Giao tiếp giữa giáo viên và học sinh mang tính đặc thù. Vì vậy, những nguyên tắc giao tiếp giữa giáo viên và học sinh cũng có những điểm riêng biệt.
Giao tiếp sư phạm là một dạng lao động phức tạp và là một dạng hoạt động đòi hỏi tính sáng tạo cao, nhằm góp phần giải quyết các nhiệm vụ của dạy học và giáo dục. Việc giao tiếp giữa giáo viên với học sinh rất quan trọng, trong việc giúp học sinh tự tin và tích cực rèn luyện, học tập và phát triển nhân cách.
Để đạt được mục đích đó, trong quá trình thực hiện, giáo viên cần đảm bảo, quán triệt được một số nguyên tắc cơ bản, khi giao tiếp nói chung và giao tiếp sư phạm nói riêng.
1. Những nguyên tắc chung về giao tiếp.
Trong bất cứ lĩnh vực nào hay những hoạt động khác nhau, khi giao tiếp, con người đều phải tuân theomMột số nguyên tắc cơ bản. Những nguyên tắc này được phân tích định hướng thành những yêu cầu, được khái quát như các “đặc tính” cơ bản cần đảm bảo:
– Tính khoa học: nội dung, hình thức, phương pháp phải phù hợp với mục đích, tính chất quá trình giao tiếp.
– Tính đạo đức: quý trọng, tin tưởng, chia sẻ, tự trọng, khiêm tốn… trong tương tác giao tiếp.
– Tính thẩm mỹ: nét đẹp, cái duyên… cần được đảm bảo và khai thác trong quá trình giao tiếp.
– Tính dân tộc: thể hiện tâm lý dân tộc, bản sắc, tính cách dân tộc trong giao tiếp của con người.
Thế nhưng, xuất phát từ đặc thù của hoạt động sư phạm và mối quan hệ chủ yếu của giáo viên và học sinh, những nguyên tắc giao tiếp sư phạm sau đây được chọn lọc và phân tích.
2. Những nguyên tắc cụ thể trong giao tiếp sư phạm.
Như đã nói, giao tiếp sư phạm vẫn đảm bảo những yêu cầu chung nhưng được đặt trong hoạt động sư phạm. Đặc biệt, là khung cảnh sư phạm với những yêu cầu sư phạm.
Vì thế, các nguyên tắc giao tiếp sư phạm được phân tích dựa trên những yêu cầu cụ thể, từ sự tương tác giữa chủ thể với chủ thể trong đó người giáo viên được xem là mẫu hình nhân cách, là người chủ động tổ chức hoạt động giao tiếp sư phạm nhiều hơn.
2.1. Tính mẫu mực trong giao tiếp sư phạm của giáo viên (chủ chốt).
Đối tượng của lao động sư phạm là con người. Công cụ lao động sư phạm là nhân cách của người giáo viên. Cụ thể đối tượng của lao động sư phạm ở đây, là những học sinh với nhân cách chưa hoàn thiện. Công cụ lao động sư phạm là nhân cách của người giáo viên. Mọi hành vi cử chỉ, cách nói năng của giáo viên đều tác động đến học sinh.
Vì vậy, nhân cách của người giáo viên phải là nhân cách mẫu mực cho học sinh noi theo. Giao tiếp có thể xem là một trong những nội dung giáo dục học sinh. Sự tế nhị, lịch thiệp, gương mẫu của giáo viên là tấm gương cần thiết cho học sinh noi theo trong tiến trình hoàn thiện nhân cách.
Biểu hiện mẫu mực trong giao tiếp sư phạm của giáo viên thể hiện:
– Sự mẫu mực về trang phục: Trang phục của giáo viên cần lịch sự, gọn gàng, phù hợp với quy định của nghề giáo. Giáo viên ăn mặc lịch sự khi lên lớp cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với học sinh.
– Sự mẫu mực trong thái độ, cử chi, hành vi, cách nói năng: Lời nói và hành động của giáo viên cần thống nhất tránh mâu thuẫn. Thái độ của giáo viên cần phải thống nhất, thể hiện phù hợp với các phản ứng hành vi. Ngôn ngữ của giáo viên sử dụng cần đa dạng, phong phú, diễn cảm, giàu tình cảm, phù hợp với tình huống, nội dung và đối tượng giao tiếp.
– Sự mẫu mực của giáo viên còn thể hiện ở cung cách ứng xử, sự xử lý tình huống và cách giải quyết vấn đề trong hoạt động nghề nghiệp, trong mối quan hệ giao tiếp sư phạm cũng như các mối quan hệ xã hội khác: Chính yêu cầu này, cần khuyến khích người giáo viên không chỉ nhìn mình trong mối quan hệ giao tiếp ở phạm vi lớp học, trường học, trong môi trường sư phạm mà có thể ở cả những môi trường xã hội khác.
Lẽ đương nhiên, ở mỗi vị trí – vai trò, con người có thể thể hiện mình khác nhau, nhưng nghề giáo đòi hỏi người giáo viên cần quan tâm đến hình ảnh của mình sao cho mẫu mực, không chỉ là trong môi trường học đường mà cả ở những tình huống nhất định của cuộc sống.
Cách ứng xử có văn hóa, lịch sự và đáng trân quý, cách xử lý tình huống thấu tình đạt lý và sự giải quyết các vấn đề mang tính thuyết phục, là những biểu hiện chuyên nghiệp trong cung cách ứng xử của một người giáo viên cần hướng đến, không ngừng hoàn thiện bản thân trong nghề nghiệp và cuộc sống.
2.3. Tôn trọng nhân cách học sinh trong giao tiếp sư phạm.
Tôn trọng nhân cách học sinh là thừa nhận học sinh như một con người đầy đủ các quyền được học tập và rèn luyện, vui chơi, lao động, bình đẳng trong các mối quan hệ. Bất kể ở lứa tuổi nào, việc tôn trọng nhân cách của trẻ em hay tôn trọng nhân cách học sinh được xem là chìa khóa để tương tác tích cực với các em, thực hiện mối quan hệ giao tiếp tích cực.
Nhu cầu được tôn trọng, được bình đẳng với mọi người trong giao tiếp là nhu cầu quan trọng và phổ biến ở học sinh nói chung, đặc biệt là với học sinh trung học. Nhu cầu thể hiện suy nghĩ, thể hiện hành động và năng lực trong quá trình sống và học tập cũng là nhu cầu quan trọng của lứa tuổi học sinh trung học. Sự tôn trọng của giáo viên dành cho học sinh giúp các em tự tin hơn, thoải mái hơn trong giao tiếp.
Đặc biệt, khi nhu cầu của mình được thỏa mãn, các em dễ cảm nhận được tín hiệu tích cực và từ đó sẽ chủ động hơn trong giao tiếp. Sự tôn trọng từ giáo viên mà học sinh nhận được sẽ hỗ trợ các em thỏa mãn được các nhu cầu trên, tạo điều kiện giúp học sinh có được sự cân bằng trong đời sống tinh thần, giảm bớt những mâu thuẫn giữa người lớn và học sinh trong độ tuổi này. Từ đó, hoạt động giao tiếp sẽ diễn ra một cách tích cực và hiệu quả như mong đợi.
Giáo viên chấp nhận học sinh ở trạng thái nhất định chứ không thể có thái độ không thể chấp nhận, không thừa nhận.
– Giáo viên không dùng những từ ngữ, hành vi – cử chỉ xúc phạm đến nhân cách học sinh.
– Giáo viên không áp đặt học sinh, bắt học sinh phải hành động theo minh một cách rập khuôn, máy móc.
– Giáo viên luôn lắng nghe học sinh trình bày ý muốn, nguyện vọng của mình và cố gắng đáp ứng những nhu cầu chính đáng của học sinh.
– Giáo viên không có những hành vi bộc phát, ngẫu nhiên, mất lịch sự khi tiếp xúc với học sinh.
– Giáo viên thể hiện sự lịch sự, gọn gàng, tinh tế trong trang phục, tác phong nhằm đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu của ngành nghề.
– Giáo viên thể hiện sự cảm thông với những hoàn cảnh riêng tư, những đặc điểm riêng và cả những yếu tố thuộc về cá tính, kiểu thể hiện của từng học sinh, nhóm học sinh. Giáo viên không được phép có thái độ phê phán hay không hợp tác một cách thiếu cân nhắc, chủ quan.
2.4. Có thiện ý trong giao tiếp sư phạm với học sinh.
Thiện ý trong giao tiếp sư phạm thể hiện trong cả quan hệ với học sinh và đồng nghiệp, phụ huynh. Tuy vậy, xét trên bình diện đặc trưng của sự thiện ý, yêu cầu thể hiện rõ nhất vẫn là trong mối quan hệ với học sinh.
Thiện ý là ý tốt, là ý tích cực, nó biểu hiện suy nghĩ tích cực, thái độ lành mạnh và hành vi hướng đến những giá trị nhân văn. Thiện ý trong giao tiếp thể hiện suy nghĩ tích cực, thái độ và hành vi hướng đến chuẩn mực tốt đẹp đậm chất nhân văn trong mối quan hệ giao tiếp.
Thiện ý trong giao tiếp với học sinh dựa trên nền tảng của sự yêu thương, tin tưởng học sinh, luôn đem hết sức lực,… tài năng ra dạy dỗ, nhiệt thành, luôn quan tâm đến các em một cách đích thực. Đây vừa là nội dung, điều kiện vừa là phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh.
Thiện ý trong giao tiếp sư phạm là minh chứng của một nhân cách mẫu mực và một nhân cách trưởng thành. Chỉ khi một nhân cách có thiện ý mới có thể đồng cảm, thông cảm, tạo điều kiện, tạo cơ hội để một nhân cách đang trường thành phát triển theo định hướng toàn diện hơn, hoàn thiện hơn. Người giáo viên có thiện ý với học sinh thường có các biểu hiện sau trong quá trình giao tiếp:
– Giáo viên luôn nhìn thấy những điểm mạnh ở học sinh, giúp học sinh phát huy hết những ưu điểm của học sinh.
– Thiện ý của giáo viên thể hiện rõ nét nhất trong cách đánh giá, nhận xét học sinh khi các em thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện hành vi – tính cách. Giáo viên thường nhìn thấy ưu điểm, sự nỗ lực, sự cố gắng và cả những tín hiệu sảng trong hoạt động và nhân cách của học sinh. Trong trường hợp học sinh phạm lỗi, giáo viên phải chỉ ra cho học sinh biết lỗi sai, biết cách khuyến khích bày tỏ sự tin tưởng để học sinh thay đổi trong tiến trình phát triển.
– Giáo viên là người có khả năng sử dụng kỹ năng khen ngợi, động viên nhằm giúp học sinh hình thành được sự tự tin và phát triển tiềm năng của bản thân trong tương lai.
– Thiện ý còn thể hiện ở sự đối xử bình đẳng giữa các học sinh, không thành kiến, không phân biệt đối xử. Dù cho có những học sinh tinh nghịch, chưa ngoan, chưa tuân thủ các chuẩn mực, hay làm trái ý giáo viên thì giáo viên vẫn phải đối xử với học sinh một cách khoan dung, nhẫn nại.
– Thiện ý của giáo viên còn thể hiện trong việc phân công nhiệm vụ cho học sinh trên lớp một cách bình đẳng, biết phát huy tính độc lập, tự chủ và sáng tạo của học sinh và luôn nhiệt tình giúp đỡ khi các em cần.
– Thiện ý của giáo viên thể hiện rõ ở sự tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm, những hạn chế, những sơ suất của học sinh trong hoạt động học tập, trong các mối quan hệ ở nhà trường, gia đình và xã hội, dựa trên cơ sở của tình thương, sự hướng thiện để thúc đẩy học sinh phát triển nhân cách bằng việc điều chỉnh tích cực của chính bản thân các em.
2.5. Đồng cảm trong giao tiếp sư phạm với học sinh.
Đồng cảm là biểu hiện của việc biết đặt mình vào vị trí tương tác, để nhận ra được suy nghĩ, cảm xúc – thái độ và cà hành vi ứng xử của nhau. Đồng cảm xuất phát ban đầu từ sự tương đồng về cảm xúc bằng sự nhận thức tích cực và sự chuyển đi vị trí tâm lý, từ đó dễ dẫn đến sự thông cảm.
Đồng cảm là cơ sở hình thành ở giáo viên tấm lòng nhân hậu, khoan dung và vị tha đối với học sinh, từ đó giáo viên có cách ứng xử đầy tính nhân văn. Ngược lại với sự đồng cảm là cách giáo viên thường hay áp dụng nội quy để trách phạt học sinh một cách cứng nhắc, không tìm hiểu nguyên nhân học sinh mắc lỗi.
Thiếu đồng cảm dẫn đến biểu hiện giáo viên sẽ có thái độ cảm tính, chủ quan, có những hành vi không mang tính nâng đỡ, và từ đó dễ xuất hiện sự vô cảm trong những tình huống nhất định khi giao tiếp. Người giáo viên đồng cảm trong giao tiếp sư phạm với học sinh thường có các biểu hiện:
– Đồng cảm thể hiện đầu tiên ở sự tương đồng nhất định về mặt cảm xúc của giáo viên với học sinh, khi đứng cùng một chiều để cảm nhận, để rung động từ cuộc sống xung quanh.
– Giáo viên biết đặt mình vào vị trí của học sinh để hiểu những suy nghĩ, tình cảm và hành động của các em. Giáo viên có thể nắm bắt được những khó khăn và thuận lợi của học sinh. Giáo viên biết đồng cảm thương rất nhạy cảm với tâm tư của học sinh, biết cách hỏi han, chia sẻ với các em trong những tình huống khác nhau từ thực tiễn cuộc sống.
– Đồng cảm còn thể hiện khi giáo viên luôn quan tâm, tìm hiểu, nắm vững hoàn cảnh gia đình các em. Dựa trên cơ sở này, giáo viên biết được thực tế những diễn tiến tâm lý bao gồm cả suy nghĩ, cảm xúc, hành vi để lý giải nguyên nhân đích thực của vấn đề, tìm ra được cách tương tác tích cực với các em theo định hướng phát triển nhân cách.
– Đồng cảm trong giao tiếp sư phạm còn thể hiện ở sự cảm thông không chi cho từng hoàn cảnh, mà cả những biểu hiện mang tinh mất cân bằng, những biểu hiện hành vi lệch chuẩn để dựa vào đó, giáo viên có thể góp phần giúp các em có động lực để tự điều chỉnh nhằm tạo ra sự phát triển nhân cách đúng hướng, toàn diện hơn.
– Đồng cảm với học sinh cho thấy giáo viên không ngừng hoàn thiện sự hiểu biết của mình về tâm lý lứa tuổi, về vấn đề phát triển cái tôi, nhu cầu tự khẳng định hay cơ chế phòng vệ ở học sinh nhằm mục đích thấu hiểu và đồng cảm được với các em để tương tác, giáo dục.
“Trẻ em là trẻ em, trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Trẻ em có cách suy nghĩ riêng không giống với người lớn” (J.J.Rutxo).
Giáo viên sẽ không thực hiện được mục đích giáo dục nếu như không hiểu được trẻ. Cách hiệu quả nhất để giáo viên hiểu được học sinh: Biết đặt mình vào vị trí của học sinh. Đã từng có một câu chuyện van xin được học và hành trình trở thành thầy giáo của cậu bé tự kỷ.
Các nguyên tắc giao tiếp sư phạm phân tích ở trên bao giờ cũng thống nhất tác động qua lại lẫn nhau. Những nguyên tắc này nhằm đảm bảo hoàn thiện nhân cách mẫu mực của người giáo viên, giúp giáo viên thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ của mình góp phần hình thành phát triển nhân cách cho học sinh.
Mặt khác, việc tuân thủ những nguyên tắc này giúp người giáo viên tranh thủ được những điều kiện thuận lợi nhằm tổ chức hoạt động sư phạm hiệu quả. Hơn thế nữa, nếu các nguyên tắc giao tiếp sư phạm này được khai thác một cách triệt để, giáo viên sẽ có chỗ đứng rất quan trọng trong tâm hồn, trái tim của học sinh để có thể tương tác tích cực với các em nhằm tạo ra những quan hệ tích cực trong hoạt động sư phạm theo mục đích đã xác lập.
Thực hiện các nguyên tắc giao tiếp sư phạm này một cách hiệu quả cũng là cách hướng đến sự chuyên nghiệp trong nghề giáo cũng như là cách thức để tuân thủ đạo đức nghề nghiệp mình đã chọn.
Tác giả: Huỳnh Văn Sơn
Bạn đang xem bài viết:
Các nguyên tắc giao tiếp sư phạm là gì?
Link https://vnlibs.com/giao-tiep/cac-nguyen-tac-giao-tiep-su-pham-la-gi.html