Những năm gần đây, chúng ta nhắc đến vấn đề chảy máu chất xám. Thực trạng này cũng đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.
Cụ thể là chất xám chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển, từ các nước phát triển ít, sang các nước phát triển hơn. Để hiểu rõ vấn đề này, trước hết chúng ta bắt đầu bằng việc làm rõ thế nào được gọi là chất xám. Có thể nêu ra một số quan niệm về chất xám như sau:
Chất xám được hiểu là những hoạt động trí óc. Nó không chỉ có ở đội ngũ những nhà khoa học có học hàm, học vị, được đào tạo bài bản thông qua trường lớp, mà chất xám còn được kể đến cả ở những nhà quản lý, lãnh đạo, những người lính, những người nông dân, những người công nhân đang ngày đêm sản xuất, chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước,… (Tô Bửu Giám, 1997).
Chất xám cũng có thể được hiểu là toàn bộ những lao động trí óc mang tính sáng tạo của đội ngũ trí thức như: Lao động quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp, lao động trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và công nghệ,… (Ban nghiên cứu Dự báo Chiến lược và Quản lý khoa học, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia).
Chất xám còn được hiểu là những tri thức về các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, khoa học công nghệ chứ không phải là chính bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học và công nghệ. (Nguyễn Văn Hiệu, 1998).
Cho dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa, cũng cho thấy chất xám là những hoạt động mang tính trí tuệ, những tri thức, những kinh nghiệm được tích lũy qua cuộc sống, qua hoạt động và qua giáo dục đào tạo.
Chất xám được thể hiện ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là nguồn tài nguyên vô giá của mỗi quốc gia. Nếu biết khai thác và sử dụng, thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn. Ngược lại, nếu không biết cách gìn giữ và phát huy thì tài nguyên này sẽ mất đi và rất khó để lấy lại được.
Trong những năm qua, tình trạng chảy máu chất xám ở nước ta rất đáng để lưu tâm. Có thể nêu ra một số biểu hiện của tình trạng này như sau:
Trước hết, nó được thể hiện ở việc có rất nhiều trí thức Việt Nam có năng lực, được đào tạo bài bản, đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, chuyển ra làm việc cho các công ty ngoài quốc doanh, công ty có 100% vốn nước ngoài.
Tình hình này, xảy ra phổ biến trong những năm 90 của thế kỷ XX. Theo thống kê, năm 1996, tại riêng Thành Phố Hồ Chí Minh đã có 45,000 lao động làm việc cho các công ty nước ngoài. Trong đó, đa số là các trí thức có trình độ tay nghề cao. Nguyên nhân chính của hiện tượng này nằm ở vấn đề lương bổng.
Ở các công ty ngoài quốc doanh, mức lương được trả cao hơn nhiều so với mức lương Nhà nước đã trả cho họ. Lương tối thiểu của một nhân viên làm việc cho công ty nước ngoài còn cao hơn nhiều. Với các vị trí quản lý, lương đã có thể từ 500 USD cho 1 tháng trở lên. Sự hấp dẫn của đồng lương đã kích thích sự dịch chuyển này.
Hiện tượng một số cán bộ đang công tác tại các vụ, viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan Nhà nước nhưng lại làm một nửa thời gian cho các tổ chức, các công ty nước ngoài cũng có thể được gọi là chảy máu chất xám. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng đã được khắc phục phần nào sau khi Pháp lệnh về Cán bộ công chức được ban hành.
Chảy máu chất xám còn diễn ra ở các đối tượng là sinh viên Cao đẳng, Đại học. Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại ưu không chấp nhận ở lại trường, hoặc về công tác tại các vụ, viện, trung tâm nghiên cứu. Họ làm việc cho các công ty liên doanh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài, với mức lương khởi điểm ít nhất là 8 triệu đồng cho 1 tháng, còn đối với kỹ sư và cử nhân mới tốt nghiệp cũng phải trên 10 triệu đồng cho 1 tháng.
Trong khi đó, ở các cơ quan Nhà nước, sinh viên mới ra trường, được hưởng mức lương khởi điểm khoảng 3 triệu đồng cho 1 tháng. Với mức chênh lệch như vậy, rõ ràng sinh viên sẽ lựa chọn các công ty nước ngoài, công ty liên doanh hơn.
Hơn thế nữa, đối với một số công ty có quy mô hoặc có dự định làm ăn lâu dài tại Việt Nam, họ thường đầu tư cho việc tìm nhân sự ngay từ trong các trường Đại học, Cao đẳng. Chẳng hạn, các công ty này sẽ tài trợ cho những sinh viên giỏi cho đến khi họ tốt nghiệp Đại học, và tuyển thẳng vào làm việc với mức lương khá cao.
Tiếp nữa, chảy máu chất xám còn diễn ra khi một số trí thức công tác tại các cơ quan khoa học đầu não, được cử đi học tập hoặc công tác ở nước ngoài, nhưng sau đó lại tiếp tục ở lại làm việc theo đúng chuyên môn đã được đào tạo mà không quay về cống hiến cho nước nhà.
Có ý kiến cho rằng, tuy chất xám ra đi, nhưng thông qua đào tạo ở môi trường thuận lợi hơn, phát huy được khả năng hơn, thì chất xám sẽ trở nên xám hơn. Đến một lúc nào đó, chất xám sẽ lại trở về phục vụ cho đất nước mình.
Giống như mô hình của đất nước Trung Quốc, họ khuyến khích cán bộ đi học tập ở nước ngoài, cho phép họ định cư ở nước đó nếu họ muốn. Người ta nghĩ rằng, đến một lúc nào đó, họ sẽ quay trở lại. Trung Quốc từng có cơ chế gửi người đi đào tạo tại nước ngoài, có giai đoạn chỉ có 40% là quay trở lại.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, để thu hút được nhân tài phục vụ đất nước, nhất thiết không thể buồn lỏng, mà phải có cơ chế thích hợp cho vấn đề này. Vấn đề suy giảm chất xám hay mất dần chất xám, cũng được coi là chảy máu chất xám.
Hiện trạng suy giảm chất xám, được thể hiện ở những người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, nhưng lại bỏ nghề và làm việc không đúng chuyên môn. Điển hình là những người được đào tạo ở các nước Đông Âu cũ. Sau khi hệ thống Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, thì phần đông người Việt Nam đã ở lại các nước này, và làm trái ngành nghề. Đây là tình trạng suy giảm chất xám ở ngoài nước.
Mặt khác, suy giảm chất xám ở trong nước cũng xảy ra khá phổ biến. Nhiều sinh viên học sinh sau khi tốt nghiệp, chỉ muốn công tác tại các đô thị lớn. Vì vậy, buộc họ phải làm các công việc khác không đúng sở trường và chuyên môn. Bên cạnh đó, tình trạng trí thức thiếu việc làm ở các thành phố lớn là rất phổ biến.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thì đây chỉ là tình trạng thiếu việc làm giả tạo, vì hàng ngàn người tốt nghiệp Đại học và những người có học vị cao chưa thể tìm kiếm được việc làm. Hiện nay, có hơn 90% trí thức đang tập trung tại các thành phố lớn, các đô thị lớn.
Trong khi đó, ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo,… thì thiếu cán bộ trầm trọng. Con số thống kê của ngành Giáo dục Gia Lai cho biết, trong năm 1998 thiếu tới 3,684 giáo viên, tương đương với việc, hai chục ngàn học sinh thiếu thầy cô giảng dạy.
Chúng ta biết rằng, để đào tạo ra một kỹ sư hay một cử nhân, hàng năm Nhà nước ta cũng như bản thân gia đình tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của và công sức. Cụ thể, để một người có thể tốt nghiệp Đại học, ngoài chi phí trực tiếp trong hệ thống giáo dục tối thiểu, cũng phải mất 16 năm, gia đình và xã hội còn phải chi một khoản tiền gián tiếp cho việc đào tạo này.
Tình trạng làm việc không đúng chuyên môn, và không có việc làm, thực sự là một lãng phí quá lớn trong điều kiện nước ta còn nghèo như hiện nay. Theo chia sẻ của Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, còn một tình trạng suy giảm chất xám cũng đáng báo động mà ít được nhắc đến.
Đó là có khá nhiều trí thức học giả hiện nay, đang có biên chế trong các cơ quan khoa học công nghệ Nhà nước, thậm chí cả những người có chức vụ, học hàm, học vị cao đã từ lâu không có điều kiện hoặc không tự rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, không tự nâng cao trình độ. Do đó, kiến thức ngày càng bị lạc hậu.
Theo ông, tuy chất xám không chảy đi đâu cả, bề ngoài thì vẫn còn giữ nguyên, nhưng thực sự, chất lượng đã bị suy thoái. Sự suy giảm này cần phải được chữa trị ngay. Từ thực trạng chảy máu chất xám nêu trên, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, Nhà nước cần phải cải cách chế độ tiền lương cho các cán bộ công nhân viên chức. Nếu so sánh với lương khởi điểm của một sinh viên mới tốt nghiệp của Indonesia đã là 2000 USD cho 1 tháng, thì tổng thu nhập của một cán bộ khoa học lâu năm ở nước ta cũng chỉ bằng 1/10 họ.
Điều này thì ai cũng hiểu rõ, song việc cải cách tiền lương còn diễn ra quá chậm. Chúng ta biết rằng, tất cả mọi hoạt động đều bắt nguồn từ vấn đề lợi ích. Khi lợi ích không được đáp ứng, thì lẽ tất nhiên hoạt động sẽ bị trì trệ. Chúng ta đang trông chờ vào sự thay đổi chính sách cho vấn đề nóng bỏng này.
Thứ hai, vấn đề đào tạo còn có nhiều sự bất cập. Chúng ta chỉ chú trọng đến số lượng mà không để ý đến chất lượng. Cơ cấu các ngành dựa trên xu thế là mốt, dựa trên nhu cầu của gia đình, mà không tính đến sự hợp lý trong tổng thể cơ cấu của nền kinh tế quốc dân. Tình trạng thừa và thiếu cán bộ đã xảy ra liên tục. Như vậy, Nhà nước cần điều tiết cơ cấu cán bộ ngay từ khâu đào tạo cho đến khâu tiếp nhận cán bộ đúng chuẩn.
Thứ ba, đối với những doanh nghiệp nước ngoài, muốn sử dụng nguồn nhân lực do Nhà nước đào tạo, phải hoàn trả lại kinh phí cho Nhà nước. Đó cũng là một sự công bằng cần thiết.
Thiết nghĩ, với mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra trong Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần IX, với tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giàu mạnh.
Chúng ta, sẽ có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục những mặt còn tồn tại này. Đồng thời, phát huy được những tiềm năng sẽ có của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ hiện nay.
Tài liệu tham khảo.
[1] Tô Bửu Giám, “Suy nghĩ về chất xám”, Báo Nhân dân cuối tuần, số 9/1997.
[2] “Chất xám – tài nguyên đặc biệt của mỗi quốc gia”, Báo Đại đoàn kết, số 55, ngày 8/7/1996.
[3] Nguyễn Văn Hiệu, “Suy giảm chất xám – Căn bệnh nguy hiểm”, Báo Đại đoàn kết, ngày 3/10/1998.
[4] Hồ Uy Liêm, “Chất xám không được sử dụng là sự chảy máu đáng sợ nhất”, Báo Đại đoàn kết, số 117, ngày 21/11/1998.
[5] Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Quốc Bảo, “Một số vấn đề về trí thức hiện nay”, NXB Lao động, 2001.
[6] Văn Công Hùng, “Vùng trũng của chất xám”, Báo Đại đoàn kết, số 105, 1998.
Tác giả: Lã Thu Thủy
Th.s Viện Tâm lý học.
Bạn đang xem bài viết:
Chảy máu chất xám trong đội ngũ trí thức – Những nguyên nhân tâm lý
Link https://vnlibs.com/vjol/nhung-nguyen-nhan-tam-ly-gay-chay-mau-chat-xam-trong-doi-ngu-tri-thuc.html