Xã hội học là một lĩnh vực nghiên cứu đầy hấp dẫn, mở ra cánh cửa khám phá những quy luật và cơ chế vận hành của xã hội loài người.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao con người lại hành xử theo những cách nhất định trong các tình huống xã hội khác nhau? Hay làm thế nào mà các hệ thống xã hội phát triển và thay đổi theo thời gian?
Bài viết này tại VNLibs.com sẽ đưa bạn vào hành trình tìm hiểu về xã hội học, từ những khái niệm cơ bản đến các phương pháp tiếp cận nghiên cứu, giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới xung quanh.
1. Khái niệm xã hội học.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về xã hội học. Thuật ngữ “Xã hội học” (Sociology ghép chữ la tinh Socius hay Societas nghĩa là xã hội (Chữ Hy lạp: “Logos” nghĩa là học thuyết, nghiên cứu). Do vậy, xã hội học được hiểu là học thuyết về xã hội, nghiên cứu về xã hội.
Có ba cách tiếp cận để xác định đối tượng nghiên cứu của xã hội học: Theo cách tiếp cận “vĩ mô”, đối tượng nghiên cứu của xã hội học là các loại hình xã hội (mà sau này được xác định là các hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội).
Theo cách tiếp cận “vi mô”, đối tượng nghiên cứu của xã hội học là hành vi xã hội hay hành động xã hội của con người. Theo cách tiếp cận “tổng hợp”, xã hội học nghiên cứu của xã hội loài người và hành vi xã hội của con người.
Các định nghĩa khác nhau về xã hội học có thể quy về một trong ba cách tiếp cận trên. Khi chú ý tới cá nhân, tới con người, xã hội học được định nghĩa là khoa học nghiên cứu hành vi con người, hành động xã hội của con người.
Khi chú ý tới xã hội, có định nghĩa xã hội học là khoa học nghiên cứu về các khoa học nghiên cứu về các hệ thống xã hội, các quá trình xã hội, cơ cấu xã hội hay đời sống xã hội của con người.
Các nhà xã hội học vừa muốn tập trung nghiên cứu con người, vừa muốn nghiên cứu xã hội. Nhưng xã hội học khó có thể thâu tóm cả hai vì như vậy dễ bị phê phán là không có đối tượng rõ ràng; hơn nữa con người và xã hội là những khách thể nghiên cứu của nhiều khoa học khác nhau (trong đó có xã hội học).
Các nhà xã hội học mácxít. có xu hướng đưa ra định nghĩa “tích hợp” về xã hội học. Cụ thể G.V. Oxipov đã kết hợp cả hai cách tiếp cận “vĩ mô” và “vi mô”, đã nhấn mạnh yếu tố vĩ mô (tính toàn vẹn của xã hội) và yếu tố vi mô (hành vi và hoạt động xã hội của con người) trong định nghĩa:
“Xã hội học là khoa học về các quy luật và tính quy luật xã hội chung, về đặc thù của sự phát triển và vận hành của các hệ thống xã hội được xác định về mặt lịch sử, là khoa học về các cơ chế tác động và các hình thức biểu hiện của các quy luật đó trong hoạt động của các cá nhân, các nhóm xã hội, các giai cấp và các dân tộc” – Theo G.V. Oxipov chia sẻ trong “Xã hội học và chủ nghĩa xã hội”, Xã hội học và thời đại, tập 3, số 23/1992, trang 8.
Hoặc nhiều công trình đã xem: “Xã hội học là khoa học về các quy luật phát triển của các hệ thống xã hội có tính chất tổng thể (toàn xã hội) cũng như bộ phận. Xã hội học nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa các hiện tượng xã hội khác nhau và nghiên cứu những quy luật phổ biến trong hành động xã hội của con người.
2. Đối tượng nghiên cứu của xã hội học.
Định nghĩa xã hội học nêu trên cho thấy: đối tượng nghiên cứu của xã hội học không phải là ở chỗ hoặc nghiên cứu về “con người” hoặc nghiên cứu về “xã hội”, hoặc nghiên cứu “cả con người và xã hội”.
Vấn đề cơ bản là phải nghiên cứu mối quan hệ hữu cơ, sự ảnh hưởng lẫn nhau, quan hệ biện chứng giữa một bên là con người với tư cách là cá nhân, nhóm… và một bên là xã hội với tư cách là hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội.
Tức là phải chỉ ra được quy luật, tính quy luật, đặc điểm cũng như cơ chế, hình thức điều kiện của sự hình thành, vận động và phát triển mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và xã hội. Nhưng xã hội học có phạm vi riêng của nó.
Quy luật phát triển lịch sử của xã hội nói chung và quy luật phát triển của CNXH nói riêng là những quy luật khách quan. Những tác động của những quy luật đó tới sự phát triển của xã hội lại thông qua hoạt động có ý thức con người. Do vậy, điều rất quan trọng là phải hiểu được những điều kiện khách quan của hoạt động đó, những nhân tố tạo ra mục đích và xu hướng của hoạt động đó…
Chủ nghĩa duy vật lịch sử đưa lại sự hiểu biết về những quy luật chung của sự phát triển xã hội. Chủ nghĩa xã hội khoa học đưa lại sự hiểu biết về những quy luật đặc thù của sự phát triển xã hội, từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội mà giai đoạn đầu là bước quá độ theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Còn xã hội học ứng dụng đem lại cho ta những hiểu biết về những hình thức biểu hiện cụ thể và những cơ chế tác động của các quy luật xã hội chung trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội…
Đặc trưng của đối tượng nghiên cứu của xã hội học làm nảy sinh hàng loạt các vấn đề “kép”, cơ bản như: “con người – xã hội”, “cá nhân văn hóa”, “chủ quan – khách quan”, “chủ thể – khách thể”, “tự nhiên – xã hội”, “vi mô – vĩ mô”.
2.1. “Con người – xã hội”.
Xã hội không phải là tổng số các cá nhân (nhưng không thể bàn về xã hội không có cá nhân). Mặt khác, mỗi cá nhân đơn độc, riêng lẻ không tạo thành xã hội. Thật khó lý giải hành động của cá nhân nếu không thấy được con người luôn chịu ảnh hưởng, chịu tác động từ phía xã hội.
Các lý thuyết xã hội học đều thấy, chỉ có thể nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và hệ thống về bản chất của xã hội trong mối quan hệ giữa con người và xã hội. Còn về bản chất của con người thì phải lý giải xem hành vi của con người có lý trí hay không, có sáng tạo hay không: con người có vị trí, vai trò thế nào trong xã hội; con người có điều kiện để bộc lộ và phát triển năng lực người, có thể thích nghi và tác động đến hoàn cảnh xã hội tới mức nào…
2.2. “Hành động xã hội – cơ cấu xã hội”.
Trong xã hội học, hành động xã hội (social action) là tất cả những hành vi và hoạt động của con người diễn ra trong khung cảnh lịch sử xã hội nhất định, là hành vi có mục đích, có đối tượng, là hành động hướng tới người khác hay chịu ảnh hưởng của người khác.
Cơ cấu là hệ thống chỉnh thể và mối liên hệ của các bộ phận cấu thành. Cơ cấu xã hội hay cấu trúc xã hội (social structure) là khuôn mẫu, thuộc tính của các quan hệ xã hội, các thiết chế xã hội, các điều kiện, các hoàn cảnh và các sản phẩm xã hội mà con người đã tạo ra.
Hành động xã hội được xem xét như là tập hợp các lực lượng chủ quan bên trong (nhu cầu, tình cảm,…) và các lực lượng bên ngoài (đối tượng, công cụ, điều kiện). Tương tự như vậy, cơ cấu xã hội được xem là tập hợp các lực lượng vật chất có thể nhìn thấy được (nhóm, tổ chức, xã hội…) và các lực lượng tinh thần khó nhìn thấy (chuẩn mực, giá trị, quyền lực xã hội,…).
Đối tượng nghiên cứu của xã hội học (mối quan hệ giữa con người và xã hội) thể hiện đặc biệt rõ qua phân tích cặp vấn đề “hành động xã hội – cơ cấu xã hội”.
– Khi mới ra đời, xã hội học ở Pháp được xác định là “khoa học về xã hội”, tức là khoa học nghiên cứu sự hình thành, biến đổi và chức năng của hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội.
Ví dụ: Auguste Comte cho rằng xã hội học là môn khoa học về tiến trình thay đổi của các xã hội. Tuy vậy, trong khi hành động xã hội của con người được nghiên cứu bằng các khái niệm xã hội học như giá trị, chuẩn mực, lợi ích… thì chính xã hội lại được xem xét qua các khái niệm của sinh vật học như “cơ thể”, “tiến hóa”, “thích nghỉ”, “tự điều chỉnh”…
Emile Durkheim cho rằng, đối tượng của xã hội học là các “sự kiện xã hội” (social facts). Nhưng có thể hiểu sự kiện xã hội như là cơ cấu xã hội. Tác giả cho rằng, các sự kiện xã hội quy định hành động xã hội và đoàn kết các cá nhân để tạo ra trật tự xã hội. Durkheim muốn chứng minh cho sự cần thiết của “trật tự xã hội”. Nhưng tác giả lại đặt xã hội nói chung, cơ cấu xã hội nói riêng đối lập với con người.
– Khi mới xuất hiện, xã hội học Mỹ lại tập trung chủ yếu vào nghiên cứu hành động, động cơ, nhân cách của cá nhân. Tuy vậy, khi tập trung vào vấn đề của các cá nhân, xã hội học Mỹ không tránh được các vấn đề xã hội. Nếu xã hội học châu Âu lý giải các hiện tượng xã hội từ góc độ hệ thống xã hội, thì các nhà xã hội học Mỹ lại giải thích các vấn đề xã hội từ vị thế xã hội của cá nhân.
Luận điểm cơ bản của Parsons là: sự tồn tại của mỗi hệ thống do chức năng của hệ thống đó quy định. Tác giả cho rằng, hệ thống “nhân cách” là một trong bốn tiểu hệ thống của hệ thống xã hội (văn hóa, kinh tế, xã hội, nhân cách) – Talott Parsons, “Hệ thống xã hội, Glencoe”, III, 1951. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng các thuật ngữ “tâm lý học” khác như thích ứng, nhu cầu, mục đích… để nói về hành động xã hội và các chức năng của hệ thống xã hội.
Robert Merton lại chú trọng nghiên cứu “chủ thể hành động” – Robert Merton, “Lý thuyết xã hội và cấu trúc xã hội”, New York, 1968 – với nghĩa là con người lựa chọn mục đích và phương tiện để đạt mục đích như thế nào trong xã hội. Tác giả cho rằng, hành động của con người chỉ được coi là đúng, là “bình thường” khi mục đích và phương tiện thực hiện mục đích đó được xã hội chấp nhận,… Chính điều này cho thấy, hành động xã hội luôn gắn liền với cơ cấu xã hội, hệ thống xã hội.
– Cho đến những năm 50, 60 của thế kỉ XX, các tác giả cũng thấy rằng việc coi trọng nghiên cứu cá nhân, hành động xã hội trong xã hội học là chưa đủ. Từ những năm 1980 trở lại đây xã hội học có xu thế trở thành khoa học nghiên cứu cả về con người và cả về xã hội.
2.3. “Vĩ mô – vi mô”.
Tùy theo phạm vi nghiên cứu của xã hội học mà ta phân biệt xã hội học vĩ mô và xã hội học vi mô. Xã hội học vĩ mô có đối tượng nghiên cứu là các quy luật của các hệ thống xã hội. Khi đối tượng nghiên cứu của xã hội học là các hiện tượng cá nhân, các nhóm nhỏ như hành động xã hội và tương tác xã hội thì đó là xã hội học vi mô. Tuy vậy sự phân chia này chỉ có tính chất tương đối.
* Tóm lại: đối tượng nghiên cứu của xã hội học là các quy luật hình thành, vận động và phát triển mối quan hệ giữa con người với xã hội và hiện tượng xã hội. Đối tượng của xã hội học được thể hiện ở hai cấp độ: cấp độ vĩ mô (nghiên cứu các quy luật chung và đặc thù của sự vận hành của hệ thống xã hội), cấp độ vi mô (nghiên cứu các mối quan hệ xã hội của các cá nhân trong các nhóm xã hội, các giai cấp và tầng lớp xã hội, quan hệ giữa các nhóm, tầng lớp và các cộng đồng xã hội). Dù ở cấp độ nào thì xã hội học đều nghiên cứu về mức độ biểu hiện, nguyên nhân, động lực và các xu hướng phát triển của chúng.
3. Cơ cấu của xã hội học.
Xã hội học Macxit là một cơ cấu gồm nhiều cấp độ khác nhau. Mỗi cấp độ đòi hỏi sự nghiên cứu xã hội học ở một lĩnh vực nào đó, dù giữa các cấp độ đó có sự liên quan chặt chẽ với nhau.
Tùy quan niệm khác nhau mà các tác giả phân chia cơ cấu xã hội học một cách khác nhau. Có quan điểm cho rằng cơ cấu xã hội học bao gồm: lý luận xã hội học đại cương; xã hội học chuyên biệt và xã hội học kinh nghiệm.
Có tác giả lại xét ba bộ phận: lý luận xã hội học đại cương chủ nghĩa duy vật lịch sử, lí luận xã hội học chuyên biệt và những nghiên cứu xã hội học cụ thể. Mặc dù, có nhiều quan niệm về cách phân chia khác nhau, song các tác giả đều dựa vào cấp độ nghiên cứu xã hội học chung, riêng và cụ thể.
3.1. Xã hội học lý thuyết, xã hội học thực nghiệm và xã hội học ứng dụng.
Căn cứ vào mức độ trừu tượng, khái quát của tri thức xã hội học, một số tác giả phân chia cơ cấu xã hội học thành xã hội học trừu tượng – lý thuyết, xã hội học cụ thể – thực nghiệm và xã hội học triển khai – ứng dụng.
– Xã hội học lý thuyết: nghiên cứu một cách khách quan, khoa học về các hiện tượng, quá trình xã hội. Từ đó, nhằm phát hiện ra tri thức mới và xây dựng lý thuyết, khái niệm và phạm trù xã hội học.
– Xã hội học thực nghiệm: nghiên cứu các hiện tượng, quá trình xã hội bằng cách vận dụng lý thuyết, khái niệm xã hội học và các phương pháp nghiên cứu xã hội học nhằm kiểm tra, chứng minh giả thuyết xã hội học.
– Xã hội học ứng dụng: có nhiệm vụ vận dụng các nguyên lí, ý tưởng xã hội học vào việc phân tích, tìm hiểu và giải quyết các tình huống, sự kiện của đời sống xã hội. Mặt khác, nó cũng nghiên cứu cơ chế hoạt động, điều kiện, hình thức biểu hiện của các quy luật xã hội học nhằm đưa ra các giải pháp đưa tri thức xã hội học vào cuộc sống.
Ba bộ phận này có mối quan qua lại với nhau:
+) Xã hội học lý thuyết định hướng lý luận cho nghiên cứu xã hội học thực nghiệm.
+) Xã hội học thực nghiệm cung cấp những bằng chứng và sự kiện để kiểm chứng giả thuyết và làm phong phú lý luận xã hội học. Chỉ những tri thức xã hội học được kiểm chứng mới nên áp dụng vào thực tiễn, do vậy xã hội học thực nghiệm là “cầu nối” giữa xã hội học lý thuyết và xã hội học ứng dụng.
+) Những nghiên cứu xã hội học ứng dụng cung cấp kết quả nghiên cứu để đưa kết quả nghiên cứu lý luận đã được thực nghiệm vào sử dụng trong thực tiễn xã hội.
3.2. Xã hội học đại cương và xã hội học chuyên biệt.
Căn cứ vào cấp độ chung – riêng, chỉnh thể – bộ phận của tri thức và lĩnh vực nghiên cứu của xã hội học, một số nhà xã hội học phân chia cơ cấu của xã hội học thành hai bộ phận là xã hội học đại cương và xã hội học chuyên biệt (Xã hội học chuyên ngành).
– Xã hội học đại cương: nghiên cứu những quy luật chung, đặc điểm chung nhất về sự hoạt động và phát triển xã hội.
– Xã hội học chuyên biệt: gắn lí luận xã hội học đại cương và việc nghiên cứu các hiện tượng của các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Hay có thể nói xã hội học chuyên biệt nghiên cứu các hình thức biểu hiện và những cơ chế tác động của các quy luật chung trên những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội trong những điều kiện lịch sử khác nhau.
+ Do tính chất hệ thống, tính chất tổng hợp của xã hội học mà việc nghiên cứu xã hội học chuyên biệt khác với các nghiên cứu xã hội học khác ở hai dấu hiệu đặc trưng.
Thứ nhất, tính tổng hợp, yêu cầu xem xét một hiện tượng hay một quá trình trong chỉnh thể của nó. Quan niệm tổng hợp đòi hỏi phải nêu rõ tỷ trọng của mỗi nhân tố trong những nhân tố xã hội tác động lẫn nhau, quyết định hiện được nghiên cứu.
Thứ hai, phải nghiên cứu một hiện tượng hoặc một quá trình là kết quả hoạt động của con người trong sự thống nhất của những nhân tố chủ quan và khách quan của hoạt động; phải nêu rõ tương quan của những điều kiện, nhu cầu, động cơ, nguyên nhân của hoạt động bởi con người.
Một số người xem những nghiên cứu xã hội học chuyên biệt như là những công trình nghiên cứu kinh nghiệm. Điều đó đã thu hẹp khái niệm xã hội học chuyên biệt. Tài liệu kinh nghiệm được xem xét để phục vụ cho nhiệm vụ lý luận.
Nhưng những công trình nghiên cứu xã hội học chuyên biệt không chỉ sưu tầm tài liệu kinh nghiệm, mà còn so sánh, cân nhắc nhiều tài liệu kinh nghiệm phản ánh những mối liên hệ hiện thực… rồi khái quát hoá chúng và đưa ra một bức tranh phản ánh cụ thể kết quả của việc nghiên cứu.
+ Quá trình nghiên cứu xã hội học cụ thể bao gồm các yếu tố cơ bản: Làm sáng tỏ và phân tích từ góc độ xã hội học các nhân tố quyết định sự hình thành các quan hệ xã hội trong những điều kiện cụ thể của lao động và sinh hoạt. Xác định mối liên hệ cụ thể hợp quy luật giữa các nhân tố đó với ý thức con người, với hành vi xã hội của họ. Phân tích về các mối liên hệ ấy.
* Hệ thống các ngành xã hội học:
– Nhà xã hội học Ba Lan Jan Szczepanski cho rằng xã hội học chuyên biệt bao gồm ba bộ phận: Bộ phận chuyên nghiên cứu về các thể chế xã hội: xã hội học gia đình, xã hội học giáo dục, xã hội học luật pháp,…; Bộ phận chuyên nghiên cứu về các loại cộng đồng xã hội khác nhau: các nhóm nhỏ, nông thôn, thành thị, giai cấp,…; Bộ phận chuyên nghiên cứu về các quá trình xã hội: các hiện tượng và tổ chức xã hội, các hiện tượng thông tin đại chúng, các quá trình di dân và cơ động xã hội…
– Căn cứ vào lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội (hay loại hình hoạt động) ta có xã hội học kinh tế, xã hội học chính trị, xã hội học văn hoá, nghệ thuật, xã hội học công nghiệp, xã hội học y tế, xã hội học quản lí, xã hội học gia đình, xã hội học giáo dục…
– Căn cứ vào khu vực địa lý – hành chính kinh tế ta có xã hội học thành thị (nghiên cứu cách tổ chức và lối sống ở thành thị), xã hội học nông thôn (nghiên cứu cộng đồng và lối sống ở nông thôn).
Cùng với sự phát triển của yêu cầu và trình độ xã hội, số lượng các môn xã hội học chuyên ngành cũng được tăng lên.
3.3. Xã hội học vĩ mô và xã hội học vi mô.
Đối tượng nghiên cứu của xã hội học được thể hiện ở hai cấp độ: cấp độ vĩ mô và cấp độ vi mô. Căn cứ vào cấp độ của hệ thống xã hội mà ta chia xã hội học thành hai bộ phận: xã hội học vĩ mô và xã hội học vi mô.
– Xã hội học vĩ mô (Macrosociology) nghiên cứu xã hội học quy mô lớn. Cụ thể là nghiên cứu cơ cấu xã hội, thiết chế xã hội, tương tác xã hội giữa các hệ thống xã hội của xã hội có quy mô lớn (một chế độ xã hội, một quốc gia, một dân tộc, một khu vực trên thế giới…). Tức là nghiên cứu quy luật chung và đặc thù của sự vận hành của hệ thống xã hội.
– Xã hội học vi mô (Microsociology) nghiên cứu xã hội quy mô nhỏ. Cụ thể là nghiên cứu các quy luật phát sinh, vận động và phát triển của nhóm xã hội có quy mô nhỏ; nghiên cứu các quá trình, các hiện tượng xảy ra trong nhóm nhỏ, cũng như hành động xã hội và tương tác xã hội giữa các cá nhân trong các nhóm xã hội, các giai cấp và tầng lớp xã hội.
Đại diện của các nhà xã hội học vi mô là G.Meade. Goffman, G. Homans, Max Weber và G. Simmel cố gắng tìm hiểu đời sống xã hội qua quan điểm của những cá nhân liên quan. C.H. Cooley (1902), G.O.Masd (1939), W.F.Thomes (1931), E.Goffman (1959), H.Garfinkel (1967), Κ. Blumer (1969) đã cho rằng, các nhóm có thể tồn tại chỉ vì các thành viên của nó có ảnh hưởng về mức độ hành vi lẫn nhau.
Adam Smith, David Ricardo, John Stuart Mill và Jeremy Bentham xem con người như sự tìm tòi lợi ích và hợp lý,…
Sự phân chia xã hội học vĩ mô và xã hội học vi mô chỉ có tính chất tương đối. Nếu nghiên cứu thuần tuý vĩ mô rất khó nghiệm chứng các giả thuyết khoa học, vì những thay đổi ở cấp độ xã hội, dân tộc… thường trải dài theo thời gian và không gian, thường diễn ra rất chậm chạp…
Còn việc nghiên cứu xã hội học thuần tuý vi mô lại gặp khó khăn vì các hiện tượng cá nhân diễn ra rất năng động, tinh vi, phức tạp; vì các cá nhân cụ thể hành động rất khác nhau; đặc biệt còn vì hành vi cá nhân dường như bị xếp đặt bởi “sức mạnh vô hình” nào đó.
Ví dụ: các nhà xã hội học kinh tế cho rằng cơ chế thị trường có khả năng chi phối hành vi của khách hàng và các quyết định quản lý, sản xuất của các nhà doanh nghiệp. Hoặc các nhà xã hội học văn hoá cho rằng “sức mạnh” chi phối cơ cấu xã hội, thực chất là hệ thống chuẩn mực, hệ thống giá trị…
Mặt khác, xã hội học vi mô khó có thể giải thích hành vi xã hội của hàng nghìn, hàng triệu con người nếu không sử dụng cách tiếp cận vĩ mô. Cũng có nhiều hành vi diễn ra ở các cá nhân nhưng lại có tầm ảnh hưởng ở cấp vĩ mô (Quyết định của các anh hùng, các vĩ nhân hoặc nhóm lãnh đạo có ảnh hưởng sâu rộng tới toàn xã hội.)…
Ngược lại, ngay cả các quá trình của cơ cấu xã hội và thiết chế xã hội cũng diễn ra cả ở cấp vĩ mô, lẫn ở cấp vi mô. Ví dụ, những thay đổi về chính sách kinh tế xã hội của nhà nước được biểu hiện cụ thể ở hoạt động kinh tế của các nhà doanh nghiệp. Hoặc các tổ chức xã hội cũng có thể được xem xét như là chủ thể xã hội có nhu cầu, mục đích và nguồn lực để hoạt động theo kế hoạch đã định. Trong những năm gần đây, các nhà xã hội học có xu hướng kết hợp cả hai cấp phân tích vĩ mô và vi mô.
4. Chức năng, nhiệm vụ của xã hội học.
4.1. Chức năng của xã hội học.
Có thể khẳng định rằng, xã hội học thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, là một khoa học lý luận và cũng là một khoa học ứng dụng, xã hội học có ba chức năng cơ bản: chức năng nhận thức, chức năng thực tiễn và chức năng tư tưởng.
4.1.1. Chức năng nhận thức:
– Xã hội học góp phần nâng cao nhận thức của con người về quá trình và hiện tượng xã hội. Điều này thể hiện ở chỗ: Xã hội học cung cấp tri thức khoa học về bản chất của hiện thực xã hội và con người; Xã hội học phát hiện các quy luật, tính quy luật và cơ chế nảy sinh, vận động, phát triển của các quá trình, hiện tượng xã hội, của mối tác động qua lại giữa con người và xã hội; Xã hội học xây dựng và phát triển hệ thống các phạm trù, khái niệm, lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu.
– Trong xã hội học có ba loại quan niệm khác nhau về chức năng nhận thức của xã hội học. A. Comte, E. Durkheim… cho rằng xã hội học có chức năng chủ yếu là nhận thức khoa học “thuần tuý”, do vậy xã hội học phải phát hiện tri thức khách quan, khoa học, chính xác…; Quan niệm cho rằng, chức năng nhận thức của xã hội học trước hết thể hiện ở việc giải nghĩa động cơ, thông hiểu ý nghĩa (understanding interpretation) của các hiện tượng, quá trình và hành động xã hội (Max Weber).
Theo quan niệm này, mọi hiện tượng quá trình xã hội, hành động xã hội đều có mục đích, ý nghĩa và giá trị nào đó đối với con người và xã hội. Chức năng nhận thức của xã hội học thể hiện qua việc nắm bắt, phân tích hành động xã hội nhầm hiểu con người trải nghiệm những gì, chấp nhận hệ giá trị xã hội, lựa chọn mục đích và phương tiện hành động ra sao.
– Xã hội học macxit, xuất phát từ chủ nghĩa duy vật lịch sử, cho rằng xã hội học phải vạch ra được cơ cấu thực của các quá trình, hiện tượng của thế giới vật chất, của tồn tại xã hội; tri thức xã hội học phải giúp con người nhận ra phải – trái, đúng – sai, phải góp phần cải thiện đời sống con người. Tức là chức năng nhận thức gắn liền chức năng thực tiễn và chức năng tư tưởng.
4.1.2. Chức năng thực tiễn.
Chức năng thực tiễn là chức năng cơ bản và mang tính thực tiễn của xã hội học. Chức năng này có quan hệ biện chứng với chức năng nhận thức.
Chức năng thực tiễn của xã hội học thể hiện ở việc vận dụng quy luật xã hội học trong hoạt động nhận thức hiện thực, ở việc giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề nảy sinh trong xã hội để có thể cải thiện được thực trạng xã hội. Với tư cách là một khoa học ứng dụng, xã hội học góp phần to lớn vào quá trình phong phú và phức tạp của sự nghiệp quản lý xã hội.
Trên cơ sở nhận thức được quy luật, tính quy luật và các đặc điểm của sự vật hiện tượng… nhà xã hội học có thể cung cấp những thông tin cần thiết (cả về lý luận và thực nghiệm) cho việc lựa chọn đưa ra quyết định quản lý thích hợp, hướng hoạt động theo đúng yêu cần khách quan của sự phát triển.
Xã hội học còn có thể dựa vào hệ thống các phạm trù, khái niệm, quy luật phản ánh sự tác động lẫn nhau giữa các hiện tượng xã hội, phản ánh thực tế xã hội… đưa ra được dự đoán, dự báo về (tương lai) xã hội.
Từ đó, đề ra các mục tiêu, giải pháp, hoạch định đường lối, chính sách và quyết định hành động một cách khoa học. Xã hội học góp phần vào việc nghiên cứu, cải thiện chính công việc quản lý, phương pháp quản lý.
Vì những lẽ đó mà chức năng thực tiễn gắn liền chức năng thông tin, dự báo. Mặt khác, trong quá trình thực hiện chức năng thực tiễn, bản thân các khái niệm, lý thuyết của xã hội học cũng được kiểm chứng, kiểm nghiệm để được thừa nhận, được sửa đổi, phát triển và hoàn thiện dần.
4.1.3. Chức năng tư tưởng.
Xã hội học còn là công cụ mạnh mẽ và có hiệu lực trong cuộc đấu tranh tư tưởng trên thế giới giữa tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.
Chức năng tư tưởng của xã hội học thể hiện ở chỗ, xã hội học trang bị cho con người những tư tưởng về tính toàn diện, tính thống nhất của xã hội, tính tất yếu trong sự phát triển xã hội, từ đó tạo cho con người niềm tin vào tương lai của loài người và lòng tin vào hành động của mình.
Xã hội học Mácxít. trang bị thế giới quan khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Xã hội học Mácxít. góp phần vào việc bồi dưỡng tình thần yêu nước, độc lập dân tộc, giáo dục ý thức về vai trò, trách nhiệm công dân của mỗi người trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Xã hội học còn góp phần hình thành và phát triển phương pháp tư duy khoa học và khả năng suy xét phán đoán… tạo cho con người thói quen suy nghĩ theo quan niệm khoa học về các hiện tượng xã hội và quá trình xã hội.
Hiện nay xã hội học Mácxít. đang có điều kiện phát triển nhanh và sáng tạo, mặt khác xã hội luôn đặt ra cho xã hội học những vấn đề mới cần giải quyết. Thế giới chúng ta đang sống là vũ đài của một cuộc đấu tranh về tư tưởng.
Đó là sự cọ xát giữa các ý nghĩ, giữa các khái niệm khác nhau, giữa những lý thuyết về xã hội và chính trị, giữa những lí tưởng xã hội… Xã hội học phải tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh tư tưởng đó. Chức năng tư tưởng có quan hệ hữu cơ với chức năng nhận thức và chức năng thực tiễn.
Các quy luật, tri thức xã hội học chỉ có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa nhân văn thực sự khi hướng tới phục vụ sự nghiệp và lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển một xã hội văn minh, công bằng, dân chủ. Tính tư tưởng của xã hội học Mácxít. trở nên thuyết phục hơn và hiện thực hơn khi nó được hình thành và phát triển trên các khái niệm, các quy luật khoa học.
4.2. Nhiệm vụ của xã hội học.
Xuất phát từ đối tượng nghiên cứu và chức năng của mình, xã hội học có ba nhiệm vụ cơ bản: nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu ứng dụng.
4.2.1. Nghiên cứu lý luận.
Nhiệm vụ hàng đầu của xã hội học là xây dựng và phát triển hệ thống khái niệm, phạm trù, lý thuyết khoa học riêng của khoa học xã hội. Cụ thể:
– Tìm ra các quy luật chung của sự vận động và phát triển xã hội; quy luật tương tác giữa các thành phần cơ bản của hệ thống xã hội, giữa phân hệ với toàn bộ hệ thống xã hội.
– Nghiên cứu các quy luật đặc thù, xuất hiện trên các thành phần cơ bản của hệ thống xã hội.
– Nghiên cứu các hình thái kinh tế xã hội những yếu tố đặc thù trong sự phân bố khu vực của các quốc gia…
– Đồng thời xã hội học còn phải hướng tới hình thành và phát triển hệ thống lý luận, phương pháp luận nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
4.2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu thực nghiệm.
Xã hội học tiến hành nghiên cứu thực nghiệm nhằm:
– Kiểm nghiệm, chức minh giả thuyết khoa học.
– Phát hiện các bằng chứng, vấn đề mới làm cơ sở cho việc sửa đổi, phát triển và hoàn thiện khái niệm, lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu.
– Kích thích và hình thành tư duy xã hội học.
Những nghiên cứu thực nghiệm xã hội học còn hướng tới vạch ra cơ chế, điều kiện hoạt động, hình thức biểu hiện của các quy luật… làm cơ sở cho việc vận dụng tri thức vào cuộc sống. Do vậy có thể nói, nghiên cứu thực nghiệm là “cầu nối” giữa lý luận với thực tiễn.
4.2.3. Nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng.
Những khái niệm, quy luật… chỉ thực sự có giá trị khi nó được vận dụng vào cuộc sống. Nghiên cứu ứng dụng nhằm vận dụng những phát hiện của nghiên cứu lý luận và nghiên cứu thực nghiệm vào hoạt động thực tiễn, để mau chóng rút ngắn khoảng cách giữa tri thức lý luận, tri thức thực nghiệm với cuộc sống và hoạt động thực tiễn của con người.
Các nhà nghiên cứu xã hội học Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu các vấn đề của đời sống xã hội. Nhiều công trình thuộc các lĩnh vực khác nhau của xã hội học đã hình thành.
Bằng kết quả nghiên cứu và thực nghiệm, xã hội học Việt Nam phải chỉ ra được thực trạng kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá ở nước ta để làm cơ sở cho Đảng, Nhà nước đề ra đường lối, chính sách kinh tế, xã hội phù hợp… đưa nước ta phát triển nhanh, mạnh, vững chắc lên Chủ Nghĩa Xã Hội. Nhờ thực hiện được những nhiệm vụ của mình, xã hội học có tầm quan trọng đặc biệt đối với nhiều lĩnh vực khác nhau.
– Xã hội học giúp chúng ta có được một cái nhìn mới về xã hội và có khả năng xem xét lại vị trí của mình trong các nhóm xã hội.
– Nhờ những kiến thức do xã hội học cung cấp, chúng ta có thể hiểu được một cách cơ bản động lực của xã hội, ảnh hưởng của xã hội tới hành vi cá nhân cũng như hành vi của nhóm.
– Kết quả nghiên cứu của xã hội học có thể giúp chúng ta giảm bớt các định kiến xã hội, mềm dẻo hơn và nhanh chóng thích ứng với điều kiện của hoàn cảnh.
Tóm lại, những kết quả nghiên cứu xã hội học giáo dục có giá trị to lớn đối với nhiều lĩnh vực khác nhau: đối với hoạt động chính trị, giáo dục, đối với các nhà quản lý, kinh doanh…
5. Ví dụ về xã hội học khi phân tích vấn đề “kép”.
Yêu cầu: Hãy tìm hiểu quan điểm của các nhà xã hội học về các vấn đề “kép” cơ bản nảy sinh trong nghiên cứu của xã hội học (ví dụ: vấn đề “Con người – xã hội”, “Hành động xã hội – cơ cấu xã hội”…). Từ đó, rút ra nhận xét về đối tượng nghiên cứu của xã hội học.
Dưới đây, là một bài phân tích đến từ www.VNLibs.com để bạn đọc tham khảo thêm. Hy vọng ví dụ bên dưới, giúp bạn dễ hình dung hơn về quan điểm của các nhà xã hội học về vấn đề “kép” và đối tượng nghiên cứu của xã hội học.
Hành động xã hội và Cấu trúc xã hội qua thực tế sử dụng mạng xã hội hiện nay. Để dễ hình dung hơn về quan điểm của các nhà xã hội học về vấn đề “kép”, chúng ta sẽ phân tích thực tế sử dụng mạng xã hội hiện nay dưới góc nhìn của vấn đề “Hành động xã hội – Cấu trúc xã hội”.
Thực tế Mạng xã hội (Facebook, Instagram, TikTok, Youtube,…) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hàng tỷ người. Mỗi ngày, chúng ta đăng tải nội dung, tương tác với bạn bè, theo dõi thông tin, tham gia các nhóm cộng đồng… trên mạng xã hội.
Việc sử dụng mạng xã hội là một dạng hành động xã hội, bởi nó mang tính chủ đích, có ý nghĩa và hướng đến người khác. Ví dụ: Chia sẻ hình ảnh du lịch để thể hiện bản thân và nhận được sự ngưỡng mộ từ bạn bè; Tham gia bình luận về một vấn đề xã hội để bày tỏ quan điểm và tranh luận với người khác; Theo dõi một người nổi tiếng để cập nhật thông tin và thể hiện sự hâm mộ.
Mạng xã hội không chỉ là nơi diễn ra hành động xã hội của cá nhân, mà bản thân nó cũng là một cấu trúc xã hội với các quy tắc, chuẩn mực và hệ thống phân tầng riêng. Ví dụ: Các thuật toán của mạng xã hội quyết định nội dung nào sẽ được hiển thị cho người dùng, ảnh hưởng đến cách họ tiếp nhận thông tin và hình thành quan điểm; Sự phổ biến của “văn hóa like” và “sống ảo” tạo áp lực cho người dùng phải thể hiện một hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội; Sự phân chia thành các nhóm, cộng đồng trên mạng xã hội có thể dẫn đến sự phân cực và xung đột ý kiến.
Hành động của người dùng góp phần tạo nên và củng cố cấu trúc của mạng xã hội. Ví dụ: Việc người dùng thường xuyên tương tác với những nội dung gi sensational sẽ khiến thuật toán ưu tiên hiển thị những nội dung tương tự, góp phần lan truyền thông tin tiêu cực và văn hóa “câu view”; Cấu trúc của mạng xã hội ảnh hưởng đến hành động và suy nghĩ của người dùng. Ví dụ: Việc tiếp xúc với những hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội có thể khiến người dùng cảm thấy tự ti về bản thân và cố gắng “sống ảo” để được công nhận.
Thực tế sử dụng mạng xã hội cho thấy sự tương tác phức tạp giữa hành động xã hội và cấu trúc xã hội. Hành động của người dùng trên mạng xã hội vừa bị chi phối bởi cấu trúc của nền tảng, vừa góp phần định hình và thay đổi cấu trúc đó. Việc hiểu rõ mối quan hệ này có ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả và có trách nhiệm, đồng thời giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về tác động của công nghệ đối với đời sống xã hội.
Tác giả: Lê Ngọc Lan
Bạn đang xem bài viết:
Khái lược về xã hội học
Link https://vnlibs.com/xa-hoi-hoc/khai-luoc-ve-xa-hoi-hoc-la-gi.html