Sự cần thiết quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập

Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện lập Quy hoạch mạng lưới tổ chức Khoa học và Công Nghệ công lập thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050.

1.1. Sự cần thiết và hoàn cảnh ra đời của Quy hoạch.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành các đường lối, chủ trương định hướng cho phát triển và ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo như: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển Kinh tế – Xã hội 10 năm 2021- 2030; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045;

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển Khoa học và Công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế và Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW;

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các đường lối, chủ trương này cần được tiếp tục cụ thể hóa một bước thông qua Quy hoạch mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện Quy hoạch mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập thời kỳ 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt những thành tựu quan trọng trong đóng góp cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ tác động môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững di sản thiên nhiên; tiềm lực Khoa học và Công nghệ quốc gia được tăng cường.

Đặc biệt, qua thực tế đã khẳng định một số định hướng chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ phù hợp với Việt Nam như: Khoa học và Công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; phát triển mạnh mẽ Khoa học và Công nghệ để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển Kinh tế – Xã hội nhanh và bền vững; gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động Khoa học và Công nghệ;…

Đây chính là những định hướng cần tiếp tục duy trì thừa kế trong Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 nhằm đưa nền Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát triển lên một tầm vóc mới, là đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 đồng thời cần khắc phục những hạn chế, tồn tại của Chiến lược 10 năm trước đã bộc lộ rõ trên thực tế.

Nổi bật là nhận thức về vai trò và hiệu quả của Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo có lúc có nơi còn hạn chế; thiếu gắn kết chặt chẽ giữa Khoa học và Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển Kinh tế – Xã hội;

Pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ với một số quy định của pháp luật về Khoa học và Công nghệ; trình độ khoa học, công nghệ quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực; cơ chế khơi thông nguồn lực xã hội hoá đầu tư cho Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo còn bất cập;

Đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ tuy có tăng về số lượng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; năng lực nghiên cứu ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học còn khiêm tốn, năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế; mối liên kết giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường và doanh nghiệp còn yếu; còn có khoảng cách giữa nhận thức và hành động của các cấp, các ngành về vai trò của Khoa học và Công nghệ;…

Trong giai đoạn 10 năm tới, trên thế giới xuất hiện các xu thế mới như nhiều công nghệ mới được phát triển mạnh mẽ và ứng dụng rộng rãi; tăng cường gắn kết Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo với phát triển Kinh tế – Xã hội và môi trường; đổi mới quản lý Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong giai đoạn tới; phân hóa mạnh mẽ trong phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo giữa các nước trên thế giới; sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất cung ứng trên thế giới; cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước sẽ ngày càng quyết liệt;…

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước sẽ ngày càng quyết liệt. Các nước đang phát triển đứng trước nhiều thách thức mới.

Đại dịch Covid19 đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có khả năng kéo dài, làm thay đổi sâu sắc đến trật tự, cấu trúc kinh tế và phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới. Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng góp phần phòng, chống đại dịch Covid-19.

Có thể thấy, các xu thế Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trên thế giới đang tác động sâu sắc, toàn diện đến quá trình phục hồi, phát triển bền vững, là nhân tố quyết định đến vai trò, vị thế của các quốc gia trong cục diện quốc tế đang định hình. Bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi lớn đến thế giới, 3 trong đó có vai trò của Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Giai đoạn 10 năm tới sẽ định hình thêm những cơ chế, luật lệ quốc tế, đặc biệt là liên quan đến Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, kinh tế số để phù hợp với bối cảnh mới. Ở trong nước, Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, tích cực tiếp cận Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức và kinh tế số, nhấn mạnh vai trò đột phá chiến lược của Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo,…

Đây là những dự báo xu hướng mở ra thời cơ cho Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam phát triển vượt bậc, rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với thế giới và khu vực. Đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn đòi hỏi phải tập trung giải quyết ở tầm chiến lược. Xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 cho phép chủ động tận dụng những thời cơ và ứng phó có hiệu quả với các thách thức sẽ phải đối mặt, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đến 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Quy hoạch mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần được xây dựng đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ bối cảnh trong nước và quốc tế, tận dụng được những thời cơ và đối mặt với các thách thức đặt ra trong giai đoạn 10 năm tới.

1.2. Cơ sở pháp lý của nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch.

Báo cáo Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên các căn cứ chủ yếu sau:

– Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII và lần thứ XIII;

– Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

– Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

– Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

– Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14; Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch;

– Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch;

– Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;

– Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13; Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ;

– Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

– Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 của Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch;

– Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

– Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người là việc trong đơn vị sự nghiệp lập;

– Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

– Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

– Thông tư số 08/2019/TT-BKH ngày 17/5/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch; Thông tư số 113/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ Tài chính quy định về giá trong hoạt động quy hoạch;

– Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

– Quyết định số 3544/QĐ-BKHCN ngày 19/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc giao nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050.

– Các chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển cấp quốc gia còn hiệu lực.

– Các hợp phần để tích hợp vào Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập.


Bạn đang xem bài viết:

Sự cần thiết quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập

Link https://vnlibs.com/cong-nghe/su-can-thiet-quy-hoach-mang-luoi-to-chuc-khoa-hoc-va-cong-nghe-cong-lap.html

Mọi người cũng tìm kiếm: Tổ chức khoa học và công nghệ công lập là gì; Các tổ chức khoa học và công nghệ; Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Luật khoa học và công nghệ; Tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập; Tổ chức khoa học và công nghệ có tư cách pháp nhân không; Doanh nghiệp khoa học công nghệ; Chính phủ được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ nào.