Dưới tác động của biến đổi khí hậu, môi trường tự nhiên đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Từ sự gia tăng nhiệt độ, thay đổi lượng mưa đến hiện tượng thời tiết cực đoan, tất cả đều đang ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và sinh kế của con người. Đặc biệt, Việt Nam – một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu – đang chứng kiến những biến đổi rõ rệt trong các yếu tố khí hậu và môi trường.
Bài viết này tại VNLibs.com sẽ đi sâu vào phân tích những diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, từ đó đưa ra những giải pháp cần thiết để ứng phó và giảm thiểu hậu quả.
1. Diễn biến biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Theo báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia năm 2020, biến đổi khí hậu tại Việt Nam thể hiện ở 5 biểu hiện chính và diễn biến được trình bài tóm tắt như sau:
1.1. Nhiệt độ.
Nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng trung bình toàn Việt Nam 0,89°C giai đoạn 1958 đến 2018, riêng giai đoạn 1986-2018 tăng 0,74°C.
Tính trung bình trên cả nước, nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng 0,89°C/61 năm, trung bình 0,15°C/thập kỷ, ở ngưỡng thấp của mức tăng trung bình toàn cầu (0,15-0,2°C/thập kỷ trong giai đoạn gần đây, IPCC, 2018). Tuy nhiên, tốc độ tăng rất khác nhau giữa hai nửa thời kỳ, trong 27 năm đầu (1958- 1985) tăng rất ít, chỉ 0,15°C, trung bình 0,056°C/thập kỷ; trong 33 năm sau (1986-2018) tăng đến 0,74°C; trung bình 0,22°C/thập kỷ.
Như vậy, mức tăng của nhiệt độ trung bình năm tăng dần theo các thập kỷ, tăng mạnh nhất trong thập kỷ gần đây (2011 đến 2018). Đặc biệt, trong những năm gần đây được xem là những năm có nền nhiệt trung bình cả nước cao nhất từ khi có số liệu quan trắc từ năm 1958 đến nay, và khoảng trên 30% số trạm trên phạm vi cả nước đã ghi nhận được các kỷ lục về nhiệt độ tối cao ở Việt Nam.
Mức tăng của nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1958-2018 khác nhau giữa 4 mùa: mùa Đông (XII-II); mùa Xuân (III-V); mùa Hè (VI-VIII) và mùa Thu (IX-XI). Trên các vùng khí hậu, nhìn chung mùa thu vẫn là mùa có biến đổi nhiều nhất và mùa Hè hay mùa Xuân vẫn là mùa có biến đổi ít nhất.
1.2. Lượng mưa.
Lượng mưa năm, tính trung bình trên phạm vi cả nước có xu thế tăng nhẹ 2,1% trong giai đoạn 1958-2018, nhưng có xu thế giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam.
Trong giai đoạn từ năm 1958 đến năm 2018, lượng mưa năm tính trung bình cho cả nước có xu thế tăng nhẹ, với mức tăng 2,1% trong 61 năm. Lượng mưa năm có xu thế giảm ở phần lớn diện tích phía Bắc và phần phía Tây của Tây Nguyên và có xu thế tăng ở phần lớn diện tích phía Nam, nhiều nhất ở Nam Trung Bộ.
Tính cho từng vùng khí hậu, lượng mưa các mùa có xu thế tăng trên hầu hết các mùa và tăng nhiều nhất vào mùa Đông, riêng đối với mùa Thu, mùa Hè có xu thế giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc.
1.3. Bão và áp thấp nhiệt đới.
Số cơn bão ảnh hưởng trung bình hàng năm là khoảng 12-13 cơn bão và hầu như năm nào cũng có bão. Những năm gần đây hiện tượng dông, tố lốc, bão và áp thấp nhiệt đới ngày càng có xu hướng nhiều lên, cường độ bão mạnh hơn, hướng di chuyển cũng như thời gian ảnh hưởng của bão thay đổi nhiều so với trước đây, mức độ phức tạp ngày càng cao cả về cường độ và tần suất.
Trung bình hàng năm có khoảng từ 12 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (gọi chung là xoáy thuận nhiệt đới) hoạt động trên Biển Đông. Số xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông dao động mạnh mẽ từ năm này qua năm khác, nhiều nhất lên tới 20 cơn vào năm 2017; 19 cơn vào năm 1964, 2013; 18 cơn vào năm 1989, 1995 nhưng chỉ 4 cơn vào năm 1969; 6 cơn vào năm 1963, 1976, 2014, 2015. Số xoáy thuận nhiệt đới đổ bộ hoặc ảnh hưởng đến Việt Nam cũng có những dao động tương tự.
Phân tích xu thế cho thấy, số xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, có xu thế tăng nhẹ trong khi số xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng và đổ bộ vào Việt Nam không có xu thế tăng/giảm rõ ràng. Thời kỳ từ năm 1990 đến năm 2018, có 86 cơn bão mạnh (từ cấp 12 trở lên), trung bình mỗi năm có 2 đến 3 cơn bão.
Bão mạnh thường xảy ra từ tháng 8 đến tháng 12, cao điểm vào các tháng 9, tháng 10 và tháng 11. Các cơn bão mạnh có xu thế tăng nhẹ, thời gian hoạt động muộn hơn, đường đi lệch hơn về phía Nam và đổ bộ vào khu vực phía Nam nhiều hơn. Trích dữ liệu từ Nguồn: Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, 2021.
1.4. Thời tiết cực đoan.
Số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên phạm vi cả nước. Số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc. Số tháng hạn có xu thế tăng ở khu vực phía Bắc, giảm ở Trung Bộ và phía Nam lãnh thổ. Trong đó, tăng nhiều nhất ở Đồng bằng Bắc Bộ, giảm nhiều nhất ở Nam Trung Bộ.
Lượng mưa cực trị (Rx1 day, Rx5 day) có xu thế giảm nhiều ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ và có xu thế tăng nhiều ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Khả năng tác động của ENSO đến thời tiết, khí hậu Việt Nam có sự gia tăng. Như vậy, sẽ có hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ và mưa.
Các cực trị cũng như hiện tượng cực đoan về mưa có xu thế biến đổi khác nhau trên các vùng khí hậu của Việt Nam, giảm ở hầu hết các trạm thuộc Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và tăng ở phần lớn trạm thuộc các vùng khí hậu khác. Trong những năm gần đây, mưa lớn xảy ra bất thường hơn về thời gian, địa điểm, tần suất và cường độ.
Ví dụ như mưa lớn kỷ lục ở Hà Nội và các khu vực lân cận, với lượng mưa quan trắc được trong 6 giờ, từ 19 giờ ngày 30/10/2008 đến 01 giờ ngày 1/11/2008 lên tới 408 mm. Mưa lớn vào tháng 10/2010 từ Nghệ An đến Quảng Bình với tổng lượng mưa 10 ngày lên đến 700÷1600 mm, chiếm khoảng 50% tổng lượng mưa năm.
Trận mưa lớn ở Quảng Ninh vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/2015 lập kỷ lục về cường độ mưa trên phạm vi hẹp, từ 23/07/2015 đến 04/08/2015, tổng lượng mưa lên đến 1000÷1300 mm, riêng tại Cửa Ông gần 1600 mm. Mưa lớn không chỉ xảy ra trong mùa mưa mà cả trong mùa khô, điển hình đợt mưa trái mùa từ 24/3/2015 đến 27/3/2015 ở Thừa Thiên Huế – Quảng Ngãi với lượng mưa phổ biến 200÷500 mm.
Năm 2019, trong đợt mưa lớn kéo dài 8 ngày, từ ngày 2/8/2019 đến ngày 9/8/2019 ở Phú Quốc, lượng mưa lên đến 1158 mm, riêng ngày 9/8/2019 là 358 mm. Gần đây nhất, đợt mưa lớn từ ngày 6/10/2020 đến 13/10/2020 ở Quảng Trị và Huế, với tổng lượng mưa cả đợt từ 1000mm đến xấp xỉ 2300mm.
1.4.1. Số ngày mưa lớn.
Số ngày mưa lớn (ngày có lượng mưa ≥ 50mm) có xu thế tăng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và giảm ở Tây Nguyên, Nam Bộ; phổ biến từ giảm 3 ngày đến tăng 5 ngày cho cả 58 năm. Số ngày mưa lớn tăng nhiều nhất (10,4 ngày) ở trạm Ba Tơ (Quảng Ngãi) và giảm nhiều nhất (12,8 ngày) ở trạm Càng Long (Trà Vinh).
1.4.2. Lượng mưa cực trị.
Trong 58 năm qua, lượng mưa một ngày lớn nhất (Rx1 Day) có xu thế tăng ở trung tâm vùng Đông Bắc, hầu hết tỉnh duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, phổ biến từ 20% đến 60%, có xu thế giảm ở hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ, một phần Bắc Trung Bộ, cực Nam Trung Bộ và hầu khắp Tây Nam Bộ.
Lượng mưa năm ngày lớn nhất (Rx5 day) có xu thể tăng ở hầu khắp cả nước, phổ biến từ 5% đến 40%, nhiều nhất ở Trung Bộ, giảm ở Tây Bắc, một phần Đông Bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, phổ biến từ 2% đến 20%.
1.4.3. Nhiệt độ cao nhất năm.
Theo số liệu quan trắc giai đoạn từ năm 1961 đến năm 2018, nhiệt độ cao nhất trung bình năm (Tx) có xu thế tăng trên hầu khắp cả nước, phổ biến từ 0,2°C đến 1,7°C; tăng tương đối nhiều ở Đồng bằng Bắc Bộ, phía Nam của vùng Đông Bắc, phía Bắc của vùng Bắc Trung Bộ và phía Đông của Nam Bộ, có nơi lên đến 2,1°C, tăng tương đối ít ở Tây Bắc, Nam Trung Bộ và phía tây của Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhiệt độ cao nhất trung bình năm có xu thế giảm ở một vài nơi thuộc Tây Bắc và Tây Nguyên với mức giảm 0,2°C đến 0,6°C/58 năm.
Theo số liệu quan trắc trên 150 trạm cập nhật đến tháng 5 năm 2020, phần lớn kỷ lục cao của nhiệt độ được ghi nhận trong những năm gần đây: trạm Tuyên Hóa (Quảng Bình) ghi nhận kỷ lục 43,0°C vào tháng 4/2019, tại trạm Lào Cai ghi nhận kỷ lục 41,8°C vào ngày 22/5/2020. Kỷ lục nhiệt độ cao nhất của Việt Nam là 43,4°C quan trắc được vào ngày 20/4/2019 tại trạm Hương Khê (HàTĩnh). Đáng chú ý là các kỷ lục cao của nhiệt độ chủ yếu được ghi nhận vào những năm El Nino hoạt động (1987, 1997, 2010, 2015, 2017, 2019).
1.4.4. Nhiệt độ thấp nhất năm.
Trong giai đoạn 1961 đến 2018, nhiệt độ thấp nhất trung bình năm (Tm) có xu thế tăng trên phạm vi cả nước với mức tăng nhiều nhất lên đến 1,8°C ở Tây Nguyên, 1,5°C ở Tây Bắc; 1,3°C ở Bắc Trung Bộ; 1,2°C ở Đông Bắc, Nam Bộ và ít nhất là 1,0°C ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ.
Theo số liệu quan trắc của 150 trạm khí tượng trên cả nước, nhiệt độ thấp nhất ở Việt Nam được ghi nhận là -4,7°C tại trạm Cò Nòi (Sơn La) ngày 02 tháng 01 năm 1974. Năm 2008 miền Bắc trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày (từ 13/1/2008 đến 20/2/2008), băng tuyết xuất hiện trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), nhiệt độ thấp nhất xuống đến -2÷-3°C.
Mùa đông 2015 đến 2016, rét đậm, rét hại diện rộng ở miền Bắc tuy không kéo dài nhưng tại các vùng núi cao như Pha Đin, Sapa hay Mẫu Sơn, nhiệt độ thấp nhất ghi nhận được tại trạm Sapa là -4,2°C, trạm Mẫu Sơn -4,4°C, Pha Đin -4,3°C; băng tuyết xuất hiện ở nhiều nơi, đã nhiều lần có tuyết và cả ở những nơi trong lịch sử chưa hề có tuyết như Ba Vì (Hà Nội) và Kỳ Sơn (Nghệ An).
1.4.5. Số ngày nắng nóng.
Trong giai đoạn 1961 đến 2018, số ngày nắng nóng (ngày có Tx ≥ 35°C) có xu thế tăng trên hầu hết các vùng khí hậu, phổ biến từ 10 đến 40 ngày, tương đối nhiều ở phía Nam vùng Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
1.4.6. Số ngày rét đậm và rét hại.
Trong giai đoạn 1961 đến 2018, số ngày rét đậm (số ngày có nhiệt độ trung bình ngày Ttb ≤ 15°C) có xu thế giảm rõ rệt, phổ biến từ 10 đến 25 ngày/58 năm. Số ngày rét hại (số ngày có Ttb ≤ 13°C) có xu thế giảm trên miền khí hậu phía Bắc, phổ biến từ 5 đến 20 ngày/58 năm.
1.5. Gia tăng nước biển và xâm nhập mặn.
Rủi ro xâm nhập mặn tăng cao. Dưới tác động của nước biển dâng, hạn hán khắc nghiệt, số ngày khô liên tục tăng lên và thay đổi nguồn nước ở thượng lưu do biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển khác, đặc biệt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Dữ liệu được trích từ Nguồn: Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia 2021).
1.6. Thay đổi mực nước biển và sóng biển.
Tại hầu hết các trạm quan trắc (13/15 trạm), mực nước biển có xu thế tăng, với tốc độ mạnh nhất khoảng trên 6mm/năm tại các trạm Cửa Ông, Bạch Long Vỹ và Côn Đảo. Trong khi đó, mực nước lại có xu thế giảm tại trạm Cô Tô và Hòn Ngư. Tính trung bình, mực nước tại các trạm hải văn dải ven biển Việt Nam có xu hướng tăng khoảng 2,7 mm/năm.
Độ cao sóng tại hầu hết các trạm có xu thế giảm, trong đó giảm mạnh nhất tại trạm Bạch Long Vĩ (38 mm/năm), sau đó là Cô Tô (25,8 mm/năm) và Hòn Ngư (18,3 mm/năm). Tại trạm Bãi Cháy sóng biển có xu thế tăng là 1,0 mm/năm. Tính trung bình, độ cao sóng tại các trạm hải văn dải ven biển Việt Nam có xu hướng giảm khoảng 11,6 mm/năm.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam cập nhật năm 2020, cho thấy nhiệt độ, lượng mưa và hiện tượng thời tiết cực đoan đều gia tăng vào cuối thế kỷ 21. Cụ thể:
– Về nhiệt độ: Theo kịch bản RCP4.5, nhiệt độ trung bình năm tăng 1,9÷2,4°C ở phía Bắc và 1,5÷1,9°C ở phía Nam. Theo kịch bản RCP8.5, mức tăng 3,5÷4,2°C ở phía Bắc và 3,0÷3,5°C ở phía Nam. Nhiệt độ cực trị có xu thế tăng rõ rệt.
– Về lượng mưa: Theo kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp (RCP4.5), lượng mưa năm tăng phổ biến từ 10÷20%. Theo kịch bản nồng độ khí nhà kính cao (RCP8.5), mức tăng nhiều nhất có thể trên 40% ở một phần diện tích Bắc Bộ. Lượng mưa cực trị (Rx1day, Rx5day) có xu thế tăng trên phạm vi cả nước theo cả 2 kịch bản RCP4.5 và RCP8.5. Đến cuối thế kỷ lượng mưa cực trị có xu thế tăng phổ biến 20÷40% so với thời kỳ cơ sở.
– Về hiện tượng khí hậu cực đoan: Số lượng bão mạnh đến rất mạnh có xu thế tăng; thời điểm bắt đầu gió mùa mùa hè ở Việt Nam có xu thế ít biến đổi, thời điểm kết thúc có xu thế muộn hơn, độ dài mùa gió mùa mùa hè có xu thế dài hơn và cường độ có xu thế mạnh hơn.
Số ngày rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều có xu thế giảm. Số ngày nắng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên hầu hết cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Số tháng hạn trong mùa khô có xu thế tăng trên đa phần diện tích cả nước và có xu thế giảm ở một phần diện tích khu vực Tây Bắc, Trung Bộ và phần cực Nam của Nam Bộ.
– Về gia tăng mực nước biển: Đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng trung bình khu vực ven biển các tỉnh phía Nam có xu thế cao hơn so với khu vực phía Bắc. Kịch bản mực nước biển dâng trung bình toàn khu vực Biển Đông cao hơn mực nước biển trung bình toàn cầu. Khu vực giữa Biển Đông có mực nước biển dâng cao hơn so với các khu vực khác.
Một trong những tác động của biến đổi khí hậu được dự báo là nguy cơ ngập úng, do biến đổi khí hậu gây ra vào năm 2100, tại một số vùng và địa phương ở Việt Nam. Theo đó, nếu mực nước biển gia tăng 100 cm thì có 13,20% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng, 17,5% diện tích Thành Phố Hồ Chí Minh và 47,29% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập úng.
2. Tác động của biến đổi khí hậu đến các vấn đề môi trường chính.
2.1. Tác động đến nguồn nước.
Số liệu quan trắc những năm gần đây cho thấy lượng dòng chảy tại các trạm thủy văn trên những lưu vực sông chính như sông Hồng, sông Đồng Nai – Sài Gòn, sông Ba, sông Vu Gia – Thu Bồn,… phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm, có nơi thấp hơn khá nhiều.
Riêng các sông ở Nam Trung Bộ như ở tỉnh Bình Định, Bình Thuận, lượng dòng chảy thấp hơn trung bình nhiều năm tới 55% đến 80% (Báo cáo môi trường quốc gia, 2012). Mực nước nhiều nơi đạt mức thấp nhất lịch sử đã gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, nước mặn xâm nhập sâu vào vùng cửa sông. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, trên hầu hết các hệ thống sông trong lãnh thổ Việt Nam, dòng chảy năm đều có xu hướng tăng từ 1% đến 61% với các mức tăng khác nhau trong các thời kỳ dự đoán.
Dự tính vào thời kỳ 2046 đến 2065, trên các sông: Hồng – Thái Bình, Cả, Đồng Nai dòng chảy năm có xu hướng tăng xấp xỉ 14%, 18%, 9% và 13%, 21%, 13% tương ứng với hai kịch bản phát thải khí nhà kính trung bình thấp (RCP4.5) và kịch bản phát thải khí nhà kính cao (RCP8.5); dòng chảy trên sông Mê Công vào đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng khoảng 4% đến 12% (Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Kịch bản biến đổi khí hậu 2012, 2016, 2020).
Dòng chảy mùa lũ trên các sông: Hồng – Thái Bình, Cả, Ba, Thu Bồn đều có xu hướng tăng từ 2% đến 45%, riêng hệ thống sông Bằng Giang – Kỳ Cùng có mức tăng lớn nhất trong giai đoạn 2080 đến năm 2099 là 63% và 71% tương ứng với hai kịch bản RCP4.5 và RCP8.5; dòng chảy mùa lũ tại lưu vực sông Sê San có mức tăng thấp nhất là 6% và 9% tương ứng với hai kịch bản và thời đoạn trên.
Đối với sông Mê Kông, so với thời kỳ 1985 đến năm 2000, dòng chảy mùa lũ (tại Kratie) trung bình thời kỳ 2010 đến năm 2050 có thể tăng khoảng 5% đến 11% và dòng chảy mùa cạn (tại Tân Châu) có thể tăng khoảng 10%. Dòng chảy trung bình mùa cạn ở các sông Đà, sông Gâm, sông Hiếu giảm dưới 1,5%; tại sông Ba giảm 10%; còn các sông khác cũng đều giảm từ 3% đến 10%.
Theo báo cáo năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tình hình hạn hán xâm nhập mặn trong những năm gần đây diễn ra ngày càng phức tạp, cả về phạm vi và cường độ. Đặc biệt, là đợt hạn hán lịch sử diễn ra từ nửa cuối năm 2014 đến giữa năm 2016 trên diện rộng tại 18 tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, đã gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội, môi trường sinh thái trong khu vực, nhất là sản xuất nông nghiệp. Đối với khu vực Trung Bộ giai đoạn 2021 đến năm 2050, hạn hán có thể diễn ra nhiều hơn và với mức độ khắc nghiệt hơn trong tương lai.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng lũ lụt, lũ quét và trượt lở đất xảy ra ngày càng gia tăng và nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là môi trường nước.
Nước biển dâng làm cho tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn, vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở đồng bằng sông Cửu Long và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần được hỗ trợ về nông nghiệp. Dưới tác động của nước biển dâng và thay đổi nguồn nước từ thượng lưu do biến đổi khí hậu, ở hạ lưu các hệ thống sông Hồng – Thái Bình, sông Đồng Nai và đồng bằng sông Cửu Long, ngập mặn xâm nhập vào đất liền sâu hơn.
Vào cuối thế kỷ 21, chiều sâu xâm nhập ứng với độ mặn 1‰ có thể tăng lên trên 20 km trên các sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu, xấp xỉ 10 km trên sông Thái Bình (IMHEN và UNDP, 2015). Điều này, sẽ gây ra tình trạng thiếu ngọt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
2.2. Tác động đến cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp và gián tiếp đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở Việt Nam. Các yếu tố chính của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học, gồm có gia tăng nhiệt độ, thay đổi chế độ và lượng mưa, gia tăng mực nước biển và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất được dự báo là gia tăng nhiệt độ và mực nước nước biển.
Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều và bất thường, sẽ tác động tiêu cực đến tất cả các kiểu rừng. Hệ sinh thái rừng ngập mặn có tính đặc thù, rất nhạy cảm với những tác động của biến đổi khí hậu. Những thay đổi về chế độ thủy, hải văn, sóng biển và nước biển dâng sẽ có tác động đáng kể đến thu hẹp diện tích của hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Thêm vào đó, diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp do một số loài cây rừng ngập mặn, không kịp thích ứng với các thay đổi của điều kiện công nghệ môi trường, như độ ngập triều, độ mặn, nhiệt độ. Biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa, dòng chảy mặt và nước ngầm, cùng một số đặc trưng của chất lượng nước và chất dinh dưỡng, sẽ làm thay đổi hệ sinh thái của các vùng thấp ven sông, trong sông và cửa sông.
Do đó, sẽ làm suy giảm đa dạng sinh học vùng bờ cùng với nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Các hệ sinh thái vùng bờ bị suy thoái và thu hẹp diện tích. Các quần thể động thực vật có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn, do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi sự tương tác giữa sông – biển ở vùng cửa sông ven bờ và do mất tới 60% các nơi cư trú tự nhiên.
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu cũng là yếu tố chính thúc đẩy sự suy giảm nhanh chóng của hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển. Hiện tượng El Nino có chiều hướng gia tăng cả về tần suất và cường độ, đã làm nhiệt độ nước biển tăng cao, cùng bức xạ mặt trời vượt khả năng chịu đựng của san hô, khiến chúng trở thành màu trắng, mà khoa học gọi là hiện tượng tẩy trắng san hô.
Không chỉ hệ sinh thái san hô chịu ảnh hưởng nặng nề, mà hệ sinh thái thảm cỏ biển cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các biểu hiện tiêu cực của biến đổi khí hậu. Sự gia tăng nhiệt độ nước biển, làm thay đổi mùa sinh trưởng, gia tăng bùng phát động thực vật phù du… làm thay đổi môi trường theo chiều hướng bất lợi cho sự phát triển của thảm cỏ biển. Biến đổi khí hậu còn làm tăng chiều hướng axit hóa đại dương, và các cơn bão nhiệt đới, dẫn tới sự tàn phá các rạn san hô, thảm cỏ biển.
Bên cạnh các tác động đa dạng sinh học ở cấp độ hệ sinh thái, biến đổi khí hậu còn tác động trực tiếp tới cấp độ loài và nguồn gen. Diện tích rừng bị thu hẹp ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của các loại thực vật. Nhiều loài động vật bị suy giảm về số lượng do diện tích rừng, nơi sinh sống của các loài thú bị thu hẹp, nguồn cung cấp thức ăn bị suy giảm có thể dẫn đến tuyệt chủng một số loài thú rừng quý hiếm và đặc hữu.
Đối với động vật, ngoài các loài linh trưởng, động vật bậc cao khác, các loài bò sát như rùa hộp trán vàng miền Bắc, rùa núi viền, rùa đất lớn, kỳ đà hoa,… và các loài lưỡng cư như cóc sần ngọc linh, ếch cây sần trá hình, cóc sần bidoup,… đều dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là gia tăng nhiệt độ.
2.3. Tác động đến môi trường không khí.
Nguyên nhân xu hướng biến động của nồng độ bụi PM10 và PM2.5 phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện và thời tiết khí hậu. Hiện tượng nghịch nhiệt gia tăng, sẽ làm tăng nồng độ bụi trong không khí. Cùng với đó, nếu hạn hán kéo dài và mưa ít, cũng làm tăng nồng độ bụi trong không khí.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ hoặc giá lạnh, làm tăng nhu cầu sử dụng dụng năng lượng để làm mát hoặc sửa ấm, dẫn đến phát thải khí nhà kính trong bối cảnh nhiệt điện than, nhiệt điện khí vẫn chiếm tỷ trọng hơn.
Các khí nhà kính như CO2, SO2, CH4, NO2,…vừa gây ra biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là các chất gây ô nhiễm không khí nếu vượt quá nồng độ cho phép. Ngược lại, nếu thực hiện tốt các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, sẽ tăng cường khả năng hấp thụ các khí nhà kính làm giảm nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí.
2.4. Tác động gia tăng chất thải.
Do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai ngày càng tăng cả về tần suất và mức độ thiệt hại. Bão, lũ, ngập lụt,… phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, làm thiệt hại cây trồng vật nuôi,… làm phát sinh khối lượng lớn chất thải. Bên cạnh đó, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt việc bảo quản thức ăn, làm thực phẩm nhanh hỏng,… cũng là nguyên nhân gây gia tăng chất thải.
Ngược lại, quá trình thu gom, xử lý chất thải gây phát sinh các khí thải. Trong đó, có khí CH4 là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Kết quả nhận diện tác động của biến đổi khí hậu lên các vấn đề môi trường chính được trình bày. Dữ liệu được trích từ Nguồn: Nhóm tư vấn đánh giá môi trường chiến lược tổng hợp, 2022.
Tác giả: Huỳnh Thành Đạt
Bạn đang xem bài viết:
Tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường khi không thực hiện Quy hoạch
Link https://vnlibs.com/cong-nghe/tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-den-moi-truong-khi-khong-thuc-hien-quy-hoach.html