Tín ngưỡng Tứ Pháp thể hiện qua bốn chùa Mây Mưa Sấm Chớp

Nghệ thuật và tôn giáo song hành ngay từ buổi đầu sơ khai, và ít nhất đến hết thời phong kiến. Cái này là nguồn nuôi dưỡng cái kia. Tôn giáo sinh ý tưởng và nghi thức, nghệ thuật sinh biểu tượng.

Như vậy, tâm linh và thẩm mỹ cùng nảy nở, được tiếp nhận như một cảm quan toàn vẹn. Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam đã phát triển cùng quốc gia Đại Việt, và kéo dài đến gần nghìn năm từ thế kỷ 11 đến nay.

Với vai trò quốc đạo và thu hút nhiều tín ngưỡng bản địa nhập vào nó một cách hòa bình. Khiến người ta dễ dàng quên những nguồn gốc và biểu tượng phi Phật giáo, và có lẽ chúng lâu đời hơn thời kỳ Phật giáo du nhập đầu Công nguyên.

Phật mẫu Tứ Pháp hay Phật mẫu Pháp Vân là cách gọi ghép tên những vị thần thiên nhiên thuần Việt với đạo Phật, hay nói cách khác là những người nông dân đã nâng vị thần bản địa của mình lên, ngang hàng với đức Phật mà họ tôn kính.

Sự kiện đó đã diễn ra một cách dần dà trong khoảng nghìn năm Bắc thuộc, để sau đó không còn ai tìm cách đối kháng giữa ý thức hệ tôn giáo, hay phân biệt đâu là thần của ta, đâu là Phật từ Tây Trúc.

Kiến trúc Phật giáo Tiền Thánh Hậu Phật, phía trước thờ Thánh, phía sau thờ Phật ra đời, như chùa Keo (Thái Bình) và chùa Bối Khê (Hà Tây), là cách kết hợp giữa một tôn giáo lớn và một tín ngưỡng nhỏ.

Mỗi thứ có vị trí độc lập trong một kiến trúc và trong lòng dân, phù hộ họ trong những may rủi riêng biệt. Các đền thờ Tứ Pháp Mây – Mưa – Sấm – Chớp chuyển thành các ngôi chùa, là một tín ngưỡng phổ biến ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ.

Thời gian chuyển đổi này có lẽ diễn ra ngay từ thời Sĩ Nhiếp thế kỷ 2, làm thái thú đô hộ phủ phong kiến Trung Hoa ở Việt Nam, đóng đô ở thành Luy Lâu, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Có lẽ, cũng là trung tâm tín ngưỡng Tứ Pháp.

Theo Cổ Châu Phật Bản Hạnh, một cuốn kinh về nguồn gốc Tứ Pháp, được biên soạn vào thế kỷ 11, diễn nôm ra tiếng Việt vào thế kỷ 17, hiện còn lưu ván khắc gỗ ở chùa Dâu, cho biết viên thái thú đó, đã cho dựng tượng bốn chùa Mây – Mưa – Sấm – Chớp, và tạc tượng bốn vị thần thiên nhiên đó.

Song đó chỉ là một truyền thuyết. Những gì còn lại từ thời Sĩ Nhiếp, có lẽ chỉ là một cặp tượng đá con cừu (một để ở chùa Dâu, một để ở lăng Sĩ Nhiếp) còn di tích cổ nhất ở chùa Dâu vào thời Trần (thế kỷ 13-14) còn các tượng Tứ Pháp được làm lại vào thế kỷ 17-18.

Cũng truyền thuyết đó kể rằng, có một cô thôn nữ tên là Man nương người ở Dâu theo hầu thầy chùa Khâu đà la, một cao tăng từ Tây Trúc sang Việt Nam ở chùa Phúc Nghiêm (Phật Tích).

Một đêm nọ, Khâu đà la về muộn, thấy Man nương nằm ngủ quên, nên bật cửa, ông bèn bước qua nàng. Nhưng Man nương bỗng động lòng hoài thai Trời, sinh ra một đứa bé. Bố mẹ Man nương bế đứa bé trả cho Khâu đà la.

Thầy Khâu bèn bế đứa bé vào rừng nhờ các vị thần rừng giúp đỡ. Một cây Dung thụ (Dâu) lớn bèn mở thân đón nhận đứa bé. Sau này, vùng Dâu gặp lũ lụt, cây Dung thụ đổ theo sông Dâu về thành Luy Lâu.

Bao nhiêu người kéo cây không được, chỉ có Man vương dùng yếm nhẹ nhàng kéo cây lên bờ ngay. Sỹ vương và nhân dân cưa cây làm bốn khúc tạc thành tượng Pháp Vân (Mây), Pháp Vũ (Mưa), Pháp Lôi (Sấm), Pháp Điện (Chớp) thờ ở bốn chùa Dâu, Đậu, Tướng, Dàn vùng Dâu.

Còn đứa bé hóa thân vào cây sau này trở thành một nhân đá, hiện cũng được thờ ở chùa Dâu, gọi là đức Thạch quang. Từ đấy, dân tình hễ cầu mưa thuận gió hòa, thì đều linh nghiệm.

Lễ hội chùa Dâu hàng năm vào ngày 8/4 âm lịch, do 12 làng tổ chức, là lễ hội lớn ở nước ta. Câu chuyện đượm màu sắc huyền bí và lãng mạn trên, trở thành sự thực ít nhất ở phương diện nghệ thuật, và là một thứ nghệ thuật bản địa rất đặc sắc.

Các kiến trúc Tứ Pháp về cơ bản cũng không khác mấy kiến trúc Phật giáo thế kỷ 17. Nghĩa là một cụm kiến trúc thường được bố cục theo kiểu nội công ngoại quốc. Bắt đầu từ Tiền đường nối với Thượng điện bởi một tòa Thiêu hương chạy dọc, kết thúc công trình là Hậu đường xung quanh có hành lang bao bọc, thành một tổng thể gọn gàng.

Trừ trường hợp chùa Dâu là một tổng thể lớn, có những hai Tiền đường tạo thành một sân vuông, giữa có ngọn tháp Hòa Phong cao, chùa Dàn (Dàn Câu) kết hợp đình với chùa là một.

Tất cả các chùa, tượng Phật nói chung thường ở Hậu đường, Thượng điện, trung tâm thường có mặt bằng hình vuông thờ tượng Tứ Pháp. Sau lưng Tứ Pháp là tượng Thủ bệ chính là sư Khâu đà la, sẽ thay thế Tứ Pháp khi được rước ra ngoài.

Phía trước Tứ Pháp là tượng đức Thánh Tài (con của Tứ Pháp). Bên cạnh là tượng đức Thạch Quang (đá thiêng) và hai bên khán thờ có Kim Đồng – Ngọc Nữ đứng hầu.

Theo như truyền thuyết cây Dung thụ được cưa thành bốn khúc, tạo thành bốn pho tượng. Nhưng trên thực tế thì vùng Siêu Loại và Dâu cũ dạng tượng Tứ Pháp khá phổ biến, ví dụ tượng Pháp Vân chùa Keo (Gia Lâm) cách Dâu chừng 6km, được coi là bà em ngỗ nghịch làm từ một cành cây, tượng bà Pháp Thông ở chùa Dàn chợ gần chùa Dàn (Dàn câu).

Tượng bà Man nương chùa Mãn Xá. Tượng thuộc hệ Tứ Pháp thường tạc mình trần, quấn váy như truyền thống điêu khắc Ấn Độ – Khmer, chân xếp bằng tọa thiền, tay giơ trước ngực làm phép, tay ngửa hạ thấp nhằm cứu độ.

Chỉ có khuôn mặt khác nhau theo cá tính của từng vị, và sinh động đến kỳ lạ. Ở đây, mọi vẻ đẹp trần thế được bộc lộ cách mạnh mẽ và gợi tình. Các khối chạm dứt khoát và mạch lạc, nhằm toát ra thần thái của một vị thần có chức năng sinh tồn cùng con người.

Khối thân và tay kéo dài thon, và nuột nà khiến ta muốn cầm nắm. Khối nét mặt tròn đầy đôn hậu và rất tình tứ, không có vẻ diệt dọc và tĩnh lặng như tượng Phật thông thường.

Hình ảnh tối cổ của các thần thiên nhiên như vậy, là một hòn đá thiêng mà nhiều người cho là một Linga – dương vật, sau này được hình tượng hóa dưới dạng nửa tượng Phật, nửa người phàm khi mà người ta đã quen với việc sùng kính đức Phật, có phần long trọng hơn những tín ngưỡng khác.

Các biểu tượng thần tự nhiên vốn sinh ra trong quá trình sùng bái đa thần giáo, thông qua các vật linh bất kỳ được chấp nhận trong quá trình lịch sử lâu dài. Điều này, một mặt tùy thuộc vào sự lựa chọn chung của một cộng đồng dân cư.

Mặt khác, tùy thuộc vào vị pháp sư hay phù thủy được coi là có khả năng giao hòa với tự nhiên. Lễ cầu đảo do họ tiến hành và vị sư Khâu đà la cũng chính là một pháp sư như vậy, khi ông trao cho Man nương một cây Thiền trường, chọc xuống đâu là chỗ ấy có nước.

Phép tu đứng một chân của ông cũng là một hình thức cầu đảo, sau này được hình tượng hóa thành vị thần Độc Cước (như đền Độc Cước – Sầm Sơn). Con sông Dâu cổ (nay biến thành một con ngòi nhỏ) đã từng là con sông lớn xuyên theo hướng hơi chếch Bắc Nam, nối từ sông Tiêu Tương (nay cũng đã chết) ở Đình Bảng đến tận sông Thái Bình, từng gây nhiều lụt lội, cũng như bồi đắp phù sa cho vùng Siêu Loại, Luy Lâu.

Do vậy mà tín ngưỡng Tứ Pháp và lễ cầu đảo cũng phát sinh từ đây. Cầu đảo có nghĩa là cầu sự thay đổi trong thiên nhiên, đang lụt lội thành khô ráo, đang nắng hạn có mây mưa.

Nghĩa là cầu mưa thuận gió hòa cho người làm nông nghiệp. Tín ngưỡng này trước tiên phối nhập Phật giáo, nhưng không vì thế mà trở thành tín ngưỡng thứ yếu, trái lại còn phát huy uy lực dưới danh Phật mẫu Tứ pháp.

Khi chế độ phong kiến phát triển trong thời kỳ tự chủ từ thế kỷ 11, đến thế kỷ 19, thì người chịu trách nhiệm về mưa thuận gió hòa chính là ông vua – con Trời. Lễ đàn Nam Giao (tế trời), đàn Xã Tắc (tế đất), lễ Tịch Điền (cấy đầu vụ) thường niên của ông quan trọng hơn Tứ Pháp.

Tuy không ít trường hợp, triều đình cũng cần đến Phật mẫu Tứ Pháp rước về kinh đô cầu đảo trong những thời tiết quá kinh hoàng, nhưng về cơ bản từ đây, vai trò của Tứ Pháp thu hẹp như những tín ngưỡng địa phương.

Lễ cầu đảo ít được diễn ra, thay vào đó là lễ hội thường niên vùng Tứ Pháp, mang tính chất ước vọng, tưởng niệm hơn là cầu điều gì cụ thể.

Phan Cẩm Thượng


Bạn đang xem bài viết:
Tín ngưỡng Tứ Pháp thể hiện qua bốn chùa Mây Mưa Sấm Chớp
Link https://vnlibs.com/nghe-thuat/tin-nguong-tu-phap-the-hien-qua-bon-chua-may-mua-sam-chop.html

Tìm kiếm có liên quan: Có mây loại hình tín ngưỡng dân gian; Chùa Pháp Vũ; Hệ thống thờ Tứ Pháp là thờ các vị thần cai quan tự nhiên đó là; Khí hậu là hiện tượng khí tượng; Khối khí có đặc điểm độ ẩm cao, được hình thành ở các vùng biển, đại dương;

Tìm kiếm có liên quan: Loại thực vật nào được tôn sùng nhất trong tín ngưỡng dân gian người việt?; Tầng nào là Nơi sinh ra tất cả các hiện tượng: mây mưa sấm chớp; Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là gì; Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp tại đồng bằng Bắc Bộ;

Tìm kiếm có liên quan: Tục thờ Tứ bất tử tại Việt Nam; Tục thờ Tứ bất tử là một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp của người Việt thờ bốn vị; Tục thờ Tứ Pháp; Tứ bất tử nghĩa là gì; Tứ bất tử là gì; Thờ Tứ Pháp; Thời tiết là hiện tượng khí tượng; trong tầng đối lưu, trung bình cứ lên cao 100 m, thì nhiệt độ giảm đi.