Chính trị không chỉ là một lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội mà còn là một trong những phạm trù cơ bản của các khoa học xã hội.
Từ những triết lý cổ điển của Hy Lạp đến sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Xã hội Chủ nghĩa, chính trị đã luôn là trung tâm của sự quan tâm nghiên cứu.
Nhưng điều gì tạo nên chính trị? Và làm thế nào để nghiên cứu về nó một cách khoa học? Đó chính là câu hỏi mà khoa học chính trị và tâm lý học chính trị đều cố gắng giải đáp. Từ việc xác định các quy luật và tính quy luật chung nhất của hoạt động chính trị đến việc nhìn nhận tâm lý học chính trị như một chuyên ngành của khoa học tâm lý, các nhà nghiên cứu đã đặt ra những cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu đa dạng để hiểu rõ hơn về chính trị và ảnh hưởng của tâm lý đến nó.
Trong phạm vi này, chúng ta sẽ xem xét sâu hơn về phạm trù chính trị, khoa học chính trị và tâm lý học chính trị, cũng như đối tượng và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học chính trị.
1. Phạm trù chính trị với tư cách là phạm trù cơ bản trong hệ thống các khoa học chính trị.
Chính trị luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của lịch sử nhân loại. Là lĩnh vực phức tạp có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, kể từ xa xưa cho đến nay, có nhiều nhà tư tưởng, nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu phạm trù chính trị.
Thời Hy Lạp cổ đại, triết gia Platon trong tác phẩm “Chính trị” đã xem chính trị là: “nghệ thuật cung đình liên kết trực tiếp các chuẩn mực của người anh hùng và sự thông minh, sự liên kết đó được thực hiện bằng sự thống nhất tư tưởng và tinh thần hữu ái”.
Đầu thế kỷ XX, các nhà xã hội Đức đã xem chính trị là khát vọng, tham gia vào quyền lực hay ảnh hưởng đến sự phân chia quyền lực giữa các quốc gia, bên trong quốc gia, giữa các tập đoàn người trong một quốc gia.
Trong “Từ điển chính trị vắn tắt” của Liên Xô, xem “Chính trị là hoạt động trong lĩnh vực quan hệ giữa các nhóm xã hội lớn, trước hết là các giai cấp, cũng như các dân tộc và các nhà nước”.
Trong “Đại từ điển Tiếng Việt” xem “Chính trị là những vấn đề điều hành bộ máy nhà nước, hoặc những hoạt động của giai cấp, của chính Đảng, nhằm duy trì quyền điều hành nhà nước,…”.
Có thể tiếp cận chính trị từ hai phương diện cơ bản:
– Chính trị nói lên quan hệ đặc biệt giữa các chủ thể chính trị mà quyền lực chính trị là trung tâm.
– Chính trị là một loại hoạt động xã hội đặc thù của chủ thể chính trị có liên quan đến vấn đề nhà nước. Vì thế, hoạt động chính trị vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật.
Về mặt kết cấu, chính trị bao gồm 3 nhóm nhân tố cơ bản:
– Nhóm 1. Chủ trương, chính sách các quyết định của chủ thể chính trị.
– Nhóm 2. Các thiết chế chính trị, thể chế chính trị.
– Nhóm 3. Quan hệ con người chính trị – Giới lãnh đạo chính trị với quần chúng nhân dân.
Điểm chung của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nói đến chính trị là nói đến 2 phương diện cơ bản gắn bó với nhau:
– Chính trị là quan hệ giữa các chủ thể chính trị trên cấp độ giai cấp, dân tộc, quốc gia.
– Chính trị là hoạt động xã hội của các chủ thể chính trị trong việc giành, giữ, sử dụng quyền lực nhà nước.
Những luận điểm trên là cơ sở cơ bản để xem xét chính trị học, cũng như tâm lý học chính trị và các khoa học khác có liên quan đến chính trị.
2. Khoa học chính trị với tư cách một khoa học.
Tư tưởng coi chính trị học như một “khoa học chính trị” có từ thời cổ đại và ngày càng được khẳng định trong thời đại hiện nay.
– Aristote coi “chính trị học” như là một khoa học về lợi ích tối cao của con người và nhà nước, về cách tổ chức nhà nước sao cho có hiệu lực nhất. Điều ấy được thể hiện trong tác phẩm “Chính trị Athens”.
– Thời Phục hưng, vào năm 1850, Paul Janet viết cuốn sách “Lịch sử triết lý chính trị trong mối tương quan với luân lý”, đến năm 1872, cuốn sách được tác giả đổi tên thành “Khoa học chính trị”.
– Ở các nước phương Tây, chính trị học ra đời từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phát triển gắn liền với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Ở Liên Xô, và các nước Xã Hội Chủ Nghĩa Đông Âu trước đây. Khoa học chính trị được khẳng định như một khoa học độc lập vào những năm 80 của thế kỷ XX. Riêng ở Việt Nam, chính trị học với tư cách là một bộ môn khoa học có đối tượng và các nhiệm vụ xác định, được xây dựng và phát triển vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX.
– “Giáo trình Chính trị học đại cương” của khoa Chính trị học – Phân viện Báo chí và tuyên truyền, NXB CTQG Hà Nội – 1999, ở trang 14, đã định nghĩa: “Chính trị học theo nghĩa tổng quát nhất, là khoa học nghiên cứu lĩnh vực chính trị, nhằm làm sáng tỏ những quy luật, tính quy luật chung nhất của đời sống chính trị xã hội, cùng những thủ thuật chính trị để hiện thực hóa những quy luật, tính quy luật đó trong xã hội có giai cấp được tổ chức thành nhà nước”.
– “Giáo trình Tập bài giảng Chính trị học” (Hệ cao cấp lý luận chính trị) của Viện Khoa học chính trị, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, NXB Lý luận chính trị, năm 2004, trang 7, có định nghĩa: “Chính trị học là một khoa học nghiên cứu chính trị như một chính thể, nhằm nhận thức những quy luật và tính quy luật chung nhất của chính trị”. Mặc dù, có những cách phát triển khác nhau, những điểm chung nhất của các sách và các giáo trình, là xem chính trị là khoa học nghiên cứu các quy luật và tính quy luật chung nhất của chính trị.
Cần quan tâm tới tính chất cơ bản của khoa học chính trị Việt Nam hiện nay:
– Chính trị học Việt Nam được xây dựng và phát triển trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
– Chính trị học Việt Nam gắn chặt với thực tiễn chính trị của đất nước, mang tính cách mạng, tính khoa học, tính sáng tạo và bản sắc dân tộc.
– Chính trị học Việt Nam là khoa học tổng hợp về chính trị, là nơi giao thoa của các khoa học xã hội nhân văn, khoa học kinh tế, khoa học pháp lý, khoa học tư tưởng, khoa học tâm lý,…
Những luận điểm nêu trên về chính trị và khoa học chính trị là cơ sở để chúng ta bàn đến “Tâm lý học chính trị” với tư cách là một khoa học.
3. Bàn về đối tượng và các phương pháp nghiên cứu Tâm lý học Chính trị.
3.1. Về đối tượng của Tâm lý học Chính trị.
Trước khi bàn về đối tượng của tâm lý học chính trị với tư cách một chuyên ngành của khoa học tâm lý, cần nói đến đối tượng của tâm lý học. Trong cuốn sách “Từ điểm Tâm lý học” của Liên Xô, hai nhà tâm lý Xô Viết nổi tiếng là A.V. Petrovxki và M.G. Larose Xki đã xác định: “Tâm lý học là khoa học về tính quy luật của sự phát triển và vận hành tâm lý với tư cách là một hình thức đặc biệt của hoạt động sống”.
Trong cuốn “Sổ tay tâm lý học” của Ban Tâm lý học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, các tác giả Việt Nam cho rằng: “Tâm lý học là khoa học nghiên cứu tâm lý, nghiên cứu các quy luật xuất hiện và phát triển tâm lý”.
Tâm lý học chính trị có thể xem như một chuyên ngành của khoa học tâm lý, nhưng trong tâm lý học chưa có những công trình đi sâu vào lĩnh vực cực kỳ phức tạp này. Mặc dù, trong một số tài liệu tâm lý học, người ta có nhắc đến tên “Tâm lý học chính trị”. Chẳng hạn như:
– Ngay từ năm 1935, nhà tâm lý học người Đức là W. Stem có nói tới 3 nhóm ngành tâm lý học: Nhóm 1 (gồm những ngành tâm lý học nghiên cứu đời sống tâm lý trong mối quan hệ với thế giới tự nhiên và thế giới văn hóa); Nhóm 2 (đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực chuyên ngành tâm lý học); Nhóm 3 (nghiên cứu các lĩnh vực tâm lý học ứng dụng như tâm lý học giáo dục, tâm lý học kinh tế, tâm lý học pháp luật, tâm lý học kinh doanh, tâm lý học chính trị,…).
– Năm 1959, nhà tâm lý học người Đan Mạch là K.B. Madsen nêu lên một hệ thống các ngành tâm lý học: Lịch sử tâm lý học; Triết học tâm lý học; Tâm lý học của các khoa học. Trong đó, có tâm lý học chính trị.
– Nhà tâm lý học người Tiệp Khắc là D. Kovac cho rằng, tâm lý học có 3 nhóm chính: Tâm lý học cơ sở (tâm lý học đại cương, tâm lý học xã hội, lịch sử tâm lý học,…); Tâm sinh lý học (tâm lý học thần kinh, tâm lý học y học,…); Tâm lý học ứng dụng (tâm lý học kinh tế, tâm lý học tư vấn, tâm lý học công nghiệp, tâm lý học chính trị,…).
Ngay trong nền tâm lý học Liên Xô trước đây, các nhà tâm lý học Xô Viết tuy có quan tâm tới các vấn đề tâm lý học quản lý và lãnh đạo, tâm lý học xã hội, tâm lý học tôn giáo, tâm lý học dân tộc, tâm lý học tuyên truyền,… Thậm chí, có nói tới cơ sở tâm lý học của công tác Đảng, công tác công đoàn, công tác chi đoàn, nhưng cũng chưa mạnh dạn đi sâu vào nghiên cứu chuyên ngành tâm lý học chính trị.
Lĩnh vực tâm lý học chính trị cũng chưa được bàn đến trong nền tâm lý học hiện đại của Hoa Kỳ, chẳng hạn như:
– Trong tác phẩm “Những điều trọng yếu trong tâm lý học” (Essentials of Understanding psychology) của tác giả Robert S. Feldman, là giáo sư Trường Đại học Massachusetts Amherst đã nêu lên một số hướng nổi bật, trọng yếu trong tâm lý học: Lĩnh vực tâm sinh học; Lĩnh vực tâm lý học thực nghiệm; Lĩnh vực tâm lý học phát triển; Lĩnh vực tâm lý học nhân cách; Lĩnh vực tâm lý học y tế, lâm sàng và tư vấn.
Các lĩnh vực tâm lý học xã hội, tâm lý học văn hóa, tâm lý học tổ chức công nghiệp, tâm lý học pháp lý, tâm lý học môi trường.
– Trong cuốn sách “Bách khoa thư Colombia” của nước Mỹ năm 2002, nhấn mạnh 10 lĩnh vực cơ bản cần tập trung nghiên cứu trong tâm lý học hiện nay là: (1) Tri giác; (2) Tư duy; (3) Nhận thức; (4) Tình cảm; (5) Động cơ; (6) Nhân cách; (7) Học tập; (8) Hành vi bệnh tật; (9) Quan hệ con người và môi trường; (10) Quan hệ giữa người và người.
Như vậy, nhìn chung, vấn đề tâm lý học chính trị còn đang là mới mẻ, và chưa được quan tâm thích đáng trong tâm lý học. Mặc dù, lĩnh vực này trên thực tế là vô cùng cần thiết. Vậy, đối tượng của tâm lý học chính trị có thể là bản chất tâm lý, các quy luật tâm lý của đời sống chính trị xã hội, những đặc điểm tâm lý của hoạt động chính trị, các đặc điểm tâm lý của chủ thể hoạt động chính trị, vấn đề giao tiếp trong hoạt động chính trị, những cơ chế tâm lý trong hoạt động chính trị,…
3.2. Nhiệm vụ của tâm lý học chính trị.
Tâm lý học chính trị có 2 nhiệm vụ cơ bản:
3.2.1. Nghiên cứu cơ sở lý luận tâm lý học của hoạt động chính trị.
– Bản chất tâm lý của mối quan hệ lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia trong hoạt động chính trị.
– Cơ sở tâm lý của việc giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước.
– Cơ sở tâm lý của các chính sách, các quyết định của các chủ thể chính trị, của các thiết chế và thể chế chính trị.
– Cơ sở tâm lý của mối quan hệ con người, quan hệ giao tiếp chính trị.
– Các cơ chế tâm lý trong hoạt động chính trị.
3.2.2. Nghiên cứu tổng thể về mặt tâm lý.
Nghiên cứu tổng thể về mặt tâm lý các kinh nghiệm thực tiễn của hoạt động chính trị, khái quát thành bản chất và quy luật tâm lý của hoạt động chính trị, ứng dụng các thành tựu nghiên cứu các lĩnh vực tâm lý học vào hoạt động chính trị.
3.3. Các nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu tâm lý học chính trị.
3.3.1. Các nguyên tắc chỉ đạo việc nghiên cứu tâm lý học chính trị.
– Nguyên tắc tiếp cận liên ngành.
– Nguyên tắc thống nhất giữa logic và lịch sử.
– Nguyên tắc vận động và phát triển.
3.3.2. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể của tâm lý học chính trị.
– Phương pháp quan sát. Quan sát các biểu hiện tâm lý của các chủ thể hoạt động chính trị thể hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi và phong cách.
– Phương pháp trò chuyện và phỏng vấn. Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, thái độ,… của các chủ thể hoạt động chính trị và quần chúng nhân dân.
– Phương pháp điều tra tâm lý qua các bảng câu hỏi, các phiếu trưng cầu ý kiến, enquête.
– Phương pháp trắc đạc xã hội (sociometric) đo đạc các mối quan hệ liên nhân cách, quan hệ nhóm, quan hệ xã hội, vai trò của các thủ lĩnh chính trị.
– Phương pháp trắc nghiệm. Sử dụng các trắc nghiệm tâm lý (test) đo đạc các biểu hiện, nhận thức, chỉ số, trí thông minh (IQ), trí tuệ cảm xúc (EQ), trí sáng tạo (CQ), các hành vi xã hội, các đặc điểm kỹ năng giao tiếp,… của các chủ thể hoạt động chính trị.
– Phương pháp giải quyết các tình huống thường gặp trong hoạt động chính trị.
– Phương pháp đóng vai các chủ thể hoạt động chính trị.
– Phương pháp thực nghiệm. Nhằm khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của các quyết định chính trị tương ứng với các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các hoạt động chính trị, làm cho các quyết sách chính trị trở nên khách quan, khoa học khi được hiện thực hóa trong cuộc sống.
Các phương pháp nghiên cứu cơ bản nói trên, cần được vận dụng một cách đồng bộ, phối hợp, bổ sung cho nhau trong một chính thể, giúp cho việc nghiên cứu tâm lý học chính trị đạt được những kết quả chân thực, khách quan.
Tóm lại, từ những điều bàn luận nói trên, cần nhanh chóng triển khai việc nghiên cứu tâm lý học chính trị, xây dựng tài liệu giáo trình, tổ chức nghiên cứu thực tiễn hoạt động chính trị,… với tư cách một chuyên ngành tâm lý học.
Tài liệu tham khảo.
[1] Giáo trình “Chính trị học đại cương”. Khoa Chính trị học – Phân viện báo chí tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia, 1999.
[2] Giáo trình “Chính trị học Mác Lênin”, Học viện Hành chính Quốc gia, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1986.
[3] “Tập bài giảng Chính trị học” dành cho hệ cao cấp lý luận chính trị.
[4] “Đại từ điển tiếng Việt”, NXB Văn hóa tư tưởng, Hà Nội, 1998.
[5] A.V. Petrovski, M.G. Iarosevski, “Từ điển tâm lý học” (Liên Xô), NXB Chính trị Quốc gia, Matxcova, 1990.
[6] Ban Tâm lý học xã hội thuộc viện Khoa học Xã hội Việt Nam, “Sổ tay tâm lý học”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
[7] Robert S. Feldman. “Essentials of understanding Psychology” USA.
[8] “Bách khoa thư Colombia” (Mỹ), năm 2002.
[9] “Từ điển Chính trị vắn tắt”, NXB Tiến bộ, Matxcova, 1989.
[10] Nguyễn Quốc Tuấn, “Nhập môn Chính trị học”, NXB Cà Mau, 2004.
Author: Nguyễn Quang Uẩn
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Bạn đang xem bài viết:
Bàn về việc nghiên cứu Tâm Lý Học Chính Trị như một chuyên ngành Tâm Lý Học
Link https://vnlibs.com/vjol/ban-ve-viec-nghien-cuu-tam-ly-hoc-chinh-tri-nhu-mot-chuyen-nganh-tam-ly-hoc.html