Toàn bộ tiến trình văn hóa Việt Nam có thể chia thành 6 giai đoạn: tiền sử; Văn Lang – Âu Lạc; chống Bắc thuộc; Đại Việt; Đại Nam và hiện đại. Sáu giai đoạn này hình thành trong ba lớp văn hóa chồng lên nhau, bao gồm: lớp văn hóa bản địa; lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực; cuối cùng là lớp văn hóa giao lưu với phương Tây.
1. Lớp văn hóa bản địa.
Lớp văn hóa bản địa được hình thành qua hai giai đoạn, đó là: giai đoạn văn hóa tiền sử và giai đoạn văn hóa Văn Lang – Âu Lạc.
Đông Nam Á là một trong 7 trung tâm thuần dưỡng cây trồng, nơi thuần hóa cây lúa nước vào lúc chuyển từ thời đồ đá cũ sang thời đồ đá mới – Một thuyết khác cho rằng cây lúa nước được thuần dưỡng ở vùng lưu vực sông Dương Tử rồi mới phát tán ra toàn khu vực.
Các tác giả “Lịch sử Việt Nam” khẳng định: “Trên cơ sở kinh tế hái lượm phát triển ở vùng rừng nhiệt đới, các bộ lạc Hòa Bình đã thực hiện một bước nhảy có ý nghĩa lớn lao trong đời sống nhân loại: phát minh nông nghiệp. Đông Nam Á là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm nhất”.
Ở các di chỉ khảo cổ khác nhau của Việt Nam như Sũng Sàm, Tràng Kênh, Gò Bông, Đồng Đậu, Gò Mun… đã phát hiện được những dấu tích của bào tử phấn, dấu tích bông lúa, hạt lúa, vỏ trấu, gạo cháy, mảnh chõ xôi, dụng cụ làm lúa gạo… có niên đại xưa tới vài nghìn năm trước Công Nguyên.
Trong cuốn “Sự sinh thành Việt Nam”, Hà Văn Tấn khẳng định: “Cách đây khoảng 4.500 đến 4.000 năm, trồng trọt và chăn nuôi đã phổ biến ở mọi vùng khắp Việt Nam. Hầu như các bộ lạc từ miền núi đến miền bờ biển và hải đảo đều đạt đến trình độ cao trong kỹ thuật làm đồ đá, công cụ cũng như đồ trang sức. Khắp nơi đều biết trồng lúa. Nông cụ chủ yếu là những chiếc cuốc bằng đá”.
Tổ tiên người Hán khi định cư ở lưu vực sông Hoàng Hà mới chỉ trồng kê, mạch, đậu. Nghề trồng lúa là học được từ các dân tộc phương Nam. Theo các tác giả bộ “Lịch sử văn hóa Trung Quốc” do Đàm Gia Kiện chủ biên thì “lúa đạo [gạo] được nhập vào trồng ở vùng Trung Nguyên từ đời Chu”, tức là vào khoảng 1122-247 trước Công Nguyên.
Nhà Đông phương học Nga nổi tiếng D.V. Deopik đã viết: “Vào thiên niên kỷ thứ III trước Công Nguyên, ở trung tâm vùng Đông Á ta chỉ thấy một chấm nhỏ của văn minh trồng kê Ngưỡng Thiều (Janshao), lạc hậu hơn so với văn hóa đồ gốm có hoa văn vùng trung tâm Đông Dương. Đối với khu Bắc Đông Á không có những nôi nông nghiệp lớn”
Từ Đông Nam Á cổ đại, lúa và kỹ thuật trồng lúa đã lan tới bờ Địa Trung Hải vào nửa đầu của thiên niên kỷ I trước Công Nguyên. Không chỉ chữ “đạo” (稻) trong tiếng Hán bắt nguồn từ chữ “gạo” của tiếng Việt cổ mà ngay cả các chữ rice, riz, ris, Reis… trong các ngôn ngữ châu Âu cũng có nguồn gốc từ tiếng Đông Nam Á cổ đại (dấu vết này còn thấy ở tên thần lúa Yang Sri của các dân tộc Tây Nguyên).
Ngoài cây lúa và kỹ thuật trồng lúa, còn phải kể đến một số thành tựu đặc biệt khác của Đông Nam Á cổ đại, đó là:
(a) Việc trồng dâu nuôi tằm để làm đồ mặc và tục uống chè.
(b) Việc thuần dưỡng một số vật nuôi đặc thù như trâu, gà. “Ngưu” [牛] trong tiếng Hán chỉ có nghĩa là “bò’, khi biết đến trâu, người Hán phải đặt ra kết hợp “thủy ngưu” [水牛] (bò nước) để chỉ con trâu. Trong cuốn “Sự biến hóa của động vật và thực vật trong quá trình thuần hóa”, Charles Darwin đã khẳng định rằng nguồn gốc của con gà nuôi là xuất phát từ con gà rừng của Đông Nam Á.
(c) Việc làm nhà sàn để ở và dùng các cây thuốc để chữa bệnh. Truyền thuyết phương Nam đã đánh dấu giai đoạn văn hóa này bằng hình ảnh Thần Nông. Từ đây, nhân vật thần thoại này đã được bổ sung vào kho tàng văn hóa Trung Hoa.
1.1. Giai đoạn văn hóa Văn Lang – Âu Lạc.
Giai đoạn này kế tục giai đoạn tiền sử cả về không gian văn hóa, thời gian văn hóa và thành tựu văn hóa. Các quốc hiệu “Văn Lang – Âu Lạc” ở đây được mượn để đặt tên cho một giai đoạn văn hóa mà theo thư tịch cổ và truyền thuyết thì có thể xem là khởi đầu từ khoảng giữa thiên niên kỷ III trước Công Nguyên.
Truyền thuyết Hồng Bàng thị (họ Hồng Bàng) kể rằng vua đầu tiên của họ Hồng Bàng tên là Lộc Tục, cháu bốn đời của Viêm Đế (= vua xứ nóng) họ Thần Nông, con một nàng tiên ở núi Ngũ Lĩnh. Lộc Tục lên làm vua phương Nam vào khoảng năm 2879 trước Công Nguyên, lấy hiệu là Kinh Dương, đặt tên nước là Xích Quỷ (“xích” = “đỏ” – màu của phương Nam theo Ngũ hành; “quỷ” = “thần”; “Xích Quỷ” = “Thần phương Nam”).
Bờ cõi nước Xích Quỷ phía bắc giáp hồ Động Đình, phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương Lộc Tục lấy con gái vua hồ Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm con trai. Một nửa theo cha xuống bể, nửa kia theo mẹ lên rừng. Nửa theo mẹ lên rừng đi đến đất Phong Châu (vùng Việt Trì, Phú Thọ ngày nay), cùng tôn người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Vua Hùng.
Theo Trần Quốc Vượng (1986, tr. 484), “Hùng” là cách phiên âm Hán-Việt của Khun – một danh hiệu thủ lĩnh của các dân tộc Bách Việt; “vua Hùng” âm cổ là pò khun (= “bố các thủ lĩnh”). Người Thái Tây Bắc hiện nay vẫn gọi người đứng đầu mường lớn là pò khun; người Mường gọi là Lang Kun. Vua nước Thái Lan cổ đại Sukhothai cũng tự xưng là pò khun.
Giáo sư Phạm Huy Thông cho rằng “Hùng” trong thói quen “xưng Hùng xưng Bá” của các vua Sở chính là dấu vết truyền thống của ngôn ngữ cư dân Bách Việt (1988, tr. 2). Tồn tại một cách giải thích khác của H. Maspero (và được một số người đồng tình) rằng chữ “Hùng” là chữ “Lạc” chép nhầm mà thành (do tự dạng chữ Hán của “Lạc” [雒] và “Hùng” [雄] gần giống nhau).
Truyền thuyết tuy không phải là sử liệu, nhưng nó có thể chứa đựng những tình tiết liên quan đến lịch sử. Về mặt không gian, bờ cõi truyền thuyết nước Xích Quỷ trải dài từ Bắc Trung Bộ đến hồ Động Đình chính là nằm trong địa bàn cư trú của người Nam Á (Bách Việt), là khu vực tam giác không gian gốc của văn hóa Việt Nam. Bờ cõi nước Văn Lang của các vua Hùng sau này là một bộ phận của không gian gốc đó, cũng như người Lạc Việt là một bộ phận của khối cư dân Nam Á (Bách Việt).
Nhà sử học người Nga P.V. Pozner khẳng định: “Sự tồn tại của các lãnh tụ người Lạc (Việt) với tên hiệu chung “Hùng” là một sự kiện lịch sử…; truyền thuyết về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân phản ánh truyền thống sử học truyền khẩu về địa bàn cư trú cổ xưa của các bộ lạc tiền Việt, cho nên, theo nghĩa đó, nó cũng mang tính lịch sử.
Về mặt thời gian, thiên niên kỷ thứ III trước Công Nguyên (mà trong đó có mốc truyền thuyết là năm 2879) ứng với giai đoạn đầu thời đại đồ đồng, cũng chính là thời điểm hình thành chủng Nam-Á (Bách Việt).
Thành tựu văn hóa chủ yếu của giai đoạn Văn Lang – Âu Lạc, sau nghề nông nghiệp lúa nước, chính là nghề luyện kim đồng. Cả trên phương diện này, vai trò của vùng văn hóa Nam Á đối với khu vực cũng hết sức to lớn: đồ đồng Đông Sơn và ảnh hưởng của nó đã tìm thấy khắp nơi – từ nam Trung Hoa, Thái Lan đến toàn bộ vùng Đông Nam Á hải đảo.
Theo tập thể tác giả cuốn “Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam” do Hà Văn Tấn chủ biên thì “Kỹ thuật luyện kim, đúc đồng của người Đông Sơn đã đạt đến trình độ điêu luyện đáng kinh ngạc. Trống đồng, thạp đồng là những di vật tiêu biểu nhất cho trình độ kỹ thuật và bàn tay tài hoa của những người thợ đúc Đông Sơn.
Đỉnh cao không thể phủ nhận này đã khiến trước đây, nhiều học giả phương Tây không thể tin vào nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn nói chung, kỹ thuật luyện kim Đông Sơn nói riêng. Họ đi tìm nguồn gốc ở tận đất Trung Nguyên, phương Bắc, thậm chí còn tìm ở nơi xa tít bên trời Tây…
Kết quả nghiên cứu khảo cổ học vài thập kỷ qua đã chứng minh rằng, nghề luyện kim đồng thau đã ra đời ở đất này từ rất lâu trước sự ra đời của văn hóa Đông Sơn. Luyện kim Đông Sơn là sự phát triển kế tục, không đứt quãng của luyện kim các giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn”. Theo Trần Quốc Vượng (1986) thì chữ “đồng” [銅] trong tiếng Hán được phiên âm từ tiếng Đông Nam Á cổ đại (Tày: toong; Việt: đồng).
Nhà Đông phương học Nga G.G. Stratonovich nói đến “một vùng sản xuất đồ đồng lớn nhất. Vùng này có thể hình dung dưới dạng một tam giác lớn: hai điểm tận cùng của cạnh đáy là Đông Sơn ở phía đông và Mogaung (bắc Mianma – TNT) ở phía tây. Đỉnh tam giác nằm trong khoảng giữa hồ Động Đình và hồ Poian”.
Ông viết tiếp: “… trước đây thậm chí cả đồ đồng Đông Sơn cũng bị tưởng rằng bắt nguồn từ phương Bắc. Bây giờ tình hình đã thay đổi, người ta biết đến không chỉ nguồn quặng đồng phong phú của Việt Nam, mà cả những mỏ đồng, cũng như mỏ vàng và bạc khác nữa. Giả thuyết về nguồn gốc phương Nam của đồ đồng nhà Ân trở nên có cơ sở… Niên đại của văn hóa Đông Sơn giờ đây được đẩy về khoảng giáp ranh giữa các thiên niên kỷ III trước Công Nguyên”.
Nghề luyện sắt và sản phẩm sắt trước đây được cho là do văn minh Trung Hoa truyền sang. Song theo GS Hà Văn Tấn thì “ngày nay các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những chứng tích xác thực của nghề đúc sắt xuất hiện sớm ở Việt Nam, trước khi văn hóa Trung Quốc xâm nhập”.
Sắt là thứ kim loại bị oxi hóa mạnh, nên có rất ít trường hợp đồ sắt để lại dấu vết trong các di tích khảo cổ trên thế giới. Theo Trần Gia Ninh, “sắt” và “thép” đều là những từ thuần Việt, nếu Việt Nam học nghề này từ Trung Hoa thì đã phải gọi theo tiếng Hán là “thiết” [鐵] và “cương” [鋼].
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi Ngô Quyền đóng cọc gỗ nhọn bịt sắt xuống sông Bạch Đằng; sách “An Nam chí nguyên” (安南志原) của Cao Hùng Trưng (高熊徵) đời Minh đã ghi lại khá tỉ mỉ rằng ở “Phủ Nghệ An, tại huyện Thổ Hoàng có núi Quặng [Khoáng Sơn] là nơi sản xuất sắt…; tại huyện Đông Thành có núi Sắt [Thiết Sơn] cũng là nơi sản xuất sắt” (hai địa danh này đều thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay); sau khi chiếm Giao Chỉ, nhà Minh đã lập ra tới 6 Cục Kim trường (金場局) để chuyên lo quản lý việc luyện sắt ở Việt Nam.
1.2. Giai đoạn từ 3-2 nghìn năm trCN cho đến vài trăm năm trCN.
Giai đoạn này đã tạo nên một đỉnh cao rực rỡ trong lịch sử văn hóa dân tộc và có ảnh hưởng lớn đến toàn khu vực. Vào đầu giai đoạn này, đỉnh cao đó là thành tựu chung của các dân tộc Đông Nam Á cổ đại. Không phải vô cớ mà D.V. Deopik gọi thế kỷ V trước Công Nguyên là “thế kỷ của phương Nam”. Đúng như Ja. V. Chesnov nhận xét: “Về hàng loạt phương diện của văn hóa – từ sản xuất nông nghiệp cho đến lĩnh vực thần thoại.
Đông Nam Á đã có những ảnh hưởng lớn, vượt rất xa ra ngoài ranh giới những láng giềng trực tiếp của nó… Việc tạo nên những thứ như cây lúa trồng, nghề luyện kim đồng, hoặc những thành tựu văn hóa khác… là kết quả sáng tạo của rất nhiều dân tộc lớn nhỏ đã tạo nên trong suốt chiều dài lịch sử nhiều nghìn năm của mình cái thế giới độc đáo được gọi là Đông Nam Á. Chính những thành tựu của thế giới Đông Nam Á cổ đại mà trong đó có phần đóng góp của tổ tiên các dân tộc Việt Nam ấy đã làm nên cái nền vững chắc cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam sau này.
Chữ viết của lớp văn hóa bản địa là vấn đề trước đây hầu như chưa được đặt ra. Trong một thời gian dài, dưới áp lực của định kiến “lấy Trung Hoa làm trung tâm”, người ta không thể hình dung được rằng phương Nam có thể có một nền văn hóa riêng chứ đừng nói gì đến chữ viết. Đến nay, người ta đã có một số cơ sở để nêu ra giả thuyết về sự tồn tại của chữ Việt cổ.
Trong những ghi chép của sử sách Trung Hoa có nhắc đến một thứ chữ “khoa đầu” (hình con nòng nọc bơi) của người phương Nam. Một số chữ viết cổ cũng đã được phát hiện trên những phiến đá ở thung lũng Sapa, trên qua đồng Thanh Hóa, trên lưỡi cày Đông Sơn, trên trống đồng Lũng Cú (Hà Tuyên),…
Trong sách “Thanh Hóa quan phong” của Vương Duy Trinh (biên soạn năm 1903) có chép lại một khúc ca (được chú âm đọc và dịch sang tiếng Việt) của người Mường Thanh Hóa; theo Vương Duy Trinh, “trên châu còn có chữ lẽ nào mà dưới chợ lại không. Lối chữ châu là lối chữ nước ta đó”. GS Hà Văn Tấn cho rằng “giờ đây, đã có thể nói rằng: có một hệ thống chữ viết Việt cổ thời kỳ văn minh Đông Sơn phát triển rực rỡ ở khoảng thế kỷ IV trước Công Nguyên, trước khi người Hán vào xâm lược”.
2. Lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực.
Lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực còn lại được hình thành qua hai giai đoạn: giai đoạn văn hóa chống Bắc thuộc và giai đoạn văn hóa Đại Việt. Đặc trưng chung của lớp văn hóa này là sự tồn tại song song của hai xu hướng trái ngược nhau: một bên là xu hướng Hán hóa về mặt văn hóa và bên kia là xu hướng chống Hán hóa và Việt Nam hóa các ảnh hưởng Trung Hoa.
2.1. Giai đoạn văn hóa chống Bắc thuộc.
Giai đoạn khởi đầu từ trCN và kéo dài đến khi Ngô Quyền giành lại được đất nước. Những đặc điểm chủ yếu của giai đoạn văn hóa này là:
(a) Đặc điểm thứ nhất, ý thức đối kháng bất khuất và thường trực trước nguy cơ xâm lăng từ phía phong kiến phương Bắc. Sự ra đời của quốc hiệu “Nam Việt” từ trCN, trong đó yếu tố chỉ phương hướng “nam” lần đầu tiên xuất hiện và sẽ tồn tại trong hầu hết các quốc hiệu về sau, đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức của dân tộc về hiểm họa xâm lăng thường trực từ phía phong kiến phương Bắc mà từ đời Tần-Hán trở đi đã trở thành một đế quốc hùng mạnh bậc nhất khu vực.
Tinh thần đối kháng thường trực và bất khuất ấy đã bộc lộ mạnh mẽ qua các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43), Triệu Thị Trinh (246), Lý Bôn với nước Vạn Xuân (544-548), Triệu Quang Phục (548- 571), Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (791), cha con họ Khúc (906- 923), Dương Diên Nghệ (931-937) và đạt đến đỉnh cao ở cuộc khởi nghĩa thắng lợi của Ngô Quyền (938).
(b) Đặc điểm thứ hai của giai đoạn văn hóa chống Bắc thuộc là sự suy tàn của nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc, sự suy tàn này bắt nguồn từ: (1) sự suy thoái tự nhiên có tính quy luật của một nền văn hóa sau khi đạt đến đỉnh cao; (2) sự tàn phá cố tình của kẻ xâm lược phương Bắc với âm mưu đồng hóa thâm độc.
Tư Mã Thiên ghi chép rằng, từ đời Tần, Trung Hoa “đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt… đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt”. Thời Hán, Mã Viện đưa dân Trung Quốc sang ở lẫn để đồng hóa người Việt, sử sách gọi họ là dân “Mã lưu” (do Mã Viện lưu lại). Năm 231, Tiết Tông dâng sớ lên vua Ngô Hoàng Võ kể rằng “Vua Hán Võ Đế giết Lữ Gia (thừa tướng Nam Việt – TNT), chia nước Việt thành 9 quận, đặt ra quan thứ sử quận Giao Chỉ. Từ đó những tội nhân Trung Quốc chạy sang, ở lẫn với dân, dạy học sử sách (Trung Hoa – TNT) và phổ cập phong tục lễ hóa của Trung Quốc”.
(c) Đặc điểm thứ ba là giai đoạn văn hóa chống Bắc thuộc đã mở đầu cho quá trình giao lưu tiếp biến với văn hóa Trung Hoa và khu vực còn lại, cũng tức là mở đầu cho quá trình văn hóa Việt Nam hội nhập vào văn hóa khu vực. Điều thú vị ở đây là tuy tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với Trung Hoa, nhưng trong giai đoạn này, Việt Nam tiếp nhận văn hóa Trung Hoa chưa nhiều, Nho giáo hầu như chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam.
Lý do của sự kiện này rất đơn giản: Văn hóa Trung Hoa lúc đó là văn hóa đến theo vó ngựa xâm lăng, do kẻ xâm lược tìm cách áp đặt vào. Trong khi đó thì Phật giáo đến Việt Nam (ban đầu trực tiếp từ Ấn Độ, sau đó qua ngả đường Trung Hoa) một cách hòa bình nên được người Việt Nam tự giác tiếp nhận. Cho nên, cùng với sự chống Bắc thuộc quyết liệt về mặt chính trị, nét chủ đạo của giai đoạn này là xu hướng chống Hán hóa về mặt văn hóa và Việt Nam hóa các ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
Chính do có xu hướng chống Hán hóa mạnh mẽ như vậy cho nên, mặc dù ngay từ đầu Công nguyên, các thái thú Tích Quang, Nhâm Diên đã ra sức truyền bá điển lễ hôn nhân và gia đình theo lối Trung Hoa; Sĩ Nhiếp vào thế kỷ II đã ra sức mở trường dạy học để truyền bá văn hóa Trung Hoa và thủ tiêu văn tự ngôn ngữ Việt; Tô Định, Mã Viện đã ra sức thiết lập nền pháp chế hà khắc bằng gươm giáo, nhưng suốt các thế kỷ này, văn hóa Trung Hoa nói chung và Nho giáo nói riêng vẫn không thể nào bắt rễ sâu được vào làng xã Việt Nam.
Trong sử sách Trung Hoa thời kỳ này, những đoạn viết về Phật giáo Giao Châu thì nhiều mà nói về Nho giáo thì rất ít. Dân Mã lưu do Mã Viện đưa sang không những không thực hiện được nhiệm vụ đồng hóa người Việt và làm chỗ dựa cho chính quyền mà trái lại, còn bị Việt hóa hoàn toàn.
2.2. Giai đoạn văn hóa Đại Việt.
Nhờ đã có được nền móng vững vàng tạo nên từ đỉnh cao rực rỡ trong lớp văn hóa bản địa, tinh thần Văn Lang – Âu Lạc vẫn tồn tại như một mạch nước ngầm chảy trong suốt thời kỳ chống Bắc thuộc. Để khi bước sang giai đoạn văn hóa Đại Việt, chỉ sau ba triều đại (Ngô – Đinh – Tiền Lê) lo việc gây dựng lại, văn hóa Việt Nam đã được khôi phục và thăng hoa nhanh chóng. Giai đoạn Đại Việt trở thành đỉnh cao thứ hai trong lịch sử văn hóa Việt Nam với hai cột mốc: Lý – Trần và Lê (Đại Việt là quốc hiệu chủ yếu của Việt Nam trong thời kỳ này).
Truyền thống kết hợp bao dung của văn hóa dân tộc (lớp văn hóa bản địa) được tiếp sức bởi văn hóa Phật giáo giàu lòng bác ái (giai đoạn chống Bắc thuộc) đã làm nên linh hồn của thời đại Lý – Trần. Văn hóa Lý – Trần chứng kiến thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo và, cùng với nhu cầu xây dựng và củng cố nhà nước trung ương tập quyền, đánh dấu thời điểm Việt Nam chính thức tiếp nhận Nho giáo. Đồng thời, với tinh thần kết hợp bao dung, nó cũng mở rộng cửa cho việc tiếp thu cả Đạo giáo. “Tam giáo đồng quy” trên cơ sở truyền thống dân tộc đã khiến cho văn hóa Việt Nam thời Lý – Trần phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện.
Thế là Nho giáo (và cùng với nó là văn hóa Trung Hoa) mà trong suốt thời Bắc thuộc đã không thể thâm nhập sâu rộng được, thì giờ đây, từ khi được nhà Lý mở cửa và đặt nền móng (xây Văn Miếu thờ Khổng Tử năm 1070, lập trường Quốc Tử Giám năm 1076…), đã thâm nhập vào Việt Nam mỗi ngày một mạnh. Đến giữa thời Trần, Nho giáo Việt Nam đã trở thành một lực lượng đáng kể trong triều đình. Các Nho sĩ tự khẳng định mình bằng cách quay lại công kích Phật giáo và các triều vua trước.
Đến thời Lê, Nho giáo đạt đến độ thịnh vượng nhất và nắm trong tay toàn bộ guồng máy xã hội. Xu hướng tiếp nhận văn hóa Trung Hoa (Hán hóa) trở thành chủ đạo. Tính cách trọng động (cứng rắn, độc tôn…) đã thâm nhập dần vào xã hội Việt Nam; nhà nước tuyên bố lấy Nho giáo làm quốc giáo; pháp luật phỏng theo Trung Hoa; phụ nữ, con hát ngày một bị khinh rẻ… Văn hóa Việt Nam thời kỳ này chuyển sang một đỉnh cao kiểu khác: văn hóa Nho giáo.
2.3. Giai đoạn giao lưu với Trung Hoa.
Việc giao lưu với Trung Hoa dẫn đến việc dùng chữ Hán làm văn tự. Chữ Nôm – ‘chữ của người Nam” (chữ “nôm” [喃] được viết bằng bộ khẩu và chữ “nam” [南]) là một trong những sản phẩm của cuộc giao lưu này đã manh nha từ cuối giai đoạn chống Bắc thuộc và hình thành vào đầu giai đoạn Đại Việt, được dùng trong sáng tác văn chương và đặc biệt được đề cao dưới triều đại nhà Hồ và Tây Sơn. Vua Quang Trung đã sử dụng chữ Nôm làm văn tự chính thức trong các chiếu chỉ của mình và từng có kế hoạch giao cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tổ chức dịch các sách vở kinh điển từ chữ Hán sang chữ Nôm.
3. Lớp văn hóa giao lưu với phương Tây.
Sau cùng là lớp văn hóa giao lưu với phương Tây. Lớp này gồm hai giai đoạn: văn hóa Đại Nam và văn hóa hiện đại. Tại đây cũng có hai xu hướng trái ngược: Một bên là xu hướng Âu hóa, bên kia là xu hướng chống Âu hóa và Việt Nam hóa các ảnh hưởng phương Tây. Song biểu hiện của chúng không phân rõ theo từng giai đoạn mà đan cài trong không gian và thời gian.
3.1. Giai đoạn văn hóa Đại Nam.
Giai đoạn này được chuẩn bị từ thời các chúa Nguyễn và kéo dài hết thời Pháp thuộc và chống Pháp thuộc. Cũng như tên gọi “Văn Lang – Âu Lạc”, quốc hiệu “Đại Nam” (xuất hiện từ thời Minh Mạng) được mượn để đặt tên cho một giai đoạn văn hóa có thể xem là khởi đầu trong thời các chúa Nguyễn, khi bắt đầu có sự giao lưu với phương Tây. Văn hóa Đại Nam có các đặc điểm:
(a) Từ những tiền đề mà nhà Tây Sơn đã chuẩn bị, với sự hoàn tất của nhà Nguyễn, lần đầu tiên Việt Nam có được sự thống nhất về lãnh thổ và tổ chức hành chính từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau (xem bản đồ Việt Nam thời Nguyễn).
(b) Sau thời kỳ hỗn độn Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn, đến nhà Nguyễn Nho giáo lại được phục hồi làm quốc giáo, nhưng nó ngày một suy tàn.
(c) Khởi đầu quá trình thâm nhập của văn hóa phương Tây, cũng là khởi đầu của thời kỳ văn hóa Việt Nam hội nhập vào nền văn hóa nhân loại. Sự giao lưu đó đã làm cho văn hóa Việt Nam biến đổi về mọi phương diện: lối tư duy phân tích phương Tây đã bổ sung khá nhuần nhuyễn cho lối tư duy kết hợp truyền thống. Ý thức về vai trò cá nhân được nâng cao dần, bổ sung cho tính cộng đồng làng xã truyền thống. Đô thị ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội; quá trình đô thị hóa diễn ra ngày một nhanh hơn. Tất cả đã khiến cho lịch sử văn hóa Việt Nam lật sang trang mới.
3.2. Giai đoạn văn hóa hiện đại.
Giai đoạn này được chuẩn bị từ trong lòng văn hóa Đại Nam. Vào đầu thế kỷ XX, khi mà công cuộc Âu hóa đi vào chiều sâu, tác động đến mọi mặt của cuộc sống, làm thay đổi lối sống, và phần nào cả lối nghĩ, tính cách của người Việt Nam thì đó là lúc giai đoạn văn hóa hiện đại đã bắt đầu.
Thế kỷ XX chứa quá nhiều biến động đối với người Việt Nam: Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc 1945 cùng sự tham gia của Việt Nam vào phe xã hội chủ nghĩa; hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), chống Mỹ (1960-1975) và sự thống nhất đất nước năm 1975; hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam năm 1979; sự suy sụp của nền kinh tế bao cấp nửa đầu những năm 1980 và công cuộc Đổi mới khởi đầu năm 1986; sự tan rã của phe xã hội chủ nghĩa năm 1990; sự thâm nhập của kinh tế thị trường và sự hội nhập toàn diện vào một thế giới toàn cầu hóa… Tất cả những sự kiện dồn dập này đã khiến cho giai đoạn văn hóa hiện đại đang trải qua những biến đổi sâu sắc.
Tuy nhiên, vì văn hóa là tiếp nối, thời gian văn hóa là khái niệm mờ, một giai đoạn văn hóa ngắn nhất (như Đại Nam) cũng phải tính bằng vài thế kỷ, cho nên hơn một thế kỷ tồn tại hiện nay vẫn là chưa đủ để có thể tổng kết những đặc điểm của giai đoạn văn hóa hiện đại: Đây là giai đoạn văn hóa đang định hình. Tuy nhiên, có thể dự đoán một cách chắc chắn rằng đây là giai đoạn mà, sau một thời kỳ suy thoái kéo dài, không những văn hóa Việt Nam sẽ phục hưng mà sẽ còn phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện, đạt tới một đỉnh cao mới. Trên phương diện chữ viết, lớp văn hóa giao lưu với phương Tây đem đến một sản phẩm mới là chữ Việt Latinh hóa, được gọi là Quốc ngữ.
4. Ví dụ về văn hóa Việt Nam qua các giai đoạn.
Văn hóa Việt Nam tựa dòng chảy miên viễn, khởi nguồn từ nền tảng bản địa vững chắc, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, rồi cuộn trào, giao thoa, tiếp biến với các luồng văn minh lớn. Hành trình văn hóa ấy bắt đầu từ thời tiền sử, với những cộng đồng cư dân nguyên thủy sinh sống bằng săn bắt, hái lượm, để lại dấu tích tại các di chỉ khảo cổ như hang Con Moong, hang Pắc Óc… Những di chỉ này hé lộ những nét sơ khai của văn hóa vật chất và tinh thần thời kỳ này, thể hiện qua các công cụ bằng đá, xương, cùng những hình vẽ sơ khai trên vách hang động.
Từ 3-2 nghìn năm trước Công nguyên đến vài trăm năm trước Công nguyên, các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun phát triển rực rỡ tại các khu vực như Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Văn hóa Phùng Nguyên nổi bật với kỹ thuật chế tác đồ gốm màu đỏ, đánh dấu bước đầu của nghề làm gốm. Văn hóa Đồng Đậu kế thừa và phát triển kỹ thuật luyện kim đồng, tạo ra các công cụ và vũ khí bằng đồng. Văn hóa Gò Mun lại mang đến những nét độc đáo với đồ gốm thô, hoa văn in, khắc vạch. Sự phát triển của ba nền văn hóa này đã đặt nền móng cho thời đại kim khí huy hoàng của Văn Lang – Âu Lạc.
Giai đoạn Văn Lang – Âu Lạc (khoảng thế kỷ VII – II tr.CN) là cái nôi hun đúc cốt lõi bản sắc dân tộc. Trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, với những hoa văn tinh xảo khắc họa cảnh sinh hoạt cộng đồng, hình ảnh chim lạc, thuyền, nhà sàn, không chỉ thể hiện trình độ đúc đồng đỉnh cao mà còn là bức tranh sống động phản ánh đời sống vật chất, tinh thần, tín ngưỡng phồn thực và quan niệm vũ trụ của người Việt cổ. Lưỡi cày đồng Đông Sơn, cùng với dấu tích của các công trình thủy lợi sơ khai và việc trồng lúa, chăn nuôi, minh chứng cho nền nông nghiệp lúa nước đã phát triển. Thành Cổ Loa, với kiến trúc hình xoáy trôn ốc độc đáo, là minh chứng cho trình độ tổ chức xã hội, tư duy quân sự và kỹ thuật xây dựng bậc thầy thời bấy giờ.
Giai đoạn tiếp theo của sự phát triển văn hóa Việt Nam gắn liền với quá trình giao lưu lâu dài với Trung Hoa và các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là trong thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm. Bên cạnh cuộc đấu tranh bền bỉ giành lại độc lập, quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra phức tạp. Người Việt tiếp nhận có chọn lọc một số yếu tố của văn hóa Trung Hoa, như Nho giáo, Phật giáo.
Đồng thời vẫn kiên trì gìn giữ và phát triển những nét riêng của văn hóa bản địa, thể hiện qua các phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, các vị thần linh bản địa. Tín ngưỡng thờ cúng các anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí… trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất, ý chí độc lập. Văn học, sử học dân gian với những câu chuyện, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, vừa phản ánh cuộc sống, vừa hun đúc, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa cốt lõi.
Giai đoạn Đại Việt (thế kỷ XI-XVIII) chứng kiến sự du nhập và Việt hóa Nho giáo, Phật giáo, tạo nên một hệ tư tưởng, tín ngưỡng đa dạng. Chữ Nôm, có nguồn gốc từ trước đó, tiếp tục được phát triển và hoàn thiện trong giai đoạn này, đạt đến đỉnh cao vào thời Lê mạt – Nguyễn sơ với tác phẩm tiêu biểu như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, minh chứng cho sức sáng tạo phi thường của dân tộc, khẳng định bản sắc văn hóa riêng biệt.
Kiến trúc cung đình, chùa chiền thời kỳ này, chịu ảnh hưởng nhất định từ kiến trúc Trung Hoa, bên cạnh đó còn có sự giao thoa với kiến trúc Chămpa, Khmer… thể hiện qua một số họa tiết, kiểu dáng mái cong, phù điêu trang trí. Kinh thành Huế, được xây dựng sau này vào thời Nguyễn, mang những nét kiến trúc cung đình đặc trưng riêng. Giao lưu văn hóa với Trung Hoa còn thể hiện rõ nét qua nghệ thuật thư pháp, với các bức hoành phi, câu đối được thể hiện bằng chữ Hán, và ẩm thực, với sự giao thoa về nguyên liệu, kỹ thuật chế biến.
Cuối cùng, giao lưu với phương Tây, đặc biệt từ thế kỷ XIX, đã kiến tạo nên lớp văn hóa hiện đại, làm phong phú thêm bức tranh văn hóa Việt Nam. Thời Đại Nam chứng kiến sự xuất hiện của kiến trúc phương Tây mang phong cách Gothic, Baroque, tiêu biểu là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Dinh Độc Lập. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ, dựa trên ký tự Latinh, do các giáo sĩ phương Tây sáng tạo, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra kỷ nguyên mới cho văn học, giáo dục Việt Nam.
Bước sang thế kỷ XX – XXI, văn học, nghệ thuật, âm nhạc và lối sống chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các trào lưu phương Tây, từ chủ nghĩa hiện thực, lãng mạn đến hậu hiện đại, tạo nên một xã hội Việt Nam đa sắc màu, hiện đại nhưng vẫn gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Từ trống đồng đến chữ Quốc ngữ, từ thành Cổ Loa đến Nhà thờ Đức Bà, văn hóa Việt Nam là một hành trình dài, liên tục tiếp biến và phát triển, khẳng định bản sắc độc đáo, sáng tạo trên trường quốc tế.
Tác giả: Trần Ngọc Thêm
Tài liệu tham khảo.
[1] Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh (1991), “Lịch sử Việt Nam”, H., NXB Đại học và Giáo dục Chuyên nghiệp, tr. 20.
[2] Hà Văn Tấn (2017), “Sự sinh thành Việt Nam”, H., NXB Thế giới, tr. 24.
[3] Đàm Gia Kiện (chủ biên) (1993), “Lịch sử văn hóa Trung Quốc (nhóm Trương Chính dịch)”, H., NXB Khoa học Xã hội, tr. 767.
[4] Trong tập: “Ранняя этническая история народов Восточной Азии (Lịch sử dân tộc học sơ khai của các dân tộc Đông Á)”, М., Наука, 1977, tr. 265.
[5] Чеснов Я.В. (1976), “Историческая этнография стран Индокитая (Dân tộc học lịch sử các nước Đông Dương)”, М., Наука, tr. 86.
[6] Charles Darwin (1868), “Sự biến đổi của động vật và thực vật dưới Thuần hóa”, Tập I, London: John Murray, dịch 245-246.
[7] Đinh Gia Khánh (2008), “Thần thoại Trung Quốc (xuất bản lần 1 năm 1991)”, H., NXB Văn hóa – Thông tin, tr. 70-76
[8] Trần Ngọc Thêm (2004), “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, NXB Tổng hợp TP HCM, tr. 78-81.
[9] Познер П.В. (1980), “Древний Вьетнам. Проблема летописания (Việt Nam cổ đại. Vấn đề biên niên sử)”, M., Hayka, tr. 89.
[10] Hà Văn Tấn (chủ biên) (1994), “Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam”, H., NXB Khoa học Xã hội, tr. 302.
[11] M., Hаука (1977), “Ранняя этническая история народов Восточной Азuu (Lịch sử dân tộc học sơ khai của các dân tộc Đông Á)”, tr. 263-264.
[12] Hà Văn Tấn, “Sự sinh thành Việt Nam”, NXB Thế giới, 2017, tr. 13.
[13] Trần Gia Ninh (2019/05/25), “Thời đại đồ sắt và nghề luyện sắt của tổ tiên người Việt”.
[14] M.: HНаука (1977), “Ранняя этническая история народов Восточной Азии (Lịch sử dân tộc học sơ khai của các dân tộc Đông Á)”, tr. 270.
[15] Чеснов Я.В. (1976), “Историческая этнография стран Индокитая ( Dân tộc học lịch sử các nước Đông Dương)”, М., Наука, tr. 6.
[16] Hà Văn Tấn (1983), “Có một hệ thống chữ Việt cổ thời các vua Hùng”, Báo ảnh Việt Nam, số 291, tháng 3.
[17] Sophia Newman (2025), “The Cultural Evolution of Vietnam”, ENLibs.com, link https://enlibs.com/the-cultural-evolution-of-vietnam.html
Bạn đang xem bài viết:
Tiến trình văn hóa Việt Nam
Link https://vnlibs.com/van-hoa/tien-trinh-van-hoa-viet-nam.html