Trong hoạt động sư phạm, kỹ năng giải quyết linh hoạt, khéo léo các tình huống sư phạm (THSP) là cơ sở để đánh giá năng lực sư phạm và khả năng thích ứng đối với hoạt động nghề nghiệp của người giáo viên (GV).
Kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm thể hiện phẩm chất nhân cách của người giáo viên, và là yêu cầu không thể thiếu trong cấu trúc năng lực sư phạm của họ. Kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm. Song, chưa có công trình nghiên cứu một cách có hệ thống về các yếu tố nói chung, và các yếu tố tâm lý nói riêng, ảnh hưởng đến quá trình hình thành yếu tố tâm lý này.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu kết quả khảo sát về ý kiến đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý cá nhân, đến sự hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của sinh viên (SV) tại trường Đại học Hải Phòng.
Nghiên cứu được tiến hành bằng phương pháp điều tra bảng câu hỏi trên 195 sinh viên hệ Đại học sư phạm, và 30 giảng viên phụ trách rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của Trường Đại học Hải Phòng.
1. Những yếu tố tâm lý cá nhân ảnh hưởng đến sự hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của sinh viên.
Như đã trình bày ở trên, kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sư phạm. Vì vậy, cần phải trang bị cho sinh viên kỹ năng đó ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường sư phạm. Việc hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm đòi hỏi sự quan tâm của tất cả các lực lượng tham gia giáo dục và đào tạo.
Song, sự cố gắng, nỗ lực của chính sinh viên là điều kiện quan trọng hơn cả. Bởi vì, các yếu tố tâm lý của sinh viên là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến kết quả và chất lượng kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của họ.
Khảo sát ý kiến của giáo viên và sinh viên về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm đã chỉ ra những yếu tố tâm lý cá nhân có liên quan như sau:
– Vốn tri thức hiểu biết về tâm lý học, giáo dục học, giao tiếp sư phạm và các môn học có liên quan.
– Động cơ chọn nghề.
– Hứng thú tham gia giải quyết các tình huống sư phạm trong các giờ rèn luyện nghiệp vụ sư phạm (NVSP).
– Nhu cầu hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm.
– Khả năng tư duy linh hoạt và nhạy bén.
– Óc tưởng tượng sư phạm.
– Luôn làm chủ trạng thái cảm xúc của mình.
– Sự bình tĩnh và tự tin.
– Tự giác, tích cực, chủ động trong việc hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm.
– Ý chí vượt khó khăn trong luyện tập và học tập.
– Khả năng tự kiểm tra đánh giá và khả năng tự điều khiển và điều chỉnh.
– Khả năng cố gắng vươn lên để tự khẳng định chính mình.
– Khả năng diễn đạt ngôn ngữ.
– Lòng yêu nghề và mến trẻ.
– Năng lực học tập các môn khoa học chuyên ngành.
Như vậy, theo ý kiến của giáo viên và sinh viên tại trường Đại học Hải Phòng, có tất cả 15 yếu tố chủ quan được xem là những yếu tố có ảnh hưởng đến kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm.
2. Mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý đến sự hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm.
Tìm hiểu đánh giá của khách thể về sự ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau, đến kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm cho thấy, các yếu tố này, có ảnh hưởng với các mức độ khác nhau đến kỹ năng mà chúng ta đang quan tâm.
Theo phân tích từ bảng số liệu cho thấy, một số yếu tố kết quả đánh giá chung, cũng như theo từng nhóm khách thể rất cao. Đó là, vốn hiểu biết về tâm lý học, giáo dục học, giao tiếp sư phạm và các môn học có liên quan, khả năng tư duy linh hoạt và nhạy bén, tự giác, tích cực, chủ động để hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm, bình tĩnh tự tin, và luôn làm chủ trạng thái cảm xúc của mình.
Như vậy, có sự tương đối thống nhất giữa ý kiến đánh giá của hai nhóm khách thể (giáo viên và sinh viên về các yếu tố chủ quan, có vai trò quan trọng đối với sự hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm).
Theo họ, vốn hiểu biết về tâm lý học, giáo dục học, giao tiếp sư phạm và các môn học có liên quan và khả năng tư duy linh hoạt, nhạy bén là những yếu tố làm cơ sở cho quá trình hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm. Nếu những yếu tố này thiếu hoặc yếu, thì việc hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm sẽ khó khăn và hiệu quả không cao.
Ngoài ra, giáo viên và sinh viên đề nhận thấy rằng: những tình huống sư phạm nảy sinh, đòi hỏi giải quyết trong thời gian ngắn. Cho nên, cần tư duy phải nhanh và linh hoạt. Đồng thời, giáo viên không được nóng giận, xúc phạm đến nhân cách của học sinh, có thể làm mất đi tính mẫu mực sư phạm của họ.
Họ cũng cho rằng, nếu không có hứng thú và say mê khi giải quyết các tình huống sư phạm thì kết quả sẽ không cao. Thực tế cho thấy, những sinh viên có nhu cầu, hứng thú trong việc hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm là những sinh viên say sưa với nghề nghiệp, luôn có ý thức phấn đấu vươn lên và luôn có ý thức khẳng định mình.
Trái lại, một số yếu tố không được đánh giá cao như: lòng yêu nghề, mến trẻ, khả năng diễn đạt ngôn ngữ, óc tưởng tượng sư phạm. Nhưng khi xem xét kết quả này trong từng nhóm khách thể, chúng tôi thấy đối với một vài yếu tố có sự khác biệt đáng kể.
Cụ thể: “lòng yêu nghề yêu trẻ” được sinh viên đánh giá thấp, nhưng lại được giáo viên đánh giá cao. Theo chúng tôi, sở dĩ có sự khác biệt đó là vì: sinh viên được điều tra là những sinh viên đang theo học trong học kỳ II của khóa học, sự hiểu biết của họ về khái niệm lòng yêu nghề, yêu trẻ còn hạn chế.
Theo quan niệm của sinh viên, đã vào nghề, thì tất yếu phải giải quyết được các tình huống sư phạm nảy sinh, lòng yêu nghề, yêu trẻ không ảnh hưởng nhiều đến quá trình này. Tuy vậy, theo kinh nghiệm của giáo viên, những người đã hoạt động trong nghề cho thấy, lòng yêu nghề, yêu trẻ là yếu tố quan trọng, gắn kết với nghề dạy học, giúp họ thành công trong hoạt động dạy học. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần tiếp tục giáo dục lòng yêu nghề, yêu trẻ cho sinh viên.
Ngoài ra, quan sát bảng kết quả cho thấy, có sự chênh lệch rõ rệt trong ý kiến của giáo viên và sinh viên, về ý chí vượt khó khăn trong học tập (yếu tố này được sinh viên xếp thứ 10), trong khi đó, giáo viên lại xếp thứ 4. Sự chênh lệch này chủ yếu là do sự khác biệt trong vốn sống và kinh nghiệm nghề nghiệp của hai nhóm khách thể.
Tóm lại, có 15 yếu tố chủ quan có ảnh hưởng đến sự hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm. Trong đó, có một số yếu tố có vai trò quan trọng và một số ít quan trọng hơn. Kết quả này có ý nghĩa nhất định trong việc hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm cho sinh viên Đại học Hải Phòng nói riêng, và sinh viên các trường Đại học sư phạm nói chung.
Tác giả: Đoàn Minh Tỵ
Đại học Hải Phòng
Bạn đang xem bài viết:
Một số yếu tố tâm lý chủ quan ảnh hưởng đến sự hình thành kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm của sinh viên
Link https://vnlibs.com/vjol/yeu-to-tam-ly-anh-huong-den-ky-nang-giai-quyet-tinh-huong-su-pham-cua-sinh-vien.html