Thang Trần Phềnh nổi danh ngay từ khi chưa học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Khi đi thi, Tô Ngọc Vân miêu tả Thang bận áo the khăn xếp, trên khăn xếp cắm chi chít nào là bút lông, nào là bút chì vót rất nhọn.
Khi vẽ hình họa, Thang tỉa tót tài khéo khiến mọi thí sinh đều cầm chắc mình trượt. Cuối cùng thì Tô Ngọc Vân thở phào, Thang trượt kềnh còn Tô thì đỗ. Hoàng Tích Chù nổi danh vì thi trượt chẳng kém gì Tú Xương.
Ông mất chín năm lều chõng mới vào được trường Mỹ thuật. Nhưng nghệ thuật là cái nghiệp đam mê. Thang Trần Phềnh sau có bức tranh Phạm Ngũ Lão treo trong Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, còn Hoàng Tích Chù trở thành họa gia thực thụ.
Nghiệp thi cử của các sinh viên bây giờ cũng vậy. Có người tối thiểu thì mất ba năm, người nhiều tới bảy năm. Ai thi quá năm năm thì thường được gọi đùa là Cao Đẳng 6, Cao Đẳng 7. Chỉ có điều là sinh viên ngày xưa, không tìm cách đón lõng đề thi, và học tủ như bây giờ.
Vì đấy là cái lõi đầu tiên kìm hãm họ sau này trên con đường nghệ thuật. Đỗ vào trường thì khó, nhưng ra trường thì rất dễ, tỷ lệ trượt tốt nghiệp không đáng kể. Từ đây, hình thành nhiều thái độ học hành của sinh viên khác nhau.
Hoặc có người học cho xong việc, bài nào cũng đạt điểm trung bình, ít giao du, va chạm, cốt kiếm lấy mảnh bằng cử nhân. Hoặc có người coi mình như Picasso, Van Gogh tái thế, xem thường các bài học trường quy, luôn nhảy bổ vào cái mới, và thường than rằng không ai hiểu mình.
Hoặc có người tỏ ra rất chăm chỉ, ngay từ lúc học đã toàn vẽ nặn Bác Hồ, gặp ai cũng cung kính như thầy, đi đâu cũng chép cũng ghi. Bỗng một ngày anh ta nói năng với ta như người thiếu giác ngộ chính trị, và không yêu nước.
Ngẫm kỹ thì hình như anh ta cốt kiếm một hợp đồng làm tượng đài, tranh hoành tráng càng to càng tốt. Trên đây đều là những tấm gương không đáng noi theo, nếu các bạn yêu nghệ thuật thực sự, và biết rằng trong hơn 90 triệu người Việt Nam, chỉ có khoảng 200 họa sĩ và nhà điêu khắc.
Không như các sinh viên khoa học tự nhiên và xã hội, ước vọng sau khi ra trường trở thành một cán bộ bình thường, hoặc là một nhà doanh nghiệp. Sinh viên nghệ thuật đều mong muốn là ngôi sao, hoặc là danh họa, tiếng tăm lưu lại trong sử sách.
Không đi Tây đi Tàu, cũng nhà cao cửa rộng, nhiều em trẻ đẹp hâm mộ. Suman cho rằng, trong nghệ thuật có cả tiền tài danh vọng, nhưng bạn cứ thành đạt nghệ thuật đi đã, còn các thứ khác tự nó sẽ đến.
Tiếc thay, phần nhiều bạn học nghệ thuật, chưa thành đạt đã muốn giàu có, và không hiểu rằng thành đạt trong nghệ thuật chính là sự giàu có, nhất là trong một xã hội ngày càng có nhu cầu cao về văn hóa.
Con đường đi đến thành đạt nghệ thuật cần vượt qua từ nhiều ngưỡng cửa. Trước hết, là thông thạo những kỹ năng của nghề. Người học đàn phải mất từ 7 năm đến 10 năm mới có khả năng thị tấu, rồi truyền đạt các cảm xúc tư tưởng của mình vào bản nhạc.
Người học vẽ cũng phải mất ngần ấy năm để mô tả lại những gì mình trông thấy, rồi truyền đạt phần hồn cho sự vật. Ấy vậy mà nhiều bạn coi trọng việc ăn mặc luộm thuộm, để râu tốc, hoặc cạo trọc, nói năng như thánh phán, rồi nhảy bổ vào nghệ thuật không hình như tranh trừu tượng, coi việc vẽ giống như xoàng, là công việc của máy ảnh.
Âm nhạc thì có thần đồng, nhưng hội họa thì không. Để bàn tay thống nhất được từ cái nhìn đến khối óc và trái tim, là kết quả hàng chục năm tiệm tiến. Rồi nữa, cần học và hiểu lịch sử nghệ thuật, mới thấy cái mình đang làm là lạc hậu, hay là cái mới bắt chước.
Học đầy đủ rồi, lại phải từ bỏ tất cả để đạt đến cái vô sư trí của mình. Nhưng không học thì cũng không từ bỏ được. Không học cũng không thể sáng tạo và ngược lại, không sáng tạo thì đến chết, cũng chỉ là anh học trò hay chữ, kinh sử thuộc lầu lầu nhưng gặp cái mới là phản đối kịch liệt.
Có bạn sinh viên hỏi tôi làm thế nào để trở thành nhà nghiên cứu? Làm thế nào để viết ra được những cuốn sách nghệ thuật có giá trị? Đáp rằng cần có 5 điều kiện, đó là phải có một sức khỏe tốt, hai có kiến thức, ba có tiền, bốn có quan hệ, năm có lòng kiên trì.
Người sinh viên ấy nói rằng, cả 5 điều đó anh ta đều không có. Đáp rằng nên bắt đầu viết một bài báo nhỏ, sau đó là bài nghiên cứu dài hơn. Năm điều kiện trên tự hình thành dần trong quá trình lao động, mới có thể viết đến sách.
Cũng như vậy, nhiều người bước vào nghề họa, sơn dầu chỉ đủ vẽ vài mét vuông, đã vội đổ dồn cho một bức tranh lớn, lại còn mong đoạt giải. Vậy tại sao không chia nguyên liệu ra vẽ nhiều tranh bé, vừa luyện tập, vừa tiết kiệm. Tranh giá trị ở đẹp, không ở to hay bé.
Hai danh họa Vecmeer và S.Dali tranh rất nhỏ bằng vài chục phân vuông. Tranh của Monet, Van Gogh và cả Picasso thời hàn vi, chỉ khoảng 50x60cm, nhưng chính tài năng và sự hàn vi, làm cho hội họa của họ trở thành kiệt tác ngay từ lúc trẻ. Tư tưởng lớn trong một tác phẩm nhỏ, còn hơn là tư tưởng nhỏ trong một tác phẩm lớn về kích thước.
Trong đời sống nghệ thuật, trường học luôn tự nó là một thứ bảo thủ, bởi nó phải tiêu chuẩn hóa một số kiến thức cơ bản giảng dạy. Nghệ thuật lại luôn có xu hướng xóa bỏ các tiêu chuẩn. Vì vậy, sinh viên nghệ thuật luôn nằm giữa mâu thuẫn giữa cái cũ bên trong và cái mới bên ngoài.
Đối với người đi học, chỉ có hai cách hoặc nhất nhất theo trường phái đó, hoặc phủ định lập ra trường phái mới. Nhưng ở đây, càng muốn lập ra cái mới, càng phải am hiểu và giỏi cái cũ.
Khi đi thi, học sinh thành phố đỗ đạt nhiều, khi sáng tạo thành danh, phần lớn lại rơi vào người xuất thân từ nông thôn. Nông thôn, làng xã luôn có nhiều nguồn văn hóa truyền thống và tư chất lành mạnh cho sáng tạo.
Khi đi học, nữ thường đạt điểm cao hơn nam giới. Khi ra trường, nam giới đóng vai trò chủ chốt của giới nghệ thuật. Gần như 99,9% nghệ sĩ trong lịch sử nghệ thuật là đàn ông. Trường Mỹ Thuật nào cũng chỉ lấy nghệ thuật cổ điển và hiện thực, làm học thuật căn bản.
Nhưng bên ngoài còn biết bao thứ nghệ thuật khác như: chủ nghĩa Hiện đại, chủ nghĩa Hậu Hiện đại, nghệ thuật Sắp Đặt, nghệ thuật Trình Diễn, nghệ thuật Video Art,… mỗi thứ đều có học thuật riêng và dần xâm nhập vào các trường nghệ thuật trên thế giới, nhưng không có nghĩa trường phái nào cũng là duy nhất đúng.
Năm học ở trường có thể học cái nên học và cả cái nên tránh. Và xét cho cùng nghệ thuật cũng chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục đích. Sinh viên nghệ thuật thường chú trọng thực hành, mà coi thường lý thuyết.
Một nhà văn không thể không am hiểu Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến,… Vậy thì những văn hào ấy của mỹ thuật là chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, đình Tây Đằng,… họa sĩ không thể không nghiên cứu.
Cũng như vậy, tương đương với Shakespeare, Lev Tolstoy, Dostoevsky,… họa sĩ chính là Leonardo, Rembrant, Picasso,… không thể không am tường, mà đòi hay về nghệ thuật.
Người nghệ sĩ hiện đại là người thực hành, có khả năng trình bày lý thuyết, viết nghiên cứu và dùng nghệ thuật can thiệp vào đời sống xã hội.
Phan Cẩm Thượng
Bạn đang xem bài viết:
Từ sinh viên nghệ thuật đến người nghệ sĩ
Link https://vnlibs.com/nghe-thuat/tu-sinh-vien-nghe-thuat-den-nguoi-nghe-si.html