Văn hóa là một khái niệm rộng lớn và phong phú, bao gồm tất cả những giá trị vật chất và tinh thần mà con người đã sáng tạo và tích lũy qua quá trình lịch sử.
Từ những sản phẩm vật chất như đồ ăn, đồ mặc, vật dụng hàng ngày đến những giá trị tinh thần như tri thức, kinh nghiệm, tín ngưỡng, phong tục, lối sống và tính cách, văn hóa chính là yếu tố quyết định trong việc biến con người thành một thực thể xã hội hoàn chỉnh.
Khoa học nghiên cứu về văn hóa, hay còn gọi là văn hóa học, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những đặc trưng cơ bản của văn hóa và vai trò của nó trong đời sống xã hội. Bài viết này tại VNLibs.com sẽ đi sâu vào các khía cạnh của văn hóa và văn hóa học, từ định nghĩa, đặc trưng đến chức năng của văn hóa, nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về lĩnh vực này.
1. Định nghĩa văn hóa.
Trong quá trình hình thành, con người đã sáng tạo ra VĂN HÓA; văn hóa chính là yếu tố mang tính quyết định trong việc biến con vượn thành người. Khoa học nghiên cứu về văn hóa gọi là VĂN HÓA HỌC.
Từ “văn hóa” có rất nhiều nghĩa. Trong tiếng Việt, “văn hóa” có thể được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức (trình độ văn hóa), lối sống (nếp sống văn hóa); theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn (văn hóa Đông Sơn),…
Trong khi theo nghĩa rộng thì văn hóa bao gồm tất cả, từ các sản phẩm vật chất như đồ ăn, đồ mặc, vật dụng cho đến những giá trị tinh thần như tri thức, kinh nghiệm, tín ngưỡng, phong tục, lối sống, tính cách… Chính với cách hiểu rộng này, văn hóa mới là đối tượng đích thực của văn hóa học.
Tuy nhiên, ngay cả với cách hiểu rộng này thì trên thế giới cũng có hàng trăm định nghĩa khác nhau. Để định nghĩa một khái niệm, trước hết cần xác định được những đặc trưng cơ bản của nó giúp cho việc nhận diện khái niệm được nhanh chóng, dễ dàng. Đó là những nét riêng biệt và tiêu biểu, cần và đủ để phân biệt khái niệm (sự vật) ấy với những khái niệm (sự vật) khác.
Việc phân tích các cách tiếp cận văn hóa phổ biến hiện nay (coi văn hóa như tập hợp, như giá trị, như hoạt động, như ký hiệu, như thuộc tính nhân cách, như thuộc tính xã hội,…) giúp ta có thể điều chỉnh và xây dựng được một định nghĩa về văn hóa trên cơ sở xác định bốn đặc trưng cơ bản của văn hóa như sau:
VĂN HÓA là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người đã sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.
Dưới đây, chúng ta đi vào xem xét từng đặc trưng của văn hóa được nói đến trong định nghĩa nêu trên cùng các chức năng của nó.
2. Các đặc trưng và chức năng của văn hóa.
2.1. Văn hóa trước hết phải có tính hệ thống.
Trước chúng tôi, văn hóa thường được định nghĩa “là tốt cả…”, “là toàn bộ…”, “là phức thể”,… Đặc trưng tính hệ thống giúp phân biệt văn hóa với tập hợp các biểu hiện riêng lẻ, các bộ phận cấu thành của văn hóa; nó giúp phát hiện những mối liên hệ mật thiết giữa các hiện tượng, sự kiện thuộc một nền văn hóa; phát hiện các đặc trưng, những quy luật hình thành và phát triển của văn hóa.
Nhờ có tính hệ thống mà văn hóa, với tư cách là một thực thể bao trùm mọi hoạt động của xã hội, thực hiện được chức năng tổ chức xã hội. Chính văn hóa làm tăng độ ổn định của xã hội, cung cấp cho xã hội mọi phương tiện cần thiết để ứng phó với môi trường tự nhiên và xã hội của mình. Nó là nền tảng của xã hội – có lẽ chính vì vậy mà người Việt dùng loại từ “nền” để định loại khái niệm văn hóa (nền văn hóa).
2.2. Đặc trưng quan trọng thứ hai của văn hóa là tính giá trị.
Văn hóa theo nghĩa đen nghĩa là “trở thành đẹp, thành có giá trị”. Tính giá trị cần để phân biệt giá trị với phi giá trị (ví dụ: thiên tai, trộm cướp). Nó là thước đo mức độ nhân bản của xã hội và con người. Các giá trị văn hóa, theo mục đích có thể chia thành giá trị vật chất (phục vụ cho các nhu cầu vật chất) và giá trị tinh thần (phục vụ cho các nhu cầu tinh thần).
Theo ý nghĩa có thể chia thành giá trị sử dụng, giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ. Theo thời gian có thể chia thành giá trị vĩnh cửu và giá trị nhất thời. Sự phân biệt các giá trị theo thời gian cho phép ta có được cái nhìn biện chứng và khách quan trong việc đánh giá tính giá trị của sự vật, hiện tượng; tránh được những xu hướng cực đoan – tán dương hết lời hoặc phủ nhận sạch trơn.
Vì vậy mà, về một đồng đại, cùng một hiện tượng có thể có giá trị nhiều hay ít tùy theo góc nhìn, theo bình diện được xem xét. Muốn kết luận một hiện tượng có thuộc phạm trù văn hóa hay không, thì phải xem xét mối tương quan giữa các mức độ “gia trị” và “phi giá trị” của nó.
Về mặt lịch đại, cùng một hiện tượng sẽ có thể có giá trị hay không tùy thuộc vào chuẩn mực văn hóa của từng giai đoạn lịch sử. Áp dụng vào Việt Nam, việc đánh giá chế độ phong kiến, vai trò của Nho giáo; các triều đại nhà Hồ, nhà Nguyễn,… đều đòi hỏi một cách nhìn và cách nghĩ mang tính biện chứng như thế.
Nhờ thường xuyên xem xét các giá trị mà văn hóa thực hiện được chức năng quan trọng thứ hai là điều chỉnh xã hội, giúp cho xã hội duy trì được trạng thái cân bằng động, không ngừng tự hoàn thiện và thích ứng với những biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội; giúp định hướng các chuẩn mực, làm động lực cho sự phát triển của xã hội.
2.3. Đặc trưng thứ ba của văn hóa là tính nhân sinh (nhân tạo).
Tính nhân sinh cho phép phân biệt văn hóa như một hiện tượng xã hội (do con người sáng tạo) với các giá trị tự nhiên (thiên tạo). Phần lớn các giá trị văn hóa chính là cái tự nhiên được biến đổi bởi con người. Sự tác động của con người vào tự nhiên có thể mang tính vật chất (như luyện quặng, đẽo gỗ,…) hoặc mang tính tinh thần (như đặt tên; sáng tạo truyền thuyết để giải thích hình dáng, tên gọi của vạn vật,…).
Với tính nhân sinh, văn hóa học không đồng nhất với đất nước học. Nhiệm vụ của đất nước học là giới thiệu thiên nhiên – đất nước – con người của một quốc gia; đối tượng của đất nước học bao gồm cả các giá trị tự nhiên, và không nhất thiết chỉ bao gồm các giá trị, về mặt này thì nó rộng hơn văn hóa học. Mặt khác, đất nước học quan tâm nhiều đến các vấn đề đương đại hơn là quá khứ, về mặt này thì nó hẹp hơn văn hóa học.
Do mang tính nhân sinh, văn hóa trở thành sợi dây nối liền con người với con người; văn hóa thực hiện chức năng giao tiếp và có tác dụng liên kết mọi người lại với nhau. Nêu ngôn ngữ là hình thức của hoạt động giao tiếp thì văn hóa là nội dung của hoạt động này.
2.4. Văn hóa còn có tính lịch sử.
Tính lịch sử cho phép phân biệt văn hóa như sản phẩm của một quá trình, và được tích lũy qua nhiều thế hệ với văn minh như sản phẩm cuối cùng, chỉ ra trình độ phát triển của từng giai đoạn. Tính lịch sử tạo cho văn hóa một bề dày, một chiều sâu; nó buộc văn hóa phải thường xuyên tự điều chỉnh, tiến hành phân loại và phân bố lại các giá trị.
Tính lịch sử được duy trì bằng truyền thống văn hóa. Truyền thống văn hóa là một tiểu hệ lớn của văn hóa, bao gồm những giá trị tương đối ổn định, những kinh nghiệm tập thể được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và thời gian, được đúc kết thành những khuôn mẫu xã hội và cố định hóa dưới dạng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư luận…
Truyền thống văn hóa tồn tại nhờ giáo dục. Chức năng giáo dục là chức năng quan trọng thứ tư của văn hóa. Nhưng văn hóa thực hiện chức năng giáo dục không chỉ bằng những giá trị đã ổn định (truyền thống), mà còn bằng cả những giá trị đang hình thành. Hai loại giá trị này tạo thành một hệ thống chuẩn mực mà con người hướng tới.
Nhờ đó mà văn hóa đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách. Từ chức năng giáo dục, văn hóa có chức năng phái sinh là đảm bảo tính kế tục của lịch sử. Văn hóa là một thứ “gien”,xã hội di truyền phẩm chất con người lại cho các thế hệ mai sau.
Bốn đặc trưng vừa nêu là cần và đủ để tạo thành một bộ chìa khóa giúp ta nhận diện một sự vật/ hiện tượng/ khái niệm có thuộc về văn hóa hay không, để định nghĩa khái niệm “văn hóa” (xem Hình 1).
2.5. Ẩn tàng một bộ chìa khóa thứ hai giúp ta định vị văn hóa.
Cái khung để định vị văn hóa là một hệ tọa độ bao gồm ba thông số là Chủ thể – Không gian – Thời gian. Định nghĩa nêu chủ thể của văn hóa là con người. Khái niệm “con người” có thể hiểu theo nghĩa khái quát hoặc nghĩa cụ thể. Khi người Việt nói, chẳng hạn: “Con trâu là bạn của người nông dân”, “Tre già măng mọc”, thì “con trâu” và “tre” ở đây phải được hiểu theo nghĩa khái quát.
Chỉ có con người khái quát mới là chủ thể sáng tạo ra văn hóa; còn con người cụ thể là sản phẩm của văn hóa, vật mang văn hóa; họ chỉ có thể tham gia vào việc sáng tạo văn hóa mà thôi. Văn hóa luôn phải tồn tại trong một không gian cụ thể (trong định nghĩa thể hiện bằng cụm từ “môi trường tự nhiên và xã hội” và một thời gian cụ thể (trong định nghĩa thể hiện bằng cụm từ “quá trình hoạt động”).
3. Văn hóa với văn minh, văn hiến, văn vật.
3.1. Lâu nay, không ít người vẫn sử dụng văn minh (civilization) như một khái niệm đồng nghĩa với “văn hóa”. Song thực ra văn minh và văn hóa là hai khái niệm rất khác nhau. Trong các từ điển, từ “văn minh” có thể được định nghĩa theo nhiều cách.
Song chúng thường có một nét nghĩa chung là chỉ trình độ phát triển. Trong khi văn hóa luôn chỉ ra bề dày của quá khứ (tính lịch sử) thì văn minh luôn là một lát cắt đồng đại, nó cho biết trình độ phát triển của văn hóa ở từng giai đoạn.
Nói đến văn minh, người ta còn nghĩ đến các tiện nghi. Như vậy, văn hóa và văn minh còn khác nhau ở tính giá trị: Trong khi văn hóa chứa cả các giá trị vật chất lẫn tinh thần thì văn minh chủ yếu thiên về các giá trị vật chất mà thôi.
Sự khác biệt của văn hóa và văn minh về giá trị tinh thần và tính lịch sử dẫn đến sự khác biệt về phạm vi. Văn hóa mang tính dân tộc còn văn minh thì có tính quốc tế, nó đặc trưng cho một khu vực rộng lớn hoặc cả nhân loại, bởi lẽ cái vật chất thì dễ phổ biến, lây lan.
Sự khác biệt thứ tư là về nguồn gốc: Văn hóa gắn bó nhiều hơn với phương Đông nông nghiệp, nông thôn; còn văn minh gắn bó nhiều hơn với phương Tây đô thị, công nghiệp và thương mại. Ở các ngôn ngữ phương Tây, từ “văn hóa” (cultural) bắt nguồn từ chữ cultus tiếng La-tinh có nghĩa là “trồng trọt”; còn từ “văn minh” (civilization) thì liên quan với tiếng La-tinh có nghĩa là ‘đô thị, thành phố”.
3.2. Ngoài văn hóa và văn minh, tiếng Việt còn có các khái niệm “văn hiến” “văn vật”. Các từ điển thường định nghĩa văn hiến là “truyền thống văn hóa lâu đời”, còn văn vật là “truyền thống văn hóa biểu hiện ở nhiều nhân tài và di tích lịch sử”.
Theo đó, văn hiến và văn vật chỉ là những khái niệm bộ phận của “văn hóa”, chúng khác văn hóa ở độ bao quát các giá trị: Văn hiến là văn hóa thiên về “truyền thống lâu đời”, mà truyền thống lâu đời còn lưu giữ được chính là các giá trị tinh thần; còn văn vật là văn hóa thiên về các giá trị vật chất (nhân tài, di tích, hiện vật).
Chính vì vậy, mà ông cha ta thường nói “đất nước 4.000 năm văn hiến” nhưng lại nói “Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn vật” Phương Tây không có các khái niệm văn hiến, văn vật, cho nên hai từ này không thể dịch chính xác ra các ngôn ngữ phương Tây được.
Sự phân biệt bốn khái niệm văn hóa, văn minh, văn hiến, văn vật được trình bày trong Bảng 2.
VĂN VẬT | VĂN HIẾN | VĂN HÓA | VĂN MINH |
---|---|---|---|
4. Cấu trúc của hệ thống văn hóa.
Theo số lượng thành tố, văn hóa có thể được chia đôi thành văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó là những cách chia ba (tam phân) như: “văn hóa vật chất – văn hóa xã hội – văn hóa tinh thần”; “văn hóa vật chất – văn hóa tinh thần – văn hóa nghệ thuật”, “sinh hoạt kinh tế – sinh hoạt xã hội – sinh hoạt trí thức”,…
Một số tác giả khác nói đến bốn thành tố (tứ phân) như: “văn hóa sản xuất – văn hóa xã hội – văn hóa tư tưởng – văn hóa nghệ thuật” hoặc “hoạt động sinh tồn – hoạt động xã hội – hoạt động tinh thần – hoạt động nghệ thuật”,…
Theo dạng hoạt động? chúng tôi phân chia văn hóa thành một hệ thống bao gồm ba thành tố là văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức và văn hóa ứng xử. Xét theo đối tượng, mỗi một trong ba thành tố này có thể tiếp tục được chia nhỏ thành hai tiểu hệ. Kết quả thu được bức tranh tổng thể cấu trúc của hệ thống văn hóa như sau:
– Văn hóa nhận thức là thành tố gồm các giá trị tích lũy được trong lĩnh vực hoạt động nhận thức. Trong quá trình tồn tại và phát triển, môi cộng đồng người (chủ thể văn hóa) sẽ tích lũy được một kho tàng những tri thức và kinh nghiệm phong phú về vũ trụ và về con người. Do vậy, xét theo đối tượng thì văn hóa nhận thức sẽ có hai tiểu hệ là văn hóa nhận thức về vũ trụ và văn hóa nhận thức về con người.
– Văn hóa tổ chức là thành tố gồm các giá trị tích lũy được trong lĩnh vực hoạt động tổ chức, cần chú ý rằng “văn hóa tổ chức” nói đến ở đây (trong quan hệ bộ ba “nhận thức – tổ chức – ứng xử”) là văn hóa của hoạt động tổ chức, chứ không phải là văn hóa của một tổ chức (dịch sang tiếng Anh sẽ phải là “organizing culture” chứ không phải là “organizational culture”).
Xét theo đối tượng, văn hóa tổ chức có hai tiểu hệ là văn hóa tổ chức đời sống tập thể (ở tầm vĩ mô như tổ chức nông thôn, quốc gia, đô thị), và văn hóa tổ chức đời sống cá nhân (liên quan đến tổ chức đời sống riêng của mỗi người như tín ngưỡng, phong tục, giao tiếp, nghệ thuật,…).
– Văn hóa ứng xử là thành tố gồm các giá trị tích lũy được trong lĩnh vực hoạt động ứng xử. Cộng đồng chủ thể văn hóa tồn tại trong quan hệ với hai loại môi trường là môi trường tự nhiên (thiên nhiên, khí hậu,…) nơi cộng đồng chủ thể cư trú và môi trường xã hội (các dân tộc, quốc gia láng giềng bao quanh cộng đồng chủ thể văn hóa).
Như vậy, văn hóa ứng xử xét theo đối tượng có hai tiểu hệ là văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và văn hóa ứng xử với môi trường xã hội. Tiếp tục chia nhỏ nữa, với mỗi loại môi trường, đều có thể có hai cách xử thế phù hợp với hai loại tác động của chúng là văn hóa tận dụng môi trường (tác động tích cực) và văn hóa ứng phó với môi trường (tác động tiêu cực).
Cấu trúc văn hóa ba thành tố chia theo hoạt động trình bày trong Bảng 3.
Dưới góc độ đồng đại hệ thống văn hóa còn có thể có nhiều cách phân chia khác. Chẳng hạn, trong quan hệ với địa bàn cư trú, có thể phân biệt văn hóa biển, văn hóa đồng bằng, văn hóa núi.
Trong quan hệ với cộng đồng, có thể phân biệt văn hóa dân gian và văn hóa chính thống. Trong quan hệ với quy mô dân số của tộc người, có sự khác biệt giữa văn hóa người Việt với văn hóa các tộc ít người…
Phân biệt “dân tộc” và “tộc người” như thế nào? Dân tộc là cộng đồng người có chung nguồn gốc và lịch sử hình thành, có một nền văn hóa và ngôn ngữ chung, có thể gồm nhiều tộc người (còn gọi là sắc tộc), ví dụ như dân tộc Việt Nam có 54 tộc người.
Những cách phân chia này có thể được vận dụng kết hợp với cách phân chia chính (theo hoạt động và theo đối tượng của hoạt động) đã trình bày ở trên. Một giá trị hoặc một nhóm giá trị có thể cùng lúc liên quan đến nhiều thành tố và tiểu hệ khác nhau.
Việc xếp vào thành tố hay tiểu hệ nào, sẽ được lựa chọn và xác định cho từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào vai trò của nhóm giá trị đó đối với các thành tố hay tiểu hệ và/hoặc sự phù hợp trong việc trình bày những mối quan hệ của chúng.
5. Cơ sở văn hóa và các bộ môn văn hóa học.
Khoa học nghiên cứu về văn hóa có hai hướng chính: “Nghiên cứu văn hóa” (cultural studies) và “văn hóa học” (culturology). Trong đó, văn hóa học đòi hỏi tính hệ thống cao hơn. Văn hóa học như một hướng nghiên cứu và như một ngành đào tạo có thể được xem xét từ nhiều góc độ, bao gồm nhiều chuyên ngành, nhiều môn học:
– Cơ sở văn hóa là môn học nhằm giới thiệu những đặc trưng cơ bản cùng các quy luật hình thành và phát triển của một nền văn hóa dân tộc cụ thể. Đối với sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn, môn “Cơ sở văn hóa” trang bị những hiểu biết tối thiểu về một nền văn hóa, làm cơ sở cho việc đi sâu vào những kiến thức chuyên ngành và để cho khi bước vào đời, có thể tham gia một cách có ý thức vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc;
Khi đi ra nước ngoài, có thể góp phần quảng bá văn hóa của dân tộc mình, và có cơ sở so sánh để hiểu sâu hơn về văn hóa nước ngoài. Đối với sinh viên chuyên ngành văn hóa học, đây là một môn học mang tính dẫn luận, nhập môn, cung cấp những hiểu biết nền tảng để trên cơ sở đó đi sâu vào các môn chuyên ngành.
– Văn hóa học đại cương là một môn chuyên ngành, có trách nhiệm trang bị những tri thức chuyên sâu về các bình diện, các học thuyết, các quan niệm, các cách tiếp cận,… trong nghiên cứu văn hóa và văn hóa học.
– Văn hóa học lý luận, hay Lý luận văn hóa học, có thể hiểu là một môn chuyên ngành, nhưng cũng có thể hiểu là một hướng nghiên cứu có mục đích xây dựng các lý thuyết mới về văn hóa học.
– Văn hóa học địa lý là một hướng nghiên cứu và một môn học có đối tượng là “địa văn hóa” – văn hóa trong quan hệ với địa lý; có trách nhiệm tìm hiểu đặc điểm văn hóa của các vùng miền, các khu vực, mở rộng hiểu biết về văn hóa theo chiều ngang.
– Văn hóa học ứng dụng là một hướng nghiên cứu và một môn học có nhiệm vụ vận dụng và giới thiệu việc vận dụng các thành tựu nghiên cứu thu được trong các chuyên ngành nêu trên vào mọi lĩnh vực, mọi mặt của cuộc sống.
Dưới đây là một số ví dụ thực tiễn trong cuộc sống liên quan đến văn hóa và văn hóa học tại Việt Nam:
– Lễ hội truyền thống: Các lễ hội như Tết Nguyên Đán, Lễ hội Đền Hùng, và Lễ hội Chùa Hương không chỉ là dịp để người dân vui chơi, mà còn là cơ hội để tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán và tín ngưỡng của người Việt.
– Nghệ thuật dân gian: Các loại hình nghệ thuật như hát quan họ, ca trù, chèo, và múa rối nước là những di sản văn hóa phi vật thể quý báu, thể hiện sự sáng tạo và tinh thần cộng đồng của người Việt qua nhiều thế hệ.
– Ẩm thực: Món ăn như phở, bún chả, bánh mì, và nem rán không chỉ là những món ăn ngon mà còn phản ánh sự đa dạng và phong phú của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Mỗi món ăn đều mang trong mình câu chuyện về lịch sử, địa lý và con người.
– Kiến trúc: Các công trình kiến trúc như chùa Một Cột, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, và các ngôi nhà cổ ở Hội An là những minh chứng sống động cho sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
– Trang phục truyền thống: Áo dài là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, thể hiện sự duyên dáng và thanh lịch của người phụ nữ Việt. Áo dài thường được mặc trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng và cả trong cuộc sống hàng ngày.
Những ví dụ này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các khía cạnh khác nhau của văn hóa và văn hóa học, từ đó có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về lĩnh vực này.
Tác giả: Trần Ngọc Thêm
Tài liệu tham khảo:
[1] Alice Carter. (2025). “Culture and Culturology”. ENLibs.com, link https://enlibs.com/culture-and-culturology.html
Bạn đang xem bài viết:
Văn Hóa và Văn Hóa Học
Link https://vnlibs.com/van-hoa/van-hoa-va-van-hoa-hoc.html