Lầu chuông đón gió

Tiếng chuông nhà thờ từ thuở nhỏ đã in vào tâm hồn tôi, khi nhà tôi ở cách Nhà Thờ Lớn không xa. Cứ 15 phút chuông lại điểm một lần, và 15 phút một tiếng, 30 phút hai tiếng, 45 phút ba tiếng, kết thúc một giờ là bốn tiếng.

Phần lớn những người sống gần nhà thờ đều quen với tiếng chuông, nên không mất ngủ. Tôi ít ngủ, nên tiếng chuông cứ văng vẳng bên tai, nhiều khi mơ màng như một chuyện cổ tích đưa lũ trẻ chúng tôi, bay lên cao mãi trên vòm nhà thờ cùng các thiên thần.

Sau này, trong chiến tranh lại sống ở các làng quê, tiếng chuông chùa lại là một thức tỉnh khác, đưa đến một tâm thức khác, cảm nhận thấy tiếng chuông hình như là một phần quan trọng của đời sống con người ngày xưa, từ hàng ngàn năm là dòng chảy nào đó trong hồn người.

Gác chuông trong một ngôi chùa thường tọa lạc sau tam quan, đôi khi được xây vào trung tâm, hoặc ở hậu đường, có chỗ người ta xây cao một phần của hai hành lang làm hai gác chuông, gác trống đăng đối.

Dù kiểu nào, vị trí ở đâu, gác chuông thường là kiến trúc hai tầng, với tám mái cong, nom như bông hoa sen nở. Đây là một ngôi nhà bỏ ngỏ, thông suốt hai tầng chịu lực dựa trên bốn cột gỗ cao, người ta có thể đi vào tứ phía hoặc trèo lên trên hứng gió muôn phương.

Hãy cảm nhận cái hư vô, cái không có gì, không hình thù, vô thể và để cho lòng mình cũng trống rỗng như vậy, sự trống rỗng ấy giúp con người trút bỏ phiền muộn, những gánh nặng trong cuộc sống, nơi mà ta đi vào và đi ra đều là tay không.

Bài thỉnh chuông có câu: “Văn chung thanh, phiền não khinh. Trí tuệ trưởng, bồ đề sinh”. Nghĩa là: “Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ cả. Trí tuệ nảy nở, mà cái tâm đồ đề sinh sôi”.

Tiếng chuông điểm giờ nói ở trên, phát ra từ một cái đồng hồ lớn, còn chuông chính của nhà thờ là một gian chuông lớn nhỏ. Người bõ già đu chiếc giây thừng mắc vào tâm quả lắc, chuông chính rung lên, tất cả các quả lắc làm cho mọi chuông vang động theo một nhạc điệu nhất định.

Âm thanh rung từ trong ra ngoài, còn tháp cao nhà thờ giống như một hộp âm lớn tỏa vào không gian. Chuông chùa thường chỉ có một quả, lối đánh bằng chày thúc vào núm chuông, âm thanh rung từ ngoài vào trong, rồi lan tỏa như sóng nước trầm và nhẹ vào bốn bề trống không có gác chuông.

Hai lối đánh chuông khác hẳn nhau, đòi hỏi hai kiến trúc khác nhau, và cách tạo không gian khác nhau. Ta lắng nghe tiếng hồi âm của âm thanh khi quay trở về, với chuông chùa rất khác tiếng chuông bay thẳng lên giời của chuông nhà thờ.

Cả chuông chùa và chuông nhà thờ đều được đánh vào lúc sáng sớm và chiều hôm. Đối với người nông dân xưa là cái nhắc nhở nhịp sống, thức dậy, đến nhà thờ cầu nguyện và ra đồng, chiều về chuẩn bị nghỉ ngơi, đến nhà thờ và lo việc nhà.

Cái nhịp sáng tối đó cứ đều đặn trong bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Trong một xã hội không có đồng hồ, đêm thì định thời bằng tiếng gà gáy, ngày thì coi bóng mặt trời.

Danh họa người Pháp là Milet có vẽ cảnh hai vợ chồng nông dân mãi làm ruộng, chợt nghe tiếng chuông nhà thờ, bèn đứng cúi đầu cầu nguyện trong bóng hoàng hôn. Nhiều nhà trí giả còn cho rằng tiếng chuông còn là một khái niệm triết học.

Khi ta gõ từ chuông phát ra âm thanh, thì âm thanh đó tan vào không gian rồi biến mất. Vạn vật cũng như vậy, đều từ không sinh ra có, rồi lại trở về không vậy. Ông thầy tôi từng giảng cho tôi điều này, nhưng tôi mãi mà không hiểu, ông bèn bảo:

“Giống như cậu là không, cậu gõ vào một cô gái đến bong một cái, cô ấy có chửa… đấy gọi là không sinh ra có vậy”. Cái có và cái không vừa đơn giản, vừa rắc rối, và người ta sống hàng ngày, hàng giờ với toàn cái có, cái không là vĩnh viễn, nhưng xa vời, không ai hiểu được.

Từ đời này qua đời khác, những nhà truyền giáo tìm mọi cách để dạy người đời cái vĩnh hằng, coi mọi điều trên trần thế chỉ là ảo ảnh nhất thời. Gác chuông, tiếng chuông nhằm đánh thức cái vô thường này trong tâm trí mê muội của nhân gian.

Mỗi miền quê từ xa xưa, những ngôi chùa nhỏ bé chìm lẫn trong những hàng cây, chỉ nhô lên những đầu dao cong của gác chuông, hoặc những ngôi tháp bé nhỏ. Sau này, khi Thiên Chúa Giáo vào Việt Nam, tháp chuông nhà thờ cũng là hình ảnh ấn tượng nơi làng quê.

Tiếng chuông có thể vang vọng qua vài làng, có khi tới hàng chục cây số, người ta đón nhận nó một cách vô thức, không nhất thiết có theo tôn giáo hay không. Khi vào trong nhà thờ với những vòm cuốn Gothic cao vòi vọi, một không khí hoàn toàn tinh thần và hướng thượng bao trùm lên con người bé nhỏ.

Đứng dưới hoặc leo lên gác chuông chùa, không có cái cảm giác bị trấn áp như vậy, nhưng cái cảm giác hư vô thì rất rõ. Vạn vật trong trời đất và con người đều là những chốc thoáng, nay có mai không.

Không gian và thời gian như hòa nhập, hiện tại như không có, và khi quay lại với đời sống thường ngày, buộc người ta phải suy nghĩ lại tất cả những gì đang làm, để làm gì và dẫn đến cái gì.

Một lần nghe chuông, đứng dưới lầu chuông, thì chưa cảm thấy gì, nhưng nhiều lần và hàng ngày sống trong âm hưởng của tiếng chuông chùa, thì con người tự được giác ngộ.

Cái tấm thân ngũ hành của mình (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) cũng đồng dạng với vạn vật, nên chỉ có tình yêu thương mới là bắt đầu và kết thúc chặng đường, mà vạn vật lúc này hay lúc kia sinh ra và cùng đi đến đó, hay thực ra chẳng là đi đâu cả.

Vẫn ở đấy, vẫn là thế. Cái gọi là vòng trần, bể dâu, trầm luân, bão tố thực ra chỉ là những màn trình diễn cho vui mà thôi.

Phan Cẩm Thượng


Bạn đang xem bài viết:
Lầu chuông đón gió
Link https://vnlibs.com/nghe-thuat/lau-chuong-don-gio.html

Tìm kiếm có liên quan: 100+ lầu chuông và ảnh lâu đài miễn phí; Bài kệ nghe chuông; Cõi thiên thai lầu trống và lầu chuông; Khánh thành lầu chuông tại đền thờ; Lầu chuông bà nà hills; Lầu chuông du lịch bà nà; Lầu chuông ở bana hills; Ngôi trong chuông chùa; Nguồn gốc và ý nghĩa của chuông trống;

Tìm kiếm có liên quan: Tiếng chuông chùa cổ thiền tịnh tâm; Tiếng chuông nhà thờ cổ thiền tịnh tâm; Tiếng chuông nhà thờ mp3; Tiếng chuông tỉnh thức MP3; Tham quan lầu chuông thiền viện trúc lâm; Tháp chuông truyền thống; Thiết kế công trình khác tháp lầu chuông; Thỉnh chuông Làng Mai.