Khi tiến hành phân vùng du lịch, việc xác định được hệ thống phân vị là một nhiệm vụ quan trọng. Dự án phân vùng du lịch có hiệu quả.
Mang tính khoa học thực tiễn và hệ thống không phụ thuộc nhiều vào việc xác định hệ thống phân vị. Trên thế giới và ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các hệ thống phân vị du lịch khác nhau.
– Theo E. Kotliarov (1978) đề nghị sử dụng hệ thống phân vị theo bốn cấp: nước cộng hòa – vùng liên khu, tỉnh – vùng du lịch – địa phương du lịch, tiểu vùng du lịch.
– Viện Nghiên cứu tổng hợp về Thiết kế lãnh thổ, Xây dựng đô thị và Kiến trúc Bungari (1973) đưa ra hệ thống phân vị gồm ba cấp: đới – tiểu vùng – vùng.
– Nhà địa lý Dilev lại sử dụng hệ thống phân vị gồm năm cấp: đối tượng du lịch – hạt nhân du lịch – khu du lịch – tiểu vùng du lịch – vùng du lịch cơ bản.
– M. Buchvarop (1978) đã xây dựng hệ thống phân vị gồm năm cấp: điểm du lịch – hạt nhân du lịch – tiểu vùng – á vùng – vùng.
– Trong “Báo cáo tóm tắt Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 – 2010” các nhà khoa học đã sử dụng hệ thống phân vị gồm năm cấp: điểm du lịch – trung tâm du lịch – tiểu vùng du lịch – á vùng du lịch – vùng du lịch.
– Theo Khoản 6,7,8,9 Điều 4, Chương I – Luật Du lịch Việt Nam (năm 2005) còn đưa thêm các đơn vị phân vị trong hệ thống phân vị như: khu du lịch, đô thị du lịch.
1. Điểm du lịch
Điểm du lịch là cấp thấp nhất trong hệ thống phân vị về mặt lãnh thổ, điểm du lịch có quy mô nhỏ, trên bản đồ các vùng du lịch người ta có thể hiểu điểm du lịch, là những điểm riêng biệt. Sự chênh lệch về diện tích của các điểm du lịch là tương đối lớn.
Điểm du lịch là nơi tập trung tài nguyên du lịch, hay cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, hoặc kết hợp cả hai ở quy mô nhỏ. Vì thế, điểm du lịch có thể được phân thành hai loại: điểm tài nguyên và điểm chức năng.
Thời gian lưu trú của khách từ 1 đến 2 ngày (trừ các điểm du lịch chức năng, thí dụ như điểm du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh).
Theo Khoản 6, Điều 1 – Luật Du lịch Indonesia đã xác định điểm du lịch như sau: “Trước hết đó là một vị trí có tài nguyên du lịch và có sức hấp dẫn, sức hút đối với con người. Tất cả những điều này đều được Chính phủ xác định và quản lý. Việc xây dựng các điểm này phục vụ cho du lịch phải được đảm bảo bốn yêu cầu:”
“Thứ nhất, có khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội tại địa phương. Thứ hai, đảm bảo giữ gìn được những giá trị văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán đang tồn tại ở địa phương. Thứ ba, bảo vệ môi trường sinh thái. Thứ tư, đảm bảo sự phát triển du lịch lâu dài”.
Theo khoản 8, Điều 4, Chương I – Luật Du lịch Việt Nam (năm 2005): “Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch”.
Theo Khoản 1,2, Điều 24 – Chương IV, Luật Du lịch Việt Nam (năm 2005): “Các điều kiện để công nhận là điểm du lịch gồm:
– Điểm du lịch có đủ các điều kiện sau được công nhận là điểm du lịch quốc gia: Có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn đối với nhu cầu tham quan của khách du lịch; Có kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch cần thiết, khả năng đảm bảo phục vụ ít nhất một trăm nghìn lượt khách tham quan một năm.
– Điểm du lịch có đủ các điều kiện sau được công nhận là điểm du lịch địa phương: Có tài nguyên du lịch hấp dẫn với nhu cầu tham quan của khách du lịch; Có kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch cần thiết, có khả năng đảm bảo phục vụ ít nhất mười nghìn lượt khách tham quan một năm.
2. Khu du lịch
Các nhà khoa học du lịch Trung Quốc đã đưa ra khái niệm và đặc điểm về khu du lịch: “Khu du lịch được xác định là đơn vị cơ bản để làm quy hoạch và quản lý du lịch, là thể tổng hợp địa lý lấy chức năng du lịch làm chính và nội dung quy hoạch, quản lý để triển khai các hoạt động du lịch.”
Khu du lịch là nơi có tài nguyên du lịch ưu thế nổi bật về cảnh quan thiên nhiên được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm thỏa mãn đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường (Khoản 7, Điều 4, Chương I – Luật du lịch Việt Nam năm 2005). Thực tế nhiều khu du lịch có ưu thế nổi bật cả về tự nhiên và nhân văn.
– Khu du lịch có đủ các điều kiện sau đây, được công nhận là khu du lịch Quốc gia:
Có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn với ưu thế cảnh quan thiên nhiên, có khả năng thu hút lượng khách cao.
Có diện tích tối thiểu 1000 ha. Trong đó, diện tích cần thiết để xây dựng các công trình, cơ sở dịch vụ du lịch phù hợp với cảnh quan, môi trường của khu du lịch. Trường hợp đặc biệt, mà diện tích nhỏ hơn thì cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở Trung ương, trình Thủ tướng Chính Phủ xem xét, quyết định.
Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất một triệu lượt khách du lịch một năm. Trong đó, có cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch cần thiết phù hợp với đặc điểm của khu du lịch.
– Theo Luật du lịch Việt Nam cũng như ý kiến của các nhà khoa học du lịch các nước, cho thấy khu du lịch có một số đặc điểm:
Khu du lịch phải có tài nguyên đủ sức hấp dẫn khách du lịch, lấy hoạt động du lịch làm chức năng. Thu nhập từ hoạt động du lịch phải chiếm tỷ trọng tương đối lớn, và được xếp vị trí ưu tiên số một so với các ngành khác. Có kết cấu hạ tầng, các dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu du lịch hoặc mua sắm của du khách.
– Khu du lịch được phân loại theo nhiều cách:
Theo thực trạng phát triển có khu du lịch đã hình thành và khu du lịch tiềm năng. Theo yếu tố địa lý có khu du lịch ven biển, khu du lịch vùng núi, khu du lịch rừng, khu du lịch ven hồ, khu du lịch suối khoáng, khu du lịch đồng bằng,…
Theo hình thức hoạt động có khu du lịch tham quan, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch săn bắn, khu du lịch thể thao. Theo nguồn gốc hình thành có khu du lịch tự nhiên, và khu du lịch văn hóa.
3. Tuyến du lịch
Tuyến du lịch là lộ trình liên kết các khu du lịch gắn với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không (Khoản 9, Điều 4, Chương I – Luật Du lịch Việt Nam năm 2005).
– Các tuyến du lịch với các điều kiện sau đây, được công nhận là tuyến du lịch Quốc gia: Nối kết các khu du lịch, điểm du lịch, trong đó có khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, kết nối với các cửa khẩu; Có biện pháp bảo vệ cảnh quan môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến.
– Tuyến du lịch có đủ các điều kiện sau đây, được công nhận là tuyến du lịch địa phương: Nối các khu du lịch, điểm du lịch trong phạm vi địa phương; Có biện pháp bảo vệ cảnh quan môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc tuyến (Khoản 1,2, Điều 26, Chương IV – Luật Du lịch Việt Nam năm 2005).
4. Đô thị du lịch
Đô thị du lịch là đô thị có lợi thế phát triển và du lịch có vai trò quan trọng trong hoạt động của đô thị (Khoản 5, Điều 4, Chương I – Luật du lịch Việt Nam năm 2005). Các điều kiện của đô thị được công nhận là đô thị du lịch:
– Có tài nguyên du lịch hấp dẫn trong ranh giới đô thị hoặc trong ranh giới đô thị và khu vực liền kề.
– Có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, có cơ sở lao động phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch.
– Ngành du lịch có vị trí quan trọng cơ cấu kinh tế, đạt tỷ lệ thu nhập từ du lịch trên tổng thu nhập của ngành dịch vụ theo Quy định của Chính Phủ (Khoản 1,2,3, Điều 31, Chương IV – Luật du lịch Việt Nam năm 2005).
Theo Khoản 1,2, Điều 27 và Khoản 3, Điều 33, Chương IV – Luật du lịch Việt Nam (năm 2005): “Thủ tướng Chính Phủ công nhận khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, tuyến du lịch quốc gia, đô thị du lịch theo đề nghị của cơ quan nhà nước về du lịch ở Trung ương”.
5. Trung tâm du lịch
Trung tâm du lịch là một cấp hết sức quan trọng. Về đại thể, đó là sự kết hợp lãnh thổ của các điểm du lịch cùng loại hay khác loại. Trên lãnh thổ của trung tâm du lịch tập trung rất nhiều điểm du lịch. Nói cách khác, mật độ điểm du lịch trên lãnh thổ này tương đối dày đặc.
Mặt khác, trung tâm du lịch gồm các điểm chức năng được đặc trưng bởi sự gắn kết lãnh thổ, về mặt kinh tế, kỹ thuật, và tổ chức. Nó có khả năng và sức thu hút khách du lịch (nội địa, quốc tế) rất lớn. Điều kiện của trung tâm du lịch:
– Nguồn tài nguyên du lịch tương đối tập trung và được khai thác một cách cao độ.
– Có thể nguồn tài nguyên không thật đa dạng về loại hình, song điều kiện cần thiết là phải tập trung, và có khả năng lôi cuốn khách du lịch.
– Có cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối phong phú để đón, phục vụ và lưu khách lại trong một thời gian dài, thông thường trung tâm du lịch cần có các cảng quốc tế.
– Có khả năng tạo vùng du lịch rất cao. Về cơ bản, trung tâm du lịch là một hệ thống lãnh thổ du lịch đặc biệt, là hạt nhân của vùng du lịch. Chính nó đã tạo dựng nên bộ khung để cho vùng du lịch hình thành và phát triển. Theo cách nói thông thường, đâu là cực để thu hút các lãnh thổ lân cận vào phạm vi tác động của vùng thì là trung tâm du lịch.
– Có quy mô nhất định về mặt diện tích, bao gồm các điểm du lịch kết hợp với các điểm dân cư và môi trường xung quanh. Về độ lớn, trung tâm du lịch có diện tích tương đương với diện tích của một tỉnh, hoặc thành phố trực thuộc trung ương.
6. Tiểu vùng du lịch
Tiểu vùng du lịch là một tập hợp bao gồm các điểm du lịch, các khu du lịch, các đô thị du lịch, và trung tâm du lịch (nếu có). Về quy mô, tiểu vùng du lịch bao trùm lãnh thổ của một vài tỉnh. Tuy vậy, sự giao động về diện tích giữa các tiểu vùng cũng khá lớn.
Tiểu vùng du lịch có nguồn tài nguyên tương đối phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại. Trong thực tế, ở nước ta có thể phân biệt hai loại hình tiểu vùng du lịch: tiểu vùng du lịch đã hình thành (hay còn gọi là tiểu vùng du lịch thực tế) và tiểu vùng du lịch đang hình thành (tiểu vùng du lịch tiềm năng).
Giữa hai loại hình tiểu vùng du lịch có sự chênh lệch đáng kể về trình độ phát triển. Loại tiểu vùng thứ nhất tập trung nhiều tài nguyên đã và đang được khai thác để phát triển du lịch. Loại hình thứ hai có tài nguyên, và các nguồn lực để phát triển du lịch. Song vì những lý do nhất định nên tiềm năng chưa có điều kiện trở thành hiện thực.
7. Vùng du lịch
Vùng du lịch là cấp cao nhất trong hệ thống phân vị. Đó là một sự kết hợp lãnh thổ của các vùng (nếu có), tiểu vùng, trung tâm, cụm du lịch và điểm du lịch có những đặc trưng riêng về số lượng và chất lượng.
Nói cách khác, như trên đã trình bày, vùng du lịch như một tổng thể thống nhất của các đối tượng và hiện tượng tự nhiên, nhân văn, xã hội,… bao gồm hệ thống lãnh thổ du lịch và môi trường kinh tế xã hội xung quanh, với chuyên môn hóa nhất định trong lĩnh vực du lịch.
Nói tới vùng du lịch, không thể không đề cập tới chuyên môn hóa. Nó chính là bản sắc của vùng du lịch, làm cho vùng này khác hẳn vùng kia. Ở nước ta, chuyên môn hóa của các vùng du lịch đang trong quá trình hình thành.
Tuy nhiên, mỗi vùng chuyên môn hóa phát triển loại hình du lịch nào và xu hướng phát triển ra sao, thì còn cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa, các mối liên hệ nội ngoại vùng, dựa trên nguồn tài nguyên, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có của vùng.
Về phương diện lãnh thổ, vùng du lịch có diện tích rất lớn, bao gồm nhiều tỉnh. Ngoài ra, với hoạt động du lịch mạnh mẽ, nó còn bao chiếm cả các khu vực không phát triển du lịch (điểm dân cư, các khu vực không có tài nguyên, và cơ sở du lịch nhưng có mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế).
Cũng như các tiểu vùng, người ta chia vùng du lịch thành vùng du lịch đang hình thành (vùng du lịch tiềm năng), và vùng du lịch đã hình thành (vùng du lịch thực tế). Ở nước ta, có thể có tiểu vùng du lịch thực tế và tiểu vùng du lịch tiềm năng.
Song, trên bình diện vùng du lịch, chúng ta chưa có vùng du lịch đã hình thành. Vì vậy, vùng du lịch Việt Nam là vùng du lịch đang hình thành. Chính trong trường hợp này, phân vùng du lịch thể hiện rõ tính kiến thiết của nó.
Hệ thống chỉ tiêu trong phân vùng du lịch: Xác định hệ thống chỉ tiêu trong phân vùng du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, để đánh giá được các nguồn lực, xác định các mối quan hệ nội tại trong các hệ thống lãnh thổ trong vùng và giữa các vùng. Từ đó, mới có thể tiến hành phân chia ranh giới của vùng du lịch.
Vùng du lịch được tạo thành bởi nhiều yếu tố tạo vùng. Các yếu tố chủ yếu là nguồn tài nguyên du lịch, nguồn lao động du lịch, cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, nhu cầu và số lượng khách du lịch và các yếu tố kinh tế xã hội.
Vùng du lịch (theo cấp phân vùng lớn) bao gồm nhiều hệ thống lãnh thổ du lịch ở cấp nhỏ hơn vùng. Khi nghiên cứu phân vùng du lịch phải nghiên cứu, khảo sát, đánh giá các nguồn lực phát triển du lịch của vùng như: tài nguyên du lịch, nguồn lao động du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nhu cầu và số lượng khách du lịch, các nhân tố ảnh hưởng khác.
Các nguồn lực để phát triển du lịch ở các vùng không giống nhau. Đó là cơ sở để phát triển các loại hình du lịch chuyên môn hóa và hướng chuyên môn hóa của vùng. Như vậy, đặc trưng của mỗi vùng trước hết thể hiện ở sự khác biệt về các nguồn lực phát triển và hướng chuyên môn hóa. Thêm vào nữa, mỗi vùng cần phải có ít nhất một trung tâm du lịch để làm động lực, thúc đẩy sự phát triển vùng, thu hút nguồn khách và các điều kiện để phát triển vùng.
Từ những quan niệm trên về dùng du lịch, và thực tế của việc hình thành, phát triển vùng du lịch của Việt Nam, và các nước cho thấy các chỉ tiêu phân vùng đã được áp dụng gồm các chỉ tiêu chính là:
– Số lượng, chất lượng tài nguyên và sự kết hợp của chúng theo lãnh thổ. Khi đề cập đến chỉ tiêu tài nguyên du lịch cần phải kiểm kê, đánh giá các loại tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn về chủng loại, số lượng, chất lượng.
Mức độ tập trung, và kết hợp của các loại tài nguyên, thời gian khai thác, đồng thời phải nghiên cứu cả sức chứa, thực trạng khai thác và bảo vệ các loại tài nguyên hiện tại cũng như khả năng khai thác trong tương lai.
– Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch. Khi nghiên cứu, đánh giá chỉ tiêu về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch gồm kiểm kê, đánh giá về các loại như khách sạn, nhà nghỉ, camping, nhà hàng, cơ sở thiết bị vui chơi giải trí,…
Việc kiểm kê, đánh giá cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch gồm chủng loại, số lượng, sự phân bố, mức độ phù hợp với tài nguyên môi trường du lịch, công suất sử dụng, thực trạng khai thác hiện tại, và khả năng phát triển trong tương lai. Việc đánh giá cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch dựa trên ba tiêu chuẩn:
Mức độ đảm bảo những điều kiện, nhu cầu cho việc nghỉ ngơi, ăn uống, du lịch của du khách. Hiệu quả về các mặt trong quá trình xây dựng và khai thác, sử dụng công trình kỹ thuật. Mức độ thuận tiện cho việc thu hút du khách đến với vùng.
– Cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, hình thành và phát triển vùng. Khi đề cập tới chỉ tiêu này cũng cần kiểm kê, đánh giá về chủng loại, số lượng, chất lượng, mức độ phù hợp với tài nguyên du lịch, nhu cầu du lịch, sự phân bố và kết hợp giữa các loại đường và phương tiện giao thông, không chỉ đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng, mà còn phải dự đoán khả năng phát triển trong tương lai để đáp ứng nhu cầu du lịch của vùng.
– Số lượng, chất lượng và sự phân bố của nguồn nhân lực du lịch. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch là nhân tố quan trọng, quyết định nhất cho sự phát triển ngành du lịch. Đây cũng là nhân tố có vai trò quan trọng, quyết định nhất cho sự phát triển ngành du lịch cũng như việc hình thành, phát triển của vùng du lịch.
Khi xem xét chỉ tiêu này cần kiểm kê, đánh giá về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phẩm chất và sự phân bố của cán bộ nhân viên phục vụ. Đồng thời, đánh giá mức độ phù hợp với số lượng, chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và tài nguyên, khả năng phát triển trong tương lai của nguồn lực này.
– Trung tâm tạo vùng. Mỗi vùng ít nhất phải có một trung tâm tạo vùng. Chỉ tiêu về trung tâm tạo vùng có mối quan hệ chặt chẽ với các chỉ tiêu tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
Các trung tâm tạo vùng phải có sức thu hút mạnh mẽ với các vùng xung quanh, là động lực cho các hệ thống lãnh thổ khác trong vùng phát triển. Quy mô các nguồn lực trong trung tâm vùng càng lớn, thì sức thu hút của nó càng mạnh.
Về nguyên tắc, trung tâm tạo vùng có hai loại: trung tâm tạo vùng của vùng du lịch lớn và trung tâm tạo vùng quy mô địa phương (tạo nên các á vùng, tiểu vùng hoặc tạo điều kiện thúc đẩy du lịch địa phương phát triển).
Những trung tâm du lịch lớn thường có sức thu hút lớn, và tạo nên các vùng du lịch lớn. Ngược lại, những trung tâm du lịch có quy mô nhỏ, các nguồn lực phát triển du lịch hạn chế hơn, sẽ tạo nên các hệ thống lãnh thổ du lịch ở cấp nhỏ hơn.
Trung tâm tạo vùng có ý nghĩa quan trọng, đôi khi mang tính chất quyết định trong quá trình xác định ranh giới của vùng. Nhiều nhà nghiên cứu của Liên Xô và một số nước Xã Hội Chủ Nghĩa trước đây, và nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng: “Ranh giới của vùng được xác định ở nơi mà sức hút của trung tâm tạo vùng yếu nhất”.
Các lãnh thổ gần trung tâm tạo vùng càng bị thu hút mạnh, vừa ảnh hưởng theo cả hướng tích cực và tiêu cực của trung tâm tạo vùng.
Bùi Thị Hải Yến
Bạn đang xem bài viết:
Hệ thống phân vị và phương pháp xác định ranh giới vùng du lịch
Link https://vnlibs.com/du-lich/he-thong-phan-vi-va-phuong-phap-xac-dinh-ranh-gioi-vung-du-lich.html