Di sản thiên nhiên có khả năng bị tác động bởi quy hoạch

Việt Nam tự hào sở hữu một hệ thống di sản thiên nhiên phong phú và đa dạng, từ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia đến các vùng đất ngập nước và khu vực đa dạng sinh học cao.

Tuy nhiên, sự phát triển và quy hoạch đô thị đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo tồn những giá trị thiên nhiên quý báu này. Bài viết này tại VNLibs.com sẽ khám phá các đặc điểm của các khu bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng và các khu vực cảnh quan sinh thái, đồng thời đánh giá tác động của quy hoạch đến những di sản thiên nhiên này.

1. Đặc điểm các khu bảo tồn và vườn quốc gia.

Khái quát đặc điểm của Khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan.

Việt Nam sở hữu một hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia đa dạng và phong phú, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái quý giá. Các khu vực này không chỉ bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm mà còn góp phần duy trì cân bằng sinh thái và phát triển bền vững.

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu vào từng loại khu bảo tồn, từ các khu bảo tồn rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, đến khu bảo tồn đất ngập nước, để hiểu rõ hơn về đặc điểm và vai trò của chúng trong việc bảo vệ môi trường.

1.1. Các khu bảo tồn thiên nhiên.

Hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên bao gồm các khu bảo tồn rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia và cấp tỉnh đã đánh giá, công nhận và bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực và hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao của cả nước.

Kết quả thống kê hiện trạng các khu bảo tồn trên toàn quốc hiện có 176 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 2.506.860 ha theo phân loại như sau: 34 Vườn quốc gia, 64 khu dự trữ thiên nhiên; 21 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 57 khu bảo vệ cảnh quan.

Kết quả thống kê cho thấy, cùng với diện tích các hệ sinh thái rừng lớn, các khu bảo tồn thiên nhiên đang được phân bố chủ yếu tại khu vực Bắc Trung Bộ và đánh giá hiện trạng môi trường với diện tích 976 ngàn ha (tương đương 39% tổng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên).

Khu vực Trung Du và Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có diện tích khu vực được bảo tồn gần tương đương nhau, lần lượt chiếm 24% và 21% tổng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên. So với diện tích các hệ sinh thái rừng hiện có, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên giàu và trung bình, khu vực Trung Du và Miền núi phía Bắc còn nhiều tiềm năng để mở rộng các diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên các hệ sinh thái rừng.

1.2. Các hành lang đa dạng sinh học.

Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã rà soát và quy hoạch xây dựng 21 hành lang đa dạng sinh học nối liền các khu bảo tồn quan trọng trong cả nước. Tới nay, đã có 3 hành lang đa dạng sinh học được thành lập trên tổng diện tích 521.878,28 ha.

Bao gồm: Hành lang đa dạng sinh học kết nối khu bảo tồn loài – sinh cảnh Sao La, khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và khu bảo tồn loài – sinh cảnh Voi (Quảng Nam); hành lang đa dạng sinh học kết nối khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) và; hành lang đa dạng sinh học kết nối khu bảo tồn loài – sinh cảnh Sao La và khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên- Huế).

1.3. Các vùng đất ngập nước quan trọng.

Ở cấp quốc tế, Việt Nam đã có 9 vùng đất ngập nước được ban thư ký công ước Ramsar công nhận là các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Ở cấp quốc gia, việc điều tra, đánh giá và quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng của cả nước vẫn đang hoàn thiện và chưa ban hành được danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng cấp quốc gia và địa phương.

Hiện nay đã có danh mục khu vực đất ngập nước quan trọng được địa phương đề xuất đang được xem xét đưa vào danh mục phê duyệt các khu vực đất ngập nước quan trọng của cả nước.

1.4. Các khu vực đa dạng sinh học cao.

Khu vực đa dạng sinh học cao là khu vực tự nhiên có giá trị sinh học nổi bật hoặc quan trọng đối với tỉnh, vùng, quốc gia, quốc tế (Điều 20, Luật Bảo vệ Môi Trường 2020; Điều 3, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo Vệ Môi Trường).

Ngoài các khu bảo tồn, các vùng đất ngập nước quan trọng, các khu vực đa dạng sinh học cao khác đang được địa phương đề xuất và khoanh vùng. Ngoài ra, theo pháp luật về Thủy sản, các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng có thể được xem xét, đáp ứng tiêu chí là khu vực đa dạng sinh học cao. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, đã có 3 tỉnh ban hành danh mục các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản như sau:

Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định 2670/QĐ-UBND ngày 14/11/2011 về việc phê duyệt dự án quy hoạch bãi cá đẻ, bãi sinh vật thuỷ sản còn non thuộc hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình giai đoạn 2011 – 2015 và Quyết định 252/QĐ-UBND ngày 31/01/2018 về việc phê duyệt Quy hoạch bãi cá đẻ, bãi sinh vật thủy sản còn non thuộc hồ chứa thủy điện Sơn La đến năm 2020.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập và tổ chức quản lý 23 khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản với tổng diện tích được bảo vệ là 11.639,09 ha trên hệ thống đầm phá ven biển, trong đó diện tích vùng bảo vệ nghiêm ngặt là 614,2 ha,chiếm gần 3% diện tích vùng đầm phá.

Tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch và xác định được 15 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản với các đối tượng ngán, sá sùng.

1.5. Các khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng.

Cho đến nay, các khu vực có cảnh quan sinh thái quan trọng chưa được điều tra, đánh giá và lập danh mục cụ thể. Tuy nhiên, có thể xác định một số đối tượng cơ bản đáp ứng tiêu chí đã nêu gồm có:

– Các khu vực được khoanh vùng là các di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu Công viên Địa chất toàn cầu đáp ứng tiêu chí về “Có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc hiếm gặp của thiên nhiên” ở cấp toàn cầu.

– Các khu di sản ASEAN đáp ứng tiêu chí về “Có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc hiếm gặp của thiên nhiên” ở cấp khu vực.

– Các diện tích rừng phòng hộ, các khu vực danh lam thắng cảnh, các hành lang bảo vệ nguồn nước, các hành lang bảo vệ bờ biển đáp ứng tiêu chí về “Có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước,giữ cân bằng sinh thái, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cần bảo tồn”.

Đối với hệ thống rừng phòng hộ, theo kết quả công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020, tổng diện tích rừng phòng hộ của cả nước là 4,6 triệu ha (chiếm 25,3% rừng tự nhiên toàn quốc).

2. Hệ thống các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Hiện tại, trong cả nước có 07 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được UBND các tỉnh cấp phép. Những cơ sở này không nằm trong Danh mục quy hoạch của Quyết định số 45/QĐ-TTG về phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài các cơ sở bảo tồn đã được công nhận, theo Bộ Tài Nguyên Môi Trường (2021) về việc nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý,hiếm được ưu tiên bảo vệ trên cả nước hiện nay, tại 58/63 tỉnh, thành phố có tổng số 303 cơ sở nuôi loài được ưu tiên bảo vệ với tổng số 3.078 cá thể. Hầu hết các cơ sở này chưa đăng ký thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định. Ngoài ra, còn có 25 cơ sở bảo tồn loài thực vật.

Để bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen, hiện nay đã hình thành mạng lưới các cơ quan gồm một số đơn vị đầu mối và 68 đơn vị thuộc 6 Bộ/ngành tham gia thực hiện nhiệm vụ của Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen động, thực vật và vi sinh vật.

Công tác thu thập, lưu giữ bảo tồn nguồn gen được thực hiện hàng năm và tăng đáng kể. Đến năm 2020, đã thu thập được tổng cộng 88.968 nguồn gen, tăng 3,12 lần so với năm 201057, trong đó, đã đánh giá ban đầu 41.363 nguồn gen, đánh giá chi tiết 3.136 nguồn gen.

3. Di tích và danh lam thắng cảnh xếp hạng theo luật di sản văn hóa.

Khái quát về di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Việt Nam có 8 di sản vật thể được UNESCO vinh danh phân bố ở 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là: Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) Khu phố cổ Hội An, Khu di tích đền tháp Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); Thành nhà Hồ (Thanh Hóa); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Quần thể danh thắng Tràng An – Ninh Bình (Ninh Bình).

Cả nước có 123 di tích quốc gia đặc biệt sau 12 đợt xếp hạng (trong đó có 2 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ; 8 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; 1 di tích lịch sử và khảo cổ; 18 di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật; 3 di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật; 9 danh lam thắng cảnh đơn thuần; 4 di tích khảo cổ đơn thuần; 24 di tích kiến trúc nghệ thuật đơn thuần; 53 di tích còn lại là các di tích lịch sử đơn thuần) phân bố ở trên 80% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý Khu Di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mạng lưới di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt có xu hướng ngày càng mở rộng, có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các di sản văn hóa thế giới và nhiều di tích quốc gia đặc biệt trở thành môi trường tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thực hành di sản văn hóa phi vật thể và thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm văn hóa.

Hiện nay, trên phạm vi cả nước có khoảng 40 nghìn di tích các loại, trong số đó có 2.509 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia.Trong số các di tích được xếp hạng quốc gia có 915 di tích được tập trung tại các tỉnh,thành phố ven biển. Đáng chú ý nhất là 5 di sản văn hóa vật thể thế giới được UNESCO công nhận đều nằm ở các tỉnh ven biển (Tràng An -Ninh Bình,Thành Nhà Hồ – Thanh Hóa, Cố đô Huế – Thừa Thiên Huế, Đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn – Quảng Nam).

4. Di sản thiên nhiên được quốc tế công nhận.

Việt Nam hiện tại có 02 di sản thiên nhiên (Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Vịnh Hạ Long) và 1 di sản văn hóa và thiên nhiên (di sản hỗn hợp) (Quần thể danh thắng Tràng An) được UNESCO công nhận. Việt Nam cũng được UNESCO công nhận 03 danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho 03 khu vực là Cao nguyên đá Đồng Văn- Hà Giang (năm 2015); Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (năm 2018) và Công viên địa chất toàn cầu núi lửa Krông Nô – Đắk Nông.

Việt Nam có 9 khu dự trữ sinh quyển được công nhận trong đó có 6 khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo gồm: Cát Bà, vùng ngập nước Sông Hồng,rừng ngập mặn Cần Giờ, Cù Lao Chàm, Cà Mau, vùng ven biển và hải đảo Kiên Giang. 3 khu còn lại là khu dự trữ sinh quyển trên hệ sinh thái trên cạn là Đồng Nai, miền tây Nghệ An và Langbiang. Các khu vực đã được công nhận này đều thực hiện khoanh vùng và bảo vệ, bảo tồn ở các mức độ khác nhau theo các quy định, quy chế quản lý liên quan.

Tác giả: Huỳnh Thành Đạt


Bạn đang xem bài viết:
Di sản thiên nhiên có khả năng bị tác động bởi quy hoạch
Link https://vnlibs.com/cong-nghe/di-san-thien-nhien-co-kha-nang-bi-tac-dong-boi-quy-hoach.html

Hashtag: #BảoTồnĐaDạngSinhHọc #QuyHoạchBềnVững #DiSảnThiênNhiênViệtNam #disanvietnam #vnlibs #baotonthiennhien

Từ khóa: “Bảo tồn thiên nhiên”; “Đa dạng sinh học”; “Quy hoạch bền vững”; “Di sản thiên nhiên”; “Bảo vệ môi trường”; “Khu bảo tồn”; “Vườn quốc gia”; “Phát triển bền vững”; “Bảo tồn rừng”; “Bảo tồn biển”

Mọi người cũng tìm kiếm: “Bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam”; “Các khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng ở Việt Nam”; “Vai trò của vườn quốc gia trong bảo vệ môi trường”; “Quy hoạch đô thị và tác động đến di sản thiên nhiên”; “Phát triển bền vững và bảo tồn di sản thiên nhiên”; “Các biện pháp bảo vệ động thực vật quý hiếm”; “Tầm quan trọng của khu bảo tồn đất ngập nước”; “Chiến lược bảo tồn rừng đặc dụng tại Việt Nam”; “Bảo tồn biển và các khu bảo tồn biển ở Việt Nam”; “Cách bảo vệ các hệ sinh thái quý giá”; “Quản lý và bảo vệ các khu dự trữ thiên nhiên”; “Các thách thức trong việc bảo tồn loài và sinh cảnh”; “Tác động của biến đổi khí hậu đến các khu bảo tồn”; “Giá trị kinh tế của các khu bảo tồn thiên nhiên”; “Hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản thiên nhiên”