Phương tiện giao tiếp sư phạm thường được chia thành hai nhóm là phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ, dựa trên cách phân loại phương tiện giao tiếp nói chung.
Tương ứng với từng phương tiện thì có giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ. Có thể phân tích một cách khái quát từng nhóm phương tiện giao tiếp sư phạm như sau:
1. Phương tiện ngôn ngữ.
Ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu (âm thanh hoặc chữ viết) dưới dạng từ ngữ chứa đựng ý nghĩa nhất định (tượng trưng cho sự vật, hiện tượng cũng như thuộc tính và các mối quan hệ của chúng) được con người quy ước và sử dụng trong quá trình giao tiếp.
Hay nói cách khác, ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu dùng để tư duy và giao tiếp xã hội. Ngôn ngữ là quá trình mỗi cá nhân sử dụng một thứ tiếng nào đo để giao tiếp với nhau. Ngôn ngữ đặc trưng cho từng người. Sự khác biệt của cá nhân về ngôn ngữ được thể hiện ở cách phát âm, sử dụng cấu trúc của câu, sự lựa chọn và sử dụng từ ngữ khi giao tiếp. Đề cập đến giao tiếp ngôn ngữ cũng như việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, có thể quan tâm đến một số phân tích sau:
Trên bình diện yếu tố đặc điểm của ngôn ngữ cũng như chức năng của ngôn ngữ, có thể phân chia thành ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong. Nếu ngôn ngữ bên ngoài là ngôn ngữ hướng vào người khác và được dùng để truyền đạt và tiếp thu tư tưởng, thì ngôn ngữ nên trong là loại ngôn ngữ cho mình, hướng vào mình giúp bản thân suy nghĩ, tự điều chỉnh, tự giáo dục.
Ngôn ngữ bên trong không phát ra âm thanh, bao giờ cũng được rút gọn và cơ động cũng như tồn tại dưới cảm giác vận động và do cơ chế đặc biệt chi phối thì ngôn ngữ bên ngoài dễ dàng nhận thấy vì nó có âm thanh, ngữ điệu. Dưới góc nhìn của giao tiếp tương tác, ngôn ngữ bên ngoài là yếu tố cần được phân tích chi tiết.
Có thể chia ngôn ngữ bên ngoài thành ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Ngôn ngữ nói là ngôn ngữ hướng vào người khác, được biểu hiện bằng âm thanh và được tiếp thu bằng thính giác. Ngôn ngữ viết là ngôn ngữ hướng vào người khác được biểu hiện bằng kí hiệu chữ viết và được tiếp thu bằng cơ quan phân tích thị giác.
Ngôn ngữ viết cho phép con người tiếp xúc với nhau một cách gián tiếp trong những khoảng không gian và thời gian rộng lớn. Phân tích chi tiết về ngôn ngữ nói, có thể nhận thấy nó bao gồm hai loại sau: ngôn ngữ độc thoại và ngôn ngữ đối thoại.
Ngôn ngữ độc thoại là ngôn ngữ mà một người nói và nhiều người nghe. Đó là kiểu ngôn ngữ nói liên tục mang tính chất một chiều, ít hoặc không có sự phản hồi trực tiếp ngược lại một cách rõ ràng. Ngôn ngữ đối thoại là hình thức ngôn ngữ mang tính chất trao đổi chủ động giữa hai người hay một nhóm người với nhau.
Ngôn ngữ đối thoại thường mang tính chất tình huống – rút gọn, ít có tính chủ định và thường bị động cũng như cấu trúc của nó thường không quá chặt chẽ vì nó tuân thủ theo tình huống và phụ thuộc vào cả hai phía. Ngôn ngữ đối thoại mang tính chất tương tác rất mạnh mẽ và sâu sắc, vì cả hai phía phải hết lòng và chủ động tối đa để cuộc đối thoại diễn ra hiệu quả và tích cực…
Trên bình diện kỹ thuật nói, khi sử dụng ngôn ngữ, có thể quan tâm đến kiểu nói hàm ngôn và hiển ngôn. Hiển ngôn là kiểu nói mà nghĩa của lời nói thể hiện một cách rõ ràng và cụ thể thông qua lời nói. Còn kiểu nói hàm ngôn là cách nói mà ngữ nghĩa của lời nói thường ẩn sâu bên trong của ngôn ngữ, và cần phải có quá trình giải mã một cách sâu sắc, mới có thể nắm được các tầng bậc ngữ nghĩa của lời nói thông qua ngôn ngữ nói.
Phân tích sâu hơn nữa về các kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ, có thể đề cập đến các cách thức nói cụ thể: nói giảm – nói quá; nói tránh, nói vòng – nói bắc cầu… Mỗi cách thức nói trên có thể tạo ra những hiệu ứng khác nhau trong quá trình giao tiếp. Tuy nhiên, điều cơ bản cần chú ý là nếu sử dụng đúng yêu cầu cũng như đảm bảo có sự thích ứng và phù hợp với từng tình huống giao tiếp cũng như đối tượng giao tiếp thì sự thành công trong giao tiếp sẽ trở nên dễ dàng được xác lập.
Khi sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp có hiệu quả cần chú ý một số vấn đề:
– Nội dung của ngôn ngữ chuyển đến đối tượng giao tiếp để họ hiểu ý của người nói. Nội dung ngôn ngữ có hai khía cạnh chủ quan và khách quan. Khía cạnh chủ quan là ngôn ngữ dùng để truyền tải ý của cá nhân. Do đó làm cho đối tượng giao tiếp hiểu được ý mình muốn chuyển tải là yếu tố quan trọng để đi đến sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau. Khía cạnh khách quan thể hiện ở chỗ từ ngữ luôn có nghĩa xác định không phụ thuộc vào ý muốn của cá nhân, do đó cần dùng từ ngữ đúng, phù hợp hoàn cảnh, tình huống giao tiếp.
– Ngoài ra, phát âm, giọng nói, tốc độ nói phải đảm bảo cho đối tượng giao tiếp có thể tiếp nhận thông tin và có thể tác động được đối tượng giao tiếp. Giọng nói trước hết có thể chỉ ra được nhóm xã hội, nguồn gốc của người nói qua tính chất địa phương trong giọng nói. Bên cạnh đó, giọng nói cũng phần nào cho thấy được đặc điểm nhân cách, vai trò, vị trí xã hội của người nói thông qua cách nói, giọng điệu to nhỏ, trầm bổng…
Vì vậy, giọng nói cũng có thể chuyển tải những thông tin về cảm xúc, thái độ khi giao tiếp. Giọng nói ở đây đòi hỏi người giao tiếp phải chú ý đến tất cả thông điệp và thông tin chuyển tải mà không phải là từ ngữ và cử chỉ điệu bộ khi nói đều được xem là giọng nói. Như vậy, giọng nói bao gồm hơi thở, kỹ thuật phát âm, độ diễn cảm và những yếu tố khác có liên quan chặt chẽ. Điều này cho thấy để có giọng nói hiệu quả trong giao tiếp, cần chú tâm rèn luyện từng yếu tố đã nêu.
Để có thể quan tâm đến giọng nói trong giao tiếp, cần chú ý đến các loại tín hiệu âm thanh cơ bản tồn tại trong yếu tố giọng nói để tạo ra hiệu ứng giao tiếp bằng lời. Có thể phân tích thành bốn loại tín hiệu âm thanh. Tín hiệu âm thanh định tính bao gồm độ cao, tốc độ và âm lượng của lời nói.
Những tín hiệu âm thanh lấp đầy bao gồm những âm thanh không có nghĩa nhưng góp phần lấp đầy lời nói, câu nói. Những tín hiệu âm thanh định phẩm bao gồm những yếu tố thuộc về cảm xúc tự nhiên và sắc thái đặc trưng của giọng nói. Yếu tố cuối cùng cần phân tích là sự im lặng diễn ra khi nó được xem như là thái độ nói.
Tuy nhiên sự im lặng cũng có thể được xem như một cử chỉ điệu bộ, nếu nhìn nhận sự phân loại giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ có thể giao thoa nhau trong một chừng mực nào đó.
– Phong cách ngôn ngữ thể hiện qua lối nói, lối viết tức là cách dùng từ ngữ để diễn đạt ý trong giao tiếp. Phong cách ngôn ngữ có thể là lối nói thẳng, lối nói lịch sự, lối nói ẩn ý, lối nói mỉa mai châm chọc. Việc sử dụng phong cách ngôn ngữ đòi hỏi mỗi cá nhân cần nhận thức được các yêu cầu của từng loại phong cách, cũng như khéo léo sử dụng từng phong cách trong những hoàn cảnh khác nhau.
Có thể đề cập đến những yêu cầu cơ bản về ngôn ngữ ở giáo viên trong giao tiếp sư phạm:
– Giọng nói phải to, rõ, dễ nghe, tròn vành, rõ chữ;
– Giọng nói mang tính biểu cảm, giàu cảm xúc;
– Phát âm cần chuẩn xác và bộc lộ được sự thiện cảm khi nói;
– Cần tuân thủ việc sử dụng ngôn từ phù hợp, trong sáng và thể hiện tính chuẩn mực, thích ứng với học sinh, với phụ huynh và đồng nghiệp;
– Ngôn ngữ nói cần đảm bảo sự lưu loát, diễn đạt cụ thể, dễ hiểu và tạo hiệu ứng giao tiếp tích cực với đối tượng;
– Chú ý đến các yêu cầu về kỹ thuật nói trong giao tiếp như: nói hiển ngôn, hàm ngôn, nói giảm, nói quá… trong từng tình huống khi giao tiếp với học sinh, với phụ huynh và đồng nghiệp;
– Khi sử dụng từ ngữ trong văn bản viết hoặc những tình huống tương tự (viết sổ liên lạc, sửa bài, phê bình bài làm, chỉnh sửa kế hoạch của học sinh…), cần sử dụng đúng ngữ pháp, cách viết thể hiện sự nghiêm túc, chân tình cũng như chú ý đến cảm xúc và sự mong chờ của học sinh trong giao tiếp.
2. Phương tiện phi ngôn ngữ.
Các ký hiệu phi ngôn ngữ là một loại phương tiện quan trọng của sự biểu đạt. Đó là các kích thích bên ngoài nhưng không phải là lời nói và chữ viết, bao gồm những yếu tố thuộc về cử chỉ điệu bộ và những chuyển động biểu cảm khác có liên quan.
Trong giao tiếp, phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng đóng vai trò chủ yếu không chi trong việc truyền đạt thông tin mà còn biểu hiện tâm trạng, xúc cảm, tình cảm, thái độ… của chủ thể giao tiếp. Các phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên trong giao tiếp có thể kể là ngôn ngữ cơ thể như ánh mắt, nét mặt, nụ cười, dáng vẻ bề ngoài, cử động của đầu, cử chỉ, tư thế, tiếp xúc thân thể, là giọng nói, là khung cảnh giao tiếp như khoảng cách, vị trí bàn ghế…
Ở một góc độ khái quát về phân loại, có thể đề cập đến sự phân chia như sau: phần đầu bao gồm khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười và một vài cử chỉ điệu bộ trên khuôn mặt, phần tay chân với các cử chỉ tương ứng, phần ngoài như: trang phục, khoảng cách – chỗ ngồi…
2.1. Nét mặt.
Nét mặt biểu lộ cảm xúc của con người. Nhìn chung, nét mặt có thể biểu lộ sáu cảm xúc như vui, buồn, ngạc nhiên, tức giận, sợ hãi và ghê tởm. Trong giao tiếp, nét mặt là yếu tố thường được chú ý đầu tiên vì tính trực quan trong tiếp xúc. Nét mặt góp phần quan trọng tạo nên hình ảnh của cá nhân trong mắt người khác.
Với số kiểu nét mặt phong phú của con người, có thể dễ dàng gây hiệu ứng trong giao tiếp nếu như con người biết sử dụng kiểu nét mặt phù hợp. Trong giao tiếp với học sinh, nét mặt thân thiện của người giáo viên là nét mặt được khuyến khích sử dụng. Đó là nét mặt nhẹ nhõm, dễ gần khi có thể nhẹ nhàng nở nụ cười tươi với sự chuyển động tổng hợp của cơ mặt khi tiếp xúc…
2.2. Ánh mắt.
Ánh mắt là phương tiện giao tiếp không lời có khả năng chuyển tải không những tâm trạng, trạng thái xúc cảm, tình cảm của con người mà còn là nơi tiếp nhận các thông tin cảm tính từ môi trường bên ngoài. Con người có bao nhiêu cái nhìn là có bấy nhiêu tính cách. Bạn có biết ánh mắt thiện cảm (đồng tử nở to) và ánh mắt không thiện cảm (đồng tử thu nhỏ).
Do vậy, biết giao tiếp bằng mắt sẽ đem lại nhiều hiệu quả trong quá trình giao tiếp. Có một vài yêu cầu khi giao tiếp bằng mắt với học sinh mà người giáo viên cần chú ý như: luôn cố gắng giữ ánh mắt nhẹ nhàng và thân thiện, dùng cái nhìn thẳng vào mặt đối tượng, sử dụng đỉnh tam giác từ giữa chân mày xuống hai mắt của đối tượng, hoặc từ hai mắt xuống chóp mũi của đối tượng để tạo ra sự thiện cảm.
Đương nhiên, cần tránh những ánh mắt cấm kỵ như: ánh mắt soi mói, ánh mắt dò xét, ánh mắt lạnh lùng, ánh mắt xem thường… tương ứng với từng kiểu nhìn cụ thể. Yêu cầu đơn giản nhất khi giao tiếp bằng mắt là nhìn vào mắt đối tượng, giữ cái nhìn vào mắt của nhau càng lâu càng tốt theo thời gian của cuộc giao tiếp và hạn chế đậu mắt không đúng chỗ trong giao tiếp.
Có ba kiểu nhìn cơ bản: nhìn xã giao, nhìn thân mật và nhìn quyền uy.
– Kiểu nhìn xã giao. Khi gặp gỡ xã giao, mắt của người thuộc kiểu nhìn này sẽ nhìn vào khu vực chữ T trên gương mặt người đối diện (giữa hai mắt và miệng) trong khoảng 90% thời gian tiếp xúc bằng mắt. Đây là vùng mặt mà chúng ta nhìn vào khi không có ý đe dọa hay gây hấn người đối diện và họ cũng sẽ cảm nhận tương tự khi giao tiếp.
– Kiểu nhìn thân mật. Khi người ta tiến lại gần nhau từ xa, trước tiên họ nhìn nhanh vào gương mặt và phần dưới cơ thể để xác định giới tính của người đối diện và nhìn lần thứ hai để thể hiện sự quan tâm của họ. Cái nhìn này có phạm vi từ giữa hai mắt, quét tới cằm rồi xuống phần dưới cơ thể người đối diện.
Trong các cuộc gặp mặt có khoảng cách gần, vùng nhìn là tam giác giữa ánh mắt và ngực, còn khi nhìn ở khoảng cách xa thì vùng nhìn mở rộng từ hai mắt đến bụng hoặc thấp hơn. Người ta hay sử dụng kiểu nhìn này để biểu lộ hoặc đáp lại sự quan tâm của người kia.
– Kiểu nhìn quyền uy. Hãy tưởng tượng người đối diện có con mắt thứ ba chính ngay giữa trán, hãy nhìn vào khu vực tam giác giữa ba con mắt của người đó. Có thử trải nghiệm thì mới biết được tác động của kiểu nhìn này đối với người khác. Cái nhìn này không những làm bầu không khí trở nên nghiêm túc mà còn có thể chặn ngang một người tẻ nhạt.
Duy trì cách nhìn này, bạn có thể gây sức ép mạnh mẽ đến họ. Không nên nhìn kiểu này trong các cuộc gặp mặt thân mật hoặc lãng mạn. Nhưng đây là cách đối xử thích hợp khi giáo viên muốn nhắc nhờ hoặc khiển trách học sinh, nhằm thể hiện sự nghiêm khắc cần thiết trong hoạt động sư phạm.
2.3. Nụ cười.
Nụ cười là phương tiện giao tiếp không lời với chức năng chính là thể hiện xúc cảm, tình cảm của con người. Nụ cười cũng biểu lộ một phần tâm trạng và tính cách của người đang cười và đôi khi cười cũng còn được sử dụng như một tín hiệu âm thanh lấp đẩy trong quá trình giao tiếp. Để diễn giải đúng ý nghĩa của nụ cười thì cần chú ý kết hợp quan sát cả đôi mắt và khóe miệng của người đang cười.
Thông thường, để gây hiệu ứng giao tiếp thì nụ cười chữ a là nụ cười mang hiệu ứng tích cực hơn cả. Nụ cười này đảm bảo các yêu cầu như: tươi, sáng, có sự chuyển động của cả mắt mà chúng ta có thể gọi là cười bằng mắt, có sự bộc lộ cảm xúc qua phần răng – lợi vừa phải cũng như có sự chuyển động tươi của cả nét mặt.
Đặc biệt, nụ cười này đáp ứng cảm xúc tích cực của con người là khi con người cảm thấy vui vè và ngạc nhiên, hay hạnh phúc thì khẩu hình chữ a và âm thanh a thường bộc lộ rất tự nhiên và sảng khoái. Những thực nghiệm tâm lý đã minh chứng rằng khi con người nở nụ cười với một đối tượng, thì chắc chắn rằng phản ứng mà chúng ta nhận được đó chính là một nụ cười rất tươi.
Vì vậy, ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Kẻ nào không biết cười thì đừng nên mở tiệm”. Lẽ đương nhiên, trong từng tình huống khác nhau, nụ cười cũng phải phù hợp theo nguyên tắc đúng nơi – đúng chỗ và mang tính thích ứng.
Điều cần lưu tâm trong giao tiếp sư phạm, là người giáo viên cần sử dụng nụ cười như một phương tiện giao tiếp hữu hiệu để mở đầu câu chuyện, khích lệ – động viên học sinh, để chào tạm biệt… Quan trọng nhất là đừng để quên nụ cười trong giao tiếp sư phạm, vì điều này dẫn đến sự ngột ngạt, sự căng thẳng hay một bầu không khí tâm lý ảm đạm, đầy nguy cơ.
2.4. Dáng vẻ bề ngoài.
Dáng vẻ bề ngoài được xem là một dạng phương tiện đặc biệt trong giao tiếp phi ngôn ngữ. Dáng vẻ bề ngoài gồm hình dáng thân thể, cung cách đi đứng, trang phục và cung cách ứng xử. Hình dáng thân thể thường có sự tác động mạnh đến người tri giác trong giao tiếp, trong đó yếu tố chiều cao, sự cân đối về hình thể được cho là yếu tố có tác động khá mạnh.
Cung cách đi đứng của một người cũng nói lên nhiều điều về họ như vị thế, tâm trạng – văn hóa, chủng tộc cũng như sự nhận thức về bản thân. Trang phục bổ sung diện mạo cho con người và mô tả về con người trong giao tiếp sư phạm. Trang phục bao gồm, sự phối hợp các kiểu quần áo, màu sắc vải, trang sức,… cung cấp thông tin về lứa tuổi, nghề nghiệp, vị trí xã hội, đẳng cấp và khiếu thẩm mỹ của con người.
Trang phục là một phần của sự định hướng giao tiếp và góp phần giúp giao tiếp thành công. Trong giao tiếp sư phạm, trang phục thanh lịch là một trong những yếu tố hấp dẫn. Để đạt được điều này thì việc đảm bảo các yêu cầu như: phối màu quần áo, cà vạt hay khăn choàng phải tuân thủ nguyên tắc tông tương tông hay tương phản.
Bên cạnh đó, các yêu cầu về trang sức, phụ kiện trang trí phù hợp là các yêu cầu cũng cực kỳ quan trọng trong giao tiếp. Đối với giáo viên, trang phục phải lịch sự, kín đáo, màu sắc hài hòa tươi sáng để thu hút sự chú ý của học sinh. Học sinh yêu mến và dễ bị rung động bởi yếu tố trực quan. Vì vậy, nếu giáo viên chăm chút bề ngoài có thể dễ dàng gây ấn tượng đầu tiên tích cực khi gặp gỡ.
Đồng thời, giáo viên lựa chọn trang phục một cách thanh lịch, nhã nhặn cũng là biểu hiện của phương pháp nêu gương cho học sinh trong việc hình thành tác phong của con người. Mặt khác, trên bình diện xây dựng hình ảnh thì đồng phục của nhà trường và những biểu trưng khác có liên quan sẽ đem lại những hiệu ứng không kém phần độc đáo trong giao tiếp sư phạm.
2.5. Cử chỉ.
Cử chỉ là sự vận động của tay chân và thân thể. Cử chỉ thường được dùng để minh họa, nhấn mạnh, bổ sung cho những gì đang nói, hoặc thậm chí có thể thay thế lời nói thông qua các dấu hiệu trong cử chi. Cử chỉ cũng được con người dùng để biểu lộ cảm xúc và thái độ.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cử chỉ lại có thể là thói quen của cá nhân. Liên quan đến việc khéo léo sử dụng cử chỉ, không thể không phân tích hiệu ứng của tư thế. Tư thế thể hiện qua cách đứng, cách ngồi, cách đi đứng của cá nhân trong giao tiếp. Tư thế đôi khi cũng mang đặc trưng của từng nền văn hóa.
Thông thường trong giao tiếp, tư thế thể hiện thái độ, vị thế xã hội cũng như tham gia quản lý tình huống giao tiếp trực tiếp. Có một số tư thế đứng chuẩn mực cần tuân thủ như: kiểu đứng chân rộng gần bằng vai, kiểu đứng lOh hoặc 2h với bàn tay xếp đều trước bụng…
Lẽ đương nhiên, những yêu cầu này có thể được điều chỉnh phù hợp với từng giới tính, dù rằng những yêu cầu cơ bản là nhất quán và đồng bộ. Cử chỉ tay cần thiết khi giao tiếp với học sinh là lòng bàn tay mở ra. Khi con người có cảm xúc, say mê, cử chi tay sẽ trở nên sinh động và lòng bàn tay mờ là mang thông điệp: “Bạn thấy không, tôi chẳng giấu giếm điều gì cả!”.
Lưu ý rằng, có một số cử chỉ cấm kỵ đòi hỏi giáo viên cần tránh và không được vi phạm như: chỉ trỏ về phía học sinh, cầm que chỉ trỏ về phía học sinh, búng tay thường xuyên, chắp tay sau lưng liên tục trong khi xuất hiện trước nhiều học sinh lúc giao tiếp sư phạm với nhóm hay với tập thể học sinh.
Khi thư thả, tay và vai của một người sẽ ở tư thế thoải mái: vai hơi hạ thấp về trước, cánh tay buông lỏng tự nhiên. Tư thế của một người tự tin trong giao tiếp là lưng thẳng, mắt nhìn thẳng về phía trước, ngực ưỡn ra, bụng thu lại về phía sau lưng, vai căng ra.
Cả cơ thể bạn từ tai qua vai, hông, đầu gối đến giữa mắt cá chân tạo thành đường thẳng. Đây cũng là các tư thế giáo viên cần chú ý khi giao tiếp sư phạm, để tạo ra hiệu ứng giao tiếp tích cực khi thể hiện đúng, và đủ sự tự tin của minh trong hoạt động sư phạm. Lòng bàn tay mở thể hiện sự chân thành và tự tin khi trình bày vấn đề.
Ngoài ra, cũng có thể đề cập đến sự đi đứng khi cung cách đi đứng nói lên khá nhiều điều về con người. Bước đi của con người có thể nói lên những thông tin đầu mối về vị thế, tâm trạng, sự tự tin về bản thân hay không(?)… Những yêu cầu chuẩn cho thấy dáng đi luôn luôn thẳng, không được xiêu vẹo về một phía (trước – sau hay phải – trái), trọng tâm dồn về phía sau, bước chéo dài sao cho hai bàn chân cách nhau khoảng 20cm và mắt hướng về phía trước theo tầm ngang là phù hợp.
Cũng có thể đề cập thêm về những yếu tố liên quan đến kiểu ngồi của con người với những yêu cầu cụ thể về giới tính, văn hóa và tương thích với trang phục. Yếu tố này có thể nói lên những đặc điểm về văn hóa của đối tượng, góp phần tôn tạo nên sự thanh lịch của bản thân theo một định hướng giao tiếp có văn hóa và lịch sự. Người giáo viên trong hoạt động sư phạm, có thể sử dụng tư thế ngồi ít đi nếu áp dụng dạy học chủ động, tích cực.
Tuy vậy, nếu có sử dụng tư thế ngồi ở bàn giáo viên, hay ờ bàn học sinh với tư cách là một thành viên của nhóm trong một số trường hợp, có thể lưu ý về sự cẩn thận khi kiểm tra nơi ngồi, chú ý tư thế ngồi thẳng lưng và hạn chế tựa tay ghì xuống bàn, lưu ý đến trang phục gọn khi ngồi vì mọi biểu hiện đều được học sinh thu nhận và đánh giá trong giao tiếp sư phạm.
2.6. Tiếp xúc thân thể.
Tiếp xúc thân thể làm con người khác với những động vật khác. Từ cái bắt tay ấm áp hoặc cái ôm cảm thông đến một cái vỗ vai chúc mừng, chúng ta đã phát triển nên một thứ ngôn ngữ, văn hóa, và biểu cảm phức tạp thông qua tiếp xúc thân thể. Tiếp xúc thân thể thể hiện qua nhiều hình thức như bắt tay, ôm, vỗ vai, hôn má, đẩy… cũng phụ thuộc rất nhiều vào đặc trưng của các nền văn hóa.
Nói khác đi, mỗi nền văn hoá khác nhau, có những quy ước riêng trong những cử chỉ điệu bộ đã phân tích ở trên. Tiếp xúc thân thể gia tăng niềm vui giữa các cá nhân, hình thành nên những xúc cảm tích cực. Ví dụ, như khi giáo viên chạm vào người học sinh một cách phù hợp, điều này khuyến khích học sinh học tập.
Nhà Tâm lý học người Pháp Nicolas Gueguen thuật lại rằng: “Khi giáo viên vỗ nhẹ người học sinh một cách thân thiện, khả năng học sinh đó phát biểu trong lớp tăng gấp ba lần. Một nghiên cứu gần đây cho thấy khi các thủ thư vỗ vào tay một học sinh đang xem thử sách, học sinh đó nói rằng họ thích thư viện này hơn và sẽ có nhiều khả năng quay trở lại”.
Có thể đề cập đến cái bắt tay trong hoạt động giao tiếp. Đây là hành động mang tính xã giao không lời hết sức phổ biến. Trong giao tiếp, cái bắt tay được ví như lá trẩu, là khúc dạo đầu cho một buổi trò chuyện. Để có một buổi nói chuyện được gọi là thành công, rất cần nghệ thuật giao tiếp mà quan trọng là cái bắt tay trong màn chào hỏi ban đầu.
Bắt tay là nét đẹp văn hóa, nó không đơn giản là một kỹ năng giao tiếp mà nó còn một nghệ thuật, một kỹ năng sống. Đối tượng giao tiếp ấn tượng về bạn thế nào là qua cách bắt tay và thái độ trong lúc bắt tay. Thực tế có những cái bắt tay làm đôi bên xích lại gần nhau, nhưng có những người chỉ sơ suất trong bắt tay khiến đối tác tự ái, dẫn tới hỏng việc.
Vậy làm sao để có được một cái bắt tay đẹp, lịch sự và ấn tượng? Có nhiều kiểu bắt tay khác nhau nhưng theo quy chuẩn cơ bản kiểu bắt tay mang tính xã giao quốc tế vẫn là bắt tay bằng một tay, thường là sử dụng tay phải, khoảng cách giữa thân hình của hai người khoảng 3/4 cánh tay, bàn tay chạm tương đối sâu vào bàn tay đối tượng.
Ngoài ra, khi bắt tay thì tay vẫn nên đỡ tay đối tượng, mắt vẫn nhìn đối tượng khi bắt tay, và nữ thường được quyền chủ động bắt tay cũng như người quản lý được giao quyền chủ động nhiều hơn khi bắt tay… Trong khi gặp gỡ, người có tuổi hoặc có địa vị xã hội cao hơn thường là người chủ động chìa tay ra bắt.
Ví dụ như giám đốc bắt tay các trường phòng, hoặc nhân vật được phỏng vấn bắt tay các phóng viên. Trong trường hợp đại diện hai bên đối tác đều ngang hàng, bên chủ nhà cũng sẽ là bên chủ động bắt tay trước. Tuy thế, đôi khi chính việc người khác mở rộng tay ra bắt trước, bất kể địa vị xã hội, cũng là một cách gây ấn tượng về sự tự tin và táo bạo.
Kiểu bắt tay này có thể được sử dụng trong giao tiếp sư phạm với học sinh trung học ở những buổi lễ hội, hay với sinh viên trong đa dạng tình huống hơn. Chính vì vậy, giáo viên cần quan tâm rèn luyện, nhằm tạo ra hiệu ứng tích cực khi giao tiếp với người học.
Còn kiểu ôm hôn xã giao hợp lý vẫn là ôm hôn má chạm má, và tuyệt nhiên không được dùng môi của mình để chạm vào má của đối tượng, cũng như sự chạm vai chỉ là tương đối. Cử chỉ này dù không được sử dụng phổ biến trong học đường, nhưng cũng là vấn đề văn hóa cơ bản cần quan tâm.
2.7. Khoảng cách giữa các bên trong giao tiếp.
Đây cũng là một yếu tố nói lên mối quan hệ đặc biệt trong giao tiếp. Khoảng cách trong giao tiếp với người khác cũng có một ý nghĩa nhất định. Có thể mô tả những kiểu loại khoảng cách giao tiếp sau:
– Khoảng cách công cộng (trên 3,5m) phù hợp với tiếp xúc ở đám đông tụ tập theo nhóm.
– Khoảng cách xã hội (1,2m – 3,5m) trong tiếp xúc với người lạ.
– Khoảng cách cá nhân (0,45m – 1,2m) thường trong các bữa tiệc, giao tiếp ở cơ quan, với bạn bè.
– Khoảng cách thân mật (Om – 0,45m) trong quan hệ thân mật, gần gũi như người thân, trong gia đình, người yêu. Trong giao tiếp sư phạm, sự chuẩn mực của phòng học sẽ đặt bàn giáo viên cách bàn đầu của học sinh khoảng 2 mét đến 3,5 mét. Đây là khoảng cách phù hợp và tương đối đạt yêu cầu.
Tuy vậy, trong giao tiếp sư phạm, không chỉ quan tâm đến khoảng cách giao tiếp một cách cơ học, dù bàn giáo viên cũng nên có khoảng cách nhất định với học sinh với bục cao hơn để tạo ra tâm thế tốt. Giáo viên còn nên di chuyển hợp lý trong lớp học, để tạo ra hiệu ứng tri giác từ phía học sinh.
Đó cũng là cách tạo ra mối quan hệ thân tình khi khoảng cách trong giao tiếp ở vùng công cộng hay vùng xã hội, có thể được thay thế bởi khoảng cách cá nhân, hướng đến khoảng cách thân tình trong khi giao tiếp.
Yêu cầu này không chỉ là yêu cầu cơ bản mà còn là nghệ thuật sư phạm và kỹ thuật tạo hiệu ứng trong quan hệ giao tiếp. Hơn thế nữa, việc giáo viên sử dụng một kiểu khoảng cách từ bàn giáo viên đến bàn học sinh để đọc bài, hay nói được xem là một điều cấm kỵ, vì kiểu thể hiện này dễ gây cảm xúc tiêu cực, tạo sự nhàm chán khi học tập.
2.8. Vị trí, kiểu bàn ghế trong giao tiếp.
Trong môi trường văn phòng – công sở hay trong môi trường công cộng, vị trí chỗ ngồi cũng thể hiện một số ý nghĩa nhất định trong giao tiếp. Chính vì thế, việc bày trí bàn họp và việc tìm chỗ ngồi cũng nói lên kiến thức và kỹ năng của người giao tiếp. Có thể quan tâm đến những yêu cầu cơ bản sau khi xác định vị trí ngồi:
– Vị trí góc phù hợp với câu chuyện tế nhị, lịch sự giữa hai người đang trao đổi.
– Vị trí hợp tác thể hiện hai người ngồi cạnh nhau cùng nhìn về một hướng hoặc ngồi đối diện, những chiếc bàn có tác dụng như chỗ để giấy tờ mang tính tạm thời.
– Vị trí cạnh tranh với hai người ngồi đối diện nhau và chiếc bàn đóng vai trò như là chiến tuyến.
– Vị trí độc lập là cách sắp xếp không phải để đối thoại, mà thể hiện vị trí của người không muốn bị ai quấy rầy hoặc không muốn bắt chuyện. Vị trí này, thường trong thư viện hoặc trong quán ăn, với những người không quen biết trong môi trường chung.
Khi giao tiếp sư phạm, giáo viên nên chọn vị trí góc và hợp tác nhằm tạo ra sự kết nối, thân thiện và gần gũi với học sinh, tránh tạo ra sự căng thẳng hay áp lực cho học sinh. Đơn cử như việc giáo viên tỉnh nguyện trở thành một thành viên trong nhóm lớp ở các hoạt động nhất định, cũng cần lưu tâm đến vị trí ngồi của mình để tránh những hạn chế trong tương tác khi học sinh chuyển sang thái độ phòng thủ, tự vệ khi giao tiếp sư phạm.
Tác giả: Huỳnh Văn Sơn
Bạn đang xem bài viết:
Phương tiện giao tiếp sư phạm là gì?
Link https://vnlibs.com/giao-tiep/phuong-tien-giao-tiep-su-pham-la-gi.html