Sự hình thành và phát triển tâm lý ý thức

Tâm lý, ý thức có quá trình nảy sinh hình thành và phát triển. Tâm lý học xem xét sự hình thành phát triển tâm lý, ý thức cả trên phương diện loài người (phát triển chủng loại) và cả trên phương diện từng người (phát triển cá thể).

Mục lục bài viết:

Tâm lý, ý thức là một dạng phản ánh của vật chất, chúng là kết quả của sự phát triển lâu dài của vật chất. Sự phát triển này trải qua ba giai đoạn lớn: Từ vật chất chưa có sự sống phát triển thành vật chất có sự sống; Từ sinh vật chưa có cảm giác phát triển thành sinh vật có cảm giác; Từ động vật chưa có ý thức phát triển thành con người có tâm lý ý thức.

1. Sự hình thành và phát triển Tâm Lý.

1.1. Sự hình thành và phát triển tâm lý trên phương diện chủng loại.

1.1.1. Sự xuất hiện phản ánh tâm lý trong giới sinh vật.

Sự nảy sinh và phát triển tâm lý gắn liền với sự sống. Sự sống ra đời cách đây khoảng 2,500 triệu năm, từ đó thế giới sinh vật được hình thành. Khác hẳn với thế giới vô sinh, thế giới sinh vật có những hình thức phản ánh hiện thực xung quanh đặc biệt.

Các sinh vật chưa có tế bào thần kinh hoặc có mạng thần kinh phân tán khắp cơ thể đã có tính nhận kích thích. Tính nhận kích thích là khả năng đáp trả lại các kích thích ngoại giới ảnh hưởng trực tiếp tới sự sinh tồn của cơ thể.

Ví dụ: Xoang tràng, amip… đáp lại các kích thích thức ăn, chất độc tác động trực tiếp tới cơ thể.

Trên cơ sở tính chịu kích thích, các sinh vật có hệ thần kinh mấu hạch (giun, nhện, ong…) đã phát triển thành tính cảm ứng. Tính cảm ứng là khà năng đáp trả lại các kích thích có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sự sinh tồn của cơ thể. Đơn cử như con nhện phản ứng với sự rung của mạng nhện – kích thích gián tiếp báo hiệu có mồi.

Tính cảm ứng được coi là mầm mống của phản ánh tâm lý, là hình thức phản ánh tâm lý đầu tiên, thấp nhất (cảm giác). Cùng với sự phát triển vật chất ở các trình độ ngày một cao, các hiện tượng tâm lý phức tạp khác được ra đời và phát triển.

1.1.2. Các thời kỳ phát triển tâm lý.

Sự phát triển tâm lý của loài người được xem xét theo hai phương diện: cấp độ phản ánh tâm lý và cấp độ hành vi. Xét theo cấp độ phản ánh, tâm lý phát triển qua ba thời kỳ từ thấp đến cao.

Thời kỳ cảm giác. Thời kỳ cảm giác là thời kỳ đầu tiên của của phản ánh tâm lý, xuất hiện ở động vật không xương sống. Thời kỳ này, động vật chỉ có khả năng đáp ứng từng kích thích riêng lẻ từ môi trường. Ví dụ: Con kiến phản ứng với mùi thức ăn, con giun phản ứng với kích thích ánh sáng nhờ tế bào cảm quang nằm dưới da…

Thời kỳ tri giác. Ở thời kỳ này, sinh vật có khả năng phản ánh một tổ hợp kích thích (trọn vẹn một sự vật) khi tác động vào cơ thể. Tri giác xuất hiện ở động vật có xương sống. Ví dụ: Cá lao tới con mồi dựa vào tập hợp trọn vẹn các dấu hiệu (hình dáng, tập tính, màu sắc… của con mồi).

Thời kỳ tư duy. Đặc trưng của thời kỳ này là động vật có khả năng phản ánh được mối liên hệ khá phức tạp giữa nhiều sự vật với nhau. Khả năng tư duy bằng tay xuất hiện ở vượn người nhằm giải quyết những tình huống thực tiễn. Cụ thể như, vượn người tìm ra logic của mối liên hệ hợp lý giữa chiều cao trần nhà với các cây gậy và ghế để lấy thức ăn. Tư duy bằng ngôn ngữ là loại tư duy cao nhất chỉ có ở người, là khả năng phản ánh gián tiếp, khái quát và mối quan hệ bản chất có tính quy luật của các sự vật hiện tượng. Tư duy ngôn ngữ giúp con người tách ra khỏi hoạt động trực tiếp để hình dung trước và tổ chức hoạt động đạt chất lượng cao.

Xét theo cấp độ hành vi, các hành động của người và động vật phát triển từ thấp đến cao theo ba mức độ và cũng là ba kiểu hành vi (phương thức hành vi ổn định đặc trưng của sinh vật đối với những điều kiện sống).

Hành vi bản năng. Hành vi bản năng là hành vi mang tính di truyền có cơ chế sinh lý là những chuỗi phản xạ không điều kiện giúp sinh vật thỏa mãn những nhu cầu cơ thể. Ví dụ: Ong xây tổ, tò vò làm tổ dự trữ thức ăn, gà ấp trứng… Bản năng là năng lực tự nhiên, nhờ đó mà các thế hệ sau không cần huấn luyện vẫn có thể làm được để tồn tại và phát triển.

Hành vi kỹ xảo. Hành vi kỹ xảo là kiểu hành vi mới do cá thể tự tạo trong đời sống bằng cách luyện tập hay lặp lại nhiều lần đến độ thuần thục. Hành vi kỹ xảo giúp cho sinh vật có khả năng thích nghi mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn trong môi trường sống luôn thay đổi. Ví dụ: Chim bồ câu đưa thư, khỉ làm xiếc, ong bay theo những đường bay theo sự huấn luyện…

Hành vi trí tuệ. Hành vi trí tuệ là hành vi hình thành trong đời sống, đặc trưng cho động vật bậc cao có não phát triển, nhằm giải quyết những tình huống luôn biến đổi trong những điều kiện mới lạ chưa có trong vốn kinh nghiệm của cá thể. Ở động vật, hành vi trí tuệ hướng vào giải quyết những tình huống cụ thể liên quan đến việc thỏa mãn nhu cầu sinh học (ăn uống, tự vệ…). Hành vi trí tuệ của con người nảy sinh trong hoạt động hướng vào việc giải quyết những tình huống đa dạng, mang tính xã hội để thích ứng, cải tạo hiện thực, làm nên những giá trị vật chất, tinh thần phong phú.

Cả ba hình thức phản ánh và ba hình thức hành vi trên đều có ở người và động vật, nhưng ở người tất cả đều diễn ra với sự khác xa về chất, đó là sự phản ánh có ý thức và hành vi có ý thức.

1.2. Sự hình thành và phát triển tâm lý trên phương diện cá thể người.

1.2.1. Khái niệm sự phát triển tâm lý trên phương diện cá thể.

Sự phát triển tâm lý của mỗi con người từ khi sinh ra cho đến khi kết thúc cuộc sống trải qua nhiều giai đoạn lứa tuổi. Sự phát triển tâm lý cá nhân là tiến trình chuyển đổi liên tục từ cấp độ này sang cấp độ khác ở mỗi cấp độ lứa tuổi, sự phát triển tâm lý đạt tới một chất lượng mới và diễn ra theo những quy luật đặc thù.

Việc xác định chính xác những giai đoạn phát triển tâm lý, chỉ ra quy luật đặc thù của sự phát triển theo từng giai đoạn lứa tuổi cũng như cơ chế chuyển từ giai đoạn lứa tuổi này sang giai đoạn lứa tuổi khác có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn.

L.X.Vygotsky xem lứa tuổi như một thời kỳ, một mức độ phát triển nhất định. Ông căn cứ vào những thời điểm mà sự phát triển tâm lý có những đột biến để xác định thời kỳ phát triển tâm lý. Đặc điểm đưa lý ở mỗi giai đoạn lứa tuổi được quyết định bởi tổ hợp của nhiều yếu tố: đặc điểm của hoàn cảnh sống và đặc điểm cơ thể, đặc điểm của những yêu cầu đề ra cho trẻ ở giai đoạn đó, mối quan hệ của trẻ với thế giới xung quanh, trình độ tâm lý mà trẻ đã đạt được ở các giai đoạn trước.

A.N.Leontiev cho rằng, sự phát triển tâm lý người gắn liền với sự phát triển hoạt động, trong đó có những hoạt động đóng vai trò chính trong sự phát triển (hoạt động chủ đạo). Hoạt động chủ đạo là hoạt động quy định những biến đổi chủ yếu nhất trong các quá trình tâm lý căn bản ở từng giai đoạn lứa tuổi, đồng thời nó quy định tính chất của các hoạt động khác trong cùng độ tuổi.

1.2.2. Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi.

1.2.2.1. Giai đoạn tuổi sơ sinh và hài nhi.

Tuổi sơ sinh 0 – 2 tháng: Tuổi này là tuổi “ăn ngủ”, phối hợp các phản xạ bẩm sinh, động tác bột phát, thực hiện các chức năng sinh lý người.

Tuổi hài nhi 2 – 12 tháng: Hoạt động chủ đạo ở tuổi này là giao tiếp cảm xúc trực tiếp, biểu hiện ở những động tác biểu cảm trong quan hệ với người lớn trước hết là cha mẹ.

1.2.2.2. Giai đoạn trước tuổi học.

Tuổi vườn trẻ 1- 2 tuổi: Hoạt động chủ đạo là hoạt động với đồ vật, bắt chước hành động sử dụng đồ vật, tìm tòi khám phá sự vật và chức năng của đồ vật xung quanh.

Tuổi mẫu giáo: Ở tuổi này, vui chơi là hoạt động chủ đạo (trung tâm là trò chơi sắm vai). Tuổi này ý thức xuất hiện, trẻ lĩnh hội các chuẩn mực hành vi, có những rung cảm đạo đức và thẩm mỹ, tư duy trực quan hình tượng, bắt đầu có tư duy ngôn ngữ và phát triển hành vi có chủ định.

1.2.2.3. Giai đoạn tuổi đi học.

Tuổi nhi đồng (học sinh tiểu học) 6 – 11 tuổi: Hoạt động chủ đạo của tuổi này là hoạt động học tập, lĩnh hội tri thức phương pháp và công cụ nhận thức. Trẻ hiếu động, ham tìm tòi khám phá những sự vật, hiện tượng xung quanh.

Tuổi thiếu niên (học sinh phổ thông cơ sở) 12 – 15 tuổi: Hoạt động chủ đạo của tuổi này là hoạt động giao tiếp nhóm bạn. Đây là tuổi vươn lên làm người lớn, trẻ muốn được đối xử như người lớn, hình thành nhiều phẩm chất tâm lý mới như nhu cầu tình bạn, khả năng tự ý thức, năng lực đánh giá…

Tuổi đầu thanh niên (học sinh phổ thông trung học) 15 – 18 tuổi: Hoạt động học tập hướng nghiệp là hoạt động chủ đạo. Đây là tuổi của sự hình thành thế giới quan, định hướng và chuẩn bị nghề nghiệp, ham hoạt động xã hội, nhu cầu có bạn thân và xuất hiện mối tình đầu. Tuổi của sự làm chủ từng bước các quan hệ xã hội.

Tuổi thanh niên sinh viên 18 – 24, 25 tuổi: Hoạt động chủ đạo là học tập nghề nghiệp. Đặc trưng của tuổi này là sự phát triển toàn diện về thể chất, ý thức và nhân cách.

1.2.2.4. Giai đoạn tuổi trưởng thành 24 và 25 tuổi trở đi.

Hoạt động chủ đạo là lao động. Tuổi của sự phát triển khả năng sáng tạo, nội dung nhân cách mang đặc điểm nghề nghiệp.

1.2.2.5. Giai đoạn tuổi già từ 55 đến 60 trở đi.

Đây là giai đoạn nghỉ ngơi, các phản ứng chậm dần, mong muốn được truyền đạt những kinh nghiệm đã tích lũy được cho thế hệ sau.

2. Sự hình thành và phát triển Ý Thức.

Trong khuôn khổ nội dung trên VNLibs.com chúng ta sẽ chỉ đề cập đến các nội dung chính như sau:

2.1. Định nghĩa ý thức.

Theo nghĩa thông thường, ý thức dùng để chỉ những thái độ hay ứng xử của con người mà họ nhận biết được tính chất hợp lý, đúng đắn dựa trên sự tuân thủ những quy định của pháp luật hay chuẩn mực, yêu cầu của các nhóm xã hội, cộng đồng. Ý thức theo nghĩa này là có hiểu biết, tự giác và hành động phù hợp. Chẳng hạn như, ý thức chấp hành luật giao thông, ý thức được tính chất quan trọng của kỳ thi tuyển sinh đại học… là những biểu hiện của sự hiểu biết và tính tự giác của ý thức.

Dưới góc độ Triết học, ý thức là một trong hai phạm trù cơ bản, đối lập của phạm trù vật chất. Triết học Marx – Lenin coi ý thức là tính thứ hai, có sau vật chất và do vật chất quyết định, ý thức là tồn tại được nhận thức.

Dưới góc độ Tâm lý học, ý thức là hiện tượng tâm lý của con người cụ thể, là mức độ phản ánh tâm lý cao nhất trong các hình thức phản ánh tâm lý. Con người nhờ hệ thống tín hiệu thứ hai đã tách các đối tượng của hiện thực ra khỏi hoạt động trực tiếp để hiểu biết gián tiếp và khái quát, đầy đủ và sâu sắc hơn. Từ đó hình dung trước và lập kế hoạch hợp lý cho hành động để điều khiển hành động có mục đích của con người đạt chất lượng cao.

Ý thức là hình thức phản ánh tâm lý cao nhất chỉ riêng con người mới có, phản ánh bằng ngôn ngữ, là khả năng con người hiểu được những tri thức mà con người đã tiếp thu được. Hiện thực khách quan tác động vào não, làm nảy sinh những hình ảnh tâm lý (phản ánh tâm lý). Hình ảnh tâm lý này lại trở thành đối tượng của sự phản ánh tiếp theo, phản ánh lần hai (phản ánh lại những gì đã phản ánh). Nói khác đi, ý thức là phản ánh của phản ánh.

Phản ánh tâm lý cho con người nhận thức (hiểu biết) về hiện thực xung quanh. Từ những hiểu biết này con người sàng lọc và suy luận từ những hiểu biết đã có để đi đến những hiểu biết cao hơn, rộng hơn, đầy đủ và bao quát hơn… Như vậy, ý thức là hiểu biết của hiểu biết (nhận thức của nhận thức).

2.2. Đặc điểm ý thức.

a. Tính nhận thức. Tính nhận thức là đặc điểm quan trọng, đồng thời cũng là dấu hiệu đầu tiên của ý thức. Tính nhận thức thể hiện ở chỗ khi có ý thức về vấn đề nào thì con người có những hiểu biết nhất định về nó, đơn cử như ý thức rèn luyện nghề nghiệp của sinh viên sư phạm thể hiện ở sự nhận thức về những phẩm chất, năng lực của người giáo viên trong tương lai mà mình cần phấn đấu để có được. Mặt khác, ở tầng bậc có ý thức bao giờ con người cũng nhận biết về những hiện tượng tâm lý đang xảy ra trong chính bản thân mình. Nói cách khác, có ý thức đồng nghĩa với có hiểu biết.

b. Sự biểu thị thái độ. Cùng với nhận thức, trong ý thức còn thể hiện ở thái độ với thế giới xung quanh. Thái độ thể hiện ở những rung cảm với cái mà con người nhận thức (yêu hay ghét, sợ hay thích, đồng tình hay phản đối, chấp nhận hay chê bai…). Ví dụ: Người có ý thức chấp hành luật giao thông sẽ có thái độ khó chịu, phê phán những người cố tình vi phạm luật giao thông. Sự biểu thị thái độ cũng là dấu hiệu đề đánh giá con người có ý thức hay không và ý thức như thế nào trong cuộc sống.

c.Tính chủ định dự kiến hành vi. Tính chủ tâm và dự kiến trước cho hành vi là đặc trưng của ý thức. Con người có ý thức luôn chủ định xác định mục đích cho hành động của mình, đồng thời chủ động lập dự án kế hoạch cho hành động, tổ chức hành động ở trong não trước khi tiến hành trong thực tế. Ý thức giúp con người “đi trước”, “thấy trước” hành động để điều khiển hành động hợp lý.

Như vậy, ý thức là chức năng cao nhất của tâm lý. Ý thức tiếp nhận những thông tin trong môi trường và thông tin về bản thân, chọn lọc và biểu thị những những rung cảm tương ứng, từ đó vạch ra kế cách hành động thích hợp và hiệu quả. Với những đặc điểm này, ý thức được coi là khả năng nhận thức và điều khiển hành vi cao nhất của con người với thế giới.

2.3. Cấu trúc ý thức.

Ý thức là một cấu trúc bao gồm nhiều thành phần trong mối quan hệ thống nhất với nhau. Sự kết hợp những thành phần này làm nên nội dung của ý thức con người. Những thành phần đó là: mặt nhận thức, mặt thái độ và mặt năng động của ý thức.

2.3.1. Mặt nhận thức.

Ý thức bao gồm quá trình nhận thức của con người về thế giới, quá trình này có thể ở mức độ nông, sâu khác nhau. Mặt nhận thức là cơ sở cho thái độ và hành động của con người, mặt hành động vừa thể hiện vừa tạo điều kiện phát triển hai mặt kia.

Các quá trình nhận thức cảm tính cho con người những hiểu biết đầu tiên về thế giới, đó là những hình ảnh trực quan, sinh động và phong phú. Những cảm nhận về thế giới vừa là mối liên hệ ban đầu, vừa là khởi nguồn của hiểu biết.

Các quá trình nhận thức lý tính đem đến những hiểu biết sâu sắc, bản chất của thế giới. Nhờ sự phân tích, tổng hợp và khái quát con người không chỉ hiểu biết về thế giới nhiều chiều trong những mối liên hệ và quan hệ phức tạp mà còn tìm ra quy luật tồntại, phát triển của chúng. Nhận thức lý tính là thành phần cơ bản của ý thức.

2.3.2. Mặt thái độ.

Ý thức bao gồm một hệ thống thái độ của con người thể hiện trong các hoạt động đa dạng. K.Marx: “Thái độ của tôi đối với môi trường là ý thức của tôi”.

2.3.3. Mặt năng động (mặt hành động).

Ý thức tạo cho con người khả năng bắt những hành động của mình phù hợp với những biểu tượng, ý nghĩ nảy sinh trong bản thân. Ý thức thể hiện ra bên ngoài bằng những hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ…trong thực tiễn.Ở mặt này, con người vận dụng những hiểu biết và thái độ rung cảm của mình để tác động tới thế giới, tới người khác và tới bản thân. Kết quả là tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phong phú, làm thay đổi người khác và thay đổi chính bản thân. Với nghĩa này, ý thức là năng lực hành động thực tiễn.

Để giáo dục ý thức cho con người, cần phải giáo dục tổng hợp ba mặt nhận thức, thái độ và hành vi. Thiếu nhận thức dẫn tới thái độ sai và hành động mù quáng, thiếu những rung cảm sẽ dẫn đến sự máy móc và mất đi động lực hành động, thiếu hành động thì nhận thức và thái độ sẽ trở nên vô nghĩa.

2.4. Các cấp độ ý thức.

2.4.1. Ý thức.

Ý thức vừa là khái niệm chung bao quát, vừa là một cấp độ đầu tiên như một trình độ phản ánh tâm lý cao mà đặc trưng là: con người nhận thức được về thế giới khách quan, tỏ thái độ và có sự chủ tâm trong hành động, thể hiện ra bên ngoài qua những hành vi, thái độ được kiểm soát. Ở cấp độ này, ý thức hướng vào đối tượng là thế giới xung quanh, là người khác để nhận thức, tỏ thái độ và hành động phù hợp.

2.4.2. Tự ý thức.

Là mức độ phát triển cao của ý thức, nhưng khác với ý thức ở đối tượng mà nó hướng vào. Đối tượng của tự ý thức không phải là thế giới khách quan mà là chính bản thân chủ thể ấy. Đây là mức độ cao bởi vì dựa trên sự hình thành ý thức, đến một mức độ và khả năng làm chủ nhất định, con người mới có thể tách mình ra với tư cách vừa là chủ thể, vừa là khách thể của sự nhận thức, đánh giá, tỏ thái độ và hành động với chính mình.

Tự ý thức là ý thức về bản thân, bao gồm năng lực nhận thức và xác định thái độ đối với bản thân, năng lực tự điều khiên, điều chỉnh hành vi, thái độ cũng như toàn bộ sự phát triển nhân cách. Tự ý thức biểu hiện ở những mặt sau:

– Cá nhân tự nhận thức, tự đánh giá về bản thân từ hình ảnh bên ngoài đến thế giới nội tâm, những diễn biến tâm lý, những đặc điểm nhân cách, những mối quan hệ và vị thế xã hội, những giá trị của bản thân. Việc mỗi người tự trả lời những câu hỏi như: “tôi là ai?”, “tôi có vai trò gì?”, “tôi là người như thế nào?”, “tôi có thể làm được việc gì?”,”tôi phải trở thành người như thế nào?”,… là những biểu hiện của sự tự nhận thức bản thân.

– Cá nhân bày tỏ thái độ đối với bản thân bằng những rung cảm khác nhau như yêu, ghét, tự hào, xấu hổ, khinh bỉ, giận dữ, hoài nghi, trách cứ, tin tưởng, mãn nguyện… về chính mình. – Cá nhân tự định hướng, điều khiển, điều chỉnh hành vi của bản thân theo mục đích tự giác.

– Cá nhân tự rèn luyện, tự giáo dục và hoàn thiện bản thân.

2.4.3. Ý thức nhóm và ý thức tập thể.

Trong hoạt động và giao tiếp, mỗi cá nhân là thành viên của những nhóm xã hội nhất định, sự liên kết các thành viên trong nhóm cũng như những chuẩn mực và quyền lợi chung của nhóm đã được phản ánh trong ý thức mỗi cá nhân. Vì thế, cá nhân không chỉ nhận thức tỏ thái độ với mọi người, với bản thân mà cao hơn nữa là với các nhóm xã hội mà họ là thành viên.

Ở họ đã hình thành ý thức nhóm, ý thức tập thể, ý thức cộng đồng như: ý thức về gia đình, dòng họ, ý thức dân tộc, ý thức quê hương bản quán, ý thức về nghề nghiệp… Ở cấp độ này, con người hành động không chỉ theo quan điểm niềm tin, nhu cầu, hứng thú riêng mà còn hành động với ý thức đại diện cho lợi ích, danh dự của một nhóm người.

Khi hành động với ý thức nhóm, con người có một sự tôn thờ, một lòng tin mạnh mẽ, một niềm tự hào và sức mạnh tinh thần để phấn đấu vượt lên trên khả năng và lợi ích của cá nhân mình. Đơn cử như một vận động viên thi đấu với sự nỗ lực vượt lên chính mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, vì niềm tin và sự khát khao chiến thắng của đông đảo người hâm mộ.

2.4.4. Vô thức.

2.4.4.1. Định nghĩa vô thức.

Ý thức không phải là hiện tượng tâm lý duy nhất ở con người. Hành động của con người còn chịu sự phối điều khiển bởi những hiện tượng tâm lý mà con người chưa nhận thức được hay còn gọi là vô thức. Có thể nhận thấy sự hiện diện và tác động của hiện tượng vô thức trong đời sống, chẳng hạn như những hành vi, lời nói bộc phát không chủ định trong lúc thức tỉnh hay trong mơ, những hành động diễn ra mà họ không hay biết, không cố ý.

Vô thức là những hiện tượng tâm lý tham gia vào việc điều khiển hành vi của con người ở tầng bậc chưa ý thức, nơi mà chức năng của ý thức không được thực hiện.

2.4.4.2. Đặc điểm của vô thức.

Khi ở trạng thái vô thức, con người không nhận thức được những hiện tượng tâm lý, ý nghĩ hành vi, cảm xúc đang xảy ra trong bản thân mình. Vô thức vượt ra khỏi tầm hiểu biết của chủ thể khiến họ không thấy sự hiện hữu chi phối của nó dù nó vẫn đang diễn ra. Điển hình như người say rượu không biết về hành vi và ngôn ngữ thiếu văn hóa của mình.

– Con người không tỏ thái độ phù hợp hay nói cách khác, họ không kiểm soát, đánh giá thái độ và hành vi, ngôn ngữ của mình.

– Con người không dự kiến trước hành động của bản thân, hành vi không chủ định, diễn ra tự nhiên, đột ngột.

2.4.4.3. Một số biểu hiện của vô thức.

– Những hiện tượng tâm lý thuộc về bản năng mang tính bẩm sinh, di truyền (ăn uống, tự vệ, sinh dục), nó có thể tiềm tàng chi phối một số hành vi của con người mà họ không nhận thức được và cũng không có kiểm soát được.

– Những hiện tượng tâm lý dưới ngưỡng ý thức (tiền thức). Ví dụ: Có khi con người thích hay sợ hãi một cái gì đó nhưng không hiểu rõ vì sao, điều thích hay sợ hãi ấy lúc thì dường như có, lúc thì lại không rõ rệt, mơ hồ.

– Những hiện tượng tâm lý xảy ra trong trạng thái ngủ tự nhiên hay nhân tạo. Ví dụ: Nói cười trong mơ ngủ, mộng du, thôi miên.

– Những hiện tượng tâm lý vốn là có ý thức, nhưng do được lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức trở thành tự động hóa, không cần sự kiểm soát thường xuyên của ý thức mà vẫn được diễn ra. Điển hình của loại hiện tượng này là những thói quen và kỹ xảo.

– Những hiện tượng trực giác và linh cảm. Trực giác thể hiện ở việc bất ngờ có giải pháp, ý tưởng vụt sáng mà dường như không hề có sự chuẩn bị hay suy tính của con người. Trực giác và linh cảm có vai trò quan trọng và thường đồng hành trong hoạt động sáng tạo của con người. Các nhà Tâm lý học giải thích rằng đây là sự phản ánh thế giới có tính chất cục bộ của con người, hoặc đó là sản phẩm của sự phản ánh tâm lý đã tích lũy âm thầm từ lâu, nay đột nhiên biểu hiện ra chứ không phải là điều kỳ bí.

– Hiện tượng tâm thế: Khuynh hướng sẵn sàng chờ đón, tiếp nhận một điều gì đó từ hiện thực. Tâm thế như một thái độ tiềm tàng (thường ở nơi “giáp ranh” giữa vô thức và ý thức), ảnh hưởng tới tính linh hoạt và tính ổn định của hoạt động, khiến cho hoạt động diễn ra một cách mau lẹ, tự nhiên. Ví dụ: Tâm thế sẵn sàng đi học của học sinh tiểu học, tâm thế nghỉ ngơi của tuổi già. Tâm thế chính là sự chuẩn bị tâm lý trong việc đón nhận kích thích diễn ra ở tầng bậc dưới ý thức.

2.5. Sự hình thành ý thức con người về phương diện loài người.

Lao động là yếu tố đầu tiên, vừa là yếu tố quan trọng nhất nhờ đó mà phát triển và hoàn thiện bộ não, nảy sinh ý thức con người. Sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ, đó là điều kiện trực tiếp của sự phát triển ý thức.

2.5.1. Vai trò của lao động đối với sự hình thành ý thức.

“Trong lao động, con người thay đổi thiên nhiên, thay đổi cấu tạo cơ thể thay đổi chức năng của các cơ quan, thay đổi cách hoạt động và đồng thời thay đổi cả bản tính của mình” (K. Marx, Tư bản, NXB Sự thật Hà Nội, 1963, tr.247).

Sống trong môi trường tự nhiên, con vật chỉ biết lấy sẵn những thứ có trong tự nhiên và thích nghi với môi trường tự nhiên. Khác hẳn con vật, con người không chỉ thích nghi với môi trường mà chủ yếu tác động (lao động) làm biến đổi thiên nhiên để tạo ra những sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của mình. Lao động là quá trình đòi hỏi phải hình dung trước kết quả, kế hoạch, chương trình, phương pháp để tạo ra sản phẩm trên cơ sở huy động toàn bộ vốn hiểu biết, năng lực trí tuệ của bản thân vào công việc.

Trong lao động, con người phải chế tạo và sử dụng công cụ lao động, tiến hành các thao tác và hành động lao động tác động vào đối tượng để tạo ra sản phẩm. Qua đó, nhận thức con dưới dần dần được mở rộng, tri thức, vốn kinh nghiệm tăng lên. Kết thúc quá trình lao động, con người phân tích đánh giá về sản phẩm lao công để điều chỉnh và tìm tòi phương thức lao động mới.

Như vậy lao động là nguồn gốc khách quan đòi hỏi phải có ý thức, ý thức được hình thành, phát triển và biểu hiện trong quá trình lao động.

2.5.2. Vai trò của ngôn ngữ đối với sự hình thành ý thức.

Lao động của con người mang tính xã hội, tính tập thể, những thành viên tham gia phải thống nhất hành động và hướng hành động vào việc giải quyết nhiệm vụ chung, đồng thời con người cũng cần trao đổi những ý nghĩ và tình cảm với nhau, vì thế hệ thống tín hiệu chung (ngôn ngữ) đã ra đời.

Ngôn ngữ là công cụ để xây dựng, hình dung ra mô hình tâm lý về sản phẩm và cách làm ra sản phẩm. Ngôn ngữ giúp con người có ý thức trong việc sử dụng công cụ lao động, học các thao tác lao động để làm ra sản phẩm, phân tích đánh giá sản phẩm mà mình làm ra. Nhờ ngôn ngữ mà con người phối hợp hành động và giao tiếp có hiệu quả, qua đó hình thành ý thức về bản thân mình, cũng như ý thức về người khác – “biết mình”, “biết người”.

2.6. Sự hình thành ý thức của cá nhân.

a. Ý thức cá nhân được hình thành trong hoạt động và thể hiện trong sản phẩm hoạt động của cá nhân.

Hoạt động đòi hỏi cá nhân phải nhận thức rõ nhiệm vụ, phương thức và kết quả hành động. Trong hoạt động cá nhân huy động vốn hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực, hứng thú, nguyện vọng của bản thân để làm ra sản phẩm. Sản phẩm hoạt động luôn chứa đựng tâm lý, ý thức của người làm ra nó. Đồng thời, thông qua giá trị sản phẩm làm ra, cá nhân “nhìn ra” được chính mình, nhận thức được vai trò xã hội của mình, từ đó có khả năng tự đánh giá, tự khiển, điều chỉnh hành vi. Như vậy, trong hoạt động và bằng hoạt động đa dạng, cá nhân hình thành ý thức về thế giới xung quanh và về bản thân mình.

b. Ý thức cá nhân được hình thành trong giao tiếp với người khác, với xã hội.

Trong giao tiếp, cá nhân truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Trên cơ sở nhận thức người khác, so sánh đối chiếu mình với người khác, với chuẩn mực và yêu cầu của xã hội, mỗi người “soi mình” vào những người xung quanh, từ đó hình thành khả năng tự nhận thức và đánh giá.

c. Ý thức cá nhân được hình thành bằng con đường tiếp thu nền văn hóa xã hội, ý thức xã hội.

Mỗi cá nhân sống và hoạt động trong “cái nôi” xã hội. Nền văn hóa xã hội, ý thức xã hội là sản phẩm là thành tựu vật chất tinh thần và tri thức của loài người đã được tích lũy qua nhiều thế hệ. Nó là nền tảng của ý thức cá nhân. Thông qua các hình thức hoạt động và giao tiếp bằng con đường dạy học và giáo dục, cá nhân đã tiếp thu, kế thừa, lĩnh hội nội dung của nền văn hóa xã hội, các giá trị chuẩn mực xã hội của dân tộc và nhân loại để hình thành ý thức của chính mình.

d. Ý thức cá nhân được hình thành bằng con đường tự nhận thức, tự đánh giá, tự phân tích hành vi của bản thân.

Sự hình thành ý thức cá nhân được thực hiện trong chính quá trình cá nhân tách mình ra thành đối tượng để xem xét và suy ngẫm, tỏ thái độ và có hành động với chính mình. Qua đó, hình thành biểu tượng về chính bản thân với tất cả những ưu nhược điểm, những điều cần phấn đấu và điều chỉnh cho phù hợp theo đòi hỏi của cuộc sống, của xã hội. Đây là con đường vô cùng quan trọng để mỗi cá nhân là chủ thể của sự tự giáo dục và hoàn thiện bản thân.

Tác giả: Lê Thị Hân


Bạn đang xem bài viết:
Sự hình thành và phát triển tâm lý ý thức
Link https://vnlibs.com/tam-ly-hoc/su-hinh-thanh-va-phat-trien-tam-ly-y-thuc.html

Mọi người cũng tìm kiếm: Bản chất của ý thức. Nguồn gốc của ý thức. Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Ý thức là gì. Nguồn gốc tự nhiên của ý thức. Nguồn gốc xã hội của ý thức. Ví dụ về ý thức trong triết học. Kết cấu của ý thức.