Bản chất của ý thức là gì? Cấu trúc của ý thức là gì? Sự hình thành của ý thức như thế nào? Hãy cùng VNLibs.com tìm hiểu chi tiết hơn.
1. Bản chất của ý thức.
Tâm lý là thuộc tính đặc biệt của vật chất có tổ chức cao, với khả năng phản ánh thực tại khách quan. Ý thức là thuộc tính phân biệt người với động vật, và con người phải sử dụng nó trong hầu hết mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh hoạt động của mình để cải tạo thế giới.
Tính chất của ý thức trong các hiện tượng tâm lý của con người, là biểu hiện chất lượng mới, đặc thù của tâm lý con người. Ý thức vốn là một đề tài kinh điển. Những vấn đề liên quan đến ý thức, hầu như chỉ được nghiên cứu nhiều trong triết học và tâm lý học.
Một trong những luận điểm của triết học duy vật lịch sử và duy vật biện chứng, giữ vai trò công cụ tạo ra cuộc cách mạng tâm lý học là lý luận Mác Xít về ý thức, có ý nghĩa trực tiếp đối với với việc giải quyết vấn đề nguồn gốc nảy sinh của tâm lý và hình thành tâm lý.
Ý thức là hình thức phản ánh cao cấp nhất, đặc trưng của con người. Ý thức luôn là ý thức của chủ thể thực tại. Ý thức được sản xuất bởi các mối quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh. Ở con người, ý thức thay thế cho bản năng, hoặc có thể nói, bản năng của con người đã được nhận thức.
Đối với tâm lý học, ý thức là vấn đề cơ bản, quyết định của khoa học tâm lý. Tuy nhiên, cho đến nay, đó vẫn là một lĩnh vực vô cùng phức tạp, còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Theo A.N. Leonchiev, một nhà tâm lý học người Nga nổi tiếng, khi bàn về ý thức hình thức tâm lý cơ bản đặc trưng của con người, đã khẳng định tâm lý học con người nhất thiết phải là khoa học cụ thể về ý thức, vấn đề ý thức của con người phải là một bộ phận của đối tượng của tâm lý học.
A.N. Leonchiev tuyên bố: “Tâm lý học mà không có lý luận về ý thức thì còn tệ hơn cả chính trị kinh tế học không có học thuyết về giá trị thặng dư”.
Trong lịch sử tư tưởng tâm lý học, thái độ đối với vấn đề ý thức luôn biến đổi, gắn liền với các quan niệm về bản chất của tâm lý, ý thức của các trường phái tâm lý. Các đại diện của tâm lý học duy tâm, tâm lý học nội quan, tâm lý học phân tâm, tâm lý học hành vi, tâm lý học hiện sinh,… cho rằng:
Ý thức là cái gì đó ở bên ngoài, không có phẩm chất và cấu trúc, hoặc một cái gì đó trừu tượng, trải nghiệm, thể nghiệm, máy móc và thụ động, tách rời khỏi thế giới đối tượng xung quanh, các quan hệ xã hội và các hoạt động của con người cùng với xã hội, tạo ra thế giới và các quan hệ ấy.
Trái ngược với các quan điểm duy tâm và duy vật siêu hình, tâm lý học Mác Xít mà đại diện là trường phái tâm lý học Liên Xô, đã vận dụng sáng tạo các nguyên lý của triết học Mác Xít, xây dựng nên một phương pháp luận riêng cho tâm lý học với các nguyên tắc cơ bản, xem tâm lý học là hoạt động, tính lịch sử xã hội và sự phát triển của tâm lý,..
Trên cơ sở đó, thay đổi tận gốc bản thân cách tiếp cận vấn đề và giải thích thực sự về tâm lý, ý thức. Phương pháp tiếp cận hoạt động ngày nay, được thừa nhận là cách tiếp cận chủ yếu để nghiên cứu các quy luật phát triển ý thức, nhân cách con người. Ý thức là một chất lượng mới của toàn bộ tâm lý, người có vai trò rất lớn đối với hoạt động phản ánh, hoạt động định hướng và hoạt động thực tiễn của con người.
Theo V.N. Miaxisev nghiên cứu về thái độ, cho rằng: “Ý thức là sự thống nhất của phản ánh thực tại và thái độ tích cực, có mục đích của con người đối với hiện thực xung quanh”.
Theo E.V. Sorokhova chia sẻ: “Ý thức được đặc trưng bởi thái độ tích cực của con người đối với thực tại, với bản thân, với cử chỉ và hành vi, hoạt động của mình, hướng vào đạt mục đích đặt ra. Ý thức là năng lực (khả năng của con người) hiểu thế giới xung quanh, các quá trình diễn ra trong đó, các tư tưởng, hành động và thái độ của mình đối với thế giới, cũng như đối với chính bản thân mình”.
Theo K.K. Platonov cho rằng: “Ý thức là sự thống nhất của mọi hình thức nhận thức, trải nghiệm của con người và thái độ của họ đối với cái mà họ phản ánh, là sự thống nhất của tất cả các quá trình trạng thái, thuộc tính tâm lý của con người như là một nhân cách”.
Theo X.L. Rubinstein cho rằng: “Ý thức, đó không chỉ là sự phản ánh, mà còn là thái độ của con người đối với xung quanh. Ý thức là sự thống nhất giữa tri thức và trải nghiệm”.
Theo Phạm Minh Hạc cho rằng: “Ý thức ở một con người, là năng lực hiểu biết được các tri thức về thực tại khách quan nói riêng, mà người đó tiếp thu được và năng lực hiểu được thế giới chủ quan trong chính bản thân người đó”.
Các đặc trưng tâm lý thể hiện cấu trúc và chức năng của ý thức, được V.A. Petropxki đưa ra như sau:
– Ý thức của con người bao gồm tập hợp các tri thức về thế giới xung quanh chúng ta, thể hiện năng lực nhận thức cao nhất của con người về thế giới, năng lực nhận thức cái bản chất, khái quát, sự chiếm lĩnh tri thức có tính tích cực, có tính chủ định của mỗi cá nhân.
Ý thức và tư duy (giai đoạn phát triển cao của quá trình nhận thức) có quan hệ mật thiết với nhau. Muốn ý thức đầy đủ, sâu sắc, cần phải có tư duy khái quát, phải nắm được bản chất về thế giới và ngược lại, ý thức càng cao, càng làm cho tư duy có chiều sâu và rộng.
– Ý thức thể hiện ở xác định thái độ đối với hiện thực khách quan. Ở đây, có sự tham gia của xúc cảm, phản ánh các quan hệ khách quan phức tạp, mà trước hết là các quan hệ xã hội. Như Mác và Ăngghen đã viết: “Ý thức tồn tại đối với tôi là tồn tại ở một thái độ nào đó, đối với sự vật này hay sự vật khác”.
– Ý thức đảm bảo hoạt động có mục đích, thể hiện ở năng lực điều khiển, điều chỉnh hành vi của con người nhằm đạt mục đích đề ra, nghĩa là ý thức có khả năng sáng tạo, thể hiện tính ý chí của con người. Con người luôn luôn cải tạo hoàn cảnh một cách có ý thức.
Ý chí là mặt năng động của ý thức, mặt thể hiện cụ thể của ý thức trong thực tiễn, được biểu hiện qua các phẩm chất: tính mục đích, tính độc lập, tính quyết đoán, tính kiên cường, tính kiềm chế, tính tự chủ.
– Ý thức thể hiện ở sự tách bạch rõ ràng, và củng cố về cái chủ thể và khách thể, cái thuộc về cái tôi với cái không phải là cái tôi, khả năng nhận thức về mình, xác định thái độ đối với bản thân mình, tự ý thức, mức độ ý thức cao hơn. Khác biệt cơ bản của người đối với động vật, là khả năng tự nhận thức về mình, xác định thái độ đối với bản thân, khả năng tự điều chỉnh và tự hoàn thiện.
Các thuộc tính cơ bản trên của ý thức, được B.F. Lomop khái quát tại trong 3 chức năng cơ bản như sau:
– Chức năng nhận thức, sự chiếm lĩnh tri thức có tính tích cực và có tính chủ định, được thực hiện trong các quá trình hoạt động nhận thức.
– Chức năng điều chỉnh trên cơ sở cá nhân gia nhập vào các quan hệ xã hội.
– Chức năng thông tin được thực hiện hóa trong quá trình giao tiếp, trao đổi tri thức và điều hòa lẫn nhau bởi hành vi con người.
Tóm lại, có thể hiểu ý thức là năng lực hiểu được các tri thức về thế giới khách quan và năng lực hiểu được thế giới chủ quan trong chính bản thân mình; Ý thức là sự thống nhất của tất cả các quá trình, trạng thái và thuộc tính tâm lý của con người với tư cách là một nhân cách; Ý thức là sự thống nhất của tất cả các hình thức nhận thức và trải nghiệm của con người cùng thái độ của người đó, đối với cái được phản ánh; Ý thức là sự tích lũy và sử dụng thông tin về xung quanh, và về chính bản thân mình để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
2. Cấu trúc của ý thức.
Vấn đề cấu trúc của ý thức có một lịch sử khá phong phú, được các nhà tâm lý học người Xô Viết nghiên cứu nhiều. Ý thức được cấu tạo nên theo thứ bậc, và có cấu trúc nhiều lớp, các thành tố của nó thể hiện những mức độ phát triển khác nhau.
Có quan điểm đồng nhất cấu trúc của ý thức, đối với các thuộc tính cơ bản của nó (V.A. Petropxki). Quan điểm khác coi cấu trúc ý thức là sự thống nhất các quá trình, trạng thái, thuộc tính của con người như một nhân cách (A.G. Covaliop). Cấu trúc của ý thức theo hệ thống các chức năng của nó như nhận thức, điều chỉnh, thông tin (B.F. Lomop).
Theo A.N. Leonchiev chia sẻ: “Cấu trúc của ý thức gồm ba thành tố tạo thành, đó là chất liệu (tế bào) cảm tính của tri giác hay hình ảnh, nghĩa là ý. Chất liệu cảm tính là thành phần cảm tính, gồm những hình ảnh về thực tế đang được tri giác khác nhau về dạng thức, sắc diện cảm tính, mức độ rõ rệt, ổn định,… đem lại tính thực tại cho bức tranh được ý thức về thế giới bên ngoài. Nhờ đó, thế giới mới xuất hiện trước chủ thể như là một cái gì đó tồn tại không phải trong ý thức mà ở bên ngoài hoạt động”.
Ý thức không phải là cái gì đó bất biến, mà là một hình thái lịch sử cụ thể của tâm lý. Trong quá trình lịch sử phát triển của loài người, cấu trúc toàn bộ hoạt động của con người, và tương ứng với chúng là kiểu phản ánh tâm lý thực tại khách quan cũng thay đổi theo.
Sự biến đổi chủ yếu của ý thức trong lịch sử xã hội loài người, được A.N. Leonchiev mô tả như sự biến đổi, chuyển hóa của hai bộ phận tạo thành chủ yếu của ý thức, đó là “nghĩa” và “ý” cá nhân (ý riêng của nhân cách).
Nghĩa, đó là cái ẩn trong đối tượng và hiện tượng khách quan và được phản ánh, ấn định trong ngôn ngữ. Đó là sự khái quát thực tại, sự phản ánh thực tại không phụ thuộc vào thái độ cá nhân, nhân cách của con người đối với nó. Đó là cái có nghĩa khách quan do xã hội quy định. Các nghĩa trong hệ thống ý thức cá nhân có đặc thù, tính chủ quan và biểu hiện trong tính thiên vị.
Ý, trước hết như là thái độ được hình thành trong cuộc sống, trong hoạt động của chủ thể, như là ý cá nhân (ý riêng của nhân cách), sự đánh giá ý nghĩa cuộc sống của các hoàn cảnh khách quan và hành động trong những hoàn cảnh đó đối với chủ thể.
Ý là sự trải nghiệm và sự trải nghiệm này, là sự thống nhất của quá trình nhận biết ra nghĩa của sự kiện, và thái độ xúc cảm đối với sự kiện đó. Tính thiên vị của ý thức con người, được tạo nên bởi ý cá nhân, nối liền các nghĩa với thực tại bản thân cuộc sống của chủ thể, với những động cơ của cuộc sống ấy.
3. Sự hình thành ý thức.
Con người sinh ra chưa có ý thức. Ý thức được hình thành, phát triển, thay đổi trong các hoạt động cụ thể của từng người thông qua sản phẩm của hoạt động, và trong quá trình giao tiếp với những người khác. Nảy sinh và phát triển trong hoạt động với những quan hệ xã hội nhất định, ý thức đồng thời định hướng, điều khiển, điều chỉnh hoạt động.
Ý thức vừa là tiền đề của hoạt động, vừa là kết quả của hoạt động. Nhờ có ý thức mà toàn bộ hoạt động tâm lý người có chất lượng hoàn toàn mới. Hành động có ý thức: định hướng, điều khiển, điều chỉnh là biểu hiện sự tập trung nhất tâm lý con người. Nhờ đó, hoạt động được định hướng cao hơn, tinh vi hơn, và có mục đích rõ ràng hơn.
Chỉ có hành động có ý thức đầy đủ mới mang lại cho con người kết quả cao, mới thực sự cải tạo thế giới quan và cải tạo chính bản thân mình. Có thể nói, không có ý thức thì không thể có nhân cách và hoạt động của con người. Chính sự phát triển ý thức nói lên rằng, con người đã trở thành nhân cách.
Là một sản phẩm cấp cao của nhân cách, ý thức không phải được sinh ra và bất biến. Nó được hình thành trong quá trình phát triển nhân cách thông qua hoạt động của con người trong xã hội. Do đó, chịu ảnh hưởng của các điều kiện xã hội, đặc biệt là giáo dục.
Cũng vì vậy, mà tồn tại các mức độ tham gia khác nhau của ý thức. Ý thức cá nhân không chỉ bao gồm các kiến thức tích lũy thu nhận được, hệ thống ý nghĩa, mà còn là sự vận động bên trong và phân biệt sự hiểu biết về bản thân, và sự tự ý thức về chính mình.
Tài liệu tham khảo:
[1] A.N. Leonchiev, “Các tư liệu về ý thức”. Tạp chí khoa học Bản Tin Trường Đại Học Tổng Hợp Moscow, seri 14 – Tâm lý học, số 3/1998, bản tiếng Nga.
[2] V.A. Petropxki, “Tâm lý học đại cương”. NXB Giáo Dục Moscow, 1986, bản tiếng Nga.
[3] B.F. Lomop, “Các vấn đề lý luận và phương pháp luận tâm lý học”. NXB Khoa Học, Moscow, 1984, bản tiếng Nga.
[4] A.N. Leonchiev, “Các vấn đề phát triển tâm lý”. NXB Tư Tưởng, Moscow, 1972, bản tiếng Nga.
Tác giả: Trần Ninh Giang
Chuyên viên nghiên cứu, Viện Chiến Lược và Chương Trình Giáo Dục.
Bạn đang xem bài viết:
Vấn đề ý thức và tự ý thức trong tâm lý học
Link https://vnlibs.com/vjol/van-de-y-thuc-va-tu-y-thuc-trong-tam-ly-hoc.html