Nhận thức lý tính trong Tâm Lý Học

Nếu như nhận thức cảm tính chỉ dừng ở mức nhận thức được các đặc điểm bên ngoài của sự vật hiện tượng, cũng như hình ảnh thu được không thực sự chính xác và hướng đến bản chất, thì nhận thức lý tính sẽ là mức độ nhận thức phản ánh những yếu tố thuộc về bản chất.

Mục lục bài viết:

Nhận thức lý tính hướng đến cái chưa biết và cái mới.

1. Nhận thức lý tính

Dựa trên nền tảng của nhận thức cảm tính với những hình ảnh có được khi sự vật hiện tượng tác động trực tiếp vào các giác quan và được phản ánh một cách trực tiếp, nhận thức lý tính sẽ phải nhận thức những cái đã diễn ra trong quá khứ và cả những gì sẽ xảy ra ở một tương lai được dự báo, phản ánh những yếu tố bản chất, những mối liên hệ quan hệ qua lại có tính quy luật bằng những “sức mạnh” đặc thù của mình. Nhận thức lý tính bao gồm hai quá trình có liên hệ quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ cho nhau: tư duy và tưởng tượng.

1.1. Tư duy.

1.1.1. Định nghĩa tư duy.

Đứng trước những bài toán, những tình huống mà chỉ dùng cảm giác và tri giác, con người sẽ không thể hay trả lời được những câu hỏi mang tính bản chất, những cái chưa biết. Vì vậy, con người phải tư duy để giải quyết vấn đề, tìm ra cái mới mà cái mới ấy chính là những đặc điểm bên trong, những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ quan hệ có tính quy luật… Mức độ nhận thức đó gọi là quá trình tư duy vì nó diễn ra theo một diễn tiến có mở đầu, diễn biến và kết thúc.

Đứng trước những thách thức của cuộc sống, con người không thể giải quyết được nhiệm vụ phức tạp nếu chỉ nhận ra những đặc điểm bên ngoài hay phản ánh ở thực tại. Trong những trường hợp đó, bài toán chỉ được giải quyết khi chủ thể nỗ lực nhận thức một cách cao độ, phản ánh sự vật hiện tượng hay nhìn nhận và giải quyết bài toán một cách gián tiếp với những dự báo, dự đoán có cơ sở khoa học dựa trên những nguyên lý và quy luật, đó chính là tư duy.

Nhờ tư duy, con người thực hiện quá trình suy nghĩ, tìm kiếm những đáp số cho các bài toán khoa học và các vấn đề từ thực tiễn một cách có căn cứ. Vậy tư duy là một quá trình nhận thức phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật hiện tượng khách quan mà trước đó ta chưa biết.

1.1.2. Đặc điểm tư duy.

Tư duy thuộc thang bậc nhận thức lý tính – mức độ cao của hoạt động nhận thức của con người nên bao gồm những đặc điểm sau:

1.1.2.1. Tính có vấn đề của tư duy.

Tư duy nảy sinh dựa trên sự tác động của thực tiễn vào não bộ nhưng không phải mọi tình huống hay mọi hoàn cảnh con người đều tư duy. Tư duy chỉ nảy sinh trong những tình huống mà con người chưa biết, đang quan tâm, đang thắc mắc và thực sự có nhu cầu cần giải quyết. Những tình huống thúc đẩy con người tư duy thường được gọi là tình huống có vấn đề.

Tình huống có vấn đề được hiểu là một tình huống con người không thể giải quyết ngay lập tức với vốn hiểu biết cũ, phương pháp hành động cũ và những kinh nghiệm hiện hữu. Để giải quyết được vấn đề hay trả lời được cho câu hỏi, con người cần vượt ra khỏi phạm vi cũ và đi trên cái mới, đạt được mục đích mới. Tuy vậy, điều cốt lõi là chủ thể phải nhận thức được mâu thuẫn hay “câu hỏi đích thực” trong vấn đề hay trong bài toán thì mới có thể giải quyết được tình huống.

Ở đây cũng cần nhấn mạnh là không phải mọi bài toán, mọi câu hỏi khó đều trở thành tình huống có vấn đề. Tình huống có vấn đề mang tính chủ quan đối với mỗi cá nhân nghĩa là cá nhân thực sự nhận thức được tình huống và có nhu cầu giải quyết tình huống ấy. Mặt khác cá nhân phải có những tri thức cần thiết liên quan đến vấn đề hay tình huống ấy, có những kinh nghiệm nhất định và hứng thú để giải quyết vấn đề sau những cố gắng nhất định.

Nói tóm lại, tình huống có vấn đề mang tính chủ thể và cùng một tình huống, nó sẽ là tình huống có vấn đề với người này nhưng lại không là tình huống có vấn đề với người khác. Như thế, để con người nói chung và học sinh nói riêng tư duy, điều cần chú ý là phải tạo ra tình huống có vấn đề và biến nó trở thành sự bức xúc và khát khao giải quyết một cách tích cực và bền bỉ.

1.1.2.2. Tính gián tiếp của tư duy.

Tư duy phản ánh một cách gián tiếp nghĩa là tư duy có thể giải quyết bài toán nhận thức một cách gián tiếp thông qua nhận thức, thông qua ngôn ngữ và thông qua những kinh nghiệm xã hội nhất định. Nhờ vào tính gián tiếp, tư duy phát hiện ra các thuộc tính bản chất của sự vật hiện tượng và quy luật của chúng dựa trên các công cụ, phương tiện và cả những kinh nghiệm nhận thức của cá nhân song song với các kinh nghiệm loài người.

Tính gián tiếp của tư duy còn thể hiện ở điểm tư duy không phản ánh trực tiếp bằng các giác quan do những điểm mà tư duy hướng đến là đặc điểm bên trong, đặc điểm bản chất, mối liên hệ quan hệ có tính quy luật. Mặt khác, tư duy được vận hành trên ngôn ngữ và biểu đạt bằng ngôn ngữ (biểu hiện trong ngôn ngũ, dùng ngôn ngữ để tư duy) nên tính gián tiếp của tư duy được thể hiện rõ.

1.1.2.3. Tính khái quát của tư duy.

Tư duy mang tính khái quát vì tư duy có khả năng đi sâu vào nhiều sự vật hiện tượng nhằm tìm ra những thuộc tính chung, những mối liên hệ quan hệ có tính quy luật giữa chúng. Kết quả của tư duy cũng là kết quả phản ánh của hàng loạt sự vật hiện tượng, kết quả ấy cũng mang tính khái quát ở phương diện “hình ảnh” được thể hiện bằng ngôn ngữ, khái niệm…

Tính khái quát của tư duy còn được thể hiện rõ ở bình diện tư duy thường hướng đến cái chung và tìm ra cái bản chất. Để tìm được cái bản chất, tư duy hướng đến đối tượng là cái chung từ những cái riêng. Lẽ dĩ nhiên, cái khái quát tìm được phải thực sự mang tính khái quát nhằm đáp ứng yêu cầu của tư duy cũng như sự định hướng vận dụng khách quan.

1.1.2.4. Tư duy có quan hệ mật tiếu với nhận thức cảm tính.

Tư duy và nhận thức cảm tính là hai mức độ khác nhau nhưng không tách rời nhau mà có quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau, chi phối lẫn nhau trong hoạt động nhận thức. Trước hết, tư duy dựa vào nhận thức cảm tính, không tách rời nhận thức cảm tính và thường bắt đầu từ nhận thức cảm tính. Hơn thế nữa, tư duy dựa trên nguồn “nhiên liệu” đặc biệt quan trọng của nhận thức cảm tính và kết quả của tư duy luôn chứa đựng những “thành phẩm” của nhận thức cảm tính.

Ngược lại, tư duy và kết quả của tư duy ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối nhận thức cảm tính làm cho nhận thức cảm tính tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, tinh vi hơn và nhạy bén hơn. Nhìn chung, mối quan hệ giữa nhận thức cảm tính và tư duy là mối quan hệ hai chiều.

1.1.2.5. Tư duy có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ.

Trước hết, tư duy vận hành trên cái nền của ngôn ngữ nên tư duy có mối liên hệ đặc biệt với ngôn ngữ. Tư duy và ngôn ngữ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của tư duy. Đây còn được xem là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức khi ngôn ngữ là phương tiện để tư duy và là cái để biểu đạt sản phẩm của tư duy.

Thứ nữa, nhờ vào tư duy, ngôn ngữ của con người mới thực sự là ngôn ngữ mà không phải là chuỗi âm thanh vô nghĩa. Ngôn ngữ được xem là “lời” đằng sau ý của tư duy. Hơn thế nữa, chính nhờ vào tư duy, ngôn ngữ con người sẽ được cải thiện, trau chuốt và ngôn ngữ thể hiện ít nhiều khả năng tư duy của con người. Tóm lại, quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ là quan hệ hai chiều và để phát triển tư duy thì sự tác động tích cực đến ngôn ngữ là điều cần thiết.

1.1.3. Vai trò tư duy.

– Tư duy là thành phần không thể thiếu trong hoạt động nhận thức của con người, nhờ vào tư duy con người khám phá thế giới và phục vụ cho cuộc sống phát triển không ngừng của mình.

– Tư duy làm cho con người mang tính người hơn khi tư duy trở thành đặc trưng chỉ con con người mới có và thể hiện “quyền năng”của nhận thức.

– Tư duy mở rộng giới hạn và phạm vi của nhận thức cảm tính, giúp con người vượt ra khỏi những giới hạn của kinh nghiệm trực tiếp do cảm giác và tri giác đem lại.

– Tư duy góp phần giúp con người tiết kiệm sức lực trong quá trình lao động, trong quá trình tìm kiếm tri thức và làm cho con người luôn hướng đến những đỉnh cao mới của cuộc sống.

– Tư duy giúp con người chinh phục thế giới và làm cho xã hội loài người không ngừng tiến bộ.

1.1.4. Các giai đoạn của tư duy.

Tư duy là một hành động bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Xét trong bình diện tư duy là một quá trình giải quyết vấn đề, có thể đề cập đến những giai đoạn nhất định sau đây:

Xác định vấn đề và biểu đạt thành nhiệm vụ tư duy. Ở giai đoạn này, yêu cầu cơ bản là cần xác định những mâu thuẫn trong tình huống có vấn đề, mân thuẫn giữa cái đã biết và cái phải tìm, tạo ra nhu cầu cần giải quyết, tìm thấy những tri thức đã có kinh nghiệm và xác định nhiệm vụ tư duy. Việc xác định vấn đề rõ ràng hay không rõ ràng có tầm quan trọng đặc biệt để hình dung phương pháp, áp dụng các thao tác tư duy.

Huy động các tri thức. Mấu chốt ở giai đoạn huy động tri thức là làm xuất hiện trong đầu những mối liên tưởng chung quanh vấn đề đang cần giải quyết. Những kinh nghiệm chủ quan của chủ thể được rà soát, những tình huống đã gặp trong hiện thực được tái hiện, những tri thức khoa học hoặc cuộc sống được lục tìm để hình thành một mô hình thông tin liên kết.

Sàng lọc các tư tưởng. Để hình thành một ý tưởng thì việc gạt bỏ những điều kiện không cần thiết, loại bỏ những kinh nghiệm hoặc thành kiến không phù hợp và hình thành giả thuyết là yêu cầu tối quan trọng ở giai đoạn này. Giả thuyết là những kết quả giả định khi các thao tác tư duy được tiến hành. Việc hình thành giả thuyết xảy ra rất nhanh trong chủ thể có khi không kịp xác định thời gian cụ thể nhưng sản phẩm cần đạt được đó là một “ý tưởng” cần kiểm tra.

Kiểm tra giả thuyết. Sau khi vận dụng các thao tác tư duy trong điều kiện có thể, chủ thể sẽ so sánh kết quả tư duy thực với giả thuyết đã xác định. Nếu giả thuyết đúng thì tiến hành giải quyết vấn đề. Nếu giả thuyết sai thì phủ định nó và hình thành giả thuyết mới về cách giải quyết vấn đề.

Giải quyết vấn đề. Giải quyết vấn đề để đi đến kết quả, kiểm tra lại kết quả. Giải quyết vấn đề là sự hình thành một quyết định để “làm” chứ chưa phải là hành động thực tế. Xét trên bình diện tư duy, đây là sự quyết định trên nhận thức để giải quyết bài toán của trí tuệ. Bước chuyển từ việc giải quyết vấn đề của bài toán tư duy sang hành động thực cần có thời gian và môi trường.

Các giai đoạn của tư duy tồn tại như một quá trình. Điều căn bản dễ thấy đây là quá trình động và là quá trình vòng quay liên tục. Thực hiện các giai đoạn của tư duy hiệu quả làm cho bài toán sẽ dễ dàng được giải quyết cũng như vấn đề được khám phá một cách nhanh chóng. Việc rèn luyện khả năng tư duy không thể tách rời với việc hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề mà việc nắm chắc mô hình các giai đoạn của tư duy và biến nó thành kỹ năng thực hiện tương đối thuần thục, chắc tay là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

1.1.5. Các thao tác tư duy.

Các thao tác tư duy được xem là những “hành động trí tuệ” căn bản để thực hiện quá trình tư duy. Ở một góc độ khác, khi từ duy diễn ra, chắc chắn phải thực hiện các thao tác tương ứng này. Vì vậy, các thao tác tư duy còn được xem như các quy luật bên trong của tư duy. Có thể đề cập đến các thao tác tư duy sau:

1.1.5.1. Phân tích và tổng hợp.

Phân tích là tách một toàn thể thành các yếu tố, các thành phần cấu tạo nên nó, phân tích không phải là phân chia mà là xem xét vấn đề theo những lớp giá trị hoặc lớp tính chất chung nào đó. Người ta có thể phân tích một sự kiện dưới góc độ tâm lý, góc độ sinh lý, góc độ kinh tế, góc độ giáo dục… đó là một thao tác tư duy đã được triển khai.

Tổng hợp là thao tác trong đó chủ thể đưa những thuộc tình, thành phần đã được phân tích thành một chỉnh thể, một toàn thể. Tổng hợp cũng không có nghĩa là gộp một cách đơn giản các thành phần mà là kết hợp để hình thành một chỉnh thể với những ý nghĩa cụ thể. Tổng hợp thường được thực hiện sau khi phân tích nên mối quan hệ giữa phân tích và tổng hợp là mối quan hệ bền chặt.

1.1.5.2. So sánh.

So sánh là thao tác trí tuệ dùng trí óc để xác định sự giống nhau và khác nhau giữa các sự vật, hiện tượng. So sánh cũng có nghĩa là đặt sự vật này “bên cạnh” sự vật kia để đối chiếu, để tìm mối liên hệ và phân biệt các sự kiện ấy,… Ngoài ra, ở một độ khoa học, so sánh còn đòi hỏi chủ thể tư duy không chỉ “lẫy” ra được điểm giống, khác nhau giữa hai đối tượng mà còn là sự tương tác hay mối quan hệ giữa chúng ở một chừng mực.

1.1.5.3. Trừu tượng hóa và khái quát hóa.

Trừu tượng hóa là gạt bỏ những thuộc tính, những bộ phận, những quan hệ không cần thiết về một phương diện nào đó và chỉ lại những yếu tố cần thiết để tư duy. Khái quát hóa là thao tác chủ thể tìm ra một thuộc tính chung cho vô số hiện tượng hay sự vật.

Trừu tượng hóa và khái quát hóa có mối liên hệ mật thiết. Con người thường khái quát hóa dựa trên trừu tượng hóa và đương nhiên trừu tượng hóa để hướng đến khái quát hóa. Xem xét trên bình diện tâm lý, con người vừa là một khái niệm trừu tượng vừa là một khái niệm có tính khái quát cao khi chúng ta tri giác, suy nghĩ về con người không phải chỉ lưu ý đến trang phục, hình thể hoặc chỉ vì một ai đó với những đặc thù của chính họ.

1.1.5.4. Cụ thể hóa.

Cụ thể hóa là thao tác chủ thể chuyển từ trừu tượng hóa và khái quát hóa về với hiện tượng cụ thể. Nhờ cụ thể hóa mà tư duy luôn gắn liền với trực quan sinh động, không xa rời thực tế khách quan. Cụ thể hóa hướng đến việc ứng dụng tư duy trong từng tình huống hay hoàn cảnh cụ thể.

Giữa các thao tác tư duy này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Để giải quyết một vấn đề, chủ thể sẽ thực hiện thao tác tư duy tương ứng chứ không nhất thiết thực hiện theo một trình tự nhất định. Mặt khác, tùy theo từng bài toán cụ thể, tùy theo tùng độ tuổi, các thao tác tư duy sẽ được thực hiện có chọn lọc và thực hiện có điều chỉnh để đảm bảo giải bài toán sao cho hiệu quả nhất những tiết kiệm nhất và hứng thú nhất.

1.1.6. Các loại tư duy.

Có thể phân loại tư duy theo nhiều phương diện khác nhau. Xét theo phương diện hình thành và phát triển tư duy thì có thể chia tư duy thành ba loại:

Tư duy trực quan hành động là loại tư duy có cả ở con người và động vật cao cấp. Đó là tư duy bằng các thao tác cụ thể hướng vào việc giải quyết một số tình huống cụ thể.

Tư duy trực quan hình ảnh là loại tư duy phát triển ở mức cao hơn, chỉ có ở người. Đối với loại tư duy này, việc giải quyết vấn đề dựa trên các hình ảnh của sự vật, hiện tượng.

Tư duy trừu tượng là loại tư duy phát triển ở mức cao nhất, chỉ có ở người. Loại tư duy này giải quyết vấn đề dựa trên những khái niệm, những mối quan hệ logic và gắn bó chặt chẽ với ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm phương tiện để tư duy.

Nếu xét theo cách giải quyết vấn đề thì có thể chia tư duy ra thành làm ba loại:

Tư duy thực hành là loại tư duy với nhiệm vụ đề ra một cách trực quan, dưới hình thức cụ thể và được giải quyết bằng những hành động thực hành, vừa thực hành vừa tìm cách thức giải quyết tiếp theo.

Tư duy hình ảnh cụ thể là loại tư duy mà việc giải quyết nhiệm vụ dựa trên hình ảnh trực quan đã có. Loại tư duy hình ảnh cụ thể rất có ý nghĩa trong quá trình thực hiện các kỹ năng thực hành, các hình thức lao động cụ thể.

Tư duy lý luận là loại tư duy đòi hỏi phải sử dụng những khái niệm trừu tượng, những tri thức lý luận để giải quyết những vấn đề không cụ thể, những vấn đề cần có cơ sở lý thuyết.

Trong thực tế con người thường ít khi sử dụng chỉ một loại tư duy nào đó mà thường sử dụng phối hợp nhiều loại tư duy, trong đó có một loại tư duy nhất định nào đó giữ vai trò chủ yếu. Mỗi người làm việc, không thể không suy nghĩ và đòi hỏi cải tiến công việc làm cơ sở cho mọi suy nghĩ của con người.

Tư duy sáng tạo là khả năng giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra một cái mới, bằng cách thức mới nhưng đạt được kết quả một cách hiệu quả. Tư duy sáng tạo gần như là tài nguyên cơ bản của con người. Con người luôn luôn phải tư duy sáng tạo vì mọi thứ luôn vận động, biến đổi kể cả mọi việc cần được giải quyết đơn giản hơn, tốt hơn dù là ta có ở mức nào đi chăng nữa.

Tư duy sáng tạo được hiểu là một kiểu tư duy đặc trưng bởi sự sản sinh ra sản phẩm mới và xác lập các thành phần mới của hoạt động nhận thức nhằm tạo ra nó. Những thành phần này có liên quan đến động cơ, mục đích, đánh giá, các ý tưởng của chủ thể sáng tạo. Tư duy sáng tạo gắn liền với việc đưa ra cái mới, sáng chế mới, ý tưởng mới, phương án giải quyết mới. Tư duy sáng tạo thuộc về năng lực ra quyết định, kết hợp độc đáo, liên tưởng hay phát ra ý tưởng mới có lợi.

Việc phân loại tư duy nêu trên cũng chỉ mang tính chất tương đối. Điều cần chú ý là con người sẽ có ưu thế từng loại tư duy ở mỗi độ tuổi. Yếu tố quan trọng cần chú ý là phát triển rộng các loại tư duy nhưng khai thác tính độc đáo và đặc trưng của loại tư duy ưu thế ở cá nhân mình để đáp ứng yêu cầu của công việc, nghề nghiệp và phát triển đỉnh cao.

1.2. Tưởng tượng.

1.2.1. Định nghĩa tưởng tượng.

Tưởng tượng là một quá trình nhận thức phản ánh hiện tượng ở dạng đặc biệt, dạng những hình ảnh, khái niệm, tư tưởng mới, chủ quan hay khách quan, xây dựng trên cơ sở những hình ảnh của tri giác, trí nhớ cũng như những kiến thức nhận được. Trên bình diện này, có thể đề cập đến một vài định nghĩa sau về tưởng tượng.

Theo tác giả Phạm Minh Hạc (1987): Tưởng tượng là một quá trình tâm lý phản ánh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhân bằng cách xây dựng những hình ảnh mới trên cơ sở những biểu tượng đã có. Theo Robert J. Stemberg (1999), tưởng tượng có thể hiểu là việc tìm ra những cái gì chưa thấy bằng các cảm giác trước đó cũng như những gì không tồn tại bên ngoài trí não của cá nhân bằng cách tạo ra hình ảnh mới.

Nhìn chung, có thể định nghĩa tưởng tượng như sau: Tưởng tượng là quá trình tâm lý phản ánh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhân bằng cánh xây dựng những hình ảnh mới dựa trên cơ sở những biểu tượng đã có.

1.2.2. Đặc điểm tưởng tượng.

1.2.2.1. Tưởng tượng nảy sinh trong hoàn cảnh có vấn đề.

Tưởng tượng và tư duy đều là quá trình nhận thức lý tính. Cũng giống như tư duy, tưởng tượng chỉ nảy sinh khi con người đứng trước một hoàn cảnh có vấn đề, nghĩa là đứng trước những đòi hỏi mới, thực tiễn mới chưa từng gặp và động cơ thúc đẩy quá trình tưởng tượng cũng là nhu cầu khám phá, làm sáng tỏ cái mới.

Vậy đứng trước một hoàn cảnh có vấn đề thì khi nào con người tư duy, khi nào tưởng tượng? Điều này tùy thuộc vào tính bất định (không xác định, không rõ ràng) của hoàn cảnh có vấn đề nhiều hay ít. Nếu những dữ liệu khởi đầu của nhiệm vụ, hay bài toán, một vấn đề khoa học là rõ ràng, sáng tỏ thì quá một giải quyết nhiệm vụ chủ yếu được tuân theo những quy luật của tư duy. Còn khi hoàn cảnh có vấn đề mang tính chất bất định lớn, những dữ liệu khởi đầu khó được phân tích một cách chính xác thì quá trình giải quyết nhiệm vụ diễn ra theo cơ chế tưởng tượng.

Như vậy, khi con người chỉ có những thông tin mơ hồ, chưa rõ ràng, hoặc khi con người chưa đủ tri thức để giải quyết vấn đề theo quy luật của tư duy thì con người giải quyết vấn đề bằng tưởng tượng. Giá trị của tương tượng là cho phép con người đi đến quyết định và tìm ra được giải pháp trong hoàn cảnh có vấn đề ngay cả khi không có đủ những tri thức cần thiết để tư duy, tưởng tượng cho phép ta “nhảy cóc” qua một vài giai đoạn nào đó của tư duy mà vẫn hình dung được kết quả cuối cùng.

Khác với những nhiệm vụ của tư duy, nhiệm vụ của tưởng tượng có đặc điểm là tính rộng mở. Trước mỗi nhiệm vụ có nhiều cách giải quyết. Đơn cử như nhà văn có thể xây dựng nhân vật của mình bằng nhiều cách khác nhau, kiến trúc sư thiết kế một loại nhà nhưng đa dạng về hình thức và phong cách…

1.2.2.2. Ngôn ngữ là điều kiện cần thiết cho tưởng tượng.

Khi tưởng tượng, con người sử dụng các biểu tượng để tạo ra các biểu tượng mới. Những biểu tượng này có thể coi như một dạng tín hiệu thứ hai (có thể coi tưởng tượng là tư duy hình tượng). Sản phẩm của tưởng tượng cũng phải được ta sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt. Vì vậy, ngôn ngữ là điều kiện và là chất liệu đặc biệt quan trọng để tưởng tượng và thể hiện sản phẩm của tưởng tượng.

1.2.2.3. Tưởng tượng phản ánh gián tiếp và khái quát.

Tưởng tượng là quá trình xây dựng nên những hình ảnh, biểu tượng mới trên cơ sở những biểu tượng đã có (biểu tượng của trí nhớ – hình ảnh của sự vật, hiện tượng mà trước đây ta đã tri giác). Do đó sự phản ánh của tưởng tượng mang tính chất gián tiếp và khái quát. Có thể phân tích tính gián tiếp và tính khái quát của tưởng tượng như sau:

Tính gián tiếp của tưởng tượng là do các biểu tượng của tưởng tượng chính là biểu tượng cũ được sắp xếp, “chế biến” lại, nó là “biểu tượng” của “các biểu tượng”.

Tính khái quát của tưởng tượng là do biểu tượng mới là những nét chung của sự vật, nét cơ bản của sự vật mà ta đã tri giác trước đây.

1.2.2.4. Tưởng tượng liên hệ chặt chẽ với nhận thức cảm tính.

Trong quá trình tưởng tượng chúng ta sử dụng những biểu tượng của trí nhớ, do nhận thức cảm tính cung cấp. Nói khác đi, tưởng tượng sử dụng nguồn nguyên liệu đặc biệt do nhận thức cảm tính đem lại. Vì vậy, tưởng tượng có quan hệ mật thiết với nhận thức cảm tính.

1.2.3. Vai trò tưởng tượng.

Tưởng tượng đóng vai trò to lớn với mọi hoạt động của con người. Trong hoạt động lao động, tưởng tượng cho phép con người hình dung được kết quả trung gian và cuối cùng của lao động trước khi bắt đầu hoạt động lao động. Do đó, tưởng tượng giúp chúng ta định hướng trong quá trình hoạt động bằng cách tạo ra mô hình tâm lý về những sản phẩm của lao động, điều này hỗ trợ cho sự thể hiện thành hiện vật của những sản phẩm đó.

Tưởng tượng cần thiết đối với hoạt động dạy học và giáo dục. Khi chuẩn bị bài giảng, người giáo viên phải hình dung trước được tiến trình của bài giảng, phải dự kiến được các phản ứng có thể có của học sinh các câu hỏi và câu trả lời của các em… Khi tiến hành công tác giáo dục, giáo viên cũng phải tạo ra trong não mình hình ảnh của con người “mẫu mực” mà mình muốn giáo dục ở học sinh, với tất cả các phẩm chất tâm lý của con người ấy.

Trong hoạt động học tập, nếu không có sự phát triển đầy đủ của tưởng tượng thì học sinh không thể học tập có kết quả được. Đơn cử như khi đọc hoặc kể lại một tác phẩm văn học, học sinh phải hình dung được ở trong đầu cái mà tác giả nói đến. Học Lịch sử, học sinh phải tưởng tượng được những hình ảnh của một trận đánh qua lời mô tả của giáo viên…

Tưởng tượng còn có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của học sinh. Hình ảnh mẫu người lý tưởng mà học sinh muốn noi theo được tạo ra dưới ảnh hưởng của tưởng tượng sẽ là động cơ quan trọng để học sinh phấn đấu.

1.2.4. Phân loại tưởng tượng.

Có một số cách phân loại tưởng tượng khác nhau. Sự phân loại này thường dựa trên đặc điểm và nguyên nhân phát sinh, tính tích cực hay không tích cực, sự hướng về tương lai của tưởng tượng.

1.2.4.1. Căn cứ vào đặc điểm và nguyên nhân phát sinh.

Tưởng tượng không có ý thức: Đây là loại tưởng tượng xuất hiện do sự phát sinh và phức hợp hóa các biểu tượng không có ý thức nhất định của con người (trẻ nhỏ, nằm mê, ngủ gật, lúc sảng khoái…).

Tưởng tượng có ý thức: Loại tưởng tượng này có được do sự xây dựng có định trước những hình tượng tùy theo nhiệm vụ được đặt ra cho một hình thức hoạt động nhất định (trò chơi sắm vai, quá trình lao động, hoạt động sáng tác…).

Tưởng tượng có ý thức bao gồm các loại sau:

+ Tưởng tượng tái tạo: là loại tưởng tượng xây dựng bức tranh trực quan theo lời mô tả hoặc sơ đồ và kinh nghiệm của con người.

+ Tưởng tượng sáng tạo: là loại tưởng tượng tạo ra những hình tượng mới trong quá trình hoạt động sáng tạo của con người (trong nghệ thuật, khoa học…). Không có tưởng tượng sáng tạo thì sẽ không có phát minh, thiết kế.

1.2.4.2. Căn cứ vào tính tích cực hay không tích cực.

Tưởng tượng tiêu cực là loại tưởng tượng tạo ra những hình ảnh không có thật trong cuộc sống, những chương trình hoạt động không thực hiện và không thể thực hiện được.

Tưởng tượng tích cực là loại tưởng tượng tạo ra những hình ảnh, chương trình có thể thực hiện được.

1.2.4.3. Căn cứ vào hình ảnh tương lai.

Ước mơ là loại tưởng tượng không hướng vào hoạt động hiện tại mà hướng vào tương lai có sức hấp dẫn giúp con người có khát khao hoạt động. Ước mơ là loại tưởng tượng sáng tạo nhưng không trực tiếp hướng vào hoạt động trong hiện tại nên động cơ thúc đẩy hoạt động không thực sự hiệu quả.

Lý tưởng là loại tưởng tượng có tính hiện thực cao và được xem như một mục tiêu cao đẹp, thúc đẩy con người vươn tới. Lý tưởng có tính tích cực và thúc đẩy con người vươn đến bằng một nỗ lực cực kỳ mạnh mẽ.

1.2.5. Các cách sáng tạo trong tưởng tượng.

Hình ảnh mới cửa tưởng tượng được sáng tạo bằng nhiều cách khác nhau. Có thể đề cập đến các cách sáng tạo hình ảnh mới trong tưởng tượng cơ bản sau đây:

1.2.5.1. Thay đổi kích thước, số lượng của sự vật hay các thành phần của sự vật.

Thay đổi là cách thức tạo ra hình ảnh mới bằng thủ thuật biến đổi kích thước, số lượng của bản thân sự vật hay các thành phần chứa trong sự vật – hiện tượng. Các hình ảnh như người khổng lồ, người tí hon, phật bà trăm tay nghìn mắt… là những hình ảnh mới của tưởng tượng được tạo ra bằng cách này.

1.2.5.2. Nhấn mạnh các chi tiết, thành phần, thuộc tính của sự vật.

Nhấn mạnh là cách thức tạo ra hình ảnh mới bằng sự nhấn mạnh một đặc điểm, thành phần nhất định chứa trong sự vật – hiện tượng. Sự nhấn mạnh đặc biệt hoặc đưa lên hàng đầu một phẩm chất nào đó, một mối quan hệ nào đó của một sự vật, hiện tượng này với những sự vật, hiện tượng kia sẽ tạo ra hình ảnh mới độc đáo và lý thú.

Ví dụ: Những hình ảnh hay nhân vật như Chai-en (to khỏe, thích quyền lực); Xê-ko (mách lẻo, mỏ nhọn)… trong truyện tranh Đô-rê- môn của Nhật Bản là sản phẩm của cách thức này.

Ngoài ra, có thể nhận thấy các hình ảnh trong tranh biếm họa đã được sáng tác theo phương pháp nhấn mạnh này. Một biến dạng của phương pháp này là phương pháp cường điệu cũng tạo ra những hình ảnh sáng tạo kỳ thú đến bất ngờ.

1.2.5.3. Chắp ghép (kết dính).

Chắp ghép là cách thức tạo ra hình ảnh mới bằng cách ghép các bộ phận của nhiều sự vật hiện tượng khác nhau thanh một hình ảnh mới. Trong đó, các bộ phận hợp thanh vẫn giữ nguyên, không bị thay đổi, chế biến, chúng chỉ được ghép nối với nhau một cách đơn giản mà thôi.

Ví dụ: Hình ảnh con rồng, nhân sư được ghép nối giản đơn từ từng bộ phận của những con vật “gốc” nguyên thủy.

1.2.5.4. Liên hợp.

Liên hợp là cách thức tạo ra hình ảnh mới bằng sự tổng hợp sáng tạo dựa trên nguyên lý liên hợp. Hình ảnh tạo được mang tính mới được hợp thành bởi những bộ phận của cái cũ. Tuy nhiên, khi tham gia vào “hình ảnh mới” các yếu tố ban đầu bị cải tổ, biến đổi và nằm trong những mối tương quan mới.

Ví dụ: Xe điện bánh hơi, thủy phi cơ vẫn có hình ảnh của các bộ phận ở cái cũ nhưng đã được cải biến để chức năng bộ phận và chức năng tổng hợp của cái mới đã thay đổi.

Liên hợp là một sự tổng hợp sáng tạo, chứ không phải là một sự tổng hợp đơn giản các yếu tố đã biết. Phương pháp này được sử dụng trong văn học nghệ thuật để xây đụng các hình tượng văn học, nghệ thuật; trong khoa học, kỹ thuật đề thiết kế các công cụ, thiết bị kỹ thuật.

1.2.5.5. Điển hình hóa.

Điển hình hóa là cách thức tạo ra hình ảnh mới bằng cách tạo ra hình ảnh mới độc đáo mang tính nổi trội, điển hình một cách đặc biệt. Yếu tố mấu chốt của cách thức sáng tạo này là sự tổng hợp sáng tạo mang tính chất khái quát những thuộc tính và đặc điểm cá biệt, điển hình của nhân cách như là đại diện của một giai cấp hay tầng lớp xã hội dựa trên nền tảng một đặc điểm “gốc”.

Ví dụ: Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, chị Dậu… trong truyện Tắt đèn của Ngô Tất Tố đều được tạo nên bằng cách thức này để trở nên nổi trội và điển hình. Cách thức này được sử dụng nhiều trong hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, trong điêu khắc.

1.2.5.6. Loại suy (tương tự).

Loại suy tư là cách thức tạo ra hình ảnh mới dựa trên những hành động, sự vật hiện tượng có thực, tạo ra những cái mới, những máy móc tương tự về mặt hình ảnh – chức năng.

Ví dụ: Cái búa, người máy là những hình ảnh sáng tạo dựa trên các thao tác có thật của con người trong cuộc sống lao động, sản xuất.

Ngày nay, ngành phỏng sinh học ra đời là một bước phát triển cao của phương pháp loại suy trong quá trình sáng chế, phát minh của các hà khoa học, kỹ thuật. Đó chính là những cái mới có được nhờ vào sản phẩm của loại suy.

2. Chú ý.

2.1. Định nghĩa chú ý.

Trong môi trường xung quanh luôn có vô vàn sự vật tác động vào nhưng chúng ta không thể quan tâm hết tất cả sự vật trong cùng một lúc. Con người phải chọn lựa, biết tập trung và quan tâm vào các đối tượng có liên quan đến những nhiệm vụ, những hoạt động cần phải tiến hành. Hiện tượng này được gọi là chú ý.

Chú ý là sự tập trung của ý thức vào một hay một nhóm sự vật, hiện tượng, để định hướng hoạt động, đảm bảo điều kiện thần kinh – tâm lý cần thiết cho hoạt động tiến hành có hiệu quả.

Chú ý là một trạng thái tâm lý thường xuất hiện song hành với các hoạt động tâm lý mà chủ yếu là các hoạt động nhận thức. Chú ý là nền tảng để hoạt động nhận thức diễn ra một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác hơn. Khi đi với quá trình nhận thức thì chú ý “hỗ trợ” con người nhận biết được một cách dễ dàng hơn các thuộc tính của sự vật, phát hiện ra vấn đề và từ đó có nhu cầu tiến hành hoạt động tư duy để giải quyết chúng.

Chú ý không có đối tượng riêng, đối tượng của nó chính là đối tượng của hoạt động tâm lý mà nó xuất hiện cùng. Chẳng hạn, khi học sinh giải một bài toán thì đối tượng chú ý của học sinh lúc bấy giờ chính là nội dung và các dữ kiện bài toán đưa ra.

Người kém khả năng chú ý, hay quên ta gọi là người đãng trí, nhưng có khi hoạt động tâm lý quá tập trung vào cái này mà quên mất cái khác, ta gọi là “hiện tượng đãng trí bác học”. Biểu hiện bên ngoài của sự chú ý thường thể hiện bằng những hình thức như nhìn “chằm chằm”, “không chớp mắt”, “há hốc miệng” hoặc chuyển động của cơ thể theo sự di chuyển của đối tượng chú ý.

Biểu hiện bên trong khi chú ý tập trung lâu dài là hô hấp trở nên nông hơn, thưa hơn, thời gian hít vào ngắn hơn so với thời gian thở ra. Người giáo viên cần quan tâm để điều khiển và định hướng sự chú ý của học sinh. Cần phân biệt chú ý thật và vờ chú ý, cũng như không chú ý thật và vờ không chú ý. Khi đánh giá chú ý cần căn cứ vào hiệu quả của chú ý, tuy nhiên cũng không hiếm trường hợp chú ý tốt nhưng hiệu quả nhận thức không cao do các nguyên nhân khác nhau của chủ thể.

Tóm lại, chú ý là sự tập trung của ý thức vào một hay một nhóm sự vật, hiện tượng để định hướng hoạt động, đảm bảo điều kiện cần thiết cho hoạt động tiến hành có hiệu quả.

2.2. Phân loại chú ý.

Chú ý được phân chia thành ba loại sau: chú ý không chủ định, chú ý có chủ định, chú ý sau chủ định.

2.2.1. Chú ý không chủ định.

Chú ý không chủ định là loại chú ý không có mục đích tự giác, không cần sự nỗ lực của bản thân, không sử dụng một biện pháp thủ thuật nào mà vẫn chú ý được vào đối tượng. Chú ý không chủ định có thể xuất hiện tùy thuộc vào một số đặc điểm của kích thích:

Độ mới lạ của kích thích: Vật kích thích càng mới, càng dễ ra chú ý không chủ định; ngược lại, vật kích thích càng rập khuôn bao nhiêu thì càng mau mất chú ý không chủ định bấy nhiêu.

Cường độ kích thích: Kích thích càng mạnh thì dễ tạo ra chú ý không chủ định, nhưng kích thích quá mạnh sẽ tạo ra phản ứng ngược, chú ý sẽ bị ức chế. Tuy nhiên, chú ý phụ thuộc vào cường độ kích thích chỉ mang tính chất tương đối. Bởi vì chú ý còn chịu ảnh hưởng của các hiện tượng tâm lý và sinh lý khác, như hứng thú, nhu cầu, xúc cảm.

Độ hấp dẫn của vật kích thích: Đặc điểm này tổng hợp của hai đặc điểm trên thể hiện ở mức độ phù hợp với người bị tác động, gây ra sự tò mò, thích thú, thu hút sự chú ý của người đó.

2.2.2. Chú ý có chủ định.

Chú ý có chủ định là loại chú ý có mục đích tự giác, có biện pháp để hướng chú ý vào đối tượng, đòi hỏi một sự nỗ lực nhất định. Chú ý có chủ định không tùy thuộc vào đối tượng mới lạ hay quen thuộc, có cường độ kích thích mạnh hay yếu, hấp dẫn hay không hấp dẫn, ta tập trung vào đối tượng hay sự vật để tiến hành một hoạt động tương ứng theo một động cơ nhất định, bao gồm các hành động nhằm vào một mục đích nhất định.

Chú ý có chủ định có những đặc điểm cơ bản sau: Có mục đích tự giác, có kế hoạch biện pháp để chú ý; Có liên quan chặt chẽ với hệ thống tín hiệu thứ hai, tình cảm, hứng thú của cá nhân; Tính bền vững cao; Đòi hỏi sự nỗ lực ý chí nhất định của chủ thể để khắc phục những trở ngại bên ngoài hoặc bên trong của chủ thể.

Chú ý có chủ định đóng vai trò rất quan trọng trong các quá trình nhận thức, nó là nền tảng đề quá trình nhận thức, nó giúp cung cấp các dữ kiện một cách hợp lý và chính xác để nhận thức có thể đạt được hiệu quả tối ưu. Mặt hạn chế của chú ý có chủ định là nếu chú ý lâu sẽ tính ra mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, giảm hứng thú hoạt động.

2.2.3. Chú ý sau chủ định.

Chú ý sau chủ định thật chất là chú ý có chủ định nhưng không đòi hỏi sự căng thẳng về ý chí, con người bị cuốn hút vào nội dung và phương thức hoạt động bởi sự hấp dẫn của đối tượng tới mức không cần sự cố gắng, sự căng thẳng thần kinh và sự nỗ lực của ý chí.

Ba loại chú ý trên có liên quan với nhau, có thể mở đầu bằng chú ý không chủ định, rồi tiếp theo là chú ý có chủ định và có thể kết thúc là chú ý sau chủ định. Mỗi loại đều giữ một vai trò nhất định trong hoạt động của con người, trong đó chú ý sau chủ định là loại chú ý cần hình thành trong hoạt động nhận thức của con người.

2.3. Các thuộc tính cơ bản của chú ý.

2.3.1. Sức tập trung của chú ý.

Ở một thời điểm, con người có khả năng tách một số đối tượng cần thiết ra khỏi vô vàn các đối tượng khác để chú ý sâu vào đối tượng đã chọn. Chẳng hạn như học sinh có thể tập trung vào việc viết bài mà không nhận ra tiếng chuyển động của đồng hồ quả lắc vẫn vang đều. Sức tập trung của chú ý là khả năng chú ý đến một phạm vi đối tượng hẹp cần thiết cho hoạt động ở thời điểm đó nhằm phản ánh đối tượng tốt nhất. Sức tập trung của chú ý khiến con người bị “hút” vào đối tượng, nhờ đó tập trung cao độ dẫn đến hiệu quả trong công việc tốt hơn.

2.3.2. Tính bền vững của chú ý.

Tính bền vững của chú ý bộc lộ khả năng duy trì lâu dài chú ý vào một hay một số đối tượng của hoạt động. Ngược với sự bền vững chú ý là sự phân tán chú ý, sự phân tán chú ý diễn ra theo chu kỳ, xen kẽ giữa sự bền vững và phân tán chú ý gọi là sự dao động chú ý. Tính bền vững của chú ý không mâu thuẫn với sức tập trung chú ý và sự di chuyển của chú ý. Đặc điểm cá nhân, điều kiện khách quan của hoạt động chi phối đến sự bền vững của chú ý.

2.3.3. Sự phân phối chú ý.

Sự phân phối chú ý bộc lộ khả năng trong cùng một lúc chú ý đầy đủ đến nhiều đối tượng hay nhiều hoạt động khác nhau một cách có chủ định. Các đối tượng chính được chú ý nhiều hơn những đối tượng khác chứ không phải là phân chia chú ý một cách đồng đều cho mọi đối tượng hoạt động. Sự phân phối chú ý không có mâu thuẫn với sức tập trung chú ý vì trong phân phối chú ý cũng có sự tập trung chú ý vào hoạt động mới.

2.3.4. Sự di chuyển chú ý.

Sự di chuyển chú ý bộc lộ khả năng chuyển chú ý từ đối tượng này sang đối tượng khác kịp thời đáp ứng nhiệm vụ của hoạt động mới. Sự di chuyển chú ý không mâu thuẫn với độ bền vững của chú ý và cũng không phải là phân tán chú ý. Nó được di chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác một cách có ý thức và khi chuyển sang đối tượng chú ý mới thì chú ý được tập trung với cường độ cao.

Những thuộc tính cơ bản trên của chú ý đều có vai trò nhất định đối với hoạt động của con người. Mỗi thuộc tính đều có thể giữ vai trò tích cực hoặc không tích cực. Tuy nhiên, giữa chúng lại có quan hệ bổ sung cho nhau, khắc phục cho nhau nếu biết sử dụng, phối hợp các đặc điểm ấy thì hoạt động sẽ được tiến hành một cách hiệu quả.

Chú ý có liên quan đến tất cả các quá trình tâm lý ở con người mà đặc biệt là quá trình nhận thức. Chú ý góp phần thu thập dữ liệu một cách đầy đủ và chính xác để điều chỉnh và thúc đẩy hoạt động nhận thức của con người. Sự phát triển trí tuệ của con người được thực hiện bằng con đường lĩnh hội các tri thức do loài người tạo ra trong quá trình phát triển xã hội – lịch sử dựa trên nền tảng của sự chú ý.

Chính sự chú ý “đi kèm” với các quá trình nhận thức ấy đã tạo điều kiện sự lĩnh hội diễn ra một cách phù hợp và đạt được hiệu quả tối ưu. Vì vậy, có thể xem chú ý là một thành phần quan trọng trong hoạt động nhận thức của con người.

Tác giả: Huỳnh Văn Sơn


Bạn đang xem bài viết:
Nhận thức lý tính trong Tâm Lý Học
Link https://vnlibs.com/tam-ly-hoc/nhan-thuc-ly-tinh-trong-tam-ly-hoc.html

Mọi người cũng tìm kiếm: Ví dụ về nhận thức lý tính. Nhận thức lý tính. Ví dụ về nhận thức lý tính và cảm tính. Nhận thức lý tính gồm. Nhận thức lý tính là gì. So sánh nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Ý nghĩa phương pháp luận của nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Ví dụ về nhận thức cảm tính.