Gợi ý của Hiroshige

Vào thế kỷ 19, nước Nhật Bản rất khắt khe với việc đem tranh in khắc gỗ ra nước ngoài. Những người lái buôn phương Tây hiểu rõ giá trị bản in đồ họa tươi màu ấy, bèn dùng chúng làm giấy gói hàng, như gói táo rồi đưa về Châu Âu.

Những hàng này được cập vào thương cảng Marseille – Pháp, hoặc chuyển đến vùng Amsterdam – Hà Lan. Tuy hơi nhàu một chút, nhưng cũng còn đẹp chán, và người bốc dỡ hàng thường khoe các bản in này với các họa sĩ ấn tượng lai vãng đến đó vẽ.

Vô cùng kinh ngạc về tính táo bạo, màu sắc sáng bừng, kỹ xảo khó bị của tranh khắc gỗ Nhật Bản, các họa sĩ ấn tượng tìm thấy ở đây những đặc điểm trùng khớp với ý tưởng đem mọi vật ra trước ánh sáng của mình, thoát khỏi cái nền nâu tối mờ mờ của hội họa cổ điển.

Không thể nói rằng hội họa ấn tượng bắt nguồn từ tranh khắc gỗ của Nhật Bản, nhưng đây là nguồn cảm hứng có tính gợi ý về sự thay đổi trong hội họa một cách triệt để, ở cách phân tích hình thể trong ánh sáng và những bố cục, không mang tính đăng đối với hoạt cảnh toàn vẹn trong không gian duy nhất.

Là nền đồ họa có tính chuyên nghiệp cao, tranh khắc gỗ phong cách Nhật Bản thoạt nhiên do những họa sĩ bậc thầy vẽ mẫu như Hiroshige và Hokusai. Họ có thể in khắc trực tiếp nhưng phần lớn giao cho các xưởng in thực hiện.

Cái này giống như phường thợ khắc của ta từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 ở Hàng Trống và Hàng Nón. Chỉ cần đưa đến một bức tranh vẽ nét, một cuốn sách chép tay, đặt hàng bao nhiêu bản, với số tiền thỏa thuận, tùy theo độ khó của mẫu đến bản khắc in, một thời gian sẽ nhận được sổ sách, tranh như ý.

Ở Trung Quốc, phường in khắc tỉnh nào cũng có, và có phong cách riêng, kỹ thuật riêng, hình thành đặc điểm thẩm mỹ riêng. Nghề in khắc gỗ Nhật Bản chắc cũng từ Trung Quốc mà ra, nhưng phát triển đến độ tinh xảo đáng kinh ngạc.

Số bản in màu có thể lên đến 50 vạn đến 70 vạn, còn bản nét có thể rất nhỏ và tinh tế như sợi tóc. Người ta có thể cắt ngang cây gỗ làm bản nét, nhằm tăng độ khỏe của thớ gỗ theo chiều dọc thân cây, mới tạo được những nét mảnh, dường như không thể nhỏ hơn so với bút vẽ.

Thoạt nhìn, thật khó phân biệt phong cách cá nhân trong đồ họa Nhật Bản, nhưng mỗi đại gia đều có ngón nghề riêng trong đề tài, bút pháp và kỹ xảo, như cách vẽ cây, vẽ núi, cách tạo mưa, vẽ tuyết và vẽ đá.

Họa sĩ ấn tượng phần nhiều thiên về phong cảnh, và những đồng nghiệp tiền bối Nhật Bản cũng điệu nghệ về môn này, như Hiroshige trong loạt tranh in khắc phong cảnh từ Kyoto đến Tokyo như một chuyến du ngoạn dài, non xanh nước biếc, con người dàn trải và biến đổi trong hành trình vừa đi vừa vẽ.

Hay như Hokusai, với hàng chục phong cảnh núi Phú Sĩ. Song không phải đường nét là mối quan tâm hàng đầu đối với các họa sĩ ấn tượng. Tính ấn tượng nằm ngay trong phương pháp in chồng nhiều sắc độ, nhiều lần tạo ra những giai sắc tinh vi và chuyển hóa rất trong trẻo.

Những màu thiên nhiên, vàng nhạt, màu trắng được ưa chuộng rất gần với lối phân tích ánh sáng ngũ sắc, khi ra ngoài trời vẽ dưới ánh nắng mặt trời chói chang vào lúc ban trưa, dịu dàng lúc sáng sớm, và chiều tối của Monet và Picasso.

Tính dịch chuyển rất từ từ và lối in khắc trên cùng một màu lại là gợi ý, về cách vẽ cùng một cảnh vật ở nhiều thời điểm khác nhau. Tuyết tan trên sông Seine có 3 ngày, nhưng Monet đã vẽ hơn 30 bức họa về cảnh này, lối in màu tạo ra những ấn điểm nhỏ li ti, gần gũi với phương pháp điểm hoạt của Seurat.

Thực ra, phương pháp điểm họa có từ Mễ Phị họa gia đời Tống. Ông này đáng được coi là một thủy tổ ấn tượng. Mây, núi, đá, cây dường như đều được vẽ từ những chấm li ti với những sắc độ rất nhạt, chuyển dần thành đậm.

Trong tranh lúc nào cũng như bao phủ bởi một làn sương mù trắng xóa. Turner là họa sĩ người Anh, đi trước chủ nghĩa ấn tương một bước, nhìn thấy dưới ánh mặt trời chói chang, mọi vật thể đều không nhìn thấy rõ hình tướng và như vỡ tung ra.

Sự phá vỡ hình thể và kết cấu bằng điểm họa, là kết quả của những quan sát tương đồng khi đặt sự vật ra nơi, có nguồn sáng chiếu đa hướng như mặt trời. Ở đây, các họa sĩ ấn tượng ban đầu sử dụng các nét bút dài.

Đặt màu nguyên liên tục theo quang phổ, đan dài các nét bút vào nhau, vừa phá vỡ hình thể, vừa xác định hình thể trong sự thống nhất không gian và sự vật, không tách làm hai như canh cổ điển.

Đặt sự vật vào trong không gian ba chiều, coi như đó là hai phần độc lập. Từ nay, họa sĩ vẽ bất cứ cái gì đều là vẽ bức tranh rồi, không cần dựng không gian thấu thị rồi đặt người vào trong các song tuyến thu về tụ điểm như Leonardo và Raphael nữa.

Mặt phẳng và gợi ý ba chiều thay cho ba chiều kiểu sân khấu Phục Hưng. Ánh sáng đa chiều ngoài trời thay cho ánh sáng một chiều khu biệt hai phần tối sáng. Các màu xanh đỏ vàng trắng, và biến sắc không cần đến sự hỗ trợ của màu đen.

Gọi là ấn tượng nhưng sự vật mơ hồ dần, tan vỡ dần, ở giai đoạn cuối tranh của Monet, giống như một bức tranh trừu tượng. Van Gogh lại nhìn thấy ở những bức tranh khắc gỗ Nhật Bản một cách khác.

Ông thích thú với những bố cục mà trọng tâm lại ở ngoài tranh, những hình người chỉ bước chân vào trong tranh một nửa, hoặc một bàn chân của ai đó đang chạy ra khỏi bức tranh, những thân cây lù lù được đặt vào chính giữa không gian bức họa.

Những cái này ít thấy, nếu như không muốn nói là kỵ trong hội họa của Châu Âu truyền thống. Van Gogh đã chép rất nhiều tranh in khắc Nhật Bản bằng sơn đầu. Trong đó, chuyển thể bức Hoa Diên Vĩ của một họa sĩ vẽ bình phong thời Edo thành bức Hoa Diên Vĩ nổi tiếng.

Những điểm này, làm cho sáng tác hội họa trở nên thoải mái, ít câu thúc vào các nguyên tắc thẩm mỹ và không gian truyền thống. Và cái mạnh của Van Gogh là kết nối một cách ngẫu hứng, phi lý bởi một tình cảm đằm thắm, mãnh liệt, biến các nét bút thẳng thành nét bút xoắn.

Có lẽ ông là người hứng thú với tranh Nhật Bản nhất trong các họa sĩ ấn tượng. Nhưng Van Gogh (cùng với Cezanne và Gauguin) lại là người cuối cùng của trường phái này, những người muốn cứu vãn sự đổ vỡ hình thể mà các họa sĩ ấn tượng dẫn đường tạo ra, muốn đặt vấn đề con người lên trên hội họa. Trước hết là con người, sau đó mới đến nghệ thuật.

Phan Cẩm Thượng


Bạn đang xem bài viết:
Gợi ý của Hiroshige
Link https://vnlibs.com/nghe-thuat/goi-y-cua-hiroshige.html

Tìm kiếm có liên quan: Ảnh hưởng của tranh khắc gỗ Nhật Bản lên trường phái ấn tượng; Bảo tàng nghệ thuật Hiroshige; Các tác phẩm của Hiroshige; Chi tiết về tranh Hiroshige; Dòng tranh truyền thống của danh họa Hiroshige; Địa chỉ mua tranh Nhật Bản của Hiroshige; Gợi ý phong cách vẽ tranh của Hiroshige; Họa sĩ Andō Hiroshige; Nghệ sĩ Nhật Bản Hiroshige; Ngắm tranh của Hiroshige ở đâu;

Tìm kiếm có liên quan: Người họa sĩ cô đơn Hiroshige; Nhà vẽ tranh Edo ukiyo; Những bậc thầy vĩ đại của nghệ thuật vẽ tranh; Những bức tranh của Hokusai; Những bức tranh thi nhân của mưa; Phân tích tác phẩm của danh họa Hiroshige; Tìm hiểu tranh khắc gỗ Nhật Bản; Tranh cổ Nhật Bản; Tranh in màu Nhật Bản của Hiroshige; Tranh khắc gỗ Nhật Bản những bức tranh của thế giới nổi; Tranh Nhật Bản có gì.