Đánh giá của người Hà Nội về vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân

Cùng với quá trình đổi mới kinh tế xã hội của đất nước, khu vực kinh tế tư nhân góp phần không nhỏ vào việc tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, còn tạo việc làm, tạo thu nhập cho hàng triệu người lao động, để ổn định xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước theo con đường hội nhập với khu vực và thế giới.

Nếu xem khu vực kinh tế tư nhân như một phần quan trọng tạo nên sức mạnh kinh tế của một xã hội, một quốc gia, thì các chủ doanh nghiệp tư nhân chính là những hạt nhân ưu tú xây đắp nền móng cho sức mạnh đó.

Bởi vậy, việc xã hội nhìn nhận và đánh giá các chủ doanh nghiệp tư nhân như thế nào, lại là một điều kiện, một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng nhất định (thúc đẩy hay cản trở) đến tiến trình phát triển đội ngũ doanh nhân và khu vực kinh doanh tư nhân nói riêng, cũng như nền kinh tế Nhà nước nói chung.

Từ cách tiếp cận như vậy, trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu nhỏ, nhằm tìm hiểu cảm nhận của người dân Hà Nội về vị thế xã hội, và nhân cách (năng lực kinh doanh và đạo đức kinh doanh) các chủ doanh nghiệp tư nhân. Bài viết này của chúng tôi, là một phần kết quả được rút ra từ việc nghiên cứu nói trên.

1. Phương pháp và mẫu nghiên cứu.

1.1. Bảng hỏi.

Trong nghiên cứu này, bảng hỏi về vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân được xây dựng dựa trên các cơ sở khái niệm vị thế xã hội nói chung, của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước (Linton, Weber, Parsons,…).

Từ đây, các chiều cạnh khác nhau của vị thế xã hội được hiểu như là định hướng giá trị, uy tín, ảnh hưởng cũng như công lao đóng góp của cá nhân đối với nhóm, và cộng đồng được xã hội thừa nhận.

Bảng hỏi của chúng tôi là thang điểm đánh giá mức độ cảm nhận của người dân, về vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân, theo các mệnh đề cho sẵn từ “Hoàn toàn đúng” cho đến “Hoàn toàn không đúng”, tương ứng với thang điểm từ 1 đến 5.

Trong phần tìm hiểu vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi đã đưa vào bảng hỏi một thang điểm đánh giá bao gồm 35 mệnh đề. Các mệnh đề này được phân chia thành 4 nhóm, dựa trên cơ sở nội dung của chúng, phản ánh những khía cạnh khác nhau, xoay quanh vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân.

Nhóm thứ nhất, bao gồm 11 mệnh đề nói lên vai trò và công lao đóng góp của các chủ doanh nghiệp tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhóm thứ hai, gồm có 12 mệnh đề biểu hiện cho uy tín hay sự kính trọng của xã hội đối với các chủ doanh nghiệp tư nhân. Nhóm thứ ba, gồm có 5 mệnh đề để phản ánh hiện trạng tài sản và thu nhập của các chủ doanh nghiệp tư nhân. Nhóm thứ tư, gồm có 7 mệnh đề liên quan đến vấn đề ảnh hưởng (hay quyền lực) của các chủ doanh nghiệp tư nhân đối với xã hội.

Số liệu điều tra của nghiên cứu được xử lý bởi chương trình SPSS for Windows. Để tiện cho việc so sánh, đối chiếu các kết quả khảo sát về những vấn đề cần tìm hiểu, chúng tôi đã tiến hành đổi ngược điểm một số mệnh đề, hỏi từ hình thức phủ định sang hình thức khẳng định, cho đồng thuận giá trị với nhau trong các nhóm mệnh đề.

Ngoài ra, trong quá trình xử lý số liệu, các mệnh đề đánh giá được phân ra thành các mức điểm khác nhau: Mức điểm cao (từ 4 đến 5 điểm); Mức điểm thấp (từ 1 đến 2 điểm); Mức điểm trung bình (từ 2 < điểm trung bình < 4).

Đối với mức điểm trung bình lại được phân chia tiếp thành 3 tiểu mức: Trung bình khá (từ 3,3 < trung bình khá < 4); Trung bình (từ 2,8 <= trung bình <= 3,3); Trung bình yếu (từ 2 < trung bình yếu < 2,8).

1.2. Mẫu nghiên cứu.

Đối với 350 khách thể là người dân các quận nội thành Hà Nội, tham gia vào đợt khảo sát diện rộng và hình thành cơ cấu đặc điểm nhân khẩu một cách ngẫu nhiên như trình bày trong Bảng 1 dưới đây:

Bảng 1: Đặc điểm nhân khẩu của khách thể tham gia nghiên cứu
Tiêu chí Số lượng Tỷ lệ %
Tổng mẫu 350 100
Giới tính Nam 195 55,7
Nữ 155 44,3
Học vấn Phổ thông 35 10
Trung cấp, Cao đẳng 67 19,1
Đại học trở lên 240 68,6
Nghề nghiệp Công chức, viên chức 100 28,6
Công nhân 78 22,3
Học sinh, sinh viên 44 12,6
Kinh doanh 83 23,7
Lực lượng vũ trang 35 10
Ngành nghề khác 7 2
Thu nhập hàng tháng Dưới 500,000 VNĐ 77 22
Từ 500,000 đến dưới 1 triệu VNĐ 64 18,3
Từ 1 triệu đến dưới 2 triệu VNĐ 137 39,1
Từ 2 triệu VNĐ trở lên 72 20,6
Tuổi Dưới 30 152 43,4
Từ 30 đến 44 tuổi 110 31,4
Từ 45 tuổi trở lên 88 25,1
Mức sống Sung túc 7 2
Khá giả 66 18,9
Bình thường 257 73,4
Khó khăn 19 5,4
Nơi làm việc Tư nhân 94 26,9
Nhà nước 166 47,4
Tập thể 26 7,4
Liên doanh 11 3,1
Nơi khác 52 14,9
Địa bàn sinh sống Đống Đa, Thanh Xuân 128 36,6
Ba Đình, Cầu Giấy 91 26,6
Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm 91 26,6
Địa bàn khác 40 11,4

2. Kết quả nghiên cứu thực tiễn.

2.1. Những đánh giá chung về vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân.

Số liệu Bảng 2 chỉ ra rằng, điểm trung bình của các nhóm mệnh đề biểu hiện những khía cạnh khác nhau về vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp như vai trò, và công lao đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, uy tín và sự kính trọng, tài sản và thu nhập, ảnh hưởng xã hội lần lượt là: 3,70; 3,81; 3.24; 2,81.

Điểm trung bình của nhóm vai trò và công lao đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, uy tín và sự kính trọng đạt mức trung bình khá, nhưng cũng còn cách khá xa với ngưỡng dưới của mức cao. Điểm trung bình của các nhóm tài sản và thu nhập, ảnh hưởng xã hội thuộc mức trung bình. Trong đó, điểm trung bình của nhóm ảnh hưởng xã hội chỉ đạt được sát với ngưỡng trên của mức trung bình yếu.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về vấn đề này, còn được thể hiện rõ trong sự phân bố khách thể, theo mức điểm trung bình mà họ đã đạt được khi đánh giá các khía cạnh khác nhau, biểu hiện vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân.

Qua kết quả phân bố khách thể theo mức điểm trung bình mà họ đạt được, chúng tôi nhận thấy, các khách thể tham gia nghiên cứu nhìn nhận tương đối khác nhau đối với các khía cạnh khác nhau của vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân.

Cụ thể là: Đối với khía cạnh vai trò và công lao đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, uy tín và sự kính trọng, hầu hết những người tham gia nghiên cứu đều đánh giá ở mức trung bình và mức cao, chỉ có một số lượng rất nhỏ khách thể đánh giá ở mức thấp.

Trong khi, đối với khía cạnh tài sản và thu nhập, ảnh hưởng xã hội thì tỷ lệ khách thể đánh giá ở mức cao có xu hướng giảm mạnh và bù vào đó, là những đánh giá ở mức độ trung bình và mức thấp lại tăng lên rất nhiều.

Các số liệu khảo sát tổng thể của chúng tôi, biểu hiện qua kết quả điểm trung bình và phân bố khách thể theo điểm trung bình mà họ đạt được cho thấy, vị thế của các chủ doanh nghiệp tư nhân hiện nay chưa được xã hội đánh giá cao, mới chỉ ở mức độ trung bình.

Tuy nhiên, nếu ngược dòng lịch sử và so sánh kết quả đánh giá này, với đánh giá về vị thế của tầng lớp thương nhân nước ta trong xã hội Việt Nam truyền thống, và thời kỳ đổi mới. Chúng ta, mới thấy hết được giá trị của cái kết quả trung bình này như thế nào!

Bảng 2: Đánh giá của người dân về vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân
NỘI DUNG CÁC MỆNH ĐỀ Điểm trung bình
Nhóm 1: Vai trò và công lao đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội 3,70
1 Các chủ DNTN là lực lượng tích cực tham gia vào công cuộc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa ở nước ta 3,97
2 Bằng sản phẩm, các chủ DNTN giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài 3,95
3 Những người đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất hiện nay ở nước ta chính là các chủ DNTN 3,34
4 Các chủ DNTN góp phần quan trọng vào quá trình nâng cao trình độ ứng dụng khoa học công nghệ ở nước ta 3,73
5 Các chủ DNTN có nhiều đóng góp thiết thực vào việc cải tiến các phương pháp quản lý con người trong kinh doanh 3,75
6 Các chủ DNTN là những người góp phần gánh vác sứ mệnh kinh tế của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa 3,59
7 Các chủ DNTN góp phần đáng kể tăng nguồn thu nhập cho ngân sách Nhà nước 3,93
8 Các chủ DNTN đang đứng ở vị trí đầu tàu về cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước trên bước đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới 3,15
9 Các chủ DNTN tạo ra nhiều việc làm cho xã hội 4,25
10 Các chủ DNTN ủng hộ tích cực cho sự nghiệp phát triển nhân tài của đất nước 3,73
11 Các chủ DNTN giúp đỡ tích cực cho các hoạt động nhân đạo trong xã hội 3,32
Nhóm 2: Uy tín và sự kính trọng 3,81
1 Các chủ DNTN là đại diện tiêu biểu cho một thành phần quan trọng của nền kinh tế 4,12
2 Những người tài giỏi thực sự mới có thể đứng ra làm chủ DNTN được 3,77
3 Các chủ DNTN thường là những người biết đối nhân xử thế 3,49
4 Các chủ DNTN là những người thức thời trong xã hội 4,13
5 Các chủ DNTN là những người quảng cáo 3,67
6 Các chủ DNTN không phải là những người có địa vị xã hội thấp 3,82
7 Các chủ DNTN là những công dân chấp hành tốt pháp luật Nhà nước 2,99
8 Các chủ DNTN là lực lượng cần được ưu đãi, khuyến khích phát triển 4,30
9 Các chủ DNTN là những người lao động chân chính 3,34
10 Các chủ DNTN xứng đáng được tôn trọng như các giám đốc doanh nghiệp nhà nước 4,21
11 Các chủ DNTN đang là hình ảnh mơ ước của thế hệ trẻ 3,74
12 Tính tích cực của mình các chủ DNTN xứng đáng được đánh giá cao 4,14
Nhóm 3: Tài sản và thu nhập 3,24
1 Các chủ DNTN đang nắm giữ một phần lớn tài sản của xã hội 3,01
2 Những người tạo ra nhiều của cải cho xã hội chính là các chủ DNTN 3,14
3 Những người giàu có trong xã hội thường là các chủ DNTN 3,25
4 Những người hưởng thụ các điều kiện vật chất tốt thường là các chủ DNTN 3,07
5 Các chủ DNTN là những người có thu nhập cao 3,75
Nhóm 4: Ảnh hưởng xã hội 2,81
1 Các chủ DNTN có ảnh hưởng lớn đến vị thế của đất nước trên trường quốc tế 3,61
2 Các chủ DNTN có khả năng chi phối việc hoạch định đường lối, chính sách kinh tế 2,61
3 Các chủ DNTN có khả năng chi phối việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội 2,66
4 Các chủ DNTN hoàn toàn có khả năng chi phối thị trường tiêu dùng trong nước 3,05
5* Các chủ DNTN chưa có khả năng nắm giữ những lĩnh vực kinh tế quan trọng 2,89
6* Các chủ DNTN còn chưa được trọng dụng ở những cương vị xã hội quan trọng 2,21
7* Giống nhiều nhóm xã hội khác, các chủ DNTN chưa có nhiều ảnh hưởng 2,64

Ghi chú: Những mệnh đề có dấu * là những mệnh đề khi xử lý phải đổi ngược điểm.

Số liệu khảo sát trình bày trong Bảng 2, còn chỉ ra rằng, khi so sánh điểm trung bình của các mệnh đề khác nhau, có thể thấy một số biểu hiện về vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân được đánh giá khác nhau ở các khách thể tham gia nghiên cứu.

Trước hết, có thể thấy rằng, các khách thể tham gia nghiên cứu tương đối thống nhất với nhau, trong việc nhìn nhận các chủ doanh nghiệp tư nhân là những người tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội, bằng sản phẩm của mình góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, và góp phần đáng kể tăng nguồn thu nhập cho ngân sách Nhà nước (thuộc nhóm vai trò và công lao đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội).

Hoặc các chủ doanh nghiệp tư nhân cần được sự ưu đãi, khuyến khích phát triển, xứng đáng được tôn trọng như các giám đốc doanh nghiệp Nhà nước, là đại diện tiêu biểu cho một thành phần quan trọng của nền kinh tế nước ta (thuộc nhóm uy tín và sự kính trọng của xã hội).

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy, hầu hết các mệnh đề biểu hiện cho vị thế xã hội trên phương diện quyền lực (hay ảnh hưởng xã hội) của các chủ doanh nghiệp tư nhân, đều được các khách thể nghiên cứu đánh giá ở mức trung bình yếu hoặc gần sát với mức thấp.

Chẳng hạn, những đánh giá về việc trọng dụng các chủ doanh nghiệp tư nhân, ở những cương vị xã hội quan trọng, khả năng chi phối của họ đến việc hoạch định đường lối chính sách, đến việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, khả năng nắm giữ những lĩnh vực kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng trong xã hội lần lượt tương ứng với các điểm trung bình là 2,21; 2,61; 2,66; 2,89; 2,64.

Nhìn chung, xem xét chi tiết các mệnh đề biểu hiện cho vị thế xã hội, chúng tôi nhận thấy rằng, những mệnh đề biểu hiện cho các khía cạnh vị thế xã hội, được các khách thể đánh giá cao, chủ yếu thuộc hai nhóm uy tín và sự kính trọng, vai trò và công lao đóng góp của các chủ doanh nghiệp tư nhân đối với xã hội.

Điều này cho thấy, cùng với những đóng góp cho xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các chủ doanh nghiệp tư nhân đã dành được sự kính trọng nhất định của xã hội đối với họ.

2.2. Những khác biệt trong đánh giá.

Điều đáng lưu ý ở đây, là khi so sánh những kết quả đánh giá về các nhóm mệnh đề, biểu hiện các chiều cạnh khác nhau của vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân, theo tiêu chí nhân khẩu.

Chúng tôi nhận thấy có một số khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê trong đánh giá giữa các nhóm khách thể nam và nữ, giữa những người ở các độ tuổi khác nhau, giữa những người làm các ngành nghề khác nhau, và giữa những khách thể làm việc ở các khu vực kinh tế khác nhau.

Chẳng hạn, khi phân tích T – test, chúng tôi phát hiện thấy nhóm khách thể nam giới đánh giá cao hơn nhóm nữ giới, về mức độ uy tín và sự kính trọng của xã hội, đối với các chủ doanh nghiệp tư nhân, với điểm trung bình tương ứng là 3,83 và 3,78 (p < 0,05 và t = 0,92).

Một đánh giá dương tính về vị thế xã hội các chủ doanh nghiệp tư nhân, từ góc độ quyền lực và ảnh hưởng ý thức xã hội được tìm thấy thuộc về các nhóm tuổi trẻ nhất. So với các nhóm tuổi khác, đặc biệt là nhóm tuổi trên 45, nhóm tuổi dưới 30 đánh giá cao hơn mức độ quyền lực và ảnh hưởng xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân đối với các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.

Cụ thể là nhóm dưới 30 tuổi, đánh giá khía cạnh này của các chủ doanh nghiệp tư nhân ở mức độ trung bình. Trong khi, các nhóm ở độ tuổi lớn hơn, chỉ đánh giá biểu hiện này ở mức độ trung bình yếu. Nhóm khách thể là công chức, viên chức đánh giá cao hơn những người làm các ngành nghề khác.

Đặc biệt, so với nhóm học sinh, sinh viên về hiện trạng tài sản và thu nhập của các chủ doanh nghiệp tư nhân. Sự khác biệt giữa hai nhóm công chức và sinh viên, thể hiện qua điểm trung bình mà họ đạt được, tương ứng là 3,36 và 2,99 (p < 0,05 và F = 2,50).

Bảng 3: Những khác biệt trong đánh giá của người dân về vị thế xã hội của các chủ DNTN theo các tiêu chí nhân khẩu
Các biểu hiện vị thế xã hội Giới (T – test) Học vấn Tuổi (F – test) Thu nhập Nghề (F – test) Nơi làm (F – test)
1. Đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội 4,07**
2. Uy tín và sự kính trọng .92* 3,86**
3. Tài sản và thu nhập 2,50* 3,46**
4. Ảnh hưởng xã hội 3,06*

Ghi chú: Trên bảng chỉ hiển thị những giá trị khác biệt có ý nghĩa như sau: * là p < 0,05 và ** là p < 0,01.

Khi phân tích F – test, chúng tôi cũng tìm thấy có sự khác biệt trong đánh giá về một số khía cạnh biểu hiện cho vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân, ở những khách thể làm việc trong các khu vực kinh tế khác nhau.

Chẳng hạn, những người làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân có cách nhìn tích cực hơn những người làm việc ở nơi khác. Đặc biệt, là những người làm việc trong khu vực kinh tế tập thể về vị thế xã hội của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Họ là những người được cho là đánh giá cao nhất về các khía cạnh biểu hiện vị thế xã hội, như vai trò và công lao đóng góp đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước, uy tín và sự kính trọng.

Sự khác biệt này, theo chúng tôi có lẽ bắt nguồn từ sự gần gũi về không gian, do có điều kiện tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn, hiểu rõ hơn những việc làm của các chủ doanh nghiệp tư nhân, mà những người làm việc trong khu vực tư nhân này, có những cảm xúc tích cực và thiện cảm hơn, dẫn đến việc họ đánh giá cao hơn những người làm việc ở các nơi khác, về một số biểu hiện vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân.

2.3. Mối tương quan giữa các đánh giá.

Kết quả phân tích tương quan chỉ ra rằng, các biểu hiện vị thế xã hội của chủ doanh nghiệp tư nhân thể hiện trong tất cả 4 nhóm mệnh đề, có mối liên hệ thuận với nhau, ở mức độ có ý nghĩa về mặt thống kê. Chẳng hạn, vai trò và công lao đóng góp cho xã hội có mối liên hệ thuận khá chặt chẽ với uy tín và sự kính trọng, với ảnh hưởng xã hội, với tài sản và thu nhập.

Điều này, có nghĩa là, những khách thể tham gia nghiên cứu đánh giá cao biểu hiện vị thế xã hội trên bình diện vai trò, và công lao đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, thì cũng đồng thời là những người đánh giá cao uy tín và sự kính trọng, quyền lực và ảnh hưởng xã hội, cũng như tài sản và thu nhập của các chủ doanh nghiệp tư nhân.

Ngược lại, những người đánh giá thấp biểu hiện vị thế xã hội này của các chủ doanh nghiệp tư nhân, thì cũng đồng thời đánh giá thấp tất cả các biểu hiện khác về vị thế xã hội của họ.

3. Tóm lại.

Qua các số liệu khảo sát thực tiễn trình bày ở trên, có thể thấy rằng, vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân nhìn chung chưa được người dân Hà Nội đánh giá cao, mới chỉ ở mức trung bình.

Những khía cạnh biểu hiện vị thế xã hội được đánh giá tích cực hơn là uy tín và sự kính trọng, vai trò và công lao đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội. Các khía cạnh khác biểu hiện cho vị thế xã hội như hiện trạng tài sản và thu nhập, ảnh hưởng xã hội được nhìn nhận ở mức thấp hơn rất nhiều lần.

Điều này, cho thấy, những đóng góp thiết thực của các chủ doanh nghiệp tư nhân cho xã hội, đã và đang được ghi nhận và cùng với nó là sự kính trọng nhất định của xã hội dành cho thọ.

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, tuy đánh giá của người dân về một số khía cạnh biểu hiện cho vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân chưa cao như mong muốn, song cũng đã phần nào phản ánh được những nguyên nhân cốt lõi thay đổi lớn lao trong nhận thức của những người dân theo chiều hướng tích cực về các chủ doanh nghiệp tư nhân.

Mặt khác, còn thể hiện sự công nhận những đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tư nhân đối với xã hội, mà các chủ doanh nghiệp tư nhân là những đại diện tiêu biểu. Chúng ta cũng biết rằng, ở nước ta có thời kỳ đã từng tồn tại tư tưởng kỳ thị kinh doanh tư nhân.

Nghề kinh doanh đã từng bị xếp vào bậc chót trong thang bậc giá trị xã hội là “Sĩ Nông Công Thương”. Ngày nay, cùng với tiến trình đổi mới nền kinh tế xã hội của đất nước, cơ cấu nghề nghiệp đã phát triển phong phú, đa dạng lên rất nhiều và kéo theo những thay đổi lớn lao trong nhận thức của người dân về thang bậc tôn vinh nghề nghiệp của xã hội.

Ví dụ, trong nghiên cứu “Nhìn nhận của xã hội với thị trường và kinh doanh”, vị trí của thương nhân đã được nâng lên thứ nhất, và đứng trên Sĩ, Nông, Công. Tuy vậy, quan niệm về giá trị nghề nghiệp như trên đây, không phải đã bị gạt bỏ hoàn toàn trong hành vi nhận thức, cũng như trong ứng xử của người dân.

Cho đến ngày nay, trong xã hội vẫn còn đang tồn tại một số thực trạng:

– Một bộ phận không nhỏ dân cư có nhận thức chung rằng, những người làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân có địa vị xã hội thấp hơn so với các cán bộ Nhà nước;

– Các sinh viên có năng lực thường xin vào làm việc cho các doanh nghiệp Nhà nước, hoặc các chi nhánh công ty nước ngoài;

– Làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân thường là sự lựa chọn cuối cùng của đại bộ phận người lao động không có tay nghề ổn định.

Hơn nữa, người ta cũng cho rằng, một phần của kết quả kinh doanh tư nhân có nguồn gốc từ các hoạt động bất hợp phát. Thậm chí, có những cách suy nghĩ như trên còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ cán bộ của các cơ quan công quyền, và theo chúng tôi, đây chính là những nguyên nhân chủ yếu tạo ra khoảng cách giữa quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh doanh tư nhân với việc thực thi các chính sách đó trong thực tiễn.

Cũng có thể coi đây là một lời giải thích cho những hành vi thích hành doanh nghiệp của không ít các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong các bài phỏng vấn giao tiếp của chúng tôi, hầu hết những cán bộ làm việc ở các cơ quan (trực tiếp hay gián tiếp) quản lý hoạt động kinh doanh tư nhân, đều thừa nhận rằng, trong suy nghĩ cũng như trong ứng xử của họ, vẫn còn chỗ khá rộng cho phân biệt đối xử với khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Có lẽ, do vẫn còn tồn tại những cách nhận thức như trên ở người dân, mà vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân ở nước ta, chưa được đánh giá cao như đồng nghiệp của họ ở các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Tài liệu tham khảo.

[1] Nguyễn Thị Lan, Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ: “Tìm hiểu sự đánh giá của xã hội về vị thế và nhân cách lớp chủ doanh nghiệp tư nhân hiện nay ở Hà Nội”, Hà Nội, 2004.

[2] Đào Xuân Sâm, “Nhìn nhận của xã hội với thị trường và kinh doanh”, NXB Thống kê, Hà Nội, 2000.

Tác giả: Nguyễn Thị Lan
Ths. Viện Tâm lý học.


Bạn đang xem bài viết:
Đánh giá của người Hà Nội về vị thế xã hội của các chủ doanh nghiệp tư nhân
Link https://vnlibs.com/vjol/danh-gia-cua-nguoi-ha-noi-ve-vi-the-xa-hoi-cua-cac-chu-doanh-nghiep-tu-nhan.html

Hashtag: #doanhnghieptunhan #phattrienkinhte #caicachkinhdoanh #doimoixahoi #nghenghiepvaxahoi #kinhdoanhvadaoduc #vithexahoi #congbangkinhdoanh

Mô tả hình ảnh 1: Các chủ doanh nghiệp tư nhân mặc vest, trông lịch sự, ngồi uống trà ở phố cổ Hà Nội.

Mô tả hình ảnh 2: Hình ảnh thể hiện tác động tích cực của các doanh nhân khu vực tư nhân đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của một quốc gia mà không bao gồm bất kỳ văn bản hoặc nội dung nào từ bài viết được cung cấp.

Từ khóa: Doanh nghiệp tư nhân; Đổi mới kinh tế xã hội; Cải cách kinh doanh Việt Nam; Vai trò kinh tế tư nhân; Đánh giá doanh nghiệp tư nhân; Nghề nghiệp và xã hội; Đạo đức kinh doanh; Vị thế xã hội của doanh nhân.

Mọi người cũng hỏi: Vai Trò và Đánh Giá Xã Hội Đối với Doanh Nghiệp Tư Nhân Trong Quá Trình Đổi Mới Kinh Tế ở Việt Nam