Nghiên cứu nhận thức phụ thuộc và hành vi vui chơi của trẻ em mẫu giáo

Phong cách nhận thức (cognitive style) trở thành đối tượng nghiên cứu của tâm lý học vào những năm 80 của thế kỷ XVIII, gắn liền với sự ra đời của các trắc nghiệm đo lường trí tuệ trong tâm lý học và giáo dục học từ ý tưởng của Ebbinghaus, Webster và Galton.

Phong cách nhận thức được miêu tả là cách thức ổn định đặc trưng của cá nhân trong hoạt động nhận thức (Kirby năm 1979, Saracho năm 1987,…). Phong cách nhận thức tuy không liên quan trực tiếp đến nội dung và trình độ nhận thức của cá nhân, nhưng đối với những khác biệt cá nhân trong tổ chức, cấu trúc và hình thức nhận thức ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động nhận thức nói riêng, và hoạt động tâm lý nói chung của con người.

Trong các lĩnh vực nghiên cứu phong cách nhận thức, các tác giả đã đưa ra những cách hiểu khác nhau về bản chất, nguồn gốc và cách phân loại phong cách nhận thức như: Cross 1976, Kogan 1976, Messick 1976, Vernon 1973, Witkin 1976, Goldstein và Blackman 1978,… Trong đó, Messick đã liệt kê ra 19 loại phong cách nhận thức khác nhau.

Trong số các loại phong cách nhận thức, loại “Độc lập và phụ thuộc tương đối vào bối cảnh (hay trường) nhận thức” (viết tắt: phong cách nhận thức độc lập – phụ thuộc) được nghiên cứu sâu rộng hơn cả. Nhà tâm lý học người Mỹ là H. A. Witkin được coi là cha đẻ của lý thuyết phong cách nhận thức độc lập phụ thuộc.

Trong thời chiến tranh thế giới lần thứ 2, người ta nhận thấy rằng, khi bị mất điều khiển từ mặt đất, một số phi công chiến đấu vẫn có thể duy trì khả năng định hướng trong không gian, trong khi một số khác thì bị mất phương hướng và bay lộn ngược trên bầu trời.

H. A. Witkin và cộng sự đã xây dựng một số trắc nghiệm để nghiên cứu về sự kiện này. Ông phát hiện ra rằng, một số người có khả năng tách đối tượng tri giác ra khỏi trường tri giác, trong khi một số khác lại chỉ có thể tri giác một đối tượng nào đấy, và bối cảnh như một chỉnh thể thống nhất.

Ông gọi nhóm người thứ nhất là “độc lập với trường”, còn nhóm người thứ hai là “phụ thuộc vào trường”. Trên cơ sở nghiên cứu về sự khác biệt cá nhân trong tri giác, H. A. Witkin mở rộng nghiên cứu ở các quá trình nhận thức khác và đi đến kết luận: “Khi nhận thức thế giới xung quanh, con người sử dụng hai phong cách độc lập tương đối và phụ thuộc tương đối vào trường nhận thức”. Sau đó, ông đưa ra khái niệm phong cách nhận thức độc lập phụ thuộc (H. A. Witkin, 1974, 1976, 1977, 1978, 1981).

Phong cách nhận thức độc lập phụ thuộc được Witkin định nghĩa là “những khác biệt cá nhân trong năng lực tách biệt đối tượng (item) nhận thức khỏi bối cảnh hay trường của nó (field or context)”. Hay nói cách khác, đó là “sự khác biệt cá nhân ở mức độ độc lập với các dấu hiệu ngoại cứ (bên ngoài) trong nhận thức” (Witkin và Goodnough, 1981).

Sau khi lý thuyết của H. A. Witkin ra đời, hàng loạt các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này đã xuất hiện. Các hướng nghiên cứu chính là:

– “Bản chất và đặc điểm phát triển của phong cách nhận thức độc lập phụ thuộc”, Goldstein và Blackman (1978), Kogan (1976, 1989), Kirby (1979),…

– “Mối quan hệ giữa phong cách nhận thức độc lập phụ thuộc và các năng lực nhận thức, trí tuệ”, Goldstein và Blackman (1978), Kogan (1989), Kent và Davis và Cochran (1990).

– “Mối quan hệ giữa phong cách nhận thức độc lập phụ thuộc và năng lực xã hội”, Fitzgibbons (1965), Messick và Damarin (1964), Wallach (1976), Ruble và Nakamura (1972), Saracho (1987,1990).

– “Ứng dụng sư phạm của lý thuyết phong cách nhận thức độc lập phụ thuộc”, Cross (1976), Witkin (1977), Saracho (1987), Ennis (1991).

Một số tác giả đề xuất rằng, phong cách nhận thức độc lập – phụ thuộc là một biến số dẫn đến sự khác biệt cá nhân trong hành vi chơi của trẻ em mẫu giáo. Theo hướng nghiên cứu này, phải kể đến các tác giả Beller (1958), Coates (1972), Lord và Jakabovics (1975), Jenning (1975), Steel (1981), Saracho (1987,1991).

Beller (1958) là người đầu tiên sử dụng khái niệm xu hướng dựa vào các yếu tố bên trong bản thân đối lập với xu hướng dựa vào các yếu tố bên ngoài trong nhận thức (internal vs external reliance) là biến số để tìm hiểu hành vi trong hoạt động vui chơi của trẻ em mẫu giáo.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em có phong cách nhận thức độc lập thường biểu hiện các hành vi thể hiện xu hướng tự lực, kiên trì thực hiện hoạt động, như tự khởi xướng trò chơi, cố gắng vượt qua mọi trở ngại và chơi đến cùng, độc lập, tự chủ và dựa vào các giá trị của bản thân, nhằm đạt được sự thỏa mãn, vừa lòng trong hoạt động. Ngược lại, trẻ em phụ thuộc thường có các hành vi thể hiện xu hướng tìm kiếm sự quan tâm, và giúp đỡ của người khác cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trong một nghiên cứu khác, Coates (1972) phát hiện được mối quan hệ giữa hoạt động chơi và phong cách nhận thức độc lập – phụ thuộc của trẻ em mẫu giáo từ 4 tuổi đến 5 tuổi. Trẻ phụ thuộc có xu hướng chơi trò chơi gia đình, hoạt động mang tính xã hội cao, đòi hỏi sự phối hợp và giao tiếp với trẻ em khác. Trong khi đó, trẻ em độc lập lại thích chơi các trò chơi xây dựng và ghép hình.

Coatest, Lord và Jakabovics (1975) trong nghiên cứu mở rộng, đã chứng minh giả thuyết “Những trẻ thể hiện hứng thú với hoạt động đòi hỏi sự tham gia xã hội hơn là hoạt động cá nhân độc lập, sẽ có phong cách nhận thức phụ thuộc tương đối. Những trẻ hứng thú với các hoạt động cá nhân độc lập như chơi một mình (xây dựng) sẽ có phong cách nhận thức độc lập”.

Jenning (1975) nghiên cứu mối quan hệ giữa phong cách nhận thức và hành vi chơi của trẻ em từ cách tiếp cận khác nhau. Tác giả sử dụng thuật ngữ “Hướng vào vật thể đối lập với việc hướng vào con người (Object versus – People Orientation)” để miêu tả sự khác biệt cá nhân trong hành vi chơi, trong mối liên quan với phong cách nhận thức của trẻ.

Kết quả quan sát hoạt động vui chơi của trẻ em trong các buổi vui chơi tự do ở các trường mẫu giáo, cho phép tác giả rút ra được kết luận: “Những trẻ có phong cách nhận thức độc lập thường thích chơi với đồ chơi, đồ vật, thực hiện tốt hơn các bài tập đòi hỏi sự tổ chức và phân loại sự vật, cũng như có khả năng sử dụng đồ vật tốt hơn. Ngược lại, trẻ có phong cách nhận thức phụ thuộc thể hiện rõ xu hướng con người, được bạn bè lựa chọn nhiều hơn, và dễ dàng hòa nhập, thích ứng với người khác”.

Steel (1981) và Saracho (1985, 1991) lần đầu tiên nghiên cứu mối quan hệ giữa phong cách nhận thức và hành vi vui chơi của trẻ em một cách có hệ thống hơn. Steel sử dụng 5 hành vi chơi là tính giả bộ, hoạt bát ngôn ngữ, chơi hết mình, tính hài hước và hành vi gây hấn để tìm hiểu ảnh hưởng của phong cách nhận thức độc lập phụ thuộc đến hành vi chơi của trẻ em từ 5 tuổi đến 6 tuổi.

Số liệu thu được đã khẳng định tính đúng đắn của lý thuyết Witkin. Tương tự như vậy, Saracho tiến hành 2 nghiên cứu, một nghiên cứu trên trẻ em Mỹ từ 3 đến 5 tuổi, một nghiên cứu trên trẻ em Mexico. Mối tương quan chặt chẽ giữa phong cách nhận thức độc lập phụ thuộc và sự khác biệt cá nhân trong hành vi chơi của trẻ mẫu giáo đã được chứng minh ở các đề tài này.

Kết quả nghiên cứu cũng cho phép tác giả kết luận dưới tác động của môi trường sống và giáo dục, có thể làm thay đổi hành vi chơi của trẻ độc lập và phụ thuộc theo hướng tích cực.

Qua khái quát lịch sử nghiên cứu vấn đề, chúng ta nhận thấy vấn đề ảnh hưởng của phong cách nhận thức độc lập – phụ thuộc đến hành vi chơi của trẻ em mẫu giáo, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà tâm lý học trên thế giới.

Ở tại đất nước Việt Nam, thực tiễn giáo dục mầm non hiện nay cho thấy, ngành học này đã và đang thay đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục trẻ em. Một trong những phương pháp giáo dục trẻ nhỏ là từng bước thực hiện quan điểm giáo dục và dạy học hướng vào trẻ, tôn trọng nhu cầu, hứng thú, tính tích cực và những khác biệt cá nhân của mỗi trẻ em.

Đổi mới tổ chức hoạt động chơi cho trẻ ở các trường mầm non cũng không nằm ngoài định hướng này. Để chủ động phát triển và phát huy vai trò của hành động chơi đối với trẻ có phong cách nhận thức khác nhau (độc lập hay phụ thuộc), và đưa ra những cơ sở khoa học đề xuất ý kiến nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động chơi cho trẻ, việc nghiên cứu ảnh hưởng của phong cách nhận thức đến hành vi trong hoạt động vui chơi là cần thiết đối với trẻ em lứa tuổi mẫu giáo.

Tài liệu tham khảo

[1] Gardner, H. (1997), “Cơ cấu trí khôn. Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn”, NXB Giáo dục.

[2] Goldstein, K. M. & Blackman, S. (1978), “Cognitive Style: Five Approaches and Relevant Research”, New York: John Wiley & Sons, Inc.

[3] Witkin, H. A. & Goodenough, D. R. (1981), “Cognitive Style: Essence and Origins. Field Dependent and Independent”, New York: International Universities Press, Inc.

Tác giả: Trần Thị Nga
Ths. Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo TW1


Bạn đang xem bài viết:
Sơ lược lịch sử vấn đề nghiên cứu phong cách nhận thức độc lập phụ thuộc và hành vi chơi của trẻ mẫu giáo (3 đến 6 tuổi)
Link https://vnlibs.com/vjol/nghien-cuu-nhan-thuc-phu-thuoc-va-hanh-vi-vui-choi-cua-tre-em-mau-giao.html

Hashtag: #CognitiveStyle #PsychologyResearch #CognitiveDevelopment #EducationalPsychology #CognitiveAssessment #FieldDependenceIndependence #WitkinTheory #ChildBehavior #CognitiveDifferences #SocialCognition #phongcachnhanthuc #tamlynghiencuu #phattriennhanthuc #tamlygiaoduc #danhgianhanthuc #lythuyetwitkin #hanhvicuatreem #sukhacbietnhanthuc #nhanthucxahoi

Mô tả hình ảnh 1: Sự thể hiện trừu tượng các phong cách nhận thức trong tâm lý học, không có văn bản hoặc nội dung cụ thể

Mô tả hình ảnh 2: Trẻ mầm non từ 3 đến 6 tuổi vui chơi tại sân chơi mẫu giáo với những biểu cảm buồn, khóc, cười vui

Từ khóa: Phong cách nhận thức; Nghiên cứu tâm lý học; Phát triển nhận thức; Trắc nghiệm đo lường trí tuệ; Lý thuyết Witkin; Hành vi trẻ em; Khác biệt cá nhân; Năng lực xã hội; Ứng dụng sư phạm.

Mọi người cũng hỏi: Phong Cách Nhận Thức Độc Lập và Phụ Thuộc: Ảnh Hưởng và Ứng Dụng Trong Tâm Lý Học Giáo Dục