Các nghiên cứu của nhiều học giả nước ngoài cho rằng, các nhân tố xã hội như sự kiện cuộc đời, chỗ dựa xã hội, tính chất của hoàn cảnh khó khăn… đóng vai trò quan trọng đối với cách ứng xử của trẻ trong các hoàn cảnh khó khăn.
Với những khó khăn tâm lý đặc trưng của lứa tuổi này, cách ứng phó của trẻ chịu nhiều chi phối của các điều kiện bên ngoài là điều dễ hiểu. Và điều này, cũng được thể hiện qua kết quả nghiên cứu của chúng tôi với đối tượng là trẻ vị thành viên ở Việt Nam, trong bối cảnh văn hóa và xã hội Việt Nam.
Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi khảo sát mối liên quan của một số cách ứng phó, có ý nghĩa đối với trẻ vị thành viên trong những hoàn cảnh khó khăn như: tìm kiếm chỗ dựa tình cảm, lý giải hoàn cảnh một cách tích cực, kiềm chế bản thân, lên kế hoạch,…
Ngoài ra, còn có khảo sát mối liên quan ứng phó chủ động thay thế bằng những hành vi tiêu cực với một số nhân số xã hội như: mức độ trải nghiệm các sự kiện của cuộc đời, chỗ dựa xã hội từ các mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô và bạn bè, thành tích học tập đạt được qua các năm học (số năm xếp loại học sinh giỏi, tiên tiến, trung bình, yếu kém).
Tiếp theo, chúng tôi còn khảo sát mối liên quan những thành tích nổi bật trong hoạt động ở nhà trường (bao gồm các giải thưởng cấp quận, thành phố, quốc gia về tất cả các mặt hoạt động, thi học sinh giỏi, thi đua về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào Đoàn, phong trào Đội,…) và vị thế kinh tế xã hội của gia đình (bao gồm trình độ học vấn, loại nghề nghiệp, và chức vụ của cha mẹ, mức sống của gia đình).
Ghi chú: Trên bảng chỉ thể hiện những hệ số tương quan có ý nghĩa thống kê với r* khi p < ,05 và r** khi p < ,01.
Kết quả hiển thị trên bảng 1 sẽ cho thấy tìm kiếm chỗ dựa tình cảm có hệ số tương quan dương tính rất cao với chỗ dựa xã hội chung (r = 0,57 và p < 0,01) . Trong đó, nó có tương quan dương tính với cả 3 nguồn của chỗ dựa xã hội: bạn bè, thầy cô, cha mẹ; với vị thế kinh tế xã hội của gia đình (r = 0,10 và p < 0,05).
Điều đó, có nghĩa là khi điểm của thang điểm tìm kiếm chỗ dựa tình cảm càng cao, thì điểm chỗ dựa xã hội càng cao, điểm vị thế kinh tế xã hội cũng cao và ngược lại, khi điểm của thang điểm này thấp, thì điểm của hai thang điểm kia cũng thấp.
Trong đó, mối tương quan với chỗ dựa xã hội mạnh hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, thang điểm về cách ứng phó tìm kiếm chỗ dựa tình cảm còn có hệ số tương quan dương tính với tần số của các sự kiện liên quan đến học tập, đến gia đình và bản thân, hệ số âm tính với các sự kiện trường học.
Có nghĩa là, điểm tìm kiếm chỗ dựa tình cảm càng cao, thì điểm của thang các sự kiện âm tính trong học tập, trong gia đình và với bản thân càng cao, với điểm các sự kiện trường học càng thấp và ngược lại.
Có thể diễn giải ý nghĩa của chúng như sau: trẻ vị thành viên thường tìm kiếm chỗ dựa tình cảm khi gặp khó khăn trong học tập, trong quan hệ với gia đình, với bạn bè và trong những tình huống bất thường (chia sẻ với bạn bè hoặc cha mẹ,…). Ngay cả khi chúng có chỗ dựa xã hội vững chắc ở cha mẹ, thầy cô và bạn bè.
Ngoài ra, còn xảy ra khi vị thế kinh tế xã hội của gia đình không cao. Hoặc, khi chúng gặp ít những sự kiện âm tính trong học tập (bị điểm kém, kết quả học tập không như mong muốn,…), trong gia đình (người thân bị ốm nặng hoặc chế, khó khăn về tiền nong, cha mẹ không hòa thuận, bị bố mẹ mắng và phạt đánh,…) và có ít những bất hạnh với bản thân (bị ốm nặng, bị xa lánh, bị đối xử bất công,…). Đôi khi, có nhiều sự kiện trường học như quan hệ với bạn bè và thầy cô, ở trường (cãi nhau, đánh nhau với bạn, xích mích với bạn, ấn tượng không tốt của thầy cô,…).
Trong các mối quan hệ này, thì mối quan hệ của cách ứng phó tìm kiếm chỗ dựa về mặt tình cảm với chỗ dựa xã hội thực tế, mà trẻ có được trong cuộc sống được thể hiện mạnh hơn, rõ ràng hơn so với những nhân tố khác. Trong đó, đặc biệt phải kể đến chỗ dựa bạn bè trong cuộc sống tình cảm của trẻ vị thành niên.
Điều này, đặc biệt có ý nghĩa ở chỗ, nếu như trẻ có được những chỗ dựa vững chắc, có nơi đáng tin cậy để thổ lộ tâm tình, chia sẻ những suy nghĩ của mình thì khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng sẽ tìm kiếm ở những nơi có sự đồng cảm, cảm thông, và sự an ủi cũng như sự chia sẻ những điều mà chúng đang lo lắng.
Đây là cách ứng phó cần thiết cho trẻ ở lứa tuổi vị thành niên, khi chúng còn chưa có đủ kinh nghiệm sống và sống nặng về tình cảm. Nếu như trẻ không có được chỗ dựa tin cậy này, thì với đặc điểm phát triển tâm lý còn non nớt của mình, trẻ dễ có những phản ứng bất lợi trong cuộc sống hiện tại.
1. Lý giải một cách tích cực về tình huống khó khăn.
Những lý giải một cách tích cực về tình huống khó khăn (kiểu suy nghĩ như: qua khó khăn em có thêm kinh nghiệm sống; em hiểu rõ hơn khả năng của mình; đây là bài học tốt cho em;…) là một cách ứng phó có chiều hướng tích cực, giúp con người vượt qua stress trong tình huống khó khăn một cách dễ dàng hơn.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, điểm đo cách ứng phó này có hệ số tương quan dương tính tương đối cao với chỗ dựa xã hội chung (với cả 3 nguồn: cha mẹ, thầy cô, bạn bè), khi r = 0,32 và p < 0,01. Các hệ số tương quan với chỗ dựa cha mẹ, thầy cô, bạn bè lần lượt là r = 0,18 và r = 0,25 và r = 0,29 với p < 0,01.
Cách ứng phó này, còn có tương quan nghịch với thành tích trong học tập và hoạt động nhà trường khác, với hệ số tương ứng là r = – 0,10 và r = – 0,13; với việc trải nghiệm các sự kiện âm tính trong nhà trường là r = – 0,19 và p < 0,01.
Ý nghĩa của nó là trước các tình huống khó khăn, trẻ thường lý giải hoàn cảnh theo chiều hướng tích cực, khi chúng càng có những chỗ dựa xã hội vững chắc, có nhiều kết quả học tập và các hoạt động trong nhà trường tốt và ít trải qua các sự kiện âm tính trong nhà trường.
Trong số các nhân tố có tương quan, có ý nghĩa thống kê với các cách ứng phó này, nổi bật lên là chỗ dựa xã hội (đặc biệt là chỗ dựa bạn bè) với hệ số tương quan lớn nhất, có quan hệ mạnh nhất với cách lý giải tích cực tình huống khó khăn. Một lần nữa, chúng ta thấy vai trò đáng chú ý của chỗ dựa xã hội đối với cách mà trẻ ứng phó với các khó khăn trong cuộc sống.
2. Ứng phó bằng cách kiềm chế bản thân.
Ứng phó bằng cách kiềm chế bản thân với những phản ứng đặc trưng, như giữ tinh thần để không quá bị sốc trước khó khăn, có khoảng thời gian để suy nghĩ về những điều đã xảy ra, tránh những hành động bộc phát, chờ thời điểm thích hợp để hành động,… cũng là cách được nhiều em lựa chọn.
Kiểu ứng phó này liên quan đến những nhân tố xã hội nào? Kết quả ở bảng khảo sát số 1, cho thấy nó có tương quan thuận với chỗ dựa xã hội (thầy cô và bạn bè), với vị thế kinh tế xã hội của gia đình, và tương quan nghịch với mức độ trải nghiệm các sự kiện âm tính trong cuộc sống (sự kiện gia đình và sự kiện của bản thân).
Hệ số tương quan của cách ứng phó này với các nhân tố trên không cao lắm, lần lượt chiếm tỷ lệ: r = 0,15 và p < 0,01 (chỗ dựa xã hội chung); r = 0,13 và p < 0,01 (chỗ dựa thầy cô); r = 0,14 và p < 0,01 (chỗ dựa bạn bè); r = 0,10 và p < 0,05 (sự kiện gia đình); r = 0,11 và p < 0,05 (sự kiện bản thân); r = 0,11 và p < 0,05 (vị thế kinh tế xã hội của gia đình). r = – 0,12 và p < 0,05 (sự kiện chung).
Như vậy, kiềm chế bản thân là cách ứng phó được sử dụng nhiều ở những trẻ em có chỗ dựa xã hội vững chắc. Đặc biệt, chỗ dựa là thầy cô và bạn bè, ít trải nghiệm các sự kiện âm tính trong cuộc sống, nhất là các sự kiện trong gia đình và với bản thân, có vị thế gia đình không cao trong xã hội.
3. Ứng phó tích cực bằng cách lên kế hoạch.
Lên kế hoạch là kiểu ứng phó tích cực bằng hành động thiết thực với những tình huống khó khăn, như sắp xếp kế hoạch để hành động, nhằm vượt qua được hoàn cảnh khó khăn, cố gắng làm theo kế hoạch đã vạch ra, nghĩ ra những công việc tiếp theo phải làm, sắp xếp lại cuộc sống của mình và lên danh sách những việc cần phải làm trong tương lai,…
Trong nghiên cứu này, kết quả khảo sát mối tương quan giữa các biến số cho thấy, lên kế hoạch có mối tương quan thuận với chỗ dựa xã hội tương đối mạnh (với cả 3 nguồn là cha mẹ, thầy cô và bạn bè). Trong đó, thầy cô và bạn bè có ưu thế nhiều hơn cha mẹ.
Các hệ số tương quan giữa cách ứng phó này với chỗ dựa xã hội chung là r = 0,25 khi p < 0,01; với chỗ dựa cha mẹ là r = 0,12 khi p < 0,01; với chỗ dựa thầy cô là r = 0,21 khi p p < 0,01; với chỗ dựa bạn bè là r = 0,24 khi p < 0,01.
Như thế, kết quả khảo sát trong mẫu điều tra của chúng tôi, cho thấy trẻ càng có chỗ dựa vững chắc ở trước hết là bạn bè, thầy cô rồi đến cha mẹ, sẽ càng có kiểu ứng phó bằng cách lên kế hoạch để hành động hơn những đứa trẻ có chỗ dựa không vững chắc.
Ngoài ra, kiểu ứng phó này còn có mối tương quan có nghĩa về mặt thống kê tỷ lệ thuận với vị thế kinh tế xã hội gia đình (r = 0,11 và p < 0,05) và tỷ lệ nghịch với sự kiện âm tính ở trường học (r = – 0,19 và p < 0,01).
Nó cho thấy, 2 nhân tố xã hội này cũng có mối liên quan nhất định với cách ứng phó này theo những mức độ khác nhau. Các thông số thống kê này, cho ý nghĩa là ở những em có vị thế gia đình không cao (cha mẹ không có chức vụ, trình độ học vấn bình thường, mức sống cũng bình thường), ít trải nghiệm các sự kiện ở trường học, thì thường lên kế hoạch hành động khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
4. Ứng phó chủ động trong hoàn cảnh khó khăn.
Một kiểu phản ứng xuất hiện trong hoàn cảnh khó khăn với tên gọi là ứng phó chủ động. Bao gồm, những cách thức như: tìm hiểu nguyên nhân xảy ra hoàn cảnh, chỉ tập trung suy nghĩ đến những gì cần phải làm để thoát khỏi khó khăn một cách tốt đẹp, quyết tâm tự mình vượt qua khó khăn, tập trung sức lực để làm thay đổi hoàn cảnh.
Cũng như ứng phó bằng cách lên kế hoạch, cách ứng phó này có liên quan đến chỗ dựa xã hội mà trẻ có được (cả cha mẹ, thầy cô và bạn bè). Ngoài ra, nó còn liên quan đến những thành tích nổi bật trong hoạt động ở trường, và những sự kiện trong học tập và ở trường học.
Ý nghĩa các hệ số tương quan hiển thị ở bảng 1 của cách ứng phó này cho biết: trẻ có cách ứng phó tích cực thường có chỗ dựa xã hội vững chắc, đã từng đạt nhiều thành tích tốt trong hoạt động ở trường (trong học tập cũng như trong các phong trào thi đua khác), trải nghiệm nhiều sự kiện dương tính trong học tập và ít các sự kiện âm tính trong nhà trường (cãi nhau với bạn bè, đánh nhau với các bạn, bị thầy cô có thành kiến, bị vi phạm kỷ luật của nhà trường,…).
Trong khó khăn, một số trẻ hay có những phản ứng bằng cách gây ra những hành vi tiêu cực như hút thuốc lá, dùng bia rượu, sử dụng chất kích thích, ma túy, gây gỗ và phá phách. Những hành vi này, không liên quan đến chỗ dựa cha mẹ và thầy cô, nhưng có quan hệ chặt chẽ với chỗ dựa bạn bè (r = – 0,13 và p < 0,01). Đặc biệt, liên quan nhiều đến việc trải nghiệm các sự kiện âm tính của trẻ (r = – 0,49 và p < 0,01) trong học tập, trong gia đình và với bản thân.
Ý nghĩa của các hệ số tương quan ở đây là: trẻ có những hành vi tiêu cực trước các tình huống khó khăn là những trẻ, có ít chỗ dựa ở bạn bè, không tìm được ở mối quan hệ này những lời khuyên, sự chia sẻ, cảm thông và đặc biệt là trải nghiệm nhiều những sự kiện âm tính trong cuộc sống của mình (bị điểm kém, bỏ học, hay gây gổ đánh nhau với bạn, bị thầy cô có thành kiến, bị đối xử bất công, bản thân thực hiện những hành vi lệch chuẩn, gia đình có nhiều chuyện không hay,…).
Ở những trẻ em không có những nhân tố này, hoặc có, nhưng rất ít, thì thường ít thực hiện các hành vi tiêu cực. Trong các nhân số vừa nêu trên, thì các biến cố trong cuộc sống hay là những sự kiện âm tính có tần suất xuất hiện nhiều nhất ở những trẻ có hành vi tiêu cực.
Bản thân hiện tượng này là một lời cảnh báo về những đối tượng có nguy cơ cao trước các tệ nạn xã hội, là những người gặp nhiều sự cố trong cuộc sống của mình (đặc biệt là trẻ em) nhưng không có hoặc thiếu chỗ dựa về mặt tinh thần, cũng như mặt vật chất ở những người thường xuyên gần gũi xung quanh.
Khảo sát mối tương quan giữa các cách ứng phó của trẻ vị thành niên trong các hoàn cảnh khó khăn với những nhân tố xã hội cho thấy, một nét chung nhất là tất cả các cách ứng phó mà trẻ thường sử dụng đều có mối quan hệ nhất định với chỗ dựa xã hội, với việc trải nghiệm các sự kiện cuộc đời. Ngoài ra, mỗi cách ứng phó cũng có những mối tương quan riêng với những nhân tố khác, như thành tích học tập, thành tích hoạt động ở trường, vị thế kinh tế xã hội của gia đình.
Về cơ bản, có thể ra một luận điểm là những đứa trẻ có chỗ dựa xã hội vững chắc về mặt tinh thần, sẽ có nơi để chia sẻ, nhận được sự cảm thông, sự an ủi cũng như giúp đỡ, có sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau,… và cũng có định hướng tốt đẹp. Đồng thời, ít trải qua những sự kiện âm tính trong cuộc sống thì thường sẽ có những cách ứng phó tích cực trước mọi hoàn cảnh khó khăn (tìm kiếm chỗ dựa tình cảm, biết kiềm chế bản thân không những hành động đáng tiếc, biết lên kế hoạch hành động, ứng phó tích cực, lý giải một cách tích cực tình huống xảy ra, không có những hành vi tiêu cực).
Ngược lại, những đứa trẻ không có hoặc có chỗ dựa, nhưng không chắc chắn và hay gặp phải những sự kiện không hay trong cuộc sống, thì thường có cách ứng phó tiêu cực hơn. Có thể nói, chỗ dựa xã hội và việc trải nghiệm các sự kiện cuộc sống là hai nhân tố quan trọng nhất trong số các nhân tố xã hội, có mối liên quan đến cách ứng phó mà trẻ lựa chọn trong những tình huống khó khăn. Trong đó, chỗ dựa xã hội có mối quan hệ mạnh hơn và chặt chẽ hơn.
5. Kết luận.
Kết quả cũng cho thấy, trong 3 nguồn chính của chỗ dựa xã hội (cha mẹ, thầy cô, bạn bè) thì bạn bè chiếm vị trí nổi bật hơn trong mối liên quan với cách ứng phó của trẻ em. Nghiên cứu đặc điểm tâm lý của trẻ ở lứa tuổi vị thành niên cho thấy, quan hệ bạn bè ở lứa tuổi này là quan trọng nhất trong các mối quan hệ xã hội của trẻ.
Kết quả của nghiên cứu thực tiễn càng khẳng định hơn vai trò của bạn bè, không chỉ trong quá trình xã hội hóa của trẻ, mà còn cả trong sự trưởng thành, sự thuần thục tâm lý của trẻ vị thành niên.
Tác giả: Phan Thị Mai Hương
TS. Viện Tâm lý học.
Bạn đang xem bài viết:
Mối tương quan giữa cách ứng phó của trẻ vị thành niên trong hoàn cảnh khó khăn với các nhân tố xã hội
Link https://vnlibs.com/vjol/moi-tuong-quan-giua-cach-ung-pho-cua-tre-vi-thanh-nien-trong-hoan-canh-kho-khan.html