Nhân dân ta xưa từng có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Câu nói này hình như đối lập với những câu đại loại như: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” hay “Anh em như thể chân tay”.
Song, nếu xét về bản chất, những câu tục ngữ này có những điểm giống nhau là đều xuất phát từ lợi ích, từ nhu cầu về vật chất và tinh thần của đời sống con người trong những hoàn cảnh cụ thể.
Nhu cầu được bảo vệ của mỗi cá nhân buộc người ta phải tùy cơ ứng biến, phải biết ứng xử linh hoạt để giữ gìn và duy trì sự an sinh của mình dù ở mức độ thống nhất. Người Việt Nam ta ở trong nước cũng như vậy, và ở nước ngoài cũng như vậy. Cũng chính vì thế mà tính cộng đồng vẫn mãi được duy trì suốt trong trường kỳ lịch sử, và tính cá nhân rất ít có được những đổi thay để có thể trở thành một động lực cho sự phát triển.
Với quá trình hội nhập trong thế giới hiện đại. Một mặt, chúng ta phải mở rộng, và mặt khác cũng phải đề cao khái niệm cá nhân chân chính trong quan hệ với các nước khác trên thế giới, các khu vực và các vùng lãnh thổ xung quanh nước ta.
Ở đây, một vấn đề học thuật được đặt ra là có hay không có một ý thức lân bang, một ý thức khu vực đang chi phối thái độ và hành vi ứng xử của mỗi người. Xin thưa là có!
Tuy nhiên, có thể cho rằng, ý thức lân bang đã xuất hiện từ trong trường kỳ lịch sử. Nhưng nó thường có tính chất kỳ thị, mang đậm màu sắc định kiến, thành kiến, định hình ít đổi thay trong quan hệ giữa các tộc người, giữa các dân tộc với nhau.
Ý thức về đồng chủng, đồng văn thì ít, nhưng ý thức cảnh giác thì nhiều. Vì người ta luôn luôn phải gồng mình lên để gìn giữ lấy cương vực, lãnh thổ, lấy thuần phong, mỹ tục trước họa xâm lược và thôn tính của ngoại bang.
Nếu quan hệ bang giao, dù có được xác lập giữa hai nước với nhau, thì mục đích của nó cũng là để duy trì sự hòa hiếu, bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc. Ngày nay, các nước và các vùng lãnh thổ lân bang với nước ta, đều phấn đấu để từng bước xây dựng một ý thức chung, một giá trị chung với các mức độ nông sâu khác nhau.
Ý thức này, giá trị này, thể hiện ở nguyện vọng chung về sự liên minh, và hợp tác trên cơ sở gần gũi về địa lý, về chủng tộc, về ngôn ngữ, về lịch sử, về văn hóa, thông qua việc thành lập các tổ chức kinh tế, các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội trong khuôn khổ chính phủ và phi chính phủ. Các nước, các cơ quan hữu quan, đang từng bước tiến tới hình thành và phát triển một ý thức chung giữa hai bên và nhiều bên, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Khắc phục những khác biệt về tư tưởng hệ, khẳng định lại những mặt tương đồng, hạn chế những chỗ dị biệt, xây dựng những mục tiêu chung, mà trước mắt là xác lập và củng cố một nền hòa bình lâu dài, một sự ổn định bền vững, một sự phồn vinh và thịnh vượng chung cho các dân tộc, đang trở thành xu thế mới để tiến tới củng cố và phát triển một ý thức chung trong khu vực và giữa các nước trong khu vực nói chung.
Vậy, do những nguyên nhân nào, có thể đưa đến chỗ xây dựng một ý thức tốt đẹp với các vùng lãnh thổ, với các khu vực, với các châu lục khác nhau trong thế giới ngày nay?
Thứ nhất, đó là sự giao lưu ngày càng mở với các nước lân bang, với các vùng lãnh thổ nhằm xử lý tốt những vấn đề chung về kinh tế, về địa lý, về tài nguyên và môi trường,… đang nổi lên và đang đòi hỏi phải có nỗ lực chung để giải quyết.
Thứ hai, đó là quá trình quốc tế hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, và đó là sự minh chứng một cách đầy thuyết phục cho sự xuất hiện và phát huy tác dụng của quy luật hội nhập quốc tế trên toàn cầu.
Liên lập giữa các quốc gia nổi lên như một hiện tượng hiển nhiên, và tất cả các nước đều phải phụ thuộc vào nhau về nhiều phương diện, nhất là về nguồn tài nguyên khoáng sản, môi trường trong sạch, dịch bệnh và sự bảo vệ tàn phá của thiên nhiên,…
Thứ ba, đó là mạng lưới du lịch ngày càng được mở rộng. Khi điều kiện kinh tế đã được bảo đảm, thì nhu cầu du lịch của mọi người trở thành một đòi hỏi cần được đáp ứng. Biết bao nhiêu danh lam thắng cảnh, của ngon vật lạ, biết bao nhiêu đặc sắc kỳ thú, bao nhiêu vùng sinh thái vốn xưa kia chỉ là những sở thích, những hứng thú của một số người giàu có, thì trong thời đại ngày nay, đang là đối tượng được chiêm ngưỡng, được sử dụng của đại đa số công dân trên thế giới.
Thứ tư, đó là sự phát triển với gia tốc chưa từng thấy của các phương tiện truyền thông đại chúng, như: truyền hình, truyền thanh, điện thoại di động, internet,… đã thỏa mãn về cả phương diện cộng đồng, hay về cả phương diện cá nhân cho rất nhiều người, với rất nhiều thị hiếu, thói quen, sở thích khác nhau ở mọi khu vực trên thế giới. Tài sản văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi khu vực đang có điều kiện trở thành sở hữu chung của hàng triệu con người trên hành tinh của chúng ta.
Cũng từ sự thay đổi lớn lao về nhiều mặt và xuất hiện sự hình thành và tồn tại một ý thức chung của các nước lân bang, các khu vực, các vùng lãnh thổ của nhiều nước, đối với một nước đã làm nảy sinh nhu cầu phải thiết lập các hiệp định về lao động, về hôn nhân, giữa các tộc người và giữa các dân tộc. Ở khu vực của chúng ta, hiện tượng xã hội này đang xuất hiện ngày một tăng, và được minh chứng qua các số liệu thống kê của Sở Tư Pháp Thành Phố Hồ Chí Minh vào năm 2003.
– Kết hôn với nam công dân Đài Loan: có 12,293 trường hợp, chiếm tỷ lệ 35,63% số trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. Có khoảng 85% các trường hợp kết hôn với người Đài Loan thông qua các tổ chức môi giới hôn nhân.
– Độ tuổi của phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan, bao gồm: dưới 20 tuổi có khoảng 1,880 trường hợp chiếm tỷ lệ 49,59%, và độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi có khoảng 9,188 trường hợp, chiếm tỷ lệ 71,27%.
Ghi nhận, trong năm 1999 có khoảng 54%. Trong đó, độ tuổi của nam Đài Loan lấy vợ Việt Nam như sau: dưới 30 tuổi có khoảng 1,851 trường hợp chiếm tỷ lệ 14,36%; độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi có khoảng 10,736 trường hợp chiếm tỷ lệ 83,28%; và độ tuổi trên 60 có 305 trường hợp chiếm tỷ lệ 2,36%.
Động cơ của đa số phụ nữ Việt Nam đi lấy chồng Đài Loan, bắt nguồn từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm chiếm 72%. Về phía đất nước Đài Loan, phần lớn những người chồng này là dân lao động ở vùng nông thôn, khó có điều kiện để lấy vợ ở chính xứ xở của mình. Do trình độ thu nhập thấp, một số người tuổi đã cao và có khuyết tật từ các giác quan chân tay.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc, từ khu vực Đà Nẵng trở vào từ năm 1993 đến năm 1997, có 856 người khuyết tật về chân tay, có 76 người chậm phát triển về trí tuệ đã kết hôn với phụ nữ người Việt Nam. Theo nhận định của một số cơ quan nghiên cứu ở vùng lãnh thổ sở tại, thì 70% các gia đình mà cô dâu là người Việt Nam, sống trong không khí hạnh phúc và còn 30% còn lại thì sống một cuộc sống bất hạnh.
Báo chí cũng đã nói nhiều, bàn nhiều với những nhận định tích cực và tiêu cực khác nhau về người lao động Việt Nam đi lao động tại các nước, các vùng lãnh thổ lân cận. Họ bị ngược đãi, bị đối xử thậm tế, có người bỏ trốn, sống chui lủi trong rừng, thiếu ăn thiếu mặt, thiếu nơi ở, phải luôn luôn lo sợ cảnh sát ở các nước sở tại truy tìm và bỏ tù. Thậm chí, có người bị ốm đau, bệnh tật không có thuốc thang, không người thân chăm sóc, và còn có người đã bỏ mạng nơi đất khách quê người.
Để góp phần nâng cao ý thức với các khu vực lân bang, trong quá trình hội nhập quốc tế, và từng bước tích cực hóa thái độ, hành vi của các cô dâu Việt Nam ở nước ngoài, của những người lao động của nước ta đến đó. Về phần mình trong những phạm vi nhất định, công tác thông tin giao tiếp qua các phương tiện đại chúng phải được đẩy mạnh, góp phần xây dựng ý thức láng giềng giữa các nước lân bang, nhằm cung cấp những hiểu biết tối thiểu nhưng cần thiết về những vùng lãnh thổ mà người lao động sẽ làm việc, và phụ nữ Việt Nam có nguyện vọng sẽ làm dâu tại đấy.
Chỉ khi có sự quảng bá tri thức về nhiều mặt, thì mới có tiếp thu được tri thức, và dần dần mới có ý thức và tự ý thức về khu vực, về cộng đồng xã hội và về chính cá nhân của mỗi người. Phải thừa nhận một thực tế, là trình độ học vấn nói chung, trình độ tay nghề nói riêng của người lao động Việt Nam, các cô dâu trẻ vị thành niên Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Đối với những lao động Việt Nam ở nước ngoài, phải có một trình độ ngoại ngữ tối thiểu, để làm việc và giao tiếp, phải thành thạo một số công việc (kể cả người đi làm thuê tại các gia đình) mà nhà chủ lao động yêu cầu.
Những phụ nữ muốn làm dâu tại nước ngoài, nhất thiết phải có những hiểu biết về nếp sống, phong tục tập quán, về các thức ứng xử, ăn ở trong gia đình, về pháp luật và nhất là phải được tìm hiểu kỹ về người mà mình sẽ định lấy làm chồng.
Nhiều trường hợp chị em phụ nữ Việt Nam, chỉ lấy chồng thông qua các dịch vụ môi giới đến từ các công ty khác nhau, các cá nhân môi giới cũng rất liều nhắm mắt đưa chân. Có thể nói rằng, họ đi đến hôn nhân mà không có tình yêu. Liệu chúng ta có thể yên tâm không cần suy nghĩ gì về hiện tượng này không?
Động cơ của những cô dâu Việt Nam ở nước ngoài rất khác nhau, và có rất nhiều tham vọng khác nhau. Có thể quy thành mấy điểm chính như sau:
– Tham vọng muốn cải thiện đời sống đói nghèo của gia đình mình tại quê hương.
– Tham vọng thay đổi tương lai của bản thân, hy vọng sẽ có một cuộc sống khá giả hơn.
– Tham vọng nhàn nhã, có hạnh phúc và nhờ sự giàu có của người chồng tương lai.
– Tham vọng ra nước ngoài, miễn có người chồng bảo lãnh. Sau đó, nếu thấy không phù hợp, không toại nguyện thì sẽ sẵn sàng ly hôn để đi lấy người chồng ngoại quốc khác.
– Tham vọng muốn được hưởng những khoản thừa kế lớn, sau khi người chồng già yếu, hoặc có khuyết tập kia đã chết.
Do không có thông tin chính xác, do bị lừa dối, do không có những hiểu biết tối thiểu về văn hóa gia đình, về luật pháp, về tình yêu và về sự khác biệt văn hóa, đã có rất nhiều người phụ nữ Việt Nam đã sa vào những hoàn cảnh bất hạnh. Những lời hứa đường mật trước khi kết hôn chỉ còn là những thảm cảnh cay đắng cho cả một cuộc đời sau này.
Nếu bị lừa gạt sang một khu vực có đường biên giới gần với nước ta, thì may ra còn có cơ hội quay trở về Việt Nam. Nhưng lấy chồng ở một nơi cách xa, cách biển lại không biết tiếng địa phương, thì thật khó mà trở về lại với cha mẹ, với quê hương Việt Nam được.
Các công ty đưa người đi lao động ở nước ngoài, các tổ chức xã hội ở nông thôn, các cá nhân làm môi giới cho các cuộc hôn nhân mà người chồng, người vợ không hề hiểu biết về nhau, sẽ còn phải có trách nhiệm như thế nào đây?
Những người lao động và những cô dâu bỏ trốn, bị truy lùng, bị bỏ tù, bị đuổi về nước không có được một đồng xu dính túi, lại phải lo trả nợ hàng chục triệu đồng để lo các giấy tờ xuất cảnh, mà trước đây phải vay tiền ngân hàng và bà con thân thích. Chắc chắn, sẽ phải gánh chịu trách nhiệm cá nhân về sự tự lựa chọn, tự quyết định sai lầm, trong sự vội vã thiếu ý thức và bồng bột của chính bản thân mình!
Bên cạnh những mặt tích cực, thì những mặt trái này, sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi nạn nhân, cũng như cho sự xây đắp một ý thức tốt đẹp chung giữa các nước trong khu vực, các vùng lãnh thổ lân bang trong quá trình hội nhập quốc tế, đang trở thành một xu thế phổ biến trong thời đại của chúng ta ngày nay.
Tác giả: Hoàng Kim
Giáo Sư, Tiến Sĩ, Viện Tâm Lý Học
Bạn đang xem bài viết:
Ý thức lân bang với các nước khu vực – Nơi các cô dâu và người lao động Việt Nam đang sống và làm việc
Link https://vnlibs.com/vjol/y-thuc-lan-bang-noi-cac-co-dau-va-nguoi-lao-dong-viet-nam-dang-song-va-lam-viec.html