Tìm hiểu định hướng giá trị của sinh viên về gia đình hạnh phúc

Trong cấu trúc hoạt động của con người, định hướng giá trị gắn liền với đặc điểm nhận thức, và ý chí của nhân cách. Hệ thống định hướng giá trị tạo thành nội dung xu hướng của nhân cách, và là cơ sở bên trong của các mối quan hệ giữa cá nhân và thực tại.

Trước những biến đổi nhanh chóng của xã hội chúng ta, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, của chính sách mở cửa, đối diện với sự xâm nhập tràn lan thông qua tiếp xúc và các phương tiện truyền thông đại chúng, liệu định hướng giá trị của thanh niên, cụ thể là của sinh viên về gia đình hạnh phúc (GĐHP) có bị ảnh hưởng hay không? Nếu có, thì đó là những giá trị mới nào? Những giá trị cũ nào không những không bị mai một đi, mà tiếp tục khẳng định vị trí của mình trong suy nghĩ của sinh viên?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi đã nghiên cứu và khảo sát trên 228 sinh viên thuộc các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Khoa học Tự Nhiên và trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Các sinh viên được lựa chọn một cách ngẫu nhiên trên cơ sở cân bằng về giới tính (114 nam và 114 nữ); về nguồn gốc xuất thân (109 nông thôn, 119 thành thị); sinh viên năm thứ nhất (111) và sinh viên năm thứ tư (117). Chúng tôi thu được các kết quả như sau:

1. Định nghĩa của sinh viên về gia đình hạnh phúc.

Số liệu điều tra của chúng tôi cho thấy, có hơn 82% sinh viên được hỏi đều cho rằng: “gia đình hạnh phúc là một gia đình hòa thuận và ổn định về kinh tế”. Trong quan niệm của các bạn sinh viên, gia đình hạnh phúc không nhất thiết phải là một gia đình quá giàu có, sang trọng và tiện nghi.

Tuy nhiên, nếu một gia đình chỉ đơn thuần có bầu không khí đầm ấm, hòa thuận, kinh tế khó khăn thì cũng chưa phải là một gia đình hạnh phúc. Như vậy, gia đình hạnh phúc theo họ, chính là sự kết hợp hài hòa giữa hai giá trị trên.

2. Các yếu tố để xây dựng nên một gia đình hạnh phúc.

Mỗi một gia đình trong xã hội được cấu kết nên từ rất nhiều yếu tố. Trong đó, vai trò của người vợ, người chồng và những đứa con. Các yếu tố như tình yêu đôi lứa, tình yêu của cha mẹ và con cái, kinh tế, địa vị xã hội, sự thành đạt của hai vợ chồng là những yếu tố luôn đi liền với mối quan hệ đặc biệt đó.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những yếu tố như tình yêu đôi lứa, sự ổn định về kinh tế là những yếu tố được đánh giá quan trọng hơn cả so với những yếu tố khác. Yếu tố tình yêu đôi lứa được xếp ở vị trí quan trọng nhất với số phần trăm cao nhất là 55,6% và yếu tố sự ổn định kinh tế được sắp xếp ở vị trí quan trọng thứ hai. Kết quả thực tiễn này, minh họa cho định nghĩa về gia đình hạnh phúc mà các bạn sinh viên đã đưa ra ở trên.

Trong xã hội hiện nay, con cái có được nhiều sự tự do hơn, những người con trai và con gái hầu như được tự lựa chọn người bạn đời của mình. Tuy rằng, họ vẫn có và rất cần những lời khuyên của cha mẹ trong việc lập gia đình.

Kết quả nghiên cứu trên cũng phần nào khẳng định xu hướng lựa chọn bạn đời, dựa trên cơ sở tình yêu của các bạn sinh viên. Đây là một xu hướng mang tính hiện đại so với quan niệm cũ về hôn nhân.

Khi phân tích từng yếu tố, chúng tôi thấy có sự khác biệt giữa sinh viên năm thứ nhất và sinh viên năm thứ tư trong sắp xếp vị trí các yếu tố tình yêu đôi lứa và kinh tế ổn định. Quả thật, số liệu cho thấy, trong khi 61% các bạn sinh viên năm thứ nhất cho rằng, tình yêu đôi lứa là yếu tố quan trọng số một để tạo nên một gia đình hạnh phúc, thì chỉ có 46,6% các bạn sinh viên năm thứ tư nhất trí với ý kiến này.

Vì sao lại có sự khác biệt như vậy? Theo chúng tôi, sinh viên năm thứ nhất thường là những người lãng mạn hơn, bởi họ trẻ hơn và ít thực tế hơn sinh viên năm thứ tư, điều này cũng phù hợp với các quy luật tự nhiên. Bên cạnh đó, khi vừa bước chân vào giảng đường đại học, rất nhiều sinh viên cho rằng, họ đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất mà bản thân và gia đình đã đặt ra, là phải đỗ đại học.

Vì vậy, họ có thể cho phép mình bước vào lĩnh vực yêu đương mà không sợ bị cấm đoán. Tình yêu lúc này, đã choán chỗ hết tâm tư của họ. Do vậy, việc họ đánh giá tình yêu đôi lứa là yếu tố quan trọng nhất, để xây dựng nên một gia đình hạnh phúc cũng là điều rất dễ hiểu.

Nếu như gần 50% sinh viên năm thứ tư xếp yếu tố kinh tế ổn định ở vị trí quan trọng thứ hai, thì chỉ có 23,9% sinh viên năm thứ nhất xếp loại tương tự. Ta có thể thấy rằng, càng lên những năm học tiếp theo, số lượng sinh viên đánh giá cao yếu tố kinh tế ổn định càng tăng.

Theo các bạn sinh viên năm thứ tư, sự ổn định về kinh tế là nền tảng vững chắc cho việc xây dựng nên một gia đình hạnh phúc. Theo chúng tôi, sở dĩ có sự khác biệt này, là do đa số các bạn sinh viên năm thứ nhất được gia đình chu cấp cho việc học hành, nên họ hầu như không phải quan tâm tới việc làm ra tiền để trang trải cho cuộc sống.

Trong khi đó, đối với các bạn sinh viên năm thứ tư, sau 4 năm học đại học, được trang bị những kiến thức chuyên môn, cũng như tự học hỏi tiếp thu những kinh nghiệm ngoài xã hội, họ cũng va vấp và trưởng thành nhiều hơn so với cuộc sống tương lai, phải suy tính tới việc làm gì để có thể sống tự lập sau khi ra trường.

Thực tế, cho thấy, nhu cầu việc làm của sinh viên rất nhiều, nhưng số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp chỉ là một con số khiêm tốn. Khi “ốc chưa mang nổi mình ốc” thì làm sao có đủ khả năng để xây dựng một gia đình của chính mình? “Không thể hạnh phúc được khi lúc nào cũng phải toan tính cơm áo gạo tiền”.

Điều này cho thấy, sinh viên năm thứ tư thực tế hơn và trong hình ảnh một gia đình hạnh phúc của họ, cũng nhấn mạnh đồng đều cả hai yếu tố, tình yêu đôi lứa và kinh tế ổn định hơn các bạn sinh viên năm thứ nhất. “Gia đình hai bên môn đăng hộ đối” là yếu tố được đánh giá là không cần nhất thiết, với sự thống nhất cao và được các bạn sinh viên đánh giá xếp hạng ở vị trí cuối cùng.

3. Vai trò trách nhiệm của người chồng, người vợ trong gia đình.

Trong một gia đình hạnh phúc, người chồng và người vợ đều có vai trò vô cùng quan trọng. Sự nhập vai đúng theo quan niệm của xã hội, và theo mong muốn của người bạn đời, góp phần không nhỏ tạo nên một hạnh phúc lứa đôi.

Theo kết quả nghiên cứu, số đông các bạn sinh viên với 61% cho rằng, trong gia đình hạnh phúc, hai vợ chồng đều có vai trò như nhau trong việc quyết định những công việc lớn nhỏ như: mua sắm vật dụng đắt tiền, xây dựng nhà cửa, đặt tên cho con cái,…

Trong xã hội cũ, người phụ nữ được giáo dục theo “Tam tòng tứ đức”, lấy chồng thì phải theo chồng, điều này cũng có nghĩa họ phải tuân theo, làm theo những quyết định của chồng. Bản thân người vợ không có quyền tham gia quyết định vào những việc hệ trọng trong gia đình cùng chồng.

Ngày nay, quan niệm này đã dần được thay đổi. Xu hướng đánh giá giá trị mới này của sinh viên thể hiện ở chỗ. Đối với họ, gia đình hạnh phúc là gia đình mà người vợ có quyền tham gia, có quyền quyết định những việc hệ trọng trong gia đình ngang hàng cùng với người chồng.

Ngoài ra, khi tìm hiểu vai trò của hai vợ chồng, đối với việc giáo dục con cái trong gia đình hạnh phúc, đa số sinh viên (83,3%) đều cho rằng, trách nhiệm này thuộc về cả hai vợ chồng. Các bạn cho rằng: “Con là con của cả hai người, nên cả hai cùng phải có trách nhiệm nuôi dạy chúng”.

Hai vợ chồng đều có quyền và trách nhiệm với con cái như nhau. Nếu con cái mắc sai phạm thì trách nhiệm thuộc về cả hai vợ chồng, chứ không phải chỉ là trách nhiệm riêng của người phụ nữ như người xưa vẫn hay nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, và quy hết trách nhiệm cho người phụ nữ.

Theo chúng tôi, những định hướng trên của các bạn sinh viên rất đúng đắn và tiến bộ. Điều này, thể hiện các bạn sinh viên rất có ý thức và rất rõ ràng trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, cũng như biết tôn trọng quyền và trách nhiệm đối với con cái của người bạn đời tương lai.

Vai trò quan trọng của gia đình cũng thể hiện ở chỗ, nó đảm nhiệm chức năng tái sản xuất ra sức lao động qua việc thực hiện các công việc nội trợ, nhằm khôi phục sức khỏe các thành viên của gia đình sau thời gian lao động. Như vậy, đối với mọi gia đình, nội trợ là công việc không thể thiếu. Vấn đề này đặt ra ở đây, là ai sẽ là người thực hiện công việc này?

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy: đa số các bạn sinh viên đều cho rằng, nội trợ là công việc của người phụ nữ. Thậm chí, tỷ lệ các bạn nữ sinh viên đồng ý với ý kiến này, còn cao hơn tỷ lệ của các bạn sinh viên nam (tương ứng với nữ là 86,6% và nam là 72,8%).

Đặc biệt, là không có nữ sinh viên nào cho rằng, công việc nội trợ có thể chỉ do một mình người chồng đảm nhiệm. Tuy không nhiều, nhưng cũng có 4,4% các bạn nam sinh viên cho rằng, người chồng có thể đảm nhiệm hoàn toàn vai trò này.

Theo những kết quả thu được ở trên, chúng tôi đi đến một kết luận khá thú vị: sự bình đẳng nam nữ, thể hiện trong việc người chồng giúp đỡ vợ trong việc nội trợ (nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, sắp xếp sinh hoạt gia đình,…) đôi khi gặp cản trở từ chính người vợ. Thật khó có thể giải phóng phụ nữ khỏi những bận rộn, do việc nội trợ mang lại, khi chính họ cho rằng, đó là thiên chức của mình.

Số liệu nghiên cứu của chúng tôi còn cho thấy, có 55,7% sinh viên cho rằng, người chồng phải là trụ cột kinh tế của gia đình, và có 33,9% cho rằng, việc kiếm tiền là trách nhiệm mà hai vợ chồng nên cùng nhau chia sẻ.

Chỉ có chưa tới 1% sinh viên cho rằng, phụ nữ có thể là trụ cột kinh tế của gia đình hạnh phúc. Như vậy, với đa số sinh viên, trong gia đình hạnh phúc, người chồng phải là người kiếm tiền cho gia đình, và phải là một trụ cột kinh tế.

4. Định hướng giá trị về những phẩm chất người chồng và người vợ.

Đối với các bạn sinh viên, chung thủy là phẩm chất quan trọng nhất, cần có ở cả hai vợ chồng trong cùng một gia đình hạnh phúc. Điều này, cũng rất hợp lý và logic. Một gia đình xây dựng trên nền tảng của tình yêu đôi lứa, thì mong muốn người bạn đời của mình chung thủy là mong muốn lớn nhất của hầu như tất cả những người đang yêu.

“Khi yêu, người ta thường muốn độc chiếm” và “Nếu họ không chung thủy tức là họ không thực sự yêu mình”. Ta thấy giá trị này, không thay đổi, mà vẫn luôn được đề cao cho dù là ở xã hội cũ hay xã hội hiện đại.

Tuy rằng, mỗi nhà mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng trong cuộc sống gia đình nói chung, hiếm có ai là không mắc phải những sai lầm, có chăng là lỗi lầm đó là lớn hay nhỏ mà thôi. Do vậy, có nhiều bạn sinh viên cho rằng, để có một gia đình hạnh phúc, hai vợ chồng đều phải có lòng vị tha, “Nếu không biết tha thứ thì khó sống lắm”.

Để góp phần tạo nên một gia đình hạnh phúc, phần lớn các bạn sinh viên cho rằng, hai vợ chồng không những cần phải sống chung thủy, sống vị tha, mà còn phải biết tôn trọng lẫn nhau. Tôn trọng ở đây vừa có nghĩa là được đánh giá một cách bình đẳng, vừa có nghĩa là được nhiều quyền hơn.

Như vậy, ta có thể thấy, nếu như trước đây, người phụ nữ gần như chỉ biết đến chồng, con, gia đình chồng theo câu nói “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, thu hẹp mình trong những mối quan hệ gia đình, phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng và gia đình chồng.

Thì ngày nay, với cách nhìn tiến bộ hơn, các bạn sinh viên cho rằng, phụ nữ có quyền được học tập, được giao tiếp và có nhiều cơ hội hơn, để hoàn thiện bản thân mình, không còn phải phụ thuộc vào chồng và con.

5. Định hướng về con cái trong gia đình hạnh phúc.

Câu hỏi đặt ra với các bạn sinh viên, là có nhất thiết phải có con thì gia đình mới có hạnh phúc? Theo kết quả điều tra trên 228 sinh viên đã cho thấy, có tới 214 sinh viên (chiếm tỷ lệ 93,9%) cho rằng, phải có con mới có hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Về vấn đề này, ta thấy không khác so với suy nghĩ của người Việt Nam ta trước đây là “con cái là của na” hay câu “có vàng, vàng chẳng hay phô, có con, con nói bi bô cả ngày”.

Nếu như ngày xưa, nói tới con cái, người ta nghĩ ngay tới việc “con cái nối dõi tông đường” thì giá trị có thay đổi không ở sinh viên? Trả lời câu hỏi “vì sao cần có con”, phần lớn các bạn sinh viên cho rằng: Con cái là hạnh phúc của bố mẹ và gia đình; Con cái là kết quả tình yêu của bố mẹ; Con cái là tương lai của gia đình; Có con để nối dõi; Con cái là chỗ dựa của bố mẹ khi về già; Có con mới có thể coi là một gia đình trọn vẹn; Khi có con, hai vợ chồng sẽ có trách nhiệm với gia đình hơn,…

Như vậy, chúng ta đã thấy, trong định hướng giá trị của sinh viên hiện nay, những đứa con không chỉ là người nối dõi của cha mẹ, là chỗ dựa khi cha mẹ về già, mà còn là kết tinh tình yêu của cha mẹ, là niềm hạnh phúc của họ, là nhân tố để đảm bảo tính trọn vẹn của gia đình,… Con cái mang đến cho cha mẹ biết bao nhiêu là niềm vui và tiếng cười.

Những ý kiến cho rằng “cần có con để nối dõi tông đường” chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (chỉ 6,3%) so với những ý kiến khác như “con cái gắn kết tình cảm của cha mẹ và những người thân, các thế hệ trong một gia đình” (chiếm 21,2%), hay “con cái là nguồn hạnh phúc của cha mẹ” (chiếm tỷ lệ 22,1%).

Có thể nói rằng, lý do cần phải có con không những rất phong phú, mà còn thể hiện một định hướng rất mới mẻ của sinh viên chúng ta, về vai trò của con cái trong cùng một gia đình. Hôn nhân là kết quả của tình yêu và những đứa con, chính là kết quả của tình yêu đó. Một kết quả vô cùng logic.

Về số con lý tưởng trong một gia đình hạnh phúc, có 83,9% sinh viên được phỏng vấn cho rằng “Có hai con là lý tưởng”. Rõ ràng, trong thời đại ngày nay, sinh viên được trang bị những hiểu biết về dân số, về kinh tế, về phát triển con người toàn diện.

Do đó, đa số các bạn đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề “Chỉ có một đến hai con để nuôi dạy cho tốt”. Đó là một nét tiến bộ trong suy nghĩ của các bạn sinh viên, phản ánh sự tiến bộ chung của xã hội Việt Nam, là phát triển toàn diện con người, đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

6. Có nhất thiết phải sinh con trai?

Thường thường, bất kỳ ai cũng mong muốn có con trai và con gái, gọi là có nếp có tẻ, âm dương cân bằng. Đó là quan niệm tồn tại hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên, khi được hỏi để có một gia đình hạnh phúc.

“Có nhất thiết phải sinh con trai không?” thì có gần 70% sinh viên trả lời là “Không!”. Trong khi đó, chỉ có khoảng 28% sinh viên cho rằng, nhất thiết phải sinh con trai mới có hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Kết quả này, thể hiện một định hướng mới rất tiến bộ ở đại đa số các bạn sinh viên hiện nay.

Các bạn sinh viên cho rằng “Con nào cũng vậy, miễn là chúng ngoan ngoãn và hiếu thảo” hoặc là “Con nào thì cũng như nhau, quan trọng là cha mẹ nuôi dạy con như thế nào?” hay là “Nam nữ là bình đẳng, con trai cũng như con gái”,…

Thông qua định hướng này của các bạn sinh viên, ta có thể thấy rằng, họ rất có ý thức về vấn đề bình đẳng giới. Các bạn sinh viên đặc biệt quan tâm nhiều tới việc nuôi dưỡng giáo dục con cái, con nào cũng tốt, bởi chúng là kết quả tình yêu của cha mẹ, đều cần được yêu thương, đều là nguồn vui, nguồn hạnh phúc của cha mẹ. Vấn đề là giáo dục con cho tốt, để con cái ngoan ngoãn hiếu thảo, thành người có ích cho xã hội, cho đất nước, như vậy là gia đình cũng hạnh phúc rồi.

Kết luận.

Theo các bạn sinh viên, gia đình hạnh phúc là một gia đình hòa thuận và ổn định về kinh tế. Tình yêu đôi lứa và kinh tế ổn định là hai yếu tố được đánh giá là quan trọng nhất, góp phần tạo nên một gia đình hạnh phúc.

Nét mới trong định hướng giá trị của sinh viên thể hiện ở đa số các ý kiến cho rằng, trong gia đình hạnh phúc, hai vợ chồng cùng chia sẻ trách nhiệm, cùng ra quyết định chung, cùng chăm sóc và giáo dục con cái. Quyền và trách nhiệm thuộc về cả người vợ người chồng, chứ không phải chỉ riêng mình người nào đảm nhiệm.

Trong gia đình hạnh phúc, người vợ vẫn được mong chờ là người nội trợ, người chồng thì phải là trụ cột kinh tế của gia đình. Đó chính là những giá trị hơi cũ, tiếp tục được các bạn sinh viên đánh giá cao.

Về phẩm chất của hôn nhân, các bạn sinh viên cho rằng, chung thủy là phẩm chất quan trọng nhất. Ngoài ra, hai vợ chồng cần phải vị tha, biết tôn trọng lẫn nhau, có như vậy mới có thể duy trì hạnh phúc gia đình.

Con cái là môt phần không thể thiếu của một gia đình hạnh phúc. Điểm tiến bộ của sinh viên khi thể hiện qua ý kiến của số đông các bạn cho rằng, việc sinh con trai con gái không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, con nào cũng là con, trai gái đều bình đẳng như nhau, miễn là chúng ngoan ngoãn và hiếu thảo. Điều quan trọng là nuôi dưỡng, dạy dỗ con nên người, có ích cho xã hội.

Tác giả: Phùng Bích Thủy
Học viện Cao học, Khoa Tâm lý học.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.


Bạn đang xem bài viết:
Tìm hiểu định hướng giá trị của sinh viên về gia đình hạnh phúc
Link https://vnlibs.com/vjol/tim-hieu-dinh-huong-gia-tri-cua-sinh-vien-ve-gia-dinh-hanh-phuc.html

Hashtag: #GiaĐìnhHạnhPhúc #TìnhYêuVàKinhTế #XuHướngHônNhânHiệnĐại #VaiTròGiaĐình #SinhViênVàHạnhPhúc

Mô tả hình ảnh 1: Khái niệm gia đình hạnh phúc trong xã hội hiện đại, có yếu tố tình yêu, kinh tế ổn định, vai trò gia đình mà không đưa vào nội dung văn bản, bài viết

Mô tả hình ảnh 2: Happy family concept in modern society, with elements of love, economic stability, and family roles without including text or article content

Từ khóa: Gia đình hạnh phúc; Tình yêu đôi lứa; Kinh tế gia đình; Vai trò người vợ chồng; Xu hướng hôn nhân sinh viên.

Mọi người cũng hỏi: Xu Hướng Hôn Nhân và Định Hướng Giá Trị Gia Đình Hạnh Phúc Trong Sinh Viên Hiện Đại