Có thể nói giao tiếp có những đặc điểm chung của hoạt động tâm lý của con người.
Thế nhưng, giao tiếp mang những đặc trưng riêng của mình vì giao tiếp vừa là một nhu cầu không thể thiếu của con người, vừa được xem như hoạt động đặc biệt của con người, là một phương tiện quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động, sự phát triển cá nhân, sự phát triển của xã hội, cộng đồng.
1. Giao tiếp luôn mang tính mục đích.
Giao tiếp là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của con người. Giao tiếp là đặc trưng của hoạt động con người nên nó gắn liền với tính mục đích. Sự khác nhau giữa hoạt động ở con người và con vật chính là tính mục đích. Khi con người thực hiện những hành động dù đơn giản hay phức tạp, khi con người tiến hành các hoạt động khác nhau, tính mục đích luôn bị chi phối rõ là tôi làm để nhằm mục đích gì, đạt được cái gì…
Tính mục đích trong giao tiếp cũng thể hiện rõ thông qua việc tiến hành các cuộc giao tiếp, thiết lập các mối quan hệ xã hội hay thực hiện các hành vi giao tiếp. Mục đích ở đây được hiểu là mô hình kết quả mà con người suy nghĩ dưới dạng một sản phẩm độc đáo và đặc trưng của tư duy. Mục đích ấy chính là kết quả mang ý nghĩa tinh thần hay ý nghĩa trên bình diện tâm lý – tình cảm mà không hẳn là những lợi lộc hay những gì thuộc về vật chất.
Tính vật chất hay tính tinh thần của mục đích phụ thuộc vào đặc trưng nghề nghiệp cũng như giá trị đạo đức của cá nhân trong cuộc sống. Trong giao tiếp sư phạm, giáo viên giao tiếp với phụ huynh nhàm trao đổi về vấn đề giáo dục học sinh nhằm mục đích giúp học sinh phát triển tích cực về thể chất và tinh thần thì đây là mục đích có giá trị tinh thần cần trân trọng.
Tuy nhiên, nếu mục đích của giáo viên giao tiếp nhằm mong muốn được phụ huynh cho tiền bồi dưỡng hay nhận quà cáp thì đây là mục đích mang tính vật chất và không phù hợp với môi trường sư phạm. Khi xác lập và thực hiện hoạt động giao tiếp, con người có quyền suy nghĩ về mục đích của cuộc giao tiếp.
Đó có thể là một cảm xúc được thăng hoa, đó có thể là một mối quan hệ mới được thiết lập về sau, đó có thể là việc gây những ấn tượng tích cực, đó có thể là việc gây hiệu ứng lưu luyến, đó cũng có thể là “chút” chất keo bồi đắp cho tình cảm…
Con người nhận ra mục đích của chính mình trong giao tiếp hay chưa nhận ra một cách rõ ràng về mục đích của chính mình không quan trọng bằng việc con người tìm được những hiệu ứng đích thực trong giao tiếp. Như trong quá trình giao tiếp sư phạm, việc tìm hiểu học sinh, tạo sự tương đồng về mặt tâm lý, xây dựng mối quan hệ thân tình…
Nhằm mục đích giao tiếp tích cực với các em, tạo điều kiện cho hoạt động sư phạm diễn ra một cách thuận lợi, nhân cách của các em phát triển một cách tích cực. Đó chính là mục đích sâu xa nhất mà giao tiếp xác lập để đem lại những kết quả sâu sắc nhất nhằm phục vụ cho cá nhân, xã hội và của con người nói chung.
2. Giao tiếp là sự tác động giữa chủ thể với chủ thể.
Nếu như với hoạt động thì mối quan hệ được xác lập đó chính là mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng. Nói cách khác, trong diễn trình của hoạt động, con người sẽ tác động vào đối tượng để thực hiện hoạt động của mình nhằm đạt một sản phẩm kép. Cũng tương tự như thế, giao tiếp cũng là sự tác động mang tính chất có định hướng nhưng đó là sự tác động song phương và đa chiều.
Trong giao tiếp sẽ không có ai là khách thể hoàn toàn hay chủ thể hoàn toàn mà cả hai đều là chủ thể tương tác một cách tích cực và chủ động. Trong lúc người này là chủ thể tác động thì cũng nhận lại sự tác động ngược từ phía chủ thể giao tiếp cùng. Và khi tác động đến đối tượng giao tiếp cùng, cũng cần nhớ chính họ là chủ thể tích cực.
Để phân tích về sự tương tác của chủ thể trong giao tiếp ta dựa trên quan điểm: khi con người chủ động muốn giao tiếp với một đối tượng nào đó, con người luôn xem chính họ là chủ thể, vì nhất thiết phải hiểu họ, tôn trọng họ mới có thể tiến hành cuộc giao tiếp thành công. Ngay cả khi chúng ta sử dụng kiểu nói độc thoại cũng đừng quên rằng tính chủ thể của người nghe vẫn thể hiện một cách sâu sắc trong sự tương tác.
Ở một góc độ khác, trong quá trình giao tiếp, tính chủ thể của người nghe có thể trở thành những hành vi tán thành hay phản ứng, những hành động ủng hộ hay chống đối. Thậm chí cuộc nói chuyện có thể bị phá vỡ nếu như tính chủ thể của người nghe bị kích thích và bật dậy mạnh mẽ khi không có sự thích ứng hay sự chấp nhận trong giao tiếp diễn ra.
Chính vì vậy, khi giao tiếp với học sinh trong hoạt động giao tiếp sư phạm, giáo viên cần hiểu đặc điểm giao tiếp tâm lý của học sinh để lý giải, dự đoán hành vi của học sinh mà ứng xử cho phù hợp. Trên hết, cần biết đặt mình vào vị trí của học sinh để lắng nghe và đồng cảm, biết cách khơi gợi để học sinh tích cực bày tỏ suy nghĩ và tình cảm của bản thân.
Tính chủ thể tương tác này còn được nhìn nhận và phân tích khi mỗi con người đều có thể khác nhau trong giao tiếp. Từ nhận thức đến tình cảm và những yếu tố tâm lý có liên quan làm cho tính chủ thể mang màu sắc đặc trưng và trở nên độc đáo.
Trong quá trình giao tiếp, ban đầu việc xác định một chủ thể tưởng chừng như rõ ràng nhưng rồi trong tiến trình giao tiếp sự đổi vai có thể nhanh chóng diễn ra. Chủ thể thứ hai có thể trở nên rất chủ động và thậm chí lấn át chủ thể thứ nhất. Tiến trình giao tiếp diễn ra thì sự thay đổi này cũng có thể liên tục diễn ra và sự tương tác giữa hai chủ thể trở nên hết sức sâu sắc.
Nói cách khác, trong giao tiếp không có ai là khách thể mà cả hai đều là chủ thể, đều là những chủ thể tương tác một cách tích cực và chủ động. Với trẻ mầm non hay học sinh tiểu học, việc tôn trọng các em như một chủ thể sẽ tạo điều kiện để các em tự tin, thân thiện khi giao tiếp.
Đối với học sinh tiểu học và học sinh trung học, việc tạo điều kiện cho các em trở thành một chủ thể tích cực đúng nghĩa trong giao tiếp là điều cần thiết để phát triển năng lực giao tiếp cũng như giúp các em có cơ hội khẳng định và thể hiện bản thân trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách.
3. Giao tiếp mang tính phổ biến.
Giao tiếp có tính phổ biến vì mọi cá nhân, mọi con người đều có nhu cầu giao tiếp. Trong suốt tiến trình phát triển, trong những mối quan hệ khác nhau, con người đều thực hiện nhu cầu giao tiếp của chính mình. Có thể nhận thấy điều này khi những nghiên cứu tâm lý minh chứng rằng con người có nhu cầu giao tiếp ngay từ lúc còn trong bụng mẹ.
Khi vừa được sinh ra, con người mong chờ được giao tiếp thông qua những tác động đầy cảm xúc của cha mẹ và người nuôi dưỡng trong giai đoạn từ 0 – 2 tháng tuổi khi hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động giao lưu cảm xúc trực tiếp với người lớn. Nhu cầu giao tiếp này tiếp tục phát triển và thể hiện tính độc đáo của nó ở những độ tuổi khác nhau.
Xét ở những cá thể khác nhau, tính phổ biến này còn thể hiện ở giới tính, sự phát triển các giác quan, sự phát triển trí tuệ. Những người câm điếc vẫn thể hiện nhu cầu giao tiếp và giao tiếp tích cực với nhau thông qua hành vi – cử chi. Những trẻ em có vấn đề về trí tuệ vẫn mong mỏi được giao tiếp và thực hiện nhu cầu giao tiếp theo hướng riêng của mình.
Nói khác đi, tính phổ biến của giao tiếp cho thấy giao tiếp không phụ thuộc hay không bị “nghiêm cấm” bởi những yếu tố về giới tính hay đặc điểm nhận thức. Tính phổ biến của giao tiếp còn thể hiện ở việc giao tiếp có mặt trong hầu hết hoạt động sống của con người.
Nhu cầu giao tiếp có liên quan đến những nhu cầu cơ bản của con người. Nhu cầu giao tiếp được quy định đồng thời bởi nhiều nhu cầu khác nhau. Trong giao tiếp, con người không chỉ thỏa mãn nhu cầu giao tiếp mà còn hình thành, phát triển và thỏa mãn những nhu cầu khác.
Nói cách khác, những ai có nhu cầu giao tiếp và những nhu cầu khác có mối liên quan đến nhu cầu giao tiếp, đều mong muốn được giao tiếp để thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Tính phổ biến của giao tiếp được minh chứng sâu sắc thông qua mối quan hệ đặc biệt đó.
Cũng chính vì thế, việc tìm hiểu những quan hệ giao tiếp của của học sinh, việc xây dựng mối quan hệ giao tiếp tích cực và hiệu quả giữa giáo viên với học sinh trong giao tiếp sư phạm trở thành một yêu cầu quan trọng trong hoạt động sư phạm.
4. Giao tiếp có mối quan hệ chặt chẽ.
Giao tiếp có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động và cùng góp phần hình thành tâm lý người. Hoạt động và giao tiếp là hai khái niệm phản ánh hai loại quan hệ của con người với thế giới xung quanh.
Trong hoạt động, con người là chủ thể tác động vào thế giới đồ vật là khách thể, là sự phản ánh mối quan hệ giữa con người với thế giới đồ vật. Giao tiếp là sự phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người, đó là quan hệ giữa chủ thể với chủ thể.
Ở một góc độ nhất định, giao tiếp là một dạng đặc biệt của hoạt động vì giao tiếp cũng có những đặc điểm như hoạt động, cũng có cấu trúc vĩ mô như hoạt động bao gồm: động cơ, mục đích, điều kiện – phương tiện, đối tượng, sản phẩm… Điều này có thể nhận thấy rất rõ thông qua hoạt động giao tiếp của cá nhân hoặc nhóm người khi phân tích diễn tiến của nó trong cuộc sống.
Ở một góc độ khác, hoạt động và giao tiếp là hai phạm trù đồng đăng. Hoạt động và giao tiếp có nhiều điểm khác nhau nhưng chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau trong cuộc sống con người. Có thể phân tích sâu hơn về mối quan hệ giữa giao tiếp và hoạt động như sau:
– Giao tiếp diễn ra như một điều kiện của hoạt động. Trong từng hoạt động cụ thể, khi tương tác cùng nhau, khi phối hợp cùng nhau, con người luôn cần có sự giao tiếp cùng nhau, giao tiếp để hiểu biết, để triển khai hoạt động, để động viên, để cùng nhau hướng đến mục tiêu của hoạt động. Trong trường hợp này, giao tiếp là một mặt của hoạt động, trở thành một thành phần của hoạt động.
– Ngược lại, hoạt động có thể là điều kiện để thực hiện quan hệ giao tiếp giữa con người với con người. Cụ thể như chỉ khi hoạt động cùng nhau, làm việc cùng nhau, con người mới có thể giao tiếp một cách tích cực và hiệu quả mà trong những trường hợp khác thì giao tiếp gần như rất khó có thể diễn ra.
Như vậy, giao tiếp là điều kiện để con người hoạt động cùng nhau. Ngược lại, hoạt động là điều kiện để con người thực hiện quan hệ giao tiếp. Nói như thế, nghĩa là hoạt động và giao tiếp là hai mặt không thể thiếu của đời sống của con người.
Trong quá trình tổ chức các hoạt động cho học sinh, giáo viên cần chú ý thực hiện sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, tạo điều kiện cho sự tương tác giữa học sinh với học sinh diễn ra hiệu quả. Giao tiếp trong hoạt động, hoạt động có giao tiếp là nền tảng giúp học sinh phát triển nhận thức và ngôn ngữ một cách tích cực.
Trong hoạt động sư phạm cần có giao tiếp sư phạm tích cực và giao tiếp sư phạm nhằm phục vụ cho hoạt động sư phạm đạt kết quả tốt hơn. Hoạt động và giao tiếp cùng góp phần quan trọng trong sự hình thành và phát triển tâm lý người khi xem xét những cơ sở sau:
Cơ sở của Tâm lý học Mác xít xác định rằng tâm lý không phải là cái có sẵn trong con người cũng không phải là sản phẩm được sản sinh ra một cách giản đơn – thuần túy từ một cơ quan nào đó của con người theo kiểu khép kín. Những nghiên cứu tâm lý cho thấy vật chất là cái thứ nhất, tâm lý là cái thứ hai, tồn tại quyết định tâm lý.
Những luận điểm về tâm lý người cho thấy tâm lý người có nguồn gốc từ thế giới khách quan bên ngoài. Nội dung tâm lý là nội dung của hiện thực khách quan được phản ánh vào trong não và được cải biến trong ấy. Giao tiếp là phương tiện để sự phản ánh ấy hiệu quả nhất.
Mặt khác, trong thế giới khách quan đang hiện hữu, hệ thống kinh nghiệm lịch sử, xã hội quyết định tâm lý người. Bằng hoạt động và giao tiếp, con người biến những kinh nghiệm xã hội lịch sử của chung thành cái riêng của mình mà đó chính là tâm lý.
Nếu như con người không hoạt động và giao tiếp thì không thể có những kinh nghiệm, không thể có những kiến thức và kỹ năng tương ứng và chắc chắn không thể có tâm lý hay không thể có sự phát triển về mặt tâm lý. Nói cách khác, nội dung hoạt động và giao tiếp có thể dần dần chuyển thành nội dung trong đời sống tâm lý con người.
Đó có thể là những chuẩn mực, những nguyên tắc, những yếu tố thuộc về luân lý, đạo đức và nhiều vấn đề khác sẽ trở thành nội dung đời sống con người hay nội dung tâm lý của con người. Hơn thế nữa, trong hoạt động và giao tiếp, cùng với thế giới xung quanh con người sẽ có sự tương tác tích cực để tạo ra những dấu ấn mới trong sự phát triển tâm lý.
Từ sự tương tác với môi trường và người khác trong hoạt động và giao tiếp, con người sẽ nâng mình lên một tầm cao mới, một mức độ phát triển mới tương ứng từ đó tạo ra những dấu ấn của sự phát triển tâm lý. Ngay trong quá trình hoạt động và giao tiếp, con người sẽ chủ động lĩnh hội, chủ động tích lũy và chủ động đổi thay một cách thích ứng, đó cũng chính là những lực đẩy thôi thúc hay thúc đẩy tâm lý người phát triển.
Tóm lại, hoạt động và giao tiếp vừa là động lực của sự hình thành và phát triển tâm lý và tâm lý người cũng chính là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp. Trong hoạt động sư phạm, giao tiếp ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành và phát triển tâm lý của học sinh. Đồng thời, giao tiếp sư phạm cũng ảnh hưởng đến hoạt động sư phạm trong đó tâm lý của người giáo viên, thái độ, trách nhiệm, lòng yêu nghề sư phạm đều bị tác động, ảnh hưởng.
Tác giả: Huỳnh Văn Sơn
Tài liệu tham khảo:
[1] Sophia Newman, The Fundamental Characteristics of Communication, ENLibs
Bạn đang xem bài viết:
Những đặc điểm cơ bản của giao tiếp là gì?
Link https://vnlibs.com/giao-tiep/nhung-dac-diem-co-ban-cua-giao-tiep-la-gi.html