Khi có dịp nghiên cứu và trải nghiệm những khu rừng ở tại Việt Nam. Cho đến thế kỷ 20, nhiều sắc tộc ít người vẫn sống trong trạng thái rừng nguyên thủy, họ sống với tính cộng đồng bộ lạc cao và gần gũi với tự nhiên.
Nhưng có lẽ chúng ta phải từ bỏ ý nghĩ trạng thái nguyên thủy đồng nhất với sự sơ khai, hoang dã. Mà trái lại nhiều cộng đồng bộ lạc đã phát triển đến những mức độ văn minh xã hội hiện đại, cần nhìn lại những định kiến về văn minh của mình.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê khi đi Tây Nguyên nói: “Trước khi đến Tây Nguyên, mình tưởng mình là văn minh. Ở đây là hoang dã. Đến Tây Nguyên rồi, thấy mình mới là hoang dã, đây mới là văn minh”.
Tất nhiên xét ở mặt khoa học, những cộng đồng nguyên thủy là hết sức thấp kém, nhưng ở mặt nhân văn thì đó là những giá trị quý giá, mà xã hội hiện đại đã từ bỏ. Ở những buôn làng Tây Nguyên, không có chuyện một nhà đầy kho thóc, còn nhà kia thì đói.
Khi một đứa trẻ bắt được một con thú, nướng thịt ăn, thì nó cũng chia cho tất cả những trẻ con trong cùng buôn làng. ý thức cộng đồng được giáo dục từ thời thơ ấu, và trở thành lẽ sống không thay đổi đến mãi sau này.
Làm nhà mồ và tượng nhà mồ là một trong những nghi lễ ma tang của cộng đồng nguyên thủy Tây Nguyên. Truyền thống này, có lẽ thấy một cách phổ cập trong các bộ lạc hoang sơ sống vòng quanh xích đạo, và trong các rừng rậm châu Phi.
Ở đấy, những phẩm chất hoang sơ, sự gắn kết giữa thần, người và rừng, và niềm tin vào thế giới vĩnh viễn hun đúc cho một hoạt động tín ngưỡng nghệ thuật tốn kém và đẹp đẽ.
Và chúng sẽ mất đi, khi rừng không còn, khi tín ngưỡng thay đổi, khi sự tư hữu thay thế cho ý thức cộng đồng, và rất có thể nó biến tướng thành một tín ngưỡng rườm rà, rời bỏ những giá trị thẩm mỹ.
Người chết sẽ đi đâu? Chết là hết, hay là một phần của cuộc sống tiếp tục? Những câu hỏi lơ lửng này vang vọng trong tâm linh hoang sơ, và cần phải trả lời bằng những hành vi cụ thể.
Ta sẽ mang đồ của người chết ra nấm mồ. Vì đó là của họ. Ta sẽ cho họ ăn khi chưa làm lễ bỏ mả. Ta sẽ khóc và ôm lấy nấm mồ sưởi ấm cho linh hồn lạnh lẽo. Và đợi đến một ngày thích hợp, có thể là một ngày mùa khô, ta sẽ làm lễ bỏ mả chung cho rất nhiều người đã chết cùng một lúc.
Rượu sẽ khiêng ra, chiêng sẽ đánh lên, trâu sẽ xẻ thịt, nhà mồ sẽ được dựng, tượng nhà mồ sẽ được đẽo và dân làng sẽ múa quanh nhà mồ theo tiếng chiêng âm vang trầm hùng.
Cột Kút và Cờ Lao sẽ được dựng lên trên đó, chạm khắc các hình rau dớng, một thứ rau từng tự mọc tượng trưng cho sự sống tự sinh sôi nảy nở, bà H’Kroi nữ thần các nghề thủ công và sinh tồn, mặt trăng và con chim, những biến thái và nơi nương tựa của linh hồn.
Trên mái nhà mồ sẽ chạm vẽ những con thuyền độc mộc dài, theo truyền thống đi biển xa xưa với những hình người nhảy múa, đi săn, đánh chiêng và làm lễ đâm trâu. Chúng ta sẽ đi cà kheo, đem những con rối gỗ điều khiển bằng dây giật, và sau lễ bỏ mả.
Trách nhiệm của ta đã xong, có thể lãng quên nấm mồ và hồn ma, kệ nó quay lại với tiếng của rừng và đất. Được nuôi dưỡng bởi những tình cảm cộng đồng bộ lạc, và sự truyền tâm tự nhiên, những người khéo léo nhất trong buôn làng, sẽ nhận trách nhiệm đẽo tượng.
Dụng cụ của họ, chỉ là cái rìu, con dao và cái đục, rồi lựa theo cây gỗ, chỉ là cây gỗ duy nhất. Tất cả là hình dung, nằm sẵn trong máu, trong tâm thức và những kiểu thức có tính truyền thống từ đời này qua đời khác, cộng với những hình ảnh đương đại gia nhập vào điêu khắc nhà mồ.
Những mặt nạ gỗ treo trên nhà Gươn của người Cà Tu, là những điển hình của điêu khắc hoang sơ, trong nhận thức chưa tách rời khỏi tự nhiên với con người, hiện thực với ảo tưởng.
Những khuôn mặt chẳng giống ai, nhưng giống tất cả, nửa người nửa thú, nửa ma nửa người, còn những nhát đục vừa thô phác vừa tinh tế lạ thường. Điêu khắc nhà mồ thực sự là một hệ thống.
Có cặp tượng nam nữ khoe dương vật và âm vật, rồi cặp tượng nam nữ giao phối, tượng bà chửa, tượng con khỉ dạng đầu tiên của người, rồi những tượng người ngồi khóc, tượng nữ thần vú dài cho trẻ con bú nếu chúng chết mà vẫn còn đói.
Hệ thống tượng này có ý nghĩa sự sinh tồn, cái chết là một quá trình vĩnh viễn của cuộc sống sinh có diệt, kế tiếp. Tuy vậy, vẫn buồn thương luyến tiếc, vì lần duy nhất chia tay này không thể gặp lại. Còn hồn ma đi mãi vào thế giới của ông bà, của rừng sâu.
Sự thấu hiểu rừng, tất hiểu được cây, nói chuyện được với muông thú và cây cỏ. Những bức tượng nhà mồ biểu hiện của sự nhìn thấy mình trong cây cỏ, và ngược lại cây cỏ cũng chứa đựng linh hồn.
Những bức tượng dần cũ đi, mục đi trong mưa nắng, rồi trở về với rừng, với đất, quá trình này làm cho những pho tượng trở nên hoang vu hơn, đẹp đẽ hơn, tâm linh hơn, cũng như có sự sống chết như con người.
Những hình khối thuôn dài, những cách điệu phi lý, những khối cặp vú dài như cặp ngà voi trên đầu cầu thang, hoặc gác lên mái nhà mồ tạo ra một không khí huyền hoặc và siêu hình vô cùng.
Trong cái tư duy nguyên thủy này, các khái niệm cân đối hài hòa như quan niệm nghệ thuật tạo hình phương Tây không có giá trị. Cảm thức về cái đẹp được cảm nhận theo một cách khác, đó là sự phát triển tự nhiên của cảm xúc.
Sao cho khối gỗ biểu hiện có thể thế này thì buồn hơn. Thế này thì đau thương hơn, thế này thì phấn chấn hơn, và thế này thì gợi tình hơn. Sự giống hay không giống cũng không có giá trị gì, mà biểu cảm và biểu hiện mới là quan trọng.
Khi tôi vung rìu để đẽo một cái áo quan, tôi nghĩ rằng tôi đang đẽo một con thuyền đưa người chết đi trên suối vàng. Khi tôi đẽo cặp tượng nam nữ đang giao phối, tôi nghĩ đến niềm khoái lạc của tình yêu, giúp cho bộ tộc trường tồn mãi mãi.
Khi tôi luyến tiếc người đã khuất, tôi đẽo mình ôm gối ngồi khóc. Sự sinh ra của bức tượng nhà mồ, từ trong lòng không vụ lợi của cả bộ tộc, của cả buôn làng. Vậy thì ai khiêng rượu, cứ khiêng đi, ai đánh chiêng cứ đánh đi, ai đâm trâu cứ đâm đi.
Để cho tiếng hú của tù trưởng vang đến tận mặt trời, cho tiếng khóc thầm thấm vào lòng đất. Để cho chàng Đam San đầu đội khăn xéo, vai mang túi da, chặt đổ cây thần, phóng ngựa vào khu rừng bất tận của nữ thần mặt trời.
Để cho linh hồn của người chết bay lên những đỉnh núi, và hòa vào những dòng suối đang đổ vào những con sông lớn chảy ra biển.
Phan Cẩm Thượng
Bạn đang xem bài viết:
Tiếng của rừng
Link https://vnlibs.com/nghe-thuat/tieng-cua-rung.html