Giáo dục không chỉ là quá trình truyền đạt kiến thức mà còn là một hiện tượng xã hội phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống.
Xã hội học giáo dục, một lĩnh vực chuyên biệt của xã hội học, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò và tác động của giáo dục trong xã hội. Từ việc nghiên cứu các chính sách giáo dục đến quá trình hình thành nhân cách, xã hội học giáo dục mở ra những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc, giúp chúng ta nhìn nhận giáo dục không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một phần không thể thiếu của sự phát triển xã hội.
1. Khái niệm xã hội học giáo dục là gì?
Chúng ta đã biết xã hội học chuyên biệt nghiên cứu từng hiện tượng xã hội một cách cụ thể, chi tiết. Nó chỉ ra đặc trưng của một lĩnh vực nhất định trong đời sống xã hội, một loại quan hệ xã hội đặc biệt.
Giáo dục là một hiện tượng xã hội, nó được phát triển rất sớm cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Vì vậy, cùng với sự phát triển của xã hội học, các nhà xã hội học cũng đã nghiên cứu các vấn đề giáo dục bằng hệ thống tri thức và phương pháp của xã hội học. Có thể nói, xã hội học giáo dục là một trong các chuyên ngành của cơ cấu khoa học xã hội học.
“Xã hội học giáo dục là một chuyên ngành có cả phạm vi vĩ mô và vĩ mô”.
– Ở phạm vi vĩ mô, xã hội học giáo dục nghiên cứu giáo dục với tư cách là một thiết chế xã hội (có chức năng nhất định trong xã hội và có mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế khác); nghiên cứu các cơ sở giáo dục với tư cách là tổ chức xã hội; nghiên cứu các chính sách xã hội trong lĩnh vực giáo dục. Ở phạm vi vĩ mô, xã hội học còn chú ý đến chức năng của giáo dục (chức năng kinh tế, chức năng xã hội và chức năng tư tưởng văn hoá).
– Ở phạm vi vi mô, xã hội học giáo dục tập trung nghiên cứu quá trình hình thành nhân cách theo định hướng xã hội, dưới tác động của các thiết chế xã hội (các cơ sở giáo dục, gia đình, các tổ chức xã hội, cơ quan văn hoá, phương tiện thông tin đại chúng,…), nhằm chuẩn bị cho con người thực hiện các vai trò xã hội, bước vào cuộc sống lao động và độc lập trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Giáo dục là hạt nhân cơ bản của xã hội hoá cá nhân nói chung, của các vấn đề xã hội liên quan đến sự phát triển nhân cách con người.
2. Phân biệt xã hội học giáo dục và giáo dục học.
– Giáo dục là một hiện tượng xã hội. Mọi hiện tượng xã hội, mọi người trong xã hội, các mối quan hệ giữa con người với con người… đều nhiều hay ít có tác động giáo dục con người cá thể trong xã hội.
Những xã hội phát triển đến một mức độ nhất định thì chính xã hội có nhu cầu tổ chức việc giáo dục những lớp người đang trưởng thành thành một hoạt động tự giác, có mục đích, có hệ thống… của thế hệ trước đến thế hệ trẻ nhằm hình thành và phát triển ở họ những phẩm chất, năng lực… đáp ứng yêu cầu xã hội.
Xã hội học lấy quá trình giáo dục làm đối tượng nghiên cứu. Nhưng xã hội học giáo dục không nằm trong hệ thống các khoa học giáo dục. Giáo dục học là khoa học về việc giáo dục, đào tạo và huấn luyện các thế hệ đang trưởng thành và những người trưởng thành.
Xã hội học giáo dục nghiên cứu các vấn đề giáo dục bằng hệ thống tri thức và phương pháp của xã hội học – Nó là lý luận xã hội học về giáo dục. Xã hội học giáo dục là một lĩnh vực của xã hội học, là một ngành khoa học cùng hợp tác với giáo dục học.
Xã hội học giáo dục và giáo dục học gắn bó với nhau thông qua đối tượng nghiên cứu chung – quá trình giáo dục trong phạm vi hoàn chỉnh của nó. Nhưng hai ngành khoa học trên lại khác nhau ở nhiệm vụ, ở những nguyên tắc phương pháp luận và các hệ thống tri thức phù hợp với những nhiệm vụ của từng khoa học.
Như giáo sư Stanislaw Kowalski đã nhấn mạnh: “Lý luận xã hội học về giáo dục, hay những quan niệm xã hội học về các quá trình giáo dục, chỉ được hình thành trên cơ sở nghiên cứu các quá trình giáo dục, trong những điều kiện rất cụ thể của các chế độ xã hội – kinh tế khác nhau trên thế giới”. (Thanh Lê – Tuệ Nhân. “Xã hội học chuyên biệt”. NXB KHXH, Hà Nội, 2000, tr. 135.).
Cụ thể: Hệ thống xã hội học giáo dục tư bản được xây dựng trong những điều kiện của xã hội học tư bản. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, các nhà xã hội học phải luôn bám sát, nắm được quá trình biến đổi cách mạng triệt để và không ngừng diễn ra trong xã hội, để từ đó có thể phát hiện ra được những quy luật khách quan chi phối các quá trình giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa, đất nước mình.
Trong quá trình phát triển của xã hội học giáo dục, tư tưởng Mác Lênin có một vai trò quan trọng. C. Mac và F. Ăngghen đã chỉ ra: “Nguồn gốc xã hội của nền văn hoá của con người: Chính con người đã sáng tạo ra nền văn hoá trong quá trình lao động tập thể”.
– Văn hoá là sản phẩm của hoạt động của con người đáp ứng những điều kiện nhất định. Có thể xem văn hoá là toàn bộ những sản phẩm do con người tạo ra trong quá trình lao động, trong quá trình tìm kiếm các phương tiện thoả mãn nhu cầu của bản thân và cộng đồng.
Đó là sự sáng tạo chung của xã hội, gắn liền với những điều kiện, mà trong đó con người tạo ra những sản phẩm thoả mãn nhu cầu. Khi kinh tế xã hội phát triển, nhu cầu của con người dần dần được phân hoá, lao động của con người cũng được phức tạp hơn nhằm thoả mãn nhu cầu trí tuệ, triết học, đạo đức… ngày một phong phú…
Những sản phẩm của hoạt động của con người, những giá trị và phương thức hành vi được thừa nhận, được đối tượng hoá (được cố định về vật chất), được chấp nhận và truyền lại cho thế hệ tiếp theo hoặc cộng đồng khác. Chính nhờ con đường đó mà văn hoá phát sinh và phát triển.
Nhờ lao động tập thể mà văn hoá tồn tại trong xã hội, trong các cộng đồng người. Văn hoá cộng đồng là toàn bộ những sáng tạo, những giá trị và những phương thức hành vi được cộng đồng thừa nhận. Đó là toàn bộ những sản phẩm và khuôn mẫu sống đương đại, đang được các thành viên cộng đồng thừa nhận cũng như đang tác động đến các thành viên cộng đồng.
Một bộ phận nào đó của hệ thống đó được thử thách qua thời gian, được thừa nhận qua thời gian và tương đối bền vững sẽ được truyền cho thế hệ sau. Bộ phận đó là di sản văn hoá. Thông qua những di sản văn hoá đó mà các cá nhân và cộng đồng tiếp cận được với kinh nghiệm của thế hệ trước.
Chủ nghĩa Mác – Lênin cũng chỉ ra: “Bản thân con người là sản phẩm của nền văn hoá đó. Ngay từ khi ra đời, mỗi đứa trẻ đều sống và được nuôi dưỡng trong nền văn hoá dân tộc, được tiếp xúc với các di sản văn hoá dân tộc, được hướng dẫn và yêu cầu thực hiện những hành vi, thái độ phù hợp với nền văn hoá dân tộc. Từ chỗ thực hiện những yêu cầu đó một cách tự phát, dần dần con người có ý thức và chủ động thực hiện các yêu cầu đó và còn yêu cầu những người khác phải tuân theo,…”.
– Lý luận của chủ nghĩa Mác về các hình thái xã hội đã chú ý phân tích những nhân tố giai cấp quyết định sự phát triển các hệ thống giáo dục cũng như quá trình xã hội hoá đứa trẻ.
Trong những xã hội có chế độ kinh tế – xã hội khác nhau, quá trình giáo dục diễn ra khác nhau và do đó các hệ thống giáo dục cũng khác nhau. Ngay trong khuôn khổ của một chế độ nhất định, thì trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, trong các cộng đồng xã hội mang tính địa phương khác nhau, nông thôn và thành thị… quá trình giáo dục cũng diễn ra khác nhau.
– Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin cũng đã đi tiên phong trong việc đưa ra luận điểm cho rằng, con người chủ yếu được giáo dục trong những điều kiện của những biến đổi xã hội mang tính chất cách mạng.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin: “Việc giáo dục con người chủ yếu là quá trình con người tự tạo ra chính mình thông qua hoạt động của bản thân”. Quan điểm đó, đã gợi ý cho các nhà giáo dục, phải tiến hành mọi quá trình giáo dục có kế hoạch trong bối cảnh của môi trường xã hội, phải chú ý tới những biến đổi xã hội mang tính năng động cách mạng.
Mọi quá trình giáo dục, dù là giáo dục có tổ chức, có kế hoạch đều không phải là một hệ thống khép kín. Mọi biến đổi xã hội mang tính chất cách mạng là điều kiện ảnh hưởng đến những tác động của giáo dục đối với con người. Như vậy có thể kết luận, tư tưởng Mác – Lênin có vai trò tiên phong trong quá trình phát triển của xã hội học giáo dục.
3. Đối tượng, nhiệm vụ của xã hội học giáo dục.
3.1. Ở phạm vi vĩ mô.
Xã hội học giáo dục là một lĩnh vực xã hội học chuyên biệt – nghiên cứu hệ thống giáo dục với tư cách là một thiết chế xã hội, nghiên cứu mối quan hệ qua lại và tác động lẫn nhau giữa hệ thống giáo dục, các phân hệ của hệ thống giáo dục với lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của xã hội, với cơ cấu giai cấp – xã hội, chính trị, khoa học, văn hoá của xã hội đó.
Như vậy, xã hội học giáo dục đã xem xét hệ thống giáo dục ở hai góc độ:
– Xem xét hệ thống giáo dục như một chỉnh thể thống nhất. Đó là một hệ thống xã hội có chức năng nhất định và hệ thống tổ chức để thực hiện chức năng đó (giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục chính quy, tại chức…). Nhưng hệ thống giáo dục được xem xét trong mối quan hệ qua lại và sự tác động lẫn nhau giữa tất cả các yếu tố của nó; cũng như trong mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế xã hội khác.
– Xem xét hệ thống giáo dục và tất cả những phân hệ của nó trong mối quan hệ qua lại và tác động lẫn nhau với xã hội. Về thực chất, xã hội học giáo dục một mặt nghiên cứu tác động của xã hội đến hệ thống giáo dục, mặt khác nghiên cứu những chức năng xã hội của chính hệ thống giáo dục. Tức là xã hội học giáo dục xem xét mối quan hệ hai chiều giữa xã hội và giáo dục. Sự tác động của xã hội đến hệ thống giáo dục có tính chất quyết định. Xã hội như thế nào, các quan hệ xã hội ưu thế trong xã hội như thế nào thì hệ thống giáo dục cũng như thế đó.
3.2. Ở phạm vi vi mô.
Xã hội học giáo dục nghiên cứu quá trình giáo dục với nghĩa rộng. B.Suchodolski cho rằng, “Đó là sự trưởng thành của đông đảo người (cơ bản là của thế hệ trẻ) nhằm vào nhiệm vụ của xã hội cụ thể trong những thời kỳ lịch sử nhất định”. (S. Kowalski. “Xã hội học giáo dục và Giáo dục học”, NXB ĐHQG. TP. Hồ Chí Minh. 2003, tr. 40.).
Quan niệm này, tổng hợp được những yếu tố cơ bản của quá trình giáo dục nhìn từ khía cạnh giáo dục học, lẫn khía cạnh xã hội học. Quá trình giáo dục được thể hiện trong những điều kiện của một nền văn hoá xã hội nhất định. Quá trình giáo dục là quá trình cá nhân con người đang xã hội hoá bằng sự tham gia vào đời sống xã hội, tham gia vào hệ thống giáo dục, gồm hai phạm vi:
– Phạm vi rộng: gồm những ảnh hưởng tự phát đang tác động đến người được giáo dục trong quá trình xã hội hoá.
– Phạm vi hẹp hơn: sự tập luyện một cách có ý thức, có kế hoạch đối với người được giáo dục trong hệ thống giáo dục.
Quá trình giáo dục là yếu tố cơ bản của sự phát triển xã hội, nó có chức năng cơ bản là truyền đạt nền văn hoá xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm chuẩn bị cho thế hệ đang trưởng thành có thể tham gia vào sự phát triển văn hoá, xã hội một cách tích cực và sáng tạo.
Nhà xã hội học Mỹ là W.B.Brookover đã coi xã hội học giáo dục như là “Việc phân tích khoa học các quá trình và quy luật xã hội diễn ra trong hệ thống giáo dục có tính chất xã hội”. (W.B.Brookover, A. “Xã hội học giáo dục, New. York”, 1955, tr. 31).
Ông đã nêu lên bốn bộ phận cơ bản trong xã hội học giáo dục: Vị trí của hệ thống giáo dục trong cấu trúc xã hội; Những quan hệ giữa người với người trong nhà trường; Ảnh hưởng của nhà trường đối với hành vi của học sinh; Nhà trường trong cộng đồng xã hội ở địa phương.
Từ đó xã hội học giáo dục có nhiệm vụ:
– Đi sâu phân tích hệ thống giáo dục, nghiên cứu quy luật biến đổi về mặt xã hội của hệ thống giáo dục; vạch ra những khuynh hướng của sự phát triển hệ thống giáo dục, những nguy cơ có thể có, những khả năng vượt qua nguy cơ và thách thức đối với hệ thống… để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách xã hội đối với giáo dục, góp phần phát triển giáo dục, kinh tế – xã hội.
– Nghiên cứu các tổ chức trong nhà trường và ngoài nhà trường, kết cấu của lớp học… có tác dụng chỉ phối quá trình giảng dạy và giáo dục.
– Sử dụng các phương pháp nghiên cứu và hệ thống tri thức của xã hội học để phân tích các quy luật của quá trình giáo dục.
4. Chức năng của xã hội học giáo dục.
Chức năng của xã hội học nói chung cũng được thể hiện cụ thể trong chức năng của xã hội học giáo dục.
4.1. Chức năng lý luận.
Sự hoạt động và phát triển của bất kì hệ thống xã hội cụ thể nào cũng có mối liên quan qua lại với sự hoạt động và phát triển của xã hội nói chung. Mặt khác sự hoạt động và phát triển của xã hội nói chung lại được hình thành từ sự hoạt động và phát triển của các hệ thống xã hội cụ thể.
Việc nghiên cứu các hiện tượng và quá trình xã hội cụ thể chỉ có thể có hiệu quả, nếu gắn với việc nghiên cứu các quy luật hoạt động và phát triển xã hội nói chung. Chủ nghĩa duy vật lịch sử là cơ sở lý luận cho những công trình nghiên cứu xã hội học giáo dục. Đồng thời chủ nghĩa duy vật biện chứng cũng đòi hỏi phải xem xét các vấn đề của xã hội học giáo dục trong sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng.
Cơ cấu của thiết chế giáo dục tư bản chủ nghĩa và giáo dục xã hội chủ nghĩa đều có một số nét chung – như mối quan hệ giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giáo dục trung học và giáo dục đại học.
Điều đó là do tính độc lập tương đối của giáo dục với xã hội (tuy hệ thống giáo dục do chế độ xã hội quyết định). Tính độc lập tương đối của giáo dục còn thể hiện ở chỗ, đôi khi hệ thống giáo dục có thể lạc hậu so với nhu cầu và yêu cầu của sản xuất và xã hội, hoặc có thể vượt trước sự phát triển xã hội ở mức độ nào đó.
Xã hội học giáo dục còn nghiên cứu sự tác động ngược trở lại của hệ thống giáo dục đối với xã hội (Vì hệ thống giáo dục cung cấp con người cho các bộ phận của cơ cấu xã hội).
Lý luận xã hội học giáo dục là khâu trung gian, gắn lý luận xã hội học chung với việc nghiên cứu xã hội về giáo dục. Hệ thống khái niệm của lý luận xã hội học giáo dục góp phần làm phong phú lý luận xã hội học.
4.2. Chức năng thực tiễn.
Các nghiên cứu xã hội học giáo dục thu thập, phân tích, hệ thống hoá những thông tin, tri thức, kinh nghiệm về các hiện tượng và quá trình giáo dục – với tư cách là một lĩnh vực của đời sống xã hội.
Các nghiên cứu đó không chỉ giới hạn ở chỗ hệ thống hoá các sự kiện, hiện tượng giáo dục mà còn phải phát hiện quy luật nội tại và khuynh hướng phát triển của giáo dục, gắn giáo dục trong mối quan hệ với các quy luật khách quan của sự phát triển xã hội…
Thông qua đó xã hội học giáo dục góp phần cung cấp những kiến thức để giải quyết những vấn đề của giáo dục. Xã hội học giáo dục hợp tác với giáo dục học, luôn luôn bám sát những thành quả của giáo dục học, nhưng nó cũng có tác động nhất định đối với giáo dục học.
Trong quá trình nghiên cứu hệ thống giáo dục, có khi xã hội học giáo dục đi trước giáo dục học, nhất là những nghiên cứu về tác động của xã hội nói chung và từng môi trường khác nhau đối với hệ thống giáo dục. Những tác động đó có thể mang tính tích cực khi chúng phù hợp với lí tưởng và xu hướng giáo dục tiến bộ, hoặc có thể ngược lại.
Từ đó, xã hội học giáo dục cung cấp kết quả nghiên cứu phục vụ mục tiêu của công tác quản lý giáo dục ngày nay: phát huy mặt tích cực, hạn chế và thủ tiêu những mặt tiêu cực của những tác động giáo dục chưa được tổ chức, chưa được thể chế hoá trong các môi trường khác nhau, tiến tới thể chế hoá, làm chủ các quá trình giáo dục còn tự phát trong xã hội…
4.3. Chức năng tư tưởng.
Xã hội học giáo dục phải dự đoán được sự thay đổi của các yêu cầu xã hội và kĩ thuật – nghề nghiệp đối với giáo dục, dự đoán được sự phát triển của chính hệ thống giáo dục…
Việc chú ý đến yêu cầu xã hội đối với giáo dục… tạo điều kiện cần thiết cho giáo dục chú ý được đến việc đào tạo con người sao cho con người có đủ năng lực, phẩm chất để tham gia tích cực vào việc xây dựng xã hội, vào các mặt khác nhau của đời sống xã hội.
5. Ví dụ xã hội học giáo dục
Ví dụ thực tế: Một trường học ở Việt Nam triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhằm giúp các em phát triển nhân cách và kỹ năng xã hội. Phân tích chương trình giáo dục kỹ năng sống dưới góc nhìn Xã hội học giáo dục cho thấy mối quan hệ mật thiết và phức tạp giữa giáo dục và xã hội.
Chức năng luận, với quan điểm coi trường học là thiết chế xã hội quan trọng, nhấn mạnh vai trò của chương trình trong việc chuyển giao văn hóa và xã hội hóa thế hệ trẻ, duy trì sự ổn định xã hội. Ví dụ, việc dạy kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh góp phần hình thành những công dân có trách nhiệm, biết tôn trọng chuẩn mực xã hội.
Tuy nhiên, xung đột luận lại chỉ ra rằng chương trình này có thể phản ánh và tái tạo sự bất bình đẳng xã hội hiện hữu. Chẳng hạn, trường học ở thành thị có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chất lượng cao hơn cho chương trình kỹ năng sống so với trường học ở vùng sâu, vùng xa, dẫn đến sự chênh lệch về cơ hội phát triển kỹ năng xã hội giữa các nhóm học sinh.
Hơn nữa, nội dung chương trình có thể bị chi phối bởi quan điểm và lợi ích của nhóm thống trị, tiềm ẩn nguy cơ áp đặt tư tưởng. Ví dụ, một chương trình kỹ năng sống tập trung vào kỹ năng cạnh tranh cá nhân mà ít đề cập đến tinh thần hợp tác, chia sẻ có thể củng cố thêm tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trong xã hội.
Tương tác biểu tượng lại tập trung vào quá trình tương tác xã hội diễn ra trong chương trình kỹ năng sống. Học sinh không chỉ đơn thuần tiếp thu kiến thức, mà còn chủ động xây dựng ý nghĩa và hình thành bản sắc xã hội thông qua các hoạt động trải nghiệm, thảo luận nhóm, nhập vai… Ví dụ, thông qua hoạt động nhập vai xử lý tình huống mâu thuẫn, học sinh sẽ hiểu rõ hơn về khái niệm “thông cảm”, “chia sẻ” và học cách ứng xử phù hợp.
Tuy nhiên, việc định hình “nhân cách” cá nhân dựa trên các giá trị xã hội đặt ra vấn đề “kép” về sự cân bằng giữa phát triển cá nhân và hòa nhập xã hội. Liệu chương trình có tạo đủ không gian cho sự thể hiện cá tính, khác biệt của từng học sinh, hay chỉ nhấn mạnh sự thích ứng với những khuôn mẫu có sẵn?
Chương trình kỹ năng sống được kỳ vọng sẽ gia tăng “vốn xã hội” cho học sinh, bao gồm các mối quan hệ, mạng lưới hỗ trợ và lòng tin xã hội, vốn là yếu tố then chốt cho sự thành công của cá nhân. Ví dụ, thông qua hoạt động tình nguyện, học sinh có cơ hội mở rộng mối quan hệ xã hội, học cách làm việc nhóm, rèn luyện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Đồng thời, chương trình cũng cần trang bị cho học sinh những kỹ năng linh hoạt, sáng tạo, giải quyết vấn đề để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại và bối cảnh toàn cầu hóa. Chẳng hạn, kỹ năng thích nghi với môi trường làm việc mới, kỹ năng làm việc từ xa, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả…
Cuối cùng, không thể bỏ qua ảnh hưởng của xu hướng thị trường hóa giáo dục đến việc triển khai chương trình kỹ năng sống. Một số trường học có thể xem chương trình như một “sản phẩm” để thu hút học sinh mà ít quan tâm đến chất lượng thực tế, dẫn đến tình trạng “học cho có”, hình thức hơn nội dung. Chẳng hạn, một số trường quảng cáo rầm rộ về chương trình kỹ năng sống với những hoạt động hấp dẫn, nhưng thực tế lại thiếu đầu tư bài bản về giáo trình, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.
Tóm lại, phân tích chương trình giáo dục kỹ năng sống dưới lăng kính Xã hội học giáo dục không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của giáo dục trong việc hình thành nhân cách và phát triển kỹ năng xã hội, mà còn chỉ ra những vấn đề tiềm ẩn cần được quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng chương trình, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh.
Tác giả: Lê Ngọc Lan
Bạn đang xem bài viết:
Khái quát về xã hội học giáo dục
Link https://vnlibs.com/xa-hoi-hoc/khai-quat-ve-xa-hoi-hoc-giao-duc.html