Yàng [Dịt Dàng]). Vịt với tư cách là một tộc danh có thể là tên tự gọi hoặc do tộc người khác gọi. Yịt được phiên âm qua tiếng Hán cổ thành yue, đọc theo Hán-Việt là ‘Việt.
Chữ Việt đã được dùng để gọi người phương Nam từ thời nhà Thương; người thời nhà Thương cũng mô phỏng theo cái rìu lưỡi xéo có cán đó mà tạo nên chữ “Việt” nguyên thủy. Đến thời Khổng Tử, chữ “Việt” được viết là với chữ “Việt” hình cái rìu ở phía dưới và thêm bộ mễ 米 đặt trong ô vuông chỉ đặc điểm nghề trồng lúa ở phía trên. Chữ 粵 này hiện được dùng để chỉ người Quảng Đông. Trong chữ “Việt” hiện đại 越 vẫn giữ được chữ “Việt” 戉 chỉ cái rìu, búa (phủ việt = ‘búa rìu’).
3.2. Vị trí địa lý.
Với vị trí địa lý là nơi giao điểm (ngã tư đường) của các luồng văn hóa, văn minh, quá trình phát triển lịch sử – xã hội của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các quan hệ giao lưu văn hóa với Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây. Trong đó, quan hệ với văn hóa Trung Hoa để lại dấu ấn sâu đậm hơn cả. Nó khiến cho trong nhận thức của rất nhiều người có định kiến cho rằng văn hóa Việt Nam chỉ là một bộ phận hoặc bản sao của văn hóa Trung Hoa, trong khi thực ra thì vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Để làm sáng tỏ vấn đề này, cùng với việc định vị không gian – chủ thể – thời gian của văn hóa Việt Nam, còn cần phải định vị không gian – chủ thể – thời gian của văn hóa Trung Hoa. Văn hóa Trung Hoa khởi nguồn từ văn hóa nông nghiệp khô (trồng kê, mạch) ở vùng Trung Nguyên (đồng bằng Hoa Bắc, trung tâm là khu vực tỉnh Hà Nam ngày nay). Đến lượt mình, cư dân nông nghiệp khô Trung Nguyên lại có nguồn gốc là những người du mục từ Trung Á đi vào thượng nguồn sông Hoàng Hà ở mạn Tây Bắc.
Lương Khải Siêu (1873-1929), một nhà tư tưởng và nhà hoạt động chính trị Trung Quốc nổi tiếng, thừa nhận rằng tổ tiên của người Trung Hoa vốn là một sắc dân du mục “khởi lên từ phía Tây Bắc rồi tràn xuống chiến thắng những giống man tộc ở lưu vực sông Hoàng Hà, và càng ngày càng tràn ra khắp cả trên cõi đất đại lục…
Nguyên nền văn minh Trung Hoa khởi xuất từ phương Bắc là nơi khí hậu rét mướt, mầu đất sỏi cát khô cằn, ngay cả phần trời cũng bạc, cho nên người phương Bắc chỉ chuyên để tâm nghiên cứu những vấn đề tầm thường nhật dụng, vì thế tư tưởng chỉ thiên về đường thực tế”.
Năm 1924, trong các bài giảng của mình về chủ nghĩa Tam dân, cha đẻ của Trung Hoa dân quốc Tôn Trung Sơn viết: “Người Trung Quốc nói nhân dân là Trăm họ, người nước ngoài nói thời cổ ở phương Tây có một dân tộc Trăm Họ, về sau di cư vào Trung Quốc”. Họ “vượt Thông Lĩnh, tới Thiên Sơn, qua Tân Cương rồi tới lưu vực Hoàng Hà”, “tiêu diệt hoặc đồng hóa dân tộc Miêu Tử vốn có ở Trung Quốc, trở thành dân tộc Trung Quốc ngày nay”.
Ông tán thành cách giải thích này và lập luận: “Nếu văn hóa Trung Quốc không phải từ bên ngoài du nhập vào… thì xét theo quy luật tự nhiên, văn hóa Trung Quốc phải bắt nguồn từ lưu vực sông Chu Giang…, bởi vì lưu vực sông Chu Giang khí hậu ôn hòa, sản vật phong phú, nhân dân rất dễ tìm kế sinh nhai, là nơi dễ phát sinh nền văn minh”. Nhưng khảo cứu lịch sử cho biết Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thành Thang, Văn Vương, Vũ Vương đều không sinh tại lưu vực sông Chu Giang, mà đều sinh tại vùng Tây Bắc, “do đó văn hóa Trung Quốc là từ phương Bắc tới, từ nước ngoài tới”.
GS Lê Thành Khôi viết: “không có sách mới nào nói người Hán đến từ Trung Á”, nhưng những nghiên cứu mới nhất về di truyền học đã tái khẳng định sự xâm nhập của cư dân có nguồn gốc Trung Á vào vùng thượng nguồn sông Hoàng Hà tại thời điểm hơn 2.500 năm trCN, đem theo kỹ nghệ luyện kim, xe ngựa, cừu của Trung Á.
Đặc điểm nổi bật của văn hóa du mục ở Tây Bắc Trung Hoa được Joseph Needham xác định là tính du mục phụ hệ (patriarchal nomadism), thể hiện qua việc thờ Trời (astral religion), ngựa và vật tế ngựa, lều, mộ thủ lĩnh, trống bằng đất nung và tục hôn nhân anh em chồng (levirate: góa phụ phải lấy anh hay em trai của chồng đã chết).
Dòng cư dân mang theo văn hóa du mục đến từ Tây Bắc đã tiếp quản nghề trồng kê mạch của cư dân bản địa rồi dần dần thay thế họ (những cư dân bản địa này vốn là người Đông Nam Á tiền sử từ vùng văn hóa Hòa Bình di cư lên vào khoảng hơn 10 nghìn năm trCN – đó chính là “dân tộc Miêu Tử” mà Tôn Trung Sơn đã nhắc đến ở trên).
Những cư dân mới đã tạo thành tộc người Hoa Hạ rồi tiến từ tây sang đông về phía hạ lưu, dần dần thâu tóm cả vùng lưu vực sông Hoàng Hà. Họ tạo nên các nền văn hóa khảo cổ Ngưỡng Thiều (Yangshao, 5.000-3.000 năm trCN), Hồng Sơn (Hongshan, 4.700-2.900 năm trCN), Đại Vấn Khẩu (Dawenkou, 4.100-2.600 năm trCN), Mã Gia Diêu (Majiayao, 3.300- 2.000 trCN), Long Sơn (Longshan, 2.500-2000 năm trCN). Dấu vết của thời kỳ “Đông tiến” này là những cách nói trong tiếng Trung Hoa thể hiện sự coi trọng phía đông như đồng cung (cung điện phía đông), đông sàng (giường phía đông)… Như vậy, “du mục Tây Bắc” và “nông nghiệp khô Trung Nguyên” là hai thành tố tạo nên nền văn hóa lưu vực sông Hoàng Hà.
Ở giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ đời Tần, hướng bành trướng lãnh thổ của tổ tiên người Hán là đi từ bắc xuống Nam – nơi có khí hậu tốt lành, đất đai màu mỡ, thiên nhiên trù phú; biến Trung Hoa trở thành một đế quốc rộng lớn, được thế giới biết đến. Cho nên “Chine” (= “Tần”) đối với người phương Tây trở thành tên gọi nước Trung Hoa. Vùng Nam Trung Hoa tuy bị thâu tóm từ đời Tần nhưng phải đến tận thế kỷ XIII mới bị đồng hóa. Trong khi Trần Mạnh Hảo thì nói bừa: “Cho đến cuối nhà Chu thì vùng Hoa Nam hầu như đã bị Hoa hóa gần hết” (Báo Văn nghệ số 17-18 năm 1996).
Thời kỳ “Nam tiến” này để lại dấu vết trong những cách nói của người Trung Hoa như kim chỉ nam, nam diện. “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (thánh nhân hướng mặt về phương Nam để nghe lời thiên hạ) [Kinh Dịch, Thuyết quái]; “Ung dã, khả sử nam diện” (Trò Ung, có thể khiến quay mặt về phương Nam) [Luận ngữ, XII-2]; “Thuấn nam diện nhi lập” (Vua Thuấn quay mặt về phương Nam mà đứng) [Mạnh Tử, IX-4],…
Cùng với sự bành trướng về phương Nam, văn hóa sông Hoàng Hà đã hấp thụ tinh hoa của văn hóa nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á từ người Bách Việt. Và, với óc phân tích của loại hình văn hóa trung gian, đã nhanh chóng hệ thống hóa, quy phạm hóa để phát triển thành văn hóa Trung Hoa rực rỡ để rồi đến lượt mình, đã phát huy ảnh hưởng trở lại phương Nam và các dân tộc xung quanh.
Người Trung Hoa từ thời Chu đến thời Hán hiểu rất rõ điều này. Vào thời Hán, Ứng Thiệu đã khẳng định trong sách “Hán quan nghỉ”: “Khi cổ nhân mới mở ở Bắc phương, đã liền giao tiếp ngay với Nam phương để xây dựng nền tảng cho con cháu”.
Năm 1887, nhà Hán học người Pháp T. de Lacouperie đã nhận định rằng “Niềm tin là nước Trung Hoa vốn đã lớn lao mãi từ xưa và thường xuyên như thế chỉ là một huyền thoại. Trái hẳn lại, đó là một việc mới xảy ra về sau. Văn minh Trung Hoa không phải tự nó sinh ra nó mà là hậu quả của sự thâu hóa. Việc thâu hóa từ đâu thì xưa cho là từ phía Tây, nhưng càng về sau thì càng có nhiều người cho là từ phía Đông – Nam”.
Nhóm thực hiện đề tài cấp nhà nước “Tiếp xúc, giao lưu và phát triển văn hóa quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và thế giới” do GS Phạm Đức Dương làm chủ nhiệm đã kết luận rất đúng rằng: “Nền văn minh Trung Hoa đã phát sáng do những người làm nông nghiệp khô thâm canh (trồng kê mạch) vùng Trung Nguyên lưu vực sông Hoàng Hà, đã hỗn dung với văn hóa của cư dân du mục phía bắc và tây – bắc (rợ Khuyển, Nhung…).
Sau đó là với văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á (vùng Hoa Nam với những trung tâm như Ba Thục, Kinh Sở, Ngô Việt…). Kết thúc cuộc “Hán Sở tranh hùng”, nhà Hán đã thống nhất đất nước Trung Hoa từ Bắc xuống Nam (tiền Bắc hậu Nam) và phát triển đất nước theo một trật tự ngược lại: tiền Nam hậu Bắc”.
Văn hóa Trung Hoa, theo một quan điểm, không phải là một thực thể đồng nhất mà là sự tổng hòa phức tạp của nhiều yếu tố văn hóa. Nền tảng là văn minh nông nghiệp lâu đời của lưu vực sông Hoàng Hà, nhưng văn hóa này được bổ sung và làm giàu thêm bởi sự giao thoa với các nền văn hóa du mục Tây Bắc, nông nghiệp khô Trung Nguyên, và nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á. Sự kết hợp này tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và năng động, phản ánh sự giao thoa và biến đổi liên tục trong lịch sử lâu dài của Trung Quốc.
Giai đoạn | Nguồn gốc Văn hóa chính | Ảnh hưởng |
---|---|---|
Thời cổ đại | Văn hóa Phương Bắc cổ đại | Ảnh hưởng đến nền tảng văn hóa Việt Nam |
Văn hóa Phương Nam (ĐNA cổ đại) / Văn hóa Nam-Á (Bách Việt) | Ảnh hưởng đến nền tảng văn hóa Việt Nam | |
Từ tk II TCN, đỉnh cao là tk XV | Văn hóa Trung Hoa | Ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa Việt Nam |
Bảng 6 tóm tắt quá trình hình thành và phát triển văn hóa Việt Nam, dựa trên ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác. Trong thời kỳ cổ đại, văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng song song từ hai nguồn chính: văn hóa Phương Bắc cổ đại và văn hóa Phương Nam (bao gồm cả văn hóa Đông Nam Á cổ đại và văn hóa Nam Á, cụ thể là khu vực cư trú của người Bách Việt). Từ thế kỷ II trước Công nguyên đến thế kỷ XV, văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa Việt Nam. Quá trình này cho thấy văn hóa Việt Nam là sự kết hợp và giao thoa phức tạp của nhiều nguồn văn hóa khác nhau, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo và riêng biệt.
Như vậy, ngay từ những buổi đầu, các dân tộc Việt ở Phương Nam cổ đại và tổ tiên dân tộc Hán ở Phương Bắc, đã có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Mối liên hệ và sự tác động qua lại này, có thể được trình bày dưới dạng khái quát ở trong sơ đồ bảng trên.
Ở đây cần nhắc đến nhận định của Lê Minh Khải (Liam Kelley) trong bài “Deconstructing Trần Ngọc Thêm’s nationalist propaganda”: “Trong dự phóng dân tộc chủ nghĩa của Trần Ngọc Thêm thì “phương Nam” là mọi thứ “phi Trung Quốc” [“the South” is everything which is “not Chinese”]. Còn Việt Nam là một bộ phận của “phương Nam”. Vì vậy bất cứ cái gì diễn ra ở “phương Nam” thì đều liên quan đến Việt Nam, và đều thể hiện “những thành tựu tập thể (leminhkhai, 2012/05/09)”.
Thứ nhất, chúng tôi chưa bao giờ tuyên bố rằng “”phương Nam” là mọi thứ “phi Trung Quốc” cả. Khi đối lập “phương Nam” với “phương Bắc”, chúng tôi luôn nói rằng phương Bắc là “vùng Trung Nguyên ở đồng bằng Hoa Bắc”, vì vào thời đó chưa hề có “Trung Quốc” và “văn hóa Trung Hoa”. Thứ hai, việc “Việt Nam là một bộ phận của phương Nam” thì rõ ràng là chuyện đương nhiên, nhưng, thứ ba, đây không phải là lý do để suy ra rằng “bất cứ cái gì diễn ra ở “phương Nam” thì đều liên quan đến Việt Nam” mà chỉ là “có thể có liên quan đến Việt Nam” mà thôi.
Chính vì không thể khẳng định hay phủ định sự liên quan này nên chúng tôi mới gọi chung đó là “những thành tựu tập thể”. Việc tuyên bố là “thành tựu tập thể” này hoàn toàn không thể coi là một sự “vơ vào”; bởi lẽ nó dựa trên một cơ sở hoàn toàn vững chắc là việc trung tâm của các nền văn hóa khảo cổ Hòa Bình và Đông Sơn nằm ở Việt Nam. Bởi vậy, sẽ thật là không thỏa đáng và thiếu cơ sở khoa học khi dựa trên những căn cứ như vậy để chụp cái mũ “dân tộc chủ nghĩa” cho người khác. Chiếc mũ này cũng được Liam Kelley chụp cho hầu hết các học giả Việt Nam.
Tác giả: Trần Ngọc Thêm
Tài liệu tham khảo.
[1] Trần Ngọc Thêm (2004), “Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng”, trang 58-59, 103-104, 189-190, 205-206, 222-225.
[2] Trần Ngọc Thêm (2013/2014), “Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng”, tr. 70-74, 85-90.
[3] Trần Ngọc Thêm (2016), “Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai”, tr. 76-86.
[4] Trần Ngọc Thêm (chủ biên, 2013/2014/2018), “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ”, TPHCM, NXB Văn Hóa – Văn Nghệ, Mục 3 của Chương I và Mục 4 Chương I và Mục 8 chương V.
[5] Nguyễn Ngọc Thơ (2011), “Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam trong quan hệ với văn hóa truyền thống ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ văn hóa học. Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM
[6] Hà Văn Thùy (2008), “Hành trình tìm lại cội nguồn”, H., NXB Văn học, 328 tr.;
[7] Lang Linh (2020), “Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt”.
[8] Tôn Trung Sơn (1995), “Chủ nghĩa Tam dân”, H., Viện TT KHXH, tr. 101-102.
[9] Lê Thành Khôi (2003), “Đọc quyển “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm”, Tạp chí Diễn đàn, Paris, số tháng 2.
[10] Lê Chí Thiệp (1973), “Kinh Dịch nguyên thủy”, SG, Khai Trí, tr.23.
[11] Kim Định (1973), “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam”, Sài Gòn, Nguồn sáng, tr. 94-95.
[12] Phạm Đức Dương (1995), “Tiếp xúc, giao lưu và phát triển văn hóa quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và thế giới”, Báo cáo tóm tắt đề tài KX-06-15, H., Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, tr.15.
[13] Fairchild M. (05/05/2022). “Every Animal in the Bible. The ultimate list, including Scripture references”.
[14] Cansdale G.S. (1970). “All the Animals of the Bible Lands”. Zondervan Pub. House, 272p.
[15] Cœdès G. (1996). “The Indianized States of Southeast Asia”, translated by Susan Brown Cowing. University of Hawaii Press, tr. 9.
[16] Chu J.Y. et al (1998), “Genetic relationship of populartions in China”, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95 (20).
[17] Liam Kelley, (Liam Christopher Kelley = Lê Minh Khải) United States, University of Hawaiʻi, Universiti Brunei Darussalam, Tham khảo tại https://en.wikipedia.org/wiki/Liam_Kelley
[18] Hirofumi Matsumura et al. (2019), “Craniometrics Reveal “Two Layers” of Prehistoric Human Dispersal in Eastern Eurasia”, Scientific reports; 9 (1).
[19] Needham J. (1954), “Science and Civilisation in China”, Volume 1, Introductory orientations, Cambridge, University Press, p.90.
[20] Michael Hensley. (2025). “Positioning Vietnamese Culture”. ENLibs.com with link https://enlibs.com/positioning-vietnamese-culture.html
Bạn đang xem bài viết:
Định vị văn hóa Việt Nam
Link https://vnlibs.com/van-hoa/dinh-vi-van-hoa-viet-nam.html