Tôi còn nhớ nhời than của một nhà thi sĩ: “Than ôi! Văn minh Đông Á trời thu sạch. Này lúc luân thường đảo ngược ra”. Không cần phải là thi sĩ, hay là một nhà nho yếm thế, hay một nhà đạo đức nghiêm khắc, cứ bình tâm mà xét hiện tình xã hội.
Ta phải công nhận rằng về hình thức có tiến bộ và về kiến thức có mở mang được đôi phần hơn xưa, nhưng về phần tâm đức thì hầu hết trong các hạng dân gian, sự sút kém thực rõ rệt gây mối lo sợ cho một số người biết suy nghĩ. Suy cho cùng, các nguyên tắc về luân lý xưa kia làm nền tảng cho gia đình và xã hội đang bị lung lạc.
Mất căn bản, bọn thiếu niên ngày nay, một số còn bị trụy lạc, một phần rất lớn không có cốt cách gì, sống để chờ dịp sa ngã, còn một số ít biết lo lắng nhưng vì không được tu luyện theo một cơ sở nào, nên chỉ biết lo mà trong sự hành vi rất lúng túng, và không dựa theo một phương châm gì nhất định.
Sự suy vi về luân lý, nguyên nhân lớn là do tình trạng khủng hoảng của gia đình và giáo dục. Ai chẳng biết gia đình là cái lò đúc tính nết con trẻ, và về đức tính thì gia đình giáo dục giữ một phần tối quan trọng. Vì giáo dục gia đình không thực hành bằng những bài học về lý thuyết như những bài luân lý dạy ở trường mà đứa trẻ thường chỉ đọc thuộc lòng theo lối học vẹt.
Giáo dục gia đình là ở cái không khí đạo đức trong sạch đã lọc sạch từ bao nhiêu đời do công trình của bao nhiêu thế hệ xưa. Cái không khí tinh khiết ấy thấm nhuần tinh thần của con trẻ. Chúng hô hấp để nuôi tấm thân một cách dễ dàng và tự nhiên như ta thở khí giời để nuôi cơ thể, một công việc mà bình thường ta không hề bao giờ thấy sự khó khăn và phải quan tâm đến.
Giáo dục gia đình là ở những nề nếp hay nó có một sức màu nhiệm là gây cho cá nhân những bản năng về luân lý. Những bản năng đó là những động lực tiềm tàng để điều khiển những cử động và hành vi của cá nhân trong suốt đời.
Bạn nào như tôi, sống ở một gia đình theo Nho học, đều nhận thấy sự tôn kính những mảnh giấy có chữ Nho đã thành một nề nếp thiêng thiêng, nó in sâu vào đầu óc bọn mình, từ thuở bé cho đến bây giờ không khi nào chúng ta dẫm lấy một mảnh giấy chữ Nho mà không thấy run tay rờn rợn.
Tuy chúng ta không còn học chữ Nho, và cũng chẳng đọc một cuốn sách nào của thánh hiền nho cả. Trái lại, những tờ giấy cũ kỹ (nhất là những tờ nhật báo cũ) – thứ chữ đáng tôn kính – thì chính chúng ta vẫn thản nhiên dùng về mọi việc chẳng một chút kiêng nể gì. Sự trái ngược vô lý ấy rất dễ hiểu vì sự tôn sùng chữ quốc ngữ chưa thành một nề nếp trong gia đình giáo dục Việt Nam.
Các bạn sẽ thấy chẳng phải là một ý kiến mở mẻ gì, khi tôi nói rằng ngày xưa, nghĩa là trước khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương, nước ta có một nền giáo dục gia đình rất chắc chắn, vì sẵn có căn bản vững vàng, căn bản ấy là Nho giáo. Mọi hành vi của cá nhân, sự liên lạc của các phần tử trong gia đình, bổn phận và quyền lợi của mọi người, cách tổ chức gia đình, làng mạc và xã hội điều xác định theo một quan niệm và những khuôn khổ duy nhất.
Những huấn tắc bất dịch (tam cương, ngũ thường,…) đã in sâu vào trí não mọi người trong khắp tầng lớp xã hội. Những nề nếp sẵn sàng ấy, là những yếu tố của sự rèn cập nhân tâm và sự duy trì thế đạo. Nó là những lề lối để giữ các quyển sách được nguyên hình, cho dẫu những trang giấy cũ ấy đã vì những ách vận mà bị rách nát không thương tiếc.
Kịp đến thế kỷ thứ 22, vì sự tiếp sức đột ngột với văn hóa Tây phương, những nguyên tắc về luân lý đều bị lung lạc, nền giáo dục Việt Nam đang trải qua một cuộc khủng hoảng rất lớn. Những quan niệm mới về quyền của cá nhân, về tình nghĩa vợ chồng, quyền hành của cha mẹ, bổn phận dâu con,… đều có những chỗ tương phản với tư tưởng của Nho giáo. Xét tình trạng các gia đình, ta thấy những cảnh tượng như sau.
Có những gia đình nghiêm khắc: bố mẹ muốn chống lại với các trào lưu mới, nên hết sức đè nén những khuynh hướng mới của con cái không hợp với những nề nếp cổ. Tôi đã được đọc những bức thư của một đôi vợ chồng trẻ tàn học sau khi mới lấy nhau, mà ít khi được giáp mặt vì cuộc sống của hai bên gia đình nội ngoại. Thật là một thiên tình sử ca mang tiếng ai oán.
Lại có những gia đình, trong đó, cha chú theo nề nếp cũ, thấy con cái theo mới, nhố nhăng thì làm ngơ hoặc vì không đủ sức mạnh để răn đe ngăn cản, hoặc để mọi việc cho dòng đời thay đổi, thời nào kỷ cương ấy, mặc cho xã hội vùi lấp và dạy dỗ nên người. Một nhà sư phạm lão thành mà tôi vừa được tiếp truyện, nói đến những ông bố này, đã dùng một chữ rất mạnh nhưng cũng rất đúng: ông phàn nàn về thái độ hèn nhát của những ông bố là chịu đầu hàng trước những hành vi quá mới của các ông con bà dâu.
Trong hạng gia đình kể trên, ta có thể đặt vào tất cả các gia đình ở thôn quê mà những đứa con được ra tỉnh học võ, vẽ dăm ba chữ Tây Tàu, rồi quay lại kinh thường bố mẹ là quê mùa hủ lậu. Ở giữa hai tình trạng tiêu cực ấy, thì tình trạng sau này chiếm phần đa số.
Trong phái trung lưu, ta nhận thấy một sự vô tâm đáng chê trách của bố mẹ trong việc giáo dục con cái. Trước những nề nếp cổ bị suy kém, trước sự hỗn độn của những tư tưởng mới cũ, họ không trông thấy cái nguy hiểm cho tâm hồn con trẻ. Những gia đình ấy chỉ biết cho con đi học và cho thế là đủ, có xét đâu rằng, chương trình học bây giờ chỉ chú trọng đến phần trí dục và trong sự học mới, có những tư tưởng không ăn nhập gì với hoàn cảnh chung của đứa trẻ.
Một đôi nhà dư dật mượn thêm cho con một ông giáo trong nhà để trút lên lưng người khác – nhiều khi là một ông giáo bất đắc dĩ làm việc để đợi chờ – cái chức trách làm cha mẹ! Họ cho thế là đã hết lòng với con cái. Rồi họ yên tâm đi chơi hay hội họp với các ông bà bạn khác, mà đánh bạc hay uống cà phê nói chuyện xã giao.
Sau hết là những gia đình nghèo không có đủ điều kiện. Đó là đa số dân chúng. Đối với hạng này thì nay cũng như xưa, gia đình giáo dục tất nhiên là rất thô sơ. Nó chỉ dựa vào phong tục tập quán của xã hội, mà xã hội còn giữ được nề nếp thì sự giáo dục trong gia đình này mới còn được vững chắc bền lâu.
Một khi có sự khủng hoảng về phong tục lan đến nhóm gia đình này, thì là một cái họa lớn cho xã hội ngày nay. Việc đó đã bắt đầu xảy ra, và nếu ta không kịp xây đắp một căn bản luân lý khác, thì rồi ta lại thấy những con số thống kê đến từ các cơ quan bộ ngành của chính phủ về nỗi khiếp sợ các tội trạng trong xã hội mới hiện nay.
Các bạn như tôi đã thấy sự quan trọng của gia đình giáo dục đối với cá nhân và xã hội. Ta lại thấy những hiện trạng không tốt đẹp gì của gia đình giáo dục. Chắc các bạn cũng như tôi, cảm thấy một sự hăng hái thúc giục khiến ta luôn muốn cố gắng tìm những phương châm để lập lại một nền giáo dục gia đình, và tìm những những phương pháp để thực hành những phương châm ấy.
Trên kia đã nói giáo dục gia đình là ở cái không khí đạo đức gây ra bởi những nề nếp. Hay là những nề nếp cũ của gia đình đang bị lay động vì ngọn sóng mới, ta không thể quay về những nề nếp cũ được, vì nó không còn thích hợp với cuộc sống tiến hóa của xã hội mới hiện nay.
Vậy ta phải tạo ra những nề nếp mới, theo sự biến đổi của các nguyên tắc về luân lý. Xưa kia, ta dạy một đứa trẻ lên ba chắp tay vái lấy vái để một ông khách đến chơi nhà để được ông thưởng cho vài ngàn đồng tiêu xài. Xưa kia, ta lại dạy con khép nép sợ sệt trước mặt người xa lạ. Xưa kia, ta dạy con gái phải thờ cha mẹ chồng, dạy con trai đi học lấy bằng đại học, tiến sĩ, cao học để lấy tiền nuôi bố mẹ.
Nhưng ngày nay, ta thấy phải dạy cho con tính tự trọng và tinh thần độc lập, nghĩa là phải dạy chúng những cử chỉ trái ngược hẳn với những thói quen khi xưa. Vậy trước hết, phải có một cuộc suy nghĩ rất chuẩn, để xét trong những nề nếp xưa, có những điều gì không thích hợp với sự tiến hóa của đạo lý, xét trong những tư tưởng mới về luân lý có những điều gì trái ngược với nề nếp cũ, để từ đó, ta định rõ những phương châm làm nền tảng cho chương trình giáo dục cải cách đổi mới theo thế kỷ mới.
Đọc đến đây, chắc các bạn đã thấy tất cả sự khó khăn trong công việc ngành giáo dục. Vì những thói quen mới mà ta muốn gây cho con, đối với mọi người trong gia đình và ngay cả đối với ta cũng chưa thể thành thói quen một sớm được. Vậy ta phải có một thái độ rất nghiêm túc đối với chính bản thân mình.
Lúc nào, ta cũng phải dám tự chủ, tự xét nét nhất nhất trong một lời nói hay một cử chỉ để tránh những sự vô ý rất dễ có thể xảy ra, mà tự mình hành động trái hẳn với những điều mà mình đã dạy con cái. Ta dạy con phải có thứ tự mà trên bàn giấy của ta, sách vở bút viết lung tung, dạy con không được nói dối, mà vì không muốn tiếp một người họ hàng nào đó hoặc tiếp một vị khách nào đó, chính ta lại sai con đi nói là vắng nhà hoặc bận. Những sự mâu thuẫn có rất hại, vì nó gây ra cho con trẻ những hoài nghi nguy hiểm cho bộ óc non nớt của trẻ.
Rồi ta lại phải xem xét những lời nói và việc đã làm của tất cả mọi người trong gia đình. Trong việc làm này, có đôi khi ta phải khoanh tay mà chịu bất lực. Trong một gia đình, còn có ông bà, cô chú, anh em, bà cô hay bà dì,… những điều mình dạy con thường bị người nhà cho là rảnh rỗi, sau đó lại chế giễu trước mặt đứa trẻ và làm cho chúng trái hẳn. Lại còn những người làm thuê giúp việc, vú nuôi,… có khi là những người góp thêm ý kiến trái chiều, làm cho một nền giáo dục gia đình mới không thể tiến triển được.
Vậy muốn dạy dỗ con theo những phương châm mới, thì phải sống ngoài đại gia đình, và người cha hay người mẹ phải tự coi sóc lấy con mình. Trong lúc này, công việc giáo dục là một việc khẩn cấp, gia đình nào cũng phải ráng sức làm công việc thiêng liêng ấy, và coi như là một tội lỗi nếu giao con cho một người giúp việc trông nom, hay giao một bà vú già dạy bảo trong nhà.
Nhưng muốn làm tròn bổn phận của một người làm cha làm mẹ, thì phải là một người đã được thấm nhuần tư tưởng giáo dục cải tiến mới. Đến đây, ta đã đi vào một vấn đề nan giải của xã hội mới. Việc giáo dục gia đình cần phải có rất nhiều sự cố gắng nhiều rất nhiều thành viên trong gia đình góp sức lại, để tìm những phương pháp và những phương tiện thực hành chung.
Lúc này, là lúc các bà mẹ các ông bố phải lập một hội nhóm, để tìm mọi cách gầy dựng một nền giáo dục gia đình kiểu mới, và trước hết để tự huấn luyện trong công việc thiêng liêng ấy, bằng những buổi họp nhóm bàn luận, bằng những cuốn tạp chí sách vở, bằng sự thiết lập những lớp học. Hội các bà mẹ ông bố sẽ gây ra những phong trào về giáo dục, mà sự quan trọng không ai ở đây dám bảo là nhỏ.
Nền giáo dục gia đình mà xây dựng được, tức là đã có căn bản để ngăn ngừa sự khủng hoảng về văn hóa phong tục tập quán, trong khi đó, việc này lại là việc của nhà cầm quyền, của ngành giáo dục nước ta.
Nói tóm lại, một nền giáo dục gia đình được bền vững là phải đặt trên hai nguyên tắc. Bề ngoài tuy có vẻ tương phản, nhưng chính thực nó bổ trợ cho nhau: một là tạo thành những nề nếp luân lý chuẩn mới để gây cái không khí đạo đức trong gia đình; hai là tiến hóa để thích nghi với những nề nếp môi trường mới, với sự biến đổi của cuộc đời luôn luôn chảy đi như một dòng nước ra biển lớn.
Tác giả: Vũ Đình Hòe
Bạn đang xem bài viết:
Mấy điều cải cách khẩn cấp trong gia đình giáo dục
Link https://vnlibs.com/giao-duc/may-dieu-cai-cach-khan-cap-trong-gia-dinh-giao-duc.html