Những đặc trưng của giao tiếp sư phạm là gì?

Trên nền tảng của giao tiếp, hoạt động giao tiếp, hoạt động sư phạm, giao tiếp sư phạm có những đặc trưng khác nhau.

Tuy nhiên, có thể xác định những đặc trưng sau của giao tiếp sư phạm trong cái nhìn tổng thể:

Thứ nhất, giao tiếp sư phạm dựa trên nền tảng của sự tương tác giữa chủ thể và chủ thể. Cả giáo viên và học sinh đều là chủ thể trong giao tiếp. Với người giáo viên, không thể phủ nhận vai trò chủ thể của họ trong hoạt động sư phạm và trong giao tiếp sư phạm.

Còn với người học, không thể xem học sinh là một khách thể thụ động mà là một chủ thể có ý thức, luôn hoạt động tích cực để tiếp nhận tri thức khoa học, kỹ năng và những kinh nghiệm nhất định và thậm chí là kỹ xảo để hình thành nhân cách của chính mình.

Thứ hai, giáo viên không chỉ giao tiếp với học sinh qua nội dung bài giảng, tri thức khoa học mà họ phải là tấm gương sáng mẫu mực về nhân cách đúng với đòi hỏi xã hội quy định trong hoạt động giao tiếp đa dạng.

Lời nói và hành động của người giáo viên phải có sự thống nhất cao để tạo ra uy tín sư phạm một cách vững chắc. Đó cũng là cơ sở để tạo ra sự tin tưởng, sự thuyết phục đối với học sinh… Những yếu tố này là phương tiện chủ đạo tinh thần giúp cho người giáo viên tiến hành hoạt động sư phạm đạt hiệu quả.

Thứ ba, giao tiếp sư phạm là quá trình giáo viên dùng các biện pháp nhằm giáo dục tình cảm, thuyết phục học sinh trên cơ sở tôn trọng. Mọi tác động bạo lực hay xâm phạm đến nhân cách và phẩm giá của học sinh, đều đi ngược lại với nguyên tắc đạo đức của người giáo viên, bị xã hội lên án và người giáo viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong khi thực hiện các nhiệm vụ phát triển nhân cách của học sinh, giao tiếp sư phạm tạo ra các hoàn cảnh – tình huống tâm lý kích thích việc hoàn thiện bản thân và tự giáo dục nhân cách ở học sinh, như một thủ thuật và như một yêu cầu mang tính chuyên nghiệp.

Thứ tư, giao tiếp sư phạm là tiến trình học sinh thể hiện thái độ, hành vi, sự ứng xử đối với giáo viên trong cái nhìn tương tác. Trong văn hóa hiện đại, đây là tương tác mang tính tôn trọng lẫn nhau, công bằng và hợp tác một cách có văn hóa.

Riêng với văn hóa người Việt Nam, sự kính trọng trong giao tiếp phù hợp với truyền thống và đạo đức của người Việt Nam. Đó là đặc trưng “tôn sư trọng đạo”. Không những với học sinh mà gia đình học sinh, xã hội cũng thể hiện sự tôn trọng đối với người giáo viên.

Nhân dân ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, trọng đạo lý làm người nên rất tôn trọng đối với nghề thầy giáo: “Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”. Điều này cũng trớ thành văn hóa đặc thù trong giao tiếp sư phạm ở người Việt từ bao đời qua.

Lẽ đương nhiên, đây cũng là lời nhắc nhở trở thành yêu cầu trong giao tiếp sư phạm đối với người giáo viên. Khi được tôn trọng, giáo viên càng phải không ngừng xây dựng và hoàn thiện nhân cách nghề nghiệp minh theo hình ảnh mẫu mực để xứng đáng được tôn trọng.

Song song đó, khi được học sinh, phụ huynh và cả xã hội tôn trọng, người giáo viên không chì biết tôn trọng chính mình mà còn phải tôn trọng người đã tôn trọng mình.

Thứ năm, giao tiếp sư phạm thể hiện năng lực sư phạm của người giáo viên, là phương tiện thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và phát triển.

Bác Hồ đã từng nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế và văn hóa”. Ở đây, Bác Hồ đã khẳng định vai trò quan trọng, không thể thiếu của người giáo viên.

Người giáo viên có giỏi hay không, được nhận định dựa trên năng lực sư phạm của họ. Trong đó, giao tiếp sư phạm có vị trí quan trọng. Nói khác đi, chính năng lực giao tiếp sư phạm là câu nói quan trọng tạo ra sự tương tác giữa thầy và trò, tạo ra nền tảng tâm lý cho hoạt động sư phạm diễn ra thuận lợi, dễ dàng, khoa học và hiệu quả.

Những minh chứng cho thấy chính năng lực giao tiếp sư phạm mà cao hơn là nghệ thuật giao tiếp sư phạm, đã trở thành công cụ nghề nghiệp quan trọng của người giáo viên.

Không những chỉ thực thi trọng trách dạy học và giáo dục của minh mà bản lĩnh giao tiếp sư phạm còn giúp người giáo viên mang đến cho học sinh những cơ hội “nâng đỡ” một nhân cách, một cuộc đời thật kỳ diệu và đáng ngạc nhiên.

Thứ sáu, giao tiếp sư phạm là phương tiện phục vụ cho hoạt động sư phạm, là điều kiện xã hội – tâm lý đảm đảm quá trình giáo dục, là phương thức tổ chức các mối quan hệ qua lại giữa thầy và trò theo định hướng và sự mong mỏi của nhiều phía.

Trong việc thực hiện các nhiệm vụ dạy học, giao tiếp sư phạm đảm bảo sự tiếp xúc tâm lý với học sinh: hình thành động cơ học tập tích cực, tạo ra hoàn cảnh tâm lý cho lớp học hay nhóm để tìm tòi, nhận thức và cùng nhau suy nghĩ.

Trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, nhờ có giao tiếp sư phạm, có thể giải quyết tốt các mối quan hệ giáo dục và sư phạm, tiếp xúc tâm lý giữa giáo viên và học sinh; hình thành xu hướng nhận thức trong nhân cách; vượt qua sự ngăn cách về tâm lý, hình thành các mối quan hệ tích cực với nhân cách của từng người học, của nhóm học sinh và của cả các tập thể học sinh.

Tóm lại, giao tiếp sư phạm là điều kiện thực hiện hoạt động giáo dục. Nhờ giao tiếp sư phạm, các đặc trưng xã hội của con người được hình thành, học sinh lĩnh hội được những kinh nghiệm xã hội lịch sử, chuyển hóa thành những kinh nghiệm riêng của cá nhân, thành phẩm chất và năng lực của chính mình để tham gia vào đời sống xã hội.

Để lĩnh hội những tri thức đời thường, không thể thiếu được sự giao tiếp giữa con người với con người. Đề lĩnh hội những tri thức khoa học, càng cần có giao tiếp sư phạm giữa giáo viên với học sinh.

Thực tế đã chứng minh rằng: giao tiếp trong môi trường giáo dục giữa thầy và trò, giữa nhà giáo dục và người được giáo dục, giúp cho cá nhân có thể lĩnh hội được những tri thức cần thiết bằng con đường nhanh nhất, trong khoảng thời gian ngắn nhất và đỡ tốn kém nhất, tạo điều kiện tối ưu nhất cho sự hình thành và sự phát triển nhân cách.

Có thể khẳng định, đối với hoạt động sư phạm, giao tiếp sư phạm là điều kiện, phương tiện, nội dung của quá trình giáo dục học sinh. Chính vì vậy, hoạt động sư phạm đòi hỏi người giáo viên phải có kỹ năng giao tiếp sư phạm chuyên nghiệp, để tổ chức hoạt động này một cách khoa học và nghệ thuật. Đó là trách nhiệm và lương tâm của những người làm nghề sư phạm một cách chuyên nghiệp và bài bản.

Tác giả: Huỳnh Văn Sơn


Bạn đang xem bài viết:
Những đặc trưng của giao tiếp sư phạm là gì?
Link https://vnlibs.com/giao-tiep/nhung-dac-trung-cua-giao-tiep-su-pham-la-gi.html

Từ khóa:

Mọi người cũng tìm kiếm: Vai trò của giao tiếp sư phạm; Khái niệm giao tiếp sư phạm; Ví dụ về giao tiếp sư phạm; Kỹ năng giao tiếp sư phạm; Giáo trình giao tiếp sư phạm; Các phương tiện giao tiếp sư phạm; Đề cương giao tiếp sư phạm; Các hình thức giao tiếp sư phạm; Đề cương đáp án bài thi môn giao tiếp sư phạm; Giáo trình giao tiếp sư phạm chuyên ngành; Đề thi môn giao tiếp sư phạm mầm non.