Công tác xã hội cá nhân là một trong những phương pháp can thiệp chính thống có vai trò khởi đầu quan trọng của nghề công tác xã hội chuyên nghiệp.
Social work hay Working with individuals đều mang nghĩa là công tác xã hội cá nhân. Trước đây thuật ngữ này được gọi là Casework. Tuy nhiên khi đề cập đến casework, các nhà chuyên môn thường đề cập đến phương pháp công tác xã hội với cả cá nhân và gia đình.
Để hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của phương pháp công tác xã hội giúp đỡ cá nhân, phần nội dung lịch sử hình thành sẽ trình bày các giai đoạn phát triển của phương pháp công tác xã hội cá nhân trên thế giới, theo hướng phát triển chuyên nghiệp từ giai đoạn trợ giúp mang tính từ thiện khoa học, đến giai đoạn hình thành cơ sở khoa học và phát triển cho đến ngày nay.
Ở Việt Nam, công tác xã hội chuyên nghiệp chưa được chính thức công nhận, tuy nhiên, với triết lý giá trị nhân đạo và nhân văn trong văn hoá cộng đồng người Việt, công tác xã hội, trong đó có phương pháp làm việc với các cá nhân đã có sự hình thành và đang trong quá trình phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Trong nội dung này tác giả tập trung đưa ra những điểm mốc chính, quan trọng của quá trình phát triển phương pháp công tác xã hội cá nhân trên thế giới. Phần tiếp theo của nội dung này trình bày khái quát quá trình hình thành công tác xã hội cá nhân giai đoạn ban đầu ở Việt Nam từ trước đến thời điểm những năm đầu thế kỷ XXI.
1. Sự hình thành công tác xã hội trên thế giới.
Sự hình thành của công tác xã hội cá nhân có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống tương thân, tương ái trong mối quan hệ giữa con người và con người trong mọi hình thái xã hội. Những hình thức hỗ trợ, giúp đỡ các cá nhân gặp hoàn cảnh khó khăn, éo le trong cuộc sống luôn hiện diện trong đời sống từ rất lâu của cư dân trên trái đất.
Tuy nhiên, ở mỗi hình thái xã hội, thời điểm phát triển của xã hội khác nhau, hình thức hỗ trợ cá nhân có những khác biệt. Khi xã hội càng phát triển thì các hình thức hỗ trợ, giúp đỡ mang tính chuyên nghiệp và khoa học hơn, để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của con người.
Phần nội dung sự hình thành của công tác xã hội trên thế giới được phân chia thành ba giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Giai đoạn từ trợ giúp từ thiện đến từ thiện khoa học (đến thế kỷ XIX);
– Giai đoạn 2: Thời kỳ hình thành cơ sở khoa học phương pháp công tác xã hội cá nhân (từ đầu thế kỷ XX đến những năm 50);
– Giai đoạn 3: Thời kỳ phát triển chuyên nghiệp (từ thập kỷ 50 của thế kỷ XX đến nay).
Cách thức phân chia này nhằm phản ánh tiến trình phát triển khoa học và chuyên nghiệp của phương pháp công tác xã hội cá nhân.
1.1. Giai đoạn từ trợ giúp từ thiện đến từ thiện khoa học (đến thế kỷ XIX).
Giai đoạn đầu tiên trong tiến trình phát triển của phương pháp giúp đỡ này là giai đoạn chuyển từ hình thức trợ giúp đơn thuần mang tính từ thiện sang hình thức từ thiện khoa học tính đến thế kỷ XIX.
Giai đoạn này có thể được xem xét là giai đoạn cột mốc đầu tiên phản ánh yêu cầu cần có các hoạt động giúp đỡ cá nhân chuyên nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của những người được giúp đỡ. Những chuyển biến trong cách thức hỗ trợ cá nhân này là tiền đề cho sự phát triển phương pháp công tác xã hội cá nhân chuyên nghiệp sau này.
Nghiên cứu lịch sử trước đây cho thấy ngay từ những năm 500 trước công nguyên, khái niệm “từ thiện” (philanthropy) của Hy Lạp đã xuất hiện và được cho là “thể hiện tình yêu nhân loại”. Người dân thời điểm này được khuyến khích hiến tặng tiền bạc để mua thức ăn, quần áo, đồ đạc cho những người cần giúp đỡ và xây công viên để phục vụ cho lợi ích công cộng.
Năm 1601, tại Anh, đạo luật Elizabeth ban hành đã tạo thành điều lệ cho tinh thần hỗ trợ những người nghèo và người yếu thế. Đạo luật này cho thấy hoạt động từ thiện không chỉ bó hẹp trong phạm vi cá nhân, tổ chức tình nguyện hảo tâm mà cần có sự quan tâm của thiết chế xã hội.
Theo quan niệm từ thiện ở xã hội phương tây trước đây cho đến những năm 60 của thế kỷ XIX, hoạt động hỗ trợ được hiểu dưới hình thức “ban ơn” giữa những người “cho” và người “nhận”, phụ thuộc vào sự hảo tâm, vào sự tử tế của người giúp đỡ.
Người nhận được giúp đỡ theo quan niệm của xã hội cũng như của những người giúp đỡ là những người “đáng” phải chịu những vấn đề khó khăn và vấn đề của họ chính là do họ gây ra. Ví dụ như những người nghèo cần giúp đỡ bị gán cho là không chịu làm việc, lười, dốt nát và không làm được trò trống gì, vì vậy họ phải chịu cảnh đói nghèo. (Grace Mathew, 1992).
Theo quan niệm phương Đông, hoạt động từ thiện đã được lưu giữ trong tài liệu tôn giáo về những hoạt động của “thầy giáo” và “những nhà thông thái” đi giúp đỡ người khác bằng của cải và sức lực của mình. Người Hindu cổ và triết lý đạo Phật cũng nhấn mạnh đến “cấp phát, “cho”, “ban tặng” trong hoạt động được gọi là “Dhana”. (Grace Mathew, 1992).
Cũng theo tác giả này, có ba cách cho: Thứ nhất là chia sẻ sự giàu có và vật chất; Thứ hai là chia sẻ kiến thức tôn giáo và sự thông thái và Thứ ba là chia sẻ tình cảm thân thiện. Những người được nhận là những người khốn khổ, đau ốm, nghèo túng…
Như vậy, ở thời điểm rất sớm của lịch sử, đã có những ghi nhận về cách thức hỗ trợ giúp đỡ cá nhân. Tuy nhiên, những cách thức hỗ trợ cá nhân này chủ yếu dựa trên quan điểm văn hoá, tôn giáo và thực hiện thông qua các hình thức giúp đỡ từ thiện ban phát và trao tặng thức ăn, tiền bạc cho những người trong hoàn cảnh nghèo khổ.
Sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu sự giúp đỡ mang tính từ thiện có tính tổ chức và sau này được gọi là hình thức từ thiện khoa học (scientific charity) hướng đến hình thức hỗ trợ phù hợp phần nào với nhu cầu của đối tượng. Xu hướng này bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XIX với các hình thức hỗ trợ từ thiện của các tổ chức từ thiện tại Anh và Mỹ.
Charity Organization Society (COS): Trước đây còn được gọi là Hiệp hội tổ chức Cứu trợ từ thiện và Ngăn chặn hành khất (tên tiếng Anh là “Society for organizing Charitable and Repressing ăn xin”).
Ở Anh, sự ra đời của Hiệp hội tổ chức từ thiện (tên tiếng Anh là “Charity Organization Society” viết tắt là COS) vào năm 1869 đánh dấu mốc phát triển quan trọng ban đầu trong cách thức giúp đỡ cá nhân yếu thế và trong nghề công tác xã hội.
COS được thành lập nhằm hệ thống lại các tổ chức từ thiện, tránh việc cung cấp các dịch vụ chồng chéo và ít hiệu quả do nhiều tổ chức từ thiện đơn lẻ thực hiện. Mô hình này đã đưa ra thuyết xã hội (social theory) được đánh giá là lý thuyết nền tảng quan trọng của nghề công tác xã hội.
Mô hình COS ra đời có đóng góp lớn lao cho sự phát triển phương pháp hỗ trợ cá nhân vì các dịch vụ COS cung cấp chủ yếu là các dịch vụ giúp đỡ cá nhân. Khác với thời kỳ trước đây cách thức hỗ trợ là ban phát, ở thời điểm này các dịch vụ hỗ trợ của COS tập trung vào trợ giúp các cá nhân trong xã hội thông qua các hoạt động đánh giá cá nhân về tình trạng nghèo đói.
Những đánh giá này đã làm thay đổi quan niệm về nguyên nhân của người nghèo: không phải là do cá nhân này là những người “đáng” phải chịu nghèo đói do họ lười nhác, không chịu làm việc. Việc này có ý nghĩa lớn trong việc nhìn nhận quá trình giúp đỡ và có sự thấu hiểu hơn cá nhân được giúp đỡ.
Công việc của những người tình nguyện tham gia trong tổ chức COS là đến gặp gỡ, thăm người nghèo. Những tình nguyện này được gọi là những người khách thăm thân thiện (friendly visitors).
Ban đầu những người này làm việc với tinh thần tình nguyện giúp đỡ, hỗ trợ cá nhân gặp khó khăn. Nhiệm vụ của những người khách thân thiện là đến tìm hiểu hoàn cảnh và đôi khi là trao những hỗ trợ về kinh phí cho đối tượng.
Như vậy, các hoạt động giúp đỡ cá nhân lúc này không chỉ đơn thuần là ban phát những gì người khác muốn làm từ thiện, mà đã quan tâm đến nhu cầu người được hưởng lợi. Thể hiện qua các công việc người đi giúp đỡ cá nhân đã có đánh giá hiện trạng, ghi chép phúc trình đảm bảo làm từ thiện phù hợp với nhu cầu của người được hưởng lợi.
Tại Mỹ, công tác xã hội cá nhân cũng bắt nguồn từ nỗ lực trợ giúp cá nhân những người nghèo của tổ chức Hiệp hội Cải thiện các điều kiện cho người nghèo (AICP) thành lập vào năm 1843. Mục tiêu của AICP là đến viếng thăm người nghèo tại gia đình họ, tư vấn và hỗ trợ họ tìm kiếm việc làm, tạo lập cho người nghèo tính tôn trọng bản thân và tự chủ.
Những phát triển tiếp theo của các tổ chức từ thiện (COS) vào những năm 1877 đã tạo ra bước tiến mới trong công tác hỗ trợ cá nhân. Khi này phương pháp làm việc đã có những thay đổi bằng việc đưa ra cách thức điều tra xác định nhu cầu, ghi chép lại những vấn đề và sử dụng những nhà thăm viếng gia đình tình nguyện. Thông qua những nhà thăm viếng tình nguyện đã xuất hiện khái niệm “Từ thiện khoa học” (Farley, Smith và Boyle, 2000, tr. 62).
Cũng giống như tại Anh, những chuyến viếng thăm của người tình nguyện đến các gia đình nghèo đã làm thay đổi quan niệm về người nghèo là do lười nhác, không chịu tìm việc, để có cách nhìn khác người nghèo là do hoàn cảnh đem lại.
Kết quả đánh giá của những chuyến viếng thăm này đã trở thành nền tảng cho việc hình thành nguyên tắc cá biệt hóa trong phương pháp công tác xã hội cá nhân sau này.
Trong suốt những năm phát triển về sau, cùng với những biến đổi của xã hội phương Tây do cuộc cách mạng công nghiệp, các phong trào hỗ trợ giúp đỡ ra đời nhằm hỗ trợ những người nghèo và người dân lao động di cư từ nông thôn lên thành thị. Trong đó không thể không kể đến phong trào “nhà định cư” (Settlement house).
Khởi đầu tại Anh với nhà định cư “Toynbee Hall” thành lập vào năm 1884, sau đó lan rộng tại Anh và sang Mỹ với “Neighbourhood Guild” tại New York năm 1886; “Hull House” của Jane Addams và Ellen Gates thành lập năm 1890 đã có những ảnh hưởng tạo sức lan tỏa ở Mỹ.
Những năm 1870 đến năm 1890 đánh dấu bước tiến quan trọng đặt nền móng khoa học cho công tác xã hội khi nội dung công tác xã hội được đưa vào giảng dạy. Khởi đầu bằng những bài giảng cho nhân viên xã hội tại Anh của tổ chức Octavia Hill vào năm 1873.
Tiếp theo những năm 1890, những bài giảng này tiếp tục giảng dạy tại Luân Đôn. Năm 1895 một khóa học mùa hè được tổ chức tại Chicago dưới sự tài trợ của Hull House. Năm 1898 “Trường Từ thiện New York” (The New York School of Philanthropy) – trường đầu tiên ở Mỹ chính thức giảng dạy về công tác xã hội được thành lập. Sau này là trường Đại học Công tác xã hội Columbia (The Columbia Khoa Công tác xã hội (Đại học).
Chương trình ban đầu của trường là tổ chức các khóa học mùa hè và các chương trình huấn luyện những người tình nguyện và những người thăm viếng thân thiện và chương trình đào tạo một năm (Healy, 2008).
Tuy nhiên, nếu xét chương trình đào tạo công tác xã hội chuyên nghiệp đầu tiên thì trường giảng dạy công tác xã hội chính là Viện đào tạo Công tác xã hội (Institute for Social Work Training) được thành lập tại Amsterdam năm 1899.
Viện đào tạo Công tác xã hội tại Amsterdam đã cung cấp chương trình 2 năm nhằm đào tạo về “phương pháp, lý thuyết và thực hành cho những người mong muốn cống hiến cho những nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực công tác xã hội” (Liên Hợp quốc, 1958, tr. 109).
Tóm lại, ở giai đoạn sơ khai ban đầu cho đến những năm 1860, hoạt động hỗ trợ cá nhân chủ yếu dựa trên tinh thần từ thiện, giúp đỡ những người có khó khăn, đặc biệt là những người nghèo và các hoạt động này mang đậm màu sắc tôn giáo và văn hoá.
Cách thức hỗ trợ đơn giản theo hình thức ban phát tiền của và cống hiến thời gian, công sức. Tuy nhiên, ở giai đoạn từ những năm 1860 cho đến cuối thế kỷ XIX đã ghi nhận sự thay đổi trong phương pháp hỗ trợ.
Xuất phát từ nhu cầu cần giúp đỡ cá nhân có khoa học và hiệu quả hơn đòi hỏi những người làm công tác từ thiện thay đổi phương pháp làm việc thông qua việc tiến hành đánh giá nhu cầu đối tượng, ghi chép phúc trình.
Quan trọng hơn, ở những năm cuối của thế kỷ XIX, hoạt động huấn luyện, đào tạo cách thức cung cấp các dịch vụ xã hội đã được đưa vào trường học. Đây là những dấu mốc quan trọng cho thấy xã hội cần có cách thức giúp đỡ chuyên nghiệp và khoa học đối với những cá nhân yếu thế trong xã hội.
1.2. Thời kỳ hình thành cơ sở khoa học phương pháp công tác xã hội cá nhân (từ đầu thế kỷ XX đến những năm 50).
Vào đầu thế kỷ XX, trước những nhu cầu thực tiễn đòi hỏi hoạt động giúp đỡ cá nhân cần có phương pháp hỗ trợ mang tính khoa học. Hình thức giúp đỡ theo mô hình từ thiện khoa học không còn phù hợp, đặc biệt là trước sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội do hệ quả của quá trình công nghiệp hoá.
Các phương pháp giúp đỡ đã có những bước phát triển hướng tới phương pháp công tác xã hội cá nhân chuyên nghiệp dựa trên cơ sở khoa học. Vì vậy, ở giai đoạn này, phương pháp công tác xã hội cá nhân đã dần củng cố cơ sở khoa học của nghề công tác xã hội chuyên nghiệp.
Thứ nhất về nền móng khoa học đào tạo. Kế tiếp nền móng ban đầu đào tạo những người làm các hoạt động giúp đỡ cá nhân yếu thế trong xã hội từ cuối giai đoạn trước, giai đoạn này đánh dấu sự ra đời và phát triển về số lượng các trường đào tạo những con người đi giúp đỡ.
Bên cạnh đó, việc phát triển nội dung và chương trình đào tạo cũng bắt đầu được chú trọng. Những người thăm viếng thân thiện đã được đào tạo các phương pháp đánh giá, chẩn đoán và trị liệu dựa trên nền tảng khoa học xã hội.
Thứ hai là sự hình thành và hoàn thiện các hiệp hội nghề nghiệp. Và thứ ba là việc ứng dụng các khoa học xã hội vào thực hành công tác xã hội.
Năm 1905, lần đầu tiên nhân viên xã hội được chính thức tuyển dụng vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts tại Boston, Mỹ, để giúp đỡ bệnh nhân giải quyết vấn đề xã hội – hậu quả của bệnh tật gây ra.
Đây là điểm khởi đầu cho việc phát triển nghề công tác xã hội, người sử dụng phương pháp giúp đỡ cá nhân được tuyển dụng là nhân viên trả công ăn lương như những nghề nghiệp khác thời bấy giờ.
Mặc dù, những người làm công tác xã hội đã được tuyển trong các bệnh viện, tuy nhiên trong suốt thời điểm đầu của thế kỷ XX, công tác xã hội gặp nhiều khó khăn do có những phản bác công tác xã hội không đủ tiêu chuẩn để coi là một nghề chuyên nghiệp. Một trong những lý do là do công tác xã hội còn thiếu kho tàng kiến thức và các kỹ thuật đào tạo.
Để minh chứng công tác xã hội là một nghề, Mary Richmond đã viết trong cuốn sách “Social Diagnosis – Chẩn đoán xã hội” năm 1917. Cuốn sách này đã tạo được những ảnh hưởng mạnh mẽ đến công tác xã hội cá nhân.
Trong cuốn sách của mình bà đã mô tả tiến trình công tác xã hội theo 3 giai đoạn sau: 1) Thu thập những chứng cứ, dữ liệu xã hội về truyền thống gia đình và thông tin về vấn đề hiện tại; 2) Xem xét yếu tố dẫn đến chẩn đoán và 3) Xây dựng một kế hoạch giúp đỡ có sự tham gia của đối tượng (Hick Steven, 2002).
Cũng cùng năm này, tổ chức đầu tiên của những người làm công tác xã hội đã được thành lập. Đó là “Hiệp hội trao đổi Nhân viên xã hội quốc gia” của Mỹ với việc làm đầu tiên là đánh giá các ứng viên xin vào vị trí nhân viên xã hội. Hiệp hội này, sau đó đổi tên thành “Hiệp hội Nhân viên xã hội y tế của Mỹ” vào năm 1934.
Năm 1919, Hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội tại Mỹ và Canada đã hình thành thiết lập tiêu chuẩn chung về giáo dục và đào tạo công tác xã hội chuyên nghiệp. Hiệp hội này sau đó là “Hiệp hội các trường đào tạo Công tác xã hội của Mỹ” (AASSW).
Tạp chí Công tác xã hội cá nhân (Social casework Review) ra đời trong nỗ lực hỗ trợ, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho những người cung cấp các dịch vụ chuyên môn này. Tiếp đến việc thành lập Hiệp hội nhân viên xã hội của Mỹ đã tạo thêm sức mạnh cho những người làm chuyên môn công tác xã hội đi giúp đỡ những đối tượng khó khăn trong xã hội.
Ở Châu Á, năm 1921, Trường Phụ nữ Nhật Bản đã thành lập trường quốc gia đầu tiên về an sinh xã hội. Đây được coi là nỗ lực đưa các hoạt động dịch vụ công tác xã hội giúp đỡ những cá nhân yếu thế trong xã hội và đảm bảo phúc lợi chung của xã hội.
Vào năm 1923, bản báo cáo của Tufts H. James về đào tạo công tác xã hội đã đưa ra những thành tố cần thiết đảm bảo chất lượng đào tạo nhân viên xã hội, nhấn mạnh đến việc đào tạo sinh viên đem lại những thay đổi cho xã hội cũng như cho các cá nhân trong xã hội. Sự kiện này đánh dấu bước tiến đảm bảo cung cấp những nhân viên xã hội có chất lượng phục vụ xã hội.
Hiệp hội Nhân viên xã hội giúp đỡ trẻ em của Mỹ (AAPSW) thành lập năm 1926 là xúc tác làm tăng cường tầm quan trọng của nhân viên làm công tác xã hội cá nhân và những nhà thực hành thực địa.
Cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế, những nhu cầu kinh tế và xã hội lại lần nữa có ảnh hưởng đến công tác xã hội cá nhân xét trên phương diện xã hội học. Ảnh hưởng này dẫn đến thay đổi chiều hướng của công tác xã hội cá nhân đến những yếu tố về kinh tế, tài chính và môi trường. Điều này có tác động đến chính phủ qua hàng loạt các chương trình xã hội.
Năm 1930 Virginia Robinson và Julia Jessie Taft đã phát triển trường phái tiếp cận chức năng trong công tác xã hội cá nhân kết hợp các khái niệm về xã hội và động năng tâm lý trong tác phẩm “Một sự thay đổi tâm lý trong công tác xã hội cá nhân”. Có thể bạn đã biết “A Changing Psychology in Social Casework” (Tâm lý học thay đổi trong công tác xã hội), Đại học North Carolina.
Bước chuyển biến tiếp theo rất quan trọng trong công tác xã hội cá nhân là do những đóng góp quan trọng của Freud Sigmund với thuyết phân tâm của ông. Granvill Stanley Hall (1844-1924) là nhà tâm lý học người Mỹ đã có đóng góp cho tâm lý học và giáo dục học, và William White là hai người đã có công đưa lý thuyết phân tâm và Tâm lý học chiều sâu vào phong trào công tác xã hội cá nhân. Đây được coi là kỷ nguyên vệ sinh tâm thần – (mental hygiene) và tâm lý của công tác xã hội.
Như vậy, phương pháp công tác xã hội cá nhân đã thay đổi hướng tiếp cận từ việc chỉ quan tâm đến điều kiện kinh tế, xã hội, đến việc chú ý đến khía cạnh tình cảm và tâm lý xã hội trong các vấn đề của đối tượng. Sự chuyển biến này đánh dấu sự phát triển của công tác xã hội cá nhân từ nhấn mạnh các yếu tố xã hội học bên ngoài sang thái độ nhận thức xã hội của cá nhân.
Cách tiếp cận cũng có đổi mới, thay vì trước đây những người thăm viếng chủ yếu thu thập thông tin về hoàn cảnh của đối tượng, chỉ dành ít thời gian để đào sâu về những cảm xúc của đối tượng thì lúc này qua việc phỏng vấn người thăm viếng dành quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu sâu hơn về đời sống tình cảm, những hy vọng và những điểm tích cực của đối tượng.
Vì vậy, công tác xã hội cá nhân đã có thể giải quyết được những vấn đề về lo lắng và giúp đối tượng sử dụng biện pháp giải tỏa lo lắng, cũng như những vấn đề về tình cảm, thái độ, kiềm chế xung đột và đấu tranh với những hiện tượng vô thức.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này vẫn mang phong cách theo hình thức “chẩn trị”. Tiếng Anh gọi là “Diagnosis”. Đây là thuật ngữ được công tác xã hội lấy từ thuật ngữ được dùng trong y học, nhắc đến việc người nhân viên xã hội chẩn đoán “vấn đề của đối tượng” và đưa ra cách thức giải quyết giống như bác sĩ khám và đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
Và như vậy, mối quan hệ công việc giữa nhân viên xã hội và đối tượng vẫn mang dáng dấp phân biệt theo chiều từ trên xuống dưới. Cùng với phương pháp tiếp cận “chẩn trị”, vào những năm 1930 mô hình công tác xã hội cá nhân phát triển mô hình tiếp cận “chức năng” (functional approach).
Mô hình này được phát triển tại trường Công tác xã hội Pennsylvania, Mỹ. Mô hình chức năng nhấn mạnh đến mối quan hệ, việc sử dụng sự linh hoạt về thời gian và sử dụng chức năng của tổ chức.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, công tác xã hội cá nhân tập trung vào vấn đề tâm lý xã hội trong phương pháp giải quyết vấn đề. Như vậy đã có sự thay đổi từ cách nhìn nhận trên quan điểm xã hội học chú trọng vấn đề tâm lý, đặt con người và những vấn đề tiềm ẩn bên trong là cách tiếp cận của công tác xã hội cá nhân.
Thực hành công tác xã hội cá nhân cũng có những thay đổi, do sự nhận thức mới cho thấy bên cạnh những khó khăn về vật chất còn có những khó khăn về tâm lý và các mối quan hệ xã hội ngày càng gia tăng.
Từ đó, nhân viên xã hội cần xem xét lại các dịch vụ đáp ứng nhu cầu này. Nội dung tham vấn được tăng cường và mở rộng bao gồm cả tham vấn với gia đình của đối tượng. Những nhìn nhận về ảnh hưởng của văn hoá có ảnh hưởng đến hành vi của đối tượng đã dẫn đến sự phát triển về lĩnh vực y tế và tâm thần.
Công tác xã hội vốn được coi có nôi hình thành và phát triển tại xã hội phương Tây, tuy nhiên, tại Châu Á, hoạt động công tác xã hội được ghi nhận đã có sự phát triển tại Bombay, Ấn Độ vào những năm đầu của thế kỷ XX dưới hình thức của tổ chức “Liên đoàn Phục vụ xã hội” vào năm 1911.
Liên đoàn đã điều hành các chương trình tập huấn những người tình nguyện làm công tác cứu trợ xã hội những người gặp nạn đói kém, dịch bệnh, lũ lụt… Đến năm 1936 tại trường Dorabji Tata công tác xã hội được chính thức đưa vào chương trình đại học trong khóa học dành cho những người chọn nghề dịch vụ xã hội.
Năm 1946 công tác xã hội cá nhân được xem là một giáo trình lý thuyết và phương pháp thực hành trong chương trình giảng dạy (Grace Matthew, 1992). Có thể khẳng định, giai đoạn này chứng kiến mạnh mẽ những thay đổi mang tính chất khoa học và chuyên nghiệp của phương pháp công tác xã hội cá nhân.
Mặc dù còn có những phê phán cho rằng cách tiếp cận công tác xã hội cá nhân trong giai đoạn này chỉ tập trung nhiều vào yếu tố nội tâm, chưa quan tâm đến yếu tố môi trường. Tuy nhiên, cần phải khẳng định đây là cơ sở tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn sau của phương pháp này bên cạnh các phương pháp công tác xã hội khác.
1.3. Thời kỳ phát triển chuyên nghiệp (từ thập kỷ 50 của thế kỷ XX đến nay).
Giai đoạn phát triển của phương pháp công tác xã hội cá nhân được đánh dấu bằng hàng loạt những thay đổi quan trọng. Thứ nhất là, những thay đổi tính chất chuyên nghiệp về tổ chức với sự hoàn thiện về tổ chức Hiệp hội nhân viên xã hội và hiệp hội giáo dục và đào tạo; tăng cường các bậc học cao hơn trong đào tạo công tác xã hội.
Thứ hai là, sự thay đổi phong phú hơn về cách thức tiếp cận hỗ trợ cá nhân hướng vào những hình thức can thiệp trao quyền, tăng cường năng lực giải quyết vấn đề của đối tượng. Thứ ba là, sự phát triển rộng khắp của nghề công tác xã hội ở nhiều nước trên thế giới.
Xét về những thay đổi tổ chức phải nhắc đến sự kiện công tác xã hội lần đầu tiên được cấp phép cho cơ sở độc lập tại California, Mỹ vào năm 1950. Năm 1952, thành lập Hội đồng đào tạo công tác xã hội, cùng với Hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội đã xây dựng tiêu chuẩn cho các trường đào tạo công tác xã hội.
Tiêu chuẩn đào tạo sau này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm định chương trình đào tạo thạc sĩ công tác xã hội. Năm 1956 Hiệp đoàn quốc tế của Nhân viên xã hội thành lập National Association of Social Workers (NASW) đã tạo điều kiện mở rộng hơn tầm hoạt động và ảnh hưởng của công tác xã hội, trong đó có phương pháp công tác xã hội cá nhân với nhiều nước trên thế giới.
Tại Ấn Độ, năm 1970, thành lập Hiệp hội quốc gia của nhân viên xã hội. Sự thành lập các tổ chức, hiệp hội ở cấp quốc tế và lan sang khu vực Châu Á cho thấy công tác xã hội thực sự là một khoa học ứng dụng rất cần thiết phục vụ cho đời sống con người.
Đồng thời, sự phát triển các bậc đào tạo sau đại học cũng được ghi nhận là những bước tiến quan trọng phát triển nghề công tác xã hội, trong đó có sự phát triển của công tác xã hội cá nhân.
Năm 1950, Nhật Bản là nước Châu Á đầu tiên đã có chương trình đào tạo thạc sĩ công tác xã hội tại Đại học Doshisha, Kyoto. Năm 1977, Nhóm thúc đẩy Đào tạo trình độ tiến sĩ về công tác xã hội được thành lập, tạo cơ hội cho những nhân viên xã hội tiến bước xa hơn trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng và nghiên cứu nghề nghiệp.
Xét về những thay đổi trong phương pháp giúp đỡ cá nhân, giai đoạn này có sự thay đổi mạnh mẽ. Cách tiếp cận theo trường phái “chẩn trị chẩn đoán” hay “chức năng” đã thay đổi hướng tiếp cận. Trường phái chức năng phát triển theo cách tiếp cận tập trung cao vào định hướng mục tiêu trong can thiệp cá nhân. Trường phái chẩn đoán tập trung hơn vào hướng tâm lý xã hội.
Các mô hình tiếp cận được phát triển theo nhiều trường phái khác nhau. Phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề (problem solving) được Perlman đưa ra tại trường Chicago vào năm 1957. Mô hình này tạo ra một sự khác biệt trong công tác xã hội cá nhân. Phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề nhấn mạnh vào việc xác định vấn đề đối tượng gặp phải; phân tích khía cạnh chủ quan của con người trong hoàn cảnh.
Trọng tâm đặt vào đối tượng và vấn đề của họ, tìm giải pháp giải quyết vấn đề và thực hiện giải pháp. Mục tiêu của tiến trình là phát huy cái tôi của đối tượng trong việc giải quyết vấn đề và huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài để hoàn thành vai trò của mình.
Tiếp theo đó vào những năm 1960, Pavlovian và Skinnerian đã đưa cách tiếp cận hành vi (behavior) vào công tác xã hội cá nhân. Nguyên căn của cách tiếp cận này là ở việc cho rằng hành vi có thể điều chỉnh được nếu được quan sát. Như vậy cũng có nghĩa là hành vi con người sẽ có thể học được hoặc được chỉnh sửa nếu có điều kiện. Đây là quá trình học tập và điều chỉnh.
Đến những năm 1970, mô hình công tác xã hội cá nhân tập trung vào nhiệm vụ (task -centered) được phát triển tại Đại học Chicago, Mỹ. Đây là mô hình được xây dựng tập trung vào giải quyết những vấn đề tâm lý xã hội cụ thể của các cá nhân và gia đình.
Trong giai đoạn này phương pháp tiếp cận thực hành tổng quát (generalist practice model) cũng được phát triển. Mô hình này nhằm cung cấp những cách thực hành tổng quát, giải quyết vấn đề dựa trên quan điểm hệ thống.
Công tác xã hội cá nhân đã hoàn thiện tính chuyên nghiệp của phương pháp giúp đỡ thông qua việc tuân thủ các quy điều đạo đức được Hiệp hội nghề nghiệp xây dựng. Lần đầu tiên quy điều đạo đức của Hiệp hội nhân viên xã hội được biên soạn năm 1962 và được sửa đổi vào năm 1979.
Những năm 1980 và sau này, phương pháp công tác xã hội cá nhân có phát triển thêm những cách tiếp cận mới như mô hình tiếp cận sinh thái cuộc đời (Ecological Life Model) của Carla B. Germain (1980) hay mô hình tiếp cận xử lý khủng hoảng (Crisis intervention) của Howard J. Parad và Naomi Golan.
Bên cạnh đó các quan điểm hệ thống (System theory), sinh thái (Ecological perspective), bình quyền (Feminism perspective), dựa trên quyền con người (Human -right based perspective), dựa trên điểm mạnh của thân chủ (Strength based perspective)… đã và đang được lồng ghép vào trong quá trình giúp đỡ cá nhân.
Theo Skidmore và Thackeray (2000) dự đoán trong thiên niên kỷ mới cách tiếp cận của công tác xã hội cá nhân sẽ đi theo quan điểm triết trung có chọn lựa. Theo các tác giả này, cách thức tiếp cận công tác xã hội cá nhân sẽ sử dụng nhiều thành tố từ các lý thuyết khác nhau và có sự phối kết hợp giữa các mô hình. Bên cạnh đó các kỹ năng đối phó sẽ ít tập trung vào các vấn đề nội tại bên trong và sẽ sử dụng nhiều hơn các hình thức can thiệp có thể đo lường được.
Xét về sự lan toả của nghề công tác xã hội, đến nay, công tác xã hội cá nhân là phương pháp công tác xã hội được ứng dụng vào quá trình giúp đỡ con người. Trên 84 nước ở tất cả các châu lục là thành viên chính thức của Hiệp hội Công tác xã hội quốc tế.
Như vậy, có thể khẳng định công tác xã hội cá nhân trong giai đoạn này đã và đang phát triển mạnh mẽ các phương pháp thực hành nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giúp đỡ của những cá nhân gặp khó khăn trong xã hội.
Đặc biệt là có sự thay đổi quan điểm giúp đỡ tập trung vào khai thác điểm mạnh của thân chủ, giúp họ tăng cường năng lực để tự giải quyết được khó khăn của bản thân. Mối quan hệ giữa người giúp đỡ (nhân viên xã hội) và người nhận giúp đỡ (đối tượng) là mối quan hệ cùng hợp tác, hỗ trợ; trong đó sự tham gia và tự quyết định của đối tượng được nhấn mạnh làm nên thành công của quá trình hỗ trợ.
Tóm lại, để có được sự phát triển như ngày nay trong phương pháp công tác xã hội cá nhân có sự đóng góp to lớn của những học giả, nhà nghiên cứu, nhà thực hành.
Những học giả và các nhà tiên phong có ảnh hưởng rất lớn đến phương pháp công tác xã hội cá nhân là: Mary Richmond, Gordon Hamilton và Florence Hollis triển khai cách tiếp cận tâm lý xã hội; Helen Harris Perlman với việc gắn kết cá nhân đối tượng đối với quá trình giải quyết vấn đề; Roth Smalley và Tybel Bloom với cách tiếp cận chức năng, William Reid và Laura Epstein với cách tiếp cận tập trung vào nhiệm vụ; Howard J. Parad và Naomi Golan với cách tiếp cận vào chức năng hoạt động tâm lý xã hội của một cá nhân trong giai đoạn khủng hoảng.
Phương pháp công tác xã hội cá nhân đã và đang khẳng định những lợi ích và đóng góp cho sự phát triển các cá nhân, đặc biệt là những cá nhân yếu thế trong xã hội. Đồng thời, công tác xã hội cá nhân góp phần quan trọng trong phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp.
2. Công tác xã hội cá nhân ở Việt Nam.
Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có nhiều tài liệu viết về sự phát triển của phương pháp công tác xã hội cá nhân. Qua quá trình tìm hiểu và tổng hợp thông tin cho thấy những hoạt động mang tính công tác xã hội bao hàm phương pháp công tác xã hội cá nhân đã và đang triển khai trong hoạt động hỗ trợ những người yếu thế tại Việt Nam.
Bắt nguồn từ văn hóa tương thân, tương ái sâu sắc của người Việt từ thời Lý Cao Tông (1176-1210) đã có hình thức cấp phát gạo cho người dân bị thiên tai, lũ lụt. Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) đã đưa ra chính sách nhân đạo quan tâm đến những phạm nhân như để họ có hai bữa ăn mỗi ngày và được cung cấp chăn chiếu.
Đến thời kỳ trước giai đoạn Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp (trước năm 1862), nhà cầm quyền thời đó có nhấn mạnh việc đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội. Những người vi phạm pháp luật bị phạt một phần được đóng góp cho những người cần sự giúp đỡ.
Bên cạnh đó, họ còn đưa ra các văn bản pháp lý quy định phân chia lúa gạo cho những người nghèo khó. Người giàu được yêu cầu chăm sóc và chia sẻ một phần bữa ăn cho người nghèo. Những vấn đề xã hội khác như nghiện thuốc phiện cũng được triều đình Nhà Nguyễn đưa vào quy định xử phạt nghiêm minh (Nguyễn Thị Oanh, 2002).
Thời kỳ Pháp thuộc (1862-1954: tại miền Bắc 1862-1945, miền Nam 1862-1954), dưới ảnh hưởng của tôn giáo, các trại chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trường học dành cho trẻ câm điếc đã được thành lập. Đây được coi là một loại hình dịch vụ công tác xã hội cho các cá nhân bị tổn thương trong xã hội. Nội dung công tác xã hội trong đó có phương pháp làm việc với cá nhân được đưa vào giảng dạy tại Trường Công tác xã hội Caritas vào năm 1947.
Trong thời kỳ trước khi thống nhất đất nước, ở miền Nam, các hoạt động công tác xã hội, trong đó có công tác xã hội cá nhân đã hình thành mang tính chuyên nghiệp và có những bước phát triển được ghi nhận.
Theo tác giả Nguyễn Thị Oanh (2002), công tác xã hội đã được giảng dạy trong các chương trình ngắn hạn và 2 năm và bắt đầu hình thành chương trình cử nhân. Công tác xã hội cá nhân đã được đưa vào thực hành giúp đỡ những người khốn khó trong nhà thờ.
Trong thời kỳ xây dựng đất nước, ở miền Bắc đã có nhiều hình thức giúp đỡ các cá nhân có những khó khăn như: đi thăm và tìm hiểu người nghèo để trợ giúp, hay hình thức đến chăm sóc những người già neo đơn, thương bệnh binh, người khuyết tật của các thành viên thuộc các tổ chức đoàn thể: Thanh thiếu niên, đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Chữ Thập đỏ, Công đoàn.
Chính phủ cũng đưa ra rất nhiều các chính sách tăng cường các hoạt động cứu trợ xã hội như Thông tư 202/CP và cứu trợ đột xuất cho những đối tượng là người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người gặp rủi ro, người bị đói; ngày 18/9/1985 Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ trước đây) đã ban hành Nghị định 236/HĐBT sửa đổi lại một số chế độ trợ cấp và nuôi dưỡng đối với các loại đối tượng cứu trợ xã hội như: chế độ nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già yếu, người tàn tật không nơi nương tựa.
Vào những năm đầu của thập kỷ 90, sau khi Việt Nam triển khai chính sách đổi mới kinh tế, do nhu cầu thực tiễn về phương pháp chăm sóc người yếu thế, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Quỹ Nhi đồng của Liên Hợp Quốc (UNICEF) và các tổ chức Cứu trợ trẻ em như Cứu trợ trẻ em Thụy Điển, công tác xã hội cá nhân đã được đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em.
Bên cạnh đó, các phương pháp và mô hình công tác xã hội cá nhân hiện nay mới chỉ được đưa vào giúp đỡ phần nào cho những đối tượng trong các trung tâm, cơ sở chăm sóc tập trung. Vì vậy, phương pháp này chưa được đầu tư nhân rộng trong hoạt động hỗ trợ những người dễ bị tổn thương ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh đào tạo, công tác xã hội cá nhân là môn học sớm được đưa vào đào tạo, tập huấn từ những năm đầu của thập kỷ 90, thế kỷ XX. Đầu tiên là tại trường Đại học Mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh (nay là trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) và Trường Cao đẳng Lao động – Xã hội (nay là trường Đại học Lao động – Xã hội), nội dung công tác xã hội cá nhân đã được đào tạo trong các ngành học Nghiên cứu Phụ nữ và Xã hội học.
Đến năm 2004, học phần này được chính thức quy định trong Chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 35/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 11 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng cho tất cả các trường trong cả nước được phép đào tạo ngành công tác xã hội.
Trong chương trình khung, công tác xã hội cá nhân là môn học bắt buộc nằm trong khối kiến thức ngành. Thời lượng dành cho môn học này được phân bổ hợp lý tương xứng với những môn học phương pháp công tác xã hội khác.
Chương trình khung mới chỉnh sửa ngành công tác xã hội trình độ đại học theo Thông tư số 10/2010/TT-BGDĐT có hiệu lực vào tháng 5 năm 2010. Mặc dù chương trình được chỉnh theo hướng giảm thiểu tối đa thời lượng các môn học bắt buộc vẫn giữ thời lượng đảm bảo cho môn công tác xã hội cá nhân cả nội dung học trên lớp và nội dung thực hành.
Bên cạnh đó, với các chương trình đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ cơ sở ở những ngành, lĩnh vực an sinh xã hội và trợ giúp xã hội, chủ đề phương pháp công tác xã hội cá nhân đã được đưa vào là một nội dung tập huấn.
Ví dụ như trong chương trình đào tạo cán bộ ngành lao động, thương binh và xã hội, ngành dân số, gia đình và trẻ em, cán bộ hội chữ thập đỏ, cán bộ đoàn thanh niên, cán bộ phụ nữ, của các tổ chức Liên Hợp Quốc như Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tổ chức Cứu trợ trẻ em, các tổ chức phi chính phủ quốc tế…
Tuy chỉ mới ở giai đoạn ban đầu của sự phát triển nhưng cần phải khẳng định công tác xã hội cá nhân ở Việt Nam đã có nền tảng hình thành và đang ở giai đoạn phát triển ban đầu cả ở việc phát triển các mô hình can thiệp, trợ giúp và đào tạo chuyên sâu.
Hiện nay, công tác xã hội cá nhân đã phần nào khẳng định tính hiệu quả trong quá trình hỗ trợ những thân chủ yếu thế giải quyết những khó khăn về tâm lý xã hội và hoà nhập cộng đồng.
Trong thời gian tới, khi công tác xã hội trở thành một nghề chuyên môn ở Việt Nam, phương pháp công tác xã hội cá nhân sẽ có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của những người yếu thế nói riêng và chất lượng cuộc sống của mọi người trong cộng đồng xã hội ở Việt Nam nói chung.
Tác giả: Nguyễn Thị Thái Lan
Bạn đang xem bài viết:
Lịch sử hình thành công tác xã hội cá nhân
Link https://vnlibs.com/gia-dinh/lich-su-hinh-thanh-cong-tac-xa-hoi-ca-nhan.html