Điều kiện kinh tế xã hội khu vực có khả năng bị tác động bởi quy hoạch

Trong bối cảnh phát triển kinh tế nhanh chóng và đô thị hóa mạnh mẽ, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phát triển bền vững. Bài viết này tại VNLibs.com sẽ đi sâu vào phân tích các điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, từ đó đưa ra những giải pháp và chiến lược nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

1. Điều kiện về kinh tế.

Giai đoạn vừa qua, tốc độ phát triển kinh tế quốc gia ở mức đáng ghi nhận. Giai đoạn 2011 đến 2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016 đến 2019 tăng trưởng đạt 6,8%/năm, năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 2%, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 5,9%/năm.

Tính chung cả thời kỳ 2011 đến 2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020. Tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). Đại bộ phận người nghèo còn lại ở Việt Nam là dân tộc thiểu số, chiếm 86%.

Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến mạnh. tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 xuống 14,8%năm 2020; các khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (bao gồm cả thuế sản phẩm trừ trợ cấp) tăng tương ứng từ 81,1% lên 85,2%, vượt mục tiêu đề ra.

Cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao hơn. Tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong tổng số lao động cả nước giảm từ 48,6% năm 2010 xuống còn 34% năm 2020, đạt mục tiêu đề ra (30 – 35%). Tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 21,7% lên 30,3%; ngành dịch vụ từ 29,7% lên khoảng 35,7% trong cùng giai đoạn.

1.1. Nông lâm thủy sản.

Tốc độ tăng trưởng GTSX toàn ngành nông lâm thủy sản giai đoạn 2011 đến 2020 đạt 6,1%/năm, trong đó giai đoạn 2011 đến 2015 đạt 8,3%/năm, giai đoạn 2016 đến 2020 đạt 3,9%/năm, chủ yếu do sản xuất nông nghiệp giữ mức phát triển ổn định và có sự tăng trưởng tương đối nhanh của ngành lâm nghiệp và thủy sản.

Giai đoạn 2011 đến 2020 giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 5,8%/năm; lâm nghiệp tăng 6,7%/năm và thủy sản tăng 7%/năm. Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tăng mạnh, thị trường tiêu thụ được mở rộng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 21,8 tỷ USD năm 2011 lên khoảng 41 tỷ USD năm 2020, tăng bình quân khoảng 7,3%/năm.

Xu thế biến đổi chung về tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011 đến 2020 là: sau khi ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với một số quốc gia thì tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam đã giảm đi do tác động tiêu cực của giá cả thị trường thế giới về vật tư và sản phẩm (giá vật tư tăng nhanh, trong khi giá nông sản tăng chậm, tạo ra giá cánh kéo bất lợi cho sản xuất) và gia tăng các rào cản thương mại về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Về cơ cấu lại nông nghiệp: Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực hướng vào phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, miền, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực. Sản xuất nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững.

Nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, đạt bình quân khoảng 3%/năm. Hình thành nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp tăng; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng được thương hiệu của một số nông sản chủ lực.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được chú trọng, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất,chất lượng và hiệu quả cao. Khoa học, công nghệ đóng góp trên 30% tổng giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Chất lượng nhiều loại sản phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

1.2. Công nghiệp và Xây dựng.

Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và dịch chuyển dần từ các ngành thâm dụng lao động (dệt may, da giày) sang các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện tử, viễn thông).

Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt mức tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế cả nước với mức tăng khoảng 5,69% so với năm 2019, tuy thấp hơn nhiều mức tăng của năm 2018 (13,6%) và 2019 (11,1%) do ảnh hưởng từ Covid-19, nhưng vẫn đảm bảo duy trì mức tăng của giai đoạn 05 năm 2016-2020 đạt 10,7%/năm.

Tỷ trọng giá trị tăng thêm công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế cả nước tăng từ 17,6% năm 2010, tăng lên 21,4% năm 2015 và đến năm 2020,chiếm khoảng 24,7%. Một số ngành công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là các ngành/sản phẩm điện tử; cơ khí chế tạo, lắp ráp; dệt may da giày; năng lượng.

Nền kinh tế nước ta đã và đang thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngành khai thác khoáng sản và tài nguyên khi trong giai đoạn 05 năm (2016 – 2020) ngành khai khoáng tăng trưởng âm (đạt -5,15%/năm) và đưa tỷ trọng của nhóm ngành này tiếp tục có xu hướng giảm dần trong cơ cấu công nghiệp và nền kinh tế cả nước, từ 25,3% năm 2010 giảm xuống 14,6% năm 2015 và đến năm 2020 chỉ còn chiếm gần 8% trong cơ cấu ngành công nghiệp.

Về cơ cấu lại khu vực công nghiệp – xây dựng: Cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo. Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 65% năm 2011 lên 85%năm 2020; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng từ 38% năm 2010 lên 77,7% năm 2019.

1.3. Dịch vụ.

Trong những năm gần đây, hoạt động thương mại của cả nước đã có những chuyển biến tích cực, và có đóng góp nhất định vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước. Mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại quốc gia được cải thiện từng bước, các loại hình tổ chức thương mại mới đã hình thành, các kênh phân phối hàng hóa công nghiệp và nông sản đã được định hình góp phần hỗ trợ sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn cả nước.

Hạ tầng thương mại phát triển mạnh mẽ, hợp lý và tương đối đồng đều, làm thay đổi diện mạo hệ thống phân phối, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội và quá trình hội nhập. Có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại,…).

Về cơ cấu lại khu vực dịch vụ: Cơ cấu lại khu vực dịch vụ được triển khai tích cực theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ. Số lao động làm việc trong khu vực dịch vụ tăng từ 14,5 triệu lao động năm 2010 lên khoảng 19 triệu lao động vào năm 2020. Giai đoạn 2011 – 2020, tăng trưởng của ngành dịch vụ ước đạt 6,4%/năm, cao hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế (5,9%/năm).

1.4. Du lịch.

Cho đến năm 2019, du lịch Việt Nam có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ, cả về thị trường, sản phẩm du lịch và hệ thống các điểm đến hết sức đa dạng. Trong giai đoạn 2011 – 2019, lượng khách du lịch của Việt Nam đã tăng trưởng hết sức mạnh mẽ, từ mức 6 triệu lượt khách quốc tế và 30 triệu lượt khách nội địa vào năm 2011 đã tăng lên tới trên 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa vào năm 2019.

Trong đó, năm 2017 được ghi nhận là năm thị trường khách quốc tế tăng mạnh nhất tới gần 30% so với năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng trung bình thị trường khách quốc tế trong cả giai đoạn đạt 14,7%/năm.

Đặc biệt, giai đoạn 2016-2019 ngành du lịch đã có bước bứt phá mạnh mẽ được thể hiện qua sự tăng trưởng của cả thị trường khách quốc tế, thị trường khách nội địa và giá trị tổng thu từ khách du lịch. Cụ thể trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng của thị trường khách quốc tế là 22,8%/năm, của thị trường khách nội địa là 11,1%/năm và giá trị tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình 21,9%/năm.

Trong thời kỳ 2011 – 2019, hệ thống cơ sở lưu trú của cả nước tăng từ 256.739 buồng vào năm 2011 lên tới 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 buồng vào năm 2019 trong đó bao gồm 171 khách sạn 5 sao được công nhận với 57.751 buồng, 295 khách sạn 4 sao với 39.347 buồng.

Trong giai đoạn thực hiện Quy hoạch (2011 – 2019), tốc độ tăng trưởng bình quân số buồng lưu trú hàng năm đạt khoảng 12,3%, công suất sử dụng buồng trung bình hàng năm đạt khoảng 58%. Không chỉ phát triển mạnh về số lượng, chất lượng của hệ thống cơ sở lưu trú cũng được cải thiện đáng kể.

Số lượng các khách sạn đạt chuẩn 4 sao đến 5 sao tăng lên mạnh mẽ, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc. Cũng trong giai đoạn này, số lao động trực tiếp ngành du lịch tăng từ 371.980 người vào năm 2011 lên tới khoảng 1.023.00 người vào năm 2019.

Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu gây ra những tác động hết sức to lớn đối với ngành du lịch. Đại dịch Covid-19 được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá là đưa ngành du lịch quay trở lại trình độ phát triển của 30 năm trước.

Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,8 triệu lượt khách quốc tế (khách quốc tế chỉ có trong 3 tháng đầu năm), khách nội địa giảm 50% toàn ngành thiệt hại khoảng 530 nghìn tỷ đồng. Tác động của đại dịch là hết sức nghiêm trọng tới toàn bộ hệ thống: các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở ăn uống, mua sắm… và đặc biệt là đội ngũ lao động du lịch.

Hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đô thị theo hướng đồng bộ, xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 39,3% năm 2020.

Mạng lưới đô thị phân bố tương đối đồng đều, trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của từng vùng và trên cả nước. Các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng chủ đạo, lan tỏa tri thức, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cạnh tranh, hội nhập quốc tế, đa dạng hoá các hoạt động kinh tế, tác động lớn đến sự phát triển nền kinh tế thị trường năng động. Một số khu vực có tốc độ đô thị hoá cao, đóng góp cho tăng trưởng lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh; Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Khánh Hoà, Ninh Thuận; An Giang, Kiên Giang.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Hạ tầng kinh tế – xã hội cải thiện rõ rệt, diện mạo mới cho nông thôn có nhiều khởi sắc; các thiết chế văn hoá được củng cố, phát huy hiệu quả; qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, kết nối thị trường và nâng cao đời sống người dân.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm so với mục tiêu Chiến lược đề ra; đến hết năm 2019 cả nước có 54% số xã và 111 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng, tăng từ 278 nghìn km năm 2010 lên khoảng 580 nghìn km năm 2020; xây dựng trên 16 nghìn công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 99,7% số xã đã có trường tiểu học và mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế; 58,6% số xã có nhà văn hoá.

Nhìn chung: Tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh của Việt Nam đã để lại nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tổng mức tiêu thụ điện tăng gấp ba lần trong vòng mười năm qua, nhanh hơn mức tăng sản lượng điện. Với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhiên liệu hóa thạch, ngành năng lượng phát thải gần hai phần ba tổng phát thải khí nhà kính của cả nước. Nhu cầu cấp thiết là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới – với mức tăng khoảng 5% mỗi năm. Nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng cao, trong khi năng suất nước vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 12% so với chuẩn thế giới.

Tình trạng khai thác thiếu bền vững tài nguyên thiên nhiên như cát, thủy sản và gỗ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng dài hạn. Bên cạnh đó, đại đa số người dân và nền kinh tế Việt Nam đều dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế và dân số tăng nhanh đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn về quản lý chất thải và xử lý ô nhiễm. Lượng rác thải của Việt Nam dự báo tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới. Bên cạnh đó là vấn đề rác thải nhựa đại dương.

Theo ước tính, 90% rác thải nhựa đại dương toàn cầu được thải ra từ 10 con sông, trong đó có sông Mê Kông. Việt Nam cũng là một trong mười quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí. Ô nhiễm nguồn nước đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với năng suất của các ngành quan trọng và với sức khỏe của người dân.

Chính phủ đang nỗ lực giảm thiểu tác động của tăng trưởng lên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Nhiều chiến lược và kế hoạch để thúc đẩy tăng trưởng xanh và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên đang được thực thi.

2. Điều kiện văn hóa – xã hội.

Quốc gia Việt Nam đã chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể trong các điều kiện văn hóa – xã hội. Những thay đổi này không chỉ phản ánh sự phát triển kinh tế mà còn cho thấy sự chuyển biến trong lối sống và tư duy của người dân. Từ sự gia tăng dân số đến sự đa dạng văn hóa, mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của đất nước.

2.1. Dân số.

2.1.1. Quy mô, cơ cấu dân số.

Dân số của Việt Nam đạt 97,58 triệu người năm 2020, tăng 10,5 triệu người so với năm 2010. Quy mô dân số nước ta đứng thứ 15 trên thế giới, xếp thứ ba so với các quốc gia trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Philippines). Tốc độ tăng dân số trung bình giai đoạn 2011 đến 2020 đạt 1,15%, trong đó giai đoạn 2016 đến 2020 đạt 1,25%, cao hơn giai đoạn 2011 đến 2015 ở mức 1,05%.

Mật độ dân số tăng liên tục trong giai đoạn 2011 đến 2020, từ 265 người/km2 năm 2011 lên mức 293 người/km2 năm 2020 và hiện đang đứng đầu khu vực ASEAN. Trong các vùng, vùng Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số cao nhất cả nước (1.071 người/km2), xếp thứ hai là vùng Đông Nam Bộ (778 người/km2), đứng thứ ba là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (422 người/km2).

Về cơ cấu theo giới tính: dân số nữ chiếm tỷ trọng trên 50%, cao hơn tỷ trọng dân số nam. Tuy nhiên, cơ cấu dân số theo giới tính có sự chuyển dịch nhẹ theo hướng tăng tỷ trọng dân số nam từ 49,46% năm 2010 lên 49,8% năm 2020.

Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong thời gian qua đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số thành thị – nông thôn. Năm 2020, dân số thành thị trung bình đạt 35,9 triệu người, tăng 9,4 triệu người so với năm 2010 và làm gia tăng tỷ trọng dân số thành thị trong tổng dân số từ 30,4% năm 2010 lên 36,8% năm 2020.

Kết quả Điều tra biến động dân số năm 2020 cho thấy tỷ trọng dân số từ 15 tuổi đến 64 tuổi chiếm 67,8%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm lần lượt là 24,2% và 8,0% (Trích dữ liệu từ Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2022). Như vậy, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” (số người trong độ tuổi lao động lớn gấp 02 lần số người phụ thuộc).

Tỷ số phụ thuộc chung của dân số năm 2020 là 47,6%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2019 (47,1%), tức là cứ 100 người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 sẽ hỗ trợ (bù đắp) cho khoảng gần 50 người phụ thuộc (bao gồm trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 65 tuổi).

Năm 2020, chỉ số già hóa đạt 51,0%, tức là cứ 100 trẻ em dưới 15 tuổi thì có 51 người già từ 60 tuổi trở lên. Dự báo dân số cho thấy, chỉ số già hóa sẽ tăng mạnh trong những năm tới và đến năm 2036, con số này đạt xấp xỉ 100%, tức là số người già bằng với số trẻ em.

Nước ta đang ở trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, có cơ hội khai thác, tận dụng được lực lượng lao động dồi dào và một thị trường có sức mua lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nếu không có một giải pháp, chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ bỏ lỡ “cơ hội vàng”. Đồng thời, đối diện với những thách thức về giáo dục – đào tạo, việc làm, y tế chăm sóc sức khỏe, an ninh, trật tự xã hội…

Ngoài cơ cấu dân số vàng, Việt Nam cũng đang đứng trước xu hướng già hóa dân số ngày càng rõ nét (tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số tăng nhanh từ 9,9% năm 2011 lên 11,86% năm 2019, dự báo sẽ tăng lên đạt khoảng 20% vào năm 2038), đặt ra nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe, an sinh phúc lợi xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi.

2.1.2. Phân bố dân cư.

Dân số phân bố tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ gắn với hai trung tâm kinh tế lớn và Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dân số vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2020 là 22,9 triệu người, chiếm 23,5% dân số cả nước, với mật độ dân số là 1.078 người/km2. Đồng bằng sông Hồng là vùng tập trung đông dân cư nhất cả nước. Tỷ trọng dân số của vùng Đồng bằng sông Hồng gia tăng từ 22,8% năm 2011 lên 23,5% năm 2020. Mật độ dân số cũng tăng tương ứng từ 952 người/km2 lên 1.078 người/km2.

Vùng Đông Nam Bộ có quy mô dân số đạt 18,3 triệu người năm 2020, chiếm 18,8% tổng dân số cả nước. Là vùng có mật độ dân số cao thứ hai, sau vùng Đồng bằng sông Hồng với mức 779 người/km2 năm 2020. Quy mô và mật độ dân số của vùng liên tục tăng trong thời gian vừa qua với mức tăng về quy mô là 14,8 triệu năm 2010 lên 18,3 triệu năm 2020 và mật độ dân số tăng tương ứng từ 627 người/km2 lên 779 người/km2.

Vùng Tây Nguyên là vùng có dân số và mật độ dân số thấp nhất cả nước. Dân số của vùng chỉ chiếm 6% dân số cả nước, và mật độ dân số là 109 người/km2 (năm 2020), bằng 1/10 mật độ dân số vùng Đồng bằng sông Hồng và 1/8 mật độ dân số vùng Đông Nam Bộ.

2.2. Đặc điểm dân tộc.

Việt Nam có 54 dân tộc gồm dân tộc Kinh và 53 dân tộc thiểu số Tính đến 01/4/2019, quy mô dân số của 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam đạt 14,1 triệu người (tăng gần 1,9 triệu người so với năm 2009). Tốc độ tăng dân số bình quân/năm giai đoạn 2009 đến 2019 của các dân tộc thiểu số đạt 1,42%, cao hơn tốc độ tăng bình quân/năm của dân tộc Kinh (1,09%).

Trong đó, một số dân tộc thiểu số có tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm giai đoạn 2009 đến 2019 ở mức khá cao như dân tộc Ngái (4,66%), Cơ Lao (4,18%), Rơ Măm (3,82%), Bố Y (3,52%). Ngược lại, một số dân tộc thiểu số có tốc độ tăng dân số bình quân/năm thấp như: dân tộc Hoa, Khmer, Lô Lô.

Năm 2019, cả nước có trên 14,1 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 14,68% so với tổng dân số cả nước. Cơ cấu dân số theo giới tính khá cân bằng, dân số nam là 7,02 triệu người; nữ là 6,98 triệu người. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành từng cộng đồng, làng bản, khu dân cư. Nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số có thói quen sinh sống, sản xuất tại các vùng núi cao. Các hoạt động kinh tế chủ yếu của đồng bào là trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh nhỏ lẻ.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số với 56,15% tổng số người dân tộc thiểu số (khoảng 7 triệu người). Một số tỉnh trong vùng có số lượng người dân tộc thiểu số lớn như: Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn,Hòa Bình, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai.

Người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng Trung Du và miền núi phía Bắc phần lớn là người dân tộc Tày, Mông, Thái, Mường, Nùng và Dao. Ngoài ra, Tây Nguyên cũng là vùng tập trung đông người dân tộc thiểu số với 37,65% tổng số người dân tộc thiểu số (khoảng 2,2 triệu người), chủ yếu là người dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Ba Na và Cơ Ho. (Trích dữ liệu từ Nguồn: Kết quả Tổng điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019).

Tác giả: Huỳnh Thành Đạt


Bạn đang xem bài viết:
Điều kiện kinh tế xã hội khu vực có khả năng bị tác động bởi quy hoạch
Link https://vnlibs.com/cong-nghe/dieu-kien-kinh-te-xa-hoi-khu-vuc-co-kha-nang-bi-tac-dong-boi-quy-hoach.html

Hashtag: #kinhte #danso #dantoc #dichvu #dulich #congnghiep #nongnghiep #vnlibs #nonglam #thuysan #VietnamCulture #SustainableDevelopment #SocialConditions

Từ khóa: “Phát triển bền vững”; “Văn hóa Việt Nam”; “Dân số Việt Nam”; “Đô thị hóa”; “Tăng trưởng xanh”; “Bảo tồn văn hóa”; “Phân bố dân cư”; “Đặc điểm dân tộc”; “Kinh tế Việt Nam”; “Chất lượng cuộc sống”

Mọi người cũng tìm kiếm: “Phát triển bền vững và điều kiện văn hóa – xã hội ở Việt Nam”; “Tác động của phát triển kinh tế đến văn hóa – xã hội Việt Nam”; “Chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh đô thị hóa ở Việt Nam”; “Phân tích điều kiện văn hóa – xã hội và tăng trưởng xanh tại Việt Nam”; “Giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực từ phát triển kinh tế đến văn hóa – xã hội”; “Vai trò của dân số trong phát triển bền vững ở Việt Nam”; “Đặc điểm dân tộc và sự phát triển bền vững tại Việt Nam”; “Phân bố dân cư và tác động đến điều kiện văn hóa – xã hội”; “Quy mô và cơ cấu dân số ảnh hưởng đến phát triển bền vững”; “Chiến lược bảo tồn văn hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế”; “cultural heritage Vietnam sustainable development”; “di sản văn hóa việt nam phát triển bền vững”.