Để xác lập được định nghĩa giao tiếp sư phạm, trước hết cần quan tâm đến thuật ngữ sư phạm và hoạt động sư phạm.
Sư phạm, hiểu theo nghĩa đơn giản nghĩa là giảng dạy và giáo dục ở trong nhà trường. Hay theo từ điển tiếng Việt, sư phạm được hiểu là khoa học về giảng dạy và giáo dục trong nhà trường.
Dưới chế độ phong kiến, hoạt động sư phạm được khoanh vùng trong quan hệ giữa “thầy giáo – học trò” là chủ yếu. Hoạt động này thường xảy ra trên một bình diện nhất định, chưa phải trong một vùng, một không gian rộng lớn. Hoạt động sư phạm diễn ra theo kiểu truyền đạt một chiều từ trên xuống dưới, người thầy là chủ thể tuyệt đối của quá trình dạy học…
Như thế, hoạt động sư phạm được diễn ra trên nền của giao tiếp giữa thầy và trò. Mà thầy là chủ thể giao tiếp và trò được xem như là khách thể giao tiếp ở một chừng mực nhất định.
Theo quan niệm của Giáo dục học hiện đại, hoạt động sư phạm là sự tương tác giữa thầy và trò. Trong đó, thầy giáo là một chủ thể giao tiếp còn học sinh là đối tượng, là khách thể giao tiếp.
Dưới góc nhìn của Tâm lý học, hoạt động sư phạm được xem xét như một hoạt động có chủ đích nhằm thỏa mãn mặt nhận thức, tình câm của người dạy và người học.
Một cách cụ thể hơn, hoạt động sư phạm nhằm làm cho thế hệ sau tiếp thu các tri thức, kỹ năng, thái độ và người học với tư cách là chủ thể của hoạt động học sẽ biến những điều đã học được thành năng lực và phẩm chất của bản thân, thành nhân cách.
Giáo dục là sự nghiệp của loài người và của mọi người, nó được tiến hành ở mọi ngành, mọi cấp, trong từng khu phố, thôn xóm và gia đình, ở tất cả các cơ sở kinh tế và văn hóa…
Bên cạnh nhà trường, giáo dục còn được diễn ra ngoài xã hội, trong gia đình. Tất nhiên giáo dục nhà trường quyết định chiều hướng phát triển nhân cách học sinh.
Vì nhà trường là cơ quan chuyên trách công tác giáo dục, là tổ chức xã hội dẫn đầu với những phương pháp giảng dạy khoa học nhằm xây dựng cho con người một nhân cách phát triển toàn diện nền giáo dục là hoạt động mang tính chuyên nghiệp.
Như vậy, hoạt động giáo dục rộng lớn, bao hàm trong đó cả hoạt động sư phạm. Hoạt động giáo dục chi diễn ra trong nhà trường. Trong đó, chủ yếu là sự giao tiếp giữa giáo viên và học sinh được gọi là hoạt động sư phạm.
Giáo viên là người tổ chức, điều khiển quá trình giáo dục trong nhà trường, được gọi là chủ thể giao tiếp với nghĩa chung nhất. Học sinh là người lĩnh hội tri thức khoa học, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp qua các hoạt động do giáo viên tổ chức. Với ý nghĩa này, học sinh là khách thể trong hoạt động giao tiếp sư phạm.
Tuy nhiên, để giáo dục, dạy học đạt kết quả cao, không thể xem học sinh là khách thể thụ động, cần xem các em thực sự là một chủ thể có ý thức, hoạt động tích cực để đón nhận tri thức khoa học của giáo viên.
Và chỉ khi trở thành chủ thể tích cực trong hoạt động sư phạm, tương tác hiệu quả với chủ thể thứ nhất người giáo viên, thì hoạt động học mới diễn ra một cách như mong đợi.
Quá trình giao tiếp giữa giáo viên và học sinh thực chất là sự thực hiện mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, giữa chủ thể và khách thể, giữa chủ thể giao tiếp và chủ thể tiếp nhận, giữa chủ thể và chủ thể.
Các tiếp xúc tâm lý giáo viên cần tạo ra cho học sinh là tiếp cận được tâm tư; xây dựng không khí tâm lý thuận lợi là tạo cho học sinh có được tâm lý thoải mái khi chuẩn bị tiếp thu những tri thức mới.
Không những thế, đó còn là sự tương tác giúp các em không bị ức chế khi phải tiếp nhận thông tin từ giáo viên; các quá trình tâm lý khác ở đây được hiểu là trí tưởng tượng, trí nhớ, tư duy và tri giác đều tham gia một cách tích cực và rõ nét. Trong hoạt động sư phạm, có thể xác lập những biểu hiện cơ bản thuộc về đặc điểm hay tính chất của nó như sau:
1. Hoạt động sư phạm có tính mục đích.
Bất cứ hoạt động sư phạm nào, cũng chứa đựng những mục đích cụ thể, và nhằm thực hiện nhiệm vụ dạy học và giáo dục đã đề ra. Mục đích của hoạt động sư phạm làm cho hoạt động sư phạm, mang tính trí tuệ đặc biệt và dấu ấn của trái tim, khối óc của thầy và trò thể hiện một cách cao độ.
2. Hoạt động sư phạm có tính đối tượng.
Đối tượng của hoạt động sư phạm chính là học sinh nhưng cụ thể hơn chính là nhân cách của người học sinh. Hoạt động sư phạm dù diễn ra với hình thức nào, bối cảnh nào thì cũng nhằm vào việc tác động lên nhân cách học sinh bao gồm cả các mặt đức, trí, thể, mỹ và lao động.
Các hoạt động sư phạm diễn ra nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh một cách toàn diện. Chính vì vậy, phân tích tổng quan nhất thì nhân cách của học sinh là đối tượng mà hoạt động sư phạm nhằm tác động đến.
3. Hoạt động sư phạm được diễn ra với các điều kiện, phương tiện nhất định.
Hoạt động sư phạm chỉ có thể diễn ra trong một môi trường với những điều kiện cụ thể, đó chính là trường học, lớp học, các điều kiện vật chất có liên quan, mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa các nhà giáo dục với nhau và đặc biệt quan trọng nhất là sự giao tiếp giữa các chủ thể đó.
Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa rộng, hoạt động sư phạm không dừng ở lớp học, khuôn viên nhà trường, bởi sự quan tâm đến một nhân cách đang trưởng thành cần nhiều hơn thời gian trên trường lớp.
Phương tiện để thực hiện hoạt động sư phạm bây giờ, sẽ là nhân cách của người giáo viên. Vì nhân cách của người giáo viên, trở thành phương tiện tác động hữu hiệu và tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.
4. Hoạt động sư phạm được thực hiện qua hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục.
Đặc biệt là hoạt động cùng nhau của thầy và trò. Có thể nói hoạt động sư phạm bao gồm hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục. Nổi rõ lên trong hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục đó là sự phối hợp cùng nhau, tương tác tích cực cũng như làm việc một cách bài bản, ăn ý giữa thầy và trò.
Chi có thế mới có thể đạt được mục tiêu của hoạt động sư phạm. Đơn cử về hoạt động dạy học thì “Quá trình dạy học bao gồm trong đó hoạt động của thầy (hoạt động dạy) và hoạt động của trò (hoạt động học)”.
Thầy là chủ thể của hoạt động dạy, trò là chủ thể của hoạt động học. Nói đúng hơn, thầy và trò đều là chủ thể, cùng nhau tiến hành hoạt động dạy – học. Rõ ràng, chỉ khi hoạt động cùng nhau, hoạt động sư phạm mới thực sự diễn ra như mong đợi và đạt được kết quả dự kiến đã xác lập trong mô hình tư duy.
Việc xác định được nội hàm của thuật ngữ giao tiếp và thuật ngữ sư phạm, hoạt động sư phạm sẽ làm nền tảng cho việc xác định định nghĩa “giao tiếp sư phạm”.
Nói cách khác, định nghĩa giao tiếp sư phạm dựa trên nền tảng của các thuật ngữ cơ sở và tạo lập những đặc trưng cho mình, về định nghĩa giao tiếp sư phạm, cũng có khá nhiều định nghĩa khác nhau trong quá trình nghiên cứu trên bình diện lý luận lẫn sự ứng dụng từ góc độ thực hành.
Trước hết, hiểu một cách cơ bản, giao tiếp sư phạm là sự tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh nhằm truyền đạt và lĩnh hội những tri thức khoa học, vốn sống, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo, nghề nghiệp, xây dựng và phát triển nhân cách toàn diện ở học sinh.
Có thể đề cập đến quan niệm của tác giả E.V. Sukhinova, ông cho rằng: “giao tiếp là một phương thức chủ yếu tác động lên các quan hệ của học sinh”…
Giao tiếp giữa thầy và trò là một khâu quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, phát triển tính tích cực nhận thức và xã hội của học sinh, trong quá trình hình thành tập thể học sinh.
Bên cạnh đó, tác giả A.A. Leonchiev cũng khẳng định, giao tiếp sư phạm là giao tiếp có tính nghề nghiệp của giáo viên với học sinh ở trên lớp và ngoài giờ lên lớp.
Quan niệm này, đã khẳng định được tính đặc trưng của giao tiếp sư phạm cũng như mô hình hóa ban đầu về phạm vi của giao tiếp sư phạm theo nghĩa bản chất của nó trong hoạt động sư phạm.
Còn tác giả Hoàng Anh và Vũ Kim Thanh, cho rằng giao tiếp sư phạm là giao tiếp có tính nghề nghiệp giữa giáo viên với học sinh trong quá trình giảng dạy (giáo dưỡng) và giáo dục, có các chức năng sư phạm nhất định, tạo ra các tiếp xúc tàm lý, xây dựng không khí tâm lý thuận lợi, cùng các quá trình tâm lý khác (chú ý, tư duy…) có thể tạo ra kết quả tối ưu của quan hệ thầy trò, trong nội bộ tập thể học sinh và hoạt động dạy cũng như hoạt động học.
Đây là một định nghĩa khá cụ thể mô tả tương đối đầy đủ về nội hàm của giao tiếp sư phạm. Song song đó, định nghĩa này cũng xác định rõ vai trò của giao tiếp sư phạm trong hoạt động sư phạm, ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, các chủ thể chính thức của giao tiếp sư phạm.
Tác giả Nguyễn Thanh Dũng, thì khẳng định giao tiếp sư phạm được hiểu là sự tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh nhằm truyền đạt và lĩnh hội những tri thức khoa học, vốn sống, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo, nghề nghiệp, xây dựng và phát triển nhân cách toàn diện ở người học.
Dưới góc nhìn đã xác lập, đây là một định nghĩa phản ánh khá rõ bản chất của giao tiếp và giao tiếp sư phạm, khi cho rằng sự tiếp xúc của giáo viên và học sinh là điểm chốt trong giao tiếp sư phạm.
Bên cạnh đó, mục tiêu của giao tiếp sư phạm cũng được xác lập khá rõ trong định nghĩa này là: truyền đạt và lĩnh hội những tri thức khoa học, vốn sống, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo, nghề nghiệp, xây dựng và phát triển nhân cách toàn diện ở người học.
Định nghĩa này nhìn chung, phản ánh một cách đầy đủ và rõ ràng về nội hàm và ngoại diện khi đặt trong góc nhìn lý luận lẫn thực tiễn. Tuy vậy, vấn đề tương tác giữa giáo viên và học sinh diễn ra như thế nào, những dấu ấn cần xem xét nhằm làm cho sự tương tác này diễn ra hiệu quả chưa được đề cập trong định nghĩa trên.
Như vậy, giao tiếp sư phạm trước hết có thể hiểu là những nguyên tắc, những biện pháp và kỹ xảo tác động lẫn nhau giữa giáo viên với tập thể học sinh mà nội dung cơ bản của nỏ là trao đổi thông tin, là sự tác động về giáo dục và học tập, là việc tổ chức môi quan hệ lẫn nhau.
Đồng thời, cũng là quá trình người giáo viên xây dựng và phát triển nhân cách toàn diện của học sinh. Hơn thế nữa, giao tiếp sư phạm có thể xem là một hệ thống phức tạp, một quá trình sáng tạo để giải quyết các nhiệm vụ giáo dục, học tập, và là quá trình tổ chức mối quan hệ, sự hiểu biết lẫn nhau giữa giáo viên và học sinh nhờ vào việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
Tóm lại, giao tiếp sư phạm là sự tiếp xúc tâm lý giữa giáo viên và học sinh nhằm truyền đạt và lĩnh hội thông tin (tri thức khoa học, vốn sống, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo, nghề nghiệp), đồng thời trao đổi cảm xúc, nhu cầu… nhằm xây dựng và phát triển nhân cách toàn diện ở người học.
Tác giả: Huỳnh Văn Sơn
Tài liệu tham khảo:
[1] Isabella Grayson, What is the Concept of Pedagogical Communication?, ENLibs
Bạn đang xem bài viết:
Khái niệm giao tiếp sư phạm là gì?
Link https://vnlibs.com/giao-tiep/khai-niem-giao-tiep-su-pham-la-gi.html