Cứ cho là một cuốn tiểu thuyết vừa, nhà văn phải viết trong một năm hoặc hai năm. Ta đọc truyện đó mất khoảng hai tiếng đến nửa buổi, chưa kể những người đọc dần dà trong vài ba ngày.
Vẽ một bức tranh công phu cũng cần vài tháng, vài năm như Leonardo (1452 – 1519) vẽ nàng Mona Lisa trong bốn năm chẳng hạn. Thế mà hầu như ít ai xem bức tranh trong vài giờ, nói gì đến vài ngày.
1. Hãy đọc bức tranh
Cái đó chứng tỏ, người ta không đọc được bức tranh như xem một cuốn truyện. Người ta thường nói rằng, đọc truyện xem tranh, chứ không nói rằng đọc tranh. Nhưng sự thực sự muốn hiểu được hội họa, phải đọc được tranh, tùy từng ý thích và trình độ.
Tôi đến một phòng triển lãm, vài người đòi phải giảng giải, tôi làm họ cụt hứng khi nói rằng không thể xem tranh hộ ai, cũng giống như ta không thể nhờ người khác ăn hộ mà thấy no được.
Cũng như nhiều người, họa sĩ lúc đầu cũng chỉ xem tranh trong vài phút, nhiều năm sau có thể xem tranh trong hàng giờ, và ngày nào cũng xem tranh, từ năm này qua năm khác.
Đọc truyện Kiều hay một kiệt tác văn học, mỗi tuổi thấy mỗi khác, mỗi lúc thấy mỗi cái hay khác nhau. Triền miên trong ảo tưởng là lúc đẹp đẽ nhất của con người, và chán nhất là mất quá nhiều thời gian cho việc kiếm miếng cơm manh áo.
Năm học vừa rồi, một sinh viên nghiên cứu đề tài về những mức độ thưởng ngoạn hội họa. Anh dẫn ở một cuốn kinh nào đó về các mức độ cái Tôi rất lý thú. Đó là:
Cho anh là hơn người. Cho anh là bằng người. Cho anh là kém người. Thực sự hơn người. Thực sự kém người. Thực sự không hơn người, nhưng cứ nghĩ là hơn. Thực sự không kém người, nhưng cứ nghĩ không thể vượt qua họ.
Đương nhiên, kinh Phật mang tính khái quát, có thể hiểu trong cư xử nhân luân, nhưng cũng có thể hiểu trong tương quan giữa một khán giả và tác phẩm nghệ thuật.
Ta kém bức họa. Ta bằng bức họa. Ta hơn bức họa. Giống như ta xem một kiệt tác, một bức tranh của đồng nghiệp, một bức tranh thiếu nhi. Xem tranh, đọc sách cũng giống như đối thoại với một người, có người nhiều lời, ưa bộc bạch để ta thông cảm, có người ít nói, kín đáo buộc ta phải cảm nhận và tìm hiểu.
Tác phẩm lớn là hàng trăm con người đang trò chuyện với ta. Muốn quán xuyến được tác phẩm phải có khả năng vấn đáp với từng ấy con người, lần theo họ trong từng mối quan hệ. Đọc truyện xem tranh một cách nghiêm túc thực ra rất mệt.
Vào những bảo tàng lớn, tôi rất hay buồn ngủ, tôi cũng thấy nhiều người ngủ gật trên các ghế băng dài, thậm chí có người đánh một giấc dưới gầm tủ trưng bày cổ vật. Lúc nhỏ, bà cụ hàng xóm hay nhờ tôi đưa đi xem tuồng, mỗi vở phải xem đến hai ba lần. Vì bà xem từng đoạn rồi ngủ khò khò, hôm sau xem tiếp đoạn chưa xem.
Trong hàng ngàn năm, hội họa vẫn làm cái việc mô phỏng tự nhiên, đến mức giống tự nhiên được coi là tay nghề của họa sĩ, và tiêu chuẩn của nghệ thuật. Leonardo nói rằng: “Một người được gọi là họa sĩ phải vẽ được tất cả các hình dáng của tự nhiên.”
Khi máy ảnh ra đời, họa sĩ thấy nhiệm vụ ấy không cần thiết nữa, họ vẽ cái mà họ suy tưởng. Picasso (1881 – 1973) nói rằng: “Tôi không vẽ theo tự nhiên, mà vẽ cùng tự nhiên”.
Điều này làm cho khán giả của Mona Lisa luôn luôn đông hơn Những Cô Gái Ở Avignon. Đây là hai tác phẩm của hai danh họa, tiêu biểu cho hai phong cách nghệ thuật Hiện Thực và Lập Thể. Nghệ thuật đã thay đổi, nhưng phần đông khán giả chưa thay đổi.
Mona Lisa không phải là người đàn bà đẹp, nhưng Leonardo đã nhìn thấy ở nàng nụ cười bí hiểm và sự sâu thẳm của tâm hồn. Ông đã điển hình hóa nhân vật này đến mức nhà buôn đặt vẽ Joconda không công nhận đó là chân dung vợ mình, và không nhận tranh nữa.
Nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử hội họa, người họa sĩ có thể diễn tả được chính xác của cơ khối trong phân tích ánh sáng đậm nhạt, và qua đó biểu hiện được vẻ không cùng của trí tuệ cũng như tự nhiên.
Sau Leonardo cũng không có ai làm được như vậy. Picasso vẽ Những Cô Gái Ở Avignon từ một nhà thổ. Những bức tượng và mặt nạ gỗ châu Phi với tính hoang dã và phân cắt các diện nhiều chiều, đã gợi cho họa sĩ đập vỡ các hình thể nhân vật.
Một sự mở đầu cho ngôn ngữ hội họa lập thể, khi chàng họa sĩ mới 26 tuổi. Từ đây, nghệ thuật đã thay đổi, nó không tái hiện tự nhiên nữa, mà thuần túy là một phương tiện bộc lộ tâm hồn.
Nếu ai còn xem nghệ thuật theo kiểu đối chiếu, coi nghệ thuật như phương tiện phản ánh hiện thực thị giác, thì không có cách gì thưởng ngoạn nghệ thuật Hiện Đại. Họ chỉ có thể xem từ Vangogh đổ về quá khứ thôi.
Những bức họa của Marc Chagall, Matisse, Dali, Kandinsky và Pollock sẽ không có ý nghĩa gì, và không tài nào hiểu được nghệ thuật trừu tượng sinh ra từ sự khủng hoảng xã hội (qua hai cuộc thế chiến), hay nói như Paul Klee (1879 – 1940) thì “xã hội càng khủng hoảng nghệ thuật càng trừu tượng”.
2. Quan sát từ nhiều hướng
Tôi thường xem đi xem lại những bức tranh của Jan Van Eyck (1390 – 1441) là một họa sĩ Bắc u tìm ra sơn dầu. Bức tranh Lễ Sùng Bái Của Các Con Chiên Thần Bí, vẽ một khu vườn có đến hơn 150 loài hoa cỏ, loài nào ra loài ấy, ngay phần nhiều đã tiệt chủng.
Bức tranh Đám Cưới Của Vợ Chồng Arnolfini cầm tay nhau thề thiên chỉ địa, sau lưng họ, trên tường treo một cái gương, nhìn kỹ trong gương nó phản chiếu hình ảnh toàn bộ nội thất phía trước. Xem tranh Van Eyck có lẽ phải dùng một kính phóng mới thấy hết các chi tiết.
Cuộc sống bao giờ cũng đa dạng và phong phú ngay trước mắt ta. Ta thường nhìn, mà chỉ thấy được phần nào. Một bông hoa hồng chẳng hạn, khi chưa nở những cánh nụ xanh nhạt ôm lấy đóa hoa xốp phớt hồng, khi nở rồi những cánh nụ quăng xuống, nhường chỗ cho nhiều lớp đóa hoa tung ra.
Một cái lá sen với những gân lá tỏa từ gốc cuống, khi ra đến gần rìa lá, những đường gân lá này tách ra làm hai, và kết với gân bên cạnh thành những cung tròn quanh mép lá. Tự nhiên, lúc nào cũng hoàn thiện, vừa cân đối vừa không cân đối, không vì cái đẹp mà vì tồn tại.
Nghệ thuật là của riêng con người, không có cái đẹp thì không ra người. Tề Bạch Thạch (1864 – 1957) vẽ tranh Thu Sắc Suy (Sắc Thu Tàn) với con ve sầu lò dò trên cái lá đỏ, lớp cánh của nó mỏng tang như một mạng lưới giấu phía sau là cái bụng xanh mờ.
Càng là họa sĩ giỏi, khả năng quan sát càng tinh tế, khả năng thể hiện sự tinh tế ấy chính là giá trị nghệ thuật. Hoa cỏ giống như động vật, có đực cái và sự gợi tình.
Hoa loa kèn chẳng hạn, với sáu cái cánh, ba cánh trong nhỏ hơn, nở lệch với ba cánh ngoài, tạo thành hình lục lăng rất cân đối, khi chưa nở thì giống như đàn ông, khi nở rồi thì lại giống như đàn bà.
Georgia O’Keeffe (1887 – 1986) thường vẽ những bông hoa phóng cực to, màu lục biếc hoặc hồng phớt gợi cảm, gợi tình, đôi khi trông dâm đãng vô cùng. Ấy thế mà, nhiều người hỏi bà như vậy, bà bảo rằng không phải, tôi không có ý đấy.
Ông chồng thương gia Arnolfini đứng cạnh vợ trong bức họa của Van Eyck, mặt đầy đa nghi và có vẻ không đoan chính cho lắm, cô vợ còn trẻ, bụng chửa tướng nom hiền lành và ngoan đạo. Trên đầu họ là chiếc đèn chùm thắp nến, dưới chân là một con chó bông xù.
Có lẽ không có gì không lọt qua mắt họa sĩ, nhưng y còn muốn nhiều điều hơn từ hiện thực. Đằng sau, bên trong cảnh tượng hạnh phúc này là gì, và số phận dẫn họ đi đến đâu. Tất cả chỉ là cảm giác.
Cảm giác không bao giờ là chính xác, nó tràn ngập và tạo ra tính đa hướng của tác phẩm, nghệ sĩ không kiểm soát được nó, và nó dẫn dắt tác phẩm khác xa với ý định ban đầu.
Một bài thơ Đường nói về cô gái đã có chồng, một chàng trai theo đuổi tặng cho cô đôi ngọc Minh Châu. Cảm kích mối tình của chàng, nhưng cô đã hứa chung thủy với chồng, cũng là một trang hảo hán cầm kịch gác trong vườn thượng uyển.
Câu kết bài thơ viết rằng: “Hoàn quân minh châu sông lệ thủy. Hận bất tương phùng vị giá thì”. Nhiều người dịch rằng: “Trả lại chàng đôi ngọc Minh Châu mà hai hàng nước mắt rơi lã chã. Hận chẳng gặp lúc chưa thấy chồng”.
Thế thì tốt quá, vừa có tình vừa thủ tiết. Thế như nếu dịch là “Trả lại chàng đôi ngọc Minh Châu bằng hai hàng nước mắt” thì vấn đề khác hẳn. Cái hay của nghệ thuật có lẽ ở chỗ, chẳng phải thế này, cũng chẳng phải thế kia, vừa là thế này, vừa là thế kia, cái đúng không có ý nghĩa gì cả.
Trong bức tranh Con Nghé Quả Thực của Nguyễn Tư Nghiêm, bên cạnh những người nông dân vui mừng được chia quả thực, còn có đứa bé gái rất buồn đứng bên gốc cây chuối, có lẽ nó là đứa con nhà địa chủ vừa bị tước mất con nghé. Mấy chục năm vừa rồi, người ta chỉ xem vế thứ nhất của bức họa, mà bỏ qua vế thứ hai. Nghệ thuật cũng hay vì tính bao dung đó.
Là một người Bắc Bộ, tôi gần với đỉnh chùa, hơn là tháp Chàm. Đứng trước pho tượng Phật sơn son thếp vàng, tôi đọc được ở đó nhiều ý nghĩa, thấy sự tịch mịch, nghiêm cẩn, thấy vẻ gợi tình khi người thợ chuốt bàn tay Phật mà như đang cầm tay một thiếu nữ.
Nguồn gốc văn hóa của ta ở đâu, ta có nhiều tín hiệu và xúc cảm hơn để đọc những biểu hiện nghệ thuật tương đồng. Tôi mất nhiều thời gian để chiêm ngưỡng một bệ thờ Linga – Yoni, một pho tượng thần Siva, một vũ nữ Apsara.
Thời gian của nghệ thuật ấy cũng lâu đời hơn, vẻ đẹp huyền bí cũng ngây ngất hơn và hơi thở của đá cũng khó cảm nhận hơn hơi thở của gỗ. Vượt qua ranh giới đó, ta có thêm một nền văn hóa khác, cũng thân thương, nhưng đầy khát vọng sống.
Ở thế kỷ 16, khi Leonardo và Raphael nhìn thấy những tượng gỗ châu Phi, chắc lắc đầu quầy quậy, phải để đến thế kỷ 20, thì Picasso mới phát hiện ra vẻ đẹp không cân đối này, không có gì chung với lý tưởng hoàn thiện hoàn mỹ của truyền thống Hy Lạp.
Không thể đòi hỏi người khác giống mình, không thể đòi hỏi một thứ nghệ thuật cho mình hiểu. Nghệ thuật như món ăn, mỗi người một khẩu vị, tác phẩm giống như bữa tiệc, nhưng liệu ta có đủ lịch lãm để dự tiệc không?
3. Thông điệp của cảm giác
Người phương Đông xưa, những nhà quý phái thường chơi thư họa và đồ cổ. Nếu ai có một bức thư pháp của Nhan Chân Khanh (709 – 785) hay một bức sơn thủy của Mã Viễn (họa gia thời Tống) thì thật nức danh thiên hạ.
Anh muốn xem ư, dễ thôi, đến đàm đạo với chủ nhân, rồi trai giới, tức là tắm rửa sạch sẽ, ăn chay, xa sắc dục ba ngày, rồi ngồi một mình trong căn phòng u tịch khói trầm phảng phất, trước bức họa một buổi, một ngày, hai ngày tùy theo.
Nếu là người có thư pháp, có thể viết lên đó một vài dòng, hoặc bài thơ vịnh cảnh. Cũng giống như người đi thưởng ngoạn ca trù phải biết cầm trống chầu, xem tranh cũng cần có đạo.
Hội họa giá vẽ, bày trong các salon quý phái, tranh trục quyển (tranh cuốn dọc và ngang) trong các gia trang của sĩ đại phu, dần thành thú chơi rườm rà và mệt nhọc. Nghệ thuật cũng chẳng cầu kỳ như thế, nên thời hiện đại, nghệ thuật có xu hướng bình dân, tất nhiên không có nghĩa không cần chút kiến thức nào để thưởng thức.
Khi nói rằng, tôi không hiểu gì bức tranh pho tượng này, tức là ta đã từ chối cảm giác của mình. Thông điệp trí tuệ từ bức họa đem lại vốn không nhiều bằng cảm giác, mà cảm giác thì ai cũng có, nhiều là đằng khác.
Trông thấy một mỹ nhân, Lý Bạch băn khoăn: “Đàn kiến lệ ngân thấp. Bất tri tâm hận thùy”. Nghĩa là: “Chỉ thấy nước mắt rơi lã chã. Không biết lòng cô giận ai?” Đó chỉ là một cảm giác, thắc mắc muốn nhìn vào bên trong tâm hồn qua vẻ bên ngoài.
Cái đời sống cảm giác ấy, vốn tràn ngập trong sinh hoạt tình cảm và văn nghệ của người Việt. Chẳng hạn cảm giác về cái buồn: “Giời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai.” hay cảm giác tình tứ “Gió xuân lật cả yếm đào. Sao trông thấy oan không vào thắp hương.”
Cảm giác là một thứ trừu tượng khó phân tích, không thể quả quyết đúng sai. Một chàng trai đến chơi nhà bạn gái, bố cô ta lườm cho một cái. Cái lườm là một ngôn ngữ trừu tượng, có thể phiên dịch thế này:
“Đàn ông gì suốt ngày bám váy đàn bà, lại rủ rê con tao đi đâu, uống xong chén nước rồi biến cho sớm, cái mặt cứ câng câng lên thế kia kìa, y hệ như thằng bố ngày nào…”.
Chàng trai kia tất nhiên là cảm nhận được ý nghĩa đó, tất nhiên không cần lý giải. Ngôn ngữ trừu tượng đầy rẫy trong cuộc sống, vì cảm nhận bằng cảm giác là nhanh nhất.
Thế mà hội họa trừu tượng bị phản đối nhiều nhất, như một thứ vô nghĩa lý, trẻ con cũng vẽ được và phản nghệ thuật. Dẫu ngày nay, có được chấp nhận, nhưng đa số vẫn không thích và biểu tranh trừu tượng. Có lẽ lỗi chính là đòi hiểu cái vốn không để hiểu.
Trong sinh hoạt của con người có nhiều khu vực không để hiểu. Kandinsky (1866 – 1944) cho rằng đó là nghệ thuật không có đối tượng, tức là hội họa trừu tượng không lấy bất cứ hình ảnh nào con mắt trông thấy để vẽ, nó chỉ là ngôn ngữ tuyệt đối sinh ra trực tiếp từ tâm hồn.
Xem tranh trừu tượng của Pollock (1912 – 1956) có cảm giác nước Mỹ thật hoành tráng, đồ sộ, hay ít nhất là những tòa nhà chọc trời trên những đại lộ thẳng băng hàng trăm cây số. Pollock không vẽ ra hình ảnh mà vẽ ra cảm giác này.
Tranh trừu tượng của Frank Stella (1936) thường chỉ có một màu, hoặc ba tấm là ba màu nguyên, nhưng màu đơn của ông gợi cảm vô cùng, như màu da người chẳng hạn. Họa sĩ Nguyễn Trung cũng khai thác cảm giác của mặt da gốm, bề mặt đồ đồng, hay vải gai làm thành những bức họa đồng sắc trừu tượng.
Đương nhiên, tranh trừu tượng không chỉ có thế, nó còn mang được những xúc cảm thực tại về thân phận và cuộc sống, không phải lúc nào cũng nói ra được bằng lời. Trừu tượng luôn nằm giữa hai cực rộng nhất và hẹp nhất, không có nội dung nhưng vô cùng xúc cảm.
Khi một họa sĩ đã từng vẽ hình hài rất vững, chuyển sang vẽ trừu tượng, tức là từng nét vẽ đã được sàng lọc qua tự nhiên rồi. Ta hãy xem một buổi trình diễn Opera, tất cả ngũ quan mắt mũi mồm tai, mà có thể ta không hiểu một lời hát nào.
Nghệ thuật sinh ra từ cảm giác, rồi lại được tiếp nhận bằng cảm giác. Ngũ quan của ai được tôi luyện nhiều bằng nghệ thuật, đều có sức cảm nhận tốt hơn, ăn ngon hơn và chơi cũng hay hơn.
Chẳng thế mà những món giản dị như canh cua, nước rau luộc dầm sấu, bánh giò, bánh dậm cũng đủ làm nên những cảm giác quê mùa người Việt Nam đằm thắm, huống chi là đồ gốm Lý Trần, tượng Phật thời Lê, tranh thờ và thổ cẩm.
Thế mà Trần Thái Tôn lại viết thế này: “Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng. Mắt theo hình sắc, mũi theo hương. Lênh đênh làm khách phong trần mãi. Ngày hết quê xa vạn dặm trường.”
Giác quan đuổi mãi theo sự vật bên ngoài, làm lu mờ mất cái bản thể của mình. Ở đây có cái gì rất mâu thuẫn, không phát triển ngũ quan thì không hiểu biết thế giới, phát triển ngũ quan thì lại đánh mất cái bản ngũ của mình. Biết làm sao đây?
4. Cao hơn dục vọng
Ta có năm cảm giác quan, mắt mũi mồm tai và tay chân, nói theo khái niệm Hán là thị giác, khứu giác, thiệt giác, thính giác và xúc giác. Cách nói tiếng Việt là để chỉ các cơ quan cảm giác của cơ thể.
Cách nói tiếng Hán là để chỉ chức năng của các giác quan, riêng chữ thiệt là cái lưỡi, xúc giác là toàn bộ da thịt bên ngoài, không cứ là tay chân, tất nhiên bàn tay đóng vai trò chính yếu.
Năm giác quan này, giống như năm cánh cửa mở thông ra thế giới, không chỉ có thế. Đó cũng là những cánh cửa mở thông vào nội giới, tức là đời sống tâm hồn bên trong. Thế giới thì vô hạn, mà khả năng của giác quan thì có hạn, mắt không thể nhìn quá xa, tai không thể nghe siêu âm.
Cho nên, năm ông xẩm sờ voi này, thường đưa tới trí tuệ của ta những thông tin sai lệch. Năm ông cùng sai do phiến diện, và khả năng hạn hẹp, tổng hợp lại ta nhận được một thông tin sai to tướng về sự vật.
Lại còn do yêu mà sự vật nên đẹp, do ghét mà sự vật nên xấu, thông tin ấy càng sai lệch nữa. Đây chính là nỗi khổ do có trí tuệ, một thứ tuệ nghiệp, mà ai nấy cứ tưởng học rộng hiểu nhiều thì hay lắm, hơn người lắm, thực ra chỉ là biết lắm cái sai hơn, mà mắc lỗi lầm nhiều hơn.
Thế giới ở bên ngoài hay bên trong? Là cái ta nhìn thấy hay cảm thấy? Thật khó quả quyết. Tâm sinh vạn vật sinh. Không có cái tâm rượu ngon gái đẹp, thì rượu ngon gái đẹp trước mắt cũng chỉ giống như nước lã và khúc gỗ. Ôi khó tin quá.
Nhà Phật có câu chuyện: “Có lá cờ bay phấp phới trên cao. Một gã nói rằng: gió thổi cờ bay. Gã khác nói: chẳng có gió nào thổi cờ bay, cái cờ tự bay. Thiền sư đi qua bảo: chẳng có cái cờ nào tự bay, cũng chẳng có gió nào thổi cờ bay, mà là cái gì đang bay trong đầu chúng mày”.
Nếu ngắm nhìn những pho tượng cổ Hy Lạp bằng đá cẩm thạch, phần lớn đều khỏa thân, người ta không những không khởi lên chút nhục dục nào, mà còn cảm thấy chúng được sinh ra từ một dân tộc lành mạnh và trong trẻo nhất trần gian.
Những lực sĩ chiến thắng trong các cuộc thi đấu thể thao, những chiến binh thắng trận và những nhà triết học người Hy Lạp, cảm thấy vẻ đẹp có được từ sự thống nhất giữa thể chất và tinh thần trong các hình tượng này.
Một trí tuệ trong sáng chỉ có thể nằm trong một cơ thể cường tráng. Người ta nói rằng ở thành bang Sparta, người ta chỉ cho phép nuôi những đứa trẻ sơ sinh đẹp đẽ khỏe mạnh, còn đứa nào ra đời ốm đau què quặt lập tức bỏ vào rừng cho thú dữ ăn thịt.
Nghệ thuật Hy Lạp cho thấy sự tài tình của sáng tạo, từ những khối đá vô tri mà tạc thành những cơ thể có cảm giác như da thịt con người. Người ta khó hình dung, nếu một bức tượng Hy Lạp nguyên vẹn thì nó như thế nào, hầu hết đều bằng đồng tô màu, khó có thể có cảm giác da thịt như những bản sao bằng đá cẩm thạch, do người La Mã làm lại.
Chiến tranh, thời gian làm những pho tượng ấy gãy tay, cụt đầu, lâu dần những hình thể không tay, cụt đầu, thậm chí chỉ là khúc thân không, cũng có một vẻ đẹp nhất định. Sự không toàn vẹn thậm chí còn hấp dẫn hơn một hình thể đầy đủ.
Hình như ai cũng thích ngắm nhìn tranh tượng khỏa thân, tất nhiên thích hơn nếu là người thật. Cảm giác thẩm mỹ lẫn lộn với ham muốn dục vọng, không thể nói rằng, thích nhìn khỏa thân là thấp hèn.
Vẻ đẹp trời cho làm u mê cả trí tuệ sáng suốt nhất, nhưng lại chẳng có nghệ thuật nào dẫn con người đến sự u mê cả, rõ ràng là ngược lại, nghệ thuật là phương tiện nhận thức xã hội sáng suốt nhất.
Gần đây, một số nghệ sĩ không vẽ nữa, họ mời người mẫu ngồi dưới ánh sáng được sắp đặt như tranh cổ điển, thỉnh thoảng người mẫu lại thay đổi tư thế sao cho góc nào cũng giống như một tuyệt tác khỏa thân.
Ở đây, có sự khác nhau giữa việc xem tranh thỏa thân với việc nhìn thấy một người cởi truồng, cũng có lúc, hai việc đó là một, khi người họa sĩ nhìn ngắm người mẫu, chuẩn bị cho một bức họa.
Bức họa Vệ Nữ Ngủ Ngoài Đồng của Giorgione (1476 – 1510) cho thấy, hình như con người là tựu trung cao nhất của cái đẹp tự nhiên. Cơ thể cô nàng cân đối và gợi cảm đang chìm trong giấc ngủ trải dài bằng cả cánh đồng.
Hội họa không làm việc gợi dục, nhất là xúc giác. Hình như một phần của hội họa là truyền đạt cảm giác da thịt qua con đường thị giác. Người vẽ được tự nhiên kích động rất mạnh, anh ta cảm thấy rất rõ sự nhọn sắc và chất ấm áp của đồ gỗ,…
Những cảm giác này ai cũng có, nhưng nó mạnh hơn ở người nghệ sĩ. Tức khắc, họ muốn truyền đạt bằng màu sắc hay hình khối, và còn muốn đọc đằng sau cảm giác ấy là gì, nó nói lên cái gì của tinh thần sự vật. Đây chính là điều làm cho tranh khỏa thân cao hơn dục vọng, và mang tính thánh thiện.
5. Cái đẹp là bản năng.
Có câu chuyện rằng: Sư cụ nọ nuôi một chú tiểu từ bé. Hai người sống trên núi cao, chưa từng xuống chợ và không gặp ai. Sư cụ nghĩ thằng bé như vậy, sẽ không bao giờ vướng vòng tục lụy, nhưng cũng phải thử, đến năm nó 15 tuổi bèn cho xuống núi.
Chiều tối chú tiểu về, sư cụ hỏi: “Con có thích gì dưới đó không, có gì đẹp không?”. Chú tiểu đáp rằng: “Chẳng có gì đẹp, chẳng thích gì”. Sự cụ gặng hỏi con nhớ kỹ xem chẳng nhẽ không có gì hay sao. Chú tiểu nghĩ một hồi, rồi đáp: “À, có một con gì tóc nó dài, tay nó trắng nõn, đi lại uyển chuyển, mà cười tươi lắm”.
Đối với sư cụ, 15 năm tu hành của đệ tử thế là toi cơm. Nhưng cảm giác về cái đẹp là một bản năng, người ta dù có tu luyện đạo cao đức trọng đến đâu, cũng không làm mất được cái bản năng này, và nhiều bản năng khác, và cũng có thể tu hành là để quay lại với bản năng của mình.
Bản năng không tốt cũng chẳng xấu, nó hình thành bởi sự tồn tại, tự nhiên dạy con người từ khi là vô cơ, đến khi thành cây cỏ, rồi động vật. Cái đẹp đôi khi cũng không song hành với sự phát triển.
Nhà văn Đỗ Chu nhận xét: “Về mặt tiến hóa, con chuột cao hơn con chim, nhưng về mặt thẩm mỹ rõ ràng con chim đẹp hơn con chuột. Cũng giống như rất nhiều người, con chuột lấy phá hoại làm vui”.
Khi mở thông với ngoại ngữ, các giác quan ngày trở nên nhạy cảm hơn. Ta làm nghề gì điêu luyện thì bàn tay con mắt của ta đối với công việc đó như có thần. Người nghệ sĩ quan sát nhiều, lại sống với sự quan sát, nên giác quan của họ cũng tin tường hơn người khác.
Nếu lấy kiến văn làm hạnh phúc, thì nghệ sĩ quả hơn người, nhưng nếu lấy ngu si hưởng thái bình thì càng biết nhiều càng khổ. Người tu khổ hạnh, mũ ni che tai, việc ai mặc kệ, đóng cả năm giác quan, chay tịnh và kiêng sắc dục.
Chỗ này, Tuệ Trung Thượng Sỹ nói: “Như người ở dưới đất. Tự nhiên trèo lên cây. Đang an trở thành nguy. Người tu để giác ngộ thì vô chấp. Lại mở hết năm cánh cửa cho gió bốn phương lùa vào”.
Đó là: “Lấy trời làm màn, lấy đất làm giường. Đói thì ăn, mệt thì nghỉ”. Như vậy, hoặc là không biết gì, hoặc biết đến nơi đến chốn, thì mới có niềm hoan hỷ.
Trẻ con quanh ta đều vẽ và đều thích vẽ. Vẽ là ngôn ngữ đầu tiên của trẻ thơ, khi lời ăn tiếng nói còn vụng về. Khi ngôn ngữ nói và viết phát triển, trẻ sẽ thôi vẽ dần, những đứa nào còn tiếp tục vẽ có khả năng trở thành họa sĩ.
Tranh trẻ con ai nhìn cũng thấy đẹp. Nó đẹp thực sự vì cái nhìn thơ ngây, không vụ lợi, vì cả sự vụng về không diễn tả nổi cái con mắt nhìn thấy. Chiếc ô tô có cả bốn bánh, ngôi nhà nhìn thấy hai trái, còn hình người như bốn cái que cắm vào quả cam.
Trẻ con vẽ theo sự hiểu, được xui khiến bởi tâm hồn còn như tờ giấy trắng. Tuy vậy, tranh trẻ con không bao giờ thành tác phẩm, nó chưa có cái đẹp của nghệ thuật, mà mới có cái đẹp tự thức.
Trẻ con học theo người lớn, cũng khó như danh họa muốn vẽ như trẻ con. Xem tranh thiếu nhi, Picasso nói: “Bằng tuổi chúng nó, tôi vẽ như Raphael. Bằng tuổi tôi, tôi vẽ như chúng nó”.
Để truyền đạt được cái giống như thật, cần học hành mất nhiều thời gian. Một họa sĩ bình thường phải học qua 3 năm trung học và 5 năm đại học. Nhưng để vẽ cho đẹp, có thể phải học cả đời hoặc không học ngày nào.
Những danh họa cổ điển có thể vừa vẽ giống vừa vẽ đẹp. Trẻ con và người nguyên thủy có thể vẽ đẹp, mà không thông qua bước đào luyện nào. Cho rằng, họ hoàn toàn bản năng và hồn nhiên chỉ đúng một phần, phần khác họ có cái tự do tuyệt đối, mà bất cứ loại người nào khác không có.
Nghệ thuật của họ không có vụ lợi, chỉ có niềm thỏa thích đơn giản, và nếu có là niềm tin siêu nhiên không xét đoán. Theo nghĩa một tác phẩm nghệ thuật, thì nghệ thuật nguyên thủy và trẻ thơ, chỉ là những hành vi. Hành vi đẹp đương nhiên sinh ra sản phẩm đẹp, dù sản phẩm ấy chưa thực sự hoàn thiện như một tác phẩm.
Tôi lang thang trong những miền núi Đà Bắc, qua những bản làng của người Mường, người Thái, thấy những sản phẩm mây tre đan tuyệt đẹp. Ngạc nhiên vô cùng khi thấy bức liếp ở một chài nhà người ta, đan thành hình con chim, và nắp chiếc giỏ đựng trầu lủng lẳng giữa mông một bà cụ là hình mặt trống đồng.
Người Kinh đang cũng khéo, nhưng hầu như ít ai đan được hoa văn trên liếp như vậy. Nhìn những cô gái thêu hoa thổ cẩm, người ta thường tự hỏi, họ mất bao lâu để thuộc lòng những hoa văn này, hay chẳng mất ngày nào cả, cứ tự nhiên mà thêu thôi.
Khi tôi lấy màu nước chép lại hoa văn cạp váy, một cô bảo: “em thêu cả năm mới xong, bác chép thế nào được”. Những cô gái Mường Thái bận váy rất cao, áo cánh thì rất ngắn, sự không cân đối đó, bắt nguồn từ đâu nhỉ(?) hay bắt nguồn từ mỹ cảm mà trời đất đã dạy cho họ.
6. Sông là sông, núi là núi.
Xã hội nông nghiệp vốn được coi là xã hội nghèo nàn và lạc hậu, nhưng hình như về mặt văn hóa nghệ thuật, nó lại phong phú nhất. Xã hội công nghiệp vốn được coi là tiên tiến và phát triển, thì nghèo nàn vô cùng, về xúc cảm và sáng tạo.
Có lẽ sự tuần hoàn chậm chạp trong xuân hạ thu đông, sự độc đoán của các ông vua, và sự gần gũi với thiên nhiên đã làm cho văn hóa nông nghiệp phong kiến mang nhiều màu sắc, dù điều này mâu thuẫn với bản chất tự do của nghệ thuật.
Khi một lão nông ngồi vót nang đan cái rổ cái rá, một người thợ chuốt những bình lọ gốm ta thấy, dường như bàn tay họ đầy xúc cảm, như cầm nắm tay chân người thân. Những sản phẩm nông nghiệp không bao giờ cân đối và hoàn chỉnh, dưới góc độ kỹ thuật, nhưng chúng lại luôn có đôi và gợi tình.
Cái rổ cái rá, cái nong cái nia, cái dần cái sàng, cái chày cái cối, cái hom cái giỏ, cái chum cái chĩnh,… Nghĩa là từng sản phẩm đều có đực có cái, và có sản phẩm đực và sản phẩm cái. Ngay cả một thanh kiếm cũng có thanh kiếm đực và kiếm cái.
Quan niệm từ cặp đôi trở nên phổ biến trong tiếng Việt. Ví như: lờ đờ, lạnh lẽo, nhạt nhẽo, lằng nhằng, lôi thôi, sờ soạng, xẩm xịt,… Chúng ta hãy để ý các từ: nong nia, hom giỏ, chày cối,…
Và cảm nhận cái vô nghĩa trong khái niệm, cái khêu gợi trong cảm giác, hình như chúng đều hình thành trong đời sống va chạm của nhục cảm, trong sự sờ mó thiên nhiên và con người.
Ở chùa Bút Tháp có pho tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, làm năm 1656, Có 42 tay lớn tỏa ra như bông hoa sen đang nở, mỗi cánh tay là một tư thế, mỗi bàn tay co duỗi các ngón khác nhau.
Không biết bàn tay con người có bao nhiêu cử chỉ, có thể biểu hiện được bao nhiêu trạng thái, nhưng ở đây mọi cử chỉ đều sinh động, tuyệt mỹ như chuẩn bị vuốt ve, bắt tay, mơn trớn, hoặc nhẹ nhàng tiếp xúc với ta.
Họa sĩ Lý Trực Sơn nhận xét: “Cái ông làm ra pho tượng này, chắc phải cầm nhiều tay chị em lắm”. Bạn hãy đi thăm quan những chùa làng Bắc Bộ, và ngắm nhìn cho kỹ những pho tượng Quan Âm.
Từ khuôn mặt, những nếp áo quần, những bàn tay và cánh tay chi tiết nào cũng hoàn thiện, và dương như được lắp ghép một cách phi lý. Dù nhiều tay, nhiều mắt, lại ngồi trên một con thủy quái, nhưng không có vẻ gì quái dị, trái lại rất sinh động và biểu cảm.
Mỗi ngón tay như rung động, như đang chạm khẽ vào cánh hoa, như đang duỗi ra và co lại bởi các xúc cảm tự bên trong, còn thần thái khuôn mặt thì như chìm vào một thế giới nào xa vời lắm.
Nghệ thuật luôn chứa đựng những điều không lý giải cảm nhận được, nhưng không thốt ra được thành lời. Giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình ảnh, có một khoảng cách rộng hơn vực thẳm, và hình như chúng chạy theo hai hướng, hai logic, và phi lý của riêng chúng, chỉ chung nhau một phần rất bé mà chúng ta gọi là hiện thực.
Trong một khóa thi đại học, sinh viên nọ làm luận văn về Thiền Tọa. Giáo sư hướng dẫn anh ta trình bày một quan điểm: “Trước khi tu tập, tôi thấy núi là núi, sông là sông. Trong khi tu tập, tôi thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Đắc đạo rồi, tôi thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông”.
Đây là luận đề của một bức thư pháp nổi tiếng của Nhật Bản: “Sơn thị sơn. Thủy thị thủy”. Chúng ta cần để ý sự vật lần một, khi chưa nhận thức khác sự vật lần hai, khi đã nhận thức.
Trong buổi thi đó, tôi đã thêm vào: “Nhận thức cuối cùng là núi vẫn là núi, mà chẳng phải là núi, sông vẫn là sông mà chẳng phải là sông”. Vị giáo sư đáng kính đã nổi khùng: “Tôi nằm cạnh vợ tôi, mà chẳng phải vợ tôi, thì ra cái gì”.
Câu này chân bản có lẽ là: “Vợ mày vừa là vợ mày, vừa là vợ thằng khác à”. Ô hô hô, không nên vận dụng triết học vào thực tế. Nhà thơ Nguyễn Văn Chương có bài thơ về một ông già làm thuyền đan thuyền thúng.
Khi tuổi cao sức yếu, và thuyền thúng cũng ít ai dùng nữa, ông chuyển sang đan nôi cho trẻ sơ sinh. Trước đây, con thuyền đưa bao người đi lại trên mặt nước. Nay những chiếc nôi đưa trẻ nhỏ vào những lời hát ru.
Thật là một bài thơ đẹp, nôi hay thuyền không quan trọng, đan nào cũng là đan, nhưng cuối cùng là đưa rước con người. “Chiếc nôi với con thuyền, giống nhau chăng, bé nhỉ?”.
“Bất nhị môn, bất nhị pháp”. Không hai cửa, không hai đạo là nguyên tắc của nhà Phật. Muôn vật vừa là nó, vừa là một, ví như cái bàn, cái ghế, cái bảng, tuy khác nhau, nhưng cũng chỉ là cây. Hay như cây mít, cây na, cây bưởi, tuy khác nhau những chỉ là gỗ.
Sự vật có bản thể chung nhất, sinh tồn thành muôn hình vạn trạng. Vì thế, mà sinh ra cái đẹp. Bởi thế bản chất cái đẹp là đa dạng, dị biệt, chỉ có bản chất con người trong đó là không thay đổi. Ở đây có sự khác biệt giữa nghệ thuật và tôn giáo.
Tôn giáo khuyên người ta đi về chỗ duy nhất. Nghệ thuật bảo con người muốn đi đâu thì đi. Song sự mâu thuẫn này, lại làm cho tôn giáo và nghệ thuật luôn có khả năng hợp nhất, trong các công trình tuyệt mỹ.
Phan Cẩm Thượng
Bạn đang xem bài viết:
Ngũ quan và nghệ thuật
Link https://vnlibs.com/nghe-thuat/ngu-quan-va-nghe-thuat.html