Không khí tâm lý lớp học của học sinh Trung Học Cơ Sở tại Hà Nội

Kết quả học tập của học sinh trong nhà trường là tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, không khí lớp học đóng một vai trò quan trọng.

Không khí tâm lý lớp học tích cực, sẽ là một môi trường thuận lợi cho sự phát triển nhân cách nói chung, và phát triển năng lực nhận thức nói riêng của học sinh.

1. Khái niệm không khí tâm lý lớp học là gì?

Ở tại đất nước Việt Nam, hướng nghiên cứu về không khí tâm lý đã được nhiều tác giả quan tâm: “Không khí tâm lý xã hội” (Ngô Công Hoàng, 1993); “Không khí xã hội” (Đào Thị Oanh, 1999); “Bầu không khí tâm lý” (Mạc Văn Trang, 2001); “Không khí tâm lý” (Phạm Thị Tiết Hạnh, 2000);…

Tuy cách diễn đạt có thể khác nhau, song về bản chất có thể hiểu không khí tâm lý là trạng thái tâm lý chung của một nhóm người, phản ánh tính chất của các mối quan hệ liên nhân cách trong nhóm, ở mức độ hài lòng của mỗi thành viên trong nhóm, đối với hoạt động chung của nhóm.

Lớp học là một nhóm xã hội được tạo nên bởi giáo viên và học sinh. Trong đó, thành viên chủ yếu và quan trọng nhất của lớp học là các em học sinh. Trong phạm vi nhà trường, thống nhất với M.V. Saldern và K.E. Littig, chúng tôi hiểu: “Không khí tâm lý lớp học là trạng thái tâm lý chung của các học sinh trong cùng một lớp học, phản ánh tính chất của mối quan hệ liên nhân cách trong lớp học và cảm nhận của học sinh đối với giờ học”.

Do đó, không khí tâm lý lớp học: là trạng thái tâm lý chung tương đối ổn định của các học sinh trong lớp; là gắn liền với sự cảm nhận của từng học sinh trong cùng một lớp; là phản ánh mối quan hệ giáo viên và học sinh, quan hệ học sinh và học sinh, và cảm nhận của học sinh trong lớp về giờ học; là ảnh hưởng tới tính tích cực học tập của cá nhân học sinh, được hình thành như một quá trình.

2. Giới thiệu Bộ câu hỏi tìm hiểu không khí tâm lý lớp học.

Trong thực tế, học sinh ít có cơ hội thể hiện suy nghĩ, cảm nhận của mình về mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau, cũng như về bài giảng của giáo viên. Thế giới nội tâm của học sinh về vấn đề này cũng khó định được, nếu chỉ dừng lại ở việc quan sát.

Tuy nhiên, thông qua việc sử dụng Bộ câu hỏi LASSO 4-13 của M.V. Saldern và K.E. Littig (1987, CHLB Đức), chúng ta có thể biết được cảm nhận của học sinh trong lớp học về từng phạm vi nói riêng, cũng như về không khí tâm lý lớp học nói riêng của từng lớp học cụ thể.

LASSO 4-13 bao gồm ba phạm vi (quan hệ giáo viên – học sinh, quan hệ học sinh – học sinh, cảm nhận chung về giờ học), với 17 nội dung được thể hiện qua 142 câu hỏi. Mỗi câu sẽ được học sinh đánh giá theo 4 mức độ: Hoàn toàn đúng; Gần đúng; Hầu như không đúng; Hoàn toàn không đúng.

LASSO 4-13 được sử dụng như một bộ câu hỏi quốc gia, để tìm hiểu không khí tâm lý lớp học từ lớp 4 đến lớp 13 trong nhà trường phổ thông ở Cộng Hòa Liên Bang Đức. Giáo viên, lãnh đạo trường cũng như nhà nghiên cứu,… có thể thông qua LASSO 4-13: Tìm hiểu cảm nhận của học sinh về thực trạng không khí tâm lý lớp học (LASSO – hiện tại); Tìm hiểu cảm nhận của học sinh về không khí tâm lý lớp học mà học sinh mong muốn (LASSO – mong muốn); Tìm hiểu cảm nhận của giáo viên về thực trạng không khí tâm lý lớp học.

Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi mới dừng lại ở việc tìm hiểu cảm nhận của học sinh về thực trạng, và mong muốn của học sinh về không khí tâm lý lớp học. Bài viết này, chỉ trình bày kết quả nghiên cứu thực trạng không khí tâm lý lớp học ở các trường Trung Học Cơ Sở Hà Nội. Mong muốn của học sinh về không khí tâm lý lớp học sẽ được giới thiệu trong một bài viết khác.

3. Thực trạng không khí tâm lý lớp học ở các trường THCS Hà Nội.

Kết quả phân tích sự cảm nhận của học sinh về thực trạng không khí tâm lý lớp học (qua trả lời LASSO 4-13 kết hợp cùng phương pháp quan sát, phỏng vấn, thống kê toán học,…) ở 309 học sinh và 59 giáo viên ở 10 lớp khối 8 tại ba trường THCS công lập trên địa bàn Hà Nội (Nguyễn Trãi, Yên Sở, Đại Áng) cho thấy:

3.1. Quan hệ giữa giáo viên và học sinh.

Số liệu bảng 1 thể hiện cảm nhận của học sinh THCS về mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Trong số năm nội dung, “sự quan tâm của giáo viên đối với học sinh” được đánh giá cao nhất, nội dung “sự tôn trọng của học sinh đối với giáo viên” bị đánh giá thấp nhất. Cảm nhận về các nội dung khác (sự hài lòng của giáo viên đối với học sinh; sự công bằng của giáo viên đối với học sinh; sự cởi mở sẵn sàng lắng nghe ý kiến học sinh của giáo viên) đều đạt hoặc vượt ngưỡng trung bình.

Bảng 1: Cảm nhận của học sinh về quan hệ giữa Giáo viên và Học sinh
Các nội dung ĐTB ĐLC Thứ bậc
Sự quan tâm của giáo viên đối với học sinh 2,98 0,50 1
Sự hài lòng của học sinh đối với giáo viên 2,61 0,51 2
Sự công bằng của giáo viên đối với học sinh 2,53 0,65 3
Sự cởi mở, lắng nghe ý kiến học sinh của giáo viên 2,51 0,54 4
Sự tôn trọng của học sinh đối với giáo viên 2,28 0,72 5

Tuy nhiên, số liệu trên cũng đặt ra cho chúng tôi hai câu hỏi:

Thứ nhất, tại sao sự tôn trọng của học sinh đối với giáo viên bị đánh giá thấp, trong khi sự quan tâm của giáo viên đối với học sinh lại được học sinh đánh giá khá cao? Hiện tượng thiếu tôn trọng giáo viên có rất nhiều nguyên nhân, bắt nguồn từ hai phía là giáo viên và học sinh. Về phía học sinh, thực thế cho thấy là trong lớp học thường tồn tại một số học sinh cá biệt, những em này thường hay quấy rối trong giờ học và có thái độ thiếu tôn trọng giáo viên.

Thứ hai, liệu nội dung sự quan tâm của giáo viên đối với học sinh (vốn được học sinh đánh giá cao nhất) có phải là nội dung có ảnh hưởng tích cực nhất đến mối quan hệ giáo viên và học sinh hay không? Kết quả phân tích tương quan và hồi quy đều cho thấy. Tất cả các nội dung đều có tương quan thuận với quan hệ giáo viên và học sinh, và đều có thể dự báo được mức độ thay đổi của quan hệ này.

Trong đó, nội dung sự công bằng của giáo viên đối với học sinh có mức độ dự báo cao nhất, sự thay đổi của nó có thể giải thích cho 71,6% sự thay đổi của quan hệ giáo viên và học sinh. Tiếp đó, là sự hài lòng của học sinh đối với giáo viên (62,3%), sự cởi mở lắng nghe ý kiến học sinh của giáo viên (59,1%). Chỉ có hai khía cạnh sự quan tâm của giáo viên đối với học sinh và sự tôn trọng của học sinh đối với giáo viên là có mức độ dự báo thấp hơn hẳn so với ba khía cạnh kia (chỉ hơn 20%).

Nhìn chung, quan hệ giữa giáo viên và học sinh là bình thường. Trong số các nội dung tạo nên mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, sự công bằng của giáo viên, sự cởi mở, lắng nghe ý kiến học sinh của giáo viên có tác dụng lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng mối quan hệ này.

3.2. Quan hệ giữa học sinh và học sinh.

Cũng giống như quan hệ giáo viên và học sinh, quan hệ học sinh và học sinh cũng được xem xét ở nhiều nội dung khác nhau như: học sinh trong lớp có đoàn kết hay chia rẽ, có sẵn sàng giúp đỡ bạn, có tôn trọng các bạn khác, có phân biệt đối xử với một số bạn, có hài lòng với bạn, có ganh đua với bạn bè không? (Ganh đua ở đây được hiểu là sự cạnh tranh không lành mạnh trong lớp học, gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ giữa học sinh với nhau. Ngược lại với ganh đua là không ganh đua). Điểm trung bình của các nội dung này, theo đánh giá của học sinh thể hiện ở bảng 2.

Bảng 2: Cảm nhận của học sinh về mối quan hệ Học sinh và Học sinh
Các nội dung ĐTB ĐLC Thứ bậc
Sự sẵn sàng giúp đỡ bạn 2,80 0,67 1
Sự hài lòng với bạn bè 2,69 0,58 2
Sự đoàn kết trong học sinh 2,46 0,61 3
Sự đối xử không phân biệt 2,33 0,75 4
Sự tôn trọng bạn bè 2,26 0,69 5
Thái độ không ganh đua 2,23 0,59 6

Kết quả của bảng 2 cho thấy: Trong phạm vi quan hệ giữa học sinh với nhau, học sinh đánh giá cao nhất nội dung sự sẵn sàng giúp bạn và sự hài lòng về bạn (với điểm trung bình là 2,80 và 2,69). Kết quả này, theo chúng tôi, phần nào thể hiện truyền thống tương thân tương ái vốn đã hình thành nên như một bản sắc vốn có của con người Việt Nam.

Một nguyên nhân nữa, xuất phát từ đặc điểm lứa tuổi: Thiếu niên rất coi trọng quan hệ bạn bè. Mỗi em thường tham gia vào một nhóm bạn nhất định trong lớp. Là thành viên của một nhóm, mỗi em sẽ nhận được sự giúp đỡ của các thành viên khác.

Nội dung sự tôn trọng bạn và thái độ không ganh đua có điểm số thấp nhất và dưới trung bình (2,26 và 2,23). Qua phỏng vấn một số học sinh, chúng tôi được biết: Những học sinh hay mách lẻo thường bị các bạn trong lớp tẩy chay. Trong lớp học thường có sự cạnh tranh về điểm số. Những giáo viên và học sinh được phỏng vấn đều công nhận việc học sinh so bài kiểm tra, kiện cáo về điểm kiểm tra thường xuyên xảy ra.

Như vậy, trong 6 nội dung của quan hệ học sinh và học sinh, có bốn nội dung đạt điểm dưới trung bình. Dường như, quan hệ học sinh và học sinh ở các trường THCS Hà Nội không được tích cực lắm. Vậy, trong sáu nội dung đó, nội dung nào sẽ có tác dụng cải thiện mối quan hệ giữa học sinh với nhau?

Kết quả phân tích tương quan và hồi quy, giúp chúng tôi khẳng định: Sự đoàn kết của học sinh trong lớp học, sự đối xử không phân biệt giữa bạn bè là hai khía cạnh có ảnh hưởng mạnh nhất tới tính chất của quan hệ giữa học sinh với học sinh, với tỷ lệ dự báo sự biến đổi là 77% và 67,4%.

Qua phỏng vấn các em học sinh, chúng tôi được biết: Trong mỗi lớp học, một số em học sinh chơi thân với nhau hơn, sẽ tạo thành một nhóm bạn. Nhìn chung, những nhóm bạn này thường chung sống hòa bình. Nhưng ở một số lớp, các em chia bè kéo cánh, khiến mối quan hệ giữa các nhóm trở nên căng thẳng. Điều này, ảnh hưởng tiêu cực tới bầu không khí tâm lý chung của cả lớp.

Tóm lại, học sinh trong lớp càng đoàn kết, quan hệ giữa học sinh với nhau càng tốt đẹp. Để cải thiện mối quan hệ giữa học sinh và học sinh trong trường THCS Hà Nội hiện nay, chúng ta cần phải nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các em học sinh trong lớp học, và khắc phục một số tồn tại trong học sinh hiện nay, như sự thiếu tôn trọng bạn bè, đối xử phân biệt và sự ganh đua không lành mạnh.

3.3. Cảm nhận của học sinh về giờ học.

Các số liệu về cảm nhận của học sinh đối với giờ học được hiển thị tại bảng 3. Số liệu bảng 3 cho thấy:

Bảng 3: Cảm nhận của học sinh về giờ học
Các khía cạnh ĐTB ĐLC Thứ bậc
Cách truyền đạt của giáo viên 2,91 0,52 1
Sự ghi nhận của giáo viên 2,81 0,63 2
Sự hài lòng về giờ học 2,71 0,63 3
Sự tham gia của học sinh 2,23 0,69 4
Ít chịu áp lực học tập 2,20 0,60 5
Kỷ luật lớp học 1,91 0,50 6

Trong phạm vi cảm nhận chung của học sinh về giờ học, những nội dung xuất phát từ phía giáo viên thường được học sinh đánh giá cao hơn những nội dung xuất phát từ phía học sinh. Hai nội dung được đánh giá cao nhất là cách truyền đạt của giáo viên và ghi nhận của giáo viên về sự cố gắng của học sinh (điểm số tương ứng là 2,91% và 2,81%). Hai nội dung bị đánh giá thấp là kỷ luật lớp học và sự tham gia của học sinh (1,91% và 2,23%).

Kỷ luật trật tự trong giờ học là nội dung có điểm số dưới trung bình và thấp nhất trong phạm vi này, cũng như trong toàn bộ các nội dung bảng hỏi. Theo ý kiến của một số giáo viên và học sinh tham gia phỏng vấn, thực trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, ý thức học tập của một số học sinh chưa cao. Thứ hai, những khó khăn còn tương đối phổ biến trong nhà trường, đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học như: sỉ số học sinh trong một lớp khá đông, chưa có đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường còn một số bất cập,…

Trong các nội dung có điểm số dưới trung bình, còn có nội dung tạm gọi là ít chịu áp lực về kết quả học tập. Điều này, có nghĩa là học sinh cũng chịu những áp lực nhất định trong học tập. Qua phỏng vấn sâu vấn đề, chúng tôi được biết:

Trong quá trình thích nghi với chương trình đổi mới, kết quả học tập không chỉ gây ra áp lực đối với học sinh, mà ngay cả giáo viên cũng chịu rất nhiều áp lực. Theo lời một số hiệu trưởng chia sẻ, những khó khăn của giáo viên và học sinh trong trường THCS hiện nay, một phần bắt nguồn từ cách phân bổ chương trình giáo dục kiểu mới.

Trong một tiết học, các giáo viên phải truyền đạt tương đối nhiều nội dung mới. Đồng thời, học sinh phải tiếp nhận lượng kiến thức lớn một cách dồn dập, với quá nhiều bài tập. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên áp lực học tập.

Những phân tích trên cùng với kết quả phân tích hồi quy, đã giúp chúng tôi đi đến kết luận: Sự tham gia của học sinh vào giờ học, ít chịu áp lực về kết quả học tập, việc giáo viên ghi nhận sự cố gắng của học sinh là những yếu tố quan trọng có tương quan thuận với chất lượng của giờ học. Trong đó, sự tham gia của học sinh là thước đo cơ bản nhất của một giờ học tích cực.

3.4. Cảm nhận của học sinh về không khí tâm lý lớp học.

Trên đây, chúng ta đã tìm hiểu từng bộ phận cấu thành nên không khí tâm lý lớp học. Vậy cảm nhận chung của học sinh Trung Học Cơ Sở Hà Nội về không khí tâm lý lớp học là như thế nào? Số liệu của vấn đề này, được hiển thị trong bảng 4.

Bảng 4: Cảm nhận của học sinh THCS Hà Nội về không khí tâm lý lớp học
Nội dung ĐTB ĐLC Thứ bậc
Quan hệ giáo viên – học sinh 2,56 0,41 1
Quan hệ học sinh – học sinh 2,48 0,48 2
Đặc điểm của giờ học 2,41 0,31 3
Không khí tâm lý lớp học 2,49 034

Qua bảng số liệu số 4, chúng ta có thể thấy, nhìn chung, học sinh cảm nhận ở mức độ trung bình về không khí tâm lý lớp học. Trong các yếu tố cấu thành nên không khí tâm lý lớp học, học sinh cảm nhận tích cực nhất về mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, tiếp đến là quan hệ giữa học sinh với nhau, cảm nhận chung về giờ học còn có phần hạn chế.

4. Kết luận.

Tuy số lượng khách thể nghiên cứu còn khá hạn chế, nhưng những kết quả nghiên cứu của bước đầu đã cho thấy:

– Nhìn chung hiện nay, học sinh THCS Hà Nội chưa đánh giá tích cực về không khí tâm lý của lớp mình đang học. Cảm nhận của học sinh về hiện trạng không khí tâm lý lớp học mới chỉ dừng lại ở mức độ trung bình.

– Trong khi học sinh có cảm nhận tích cực về sự quan tâm của giáo viên, sự sẵn sàng giúp bạn và khả năng truyền đạt bài giảng của giáo viên, thì những nội dung liên quan tới sự tôn trọng giáo viên, thái độ không ganh đua của học sinh và kỷ luật trật tự trong giờ học, hiện chưa được học sinh đánh giá cao.

– Mặc dù, từng nội dung đều có ý nghĩa riêng, song sự công bằng của giáo viên và sự đoàn kết trong học sinh, cũng như sự tham gia của học sinh vào giờ học là những nội dung có ý nghĩa quan trọng nhất đối với học sinh, để tạo nên một bầu không khí tâm lý lớp học tích cực.

Do đó, phát huy những mặt tích cực, hạn chế những tồn tại. Đồng thời, định rõ được mức độ ảnh hưởng của từng nội dung tới không khí tâm lý lớp học, không chỉ cần thiết đối với học sinh, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với người giáo viên, để hướng tới hình thành những cảm nhận tốt đẹp của học sinh về không khí tâm lý lớp học của mình.

Tài liệu tham khảo.

[1] Trần Hiệp, “Tâm lý học xã hội – Những vấn đề lý luận”, NXB Khoa học Xã Hội, Hà Nội, 1997.

[2] Nguyễn Thị Phương Hoa, “Không khí tâm lý lớp học của học sinh THCS Hà Nội”, Luận văn Thạc sĩ, Hà Nội, 2005.

[3] Matthias v. Saldern, Kurt Ernst Littig, “Landauer Skalen zum Sozialklima – LASSO 4-13”, Beltz Test GmbH, Weinheim, 1987.

[4] Tran Thi Bich Tra, “Die Validitaet des LASSO im interkulturellen Vergleich – eine empirische Untersuchung an deutschen und vietnamesischen Kindern (Dissertation)”, Uni. Potsdam – BRD, 1995.

Tác giả:
Nguyễn Thị Phương Hoa, Viện Tâm Lý Học
Trần Thị Bích Trà, Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục


Bạn đang xem bài viết:
Không khí tâm lý lớp học của học sinh Trung Học Cơ Sở tại Hà Nội
Link https://vnlibs.com/vjol/khong-khi-tam-ly-lop-hoc-cua-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-tai-ha-noi.html

Hashtag: #GiaoDuc #HocTap #NhaTruong #KhongKhiTamlyLopHoc #TamLyLopHoc

Mô tả hình ảnh 1: Kết quả học tập của học sinh trong nhà trường là tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, không khí lớp học đóng một vai trò quan trọng.

Mô tả hình ảnh 2: Bầu không khí lớp học

Từ khóa: Không khí tâm lý lớp học; Không khí tích cực; Nhân cách học sinh trung học; Phát triển năng lực học sinh; Môi trường học tập; Cảm nhận học sinh; Quan hệ giáo viên và học sinh; Quan hệ học sinh và học sinh; Bầu không khí giờ học.

Mọi người cũng hỏi: