Chương trình giáo dục là gì?

Chương trình giáo dục tại Việt Nam được thiết kế để cung cấp một nền tảng học vấn toàn diện từ mầm non đến đại học và sau đại học. Hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam bao gồm 8 cấp, từ giáo dục mầm non đến đào tạo tiến sĩ.

Giáo dục mầm non bao gồm giáo dục nhà trẻ và mẫu giáo, giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm và xã hội.

Giáo dục phổ thông được chia thành ba cấp: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Chương trình học tập trung vào việc cung cấp kiến thức cơ bản và kỹ năng cần thiết cho học sinh, đồng thời khuyến khích sự phát triển toàn diện về nhân cách và năng lực.

Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, giúp học sinh có kỹ năng nghề nghiệp cụ thể để tham gia vào thị trường lao động.

Giáo dục đại học và sau đại học bao gồm các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong giáo dục, với tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% và tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%. Tuy nhiên, theo VNLibs.com được biết, vẫn còn nhiều thách thức như sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền và nhóm dân tộc thiểu số.

1. Khái niệm chương trình giáo dục.

1.1. Sơ lược lịch sử ra đời của thuật ngữ “chương trình giáo dục”.

Từ xa xưa, chưa ai đặt ra câu hỏi “Chương trình giáo dục là gì?”. Khi đó, chương trình giáo dục được lưu trữ trong những truyền thuyết, những nghi lễ tôn giáo, và những tập tục thời thượng cổ. Đó là những điều đã được xã hội hoàn toàn thừa nhận.

Ngày nay, khi xã hội phát triển, ngày càng có nhiều tranh luận, bàn cãi và nghiên cứu về chương trình giáo dục. Câu hỏi đặt ra là: “Chương trình giáo dục là gì?” và “Chương trình giáo dục cần phải chứa đựng những gì?”.

Kieran Egan thuộc Trường Đại học Simon Fraser (Canada) đã có một công trình nghiên cứu công phu về sự ra đời của thuật ngữ chương trình giáo dục. Năm 1978, ông công bố bài nghiên cứu của mình mang tên Chương trình giáo dục là gì? được đăng trên tạp chí “Những câu hỏi về chương trình giáo dục” để mô tả lịch sử phát triển của thuật ngữ này.

Theo Egan, thuật ngữ chương trình giáo dục bắt nguồn từ chữ Latinh có nghĩa là “trường đua”, “cuộc chạy đua”, hay “sự chạy nhanh”. Điều đó, có nghĩa là chúng ta cần phải có một định hướng cho sự phát triển.

Hơn nữa, nghĩa sơ khai của từ này, cũng đề cập đến một khoảng không tạm thời, nơi mà chúng ta sống, tới một giới hạn mà mọi việc có thể diễn ra, tới một cái gì đó bao hàm, chứa đựng, nhưng chưa có nghĩa là nội dung gì.

Dần dần, qua quá trình phát triển, nghĩa trường đua của thuật ngữ chương trình giáo dục được sử dụng thiên về những theo đuổi về mặt trí tuệ. Đối với trường đua, người ta có thể đặt câu hỏi: “Nó dài bao nhiêu?, “Có những chướng ngại vật gì?”. Còn đối với những theo đuổi về mặt trí tuệ, người ta có thể hỏi: “Nó dài bao lâu?”, “Nội dung của nó chứa đựng những gì?”.

Qua thời kỳ trung cổ, nghĩa của từ chương trình giáo dục chuyển dần sang hướng nội dung, với câu hỏi: “Chương trình giáo dục cần có những nội dung gì?” và “Cách nào tốt nhất để tổ chức những nội dung này?”.

Tuy nhiên, ở thời kỳ này, khi những tài liệu in ấn còn chưa phổ biến, thì phương pháp truyền thụ tri thức, chủ yếu vẫn là truyền miệng. Do vậy, vấn đề cái gì dạy trước, cái gì dạy sau được cho là không quan trọng, và những phương pháp để truyền tải nội dung đến người đọc, chưa được quan tâm đến trong chương trình giáo dục.

Đến năm 1824, với những nghiên cứu của John Russell về chương trình giáo dục, thì nghĩa của những thuật ngữ này mới hướng nhiều hơn vào nội dung và thời lượng của một khóa học.

Qua 20 thế kỷ phát triển, thuật ngữ “chương trình giáo dục” tập trung dần dần vào hai câu hỏi chính là: “Cần phải dạy những gì?” và “Dạy những nội dung đó như thế nào?”. Tính ổn định và mạch lạc trong chương trình giáo dục cũng được quan tâm đến.

1.2. Phân biệt các thuật ngữ liên quan tới chương trình giáo dục.

Khi nghiên cứu về thuật ngữ chương trình giáo dục, có thể thấy các tài liệu viết về chương trình giáo dục của nước ngoài, sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau, để chỉ chương trình giáo dục ở những cấp độ khác nhau. Chương trình giáo dục có lúc được dùng là Program, nhưng có lúc lại được dùng là Curriculum. Trong chương trình lại có các chuyên đề (subject) hay môn học/khóa học (course),…

Để phân biệt một số thuật ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt), liên quan đến chương trình giáo dục, chúng ta có thể tham khảo bảng sau:

Program (Chương trình cấp quốc gia) Program planning (Lập kế hoạch chương trình).
Curriculum (Chương trình cấp nhà trường) Curriculum development (Phát triển giáo dục)
Subject (Chuyên đề, học phần) Lesson (Bài học)
Course (Môn học) Instructional design (Thiết kế bài giảng)
Syllabus (Đề cương môn học) Teaching and Training (Giảng dạy và Đào tạo)

Như vậy, trong tiếng Việt Nam, từ Program hay Curriculum đều được dịch là chương trình, nhưng khi chuyển dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, thì phải lưu ý cấp độ của chương trình đó, để sử dụng cho đúng thuật ngữ.

Thuật ngữ chương trình giáo dục, đôi khi bị nhầm lẫn với thuật ngữ giáo án. Giáo án đi vào mô tả những nội dung cụ thể cần học trong một môn học, còn chương trình giáo dục mô tả nhiều vấn đề như mục tiêu khóa học, nội dung, kết quả và chu trình của hoạt động dạy học và giáo dục, mang tính chất tổng thể.

Giáo án có thể bao gồm các nội dung cơ bản như sau:

– Mô tả cấu trúc quá trình dạy học: Yêu cầu đầu vào, thời lượng, hình thức tổ chức, phương pháp, phương tiện, hệ thống kiểm tra và đánh giá.

– Mô tả những phương pháp cần thiết cho từng hoạt động học tập, giảng dạy, thu hồi thông tin ngược và giám sát quá trình dạy học.

Giáo án thường là sản phẩm của cá nhân và mang sắc thái riêng của cá nhân giáo viên, nhưng chương trình giáo dục thường là sản phẩm của tập thể, gồm nhiều giáo viên cùng nhau thiết kế.

1.3. Chương trình giáo dục hiểu theo nghĩa rộng và chương trình giáo dục ẩn.

Có nhiều cách định nghĩa chương trình giáo dục. Theo nghĩa rộng, chương trình giáo dục có thể bao gồm bất cứ những gì được học và giáo dục. Nó cũng có thể được hiểu là một buổi thảo luận ngoại khóa, những mối quan hệ trong nhà trường, và nó có thể là những quan điểm phổ biến,… Đây là quan niệm về chương trình giáo dục theo kiểu mới. Quan điểm này gắn với thuật ngữ “Chương trình giáo dục ẩn” (The hidden curriculum).

Trong thực tế, nhà trường không chỉ làm công việc đơn giản là truyền đạt những kiến thức được chỉ ra trong chương trình giáo dục được ban hành (tạm gọi là chương trình hiện). Đằng sau chương trình giáo dục trên văn bản giấy tờ, còn có những quan niệm của xã hội, quan điểm chính trị, những tác động về văn hóa, và những hoạt động mang tính chất giáo dục của một xã hội hiện đại.

Theo Meighan (1981) có chia sẻ: “Chương trình giáo dục ẩn được giảng dạy thông qua nhà trường, chứ không phải thông qua bất cứ một giáo viên nào,… Nó là những gì thâm nhập vào học sinh, nhưng có thể là những điều không bao giờ được giảng dạy trên lớp. Nó hình thành nên định hướng cuộc sống và thái độ, đối với việc học tập cho người học”.

Michael Haralambos (1991) chỉ ra cụ thể hơn về chương trình giáo dục ẩn như sau: “Chương trình giáo dục ẩn bao gồm những vấn đề mà học sinh học được, thông qua mọi hoạt động trong nhà trường, chứ không phải những gì được trình bày trong mục tiêu giáo dục của nhà trường”.

Tuy không chính thống, nhưng chương trình giáo dục ẩn lại là một nhân tố có tác động mạnh mẽ tới kết quả giáo dục trong nhà trường. Nó có thể thúc đẩy cho mục tiêu giáo dục của nhà trường và của xã hội, nhưng cũng có thể cản trở việc thực hiện những mục tiêu này. Đó có thể là những phẩm chất mà ta chủ đích muốn hình thành cho người học, nhưng đó cũng có thể là những gì tự phát hình thành trong môi trường học tập.

Ví dụ, ở một số trường học tại Việt Nam, học sinh học được một điều là con đường đi tới thành công phải có một sự cạnh tranh gay gắt. Còn ở một số trường học khác, học sinh học được rằng, tinh thần hợp tác là chìa khóa của thành công. Có nơi, học sinh biết tôn trọng sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng có nơi người ta lại kỳ thị những học sinh có xuất thân khác biệt hoặc thấp kém.

Đôi khi, học sinh vắng mặt hoặc đến muộn mà không bị giáo viên phạt, vì lý do đó có thể được cho là chính đáng. Học sinh này sẽ học được một điều rằng, miễn là có lý do hợp lý, thì lỗi lầm của họ sẽ được tha thứ. Đến khi lớn lên và ra xã hội đi làm, học sinh này đến cơ quan muộn, sẽ không hiểu rõ lý do tại sao mình lại bị trừ lương vì đi làm trễ.

Tóm lại, có thể thấy rằng, ngoài chương trình giáo dục chính thống được ban hành, người học còn chịu tác động của một chương trình giáo dục ẩn. Tùy vào từng điều kiện hoàn cảnh mà chương trình giáo dục ẩn, có những yếu tố khác nhau, và ảnh hưởng ở mức độ khác nhau tới người đọc.

Hiểu chương trình giáo dục theo nghĩa rộng, bao gồm cả chương trình giáo dục được in ấn thành văn bản pháp quy, và chương trình giáo dục ẩn, sẽ giúp giáo viên và các nhà giáo dục chủ động hạn chế những tác động tiêu cực, và phát huy những mặt tích cực mà chương trình giáo dục ẩn mang lại, để quá trình giáo dục và đào tạo trong nhà trường đạt được nhiều hiệu quả cao hơn.

1.4. Chương trình giáo dục theo nghĩa hẹp.

Bên cạnh cách hiểu rộng, có cách hiểu hẹp về chương trình giáo dục. Chương trình giáo dục theo nghĩa hẹp là những gì được thể hiện thành văn bản pháp quy, được công bố công khai trong mục tiêu giáo dục của nhà trường.

Đó là một hệ thống các môn học (hoặc khóa học) và nội dung của những môn học (khóa học) này do một cơ sở giáo dục như trường học cung cấp. Theo cách hiểu này, thì chương trình giáo dục còn đi cùng một tập hợp những tài liệu về giảng dạy, học tập và kiểm tra, đánh giá dành cho các khóa học đó.

Ở tại đất nước Việt Nam, nhìn chung, chương trình giáo dục được hiểu là văn bản chính thức, quy định mục đích, mục tiêu, yêu cầu nội dung kiến thức và kỹ năng, cấu trúc tổng thể các bộ môn, kế hoạch lên lớp, thực tập theo từng năm học, tỷ lệ giữa các bộ môn, giữa lý thuyết và thực hành; quy định phương thức, phương pháp, phương tiện, cơ sở vật chất, chứng chỉ văn bằng tốt nghiệp của cơ sở giáo dục.

Chương trình giáo dục do cơ quan chuyên môn và các cấp (viện, vụ, trung tâm) soạn thảo, hoặc do các cơ sở giáo dục (trường đại học, cao đẳng, dạy nghề) tự soạn thảo, nhưng phải được cấp chuyên môn có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và cho phép thực hiện. Chương trình giáo dục là văn bản chính thức mang tính chất pháp quy, và nó là căn cứ để biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học, là tiêu chí để chỉ đạo dạy học và thanh tra giáo dục trong phạm vi cả nước.

Như vậy, Việt Nam chọn các định nghĩa về chương trình giáo dục hẹp, nghĩa là chưa bàn nhiều đến chương trình giáo dục ẩn, bên ngoài những văn bản pháp quy. Đối với giáo dục phổ thông hiện nay, chương trình giáo dục được thống nhất quản lý trên phạm vi toàn quốc về số lượng môn học, tên môn học và sách giáo khoa.

Ở bậc cao đẳng và đại học, do tính chất chuyên sâu về học thuật, các trường có thêm quyền tự chủ trong phát triển chương trình. Như vậy, cũng giống như nhiều nước trên thế giới, chương trình sau phổ thông được chia ra chương trình khung (Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt) và chương trình chi tiết cụ thể, do các trường tiếp tục phát triển dựa trên chương trình khung đã được ban hành.

Tuy khái niệm chương trình giáo dục ở mỗi nước và mỗi một giai đoạn phát triển có sự khác biệt, nhưng tựu chung lại, theo Oliva (1997) chia sẻ, thì chương trình giáo dục có thể được hiểu theo những cách sau: là những gì được giảng dạy trong nhà trường; là nội dung cần học; là một chương trình học tập; là một hệ thống các tài liệu học tập; là một chuỗi các môn học; là một hệ thống các mục tiêu đào tạo; là một khóa học; là tất cả những gì diễn ra trong nhà trường, bao gồm cả các hoạt động ngoại khóa, những chỉ đạo, hướng dẫn và những mối quan hệ giữa các cá nhân; là những gì được dạy cả trong và ngoài nhà trường, dưới sự chỉ đạo của nhà trường; là tất cả những gì được thiết kế bởi cán bộ trong nhà trường; là một chuỗi những kiến thức mà học sinh thu thập được trong nhà trường; là những kiến thức mà mỗi cá nhân người học có được nhờ nhà trường.

Chúng tôi sử dụng định nghĩa chương trình giáo dục là văn bản chính thức, quy định mục đích, mục tiêu, yêu cầu nội dung kiến thức và kỹ năng, cấu trúc tổng thể các bộ môn, kế hoạch lên lớp, thực tập theo từng năm học, tỷ lệ giữa các bộ môn, giữa lý thuyết và thực hành; quy định phương thức, phương pháp, phương tiện, cơ sở vật chất, chứng chỉ văn bằng tốt nghiệp của cơ sở giáo dục.

Chúng tôi thống nhất sử dụng thuật ngữ chương trình giáo dục đối với bậc phổ thông, thuật ngữ chương trình đào tạo đối với bậc cao đẳng và đại học, dạy nghề.

2. Một số khái niệm khác có liên quan.

2.1. Khung chương trình (Curriculum framework).

Khung chương trình là một khái niệm rộng. Mỗi một nền giáo dục có một khái niệm về khung chương trình khác nhau. Theo cách định nghĩa của Bộ Giáo dục New Zealand thì khung chương trình đào tạo New Zealand là văn bản nhà nước quy định các vấn đề cơ bản trong giảng dạy, học tập và kiểm tra, đánh giá dành cho mọi học sinh trong tất cả các trường ở New Zealand.

Khung này vạch ra đường hướng thiết kế các chương trình đào tạo sao cho có sự cân đối giữa nhu cầu, hứng thú của cá nhân người học với sự đòi hỏi của xã hội và của nền kinh tế. Khung chương trình xác định những kiến thức, kĩ năng và thái độ mà tất cả học sinh cần phải có để sống và làm việc trong xã hội. Khung chương trình của New Zealand bao gồm các nguyên tắc thiết kế chương trình giảng dạy và học tập cho tất cả các trường ở New Zealand. Những nguyên tắc này đều tuân theo yêu cầu lấy người học làm trung tâm.

Khung chương trình này cũng quy định những lĩnh vực kiến thức cơ bản (gồm 7 lĩnh vực chính), những kỹ năng cần thiết để người học có thể phát triển năng lực toàn diện và hoạt động trong xã hội (8 nhóm kỹ năng), những thái độ và giá trị cần được giáo dục cho học sinh trong chương trình đào tạo để học sinh tự xác định được những thái độ, giá trị và tín ngưỡng của bản thân, từ đó tôn trọng nhân cách của người khác. Cuối cùng, khung chương trình cũng quy định về cách thức, quy trình tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cho tất cả các trường ở New Zealand.

Tóm lại, khung chương trình theo định nghĩa trên, là văn bản định hướng cho việc thiết kế chương trình đào tạo chi tiết cấp quốc gia như đã đề cập ở phần khái niệm chương trình đào tạo New Zealand.

Đối với Việt Nam, khung chương trình được định nghĩa là văn bản nhà nước quy định khối lượng tối thiểu và cơ cấu kiến thức cho các chương trình đào tạo (cơ bản, cơ sở và chuyên ngành). Khung chương trình xác định sự khác biệt về chương trình tương ứng với các trình độ đào tạo khác nhau. Như vậy, khung chương trình là những quy định chung định hướng cho việc thiết kế các chương trình đào tạo chi tiết của từng ngành và từng chuyên ngành.

2.2. Chương trình cốt lõi (Core Curriculum).

Chương trình cốt lõi là một chương trình hay một hệ thống môn học bắt buộc đối với mọi học sinh của một trường hoặc một hệ thống trường. Chương trình cốt lõi ở bậc tiểu học và trung học thường do Ban Giám hiệu nhà trường, Bộ Giáo dục, hoặc các cơ quan quản lý giáo dục soạn thảo.

Ở bậc đại học, mỗi trường cao đẳng hoặc trường đại học, đôi khi là các khoa tự quyết định các chương trình cốt lõi của mình. Nhưng do mức độ chuyên môn hoá sâu của từng lĩnh vực đào tạo nên các môn học bắt buộc trong chương trình cốt lõi ở đại học chiếm tỉ lệ nhỏ hơn trong khoá học của sinh viên so với chương trình cốt lõi được thiết kế ở bậc trung học phổ thông.

Như vậy, với một định nghĩa chung về chương trình cốt lõi như trên, ta có thể thấy, điểm đặc trưng của chương trình cốt lõi là nó bao gồm những môn học bắt buộc được coi là quan trọng, ít thay đổi theo thời gian và được đa số các cơ sở đào tạo trong khối ngành thừa nhận là không thể thiếu được.

Căn cứ vào chương trình cốt lõi này, mà các trường xây dựng chương trình chi tiết của trường mình (hoặc khóa mình) với việc thêm vào những môn học chuyên sâu, đặc trưng cho từng ngành đào tạo hoặc nội dung kiến thức đặc thù cho từng địa phương.

Chương trình cốt lõi của một ngành hoặc nhóm ngành thường bao gồm các nội dung như sau: mục tiêu tổng thể của ngành hoặc nhóm ngành; nơi người học tốt nghiệp có thể làm việc và chức năng của họ; kiến thức, kĩ năng, thái độ họ cần có để thực hiện tốt các chức năng này; thiết kế tổng thể của chương trình giảng dạy bao gồm danh sách của các môn học tạo nên kiến thức chính và cơ bản của ngành; các khuyến nghị về phương pháp giảng dạy; các hướng dẫn về quy trình đánh giá; các hướng dẫn sử dụng chương trình cốt lõi để thiết kế khung chương trình giảng dạy cụ thể.

Tóm lại, chương trình cốt lõi là văn bản pháp lý trong đào tạo của mỗi chuyên ngành, nội dung của nó phản ánh tính hiện đại và hội nhập với các nước của chương trình.

3. Các chức năng cơ bản của chương trình giáo dục.

Theo nghiên cứu của tác giả Đặng Thành Hưng, chương trình giáo dục có 4 chức năng chính: chức năng phương tiện; chức năng quy cách hoá, định chuẩn cho quá trình và hoạt động giáo dục; chức năng chiến lược trong phát triển giáo dục (chính sách và giải pháp thực thi chính sách) và tác nghiệp giáo dục (tiến hành nghiệp vụ, xúc tiến các hoạt động chuyên môn); chức năng hành chính và điều hành sự nghiệp giáo dục. Cụ thể:

3.1. Chức năng phương tiện.

Trước đây chương trình giáo dục thường được xem như là phương tiện tổ chức và phản ánh nội dung học vấn. Ngày nay chương trình giáo dục được hiểu rộng ra là phương tiện quản lý, tổ chức quá trình dạy học và giáo dục theo nghĩa đầy đủ nhất và bản chất nhất của khái niệm quản lý (bao gồm các chức năng kế hoạch hoá, tổ chức, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, đánh giá).

Ngoài ra, chương trình giáo dục còn được hiểu là phương tiện để xác định, điều chỉnh cơ cấu, cấu trúc và mạng lưới giáo dục quốc gia. Đó là cơ cấu ngành, cấp học, cơ cấu nhân sự giảng dạy và quản lí, cơ cấu giá trị (nội dung học vấn), cơ cấu người học, cơ cấu nguồn lực như tài chính, trường lớp, thiết bị, thông tin, học liệu… Tóm lại, xét theo chức năng phương tiện thì chương trình giáo dục là một công cụ đa phương tiện và đa năng.

3.2. Chức năng quy cách hóa, định chuẩn cho quá trình và hoạt động giáo dục.

Chương trình giáo dục định chuẩn cho một số yếu tố cơ bản nhất của nội dung và hoạt động giáo dục, bao gồm: chuẩn nội dung học vấn được phản ánh qua các môn học và các lĩnh vực học tập; chuẩn thực hiện việc lĩnh hội nội dung học vấn, tức là chuẩn quy định các hoạt động giảng dạy và học tập; chuẩn của nội dung và cấu trúc sách giáo khoa và các học liệu khác, các phương tiện, thiết bị thí nghiệm, thực hành, tổ chức môi trường hoạt động của giáo viên và của người học;

Chuẩn các nguồn lực bảo đảm khác để tiến hành quá trình giáo dục thành công như chuẩn thời gian, chuẩn cường độ lao động sư phạm và lao động học tập, chuẩn chuyên môn của các hoạt động chuẩn bị giảng dạy và học tập, chuẩn trình tự thực hiện, chuẩn quy trình quản lý giáo dục, chuẩn phương pháp dạy học và tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục khác; chuẩn đo lường, kiểm định và đánh giá kết quả đào tạo. Tóm lại, chương trình giáo dục thực chất là bộ chuẩn cơ bản của quá trình giáo dục.

3.3. Chức năng chiến lược trong phát triển giáo dục và tác nghiệp giáo dục.

Chức năng chiến lược trong phát triển giáo dục (chính sách và giải pháp thực thi chính sách) và tác nghiệp giáo dục (tiến hành nghiệp vụ, xúc tiến các hoạt động chuyên môn). Chiến lược phát triển giáo dục nhìn chung bao quát những lĩnh vực: Phát triển cơ cấu, mạng lưới và mô hình giáo dục; phát triển cơ sở hạ tầng, các nguồn lực và các điều kiện vật chất khác; phát triển giáo viên và nhân sự quản lý, nghiên cứu, thông tin giáo dục; phát triển cơ hội và những nhân tố chính trị, xã hội; phát triển chất lượng giáo dục… Chương trình giáo dục thể hiện định hướng phát triển giáo dục của một quốc gia, đồng thời là cơ sở để tổ chức các hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục trên thực tế. Nói cách khác, các hoạt động của cơ sở giáo dục trên thực tế là sự hiện thực hoá của chương trình giáo dục.

3.4. Chức năng hành chính và điều hành sự nghiệp giáo dục.

Tuy không trực tiếp nhưng chương trình giáo dục có thể làm thay đổi trật tự hành chính trong giảng dạy, học tập; trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn; trong phát triển nghề nghiệp giáo viên; trong kiểm tra, đánh giá giáo dục; và thậm chí ảnh hưởng tới tư duy hành chính trong giáo dục.

Như vậy, khi quan niệm đầy đủ về các chức năng của chương trình giáo dục, chúng ta sẽ thấy rằng việc xây dựng chương trình giáo dục không đơn thuần là soạn thảo một văn bản chuyên môn mà là sự phát triển một công cụ đa phương tiện, phát triển một loại chuẩn cơ bản trong giáo dục, phát triển một kiểu chiến lược hạt nhân trong giáo dục và phát triển một công cụ quản lý hành chính, và điều hành công tác giáo dục.

Tác giả: Nguyễn Vũ Bích Hiền

Tài liệu tham khảo:

[1] Kieran Egan. What is the curriculum? Curriculum Inquiry, volume 8, number 1 (1978), 66 – 72.

[2] Meighan, R. (1981). A Sociology of Education, first edition. Holt Rinehart Winston, 1970.

[3] Michael Haralambos (1991). Sociology: Themes and Perspectives, London: Collins.

[4] Peter F. Oliva (1997). Developing Curriculum. Addison-Wesley Educational Publishers, Incorporated.

[5] Đặng Thành Hưng (2004). Những chức năng cơ bản của chương trình giáo dục. Tạp chí Giáo dục. Số 91, 7/2004, trang 13 – 15.


Bạn đang xem bài viết:
Chương trình giáo dục là gì?
Link https://vnlibs.com/giao-duc/chuong-trinh-giao-duc-la-gi.html

Hashtag: #giaoducchinhquy #tiendohoctap #cosogiaoduc #chuongtrinhgiaoduc

Mọi người cũng tìm kiếm: Các giai đoạn của giáo dục chính quy; Chương trình là gì trong giáo dục?; Chương trình giáo dục quốc gia là gì?; Chương trình tiểu học là gì?; Quản lý chương trình giáo dục là gì?; Các chương trình giáo dục trên TV; Chương trình giáo dục trung học phổ thông là gì; Ví dụ về chương trình giáo dục tại Việt Nam; Phát triển chương trình giáo dục là gì; Cấu trúc của chương trình giáo dục; Các thành tố của chương trình giáo dục; Có mấy cách hiểu về chương trình giáo dục.