Trong bối cảnh phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng. Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, đô thị và làng nghề đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường.
Đặc biệt, chất lượng môi trường đất và nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng và sinh hoạt.
Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích các thành phần môi trường có khả năng bị tác động bởi quy hoạch, từ đó đề xuất các giải pháp bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.
1. Môi trường đất.
Giai đoạn 2016 – 2020, chất lượng môi trường đất trên phạm vi cả nước có dấu hiệu suy giảm do ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt đô thị, chất thải làng nghề hay việc gia tăng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (bảo vệ thực vật) trong sản xuất nông nghiệp. Trích dữ liệu từ nguồn của Chính phủ (2021), BC 83/BC-CP về công tác bảo vệ môi trường năm 2020 ngày 22/3/2021, dự thảo báo cáo HTMT.
– Môi trường đất chịu tác động do các chất ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp, xây dựng và sinh hoạt thể hiện rõ nhất ở các vùng ven các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc các vùng tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp,khai khoáng như Phú Thọ, Thái Nguyên, Bình Định, Đà Nẵng, Đồng Nai,…
Đất tại các khu vực chịu tác động của các chất thải từ hoạt động công nghiệp, xây dựng và sinh hoạt đang đứng trước thực trạng ô nhiễm kim loại nặng ngày một tăng. Có hai nguyên nhân: (i) Chất thải của các khu công nghiệp và dân cư; (ii) Chất thải của các làng nghề chưa được xử lý, hoặc xử lý chưa triệt để thải thẳng ra môi trường. Các khu vực chịu tác động của nước thải, chất thải làng nghề,đặc biệt làng nghề tái chế, chất lượng đất bị suy giảm.
Theo Nguồn: Bộ TNMT (2021), Báo cáo HTMT giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020. Hàm lượng các kim loại nặng trong đất vùng có nguy cơ ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt và công nghiệp năm 2020 (Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ – TS1,TS2, TS2, TS4, TS5 và Thanh Trì, Hà Nội – QT, VQ2, TH2,TL1, TL2). Hàm lượng kim loại nặng trong đất chịu ảnh hưởng của chất thải khu công nghiệp Phú Tài – Bình Định (khu công nghiệp3, khu công nghiệp4) và Liên Chiểu – Đà Nẵng (khu công nghiệp6, khu công nghiệp7) năm 2019 và giai đoạn 2016 – 2020. Hàm lượng kim loại nặng trong đất chịu ảnh hưởng của chất thải sinh hoạt và công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh (ÔN6, ÔN7), Bình Dương (ÔN9, ÔN10), Tây Ninh (ÔN11, ÔN12) và Đồng Nai (ÔN13, ÔN14, ÔN15) năm 2020.
– Đất nông nghiệp xung quanh khu vực hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề hầu hết các điểm quan trắc cho thấy có nguy cơ cao bị ô nhiễm kim loại nặng (Cu, Pb, Zn, Cd), với mức độ giao động có sự khác nhau giữa các khu vực, song nhìn chung đều có xu hướng gia tăng, thậm chí một số khu vực đã bị ônhiễm kim loại, điển hình như ô nhiễm Zn ở các điểm quan trắc Thạch Sơn – Lâm Thao và tại làng nghề tái chế sắt Châu Khê – Từ Sơn – Bắc Ninh; ô nhiễm Cd trong đất nông nghiệp xung quanh khu công nghiệp Liên Chiểu – Đà Nẵng; ô nhiễm Cu trong đất nông nghiệp xung quanh trong khu công nghiệp Phú Tài – Bình Định hay bị ô nhiễm Cr trong đất sản xuất nông nghiệp ven khu vực khu công nghiệp Đại Đăng – TP. Thủ Dầu Một, Tp. Hồ Chí Minh.
– Đối với các vùng đất chuyên canh nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 hàm lượng hữu cơ trong đất đều có dấu hiệu suy giảm, rõ nhất trên cơ cấu chuyên canh rau và hoa cây cảnh (điển hình tại Tây Tựu – Hà Nội), bên cạnh đó môi trường đất đang dần bị chua. Ngoài ra, thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích sinh trưởng cũng đang được sử dụng rất phổ biến trong canh tác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm thành phần môi trường. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở Việt Nam, hiệu suất sử dụng phân đạm chỉ đạt từ 30 – 45%, lân từ 40 – 45% và kali từ 40 – 50%. Trong thực tế sản xuất, việc nông dân sử dụng phân bón cao hơn nhiều so với lượng khuyến cáo đã diễn ra rất nhiều năm nên một số dưỡng chất như đạm, lân lưu tồn trong đất với lượng rất lớn.
Một số khu vực phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong đất trồng hoa, rau. Kết quả điều tra của Viện Môi trường Nông nghiệp cho thấy hầu hết nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo hướng dẫn (không đúng liều lượng, chủng loại và thời gian cách ly sau khi phun…). Lượng thuốc sử dụng cao gấp 2- 3 lần so với khuyến cáo (chiếm 58,3% số hộ được điều tra).
Một số loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học có chứa kim loại nặng như Cu, cũng có nguy cơ gây ra ô nhiễm kim loại nặng trên đất nông nghiệp. Tại các vùng chuyên canh rau, hoa ở Đức Trọng, Đà Lạt, Đơn Dương (Lâm Đồng), đất đã bị ô nhiễm Cu và Cd. Hàm lượng Cu trong đất trồng rau tại Đà Lạt, Đơn Dương năm 2019.
– Dữ liệu của năm 2020 luôn cao và vượt ngưỡng của QCVN 03-MT:2015/BTNMT đối với đất nông nghiệp từ 1,27 – 3,04 lần. Đất thâm canh mía tại Phú Yên, Quảng Ngãi và thâm canh cà phê tại Tây Nguyên cũng có nguy cơ cao ô nhiễm Cu khi hàm lượng Cu đã xấp xỉ ngưỡng của QCVN 03-MT:2015/BTNMT.
– Tình trạng thoái hóa đất, sạt lở đất ở khu vực miền núi có xu hướng gia tăng cả về số lượng, mức độ và quy mô, ảnh hưởng đến tính mạng và hoạt động sản xuất của người dân. Nguồn trích từ Chính phủ (2021), BC 83/BC-CP về công tác bảo vệ môi trường năm 2020 ngày 22/3/2021.
Hiện nay, trên cả nước có 11,8 triệu ha đất bị thoái hóa,trong đó có gần 5,1 triệu ha đất nông nghiệp và gần 5 triệu ha đất lâm nghiệp. Các hình thức thoái hóa đất chính bao gồm mặn hóa; phèn hóa, xói mòn đất; hoang mạc hóa; kết vón, đá ong hóa và suy giảm độ phì.
2. Môi trường nước.
– Về diễn biến chất lượng nước các lưu vực sông, với sự nỗ lực trong công tác quản lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, phần lớn chất lượng nước trong những năm qua trên các lưu vực sông (lưu vực sông) lớn như lưu vực sông Hồng – Thái Bình, lưu vực sông Mã – Chu, lưu vực sông Cả – La, lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và lưu vực sông Mê Công về cơ bản duy trì ở mức tốt, Theo số liệu quan trắc năm 2021 thì chất lượng nước các lưu vực sông này duy trì ở mức tốt đến rất tốt. Trích dữ liệu từ Chính phủ, BC số 198/BC-CP ngày 22/5/2022 Báo cáo Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2021.
Theo đó, tại nhiều sông, đoạn sông, chất lượng nước đảm bảo cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, cục bộ một số khu vực vẫn còn chất lượng nước ở mức kém, song đã có sự cải thiện đáng kể so với nhiều năm trước (đoạn sông Cầu trước khi vào Tp. Thái Nguyên; đoạn sông Nhuệ qua địa phận Hà Nội, đoạn chảy qua chợ Đông Ba trên sông Hương). Năm 2017 tại điểm ngã ba Tuần – bờ bắc, nước sông ở mức “ô nhiễm rất nặng” (WQI: 07), tuy nhiên đến nay, nước sông tại điểm này đã được cải thiện, thoát khỏi tình trạng ô nhiễm nặng.
Bên cạnh đó, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực sông vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét) là các điểm nóng ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy. Mặc dù từ năm 2016 đến năm 2019 nồng độ các chất ô nhiễm giảm dần, tuy nhiên mức độ ô nhiễm vẫn cao, vượt ngưỡng quy định, đến năm 2020, ô nhiễm tăng cao trở lại; Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm chất dinh dưỡng, chất hữu cơ và vi sinh do phải tiếp nhận một lượng quá lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề chưa được xử lý, xả trực tiếp từ các địa phương trong khu vực vào hệ thống. Bên cạnh đó, hệ thống còn phải tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông khác trong khu vực hiện đang rất ô nhiễm chảy vào (như sông Cầu Bây thuộc Hà Nội; các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên…).
Điển hình như ô nhiễm trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét,….(Hà Nội), sông Cầu chảy qua địa phận Bắc Ninh – Bắc Giang, sông Bắc Hưng Hải, kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, kênh Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuật,… Ô nhiễm trên các lưu vực sông chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng,phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận chưa có dấu hiệu ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật. Trích dữ liệu từ BC 83/BC-CP về công tác bảo vệ môi trường năm 2020 ngày 22/3/2021.
Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước tập trung trên các lưu vực sông ở khu vực phía Bắc (lưu vực sông Nhuệ – Đáy, lưu vực sông Cầu) và phía Nam (lưu vực sông Đồng Nai). Mức “ô nhiễm” ghi nhận phần lớn trên các đoạn sông chảy qua khu vực có hoạt động kinh tế xã hội phát triển, điển hình như đoạn qua nội thành Hà Nội, nội thành Thành phố Hồ Chí Minh. Trích dữ liệu từ Báo cáo Hiện trạng môi trường giai đoạn 2016 – 2020.
Các lưu vực sông khu vực miền Trung, giai đoạn 2016 – 2020 chưa ghi nhận các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước mặt, song tại các đoạn sông chảy qua khu vực hoạt động dân sinh phát triển như chợ Đông Ba, ngã Ba Sình trên sông Hương, chợ ến cá Cẩm Hòa, cầu Vĩnh Điện trên sông Thu Bồn hay khu vực cầu Thuận Phước trên sông Vu Gia,… chất lượng môi trường nước sông bị suy giảm so với các đoạn sông khác. Trích dữ liệu từ Chính phủ (2021), BC 83/BC-CP về công tác bảo vệ môi trường năm 2020 ngày 22/3/2021.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2016 – 2020, trên các sông phía Bắc như lưu vực sông Hồng – Thái Bình, sông Nhuệ – Đáy, đã xảy ra một số sự cố môi trường (Sự cố vỡ bể chứa bùn thải chì kẽm tại thị trấn Pác Miầu (Cao Bằng) gây ô nhiễm sông Gâm (Hà Giang) năm 2016; Sự cố sự cố vỡ cửa xả đáy hồ chứa nước thải nhà máy tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn (Công ty Apatit Việt Nam) năm 2018; Sự cố xả dầu trên sông Đà năm 2019) không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân mà còn đe dọa đến an ninh nguồn nước quốc gia.
Kết quả tính toán giá trị WQI dựa trên kết quả quan trắc trung bình năm giai đoạn 2016 – 2020 trên 08 lưu vực sông cho thấy chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông ở nước ta chủ yếu ở mức “tốt” đến “trung bình”, nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý. Mức “ô nhiễm” ghi nhận phần lớn trên các đoạn sông chảy qua khu vực có hoạt động kinh tế xã hội phát triển, điển hình như đoạn qua nội thành Hà Nội, nội thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài vấn đề ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm dinh dưỡng trên các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu vực làng nghề…, tại khu vực cửa sông, tình trạng xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn và có xu hướng gia tăng, đặc biệt từ năm 2018- 2021, xâm nhập mặn tại các khu vực hạ lưu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn hay trên sông Vàm Cỏ và các sông trên địa bàn tỉnh Nam Bộ có xu hướng gia tăng, đã gây tác động xấu tới chất lượng nước và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân tại các khu vực bị xâm ngập mặn.
Tình trạng triều cường gây ngập các khu vực đô thị ở Nam Bộ tiếp tục diễn ra, nhất là tại Tp. Hồ Chí Minh. Bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ.
– Đối với chất lượng nước dưới đất, hiện chất lượng còn khá tốt, phần lớn các thông số chất lượng nước dưới đất nằm trong ngưỡng quy định của QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Tuy nhiên, hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng và amoni trong nước dưới đất đã ghi nhận ở hầu hết các địa phương có lượng khai thác, sử dụng nước dưới đất lớn như khu vực phía Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam,Hải Dương, Nam Định và Thái Bình), khu vực miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế) và một số địa phương khu vực phía Nam (Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng).
Ô nhiễm môi trường nước xuyên biên giới có xu hướng gia tăng, kết quả quan trắc tại đầu nguồn sông Hồng, thượng nguồn sông Hậu, chất lượng nước sông có dấu hiệu ô nhiễm bởi các hợp chất hữu cơ (COD,BOD5), tăng nhẹ. Trích dữ liệu cơ sở từ nguồn Thể hiện qua kết quả quan trắc của Sở TN&MT tỉnh Lào Cai, năm 2017, 2018, 9/2019 và dữ liệu từ Báo cáo tổng hợp kết quả quan trắc trạm quan trắc môi trường nước tự động, liên tục, cố định tại Thị Trấn Long Bình, Huyện An Phú, Tỉnh An Giang, 2018, 9/2019.
– Đối với chất lượng nước biển ven bờ, giai đoạn 2016 – 2020, chất lượng còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10- MT:2015/BTNMT. Kết quả tính toán chỉ số nguy cơ ô nhiễm môi trường (RQ) giai đoạn 2015-2019 cho thấy, phần lớn các điểm thực hiện quan trắc có giá trị RQ đạt ở mức tốt (RQ <1). Cụ thể, môi trường nước biển ven bờ khu vực miền Trung tốt nhất với 97,5% chỉ số RQ <1, tiếp đến là miền Bắc có 85,5%, và cuối cùng là khu vực miền Nam đạt 75%. Tuy nhiên, tại một số thời điểm ở một vài vị trí có chỉ số RQ >1,5 nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao song giá trị trên chỉ mang tính thời điểm. Mức độ ô nhiễm gia tăng vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) do sự gia tăng lượng chất dinh dưỡng (amoni, photphat, nitrit, nitrat) và TSS từ đất liền ra biển.
Ngoài ra, vào mùa gió mùa Đông Bắc, có xu thế đẩy các chất ô nhiễm trên biển vào dải ven bờ. Bên cạnh đó, chất lượng môi trường nước biển chịu tác động mạnh của hoạt động phát triển kinh tế xã hội khu vực ven bờ, đặc biệt là hoạt động phát triển cảng biển, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ven biển hay hoạt động phát triển du lịch biển. Trích dữ liệu từ nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
Tại một số cụm đảo, đảo lớn, điển hình như cụm đảo Cô Tô – Vĩnh Thực và cụm đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), cụm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cụm đảo Phú Quý (Bình Thuận), cụm đảo Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), đảo Hòn Khoai (Cà Mau), cụm đảo Thổ Chu (Kiên Giang)… chất lượng môi trường nước biển ven bờ còn khá tốt. Mặc dù chịu tác động từ hoạt động tàu thuyền khai thác, sơ chế và chế biến hải sản, lượng chất thải phát sinh không đáng kể và không thường xuyên nên ít gây ảnh hưởng đến môi trường nước biển.
– Chất lượng nước biển khơi của vùng biển có chất lượng tốt. Hầu hết các thông số đặc trưng cho chất lượng nước biển xa bờ ở các vùng biển có giá trị thấp và nằm trong ngưỡng giới hạn của QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Tại các khu vực đang khai thác dầu khí, chất lượng môi trường nước biển tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm.
3. Môi trường không khí.
Giai đoạn 2016 – 2020, ô nhiễm môi trường không khí tiếp tục là một trong những vấn đề nóng và đặt ra nhiều thách thức về môi trường, mặc dù có giảm giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19 vào các năm 2020-2021. Ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu là ô nhiễm bụi tại các thành phố, đô thị lớn, các khu vực công nghiệp.
Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm bụi mịn ở một số đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn xảy ra thường xuyên. Ở khu vực miền Bắc, mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng lên từ năm 2017 đến 2019 (cao nhất vào năm 2019) nhưng đến năm 2020 đã giảm hơn.
Các thông số đặc trưng khác trong không khí như NO2, O3, CO, SO2 cơ bản vẫn nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh). Tại khu vực nông thôn, miền núi, chất lượng môi trường không khí vẫn duy trì tương đối ổn định ở mức khá tốt và trung bình.
– Đối với chất lượng không khí tại các đô thị, mặc dù chất lượng môi trường không khí mỗi năm có khác nhau, song tình trạng ô nhiễm bụi tại các thành phố, đô thị lớn, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm bụi mịn (PM2.5 và PM10) tại Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh luôn là một trong những vấn đề bức xúc. Mức độ ô nhiễm bụi mịn có xu hướng tăng từ năm 2017 đến năm 2019 và giảm năm 2020.
Tham khảo số liệu từ trạm quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ, Hà Nội và trạm quan trắc tại Lãnh sự quán Mỹ, Tp.Hồ Chí Minh. Mức độ ô nhiễm không khí cũng có sự khác biệt rất lớn giữa các đô thị, Tp. Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm bụi và biến động qua các năm cao hơn so với các đô thị khác.
Giá trị trung bình năm của thông số bụi PM2.5 và PM10 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại Hà Nội giai đoạn năm 2018 – 2020 đều vượt quá giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1 đến 2,2 lần, cao nhất ghi nhận năm 2019.
Trong khi đó, tại Tp. Hồ Chí Minh, giá trị trung bình năm của thông số PM2.5 khá ổn định, mức độ biến động không đáng kể. Nhìn chung, các đô thị ở miền Bắc có giá trị trung bình năm của thông số bụi PM10 và PM2.5 cao hơn các đô thị khu vực miền Trung và miền Nam.
Ngoài ra, chất lượng không khí có sự phân hóa theo vùng, miền và theo quy luật mùa trong năm. Xu hướng biến động giá trị của thông số bụi PM10 và PM2.5 tại các tỉnh thành miền Bắc tăng cao vào thời gian mùa đông, ít mưa, trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau (các trạm ở Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh).
Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy, chất lượng không khí tại Tp. Hà Nội và một số Tp. khu vực miền Bắc có thời điểm trong năm ở mức kém (giá trị AQI từ 100-150), thậm chí là mức xấu (giá trị AQI từ 150-200), thường xuất hiện vào mùa đông.
Trong khi đó, các thành phố ở Nam Trung Bộ, điển hình như Đà Nẵng và Nha Trang giá trị của thông số bụi PM10và PM2.5 ít biến động giữa các tháng trong năm. Các thành phố Huế, Đà Nẵng nhìn chung chất lượng môi trường không khí vẫn duy trì ở mức tốt và trung bình.
Đối với các thành phố ở khu vực Nam Bộ, giá trị thông số bụi mịn có sự phân hóa khá rõ, tăng cao trong mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 9) và giảm trong mùa mưa (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau). Tại Tp. Hồ Chí Minh, vào mùa khô cũng ghi nhận chất lượng môi trường không khí chạm mức xấu. Trích dữ liệu từ nguồn Chính phủ (2021), BC 83/BC-CP về công tác bảo vệ môi trường năm 2020 ngày 22/3/2021.
– Đối với chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các khu vực sản xuất công nghiệp, giá trị thông số TSP tại nhiều khu công nghiệp đã vượt ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT. Trong các ngành công nghiệp, các hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất điện, xi măng làm phát sinh lượng bụi thải lớn hơn hẳn các ngành khác.
So sánh số liệu cho thấy giá trị TSP xung quanh các khu công nghiệp miền Bắc cao hơn hẳn so với khu công nghiệp miền Nam, trong khi giá trị TSP xung quanh các khu công nghiệp miền Trung và miền Nam có sự chênh lệch không nhiều. Nguyên nhân có thể là do đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghệ, nhiên liệu, vị trí của các khu vực khác nhau.
Tại miền Bắc, gần các khu công nghiệp cũng có nhiều các nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng với quy mô lớn tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch nên đã dẫn tới phát thải lượng bụi lớn. Nhiều khu công nghiệp miền Bắc còn nằm gần các khu đô thị, trục giao thông lớn nên giá trị TSP xung quanh các khu công nghiệp này cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông vận tải.
Với các chất ô nhiễm SO2 và NO2, theo số liệu quan trắc, giá trị thông số SO2 đo được xung quanh các khu công nghiệp miền Bắc cao hơn hẳn so với các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam, ở các tỉnh miền Bắc tập trung nhiều loại hình công nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu đốt như nhiệt điện, dẫn tới phát thải lượng SO2 lớn.
Ngược lại với thông số SO2, giá trị thông số NO2 xung quanh các khu công nghiệp miền Nam lại cao hơn các khu công nghiệp miền Bắc. Nguyên nhân có thể do tại khu vực miền Nam tập trung các loại hình công nghiệp như hóa chất, sản xuất sản phẩm kim loại, điện tử… Tuy nhiên, tại hầu hết các khu vực, giá trị của cả hai thông số SO2 và NO2 hầu hết vẫn nằm trong ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT. Còn mức ồn tại một số khu vực gần khu công nghiệp đã ở mức cao, có nơi đã vượt ngưỡng của QCVN 26:2010/BTNMT.
Nguyên nhân là do các điểm quan trắc tiếng ồn xung quanh các khu công nghiệp đều nằm gần các trục đường giao thông có mật độ xe cộ qua lại lớn. Do đó, mức ồn đo được bị cộng hưởng từ hoạt động của công nghiệp và phương tiện xe qua lại trên đường. Hiện tượng ô nhiễm mùi do khí thải phát sinh từ khu vực như bãi chôn lấp rác thải, nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy cao su, nhà máy giấy… cũng vẫn đang xảy ra cục bộ tại một số địa phương.
Tại các làng nghề, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí so với giai đoạn trước không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề phổ biến là than chất lượng thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, lại chưa đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải.
Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn, tùy thuộc vào tính chất, quy mô và sản phẩm của từng loại ngành nghề. Hiện nay, ô nhiễm mùi ở một số làng nghề vẫn đang là vấn đề bức xúc.
Tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm như làng giết mổ Phúc Lâm (Bắc Giang), làng chế biến nông sản Dương Liễu (Hà Nội), ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bã thải sản xuất làm phát sinh mùi thối, khó chịu và gây ô nhiễm mùi trên một khu vực rộng.
Tại một số làng nghề như làng mộc Chàng Sơn, Bằng Hữu (Thạch Thất, Hà Nội), làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội), làng nghề da giày Phú Yên (Phú Xuyên, Hà Nội)…, ô nhiễm mùi phát sinh chủ yếu do sử dụng các loại dung môi hữu cơ trong công đoạn sơn, đánh bóng sản phẩm.Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm xảy ra theo thời điểm, không liên tục
Tại khu vực nông thôn, chất lượng môi trường không khí hiện nay còn khá tốt, rất nhiều vùng chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Giá trị các thông số đặc trưng cho môi trường không khí xung quanh hầu hết nằm trong ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT.
Tuy nhiên, một số khu vực nông thôn hiện cũng đang bị ảnh hưởng bởi một số hoạt động làng nghề, điểm công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, các cơ sở sản xuất, các trang trại chăn nuôi tập trung, hoạt động trồng trọt, khai thác khoáng sản ở các vùng lân cận, chôn lấp và đốt chất thải rắn sinh hoạt cũng như phát triển cơ sở hạ tầng… đã có dấu hiệu ô nhiễm môi trường không khí cục bộ.
Bên cạnh đó, sau mỗi mùa vụ, có một lượng lớn phụ phẩm từ phát sinh từ cây trồng, nhưng chỉ một phần được tái chế, tái sử dụng, phần còn lại thường bị đốt bỏ ngoài ruộng, gây ô nhiễm môi trường không khí cục bộ (hiện tượng khói mù).
4. Hiện trạng loài động, thực vật và nguồn gen.
4.1. Hiện trạng loài.
Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao của thế giới với sự đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Đến nay, trong sinh giới Việt Nam, khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm: khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; dưới biển, có trên 11.000 loài sinh vật biển.
Trong thành phần loài sinh vật đã biết, số lượng loài đặc hữu cho Việt Nam chiếm một tỷ lệ khá lớn (khoảng 30% số loài thực vật bậc cao trên cạn; 4,6% số loài, phân loài chim; 27,4% số loài trai, ốc nước ngọt; khoảng 58% số loài tôm, cua nước ngọt…).
Trong đó, nhiều loài có giá trị kinh tế lớn, đóng góp cho khoa học, phát triển kinh tế đất nước và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của DDSH Việt Nam như Sao La, Cheo Cheo Lưng Bạc, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn, voi Châu Á, bò rừng, bò xám, hổ, báo, các loài rùa biển và nước ngọt (Bộ TNMT, 2021). Trích nguồn dữ liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020.
4.1.1. Tình trạng các loài nguy cấp và quý hiếm.
Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng suy thoái loài trong đó số lượng loài nguy cấp tăng lên đáng kể: Theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nếu như năm 1996 mới chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp (EN) thì đến 2014, có khoảng 362 loài động vật và 219 loài thực vật của Việt Nam ghi trong Danh lục Đỏ IUCN (2014).
Theo danh mục đỏ của IUCN (cập nhật năm 2021)18, các loài bị đe dọa từ mức sắp nguy cấp trở lên (VU) phân bố ở Việt Nam đã lên đến 880 loài trong đó có 586 loài động vật và 294 loài thực vật. Phân bố các loài hoang dã quý hiếm của cả nước chưa được đánh giá và thống kê đầy đủ, tuy nhiên, nhìn chung, các loài hoang dã hiện nay chủ yếu được bảo tồn tại chỗ trong các khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là các khu rừng đặc dụng.
4.1.2. Tình trạng các loài ngoại lai xâm hại.
Sự quan ngại về nguy cơ gây hại cho đa dạng sinh học, sức khỏe con người và nền kinh tế của các loài ngoại lai xâm hại ở nước ta ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata, P. insunarum) bùng phát từ đồng bằng sông Cửu Long đến đồng bằng Bắc Bộ, tác động trực tiếp đến đời sống của nông dân Việt Nam vào cuối những năm 1980. Tính đến năm 1997, ốc bươu vàng đã gây hại cho 132.000 ha diện tích trồng lúa, gây ra thiệt hại hàng triệu USD mỗi năm do sản lượng lúa bị giảm sút.
Năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố Danh mục 25 loài ngoại lai xâm hại,15 loài ngoại lai nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam và 41 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chưa xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2018, Bộ TNMT ban hành Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2018 ban hành tiêu chí xác định và Danh mục các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại. Trong đó, đã xác định được 19 loài ngoại lai xâm hại và 61 loài có nguy cơ xâm hại trên toàn quốc.
4.2. Đa dạng nguồn gen cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh hệ sinh vật tự nhiên đa dạng với khoảng 51.400 loài đã biết, Việt Nam thuộc một trong các trung tâm nguồn gốc giống cây trồng trên thế giới với hơn 6.000 giống lúa, khoảng 800 loài cây trồng, và là nguồn gốc của khoảng 40 giống vật nuôi.
Các giống vật nuôi và cây trồng đã được phát triển qua hàng trăm năm nay và có các đặc điểm di truyền có giá trị. Đây chính là những nguồn gen bản địa quý của Việt Nam cần phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển. Bên cạnh đó, hàng chục loài thủy sản có giá trị kinh tế được nuôi, trồng trong các đầm nuôi,trang trại nước ngọt, lợ mặn.
5. Hiện trạng và diễn biến cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên.
5.1. Các hệ sinh thái rừng.
Trong 10 năm 2010-2020, hệ sinh thái rừng cả nước có sự mở rộng liên tục về diện tích song chất lượng rừng suy giảm. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, độ che phủ rừng toàn quốc đã tăng từ 39,5% vào năm 2010 lên 42,01% năm 2020, với tổng diện tích rừng của cả nước đạt 14,677 triệu ha.
Diện tích rừng mở rộng chủ yếu là rừng trồng, có trữ lượng và chất lượng đa dạng sinh học thấp do trồng đơn loài, thậm chí một số loại rừng trồng còn triệt tiêu điều kiện sống của các loài động, thực vật khác (ví dụ như rừng cao su, rừng trồng keo, bạch đàn).
Theo báo cáo tổng kết điều tra kiểm kê rừng giai đoạn 2013- 201626, trong tổng trữ lượng rừng cả nước là 1.182,81 triệu m3 (bao gồm cả diện tích rừng trong và ngoài quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp), trữ lượng rừng tự nhiên là 992,80 triệu m3 (tương đương 84%); trữ lượng rừng trồng là 190,01 triệu m3 (tương đương 16%). Như vậy, các hệ sinh thái rừng trồng đang có trữ lượng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và khả năng cung cấp dịch vụ của hệ sinh thái rừng này.
Theo vùng, hiện nay, vùng Trung du và Miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung chiếm diện tích rừng lớn nhất cả nước với diện tích lần lượt là 5,73 triệu và 5,56 triệu ha, tương đương 39% và 38% diện tích rừng cả nước. Vùng Tây Nguyên có diện tích rừng lớn thứ 3 với 2,5 triệu ha, tương đương 17% diện tích rừng cả nước.
Đây cũng là các khu vực có diện tích rừng tự nhiên lớn cần được bảo vệ và phục hồi, đặc biệt diện tích rừng tự nhiên của vùng chiếm tới 85% tổng diện tích rừng. Vùng ĐB Sông Hồng có diện tích rừng thấp nhất (1%), tiếp theo là Đông Nam Bộ và ĐB Sông Cửu Long có diện tích rừng nhỏ, dưới 3%.
Một số hệ sinh thái rừng có giá trị cao cần bảo tồn như các hệ sinh thái rừng gỗ giàu, rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn (RNM) mặc dù bị suy giảm mạnh trong giai đoạn 2011-2015 song đã có dấu hiệu phục hồi trong giai đoạn 2015-2020.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2021, diện tích rừng gỗ tự nhiên giàu toàn quốc là 833,83 ngàn ha, tăng gần 65 ngàn ha so với kết quả kiểm kê rừng năm 2016 là 769,84 ngàn ha rừng giàu. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng gần 200 ngàn ha rừng giàu chưa được quản lý chặt chẽ, đang nằm rải rác trong các diện tích rừng sản xuất, cần được quản lý, bảo vệ.
Về Hệ sinh thái rừng ngập mặn, Đồng bằng Sông Cửu Long là nơi có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất, chiếm 78% diện tích rừng ngập mặn toàn quốc, tiếp đến là vùng ven biển Đông Bắc (13%) và đồng bằng sông Hồng (6%), vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ chiếm khoảng 1,5%. 9 tỉnh có diện tích RNM lớn nhất là Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Trà Vinh, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bạc Liêu,Kiên Giang và Thái Bình, chiếm đến 93% diện tích RNM toàn quốc.
Nhờ các nỗ lực trồng và phục hồi rừng ven biển, từ năm 2016 đến nay diện tích RNM đã có sự gia tăng đáng kể, đạt 117.074 ha tính đến cuối năm 2019, tuy nhiên, chất lượng rừng ngập mặn vẫn rất thấp, chủ yếu là rừng trồng. Đến nay, các khu rừng ngập mặn nguyên sinh hầu như không còn.
5.2. Hệ sinh thái biển.
Biển Việt Nam được đánh giá là có các khu hệ sinh vật phong phú và cảnh quan sinh thái đa dạng. Đánh giá mức độ đa dạng các loài hải sản theo vùng cho thấy: Vùng biển Đông Nam Bộ có số lượng loài nhiều nhất (918 loài); tiếp đến là vùng biển Trung Bộ (877 loài); vùng biển vịnh Bắc Bộ (698 loài); vùng biển Tây Nam (675 loài) và vùng biển giữa Biển Đông có số lượng loài thấp nhất (69 loài).
Nhóm cá đáy bắt gặp số lượng loài nhiều nhất, với 485 loài, chiếm 35% tổng số loài bắt gặp trên toàn vùng biển, tiếp theo đến nhóm cá rạn(355 loài, chiếm 25,6%), nhóm giáp xác gồm 110 loài tôm (chiếm 7,9%) và 86 loài cua, ghẹ (chiếm 6,2%), nhóm cá nổi bắt gặp 196 loài (chiếm 14,2%), nhóm động vật thân mềm gồm 32 loài mực (chiếm 2,3%), 13 loài bạch tuộc (chiếm 0,9%) 42 loài hai mảnh vỏ (chiếm 3,0%) và 62 loài chân bụng (chiếm 4,5%).
Giai đoạn 2011-2020, hệ sinh thái biển tiếp tục chịu áp lực lớn và đối mặt với nguy cơ suy thoái. Thể hiện ở sự suy giảm mạnh trữ lượng thủy sản quá thời gian. Kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản ở biển giai đoạn 2000-2019, trữ lượng nguồn lợi thủy sản liên tục suy giảm qua các thời kỳ.
Cụ thể: Giai đoạn 2000-2005 khoảng 5,07 triệu tấn; giai đoạn 2011-2015 khoảng 4,36 triệu tấn (giảm 15% so với giai đoạn 2000-2005); giai đoạn 2016-2019 khoảng 3,95 triệu tấn (giảm 23% so với giai đoạn 2000-2005); đặc biệt là sự suy giảm trữ lượng nguồn lợi thủy sản tầng đáy và các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Các hệ sinh biển điển hình như Hệ sinh thái rạn san hô thường phân bố trong các vùng bờ đá ven lục địa và quanh các hải đảo của nước ta. Trong vùng biển Việt Nam, có thể phân biệt 4 vùng phân bố chính của các hệ sinh thái san hô gồm Quần đảo Hoàng sa và Trường Sa; Vùng biển ven bờ; Vùng biển Tây Vịnh Bắc Bộ; Vùng biển Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2010-2020, diện tích cũng như độ phủ san hô sống trên các hệ sinh thái rạn san hô của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.
Hệ sinh thái cỏ biển ở nước ta có tổng diện tích khoảng 18.130ha,phân bố dọc bờ biển từ biên giới phía Bắc của Việt Nam với Trung Quốc, đến tận biên giới Tây Nam với Campuchia nhưng chủ yếu là ở các khu vực miền Nam Việt Nam. Vùng biển Tây Nam Bộ có đa dạng loài cỏ biển cao nhất, tập trung tại các khu vực Côn Đảo, Phú Quốc, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quý; sau đó là các khu vực miền Trung như Tam Giang – Cầu Hai và Lập An.
Giai đoạn 2010-2020, Hệ sinh thái thảm cỏ biển Việt Nam Cũng đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái do các hoạt động của con người như đánh bắt, neo đậu thuyền, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường, các hoạt động xây dựng cảng, công trình phục vụ du lịch.
Tốc độ suy thoái thảm cỏ biển khác nhau ở mỗi khu vực. Các đảo ven bờ Bắc Trung Bộ có mức độ suy thoái trung bình 6-7%/năm, các thảm cỏ ven bờ Nam Trung Bộ suy giảm chậm hơn với tốc độ trung bình 2-5%/năm như Hòn Cau, Phú Quý. Tốc độ suy giảm của hệ sinh thái cỏ biển phía Nam Bộ thấp hơn, khoảng 3%/năm như Phú Quốc, Côn Đảo.
5.3. Hệ sinh thái đất ngập nước.
Tổng diện tích đất ngập nước của Việt Nam là khoảng 11.948 nghìn ha (chưa kể đến diện tích sông suối ngập nước theo mùa và suối, điểm nước nóng, nước khoáng), chiếm đến 37% tổng diện tích đất tự nhiên của Việt Nam. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ lệ lớn nhất đến gần 49% và Tây Nguyên có vùng đất ngập nước nhỏ nhất so với 7 vùng sinh thái của cả nước, chiếm 3% diện tích đất ngập nước cả nước.
Các hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị đa dạng sinh học đặc sắc là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, các vùng đất ngập nước ven biển (đầm, hồ, bãi triều). Ở Việt Nam, các đầm phá tập trung ở miền Trung, nơi giàu nguồn bồi tích cát ven bờ, động lực sóng mạnh và thuỷ triều không lớn. Từ Thừa Thiên – Huế tới Ninh Thuận, có 12 đầm phá tiêu biểu với tổng diện tích khoảng 458 km2 (Bộ TNMT, 2021).
Tuy nhiên, chất lượng đa dạng sinh học các đầm hồ ven biển hiện nay được đánh giá là đang bị suy thoái, tất cả 12 hệ sinh thái đầm hồ đều đã bị suy thoái ở các mức độ khác nhau về cấu trúc và chức năng, diện tích phân bố. Trong 1111 loài có mặt trong các hệ sinh thái đầm, hồ này có 13 loài quý hiếm có trong sách IUCN 2014 và sách đỏ Việt Nam 2007.
Tóm lại: Với tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, đa dạng sinh học Việt Nam không chỉ có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên, xã hội của dân tộc mà cònlà nguồn vốn tự nhiên, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái có giá trị to lớn đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia.
Đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực của đất nước; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu xây dựng và các nguồn nguyên liệu, dược liệu; cung cấp khoảng 80% lượng thủy sản khai thác từ vùng biển ven bờ và đáp ứng gần 40% lượng protein cho người dân.
Nghề thủy sản đem lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 8 triệu người và một phần thu nhập cho khoảng 12 triệu người. Các hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao cung cấp giá trị vô cùng to lớn cho các ngành giải trí ở Việt Nam đặc biệt là tài nguyên du lịch, với các loại hình du lịch sinh thái đang dần dần phát triển, hứa hẹn đem lại nhiều giá trị kinh tế.
Ngoài ra,các hệ sinh thái đặc biệt là các khu rừng nguyên sinh, các khu vực rừng ngập mặn ven biển, các hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển đang cung cấp dịch vụ điều tiết khí hậu,giảm nhẹ thiên tai, lọc không khí và nước, phân hủy các chất thải trong môi trường. Giá trị lưu giữ và hấp thụ cacbon của rừng Việt Nam có thể là nguồn tài chính các bon dồi dào, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học Việt Nam đã và đang đối diện với sức ép rất lớn trong khai thác, sử dụng, ô nhiễm môi trường đặc biệt là sự thu hẹp các diện tích nơi cư trú tự nhiên. Trong thời kỳ quy hoạch, việc kiểm kê, giám sát các nguồn tài nguyên đa dạng sinh học và đầu tư để duy trì, tái tạo các nguồn tài nguyên này sẽ là một trong những định hướng quan trọng, đảm bảo phát triển bền vững đất nước.
6. Hiện trạng quản lý chất thải rắn.
Chất thải rắn gia tăng nhanh chóng về số lượng, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý ở nước ta. Về tổng thể,Đông Nam Bộ là khu vực có mức phát sinh chất thải rắn cao nhất trong cả nước; tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Đồng bằng sông Cửu Long; Trung du và miền núi phía Bắc; khu vực Tây Nguyên có lượng phát sinh chất thải rắn thấp nhất so với các khu vực khác.
– Về chất thải rắn sinh hoạt, năm 2020, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 66.904 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 21.957 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 44.874 tấn/ngày). Các địa phương có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25% (trong đó có Đồng Nai, Hà Nội phát sinh trên 6.000 tấn/ngày).
Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 – 16 % mỗi năm. Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng mạnh ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. Thành phần chất thải thực phẩm trong chất thải rắn sinh hoạt chiếm tỷ lệ cao, đang thay đổi theo chiều hướng giảm dần, thành phần giấy, kim loại và đặc biệt là nhựa có xu hướng tăng dần (lượng chất thải nhựa chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt). Ước tính có gần 3,0 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trong năm 2020. chất thải rắn xây dựng chiếm khoảng 10-15% chất thải rắn đô thị cũng đang tăng mạnh.
Chất thải rắn sinh hoạt phần lớn chưa được phân loại tại nguồn, vẫn còn khoảng 8% lượng chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị và 34% ở khu vực nông thôn không được thu gom và thải bỏ trực tiếp vào môi trường, phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp (khoảng 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom được xử lý tại 904 bãi chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh; 16% được chế biến phân compost, 13% còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt (năm 2019).
Lượng rác thải nhựa được thu gom, xử lý, tái chế còn ít (chỉ khoảng 20%), tỷ lệ chất thải bao bì, túi ni lông trung bình tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt khoảng 6-8%. Điều này dẫn đến diện tích đất bị chiếm dụng lớn, môi trường khu vực chôn lấp bị ô nhiễm, sản phẩm compost chứa nhiều tạp chất nên khó tiêu thụ. Hoạt động tái chế chất thải còn mang tính, nhỏ lẻ, thiếu sự quản lý của địa phương, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề; phần lớn cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Chất thải rắn xây dựng nhìn chung bị đổ bừa bãi, chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt hoặc san lấp mặt bằng, hầu như chưa được tái chế (tỷ lệ tái chế chỉ 1-2%40). Phụ phẩm nông nghiệp chưa được tận dụng hết, còn bị thải bỏ/đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí. chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt khoảng 85% với 117 cơ sở xử lý được cấp phép (năm 2020), mặc dù đã có các loại chất thải nguy hại như dầu thải, ắc quy chì thải,… được tái chế nhưng hiện nay chưa có số liệu thống kê.
– Đối với chất thải rắn công nghiệp, ước tính năm 2019 phát sinh khoảng 25 triệu tấn trong đó có hơn 13 triệu tấn tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than. chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom, xử lý trên 90%; tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt hơn 50%. Cả nước có 27 nhà máy nhiệt điện đốt than đang vận hành với lượng tro, xỉ phát sinh năm 2020 khoảng 17 triệu tấn (tăng 04 triệu tấn so với năm 2019).
Lượng tro, xỉ tiêu thụ năm 2020 đạt khoảng 10,5 triệu tấn (tăng 04 triệu tấn so với năm 2019), chiếm hơn 62% tổng lượng phát sinh (so với khoảng 39,5% của năm 2018 và 50% của năm 2019). Khó khăn trong việc tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện tại các Trung tâm điện lực như Mông Dương, Duyên Hải đã được tháo gỡ, 100% lượng tro, xỉ phát sinh đã được bao tiêu hoàn toàn.
Lượng chất thải nguy hại ngày càng gia tăng, lượng chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh khoảng 1.590.987 tấn (tăng 457.910 tấn so với năm 2019) tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp nhẹ, luyện kim, điện tử, hóa chất. chất thải rắn công nghiệp nguy hại phát sinh tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp nhẹ, luyện kim, hóa chất.
Ngoài ra, một nguồn phát sinh chất thải nguy hại là từ các vụ vi phạm pháp luật trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa chất thải nguy hại chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, săm lốp cao su thải, vỏ ôtô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng (màn hình máy tính, bảng mạch điện tử thải,…) về Việt Nam.
– chất thải rắn y tế phát sinh trong năm có sự gia tăng, khoảng 23,9 nghìn tấn chất thải nguy hại y tế phát sinh, tăng hơn 2 nghìn tấn so với năm 2019. Lượng chất thải rắn y tế phát sinh không đồng đều tại các địa phương, chủ yếu tập trung ở các tỉnh/thành phố lớn. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn y tế tăng dần qua các năm, trong đó hầu hết cơ sở y tế cấp Trung ương, tỉnh, huyện đã thực hiện thu gom, xử lý chất thải rắn y tế. Tuy nhiên, tại các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa, cơ sở y tế quy mô nhỏ phát sinh ít chất thải, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn y tế gặp khó khăn.
– Lượng chất thải rắn nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) phát sinh lớn. Trong đó, chất thải rắn phát sinh do hoạt động trồng trọt là 995,14 nghìn tấn (chủ yếu là túi nilon, bao bì phân bón và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng), trong đó 919,36 nghìn tấn chất thải rắn từ cây hàng năm, 3,72 nghìn tấn từ cây ăn quả, 17,66 nghìn tấn từ cây công nghiệp lâu năm, 54,4 nghìn tấn từ cây rau. Ước tính mỗi năm phụ phẩm từ một số loại cây trồng chính phát sinh khoảng 125,57 triệu tấn. Lượng phân bón hóa học bị thất thoát, không được cây trồng hấp thụ, phát thải ra môi trường trong trồng trọt trên phạm vi cả nước là khoảng 386,78 kg/ha.
Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm của các trang trại và nông hộ trên cả nước năm 2021 khoảng 67,93 triệu tấn (tăng 10,7% so với năm 2020), 77.342,4 tấn chất thải nhựa vỏ bao bì nhựa vỏ bao bì thức ăn; chất thải rắn phát sinh từ hoạt động giết mổ của 10 tỉnh có số liệu là khoảng 142,8 nghìn tấn. Float động nuôi trồng thủy sản phát sinh khoảng 1.089,87 triệu tấn bùn thải, 288,46 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất thải rắn khác.
Chất thải rắn nông nghiệp nguy hại chủ yếu phát sinh từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp (chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật), hoạt động chăm sóc thú y (chai lọ đựng thuốc thú y, dụng cụ tiêm, mổ). Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2019, đã có 438.032 kg bao gói, chai đựng hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, trong đó đã tiêu huỷ 346.013 kg. Lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại trên vỏ bao bì, các chai lọ hoặc các gói hóa chất chiếm tới 1,85% tỷ trọng bao bì.
7. Đánh giá chung.
Trên cơ sở đánh giá diễn biến, hiện trạng chất lượng môi trường, một số vấn đề môi trường chính, nổi cộm trong thời gian qua được xác định như sau:
7.1. Chất lượng không khí, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm bụi tại các đô thị lớn vẫn diễn biến phức tạp.
Mặc dù có giảm vào một số thời điểm năm 2020-2021 do giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19, song nhìn chung cho cả giai đoạn 2011-2020, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng. Trong đó chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi (bao gồm bụi mịn PM2.5). Nguyên nhân chính là do:
(1) Số lượng lớn phương tiện cơ giới tham gia giao thông, trong đó có nhiều xe mô tô, xe gắn máy cũ lưu thông trong thành phố;
(2) Chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn làm phát sinh bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường,…;
(3) Còn tồn tại nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp quy mô lớn đang hoạt động và gây phát sinh nguồn khí thải lớn;
(4) Tác động của hoạt động đốt rác thải ngoài trời;
(5) Việc sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt vẫn còn tồn tại;
(6) Do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt; ngoài ra, bụi mịn, khí thải còn có nguồn gốc phát sinh từ xa, khu vực tỉnh, thành phố khác hoặc quốc gia khác (ô nhiễm liên vùng, ô nhiễm xuyên biên giới).
7.2. Ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, nhất là trên các sông, kênh, rạch vẫn tiếp tục gia tăng.
Tình hình ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, nhất là trên các sông, kênh, rạch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện. Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Theo báo cáo của Chính phủ (2020), hiện nay mới chỉ có 423/1951 làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 21,7%; tỷ lệ làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường mới đạt 16,1 %.
Cả nước hiện có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380 m3/ngày đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom,xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 13%, trong đó tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 21,35%. ở nông thôn, thực tế hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Tại một số lưu vực sông chính, nhất là lưu vực sông Nhuệ – Đáy, sông Bắc Hưng Hải, sông Cầu, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sài Gòn – Đồng Nai đoạn chảy qua các đô thị, khu dân cư, tình trạng ô nhiễm nước mặt vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa khô khi lưu lượng dòng chảy trên các sông này giảm mạnh. Cùng với đó là tình trạng đổ rác thải bừa bãi gây ô nhiễm, tắc nghẽn, thu hẹp dòng chảy, nhiều dòng sông không còn khả năng tự làm sạch do không có dòng chảy hoặc có nhưng không đáng kể và đã biến thành nơi dẫn, tiêu thoát, chứa nước thải.
7.3. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả.
Chất thải rắn sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý chưa hiệu quả (tỷ lệ tái chế thấp (~8-12%), gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, cảnh quan đô thị, nông thôn ở nhiều địa phương trên cả nước. Đến năm 2020, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị trung bình cả nước là 85,5%, nông thôn là 66%.
Như vậy, còn 14,5% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn không được thu gom và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh.Trong khi hiện nay chỉ có khoảng 30% trong số các bãi chôn lấp trên cả nước là bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
Hoạt động tái chế chất thải rắn sinh hoạt còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, thiết bị, máy móc cũ, gây ô nhiễm môi trường.
7.4. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương.
Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương đang là vấn đề báo động, đã đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta. Tại Việt Nam, cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế,sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ.
Trong tổng lượng chất thải nhựa thải bỏ, chỉ có một phần được thu hồi – tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp. Một lượng lớn rác thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển. Bên cạnh đó, việc quản lý rác thải nhựa tại các hải đảo, các khu du lịch biển, nhất là các bãi biển còn hạn chế.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tiêu thụ, sử dụng nhựa bình quân trên đầu người tại Việt Nam tăng tương đối nhanh từ 1990 – 2019 là 3,8 – 41,3 kg/người. Theo FAO (2019) ước tính mỗi năm Việt Nam thải bỏ ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.
Tại các đô thị của Việt Nam, tổng khối lượng các túi nhựa sử dụng là 10,48-52,4 tấn/ngày; chỉ khoảng 17% số túi này được tái sử dụng, số còn lại là loại dùng một lần và thải bỏ ra ngoài môi trường. Trong khi, nguồn rác thải nhựa tại Việt Nam được thu gom để xử lý hoặc tái chế vẫn còn rất ít (chỉ khoảng 20%).
Hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam còn rất sơ khai, một số cơ sở ngành nhựa đã thực hiện tái chế phế liệu thì quy mô còn nhỏ, hiệu quả tái chế thấp. Việc phân loại, thu gom chất thải nhựa có thể tái chế thường là mang tính chất tự phát ở quy mô hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do.
Chất thải nhựa phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt đã được thu gom. Túi ni lông sử dụng thường là loại túi siêu mỏng, khó phân hủy và bị thải bỏ sau một lần sử dụng do giá trị thu hồi để tái chế thấp. Tỷ lệ chất thải bao bì, túi ni lông trung bình tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt chiếm khoảng từ 6 – 8%.
7.5. Suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái trọng yếu.
Suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái trọng yếu thời gian qua đang trở thành vấn đề môi trường bức xúc. Theo số liệu thống kê qua các năm, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, 2.430 ha rừng tự nhiên bị mất đi. Lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt…
Bên cạnh đó, các hệ sinh thái rạn san hô, đất ngập nước cũng có dấu hiệu suy giảm do tác động của các hoạt động kinh tế – xã hội. Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên khác ở Việt Nam như rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều… có xu hướng suy giảm diện tích do các hoạt động chuyển đổi diện tích rừng sang sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, quai đê lấn biển, xói lở bờ biển…Theo đó, số loài và số cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà suy giảm, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Tác giả: Huỳnh Thành Đạt
Bạn đang xem bài viết:
Thành phần môi trường có khả năng bị tác động bởi quy hoạch
Link https://vnlibs.com/cong-nghe/thanh-phan-moi-truong-co-kha-nang-bi-tac-dong-boi-quy-hoach.html