Quy hoạch và phát triển bền vững luôn là hai yếu tố song hành trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập không chỉ nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, mà còn phải đảm bảo tính bền vững và cân bằng với môi trường.
Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích những nội dung của quy hoạch có khả năng tác động đến môi trường, từ đó đưa ra những giải pháp và định hướng phát triển phù hợp, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
1. Quan điểm.
1. Phát triển mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập theo hướng tập trung ưu tiên các tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập trọng điểm và đặc thù, đảm bảo tính ổn định của lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập và tầm nhìn dài hạn của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời đẩy mạnh phát triển các lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập cung cấp dịch vụ công lĩnh vực Khoa học và Công nghệ đa dạng về loại hình, dựa trên định hướng thị trường.
2. Phát triển mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập theo hướng mở, linh hoạt, liên kết, tạo cơ hội cho thị trường công nghệ tiếp cận và đặt hàng cho các tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và cân bằng.
3. Phát triển mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đáp ứng với nhu cầu của thị trường công nghệ trong nước, tham gia hiệu quả thị trường công nghệ quốc tế, phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
4. Phát triển mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập bảo đảm sự phân bố phù hợp trên phạm vi cả nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vùng, ngành, địa phương theo từng giai đoạn phát triển, phù hợp với các chiến lược và quy hoạch có liên quan và thực hiện liên kết vùng hiệu quả.
5. Phát triển mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội trong từng thời kỳ; khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức khác, cá nhân đầu tư thành lập tổ chức Khoa học và Công nghệ và tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
2. Mục tiêu đến năm 2030.
2.1. Mục tiêu tổng quát.
Phát triển mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập có cơ cấu hợp lý theo định hướng ưu tiên phát triển của quốc gia, ngành và lĩnh vực, hoạt động hiệu quả, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, làm nền tảng để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
2.2. Mục tiêu cụ thể.
– Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp các tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập nhằm nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức theo định hướng ưu tiên phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, ngành và lĩnh vực. Đến năm 2030, giảm 20% đầu mối các tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập so với năm 2017.
– Hình thành hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở các địa phương.
Năm 2025, hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại 03 vùng bắc, trung, nam; 40% địa phương hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh từ việc kiện toàn tổ chức đối với các tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
Đến năm 2030, 100% địa phương hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh từ việc kiện toàn tổ chức đối với các tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
– Nâng cao năng lực nghiên cứu của các tổ chức Khoa học và Công nghệ theo tiếp cận với chuẩn quốc tế. Năm 2025, có khoảng 30 tổ chức nghiên cứu công lập được khu vực, quốc tế xếp hạng. Đến năm 2030, có khoảng 40 tổ chức nghiên cứu công lập được khu vực, quốc tế xếp hạng.
– Đầu tư trọng điểm cho một số tổ chức Khoa học và Công nghệ thuộc các bộ, ngành đạt trình độ khu vực và thế giới; xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trở thành nền tảng, trụ cột của nền khoa học và công nghệ Việt Nam;
Tiếp tục đầu tư đưa lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử trở thành một lĩnh vực có đóng góp có hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; hình thành các tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập có tính liên ngành, liên vùng, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trọng điểm quốc gia.
Năm 2025, đầu tư trọng điểm ít nhất 05 tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trọng điểm quốc gia và đạt trình độ khu vực và thế giới.
Năm 2030, củng cố hệ thống các tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập là nền tảng, trụ cột của nền Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong đó tiếp tục đầu tư cho các tổ chức đã được đầu tư trọng điểm thời kỳ 2021-2025 và đầu tư trọng điểm thêm cho 15 tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập.
3. Các định hướng phát triển.
Xây dựng và phát triển, tăng về số lượng và chất lượng các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đầu tư trọng điểm để phát triển một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, cung cấp các công nghệ Việt Nam làm chủ cho các ngành công nghiệp.
Xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trở thành nền tảng, trụ cột của nền khoa học và công nghệ Việt Nam. Thúc đẩy xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trở thành hạt nhân, nòng cốt và đầu tàu về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển các tổ chức Khoa học và Công nghệ thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành các viện nghiên cứu chuyên sâu, cung cấp các công nghệ dẫn dắt, tạo lợi thế cạnh tranh, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Hình thành và phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Xây dựng, tăng cường tiềm lực của hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo trên cơ sở liên kết các tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập với các khu công nghệ cao, công viên công nghệ, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức nghiên cứu nước ngoài… nhằm thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, triển khai từ khâu nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đến triển khai thử nghiệm, tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ mới.
Thúc đẩy hình thành và đầu tư nâng cao năng lực hạ tầng quốc gia cho các tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập hoạt động ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các vùng trọng điểm gắn với lợi thế của từng khu vực. Trong đó:
(1) Vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ gắn với các khu công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao;
(2) Vùng Trung du và miền núi phía Bắc gắn với các sản phẩm nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch;
(3) Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gắn với nông nghiệp và kinh tế biển;
(4) Vùng Tây Nguyên gắn với các sản phẩm nông lâm nghiệp, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp và du lịch;
(5) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, trung tâm giống và chuyển giao công nghệ.
Tác giả: Huỳnh Thành Đạt
Bạn đang xem bài viết:
Nội dung của quy hoạch có khả năng tác động đến môi trường
Link https://vnlibs.com/cong-nghe/noi-dung-cua-quy-hoach-co-kha-nang-tac-dong-den-moi-truong.html