Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực vui chơi trò chơi

Nghiên cứu các yếu tổ ảnh hưởng đến tính tích cực vui chơi trò chơi đóng vai trò có chủ đề của trẻ em mẫu giáo từ 5 tuổi đến 6 tuổi, xuất phát từ các cơ sở:

Một là, vai trò của tính tính cực vui chơi đối với sự phát triển nhân cách trẻ em mẫu giáo. Tính tích cực nhân cách của chủ thể trong hoạt động vui chơi quy định tốc độ, hiệu quả của hoạt động vui chơi. Từ đó, quyết định đến sự hình thành cấu tạo tâm lý mới trong nhân cách trẻ em mẫu giáo.

Hai là, nghiên cứu thực trạng các yếu tố và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan và khách quan, sẽ là cơ sở khoa học để tìm ra, đề xuất các biện pháp sư phạm hiệu quả nhằm phát triển tích cực vui chơi cho trẻ em mẫu giáo.

Ba là, thực tế hiện nay còn ít công trình nghiên cứu đi sâu vào tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực vui chơi, kết quả nghiên cứu sẽ có tính thực tiễn cao trong công tác dạy học và giáo dục trẻ em mẫu giáo trong các nhà trường mầm non.

1. Khách thể và phương pháp nghiên cứu.

Khảo sát trên 326 trẻ em mẫu giáo từ 5 tuổi đến 6 tuổi đang theo học tại các trường mầm non tại quận Hai Bà Trưng – Cầu Giấy, và các trường mầm non ở huyện Từ Liêm, Gia Lâm – Hà Nội. Trong đó, có 178 trẻ nội thành và 148 trẻ ngoại thành Hà Nội. Sử dụng tổ hợp các phương pháp nghiên cứu tâm lý: quan sát, thực nghiệm, phỏng vấn, trắc nghiệm tâm lý, toán thống kê,…

2. Kết quả nghiên cứu.

Tính tích cực vui chơi là một phẩm chất tâm lý của cá nhân trong hoạt động vui chơi được thể hiện ở các dấu hiệu: Nhu cầu vui chơi, tính chủ động vui chơi và sự nhập vai khi chơi trò chơi đóng vai có chủ đề. Sự hình thành và phát triển tích cực vui chơi trò chơi đóng vai của trẻ em mẫu giáo 5 đến 6 tuổi, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Trong vài biết này, chỉ đề cập đến một số yếu tố trong nhiều yếu tố ảnh hưởng.

2.1. Môi trường dạy học – giáo dục với sự phát triển tính tích cực vui chơi của trẻ em mẫu giáo 5 – 6 tuổi.

Khảo sát tính tích cực vui chơi trong trò chơi đóng vai có chủ đề của trẻ em nội thành và ngoại thành Hà Nội cho kết luận: trẻ em mẫu giáo nội thành có mức độ tính tích cực vui chơi cao hơn trẻ em mẫu giáo ngoại thành thể hiện, ở nội thành mức độ tính tích cực vui chơi từ trung bình trở lên chiếm 82,6%, ngoại thành thấp hơn 71,6%. Ở nội thành mức độ tính tích cực vui chơi cao chiếm 41%, ngoại thành chỉ có 33,1%. Mức độ tính tích cực vui chơi thấp ở nội thành chỉ có 17,4%, ngoại thành gần gấp đôi với 28,4%.

Ở các thành phố tâm lý của tính tích cực vui chơi: Nhu cầu vui chơi, tính chủ động khi chơi, sự nhập vai trong trò chơi đóng vai có chủ đề cũng cho kết quả tương tự: trẻ em mẫu giáo nội thành tốt hơn trẻ em mẫu giáo ngoại thành.

Tại sao lại như vậy?

Yếu tố đầu tiên kể đến là môi trường dạy học và giáo dục với trẻ em. Môi trường dạy học và giáo dục trẻ em được đề cập ở đây, chỉ muốn nói đến một số khía cạnh của môi trường, bao gồm trước tiên là cơ sở vật chất thiết bị cho việc tổ chức hoạt động vui chơi và cách thức tổ chức hoạt động vui chơi.

Với trẻ em mẫu giáo từ 5 tuổi đến 6 tuổi, thì trò chơi đóng vai trò chủ đề là trò chơi chủ đạo, và giữ vai trò quyết định trong sự phát triển tính tích cực vui chơi cho trẻ. Với trẻ em, đồ chơi, cơ sở vật chất dành cho vui chơi, học tập giữ một vai trò quan trọng.

Nếu so sánh cơ sở vật chất của các trường mẫu giáo nội thành với các trường mẫu giáo ngoại thành, thì bước đầu chúng ta sẽ giải thích được sự khác biệt về tính tích cực vui chơi của trẻ em mẫu giáo hai vùng trên một độ tuổi như nhau.

Đồ chơi ở các trường mẫu giáo ngoại thành về số lượng, chất lượng kém hơn, mang tính chất tượng trưng nhiều hơn, và có tính chất tự tạo, đặc biệt là các đồ chơi phục vụ trò chơi đóng vai có chủ đề như bộ trò chơi bệnh viện, trò chơi bán hàng,… còn thiếu nhiều, không đáp ứng được với nhu cầu vui chơi của các em.

Trong khi đó, các trường mẫu giáo nội thành được nghiên cứu là một khu trường liên hoàn, với đầy đủ các cơ sở vật chất phong phú, khang trang, và các phòng chức năng riêng biệt. Đồ chơi đầy đủ về số lượng, đẹp đẽ về chất lượng kích thích hứng thú vui chơi và tính tích cực hoạt động vui chơi.

Sân chơi là các vườn cây thiên nhiên, có bóng mát của cây xanh, có đu quay, xích đu, cầu trượt,… khiến trẻ thích chơi và tự tin, chủ động trong vui chơi. Các góc thiên nhiên với những nội dung cần thiết là thực vật (hoa và cây cảnh), động vật (cá cảnh, chim,…), thiên nhiên vô sinh (bể cá, bể nước, thùng đựng sỏi, vỏ hến, vỏ sò,…) đều được đảm bảo và phong phú hơn so với các trường mẫu giáo ngoại thành.

Việc tổ chức hoạt động vui chơi trò chơi đóng vai trò chủ đề:

Lứa tuổi mẫu giáo 5 đến 6 tuổi, hoạt động vui chơi có luật là chủ đạo. Tính tích cực vui chơi của trẻ trong vui chơi phát triển đến một mức độ nào, là tùy thuộc vào tần số tổ chức vui chơi và cách thức tổ chức hoạt động vui chơi đó. Hầu hết, các trường mẫu giáo nội thành được nghiên cứu đều làm tốt việc tổ chức vui chơi này, chủ động tổ chức vui chơi có chủ đề cho các cháu thường xuyên và thay đổi vai chính phụ, thay đổi chủ đề chơi,…

Phát huy hết khả năng của các cháu, đảm bảo chương trình vui chơi có chủ đề đã được Vụ Giáo dục mầm non quy định. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thi cho trẻ em. Các trường mẫu giáo ngoại thành có trẻ được khảo sát nghiên cứu, đã có nhiều cố gắng tổ chức cho các cháu, nhưng không được thường xuyên liên tục và thiếu sự phong phú (nhiều khi do cơ sở vật chất thiếu thốn).

Trong tổ chức vui chơi, cách thức tổ chức còn có những hạn chế nhất định. Các cháu chơi tự nhiên với nhau là nhiều, tính hướng dẫn khi vui chơi chưa cao. Như vậy, môi trường dạy học và giáo dục trường mầm non có ảnh hưởng lớn đến mức độ phát triển tính tích cực vui chơi cho trẻ em mẫu giáo.

2.2. Xung đột trong vui chơi và cách giải quyết xung đột với sự phát triển tính tích cực vui chơi của trẻ em mẫu giáo từ 5 tuổi đến 6 tuổi.

Việc hình thành và phát triển tính tích cực vui chơi của trẻ em mẫu giáo trong trò chơi phân vai, gắn liền với việc xuất hiện và giải quyết các xung đột giữa trẻ với nhau. Vấn đề cơ bản là thái độ của cô giáo, người lớn,… như thế nào trong việc giải quyết xung đột, nhằm biến xung đột thành điều kiện tâm lý thuận lợi, thành động lực cho sự phát triển tính tích cực vui chơi. Vì việc nhận thức và cách giải quyết xung đột giữa trẻ với nhau, của cô giáo có vị trí to lớn hoặc phát triển nhân cách cho trẻ nói chung, và tính tích cực vui chơi nói riêng, hoặc hạn chế, kìm hãm sự phát triển phẩm chất tính tích cực này.

Xung đột giữa trẻ với nhau trong vui chơi là tất yếu. Đó là sự mâu thuẫn giữa nguyện vọng, nhu cầu của trẻ với nhau, giữa nhu cầu của trẻ với những điều kiện khách quan để thỏa mãn nhu cầu đó trong thế giới bạn bè. Xung đột có nhiều dạng, nhiều mức độ, và xuất hiện nhiều nguyên nhân khác nhau.

2.2.1. Tại sao khi chơi, trẻ mẫu giáo lại xung đột với nhau?

Theo khảo sát 4 nhóm trẻ em mẫu giáo lớn, bao gồm 22 cháu chơi với nhau, ghi nhận 54 lần cãi nhau ở các mức độ khác nhau. Có thể mô tả 6 nguyên nhân chính dẫn đến xung đột như sau:

Bảng 1: Nguyên nhân xung đột của trẻ em mẫu giáo từ 5 tuổi đến 6 tuổi trong hoạt động vui chơi
Nguyên nhân Tỷ lệ Thứ bậc
Số lần %
Do tranh chấp đồ chơi 16 29,6 1
Không thống nhất về nội dung chơi và hành động chơi 15 27,8 2
Do sự phân vai chính và phụ 11 20,3 3
Không thống nhất về thành viên tham gia trò chơi 7 12,9 4
Phá đám trò chơi 3 5,5 5
Do lựa chọn chủ đề chơi chung 2 3,9 6
Các lý do khác 2 3,9 6

Phân tích nguyên nhân cho thấy:

– Nguyên nhân gây nên xung đột trong vui chơi của các em đa dạng, và có thứ bậc không đồng đều nhau, các nguyên nhân ở các vị trí cao thấp khác nhau.

– Nhìn vào nguyên nhân xung đột cho thấy rằng, không nên quan niệm tất cả mọi xung đột đều bất lợi và mọi nguyên nhân gây nên xung đột, đều ở vị trí ngang bằng nhau trong vị trí phát triển nhân cách của trẻ em; có những nguyên nhân có lợi nếu biết dừng xung đột đúng lúc và định hướng phát triển của nó như xung đột về lựa chọn chủ đề chơi, nội dung và cách thức chơi… và những nguyên nhân xung đột cần hạn chế, vì nó không có lợi cho sự phát triển nhân cách trẻ em, như tranh cướp đồ chơi, phá đám trò chơi,…

Như vậy, cách thức giải quyết xung đột khi vui chơi của cô giáo có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển nhân cách và tính tích cực vui chơi của trẻ em mẫu giáo.

2.2.2. Biện pháp giải quyết xung đột của cô giáo như thế nào?

Bảng 2: Các biện pháp giải quyết xung đột của cô giáo
Nguyên nhân Tỷ lệ Thứ bậc
Số lần %
Mắng, bắt xin lỗi bạn và để trẻ em tiếp tục chơi 19 35,2 1
Giải thích cho trẻ khi đã tìm ra nguyên nhân tạo thêm điều kiện cho hoạt động vui chơi 13 24,2 2
Tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ em 7 12,3 3
Phạt, mắng trẻ gây ra xung đột, xóa bỏ cuộc chơi không cần biết nguyên nhân 6 11,3 4
Quát mắng, dẹp đám xung đột, xóa bỏ cuộc chơi 5 9,2 5
Các hình thức khác (kể chuyện, nêu gương,…) 2 3,6 6
Bỏ qua xung đột không giải quyết 1 1,8 7
Thông qua thủ lĩnh để giải quyết 1 1,8 7

Nhận xét:

Các biện pháp giải quyết xung đột của cô giáo mầm non đa dạng, là tùy theo từng hoàn cảnh. Trong số những biện pháp trên đây, thì một số biện pháp giải quyết xung đột phát triển tính tích cực vui chơi, đó là:

Biện pháp 1: Giải thích cho trẻ khi tìm hiểu nguyên nhân, tạo điều kiện cho hoạt động vui chơi (đưa thêm đồ chơi, phương pháp lựa chọn vai chơi, chủ đề chơi,…).

Biện pháp 2: Tổ chức hoạt động vui chơi và vui chơi có chủ đề cho trẻ mẫu giáo.

Biện pháp 3: Thông qua thủ lĩnh để giải quyết xung đột.

Biện pháp 4: Sử dụng các hình thức nêu gương kể chuyện,… để giải quyết xung đột.

Các biện pháp giải quyết xung đột trên có tác dụng tích cực tới sự phát triển tính tích cực vui chơi cho trẻ em mẫu giáo.

Một là, trẻ mẫu giáo rất tò mò ham hiểu biết. Giải thích và tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ, chính là đáp ứng nhu cầu của trẻ, cung cấp thêm biểu tượng cho trẻ về thế giới xung quanh, và các quan hệ trong xã hội, trên cơ sở đó trẻ phản ánh lại trong trò chơi, biểu tượng càng phong phú và chính xác bao nhiêu, thì những va chạm xung đột càng giảm đi bấy nhiêu, trò chơi càng thêm hấp dẫn, trẻ được chơi hết mình và là cơ sở chắc chắn phát triển tính tích cực vui chơi.

Hai là, các biện pháp giải quyết xung đột trên, vừa triệt để, vừa nhẹ nhàng, thoải mái, hoạt động vui chơi không bị phá vỡ. Đồng thời, đảm bảo tính giáo dục, tôn trọng nhân cách trẻ, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi mẫu giáo. Từ đó, nhu cầu chủ động khi vui chơi và sức nhập vai của trẻ trong hoạt động vui chơi có điều kiện phát triển.

Ba là, giải quyết xung đột thông qua thủ lĩnh là một cách giải quyết hay, phù hợp với nét tâm lý lứa tuổi mẫu giáo lớn: trẻ bắt đầu muốn khẳng định mình, và muốn tự giải quyết với nhau, sau đó mới nghĩ đến người lớn, trẻ em thường hay nói “cháu không thích chơi với bạn đó, vì bạn ấy hơi một tí là khóc nhè, hay mách cô”. Biện pháp này, tôn trọng tính chủ động của trẻ khi vui chơi.

Biện pháp giải quyết xung đột kìm hãm (hạn chế) sự phát triển tính tích cực vui chơi của trẻ em.

Biện pháp 1: Phạt mắng trẻ gây ra xung đột, xóa bỏ cuộc chơi không cần biết nguyên nhân lý do.

Biện pháp 2: Quát mắng, dẹp đám xung đột, phá bỏ cuộc chơi (không cần biết nguyên nhân lý do).

Biện pháp 3: Bỏ qua xung đột không giải quyết.

Biện pháp 4: Mắng, bắt xin lỗi bạn không cần biết đến nguyên nhân lý do sâu xa xảy ra và trẻ tiếp tục chơi.

Các biện pháp trên, gây ra không khí căng thẳng về tâm lý, không phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, và hạn chế sự phát triển tính tích cực vui chơi của trẻ em trong hoạt động vui chơi.

Các cô giáo ở các nhà trường mầm non, nên nhận thức rõ mối quan hệ giữa cách thức giải quyết xung đột của mình, và sự phát triển tính tích cực vui chơi của trẻ, để từ đó lựa chọn cho mình cách thức hành động tốt nhất cho sự phát triển nhân cách trẻ em.

2.3. Trí tuệ và sự phát triển tính tích cực vui chơi của trẻ em mẫu giáo từ 5 tuổi đến 6 tuổi.

Mỗi trẻ em mẫu giáo 5 – 6 tuổi là một nhân cách có trình độ trí tuệ (nhận thức) khác nhau. Đối với sự phát triển tính tích cực vui chơi của trẻ, nhất là trong trò chơi thêm vai, trẻ phải hiểu vai đóng, diễn đạt ngôn ngữ theo vai và tư duy, trí nhớ theo vai mà mình nhận trong hoạt động vui chơi. Vì thế, trí tuệ của mỗi trẻ em có ảnh hưởng lớn đến mức độ phát triển tính tích cực vui chơi của trẻ. Mối quan hệ này diễn ra như thế nào?

Phân loại trí tuệ của trẻ em mẫu giáo trong mẫu nghiên cứu: Sử dụng trắc nghiệm vẽ hình người của tác giả Mỹ là F. Goodennoguh với thang điểm chuẩn 52 điểm, để phân loại trí tuệ của 326 trẻ em, có kết quả như sau:

Bảng 3: Phân loại trí tuệ của trẻ em mẫu giáo từ 5 tuổi đến 6 tuổi.
Mức độ I II III IV
Số lượng 88 132 84 22
% 27,0 40,5 25,8 6,7
Bảng 4: Trí tuệ và tính tích cực vui chơi của trẻ em mẫu giáo từ 5 đến 6 tuổi
Tính tích cực vui chơi Cao Trung bình Thấp
Trí tuệ Số lần % Số lần % Số lần %
I 60 68,2 22 25,0 6 6,8
II 58 43,9 43 32,6 31 23,5
III 3 3,6 62 73,8 19 22,6
IV 1 4,5 4 18,2 17 77,3

Nhận xét:

Mức độ phát triển trí tuệ của trẻ em ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển tính tích cực vui chơi của trẻ. Trẻ mẫu giáo cùng độ tuổi nhưng có trí tuệ ở các mức độ khác nhau, sẽ có mức độ phát triển tính tích cực vui chơi khác nhau.

Nhóm trẻ em có mức độ trí tuệ loại I, thì tính tích cực vui chơi cao đạt được 68,2% và chỉ có 6,8% trẻ em có tính tích cực vui chơi ở mức độ thấp. Nhóm các em có trí tuệ loại IV, thì số em có tính tích cực vui chơi chỉ chiếm 4,5% và 77,3% các em có tính tích cực vui chơi thấp.

Nhóm trẻ em thuộc trí tuệ mức độ I (có 88 em). Trong vui chơi, các em thường có những dấu hiệu như sau: nhu cầu vui chơi cao, chơi không biết chán, chủ động lựa chọn vai chơi, diễn đạt nhanh và tự nhiên, tự giác thu dọn đồ chơi sau khi chơi, và khi có xung đột khi vui chơi, các em này thường chủ động giải quyết, ít có sự nhờ vả giải quyết của cô giáo và bạn bè. Khi vui chơi, các em thường tự nhiên và được phân công đóng những vai chính và nhập vai tốt trong các hoạt động vui chơi giải trí.

Nhóm trẻ em có mức độ trí tuệ IV (có 22 trẻ). Thường bị động khi vui chơi chiếm đến 77,3%. Các trẻ em này, đa phần là làm theo các bạn chủ động khi chơi. Về ngôn ngữ, nhóm trẻ em này thường bị động, ít nói và khả năng nhập vai về ngôn ngữ, ứng xử, sử dụng phương tiện và đồ chơi không được linh hoạt.

Kết quả trên cho thấy, giữa trí tuệ và tính tích cực vui chơi của trẻ em mẫu giáo từ 5 tuổi đến 6 tuổi, được nghiên cứu có quan hệ thuận với nhau. Để khẳng định mối quan hệ này, chúng tôi sử dụng hệ số tương quan Pearson tính toán trên 326 trẻ em. Kết quả cho thấy Rxy = 0,59.

Điều đó, cho phép kết luận: Giữa trí tuệ và tính tích cực vui chơi của trẻ em mẫu giáo có quan hệ thuận, nhưng mức độ chặt chẽ trung bình. Nghĩa là trẻ em có trí tuệ phát triển thì cơ bản có tính tích cực vui chơi cao, còn một số trẻ em có mức độ phát triển tính tích cực vui chơi chưa phù hợp với trí tuệ.

3. Kết luận.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tính tích cực vui chơi của trẻ em mẫu giáo từ 5 đến 6 tuổi ở khu vực Hà Nội, Việt Nam cho thấy: Môi trường dạy học, giáo dục và cơ sở vật chất; vấn đề xung đột khi chơi và cách giải quyết xung đột của cô giáo mầm non; mức độ phát triển trí tuệ của chính bản thân trẻ em, có ảnh hưởng theo chiều thuận đến sự phát triển tính tích cực trong hoạt động vui chơi.

Xây dựng môi trường dạy học vui chơi tốt, giải quyết xung đột giữa trẻ với nhau khi vui chơi theo hướng tích cực, phát triển trí tuệ cho trẻ em là góp phần hình thành và phát triển tính tích cực vui chơi cho trẻ em mẫu giáo độ tuổi từ 5 đến 6 tuổi.

Author: Nguyễn Xuân Thức; Nguyễn Thạc
Đại học Sư phạm Hà Nội


Bạn đang xem bài viết:
Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực vui chơi. Trò chơi đóng vai trò có chủ đề của trẻ em mẫu giáo từ 5 đến 6 tuổi
Link https://vnlibs.com/vjol/tim-hieu-cac-yeu-to-anh-huong-den-tinh-tich-cuc-vui-choi-tro-choi.html

Hashtag: #GiáoDụcMầmNon #PhátTriểnNhânCáchTrẻ #TròChơiĐóngVai #TínhTíchCựcTrẻEm #SưPhạmHiệuQuả

Image description 1: Một lớp học mầm non nơi trẻ em đang tham gia vào các trò chơi đóng vai có chủ đề, với biểu cảm hạnh phúc, sự chủ động và sự nhập vai trong môi trường lớp học sáng tạo và nhiều màu sắc.

Keywords: giáo dục mầm non; phát triển nhân cách trẻ; trò chơi giáo dục; tính chủ động của trẻ; phương pháp giáo dục sáng tạo

People also ask: Phát Triển Tính Tích Cực Trong Trò Chơi Đóng Vai Ở Trẻ Mẫu Giáo 5-6 Tuổi: Yếu Tố và Phương Pháp.