Trí sáng tạo của sinh viên khi chọn vào trường Mỹ thuật Công nghiệp

Hoạt động nghệ thuật là hoạt động tạo ra cái mới. Đặc trưng cơ bản của hoạt động này là chủ thể phải có tính sáng tạo cao.

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có mục tiêu đào tạo những họa sĩ thiết kế mỹ thuật ứng dụng vào đời sống xã hội.

Một ẩn số hiện nay là liệu trí sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có đáp ứng được đòi hỏi của xã hội trong thiết kế mỹ thuật ứng dụng hay không? Cách tuyển chọn, đào tạo của trường và việc giảng dạy chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng hiện nay đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển trí sáng tạo của sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp?

Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi đã nghiên cứu trên 250 sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp bằng phương pháp trắc nghiệm tâm lý, nhằm đánh giá thực trạng trí sáng tạo của sinh viên được tuyển chọn vào trường.

Chúng tôi sử dụng bộ trắc nghiệm tâm lý của nhà tâm lý học người Đức. Đó là test sáng tạo vẽ hình của Klaus K. Urban, viết tắt là TSD-Z (Test Zum Schöpferischen Denken – Zeichnerisch).

Bộ trắc nghiệm sáng tạo TSD-Z của Urban đánh giá thực trạng trí sáng tạo qua đường nét vẽ của sinh viên. Đây là bộ trắc nghiệm có khả năng đánh giá ban đầu về tiềm năng sáng tạo của từng người. Ngoài ra, bộ trắc nghiệm này còn phục vụ việc nhận dạng những tiềm năng sáng tạo dưới trung bình.

Để xây dựng phương pháp đo sáng tạo này, bên cạnh quan điểm lượng hóa nội dung, đặc biệt là các tiêu chuẩn về sự thực hiện và đánh giá đơn giản, tiết kiệm, cũng như khả năng vận dụng rộng rãi rất được chú trọng, tác giả đã đặc biệt quan tâm đến sự bảo đảm về công bằng văn hóa đến mức tối đa, nhờ sử dụng phương pháp vẽ hình.

Bản test TSD-Z là một trang giấy test, đã cho trước 6 họa tiết. Trong đó, có 5 họa tiết nằm trong khung chữ nhật, còn một họa tiết nằm ở ngoài khung ấy, có tác dụng kích thích sự tự do vẽ tiếp của nghiệm thể. Sản phẩm vẽ được đánh giá theo 14 tiêu chí.

Các điểm cho từng tiêu chí từ 1 đến 14 được ghi vào các ô vuông nhỏ, rồi được cộng lại và ghi tổng điểm tất cả 14 phạm trù, gọi là tổng điểm TSD-Z vào ô vuông to ở cuối cùng. Số điểm tối đa theo lý thuyết của test này là 72 điểm. Giá trị điểm tổng tính được của TSD-Z nhằm so sánh giữa các cá nhân với nhau, có thể tìm thấy trong các bảng phân loại thô tương ứng.

Kết quả đo lường trí sáng tạo của 250 sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp bằng TSD-Z của Klaus K. Urban được thể hiện trong bảng 1.

Bảng 1: Thực trạng mức độ trí sáng tạo của sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp theo TSD-Z của Klaus K.Urban
Số % mẫu trí sáng tạo
A + B C + D + E F G
Số lượng % Số lượng % Số lượng % Số lượng %
46 18,4 202 80,8 2 0,8 0 0

Chú giải: A là mức độ trí sáng tạo kém; B là mức độ trí sáng tạo dưới trung bình; C là mức độ trí sáng tạo trung bình; D là mức độ trí sáng tạo trên trung bình; E là mức độ trí sáng tạo khá; F là mức độ trí sáng tạo cao; G là mức độ trí sáng tạo cực cao.

Số liệu bảng 1 cho thấy, ở 250 sinh viên được khảo sát, không có sinh viên nào đạt mức độ trí sáng tạo loại cực cao (G), chỉ có 2 sinh viên đạt loại cao (chiếm tỷ lệ 0,8%) và có 202 sinh viên đạt mức độ trí sáng tạo từ trung bình đến khá (chiếm 80,8%) chiếm số lượng cao nhất, còn lại dưới trung bình là 46 sinh viên (chiếm tỷ lệ 18,4%).

Qua nghiên cứu cho thấy, để được tuyển chọn vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, đòi hỏi sinh viên phải có trí sáng tạo cao. Nhưng thực tế, phần lớn số sinh viên trúng tuyển vào trường lại chỉ đạt mức độ trí sáng tạo từ trung bình đến khá.

Số liệu điều tra của PGS. TS. Nguyễn Huy Tú và PGS. TS. Đào Thị Oanh và PGS. Trần Trọng Thủy cũng bằng TSD-Z của Klaus K. Urban trên mẫu 4971 người Việt Nam ở các độ tuổi từ trẻ 5 đến 6 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học, cao đẳng được chúng tôi tập hợp ở bảng 2 (có so sánh với sinh viên Trường Mỹ thuật Công nghiệp và chuẩn TSD-Z).

Bảng 2: So sánh mức độ trí sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với sinh viên các Trường Đại học Sư phạm và người Việt Nam có độ tuổi khác nhau theo TSD-Z của Klaus K. Urban
STT Nhóm khảo sát Số lượng mẫu khảo sát Số % mẫu có trí sáng tạo dưới Trung Bình (A+B) Số % mẫu có trí sáng tạo từ Trung Bình đến Khá (C+D+E) Số % mẫu có trí sáng tạo cao (F) Số % mẫu có trí sáng tạo cực cao (G)
1 Sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp 250 18,4% 80,8% 0,8% 0%
2 Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên 1669 39,58% 60,4% 0,02% 0%
3 Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội 1075 34,2% 65,6% 0,2% 0%
4 Người VIệt Nam ở các độ tuổi 4971 27% 72,3% 0,7% 0%
5 Chuẩn TSD-Z của Klau K.Urban 25% 72,5% 2,5%

Chú giải: A là mức độ trí sáng tạo kém; B là mức độ trí sáng tạo dưới trung bình; C là mức độ trí sáng tạo trung bình; D là mức độ trí sáng tạo trên trung bình; E là mức độ trí sáng tạo khá; F là mức độ trí sáng tạo cao; G là mức độ trí sáng tạo cực cao.

Từ bảng 2 cho ta thấy, trí sáng tạo của sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp khả quan hơn sinh viên trường Sư phạm và trí sáng tạo trung bình của người Việt Nam. Cụ thể là số sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp có trí sáng tạo dưới trung bình ít hơn số sinh viên trường Sư phạm và người Việt Nam nói chung ở các độ tuổi khác nhau.

Mức độ trí sáng tạo từ trung bình đến khá của sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp lại cao hơn so với họ, còn ở mức độ trí sáng tạo cao của sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp chỉ cao hơn một ít. Như vậy, mức độ trí sáng tạo của sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp cao hơn mức độ trí sáng tạo của sinh viên trường Sư phạm và người Việt Nam nói chung ở các độ tuổi.

So với chuẩn TSD-Z đối với khu vực Âu Mỹ thì trí sáng tạo của sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp ở mức độ từ trung bình đến khá cũng cao hơn. Tuy nhiên, đáng tiếc là có rất ít sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp có trí sáng tạo ở mức cao và cực cao, ít hơn nhiều so với chuẩn của khu vực Âu Mỹ. Còn mức trí sáng tạo dưới trung bình thì số sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp cũng ít hơn so với chuẩn TSD-Z Âu Mỹ.

Việc tuyển sinh vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có đặt ra thi tuyển 2 môn năng khiếu vẽ là Hình họa và Bố cục màu. Điều này hoàn toàn đúng và rất cần thiết. Nhưng thực tế thì số sinh viên đã được tuyển chọn vào trường, cũng chỉ có trí sáng tạo ở mức trung bình và trên trung bình so với chuẩn TSD-Z đối với Âu Mỹ.

Vì vậy, nên chăng, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cần dùng một hình thức thi tuyển có khả năng phát hiện được năng lực sáng tạo đích thực của sinh viên học sinh. Trong trường hợp đó, chúng tôi cho rằng, trắc nghiệm sáng tạo vẽ hình TSD-Z của Klaus K. Urban là một công cụ đánh giá thích hợp, vì sự hiệu quả và tính tiện dụng. Hơn nữa, phương pháp giảng dạy chuyên ngành thiết kế, cần được đổi mới và đánh thức tiềm năng phát triển sẵn có của các em, giúp cho trí sáng tạo của các em phát triển tốt hơn nữa.

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Huy Tú, “Nghiên cứu ứng dụng bộ trắc nghiệm sáng tạo TSD-Z của Klaus K. Urban trên trẻ em tuổi học sinh tiểu học Việt Nam”. Báo cáo khoa học đề tài B98-49-56, Viện Khoa học Giáo dục Hà Nội, tháng 12/2000.

[2] Nguyễn Huy Tú, “Về tính sáng tạo và chỉ số sáng tạo CQ” trong cuốn “Trí tuệ và đo lường trí tuệ”. NXB Chính trị Quốc gia, Trần Kiều chủ biên.

[3] Nguyễn Huy Tú, “Đề tài B2005-75-123 cấp Bộ”. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

[4] Đào Thị Oanh và Trần Trọng Thủy, “Đề tài B2004-75-121”.

Tác giả: Lê Thị Bằng
Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp


Bạn đang xem bài viết:
Thực trạng trí sáng tạo của sinh viên khi tuyển chọn vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp
Link https://vnlibs.com/vjol/tri-sang-tao-cua-sinh-vien-khi-chon-vao-truong-my-thuat-cong-nghiep.html

Hashtag: #sangtaonghethuat #giaoducmythuat #tsdz #tracnghiemsangtao #thietkeungdung #phattrientritue #nanglucsangtao

Mô tả hình ảnh 1: Sáng tạo nghệ thuật trong giáo dục

Mô tả hình ảnh 2: Tạo hình ảnh minh họa cho bài viết về sự sáng tạo trong giáo dục mỹ thuật.

Từ khóa: Sáng tạo trong giáo dục; Trắc nghiệm tâm lý sáng tạo; Klaus K. Urban TSD-Z; Phát triển trí sáng tạo sinh viên; Thiết kế mỹ thuật ứng dụng; Tiềm năng sáng tạo trong giáo dục; Đánh giá năng lực sáng tạo.

Mọi người cũng hỏi: Phát Triển Trí Sáng Tạo Trong Giáo Dục Mỹ Thuật: Phân Tích Sâu Về Bộ Trắc Nghiệm TSD-Z