Ý nghĩa thẩm mỹ của cái Bát

Vào thời hồng hoang, con người chụm hai bàn tay lại vục nước suối uống, lâu dần người ta nghĩ ra cái bát nặn bằng đất, có thể tích như hai lòng bàn tay. Vậy chúng ta gọi là cái Bát hay cái Chén hay cái Tô?

Đồ đựng này có thể dùng một chiếc lá, một vỏ con trai, vỏ quả cây sấy khô, hoặc bằng gỗ khoét, nhưng tốt nhất vẫn bằng đồ gốm, sang trọng hơn thì làm bằng kim loại vàng bạc.

Khi bàn xoay ra đời làm bát gốm là việc dễ nhất, vì dáng hình không lớn, độ cong không nhiều và cũng là loại đồ được sử dụng nhiều nhất. Khi Đức Phật Thích Ca viên tịch, ngài đặt chiếc bát khất thực lên bộ quần áo để lại cho đệ tử, nên thầy tìm trò kế thừa gọi là trao y bát.

Stupa ở Sanchi (Ấn Độ), mộ tháp kỷ niệm Phật đầu tiên có dạng hình cái bát úp. Những chiếc bát cúng thường được làm như một bông hoa sen, nó được kết hợp bởi hình bán cầu của quả cam bổ đôi, và một đóa sen sắp nở.

Tuy nhiên, chiếc bát ăn cơm ngày nay thường dùng, lại ít thấy trong lịch sử gốm, mặc dầu nó có dạng lòng hai bàn tay nhất. Trước Công Nguyên, xuất hiện nhiều chiếc bát nước, miệng loe, lòng nông, có chân cao như một cái chuôi để cầm, phát triển đến thế kỷ thứ 6 và thứ 7 sau Công Nguyên.

Loại bát nước này, có nhiều cỡ từ nhỏ đến to, loại nhỏ đôi cái phần trên có dạng bán cầu, loại to có đường kính tới 35cm, dáng vẻ trịnh trọng, nên thường dùng trong nghi lễ tôn giáo.

Khoảng thời gian từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên đến thế kỷ 9 sau Công Nguyên, một loại bát thuyền được dùng nhiều trong dân gian. Bát có dạng như chiếc thuyền thúng, có hai cạnh hai bên để cầm, như một lòng bàn tay, lòng bát nông, dùng để uống rượu, uống nước hơn là để ăn.

Có lúc bát được làm bằng gỗ, hoặc sơn son vẽ hoa văn đen, hoặc để mộc, còn phần lớn làm bằng gỗ nhẹ, nom rất xinh xắn. Đến thời Lý, thế kỷ 11-12, bát ẩm thực quả là một khoa học dáng cầu kỳ.

Phổ cập là các loại bát men ngọc miệng loe, đường kính tới 20cm, thót đáy, vành bấm những điểm lõm làm cho miệng bát uốn lượn như cái lá sen, thành bát khía những vệt dài từ miệng xuống, thành những cánh hoa sen, hoa súng.

Nữa là những bát men đen có in dấu chân chim làm hoa văn ngẫu nhiên, như con chim đi qua lòng chiếc bát. Có lẽ con người sử dụng những chiếc bát đó phải nho nhã và thanh lịch lắm. Cử chỉ khoan thai tinh thần sáng láng, ăn cơm mà như ngắm một bức tranh.

Thế kỷ 13 và thế kỷ 14, thẩm mỹ thay đổi hẳn. Chiếc bát Trần chân cao xuất hiện, phần trên nở giống như quả hồng, phần dưới chân cao từ 5 đến 10cm, có lẽ khi ăn phải bưng bằng hai tay, biểu hiện của vẻ đẹp sức mạnh.

Thời ông Lê Lợi và Nguyễn Trãi, chiếc bát ăn cơm to gần bằng bát ô tô, vẽ chi chít hoa văn lam trên nền gốm trắng ngả xanh nhạt. No đủ, lịch thiệp, nhiều nghi thức rắc rối và ăn có mời làm có khiến.

Chiếc bát đàn lòng nông, men vàng khè ở miệng, cho thấy bước thụt lùi của đời sống và thẩm mỹ thế kỷ 18. Người ta có lẽ cốt ăn qua loa cho xong bữa rau dưa, và sống cho qua ngày. Thời bao cấp, bát ăn cơm vốn không đẹp, nhưng lại quý hiếm vì hoàn toàn không mua được, trừ khi công đoàn phân phối.

Có hai loại bát là bát sứ Hải Dương men hơi bóng in hoa văn đỏ, và bát gốm Bát Tràng khi thì có viền hoa văn xanh, khi thì không, thành mỏng, dễ vỡ, do tiết kiệm đất mà kỹ nghệ cao.

Kẻ lóng ngóng đánh vỡ bát, người già thì bị lườm nguýt, trẻ con thì bị xơi vài cái tát. Những bát xưa cũng có nhưng bị bán dần thành đồ cổ quý hiếm. Dân buôn bát phải dậy từ 1 giờ sáng, thồ hai sọt bát đi bộ từ Bát Tràng đến chợ Đồng Xuân là khoảng 3 giờ đến 4h sáng, cực nhất là phải leo lên và xuống dốc cầu Long Biên.

Ở đó, có những thương binh đầu gấu đứng đón, có thể giằng co với cánh thương nghiệp và đưa hàng vào chợ. Kinh tế thị trường len lỏi ngay trong ngăn sông cấm chợ. Bát chiết yêu là sản phẩm thuần túy dân gian, miệng loe lưng thắt lại đột ngột nên lòng đáy rất nhỏ.

Chiết yêu nghĩa là lưng nhỏ, lưng cong, lưng gập, lưng gãy, chỉ người con gái ngực nở, hông nở nhưng eo thon. Bát chiết yếu sinh ra từ thẩm mỹ này, thể tích đựng thì không nhiều, nhưng trông thì rất đầy, nên các bà bán bún, cháo rong hay dùng để đánh vào con mắt tham ăn, thích nhiều của khách.

Hơn nữa, đáy bát thu nhỏ cũng dễ cầm. Chiếc bát chiết yêu kiều diễm như vậy, nên trở thành hàng xuất khẩu. Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng có thể làm những bát chiết yêu đường kính 35cm, vẽ hoa văn tinh khéo, nay có lẽ tìm được ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa Đông Âu cũ.

Bộ đội ra trận không thể cầm một thứ dễ vỡ, như bát gốm nên được trang bị chiết bát sắt này. Bát này có thể tích gấp rưỡi bát bình thường, tráng men ngoài xanh trong trắng, đáy có một chiếc lỗ.

Lính ra đánh một chiếc vòng vào đó, lồng đôi đũa cắm vào giá hoặc cắm lủng lẳng túi sau khi đi ăn cơm. Bộ bội mỗi tháng được 21 cân gạo, rau thịt đều nhiều hơn dân, nhưng do tuổi ăn tuổi ngủ, hành quân vác nặng nhiều, nên lúc nào cũng thèm ăn.

Để ăn được ba bát cơm là cả một chiến thuật, với những tay lính háu ăn. Bát đầu xới vừa, bát giữa xới ít, bát cuối lèn thật chặt rồi đứng dậy. Vào bữa cơm, thịt ăn trước, rau chén sau, nhỡ đột nhiên có bom đạn thì lại thành ma đói.

Mỗi thời mỗi chỗ, chiếc bát thay đổi tùy theo cách ăn uống và văn hóa. Bát to hơn bát thường thì gọi là bát ô tô. Phở do Việt kiều bán ở Mỹ có loại phở xe lửa, đựng trong chiếc bát gần bằng cái chậu.

Lao động ở xứ tuyết 10 giờ đồng hồ liền, không thể ăn ít được. Bát ăn chè, đựng nước chấm loại nhỏ xinh xinh bằng nửa bát thông thường. Cúng cho vong linh vào ngày rằm tháng bảy, quấn một chiếc lá đa, đỏ cháo vào đấy, ma cũng được một cái húp. Dẫu vậy thì thời nào có bát đó.

Bây giờ, thời này ai cũng để ý đến ăn, nhưng chẳng ai để ý bát như thế nào. Bát sứ Hải Dương, bát sứ Bát Tràng, bát sứ Giang Tây, bát sứ Quảng Đông, bát Tây,… đủ kiểu đủ dáng, chẳng còn cái gì là một phong cách ăn thuần Việt.

Sự đói kém trước tạo ra một ức chế phản hồi, nên bây giờ người ta ăn lấy được. Người Việt gọi là ăn uống, ăn nằm, ăn cắp, ăn hối lộ,… trăm tội đều vì cái mồm, và khái niệm ăn được dùng cho nhiều hành vi.

Ngay từ ăn cũng có thể diễn đạt phong phú, như chén, đánh, đả, hốc, hớp, hít, nhậu, húp, nhôm,… Đối với nhiều dân tộc ăn bóc, bàn tay chính là cái bát, và có những cái bát thật to để đựng thức ăn.

Người phương Tây thời hoang dại đi săn, con dao và cái gạc dùng để chẹn cổ con vật là quan trọng. Hai vật dụng này dần biến thành con dao ăn và cái dĩa. Ăn kiểu Tây thì cái đĩa quan trọng hơn cái bát.

Nhưng người phương Tây và người Trung Quốc ăn một món lỏng là súp và thang, tức là những món ăn được hầm có nước. Cho nên cái đĩa phương Tây có loại bẹt, có loại lòng sâu để đựng súp, và Trung Quốc thì có cái bát. Cái thìa sinh ra để múc súp và thang.

Người Việt ăn canh, tức là một thứ nước rau thuần túy thì húp thẳng vào bát, không cần đến thìa, và cũng không sinh ra thìa. Nhưng khi cái bát trở nên quá sâu lòng thì phải có một vật dụng để cởi thức ăn, chính là đôi đũa.

Chúng ta vụng dao và dĩa, khéo dùng đũa. Người Tây ngược lại rất lúng túng khi được cầm đũa và điêu luyện với dao dĩa. Ăn uống dần trở thành một biểu hiện văn hóa, trở thành tính cách riêng của từng tộc người.

Bát đũa, thìa dĩa dần trở thành một khoa tạo dáng. Thức ăn màu sắc mùi vị dần cũng có ý nghĩa thẩm mỹ như một bức tranh. Đói kém thì ăn cốt no. No đủ thì ăn thưởng ngoạn.

Người lang thang chẳng có gì mà ăn, thì có gì ăn nấy, cái bát chẳng có một ý nghĩa gì. Người nông dân lấy và để cũng chỉ có cơm và rau. Còn có những người ăn uống thanh lịch, nhưng ngoạm một cái hết cả triệu bạc.

Miền Bắc gọi là cái bát, nhưng khi đi từ miền Trung trở vào miền Nam, thì chúng ta sẽ được gọi là cái chén. Ngoài ra, khi đi ra Huế ta còn sẽ nghe tên gọi khác là đơm chén cơm, hay được gọi là xới bát cơm cũng là nó.

Phan Cẩm Thượng


Bạn đang xem bài viết:
Ý nghĩa thẩm mỹ của cái Bát
Link https://vnlibs.com/nghe-thuat/y-nghia-tham-my-cua-cai-bat.html

Tìm kiếm có liên quan: Bộ bát kiểu Nhật đẹp giá rẻ; Cái ấm tích và cái bát mỹ thuật; Cái bát cơm rơm hoạt hình bát không độc hại nhẹ và đẹp; Cái bát tóc là gì Bát là gì; Cái chén và cái bát; Cái tô ăn cơm phục vụ thức ăn; Cái bát làm bằng gỗ tự nhiên; Cái bát làm sứ lên men cao cấp;

Tìm kiếm có liên quan: Miền Bắc gọi là cái bát; Miền Nam gọi là cái chén; Nội thất cái bát là gì; Tuyển tập các bức tranh tô màu cái bát cái tô; Vẽ cái bát ăn đĩa tròn hộp đựng thường; Vẽ trang trí bát cơm đơn giãn cùng bé; Video trang trí cái chén dễ thực hiện.