Hãy cùng khám phá hai khái niệm: phong cách giao tiếp và phong cách giao tiếp sư phạm tại website VNLibs.com để biết thêm chi tiết.
1. Phong cách giao tiếp.
Định nghĩa của phong cách giao tiếp là gì? Những đặc trưng của phong cách giao tiếp là gì?
1.1. Định nghĩa phong cách giao tiếp.
Trước hết, có thể đề cập về thuật ngữ phong cách theo cách hiểu đơn giản nhất và dễ hiểu nhất. Theo nghĩa thông thường, phong cách là cách thể hiện của con người trong phong thái quan hệ và đối xử, trong những biểu hiện hành động ở cuộc sống.
Đánh giá về phong cách của một cá nhân, thông thường người khác sẽ dựa vào cách thể hiện ở hành vi, cử chỉ, cách trò chuyện, làm việc… Phong cách có thể được quy về những chiều kích hay những kiểu loại như: nhanh nhẹn, chậm chạp; hời hợt, sâu sắc, duyên dáng, thô kệch; sang trọng, quê mùa, chuyên nghiệp, tệ hại…
Theo từ điển Tiếng Việt, phong cách là những lối, cung cách sinh hoạt làm việc, hoạt động, cư xử tạo nên cái riêng của một người hay một loại người nào đó (nói tổng quát). Trong cuộc sống, ở mỗi con người hay nhóm người dần hình thành nên những nét riêng trong lời nói, cử chỉ, điệu bộ, hành động. Chúng tạo nên phong cách giao tiếp của người đó hoặc nhóm người đó.
Theo tác giả Nguyễn Văn Lũy và Lê Quang Sơn, phong cách là cung cách sinh hoạt, làm việc, ứng xử, tạo nên cái riêng của một người hay lớp người nào đó.
Theo các nhà Tâm lý học Xô Viết như A. Klimov, A. Cubanova, M. Rakhamatulyna… thì phong cách giao tiếp là toàn bộ hệ thống các phương pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động tương đối bền vững, ổn định của mỗi cá nhân. Chúng quy định sự khác biệt cá nhân, giúp cá nhân thích ứng với môi trường sống mà đặc biệt là môi trường xã hội.
Theo tác giả Hoàng Anh thì phong cách giao tiếp là toàn bộ hệ thống những phương pháp, những thủ thuật tiếp nhận, những phản ứng hành động tương đối ổn định và bền vững của chủ thể và đối tượng giao tiếp trong quá trình tiếp xúc với nhau và với mọi người, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của họ.
Theo tác giả Nguyễn Quang Lũy và Lê Quang Sơn, phong cách giao tiếp là những đặc điểm mang tính hệ thống về cách thức, thái độ và hành vi của cá nhân trong tiếp xúc với người khác. Nói cách khác, phong cách giao tiếp là những đặc điểm phân loại – cá nhân của sự tác động qua lại giữa con người.
Theo quan niệm của tài liệu này, phong cách giao tiếp là hệ thống những lời nói, cử chỉ, điệu bộ, động tác, các ứng xử tương đối ổn định của mỗi con người hoặc một nhóm người trong giao tiếp. Phân tích sâu hơn các cách hiểu khác nhau về phong cách và phong cách giao tiếp, có thể đề cập đến những dấu hiệu cơ bản sau của phong cách giao tiếp trong sự tương tác:
– Hệ thống những phương pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động tương đối ổn định, bền vững của cá nhân trong giao tiếp giúp con người hoạt động và ứng xử.
– Hệ thống các phương pháp, thủ thuật quy định những đặc điểm khác biệt giữa các cá nhân trong giao tiếp.
– Hệ thống các phương tiện có hiệu quả giúp cá nhân thích nghi với những thay đổi của môi trường (nhất là môi trường xã hội) khi giao tiếp. Dấu hiệu này nói lên sự linh hoạt, cơ động, mềm dẻo của các phương pháp, thủ thuật… ứng xử của cá nhân trong quá trình giao tiếp.
Đây là những dấu hiệu cơ bản của phong cách giao tiếp. Phong cách giao tiếp được hình thành dựa trên sự ổn định một cách tương đối về cách thể hiện trong giao tiếp của con người.
Phong cách giao tiếp chịu ảnh hưởng nhất định bởi một số yếu tố nền tảng bẩm sinh của cá nhân, nhưng hoàn toàn có thể được rèn luyện một cách chủ định bởi những tác động giáo dục, dựa trên tính tích cực và sự làm chủ đích thực của cá nhân.
1.2. Đặc trưng của phong cách giao tiếp.
Phong cách giao tiếp có ba đặc trưng cơ bản: tính ổn định, tính chuẩn mực và tính linh hoạt. Mỗi đặc trưng này cùng góp phần tạo nên những dấu ấn khác nhau về phong cách giao tiếp của con người.
1.2.1. Tính ổn định.
Tính ổn định của phong cách giao tiếp biểu hiện ở chỗ, phong cách giao tiếp của mỗi người, mỗi nhóm người là tương đối như nhau trong những tình huống giao tiếp khác nhau. Chẳng hạn, một giáo viên có phong cách giảng bài chậm rãi, ung dung thư thái, thì không đi, thường đứng trên bục giảng, ít chuyển động.
Ngay cả trong sự tương tác với đồng nghiệp hay người thân trong gia đình, người đó cũng thường nói chậm rãi, thư thái như vậy. Tính ổn định của phong cách giao tiếp được quy định bởi nhiều yếu tố, trong đó cơ bản là:
– Đặc điểm thể chất của cá nhân. Chẳng hạn như chiều cao, tỉ lệ giữa các phần của cơ thể: đầu, mình, chân, tay cũng ảnh hưởng nhiều đến đến dáng đi, tư thế đứng và sự chuyển động của cơ thể có ảnh hưởng đến phong cách giao tiếp.
– Nghề nghiệp. Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, mỗi con người thường tham gia vào những quan hệ giao tiếp ổn định, trong những điều kiện, hoàn cảnh cũng tương đối ổn định, chúng tạo nên những nét riêng trong giao tiếp của những người cùng nghề. Nghề nghiệp cùng với những yêu cầu về năng lực, phẩm chất góp phần tạo nên những dấu hiệu đặc trưng về phong cách giao tiếp.
Cụ thể, như phong cách giao tiếp của người giáo viên khác phong cách giao tiếp của người thầy thuốc, phong cách giao tiếp của người thư ký khác phong cách giao tiếp của nhà khoa học, phong cách giao tiếp của người kinh doanh khác phong cách giao tiếp của người nông dân… nhằm góp phần thực hiện hoạt động nghề nghiệp hiệu quả cũng như góp phần đem đến những màu sắc khác biệt về thế giới nghề nghiệp đa dạng.
– Đặc trưng của thời đại. Ở mỗi thời đại, phong cách giao tiếp của con người có thể khác nhau. Cụ thể hơn, phong cách giao tiếp bị ảnh hưởng hay bị chi phối bởi những sự tác động của điều kiện xã hội, yêu cầu về công việc, nhịp sống… Sự tác động này vừa trực tiếp, vừa gián tiếp làm cho những biểu hiện của con người, từ hành vi bên ngoài cho đến cách thức suy nghĩ và hành động ý chí có thể mang những màu sắc tương ứng. Chẳng hạn, phong cách giao tiếp của con người trong thời kỳ đổi mới có nhịp điệu nhanh, hối hả, khẩn trương hơn thời bao cấp.
Tính ổn định của phong cách giao tiếp tạo nên nét riêng của mỗi con người, mỗi nhóm người trong giao tiếp. Điều này trở thành một đặc trưng tâm lý trong giao tiếp, nó mang dấu ấn riêng và có thể gây những hiệu ứng hết sức thú vị, độc đáo với hoạt động giao tiếp.
1.2.2. Tính chuẩn mực.
Giao tiếp là một hành vi xã hội phổ biến ở con người và mang đặc trưng của loài người. Giao tiếp được quy định bởi các chuẩn mực xã hội như đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ, pháp luật; bời phong tục, tập quán, truyền thống, lễ giáo và các nguyên tắc khác được ấn định một cách tự nhiên.
Giao tiếp sư phạm cũng mang tính chuẩn mực chung của giao tiếp, và càng thể hiện tính chuẩn mực sâu sắc hơn nữa khi được đặt vào đặc điểm lao động nghề sư phạm, mối quan hệ tương tác vị trí thầy – trò.
Đơn cử như một học sinh khi trả lời câu hỏi của thầy giáo thì cần mở đầu bằng những từ: “Em thưa thầy…”; một nhân viên khi báo cáo kết quả công việc với giám đốc thì phải: “Thưa giám đốc…” hoặc “Báo cáo giám đốc…” hay khi một người lớn tuổi và một người trẻ tuổi gặp nhau thì người trẻ tuổi phải chào người lớn tuổi… bằng những câu nói và cử chỉ mang tính chuẩn mực “Xin chào anh, chị…”
Trong giao tiếp, nếu con người không tuân thủ các chuẩn mực, các quy tắc, thì sẽ dễ dàng bị đánh giá là “thiếu văn hóa”, “thiếu giáo dục”, “hỗn láo” hoặc nói theo kiểu nhẹ nhàng hơn là “không lịch sự”. Điều này không chỉ dẫn đến sư khó chịu mà thậm chí là sự thương tổn của con người từ hai phía trong quá trình giao tiếp với nhau.
Phong cách giao tiếp sư phạm của giáo viên sẽ cần lưu tâm yêu cầu này để hướng đến sự chuẩn mực mong đợi, đó cũng là nền tảng để học sinh cảm nhận và trân quý phong cách giao tiếp ấy để định hướng cho mình phong cách giao tiếp sao cho phù hợp.
Mỗi cơ quan, mỗi công ty thường có những quy định riêng về vấn đề giao tiếp trong cơ quan, trong công ty đó. Chẳng hạn như việc gặp gỡ giữa nhân viên và lãnh đạo, hội họp, tiếp khách, hoặc những yếu tố thuộc về “truyền thống”, những chuẩn mực không được lãnh đạo quy định nhưng được mọi người chấp nhận, chẳng hạn như trang phục.
Một người muốn quan tâm đến vấn đề giao tiếp một cách khoa học và chuyên biệt, cần am hiểu và tôn trọng các quy định, các chuẩn mực này. Mỗi cộng đồng người, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, lễ giáo, truyền thống riêng mà con người cần biết.
Đặc biệt trong thời đại hiện nay, khi xu thế hội nhập, liên kết, hợp tác khu vực và toàn cầu đang là xu thế chính của thời đại. Sự thiếu hiểu biết về văn hóa giao tiếp của các dân tộc trên thế giới có thể gây bất lợi cho sự nghiệp của bạn.
Ví dụ: Ban tổ chức yến tiệc chiêu đãi một đoàn khách quốc tế, trong đó có cả những vị theo đạo Hồi, mà trong thực đơn của bạn lại có món được chế biến từ thịt lợn, thì đó là một thiếu sót không nhỏ của bạn, những vị khách đó sẽ cảm thấy bị xúc phạm và rất dễ rời bàn tiệc.
Trong môi trường sư phạm cũng thế, muốn xây dựng một phong cách giao tiếp sư phạm phù hợp hướng đến văn hóa học đường, việc ý thức về các yêu cầu cơ bản của văn hóa học đường.
Việc tìm hiểu kỹ những nội quy nghề nghiệp, việc xác định vị thế của mình trong mối quan hệ với học sinh, việc nhìn nhận về lòng tự trọng của bản thân ứng với tên gọi và chức năng của người giáo dục, sẽ giúp giáo viên xác lập phong cách giao tiếp sư phạm của mình, tuân thủ những yêu cầu của phong cách ấy và giữ vững bản lĩnh để phong cách ấy mang dấu ấn văn hóa dù những thách thức và áp lực có bủa vây.
1.2.3. Tính linh hoạt của phong cách giao tiếp.
Trong phong cách giao tiếp của mỗi con người, bên cạnh những yếu tố ổn định, khó thay đổi, còn có những yếu tố được thay đổi theo tình huống giao tiếp, chúng giúp con người đỏ có những lời nói, cử chỉ, điệu bộ phù hợp với tình huống giao tiếp cụ thể.
Chẳng hạn, một giám đốc khi giao tiếp với nhân viên của mình sẽ có những lời nói, cử chỉ khác với khi giao tiếp với người thân ở gia đình; lời nói, cử chỉ của người thư ký khi tiếp khách cũng khác với khi giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp.
Như vậy, tính linh hoạt của phong cách giao tiếp nói lên sự khéo léo, mềm dẻo của mỗi con người trong giao tiếp, ứng xử với người khác. Trong công tác của mình, ở mỗi vị trí khác nhau, có thể phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, trong những tình huống khác nhau.
Vì vậy, linh hoạt, mềm dẻo là một trong những phẩm chất giao tiếp cần thiết nhất của con người. Đó cũng chính là cơ sở rất quan trọng để con người giao tiếp mang tính thích ứng, có thể làm chủ những tình thế giao tiếp khác nhau, mềm mại để chinh phục đối tượng giao tiếp trong những hoàn cảnh khác nhau.
Nói cách khác, phong cách giao tiếp nhất định sẽ bao hàm những đặc trưng tương ứng. Thế nhưng, phong cách luôn mang tính linh hoạt để hướng đến sự thích ứng với môi trường và hoàn cảnh giao tiếp, sự thay đổi về cảm xúc hay tâm trạng của người giao tiếp cùng, sự ứng biến cần có để tiến hành cuộc tương tác theo mong đợi…
2. Phong cách giao tiếp sư phạm.
Định nghĩa phong cách giao tiếp sư phạm là gì? Các loại phong cách giao tiếp sư phạm là gì?
2.1. Định nghĩa phong cách giao tiếp sư phạm.
Usinxki, nhà Giáo dục học Nga nổi tiếng đã nói: “Nhân cách mẫu mực của người thầy giáo có tác dụng thuyết phục, giáo dục mạnh mẽ tới học sinh hơn mọi lời giáo huấn hoa mỹ, hơn mọi hình thức trừng phạt nghiêm khắc”.
Nhân cách mẫu mực sư phạm thể hiện trong giao tiếp, trong công việc, trong sinh hoạt hàng ngày mang tính đạo đức, thẩm mỹ, khoa học và nghệ thuật với học sinh cùng những người khác một cách ổn định, bền vững.
Trong đó, phong cách giao tiếp sư phạm là một bộ mặt nhân cách quan trọng của người giáo viên. Thông qua phong cách giao tiếp sư phạm, người giáo viên nêu tấm gương sống đẹp đẽ về nhiều mặt, làm cho học sinh quý mến, noi theo.
Có thể khẳng định, phong cách giao tiếp sư phạm vừa là phương tiện, vừa là nội dung giáo dục quan trọng và hiệu quả. Dựa trên nền tảng của khái niệm phong cách và phong cách giao tiếp sư phạm, dựa trên những phân tích về giao tiếp sư phạm, có thể đề cập đến những quan niệm khác nhau về phong cách giao tiếp sư phạm như sau:
Theo tác giả Hoàng Anh và Vũ Kim Thanh, phong cách giao tiếp sư phạm là toàn bộ hệ thống những phương pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động tương đối ổn định, bền vững của giáo viên trong quá trình tiếp xúc nhằm truyền đạt, lĩnh hội những tri thức khoa học, vốn sống kinh nghiệm, kỹ năng kỹ xảo, xây dựng và phát triển nhân cách toàn diện ở học sinh.
Có cùng quan điểm, tác giả Nguyễn Văn Lũy và Lê Quang Sơn cũng cho rằng phong cách giao tiếp sư phạm là hệ thống những phương pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng, hành động tương đối bền vững, ổn định của giáo viên và học sinh trong quá trình tiếp xúc nhằm truyền đạt, lĩnh hội tri thức khoa học, vốn kinh nghiệm sống, kỹ năng, kỹ xảo học tập, lao động và sinh hoạt, xây dựng và phát triển nhân cách toàn diện ở học sinh.
Phong cách giao tiếp sư phạm còn được hiểu là toàn bộ hệ thống những phương pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động tương đối ổn định, bền vững của giáo viên và học sinh trong quá trình giao tiếp sư phạm. Như vậy, khi đề cập đến phong cách giao tiếp sư phạm là nói đến hệ thống những phương pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động… của giáo viên trong quá trình tiếp xúc.
Điều này không đồng nghĩa với việc trong giao tiếp với học sinh, giáo viên chủ yếu sử dụng các thủ thuật, và vận dụng các kỹ thuật mà quan trọng chính là sự giao tiếp ấy phải bắt nguồn từ cái tâm, sự chân thành và cả toàn bộ nhân, cách của người giáo viên.
Phong cách giao tiếp sư phạm góp phần tạo nên những đặc điểm khác biệt giữa các giáo viên. Điều này thể hiện ở việc với những tình huống khác nhau thì mỗi giáo viên sẽ sử dụng những phương pháp, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động khác nhau, tùy thuộc vào phong cách giao tiếp sư phạm của bản thân hay giáo viên lựa chọn. Chính vì vậy, phong cách giao tiếp sư phạm sẽ bộc lộ tính ổn định, tương đối bền vững ở mỗi giáo viên.
Tuy nhiên, tính ổn định này không bất biến mà còn mang cả tính chất linh hoạt, cơ động của phong cách giao tiếp sư phạm. Điều này bộc lộ sự khéo léo sư phạm của người giáo viên, trong một số trường hợp cụ thể thi thủ thuật tiếp nhận, phản ứng hành động của chủ thể giao tiếp có thể thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh, tình huống đó. Chính sự linh hoạt này giúp cho người giáo viên tương tác một cách tích cực với học sinh để đạt hiệu quả cao trong công tác dạy học và giáo dục.
2.2. Các loại phong cách giao tiếp sư phạm.
Phong cách giao tiếp của mỗi con người luôn có những nét riêng, không ai giống ai. Nói cách khác, phong cách giao tiếp của con người thực sự đa dạng, phong phú. Phong cách giao tiếp sư phạm của mỗi giáo viên không giống nhau dù rằng những nét chung của từng loại phong cách có thể tương đồng.
Có thể đề cập đến quan niệm của của tác giả R.N. Cre Xơ, khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Tác giả đã chia ra làm ba nhóm phong cách giao tiếp sư phạm:
– Kiểu giáo viên có phong cách quan hệ chính thức trong dạy học. Người giáo viên hướng hành vi của mình vào sự phát triển trí tuệ học sinh, giáo viên sẽ thường xuyên yêu cầu và kiểm tra, chỉ quan hệ chính thức, giảng tốt bộ môn là được học sinh kính trọng.
– Kiểu giáo viên có thiện ý trong giao tiếp. Trong quá trình giảng dạy, họ có sức ảnh hưởng đến toàn bộ nhân cách học sinh, tập trung phát triển các phẩm chất xã hội, họ thường thiết lập mối quan hệ với học sinh, cố gắng hiểu học sinh và có thể giúp đỡ học sinh trong khả năng cao nhất.
Đây cũng chỉ là một trong những cách phân loại phong cách giao tiếp sư phạm xuất phát từ kiểu thể hiện của giáo viên trong giao tiếp. Kiểu phân loại này cũng không quá phổ biến mà lại thể hiện rõ những hạn chế nhất định.
Thế nên, căn cứ vào những nét nổi trội, điển hình, nhiều nhà Tâm lý học phân biệt thành ba loại phong cách giao tiếp sư phạm ứng với các loại phong cách giao tiếp chung của con người: phong cách dân chủ, phong cách độc đoán và phong cách tự do.
Đây cũng chính là ba loại phong cách giao tiếp sư phạm của giáo viên khi nhìn nhận và đánh giá dựa trên sự tương tác đích thực giữa chủ thể (người dạy) và chủ thể (người học) mà cụ thể hơn đó là sự tiếp cận bản chất của hoạt động dạy là hoạt động tổ chức.
2.2.1. Phong cách giao tiếp dân chủ: Bình đẳng.
Phong cách giao tiếp dân chủ là phong cách giao tiếp thầy cô giáo coi trọng những đặc điểm tâm lý cá nhân, vốn sống, kinh nghiệm, trình độ nhận thức, nhu cầu, động cơ, hứng thú và các mức độ tích cực nhận thức của học sinh. Biểu hiện của phong cách này còn là biết lắng nghe, tôn trọng và đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của học sinh.
Phong cách giao tiếp dân chủ biểu hiện qua những nét nổi bật sau đây:
– Bình đăng, gần gũi, thoải mái. Giáo viên có phong cách dân chủ có xu hướng tạo không khí bình đẳng, thân mật, thoải mái trong giao tiếp. Họ cố gắng thu hẹp khoảng cách với học sinh tới mức có thể, thông qua ăn mặc, đi đứng, nói năng, điệu bộ, cử chi,…
Chẳng hạn, một người giáo viên dân chủ thì khi trò chuyện và gặp gỡ học sinh, họ thường niềm nở, vui vẻ chìa tay ra mời học sinh ngồi, chủ động ngồi gần học sinh, quan tâm hỏi thăm sức khỏe, khi giao tiếp thì cời mờ ở ngôn từ và cả những cử chỉ điệu bộ…
– Tôn trọng đối tượng giao tiếp, chú ý đến đặc điểm tâm lý cá nhân của họ. Tôn trọng đồng nghĩa với việc bình đẳng nhưng vẫn giữ được vai trò của mình, vừa thân thiện để tạo cảm giác tin tưởng ở học sinh nhưng vẫn có những chuẩn mực nhất định để học sinh tôn trọng, lắng nghe.
Trong giao tiếp, giáo viên có phong cách dân chủ thường chú ý tìm hiểu các đặc điểm tâm lý cá nhân của học sinh như: sở thích, thói quen, nhu cầu, quan điểm… để từ đó có phương pháp tiếp cận, tác động hợp lý. Chính vì vậy, những giáo viên này thường được đánh giá là dễ gần, dễ thông cảm, dễ nói chuyện, không quan cách, không khắt khe.
Tôn trọng còn được thể hiện thông qua việc giáo viên biết đặt mình vào vị trí của học sinh để thấu hiểu, biết chấp nhận sự khác biệt trong cá tính của học sinh, nuôi dưỡng những tiềm năng ở học sinh để khuyến khích học sinh phát triển.
– Lắng nghe tích cực. Phong cách giao tiếp dân chủ đòi hỏi giáo viên phải biết kiểm soát cái tôi của bản thân, biến bản thân mình trở thành một người đồng hành cùng với trẻ hơn là người ra lệnh và kiểm soát.
Dân chủ biểu hiện ở việc giáo viên điềm tĩnh, kiên trì lắng nghe học sinh và những ý kiến xác đáng của học sinh luôn được họ quan tâm đáp ứng kịp thời hoặc có lời giải thích rõ ràng.
Lắng nghe không chi nghe trên bình diện tín hiệu thông tin, giáo viên cần lắng nghe cảm tâm tư, tình cảm của học sinh ở bình diện thông điệp ẩn. Lắng nghe không phải là ngồi im lặng mà cần có những phản hồi bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ tích cực khi tương tác với học sinh.
Phong cách giao tiếp dân chủ làm cho học sinh cảm thấy thoải mái, yên tâm, tự tin, giúp học sinh phát huy được tính độc lập, chủ động, sáng tạo trong công việc. Chính vì vậy, giáo viên có phong cách giao tiếp dân chủ thường được nhiều học sinh yêu mến, kính trọng, tin tưởng.
Tuy nhiên, dân chủ phải có nguyên tắc, không xóa nhòa mọi ranh giới giữa người này với người khác trong giao tiếp. Dân chủ không có nghĩa là ngang bằng nhau hay như nhau trong mối quan hệ tương tác.
Trong trường hợp ngược lại, khi dân chủ không đúng hướng hay hiểu sai về dân chủ trong tương tác giao tiếp sẽ dẫn đến tình trạng “cá mè một lứa”, xuề xòa… Đặc biệt, trong giao tiếp sư phạm, dù giáo viên có thoải mái đến mức độ nào đi chăng nữa, thì vẫn có những nguyên tắc hay những yêu cầu không được bỏ qua.
Sử dụng phong cách giao tiếp này giáo viên cũng cần lưu ý: Không nên “nuông chiều thả mặc” học sinh, không đề cao cá nhân, không theo đuôi những đòi hỏi không xuất phát từ lợi ích chung, không dân chủ quá trớn, dễ mất đi ranh giới giữa thầy và trò, dễ tổn thương khi một trong hai phía thiếu kiểm soát.
2.2.2. Phong cách giao tiếp độc đoán: Cứng nhắc.
Ngược với phong cách dân chủ là phong cách độc đoán trong giao tiếp. Phong cách độc đoán trong giao tiếp là phong cách giao tiếp mà giáo viên chỉ chú ý đến nội dung công việc và giới hạn thời gian thực hiện công việc một cách cứng nhắc, không chú ý đến đặc điểm tâm lý riêng của đối tượng hay những điều kiện khác.
Phong cách giao tiếp độc đoán biểu hiện qua những nét nổi bật sau đây:
– Xem nhẹ đặc điểm tâm lý đối tượng giao tiếp. Giáo viên không quan tâm nhiều đến tính chủ thể của từng học sinh. Họ ít khi chủ động tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh… nên các quyết định thường theo cảm tính, chủ quan, ít chú ý đến học sinh hoặc dựa trên tình hình của đa số hoặc biểu tượng chung của tập thể.
Với kiểu phong cách giao tiếp sư phạm này, công việc của người giáo viên hay các nhiệm vụ dạy học và giáo dục có thể giải quyết một cách nhanh chóng, nhưng đồng thời có nguy cơ dễ dẫn đến sự tổn thương cho một số học sinh do sự khác biệt về hoàn cảnh hoặc đặc điểm tâm lý như sự nhạy cảm, những dấu ấn tiêu cực trong đời sống tâm lý.
– Đặt ra mục đích giao tiếp chủ yếu xuất phát từ mục đích công việc. Do người giáo viên quan tâm nhiều đến việc đạt được các chi tiêu đề ra, vì vậy họ thường rất cứng rắn, kiên quyết khi đưa ra các nhiệm vụ với học sinh của mình trong giao tiếp sư phạm. Giáo viên không thích sự thay đổi các nguyên tắc thực hiện công việc nếu đã xác lập hay đã thống nhất.
Học sinh sẽ cảm thấy căng thẳng, áp lực khi quá trình giao tiếp luôn đặt nặng kết quả hơn diễn tiến của cảm xúc, suy nghĩ ở các em. Chính vì vậy, phong cách này khó hiệu quả, thậm chí có tác dụng ngược với những giai đoạn lứa tuổi khủng hoảng (tuổi lên 3, tuổi dậy thì…) trong giao tiếp sư phạm.
– Mô hình giao tiếp một chiều là chủ yếu. Phong cách giao tiếp độc đoán khiến cho người giáo viên ít có sự lắng nghe và phản hồi với học sinh. Người giáo viên chủ động đưa ra các ý kiến và buộc học sinh thực hiện một cách nghiêm ngặt.
Điều này dẫn đến việc tạo ra những luồng dư luận ngầm phía sau mà giáo viên không thể kiểm soát hết được, có thể ảnh hưởng đến uy tín của giáo viên khi mối quan hệ giao tiếp căng thẳng, dư luận tiêu cực xuất hiện trong hoạt động sư phạm.
Ở những tập thể học sinh mà người giáo viên là người có phong cách độc đoán, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh thường khó được phát huy và dễ tạo ra sự chống đối của học sinh đối với giáo viên. Chính kiểu thẳng thắn quá, nhiều khi thiếu tế nhị dẫn đến những mâu thuẫn và thậm chí là những hệ lụy trong quan hệ liên nhân cách.
Điều này không những làm ảnh hưởng đến mối quan hệ tương tác trong giao tiếp sư phạm mà còn làm cho hoạt động sư phạm có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực, gặp những trở ngại. Đó là chưa kể sự căng thẳng có nguy cơ leo thang sẽ dễ dẫn đến những tác hại đối với quá trình hoàn thiện nhân cách của học sinh.
Tuy nhiên, phong cách giao tiếp này cũng có một số tác dụng nhất định trong hoạt động sư phạm: những công việc hay những nhiệm vụ đòi hỏi thời gian ngắn, nếu không kiên quyết, dứt khoát, cứng rắn… thì không hoàn thành được.
Phong cách giao tiếp này hay một số biểu hiện của phong cách giao tiếp này phù hợp với những học sinh có khí chất linh hoạt, nóng nảy, thường có thói quen dứt điểm nhanh chóng khi thực hiện công việc. Điều căn bản là người giáo viên cần nhận ra những dấu hiệu có thể áp dụng các biểu hiện của phong cách giao tiếp này sao cho thật sự hữu dụng và tránh những nguy cơ xảy ra.
2.2.3. Phong cách giao tiếp tự do.
Phong cách giao tiếp tự do là phong cách mà người giáo viên linh hoạt thay đổi cách ứng xử theo sự thay đổi của hoàn cảnh giao tiếp và các tình huống giao tiếp. Phong cách giao tiếp tự do không có nghĩa là thoải mái hay không có những giới hạn trong quá trình giao tiếp hoặc không tuân thủ những yêu cầu giao tiếp.
Giáo viên có phong cách giao tiếp tự do thường biểu hiện những nét nổi bật sau:
– Dễ bị chi phối bởi tâm trạng, cảm xúc. Hành vi, lời nói, ứng xử, thái độ bị chi phối nhiều bời tâm trạng, cảm xúc và tình huống. Do đó, các nguyên tắc, chuẩn mực nhiều khi bị xem nhẹ. Đơn cử như giáo viên dễ dàng bỏ qua, không xử lý vi phạm của học sinh. Hoặc có một vài học sinh thích nghỉ sớm thì cho nghỉ ngay, không cần biết lý do có thỏa đáng hay không hoặc có kèm theo những nhắc nhở, dặn dò.
– Thoải mái trong ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Ngôn ngữ của phong cách này giản dị, gần gũi, đôi khi có phần bình dân với học sinh. Một số hành vi phi ngôn ngữ cũng tự nhiên, không gò bó trong tính mô phạm, tạo cảm giác dễ gần cho học sinh. Do tính thoải mái, nhiệt tỉnh, hăm hở cũng như mục đích giao tiếp ít được xem trọng mà thường đề cao mối quan hệ nên mục đích, nội dung và đối tượng giao tiếp có thể dễ dàng thay đổi.
Ví dụ: Giáo viên A đang đi cùng học sinh B thì gặp học sinh C, giáo viên A dừng lại trò chuyện với học sinh C và quên luôn cả học sinh B đang đứng chờ và tình huống bản thân mình đang hỗ trợ, giúp đỡ học sinh B. Điều này có thể dẫn đến việc mất thời gian cũng như mục đích giao tiếp khó đạt được như mong đợi, thậm chí còn gây hoang mang cho học sinh.
– Quan hệ giao tiếp rộng không sâu. Phong cách giao tiếp tự do có ưu điểm dễ làm cho học sinh cảm thấy thoải mái, được tôn trọng, do đó phát huy được tính tích cực của họ, đặc biệt là với những học sinh có ý thức tự giác cao.
Song người giáo viên có phong cách giao tiếp tự do cũng dễ bị học sinh xem nhẹ, dễ bị đánh giá là có biểu hiện có phần chưa thật đứng đắn và nghiêm túc. Giáo viên có mối quan hệ gần gũi với hầu hết các học sinh, tuy nhiên sự hiểu biết về các học sinh dừng ở mức tương đối mà không thể sâu sắc.
Chính vì vậy, đôi khi với một vài tình huống đặc biệt, giáo viên không thể quan tâm sâu sát được, không thể hiểu được đúng bản chất vấn đề hoặc đúng mạch của câu chuyện xảy ra. Điều này – cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng xử lý tình huống hay kỹ năng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong giao tiếp sư phạm.
Mỗi phong cách giao tiếp đều xuất phát từ những yêu cầu như: chủ thể giao tiếp, tình huống giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, đối tác giao tiếp… Điều cơ bản không phải là phong cách ấy như thế nào mà là được vận dụng ra sao ở những hoàn cảnh nhất định.
Trong giao tiếp sư phạm, cũng rất khó có thể nói giáo viên chỉ mang một phong cách giao tiếp nhất định, dù rằng phong cách giao tiếp của mỗi cá nhân có thể thể hiện sự nổi trội nhất định theo một kiểu loại nào đó.
Hơn thế nữa, ngay cả khi giáo viên có một kiểu phong cách nổi trội, không phải tất cả các biểu hiện đều răm rắp hay đều tồn tại theo kiểu con số hoặc thành phần bất di bất dịch mà sẽ có một số biểu hiện nhất định bộc lộ rõ. Mặt khác, những biểu hiện ấy cũng không hẳn tồn tại “nguyên xi” khi thể hiện mà màu sắc của nó có thể thể hiện phong phú và thậm chí là sáng tạo.
Như vậy, các phong cách giao tiếp sư phạm nêu trên đều có những mặt yếu và mặt mạnh nhất định. Không có loại phong cách giao tiếp sư phạm nào là tối ưu cho mọi trường hợp. Điều này, đòi hỏi người giáo viên phải biết kết hợp cả ba loại phong cách giao tiếp và tùy thuộc vào tình huống cụ thể mà thể hiện phong cách giao tiếp tối ưu nhất.
Sự kết hợp này cần dựa trên sự cân nhắc của lý trí, sự phán đoán của nhận thức cũng như mục đích sâu xa của người giáo viên cần xác lập trong tình huống giao tiếp ấy cũng như trong hành trình chuyên nghiệp hóa nghề nghiệp của bản thân.
Tác giả: Huỳnh Văn Sơn.
Bạn đang xem bài viết:
Phong cách giao tiếp sư phạm như thế nào?
Link https://vnlibs.com/giao-tiep/phong-cach-giao-tiep-su-pham-nhu-the-nao.html