Thập mục ngưu đồ | 10 bức tranh chăn trâu

Có một bài thơ Thiền nói về con người mãi đuổi theo các cảm giác bên ngoài, mà quên mất đời sống nội tâm, đến mức mình làm khách của chính mình, không biết cội nguồn mình ở đâu?

“Lưỡi vướng vị ngon tai vướng tiếng. Mắt theo hình sắc mũi theo hương. Lênh đênh làm khách phong trần mãi. Ngày hết quê xa vạn dặm trường” – Trần Thái Tôn

Cuốn sách Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân nói về thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Bốn nhân vật thực ra chỉ là một người, trong đó Trư Bát Giới là thân xác, Xa Tăng là tình cảm, Tôn Ngộ Không là lý trí, và Đường Tăng là cái tâm.

Thân xác thì luôn đòi hỏi ăn uống, thỏa mãn nhục dục. Tình cảm thì thuận chiều, bảo sao nghe vậy. Lý trí luôn tò mò, chống đối tất cả những gì chưa hiểu biết. Cái tâm ưa tĩnh mịch, quan chiêm trần ai.

Đây chính là những mâu thuẫn nội tại của con người, khi không sai khiến được chính mình. Nhà Phật đã đưa ra hình ảnh đứa mục đồng và con trâu để nói về sự mâu thuẫn, khác biệt và thống nhất giữa tinh thần và thể xác.

Mục đồng chăn trâu, giống như cái Tâm chăn dắt cái Thân, hoặc ngược lại. Theo Thiền Sư Thích Quảng Trí là người cho ấn loát cuốn sách Thập Mục Ngưu Đồ Tụng Luận Giải vào năm 1721, mà chúng ta sẽ đề cập, thì Trâu là năm giá (mắt, mũi, mồm, tai, và da thịt), chăn trâu là ý thức và mục đồng là cái thân.

Ở góc độ của ẩn dụ thì hiểu là “Người chăn Trâu” hay “Trâu chăn Người” cũng được, hoặc “Trâu – Người” và sự chăn cũng được. Cuối cùng, cũng phải đi đến cái thống nhất, không ai cần chăn ai, mà ai cũng ngoan. Trâu là Người, Người là Trâu, và đều là hư vô cả.

Người ta cho rằng 10 Bức Tranh Chăn Trâu xuất hiện vào thời Nam Tống (1127 – 1279) bởi các thiền sư Trung Hoa. Chúng được treo ở Thiền viện, như một chỉ dẫn về phương pháp tu tập. Phương pháp đó lan truyền sang Nhật Bản, và Việt Nam.

Ở tại Nhật Bản, nổi tiếng là bức Thập Mục Ngưu Đồ của Shubun, họa sĩ nổi tiếng của thiền viện Shoko Bugi thế kỷ 15. Bức tranh được treo trong chùa này. Còn ở Việt Nam hiện tìm thấy cuốn sách dẫn giải về 10 Bức Tranh Chăn Trâu của thiền sư Thích Quảng Trí.

Năm 1719, vua Lê Dụ Tông (1705 – 1729) có đến chơi chùa Trấn Hải. Người hỏi tăng Pháp Thông, hiệu Quảng Trí, trụ trì ngôi chùa, rằng ông xuất gia đầu Phật, lãng quên sự đời, thì đã nên công quả gì.

Thiền sư giật mình và để chứng tỏ công tích tu tập đã biên soạn cuốn Thập Mục Ngưu Đồ Tụng Luận Giải rồi dâng lên vua vào ngày rằm tháng 5, năm 1721. Song thiền sư cũng chẳng phải là tay vừa.

Trong con mắt của ông thì từ vua quan cho đến thứ dân trong xã hội, đều là những người mãi danh lợi, cơm áo mà không hề tu tập, nói cách khác là tự chăn mình.

Ông viết: “Bậc thiên tử chưa chăn vì phú quý, trai gái, họ hàng, ngọc ngà, châu báu, ứng tiếp muôn việc. Thời gian đâu mà phân tình. Bọn Vương hầu thì thê thiếp, vàng bạc, đánh Đông dẹp Bắc. Thời gian đâu mà chăn. Đám Công khanh sĩ phu thì a dua quyền thế, sau sưa bổng lộc, khoe khoang tiếng tăm, ân huệ trên dân, quý hiển một mình. Cũng chẳng chịu chăn. Kẻ học trò lao tâm khổ tứ, lo công danh. Thiết gì đến chăn. Còn dân tình ruộng vườn, buôn bán sớm tối vất vả, khó nhọc trăm bề, lăng xăng cả ngày. Thời gian đâu mà chăn”.

Vậy nên, ngay đức Khổng Tử cũng dạy rằng: “Tự Thiên tử chí ư thứ dân, giai dĩ tu thân vi bản” (Từ Thiên tử cho đến thứ dân, phải lấy tu thân làm gốc). Trong cuốn sách này, Thích Quảng Trí nhắc nhở ngay cả những nhà sư không lo chăn mình như thế nào? Bây giờ ra có một câu hỏi: “Chăn để đến cái gì, chăn như thế nào, có mấy cách chăn?”.

Trong nghệ thuật Phật giáo có hai loại tranh Chăn Trâu. Một là bộ tranh theo quan điểm tu tiệm của Đại Thừa, nghĩa là quá trình tự chăn là quá trình tu tập dần dần đến giác ngộ. Hình ảnh chính là con trâu đen, biến đổi dần dần thàng trắng.

Khi nắm bắt được cái tâm, tâm và thân hợp nhất cả hai cùng quên nhau, lại cùng có thể chạy theo hướng riêng của mình, mà không sợ sai lạc, và cùng trở về bản thể là vô hình. Bức tranh thứ mười là một vòng tròn hư không.

Bộ thứ hai theo quan điểm đốn ngộ của Thiền tông, hoặc người ta giác ngộ, hoặc không, hoặc thành Phật, hoặc không thành Phật, chứ không chuyện suýt thành Phật. Vả lại Phật Vô Thứ Đệ, Pháp Bất Nhị Môn, (Phật không có cấp bậc, Pháp không hai đường), nên trâu đen hay trắng cũng thế.

Nếu ở tranh Đại Thừa vòng tròn ở tranh thứ 10, thì ở tranh Thiền Tông vòng tròn ở tranh thứ 8. Tranh thứ 9 là một cành hoa, tranh thứ 10 là đạo sĩ thõng tay vào chợ. Ý nói khi tu xong, thì trở lại với tự nhiên, hài hòa với thế tục.

Đại Thừa: Vị mục (Chưa chăn); Sơ điều (Mới chăn); Thọ thế (Chịu phép); Hồi thủ (Quay đầu); Tuần phục (Vâng chịu); Vô ngại (Không ngại); Nhiệm vận (Tùy ý, tha hồ); Tương vong (Cùng quên); Độc chiếu (Soi riêng); Song dẫn (Dứt cả hai).

Thiền Tông: Tầm ngưu (Tìm trâu); Kiền tích (Tìm thấy dấu vết); Kiến ngưu (Thấy trâu); Đắc ngưu (Được trâu); Mục ngưu (Chăn trâu và thuần hóa); Kỵ ngưu quy gia (Cưỡi trâu về nhà); Vong ngưu tồn nhân (Quên trâu còn người); Nhân ngưu câu vong (Trâu và người cùng quên cùng biến mất); Quy nhân (Trở về cội nguồn); Nhập triền thùy thủ (Thỏng tay vào chợ).

1. Tranh Chăn trâu Đại Thừa.

Trong tư tưởng Đại Thừa, tu hành là một quá trình gian khổ, dụng công, thoạt tiên vượt qua chính mình, chính cái bản ngã của mình (Ngã chấp), thì đến vượt qua cả phương pháp tu tập được gọi là đúng đắn nhất (Pháp chấp).

1.1 Bức tranh Đại Thừa đầu tiên

Bức đầu tiên là Vị Mục. Vẽ về con Trâu chưa được chăn dắt, đen hoàn toàn, luôn xa rời Mục đồng, tìm nơi có mượt. Phần tranh phía trên có tiêu đề Khoan Hoài Du Ngoạn Ẩm Tửu (Thong thả chơi bời, rượu chè) vẽ mấy vị tiên sinh đang đánh chén. Thả mình khoái lạc cũng giống như con Trâu chưa được chăn.

1.2 Bức tranh Đại Thừa thứ hai

Bức hai là Sơ Điều. Trâu mới được chăn, mõm đã có chút đổi trắng. Nhưng mục đồng vẫn phải dắt mũi, ra soi, nếu chưa ngoan thì quật. Tranh nên vẽ nhà sư mới tự tu tập gọi là Sơ Tĩnh Lự (Mới tĩnh mịch, lắng vào suy tư) và chú rằng: Khuynh Hung Đốc Ức, Hạ Khổ Dụng Tâm” (Dốc lòng, nghiêng ý, khổ sở dụng công).

1.3 Bức tranh Đại Thừa thứ ba

Bức ba là Thọ Chế. Trâu đã chịu nghe mục đồng, đầu và cổ đã trắng, nhưng vẫn còn phải dẫn dắt. Tranh tên là Đệ Nhị Tĩnh Lự (Trầm tư mặc tưởng sâu hơn) và Phế Tẩm Vong San Nan Năng Toàn Lực (Bỏ ngủ quên ăn, khó điều hòa được lực). Vị sư dù đã quên ăn ngủ, nhưng còn khó khống chế mình.

1.4 Bức tranh Đại Thừa thứ tư

Bức bốn là Hồi Thủ. Trâu đã trắng được đầu và hai chân, đã nghe mục đồng hơn. Tranh trên Đệ Tam Tĩnh Lự (Tĩnh mịch giai đoạn cuối) và Cửu Phản Chi Địa, Bất Thị Nhất Chiến Nhi Hàng (Vùng đất cố chấp, một trận không dễ dàng). Vị sư cảm thấy khắc phục chính mình như đánh vào nơi chướng địa, rất cố chấp, một trận không dễ thắng ngay.

1.5 Bức tranh Đại Thừa thứ năm

Bức năm là Tuần Phục. Trâu đã ngoan ngoãn, trắng hơn nửa người. Mục đồng bỏ thừng không cần chăn dắt. Tranh trên Đệ Tử Khinh An. Vị sư đã thấy nhẹ nhàng, và Thuần Diệc Bất Dĩ Cửu Chi Hựu Cửu, Duệ Cứu Tinh Thâm. Nhưng thuần phục chưa xong, lại thêm lên. Còn cần phải tham cứu một cách tinh thâm.

1.6 Bức tranh Đại Thừa thứ sáu

Bức sáu là Vô Ngại. Trâu đã gần trắng hết. Mục đồng không còn lo lắng gì về trâu nữa, vui vẻ thổi sáo. Tranh trên Hòa Quang Đồng Trần. Vị sư đã Hòa Cùng Ánh Sáng, Lẫn Trong Bụi Trần và Nội Chính Niệm Kiên Trì, Ngoại Bất Quy Tiểu Tiết. Bên trong thì chính niệm kiên trì. Ngoài không theo tiểu tiết.

1.7 Bức tranh Đại Thừa thứ bảy

Bức bảy là Nhậm Vận. Theo cuộc, tùy thời. Trâu trắng hoàn toàn nhởn nhơ. Mục đồng say ngủ, ai nấy tự do tự tại. Tranh trên Tuyền Thạch Tự Ngu. Vị sư nơi rừng suốt đã tự tin. Và Trước Thực Tầm Thôi Đoan Tâm Cùng Chiếu. Nằm cái thực, để suy đoán mạch mối, nơi tận cùng của nội tâm.

1.8 Bức tranh Đại Thừa thứ tám

Bức tám là Tương Vong. Trâu và mục đồng cùng quên nhau. Tranh trên Đại Hưu Đại Yết. Vị sư hoàn toàn nghỉ ngơi. Và Thiên Tư Đốn Yết, Nhất Niệm Không Dư. Nghìn vạn suy nghĩ cũng dứt hết. Một việc cùng không còn.

1.9 Bức tranh Đại Thừa thứ chín

Bức chín là Độc Chiếu (Soi Riêng). Trâu biết mất. Người tức là thân, tâm tự tại. Tranh trên Giác Thiên Hoảng Lộ (Bầu trời hé mở). Và Giác Trần Lao Nhi Tạc Mộng Tệ Ảo Đắc Châu. Hiểu rõ cảnh trần lao như giấc mộng đêm qua – Hạt châu trong áo. Nhà sư tìm thấy cái quý của chính mình.

1.10 Bức tranh Đại Thừa thứ mười

Cả Trâu và Mục đồng đều biến mất (Dứt Bặt Cả Hai) hay là Nan Danh, Nan Trạng (Lìa danh lìa tướng). Và Hoàn Ngã Bản Lai Chân Diện Mục, Vị Sinh Thân Xứ Nhất Luân Minh. Mặt thật xưa nay trả lại ta, chỗ thân chưa có, một vầng trăng.

2. Tranh chăn trâu Thiền Tông.

Ý tưởng của Thiền Tông là con người sau khi tụ tập, thì quay lại với cuộc sống. Chứ không phải để tách biệt nó, nên phương pháp là Đốn Ngộ và kết quả lại quay lại như dạng thức ban đầu nhưng ở chất lượng khác.

2.1 Bức tranh Thiền Tông thứ nhất

Tranh một là Tầm Ngưu. Mục đồng đã mất trâu. Thân và tâm tách khỏi nhau. Nhưng thân tìm tâm, hay tâm tìm thân. Trâu không lạc lối. Sao lại phải tìm. Như vậy, ta tự nghi ngờ bản thân mình.

2.2 Bức tranh Thiền Tông thứ hai

Tranh hai là Kiến Tích. Trâu thì phải ăn cỏ. Do đó, tìm thấy dấu vết trên đồng cỏ. Mục đồng cảm nhận điều gì đó. Tức là những dấu hiệu của nhất thể, của Phật tính.

2.3 Bức tranh Thiền Tông thứ ba

Tranh ba là Kiến Ngưu. Mục đồng cảm nhận được Trâu, cùng đi về nhà, cảm thấy gì đó vô hình, phải dùng con mắt nội tâm xem xét. Tất cả khác nhau về hình dáng, nhưng chỉ là một.

2.4 Bức tranh Thiền Tông thứ tư

Tranh bốn là Đắc Ngưu. Mục đồng đã tóm được Trâu, cố gắng thuần nó. Dùng lý trí để tu tập Thiền, vượt qua trở ngại ban đầu. Nhưng Trâu tiếc đồng cỏ cứng đầu cưỡng lại, thể hiện sự vô tổ chức.

2.5 Bức tranh Thiền Tông thứ năm

Tranh năm là Mục Ngưu. Mục đồng chăn trâu. Trông Trâu ăn cỏ, thảnh thơi nhưng vẫn phải tập trung theo dõi. Sai lầm ở trọng tâm, trong bản thân, chứ không phải ở ngoại giới. Giữ tâm không bị chao đảo.

2.6 Bức tranh Thiền Tông thứ sáu

Tranh sáu là Ky Ngưu Quy Gia. Mục đồng cưỡi Trâu về nhà. Không cần dắt Trâu vẫn biết đường. Trâu không vương vấn đồng cỏ thơm. Mục đồng chính là Trâu, cùng là một. Đã thuần phục. Tìm Trâu nhưng tìm ở ta.

2.7 Bức tranh Thiền Tông thứ bảy

Tranh bảy là Vong Ngưu Tồn Nhân. Mục đồng quên Trâu, chỉ còn người. Trâu mất, bởi Mục đồng đã giác ngộ, bởi Trâu chính là anh ta. Đây là chân lý bất nhị. Và tiến đến từ bỏ cả phương pháp, như bắt thỏ bỏ bẫy, bắt cá bỏ nơm. Giống như đã qua sông ai lại vác thuyền theo.

2.8 Bức tranh Thiền Tông thứ tám

Tranh tám là Nhân Ngưu Tồn Vong. Mục đồng quên Trâu. Trâu quên Mục đồng. Mục đồng là Trâu. Trâu là Mục đồng, là hòa nhập và trống rỗng. Mọi ham muốn không còn. Ý tưởng thần thánh cũng không còn. Không ràng buộc cái gì. Đứng về mặt tâm lý, giác là vượt ra ngoài ràng buộc của bản ngã.

2.9 Bức tranh Thiền Tông thứ chín

Tranh chín là Quy Nguyên. Trở lại với trời đất, pháp giới. Trâu vẫn là Trâu. Người vẫn là Người. Muôn vật vô ngại. Tự tại. Tha hồ hoa thơm cỏ lạ.

2.10 Bức tranh Thiền Tông thứ mười

Tranh mười là Nhập Triền Thùy Thủ. Vị chân nhân sau khi tu tập, vào rừng không khua lá, vào nước không quyện sóng. Bụi trần không nhiễm. Đạo sỹ, chân nhân, nhà sư không phải là Phật, Bồ tát, chỉ là người bình thường, vô tâm vô sự.

Cảm nhận của hai bộ tranh

Như vậy, việc dẫn dắt ý tưởng của hai bộ tranh hoàn toàn khác nhau. Tuy chung một đích người ta phải tự tu dưỡng lấy thân, tâm mình làm gốc. Tranh Đại Thừa dẫn dắt đến cái cuối cùng của bản thể vô vật, mà cũng vô ngã, cái “Bản lai vô nhất vật” (Xưa nay không một vật) như Huệ Năng đã nói.

Tranh Thiền Tông dẫn sự tu tập trở lại với cuộc sống bình thường. Người càng tu hành “Mỗi bước đi lên, mỗi bước cao” và “Mỗi bước đi lên, mỗi bước nghỉ ngơi” như Tuệ Trung Thượng Sỹ nói.

Vả chăng thì Thiền sư Thích Quảng Trí cũng đã dẫn về loại người vô tích sự: “Đáng tiếc một đời qua suông, gặp việc thì ngó vách”. Và tu hành tốt quá, cũng như danh lợi nhiều quá thì cũng giống như “Con tằm làm cái kén, cái ổ kén càng tốt thì con tằm càng tự trói chặt hơn, lại còn tự bỏ mình vào nước sôi”.

Theo JL.Jagadin trong “Le Judo international” nói rằng: “Thập ngựa đồ vẽ lại quá trình công phu của người học đạo, trước hết là thắng bản năng của mình, sau đó đến tự tri, cuối cùng là tự tại. Cái vòng tròn cuối cùng tượng trưng cho sự đoạn tuyệt với tất cả những suy tư của chúng ta, cắt đứt mọi trạng thái ý thức và hiện hữu mà bình thường chúng ta không biết được”.

Phan Cẩm Thượng


Bạn đang xem bài viết:
Thập mục ngưu đồ | 10 bức tranh chăn trâu
Link https://vnlibs.com/nghe-thuat/thap-muc-nguu-do-10-buc-tranh-chan-trau.html

Tìm kiếm có liên quan: Chùm ảnh thập mục ngưu đồ nổi tiếng; Lý luận thiền tông trong thập mục ngưu đồ; Mười bức tranh chăn trâu giảng đạo; Ngũ ngưu đồ; Soi sáng thực tại với 10 bức tranh chăn trâu; Thập mục ngưu đồ Đại thừa;

Tìm kiếm có liên quan: Thập Mục Ngưu Đồ PDF; Thập Mục Ngưu Đồ Thích Thanh Từ; Thập mục ngưu đồ trí tuệ; Tranh chăn trâu đại thừa và thiền tông; Tranh thiền định; Ý nghĩa của 10 bức tranh chăn trâu; Ý nghĩa Thập Mục Ngưu Đồ.