Một số khái niệm về thông tấn báo chí

Trong thế giới hiện đại, thông tin là sức mạnh. Báo chí, với vai trò là cầu nối giữa sự kiện và công chúng, không chỉ phản ánh mà còn định hình nhận thức xã hội.

Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi, báo chí thực sự là gì? Từ những tờ báo in đầu tiên đến các trang báo mạng điện tử hiện đại, báo chí đã trải qua một hành trình phát triển đầy thú vị và phức tạp.

Hãy cùng VNLibs.com khám phá những khái niệm cơ bản và quan trọng nhất về thông tấn báo chí trong bài viết này, để hiểu rõ hơn về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của nó trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

1. Khái niệm thông tấn báo gì là gì?

Nói một cách khái quát, báo chí là những xuất bản phẩm (ấn phẩm) phát hành định kỳ. Ngoài ra, báo chí còn được coi là thuật ngữ để chỉ các loại hình báo chí khác như phát thanh (báo nói), truyền hình (báo hình), báo mạng điện tử.

Thông tấn báo chí là thể loại báo chí bao gồm các loại tin (tin điện, tin thường, tin vắn, tin tường thuật, tin thông báo, tin tổng hợp, tin bình, tin đối ngoại…), các dạng bài thông tấn, tường thuật, phản ánh, phỏng vấn, phóng sự, điều tra,… Thể loại thông tấn báo chí có thế mạnh là phản ánh thông tin kịp thời, nhanh chóng về những sự kiện, vấn đề mới xảy ra trong cuộc sống.

2. Các loại hình báo chí ra sao?

Căn cứ vào tính chất kỹ thuật và phương thức thực hiện truyền thông hiện nay, có thể chia thành các loại hình báo chí: báo in, báo phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử.

2.1. Báo in.

Báo in là loại hình chuyển tải thông tin mang tính thời sự bằng ấn phẩm định kỳ và được phát hành rộng rãi trong xã hội. Báo in là thể loại báo chí xuất hiện lâu đời nhất, vào cuối thế kỷ XVI ở châu Âu. Tại Việt Nam, sự ra đời của tờ Gia Định báo vào ngày 1/4/1865 có thể được coi là thời điểm khởi đầu của lịch sử báo chí hiện đại. Hình thức thể hiện của báo in là ở trên giấy.

Ưu điểm của báo in: Nội dung của báo in thường phản ánh khá nhanh sự kiện, hiện tượng, vấn đề trong xã hội mang tính thời sự được xã hội quan tâm.

Báo in được phát hành rộng rãi trong xã hội, tính phổ cập cao, tác động đến nhiều nhóm xã hội, có thể dùng để tuyên truyền, giáo dục, tạo lập và định hướng dư luận xã hội. Người đọc có thể chủ động trong việc tiếp nhận thông tin và báo in cũng là một trong những phương tiện lưu trữ thông tin tương đối tốt.

Nhược điểm của báo in: Chậm đến tay người đọc ở nước ngoài, thông tin nhiều khi không còn mang tính thời sự, giảm giá trị của thông tin.

Tin tức không thể cập nhật thường xuyên (từng giờ, từng phút hoặc trực tiếp như các loại hình báo chí khác). Khả năng tương tác hai chiều giữa người đọc và người viết (người truyền thông) kém. Đặc biệt, báo in đòi hỏi các chi phí in ấn, vận chuyển, phát hành tương đối lớn, khó khăn trong việc vận chuyển đến các vùng sâu, vùng xa và ra nước ngoài,…

2.2. Phát thanh.

Phát thanh là loại hình chuyển tải thông tin qua âm thanh. m thanh trong phát thanh gồm lời nói, âm nhạc, các loại tiếng động (tiếng chim hót, tiếng nước chảy …) làm nền hoặc minh họa cho lời nói.

Phát thanh bao gồm hai loại: Phát thanh qua làn sóng vô tuyến điện và truyền thanh qua hệ thống dây dẫn. Hiện nay, loại hình phát thanh qua làn sóng vô tuyến điện được coi là ưu thế nhất.

Ngoài ra, hiện nay còn có hình thức phát thanh trên mạng Internet. Đây là loại hình phát thanh rất hữu ích, tiện dụng, rẻ tiền, không giới hạn không gian và thời gian… Ví dụ như trang web với tên miền radiovietnam.vn của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ưu điểm của phát thanh: Thông tin nhanh, có khả năng truyền tải thông tin nhanh nhất về các sự việc, hiện tượng trong xã hội, đặc biệt khi sử dụng loại hình phát thanh trực tiếp. Phát thanh có khả năng truyền cảm qua giọng nói.

Đối tượng tác động của phát thanh rất đông đảo, ở khắp mọi miền đất nước và khắp các châu lục trên thế giới. Đặc biệt, phát thanh rất thích hợp đối với những địa điểm xa xôi, hiểm trở, cách xa các trung tâm đô thị, trong những hoàn cảnh khẩn cấp (như thiên tai, bão lũ,…). Phương tiện, thiết bị thu, phát tín hiệu tương đối gọn nhẹ, rẻ tiền.

Nhược điểm của phát thanh: cần phải có sự đầu tư thiết bị của người nghe (Radio). Đặc biệt, phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình và điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương.

Thông tin chỉ được nghe trong những khoảng thời gian nhất định, không có điều kiện nghe lại, nghe nhiều lần về vấn đề, sự kiện. Điều này ảnh hưởng đến việc tiếp thu, phân tích kỹ lưỡng vấn đề của thính giả. Do đó, dẫn đến khó khăn trong việc lưu giữ chương trình và tra cứu tư liệu.

Không trình bày được các thông tin bằng hình ảnh (phóng sự ảnh) hoặc các thông tin có hình ảnh minh họa. Ngoài ra, chất lượng tín hiệu thông tin phụ thuộc vào công suất phát sóng, nhiễu sóng do các yếu tố tự nhiên và con người. Phát thanh cũng là phương tiện dễ bị các thế lực chống đối gây nhiễu và phá sóng.

2.3. Truyền hình.

Truyền hình là loại hình chuyển tải thông tin qua âm thanh và hình ảnh động. Truyền hình được sử dụng tổng hợp tất cả các loại thông tin có trong báo in, phát thanh hay phim ảnh. Hình ảnh chủ yếu và đặc trưng trong truyền hình là hình ảnh động về hiện thực trong cuộc sống.

Ngoài ra, truyền hình còn sử dụng các loại hình ảnh tĩnh như ảnh tư liệu, mô hình, sơ đồ, biểu đồ… m thanh trong truyền hình bao gồm lời nói, tiếng động (tiếng chim hót, tiếng nước chảy…) và âm nhạc.

Ưu điểm của truyền hình: Thông tin nhanh chóng về sự việc, hiện tượng trong xã hội. Truyền hình trực tiếp cho phép khán giả được trực tiếp chứng kiến sự việc, hiện tượng, thậm chí có thể được tham gia vào sự kiện đó.

Tác động của truyền hình bằng cả thị giác và thính giác do vậy, truyền hình có sức hấp dẫn rất lớn. Hình ảnh động và âm thanh kèm theo nâng cao hiệu quả tiếp nhận thông tin. Hình ảnh là kênh thông tin phi ngôn ngữ, cho phép người xem vượt qua được những hạn chế về ngôn ngữ.

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kỹ thuật, truyền hình đã có mặt ở hầu khắp các vùng, khu vực, địa phương trong nước cũng như trên thế giới. Truyền hình đã đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Cụ thể, hiện nay đã có kênh truyền hình theo yêu cầu, truyền hình qua mạng Internet, truyền hình công nghệ 3D,…

Nhược điểm của truyền hình: Truyền hình phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi vùng, khu vực, địa phương, vào điều kiện kinh tế của từng gia đình.

Sự chuyển tín hiệu sóng ra bên ngoài đòi hỏi chi phí khá lổn (thuê vệ tinh, thuê thời gian phát sóng,..). Ngoài ra, truyền hình cũng là đối tượng bị các thế lực chống đối quấy phá, gây mất sóng, khả năng tương tác hai chiều không cao.

2.4. Báo mạng điện tử.

Đây là loại hình chuyển tải thông tin qua mạng Internet toàn cầu.

Ưu điểm của báo mạng điện tử: Báo mạng điện tử có thể kết hợp được tất cả các loại hình báo chí khác như báo in, phát thanh và truyền hình. Đồng thời, báo mạng điện tử cũng có thể truyền thông dưới dạng chữ, ảnh tĩnh, âm thanh, ảnh động.

Lượng thông tin của báo mạng điện tử rất lớn, đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi thông tin được đưa lên mạng, nó được phổ biến lập tức trên toàn thế giới và hầu như không có giới hạn biên giới, quốc gia. Thông tin được chia sẻ và chuyển tải đến bất kỳ địa chỉ nào trên mạng.

Thông tin được chuyển tải nhanh, được cập nhật thường xuyên, tính tương tác hai chiều cao. Thông tin được lưu giữ lâu, người đọc có thể xem lại, tải về máy tính của mình khi cần thiết. Người đọc có thể dễ dàng in thông tin ra giấy như một tập tài liệu.

Các thông tin được cấu trúc theo chiều sâu, thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của người đọc (có thể xem lướt tít, xem tóm tắt văn bản, xem toàn bộ văn bản, xem tổng hợp các thông tin có liên quan…). Thông tin hai chiều, có thể lập tức phản hồi thông tin.

Số lượng các trang thông tin nên ở nhiều hình thức, nhiều cấp độ: từ quốc tế, quốc gia, các tổ chức đến từng cá nhân đều có thể có trang thông tin riêng (website cá nhân, blog, các trang mạng xã hội như facebook, twitter…). Việc hạn chế truy cập thông tin khó được tiến hành. Chi phí cho lưu giữ và chuyển tải thông tin thấp, giá thành rẻ.

Nhược điểm của báo mạng điện tử: Đầu tư ban đầu cao, đòi hỏi phải có thiết bị máy móc tốn kém, phụ thuộc vào điều kiện kinh tê – xã hội của từng khu vực, địa phương và từng gia đình.

Đặc biệt, người sử dụng phải có trình độ và kiến thức cơ bản về máy tính cũng như mạng Internet. Do đó, nhóm đối tượng tác động hẹp hơn các loại hình khác. Ngoài ra, thông tin có thể bị thay đổi, bị virus tấn công. Người đọc khó theo dõi, đặc biệt đối với những bài viết dài, khiến độc giả dễ bị mỏi mắt khi đọc trên máy tính,…

3. Kết luận.

Báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn là cầu nối giữa sự kiện và công chúng, giúp mọi người nắm bắt các vấn đề quan trọng trong xã hội. Từ báo in truyền thống đến phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử, mỗi loại hình báo chí đều có ưu và nhược điểm riêng, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân.

Trong bối cảnh hiện đại, báo chí đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh khốc liệt và yêu cầu cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nhà báo sáng tạo và đổi mới trong cách truyền tải thông tin.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, báo chí sẽ tiếp tục thay đổi và phát triển, mang lại nhiều kỹ năng cơ hội mới cho việc truyền tải thông tin và tương tác với công chúng. Tương lai của báo chí hứa hẹn đầy tiềm năng và thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo từ những người làm báo.

Tác giả: Phạm Minh Sơn


Bạn đang xem bài viết:
Một số khái niệm về thông tấn báo chí
Link https://vnlibs.com/ky-nang/mot-so-khai-niem-ve-thong-tan-bao-chi.html

Hashtag:

Mô tả hình ảnh 1:

Mô tả hình ảnh 2:

Từ khóa:

Mọi người cũng tìm kiếm: Thông tấn báo chí là gì; 4 loại hình báo chí; Các thể loại báo chí ở Việt Nam; Thể loại báo chí là gì; Các thể loại báo chí thông tấn; Giáo trình các thể loại báo chí thông tấn; Tác phẩm và thể loại báo chí PDF; Chính luận báo chí là gì; Học viện báo chí và tuyên truyền là gì; Lý thuyết và kỹ năng thông tấn báo chí; Hệ thống thể loại báo chí ở nước ta.