Dựa trên những tiêu chí khác nhau thì cách phân loại giao tiếp cũng có thể khác nhau: căn cứ vào phương tiện giao tiếp; căn cứ vào khoảng cách giao tiếp; căn cứ vào quy cách giao tiếp.
1. Căn cứ vào phương tiện giao tiếp.
– Giao tiếp bằng ngôn ngữ là hình thức giao tiếp đặc trưng của con người bằng cách sử dụng những tín hiệu chung là từ ngữ. Đây là hình thức giao tiếp phổ biến nhất và đạt hiệu quả cao. Ngôn ngữ là các tín hiệu được quy ước chung trong một cộng, đồng nhằm chỉ các sự vật hiện tượng gọi chung là nghĩa của từ. Người ta dùng từ ngữ để giao tiếp theo một ý nhất định. Tiếng nói và chữ viết trong giao tiếp ngôn ngữ thể hiện cả ý và nghĩa khi giao tiếp tạo ra hiệu ứng tổng hợp.
– Giao tiếp phi ngôn ngữ là hình thức giao tiếp không lời khi sử dụng các cử chỉ, điệu bộ và những yếu tố phi ngôn ngữ khác. Giao tiếp phi ngôn ngữ thực hiện những hành động, cử chỉ – điệu bộ, những yếu tố thuộc về sắc thái, hành vi, những phương tiện khác đòi hỏi người giao tiếp phải hiểu về nhau một cách tương đối.
2. Căn cứ vào khoảng cách giao tiếp.
– Giao tiếp trực tiếp là hình thức giao tiếp mặt đối mặt khi các chủ thể trực tiếp phát và nhận tín hiệu của nhau.
– Giao tiếp gián tiếp là hình thức giao tiếp qua thư từ, phương tiện kỹ thuật hoặc những yếu tố đặc biệt khác.
3. Căn cứ vào quy cách giao tiếp.
– Giao tiếp chính thức là hình thức giao tiếp diễn ra theo quy định, theo chức trách. Các chủ thể trong giao tiếp phải tuân thủ những yêu cầu, quy định nhất định.
– Giao tiếp không chính thức là hình thức giao tiếp không bị ràng buộc bởi các nghi thức mà dựa vào tính tự nguyện, tự giác, phụ thuộc vào nhu cầu, hứng thú, cảm xúc của các chủ thể.
Các hình thức khi phân loại giao tiếp này đều tồn tại ở giao tiếp sư phạm. Dù với bất cứ hình thức nào thì giáo viên cũng cần đảm bảo những đặc trưng và những nguyên tắc của giao tiếp sư phạm. Trong giao tiếp sư phạm, giáo viên có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với các chủ thể giáo dục khác và với các lớp thế hệ học sinh.
Vì vậy, giáo viên ngày càng thấu hiểu trọng trách của mình đối với việc góp phần phát triển nhân cách cho các em học sinh. Giao tiếp sư phạm với học sinh và các lực lượng giáo dục khác hiệu quả trở thành yêu cầu không thể thiếu và là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách tốt đẹp của nhà giáo.
Thông qua giao tiếp sư phạm, giáo viên có thể đánh giá được những mặt mạnh cũng như hạn chế của mình về ngôn ngữ, về trình độ chuyên môn và xã hội, về kinh nghiệm, vốn sống của bản thân so với các đối tượng đó.
Từ đó, giáo viên sẽ tìm mọi biện pháp khắc phục những nhược điểm và trau dồi những tri thức cũng như rèn luyện cho mình cách thức ứng xử, giao tiếp sao cho phù hợp với đối tượng, đạt hiệu quả giao tiếp đồng thời khẳng định được bản thân mình trong nghề nghiệp.
Tóm lại, giao tiếp sư phạm là yêu cầu quan trọng cần đảm bảo thực thi hiệu quả trong hoạt động dạy học, giáo dục. Thực hiện giao tiếp sư phạm vừa đạt yêu cầu về kỹ thuật, hướng đến tính nghệ thuật là góp phần xây dựng bản lĩnh nghề nghiệp, uy tín nghề nghiệp cũng như văn hóa trường học. Giao tiếp sư phạm có thể nói vừa là công cụ để người giáo viên làm nghề, vừa là yêu cầu về năng lực cần có trong nhân cách nghề nghiệp.
Song song đó, giao tiếp sư phạm là điều kiện để tiến hành hoạt động sư phạm hướng đến sự mong đợi trong sự tương tác với học sinh, phối hợp với các lực lượng giáo dục khác, trong quá trình thực hiện các yêu cầu của lao động sư phạm mang tính chuyên nghiệp với đồng nghiệp, với các tổ chức xã hội và cộng đồng…
Tác giả: Huỳnh Văn Sơn
Tài liệu tham khảo:
[1] David Clarkson, Classification of Communication, ENLibs
Bạn đang xem bài viết:
Phân loại giao tiếp như thế nào?
Link https://vnlibs.com/giao-tiep/phan-loai-giao-tiep-nhu-the-nao.html