Trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường.
Việc không thực hiện quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập có thể dẫn đến những tác động tích cực và tiêu cực đáng kể. Bài viết này tại VNLibs.com sẽ phân tích những ảnh hưởng đó, từ sự gia tăng ô nhiễm không khí, chất thải rắn, đến suy giảm nguồn nước và các tác động xã hội. Qua đó, chúng ta sẽ thấy rõ hơn về tầm quan trọng của việc quy hoạch và quản lý môi trường một cách hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững.
1. Tác động tích cực.
Trong trường hợp không thực hiện Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện các định hướng, mục tiêu phát triển đã đề ra trong giai đoạn trước.
Trong các năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016 đến 2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%.
Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lụt nghiêm trọng ở miền Trung, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 đến 2020 đạt khoảng 6% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung.
Kinh tế các vùng chuyển dịch tích cực trên cơ sở liên kết, kết nối giữa các vùng; khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng. Các công trình hạ tầng mang tính kết nối vùng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và tăng cường liên kết vùng.
Một số cực tăng trưởng, vùng trọng điểm, đô thị lớn mang tính động lực tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, tạo tác động phát triển lan tỏa. Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 đến 2020 đã có tác dụng thúc đẩy các sáng kiến liên kết giữa các địa phương trong vùng. Một số ban điều phối vùng tiếp tục là cơ chế kết nối các địa phương trong hợp tác phát triển.
Nhận thức về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được nâng lên. Đã chú trọng, tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của các cảng hàng không, cảng biển, phát triển dịch vụ du lịch, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản,…
Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển đảo được cải thiện rõ rệt, nhất là các công trình điện lưới quốc gia nối với các đảo lớn, các cảng biển, trung tâm nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ven biển và hải đảo được cải thiện.
Hệ thống đô thị phát triển nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, nâng dần chất lượng theo hướng đồng bộ, xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, và bước đầu gắn kết với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông thôn. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, tỷ lệ đô thị hóa đạt mục tiêu đặt ra, tăng từ 35,7% năm 2015 lên khoảng 40% năm 2020.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã từng bước được đầu tư nâng cấp đồng bộ trên cả 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không), nhiều công trình quan trọng đã được đưa vào khai thác, mang lại hiệu quả trong việc tái cơ cấu thị phần vận tải và nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm an toàn giao thông, giảm chi phí vận tải và logistics, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Nhiều tuyến đường bộ quan trọng đã hoàn thành và đưa vào khai thác đến nay đã mang lại hiệu quả rõ rệt về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh; tạo không gian phát triển và quỹ đất, chuyển dịch cơ cấu kinhtế tại địa phương và khu vực, có tác động tích cực đối với lĩnh vực xã hội và môi trường. Điển hình: Các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; Các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là tại các đô thị lớn đang từng bước được đầu tư, mở rộng và hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hoá với các hình thức đầu tư đa dạng, các nguồn vốn đầu tư được mở rộng hơn. Chất lượng phục vụ của hạ tầng kỹ thuật đô thị được cải thiện rõ rệt.
Một số khu đô thị mới, đô thị mở rộng đã đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước tách riêng nước mưa và nước thải. Các mô hình về đấu nối, thu gom nước thải đang được nhân rộng đến các địa phương trên cả nước. Một số cơ sở xử lý chất thải rắn có quy mô lớn, công nghệ hiện đại đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, như: Nhà máy xử lý rác thải tại Bố Trạch – Quảng Bình; Dự án đốt rác phát điện tại Thới Bình – Cần Thơ,…
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa; hạ tầng thủy lợi đồng bộ theo hướng đa mục tiêu; nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và hoàn thành góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và tăng năng lực tưới tiêu, tạo nguồn cấp nước và tiêu thủy, ngăn mặn… Củng cố, hoàn thiện, phát triển tổ chức quản lý khai thác hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.
Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư tăng thêm, nhiều công trình lớn (trên 1,000 MW) được hoàn thành, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hoàn thiện góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao.
Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hệ thống các quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên được bổ sung, hoàn thiện hơn.
Công tác bảo vệ môi trường đã từng bước khắc phục những hạn chế, dần chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đưa vào vận hành đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Một số chỉ tiêu môi trường đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đến năm 2020 đạt khoảng 90%, dân số nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh ước đạt 90,2%, tăng mạnh so với năm 2015 (86,2%).
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2020 là 90%. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 khoảng 42%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng cũng đạt những thành tựu đáng kể.
Diện tích rừng liên tục được mở rộng, tăng gần 1,29 triệu ha từ 13,38 triệu ha năm 2010 đến 14,67 triệu ha năm 2020, đạt độ che phủ 42,01%. Thành lập mới 09 khu bảo tồn, nâng tổng diện tích khu bảo tồn thiên nhiên từ 2,2 triệu ha năm 2012 đến 2,5 triệu ha năm 2020.
Việt Nam cũng đã triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, chủ động cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đã xây dựng Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai. Đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước biển dâng, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn và Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đã tập trung xây dựng chương trình phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng, khu vực, như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, chuẩn bị sẵn sàng các phương án và điều kiện vật chất cho phòng, chống lụt bão, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.
Như vậy, nhiều quy hoạch cũng đã nhận thức được các vấn đề môi trường trong các lĩnh vực, từ đó đề xuất và thực hiện các công trình, giải pháp môi trường, mang lại nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, các giải pháp này còn mang tính phân tán trong từng lĩnh vực, thiếu một quy hoạch thống nhất về bảo vệ môi trường ở cấp quốc gia, từ đó dẫn đến nhiều hạn chế, chồng chéo và khó theo kịp tốc độ phát triển kinh tế xã hội.
2. Tác động tiêu cực.
2.1. Xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
Trong thời gian tới, chất lượng môi trường không khí trên cả nước, nhìn chung sẽ vẫn còn tốt, song tại các đô thị nơi tập trung các tổ chức khoa học và công nghệ công lập xu hướng chung là tiếp tục diễn biến xấu. Mặc dù, trong thời gian dịch bệnh Covid19, ô nhiễm không khí có xu hướng giảm do giãn cách xã hội, song xu hướng chung đến 2030, ô nhiễm bụi ở các đô thị sẽ không được cải thiện, khối lượng các khí thải độc hại, khí nhà kính tiếp tục gia tăng.
Điều đó, là do sự gia tăng các phương tiện giao thông ở các đô thị, sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị khác trong toàn quốc.
Ngoài Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu là hình thành hệ thống các khu công nghiệp chủ đạo, các chiến lược, quy hoạch phát triển khác như: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam,… đều sẽ là những nguồn gây tác động đến chất lượng không khí, trong đó có việc phát thải khí nhà kính cho dù không tiến hành triển khai Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
2.2. Xu hướng gia tăng phát sinh chất thải rắn.
Quá trình phát triển kinh tế xã hội sẽ dẫn đến gia tăng một loạt các loại chất thải cả về khối lượng, chủng loại, thành phần và đặc tính,… Hoạt động của mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cũng nằm trong xu hướng gia tăng chất thải rắn sinh hoạt chung của cả nước.
Dự báo chất thải đến năm 2030 là 91.002 tấn/ năm, trong đó chất thải đô thị dự báo là 51.773 tấn/năm. Có thể nói, mức tăng dân số cũng sẽ góp phần làm tăng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển kinh tế sẽ kéo theo việc tăng thu nhập và tiêu dùng, dẫn tới gia tăng lượng chất thải rắn phát sinh. Cụ thể: đó là “Chất thải sinh hoạt”.
Giai đoạn 2016 đến 2020, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng mạnh ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. Quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng với số lượng các ngành sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp và dịch vụ đô thị ngày càng phát triển đã tạo ra dòng di cư từ nông thôn ra thành thị.
Phát triển kinh tế và đô thị hóa một mặt tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, tuy nhiên, mặt khác cũng tạo nên sức ép đối với môi trường, làm tăng lượng chất thải rắn phát sinh, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị tăng từ 32.000 tấn/ngày (11,7 triệu tấn/năm) năm 2014 lên 35.624 tấn/ngày trong năm 2019 (hơn 13 triệu tấn/năm), chiếm khoảng 55% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của cả nước.
Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% đến 16% trong giai đoạn 2016 đến năm 2020. Với mức tăng như vậy, đến năm 2025, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên toàn quốc có thể đạt 14 đến 15 triệu tấn/năm và năm 2030 đạt 16-17 triệu tấn/năm.
Trong những năm gần đây ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội. Trên phạm vi cả nước có 904 bãi chôn lấp chất thải rắn hoặc tập kết chất thải cấp xã. Trong đó, hầu hết các bãi chôn lấp đều quá tải, gần 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, không chỉ các bãi lộ thiên, bãi đổ tạm gây ô nhiễm môi trường mà ngay cả các bãi chôn lấp hợp vệ sinh cũng tồn tại nhiều vấn đề môi trường gây bức xúc. Cả nước có 116 bãi rác thuộc đối tượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng đến 2019 mới chỉ có 08 bãi rác hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.
Tuy quyết định sử dụng đất 2016 đến 2020 điều chỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, diện tích đất đất bãi thải, xử lý chất thải đạt 21,91 nghìn ha, tăng từ 12,26 nghìn ha năm 2015 nhưng trong điều kiện hạn chế về công nghệ và nguồn lực, chôn lấp vẫn là giải pháp xử lý chính thì các khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường.
2.3. Xu hướng suy giảm và ô nhiễm nguồn nước.
Xu hướng chung khi không thực hiện Quy hoạch là sự gia tăng số lượng cán bộ mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Cùng với các vấn đề môi trường khác, thực trạng môi trường nước đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp. Trong đó, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường nước đang có xu hướng gia tăng, ngày một gay gắt.
Tình trạng chất lượng môi trường nước đang tiếp tục bị xấu đi. Nguồn nước mặn nhiều nơi tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt. Nhu cầu sử dụng nước tăng cao cũng đang gây suy giảm nguồn nước, đặc biệt là nước ngầm, đẩy mạnh hiện tượng xâm nhập mặn.
Theo đó, xu hướng trong thời gian tới, chất lượng nước mặn và nước ngầm sẽ chưa được cải thiện, nguồn nước sẽ tiếp tục có xu hướng suy giảm. Đó là do sự gia tăng nhân lực cán bộ mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ gây phát thải một khối lượng lớn nước thải sinh hoạt và công nghiệp, trong khi cơ sở hạ tầng, đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải còn rất yếu kém.
Việc phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn và làng nghề đều được quy hoạch nằm trong các lưu vực sông lớn và các dòng sông, ngoài việc là để thuận tiện cho tiếp cận nguồn cung cấp nước, còn đóng vai trò là nơi tiếp nhận gây ô nhiễm qua việc xả nước thải.
Theo thống kê, năm 2020, môi trường phải tiếp nhận hơn 3.650 triệu m3 nước thải sinh hoạt, hơn 144 triệu m3 nước thải chăn nuôi (từ 3 đối tượng vật nuôi chính là trâu, bò, lợn), hơn 1.524,85 triệu m3 nước thải nuôi trồng thủy sản; chưa kể lượng lớn nước thải từ các làng nghề, các vùng phụ cận chưa được xử lý thải ra môi trường.
Các tác động của biến đổi khí hậu và việc khai thác nước ở các quốc gia thượng nguồn, cũng làm suy giảm nguồn nước, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. (Dữ liệu được trích từ Nguồn: Chính phủ, Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2020).
Tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 13% và tăng rất chậm, trong đó tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 21,35%. Ở nông thôn, thực tế hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Theo quy hoạch sử dụng đất, cả nước đến năm 2020, đất ở đô thị cả nước sẽ là 2.095 nghìn ha, với khoảng 950 đô thị với quy mô dân số 45 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 45,31%. Với định hướng về cấp nước đô thị đến năm 2020 là 100% dân số đô thị sẽ được sử dụng nước sạch, với tiêu chuẩn là 200 lít/người/ngày ở các khu vực đô thị đặc biệt và khu du lịch, 150 lít/ngày ở các đô thị loại 2,3,4 và 100 lít/ngày cho đô thị loại 4, 5 và điểm dân cư, thì định mức trung bình cấp nước đô thị cả nước đến năm 2020 là 150 lít/ngày.
Như vậy, có thể ước tính lượng nước cấp theo tiêu chuẩn cho đô thị vào năm 2020 là rất lớn, đạt đến khoảng 6,75 triệu m3 /ngày/đêm. Nếu tính lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh tương đương 80% lượng nước cấp, theo cách ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO, 1985) thì tổng lưu lượng nước thải sinh hoạt từ các đô thị lên đến khoảng 5,4 triệu m3 /ngày/đêm tương đương 1,9 tỷ m3 /năm; trong đó khoảng 80% đến 85% sẽ không được xử lý trước khi xả ra môi trường.
Mặt khác, theo đánh giá cân bằng năm hiện trạng, tổng lượng lượng nước thiếu trên toàn quốc khoảng 6.277 triệu m3/năm. Trong đó, tổng lượng nước thiếu vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 40% tổng lượng nước thiếu toàn quốc (khoảng 2.508 triệu m3/năm), 60% tổng lượng nước thiếu còn lại (khoảng 3.769 triệu m3 /năm) xảy ra trên các lưu vực sông Hồng – Thái Bình, sông Kôn Hà Thanh, sông Ba, sông Sê San, sông Srepok, sông Đồng Nai, sông Cái Ninh Hòa và nhóm các sông Quảng Trị, Đông Nam Bộ.
Xét ở phạm vi rộng trên toàn lưu vực, tổng lượng nước đến đảm bảo cấp cho các nhu cầu sử dụng nước, không xảy ra thiếu nước trên các lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Cái Nha Trang và nhóm các sông vùng Quảng Ninh, Quảng Bình.
Tuy nhiên, thực tế trên các lưu vực sông vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số vùng trong thời gian mùa khô. Tỷ lệ lượng nước thiếu trên các lưu vực sông so với tổng lượng nước thiếu toàn quốc được thể hiện tại. (Số liệu trích từ Nguồn, Bộ TNMT, Báo cáo Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn 2021-2030, 2022).
2.4. Tác động xã hội.
Các hoạt động của mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập, giúp phát triển kinh tế xã hội đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhìn chung có tác động tích cực, nâng cao đời sống của người dân. Nhưng quá trình phát triển cũng sẽ phát sinh những mâu thuẫn nội tại trong môi trường xã hội mà các cấp quản lý cần quan tâm đó là:
– Quá trình thực hiện quy hoạch sẽ phát sinh sự chưa đồng thuận, đặc biệt trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng. Quá trình phân bố không gian cho mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ phát sinh sự không thống nhất giữa các cấp ngành, giữa chính sách của nhà nước với quyền lợi của người dân. Điều này, gây nên các hoạt động khiếu kiện, tranh chấp không lành mạnh trong bộ phận người dân.
Mặt khác, sự phát triển kinh tế xã hội không đồng đều, thiếu kiểm soát chặt chẽ của các cấp địa phương, dẫn đến việc xen kẽ các mục tiêu sử dụng đất khác nhau như đất ở, đất nông nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp,… gây ra xung đột môi trường do ô nhiễm môi trường cục bộ (thường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, quản lý chất thải,…) ảnh hưởng đến các mục tiêu sử dụng đất khác (khu dân cư, trường học, bệnh viện,…).
Tốc độ phát triển Kinh tế – Xã hội cao, nhưng hệ thống quản lý môi trường, quản lý chất thải không theo kịp, cũng dẫn đến việc đưa chất thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ vào môi trường (đặc biệt là môi trường nước), làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, thiệt hại cho hoạt động sản xuất (nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản,…).
Từ đó, xuất hiện những mâu thuẫn với đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi ô nhiễm môi trường, dẫn tới tình trạng xung đột tranh chấp về môi trường. Một nguyên nhân phổ biến khác của xung đột môi trường là việc sử dụng chung nguồn tài nguyên (đặc biệt là nguồn tài nguyên nước) do nhu cầu sử dụng tài nguyên tăng lên nhằm phục vụ các hoạt động kinh tế xã hội.
Tác giả: Huỳnh Thành Đạt
Bạn đang xem bài viết:
Dự báo xu hướng các vấn đề môi trường khi không thực hiện Quy hoạch
Link https://vnlibs.com/cong-nghe/du-bao-xu-huong-cac-van-de-moi-truong-khi-khong-thuc-hien-quy-hoach.html