Mỗi quan điểm và chính sách sẽ được phân tích và đo lường dựa trên những khảo sát, và những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, tùy vào từng địa phương sẽ có những quan điểm riêng phù hợp để triển khai.
1. Quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử
Quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác Lênin, là phương pháp luận toàn năng và khoa học. Trong quá trình nghiên cứu các vấn đề lý luận, thực tiễn quy hoạch du lịch.
Hoặc tiến hành lập, thực hiện các dự án quy hoạch du lịch cần xem xét trong sự phát triển của khoa học này, với sự phát triển của các ngành khoa học có liên quan trong sự vận động, phát triển của ngành du lịch.
Cũng như kinh tế xã hội theo những quy luật khách quan, và trong mối quan hệ biện chứng qua lại chặt chẽ. Các vấn đề quy hoạch du lịch cần được nghiên cứu, xem xét trong quá khứ, hiện tại và dự báo sự phát triển du lịch trong tương lai.
2. Quan điểm hệ thống và phương pháp tiếp cận hệ thống
Quan điểm này, được sử dụng rộng rãi trong quá trình nghiên cứu, cũng như việc lập và thực hiện các dự án quy hoạch du lịch, do đối tượng nghiên cứu và được quy hoạch là hệ thống lãnh thổ du lịch, thuộc các cấp, các kiểu khác nhau (các khu vực, các quốc gia, các địa phương hay các điểm du lịch, các khu du lịch, các trung tâm du lịch, các tiểu vùng hay á vùng du lịch, các vùng du lịch).
Các hệ thống lãnh thổ du lịch thường tồn tại và phát triển trong mối quan hệ qua lại nội tại của từng phân hệ, giữa các phân hệ du lịch trong một hệ thống với nhau, và với môi trường xung quanh, giữa các hệ thống lãnh thổ du lịch cùng cấp và khác cấp, giữa hệ thống lãnh thổ du lịch và hệ thống kinh tế xã hội.
Khi tiến hành các dự án quy hoạch du lịch ở các cấp khác nhau, cần phải đặt chúng vào hệ thống lãnh thổ du lịch nhất định, bảo đảm tính cấp độ, tính thống nhất.
Cần xem xét hệ thống lãnh thổ quy hoạch du lịch được hình thành, phát triển từ những phân hệ nào, nghiên cứu mối quan hệ qua lại biện chứng giữa các phân hệ và với môi trường bên ngoài.
Đồng thời, cần nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa các hệ thống lãnh thổ với nhau, và với các hệ thống kinh tế xã hội, cần tôn trọng tính toàn vẹn về chức năng và lãnh thổ của hệ thống lãnh thổ du lịch.
Quy hoạch du lịch là quy hoạch ngành kinh tế. Vì vậy, khoa học quy hoạch du lịch nằm trong hệ thống khoa học quy hoạch kinh tế, song nó mang đặc thù của ngành khoa học du lịch và kinh tế du lịch.
Khoa học du lịch có mối quan hệ với nhiều ngành khoa học có liên quan. Vì vậy, khi nghiên cứu những vấn đề lý luận, cũng như thực tiễn xây dựng và thực hiện quy hoạch du lịch cần phải xem xét, vận dụng những tri thức của khoa học quy hoạch, của khoa học du lịch và các ngành khoa học có liên quan.
Khi nghiên cứu quy hoạch du lịch cũng như thực tiễn quy hoạch du lịch, cần sắp xếp các vấn đề nghiên cứu, hoặc giải quyết theo trật tự có hệ thống logic, khoa học, phân tích chúng trong mối quan hệ biện chứng, theo các quy luật khách quan.
Các vấn đề được nghiên cứu và giải quyết trước, phải là cơ sở khoa học, thực tiễn cho những vấn đề nghiên cứu và giải quyết sau. Khi xem xét, nghiên cứu, phân tích giải quyết các vấn đề về quy hoạch du lịch, thường từ định hướng tới định tính, từ thực tế đến lý luận, dùng lý luận để soi sáng thực tiễn.
3. Quan điểm phát triển du lịch bền vững
Phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của toàn nhân loại trong thế kỷ XXI. Phát triển du lịch bền vững trở thành xu hướng và mục tiêu phát triển ngành kinh tế du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Vì vậy, quan điểm phát triển này cần được soi sáng, vận dụng trong việc tổ chức quản lý, triển khai đánh giá các hoạt động du lịch và trong việc nghiên cứu tiến hành quy hoạch du lịch.
Trong quá trình nghiên cứu, quy hoạch du lịch cần vận dụng lý luận, cũng như thực tiễn phát triển du lịch bền vững ở trong nước và trên thế giới để soi sáng, kiểm chứng, đánh giá.
Và phát triển du lịch bền vững phải được coi là mục tiêu của quy hoạch du lịch, các nguyên tắc cũng như các loại hình du lịch bền vững phải được xem xét, vận dụng vào trong quá trình quy hoạch du lịch.
Theo Hội đồng thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) chia sẻ: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại, mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong đáp ứng các nhu cầu của họ”.
Theo Khoản 21, Điều 4, Chương I của Luật Du Lịch Việt nam (năm 2005) có ghi rằng: “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại, mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai”.
Như vậy, các dự án quy hoạch được xây dựng thực hiện phải xem xét, tính toán các vấn đề cần giải quyết, các giải pháp, các chiến lược,… không chỉ đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà còn phải đáp ứng nhu cầu du lịch của các thế hệ tương lai.
3.1 Mục tiêu của phát triển du lịch bền vững
– Phát triển bền vững về kinh tế. Du lịch là một ngành kinh tế, nên phát triển du lịch bền vững cần phải bền vững về kinh tế, thu nhập phải lớn hơn chi phí, phải đạt được sự tăng trưởng cao, ổn định trong thời gian dài, tối ưu hóa đóng góp của ngành du lịch vào thu nhập quốc dân, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
– Phát triển bền vững về môi trường. Phải sử dụng bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch theo hướng tiết kiệm, bền vững, đảm bảo sự tái tạo và phục hồi của tài nguyên, nâng cao chất lượng của tài nguyên và môi trường, thu hút cộng đồng và du khách vào các hoạt động bảo tồn, tôn tạo tài nguyên.
– Phát triển bền vững về xã hội. Thu hút cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch, tạo nhiều việc làm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương, cải thiện tính công bằng xã hội, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng cao nhu cầu của du khách.
Như vậy, các nhà quy hoạch trong quá trình quy hoạch du lịch, cần xem xét về việc đáp ứng các mục tiêu phát triển du lịch bền vững của các hệ thống lãnh thổ được quy hoạch.
Để đạt được sự phát triển du lịch bền vững, trong quá trình phát triển du lịch và quy hoạch du lịch cần phải thực hiện có nguyên tắc.
3.2 Các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững
– Sử dụng nguồn lực một cách bền vững. Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa xã hội là rất cần thiết, nó giúp cho việc kinh doanh phát triển lâu dài.
Du lịch là ngành kinh tế có sự định hướng tài nguyên rõ rệt. Tài nguyên du lịch lại được coi là sản phẩm du lịch quan trọng nhất, là mục đích chuyến đi của du khách.
Nhưng nhiều loại tài nguyên du lịch không thể đổi mới, tái chế hay thay thế được. Hoạt động du lịch đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt, nhưng cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực như làm cạn kiệt, suy giảm tài nguyên và môi trường.
Vì vậy, trong quá trình quy hoạch các dự án phát triển du lịch, cần xây dựng những phương cách, chiến lược bảo tồn, tôn tạo, khai thác tài nguyên du lịch theo hướng tiết kiệm, hợp lý để lưu lại cho thế hệ tương lai một nguồn tài nguyên, như thế hệ hiện tại đang được hưởng.
– Duy trì tính đa dạng. Việc duy trì và tăng cường tính đa dạng của thiên nhiên, văn hóa xã hội là hết sức quan trọng đối với du lịch bền vững lâu dài, là cơ sở cho việc tồn tại, phát triển của ngành du lịch.
Trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án quy hoạch du lịch, cũng như sự phát triển du lịch. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên dễ làm mất đi tính đa dạng của thiên nhiên xã hội.
Vì vậy, trong quá trình quy hoạch du lịch cần phải xây dựng, thực hiện các phương cách, chiến lược nhằm duy trì bảo tồn được tính đa dạng của tự nhiên và văn hóa xã hội.
– Giảm tiêu thụ quá mức và giảm chất thải. Sự tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên và các tài nguyên khác, không chỉ dẫn đến sự hủy hoại môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên mà còn không đảm bảo nguồn tài nguyên cho sự phát triển lâu dài của ngành du lịch.
Các chất thải của phương tiện vận chuyển khách, chất tẩy rửa, dầu ăn, nước thải từ dịch vụ giặt đồ và nấu ăn, cùng với lượng chất thải khác từ các dịch vụ phục vụ du khách, cũng như của du khách.
Nếu chúng không được thu gom xử lý đúng yêu cầu kỹ thuật, hoặc tái chế sẽ là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Do vậy, đối với các địa phương và các quốc gia hoạt động du lịch càng phát triển, thì lượng du khách càng nhiều, dẫn đến lượng chất thải từ hoạt động này cũng ngày càng nhiều.
Các dự án quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch được triển khai không có đánh giá tác động môi trường, hoặc không thực thi những kiến nghị về đánh giá tác động của môi trường, đã dẫn đến sự tiêu dùng lãng phí tài nguyên.
Chính điều này, đã gây ra ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và xáo trộn về văn hóa xã hội. Nhiều dự án quy hoạch du lịch không có kế hoạch, hay lập kế hoạch kém, đã dẫn đến việc các cộng đồng địa phương cùng với các cơ quan nhà nước, phải làm công việc phục hồi tổn thất về môi trường.
Do vậy, việc quy hoạch phát triển du lịch đúng đắn ngay từ khi lập dự án, phải tiến hành đánh giá tác động từ hoạt động du lịch đến tài nguyên môi trường. Từ đó, dự kiến những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm giảm tiêu thụ quá mức tài nguyên, và giảm lượng chất thải vào môi trường là cần thiết.
– Hợp nhất quy hoạch du lịch vào quá trình quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Du lịch là một ngành kinh tế mang tính liên ngành, nó có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhiều ngành kinh tế xã hội.
Ngành du lịch mang lại hiệu quả trực tiếp và gián tiếp đối với các ngành kinh tế xã hội khác. Do vậy, cần hợp nhất phát triển du lịch vào trong khuôn khổ hoạch định chiến lược của địa phương và quốc gia.
Quy hoạch phát triển du lịch là một bộ phận của quy hoạch kinh tế xã hội, nó làm tăng khả năng tồn tại, phát triển lâu dài của ngành du lịch.
Khi sự phát triển du lịch là một bộ phận hợp nhất của quy hoạch, kế hoạch phát triển cấp quốc gia hoặc địa phương. Nếu coi việc phát triển du lịch là một tổng thể, sẽ mang lại lợi ích tối đa và dài hạn hơn cho nền kinh tế xã hội quốc gia và địa phương, và cho cả phát triển du lịch.
Điều này, sẽ khuyến khích việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác tài nguyên môi trường du lịch hiệu quả hơn, vừa góp phần hấp dẫn du khách và nâng cao đời sống cộng đồng địa phương.
Khi hòa nhập phát triển quy hoạch du lịch vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương, ngành du lịch sẽ được đầu tư và phát triển phù hợp.
Đồng thời, tạo điều kiện để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Do vậy, trong quá trình quy hoạch du lịch cần phải tính đến sự hòa hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.
– Hỗ trợ kinh tế địa phương. Nguồn tài nguyên mà ngành du lịch sử dụng, vốn thuộc quyền sở hữu của người dân bản địa như đường giao thông, điện nước, hệ thống xử lý chất thải, thông tin liên lạc,…
Có thể không chỉ riêng cho ngành du lịch, nhưng vẫn thúc đẩy du lịch phát triển. Hoạt động du lịch một mặt mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế xã hội của địa phương. Mặt khác, cũng để lại những hiệu quả tiêu cực cho tài nguyên môi trường và kinh tế xã hội của địa phương.
Do vậy, ngành du lịch có trách nhiệm đóng góp một phần thu nhập cho phát triển kinh tế địa phương. Trong quá trình hoạch định các giải pháp chính sách khi quy hoạch du lịch, cần phải tính đến đóng góp từ thu nhập du lịch cho kinh tế địa phương và quốc gia.
– Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương. Việc tham gia của cộng đồng địa phương vào du lịch, không chỉ mang lại lợi ích cho họ và môi trường, mà còn góp phần duy trì, phát triển du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo ra sự hấp dẫn với du khách.
Sự tham gia của địa phương là cần thiết cho ngành du lịch. Dân cư, nền văn hóa, môi trường, lối sống và truyền thống của địa phương là những nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch tới điểm du lịch.
Sự tham gia thực sự của cộng đồng du lịch có thể làm phong phú thêm kinh nghiệm và sản phẩm du lịch. Khi cộng đồng được tham gia vào quá trình quy hoạch, và chỉ đạo phát triển du lịch, thì họ có thể trở thành đối tác tích cực, tạo ra sự kiểm chứng và có nghĩa vụ với môi trường.
Sự tham gia của cộng đồng du lịch địa phương vào hoạt động du lịch, có thể giúp cho họ xóa đói giảm nghèo, góp phần thu được nhiều ngoại tệ, có lợi cho cả cộng động địa phương và khách du lịch. Đồng thời, cũng nâng cao triển vọng phát triển lâu dài của sản phẩm du lịch.
Thực tế trong nhiều dự án quy hoạch du lịch, cộng đồng địa phương thường chỉ được tham gia những công việc có thu nhập thấp, nặng nhọc, mang tính mùa vụ. Trong khi họ lại chịu nhiều tác động tiêu cực về kinh tế xã hội, văn hóa từ hoạt động du lịch.
Do vậy, ngay từ đầu, khi tiến hành quy hoạch du lịch cần phải tính đến các phương cách, chiến lược kinh doanh để thu hút cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch.
– Lấy ý kiến quần chúng và các đối tượng có liên quan. Việc lấy ý kiến của cộng đồng địa phương, các tổ chức và cơ quan khác nhau, các doanh nghiệp du lịch lữ hành là rất cần thiết.
Đây là một bước nhằm nâng cao nhận thức của các bên tham gia với dự án quy hoạch, cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn tiềm ẩn về quyền lợi. Đồng thời, điều này giúp cho các bên tham gia có thể ủng hộ cho việc thực hiện các dự án quy hoạch.
Do vậy, trong quá trình triển khai các dự án quy hoạch du lịch, cần phải vận dụng nguyên tắc này trong việc điều tra xã hội học, lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan, vừa để giải tỏa các mâu thuẫn tiềm ẩn, vừa tìm thấy các nguyên nhân bất đồng, những vấn đề cần giải quyết, góp phần thu hút các bên tích cực tham gia vào việc thực hiện dự án quy hoạch phát triển du lịch.
– Đào tạo nhân viên. Nguồn nhân lực du lịch là lực lượng sản xuất quan trọng nhất, nó quyết định sự phát triển du lịch bền vững. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, các dự án quy hoạch ngay từ đầu cần phải hoạch định các chiến lược, giải pháp để đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
– Tiếp thị du lịch một cách có trách nhiệm. Để thực hiện được các mục tiêu phát triển du lịch bền vững, các dự án quy hoạch du lịch cần hoạch định được các chiến lược marketing.
Quảng bá cho du khách những thông tin đầy đủ, và có trách nhiệm nâng cao sự tôn trọng của du khách với môi trường tự nhiên xã hội tại điểm đến. Đồng thời, làm tăng sự thỏa mãn của du khách.
– Tiến hành nghiên cứu. Thông tin, số liệu để xây dựng dự án và ngay cả khi dự án được thực hiện đều không có sẵn. Để các dự án quy hoạch có hiệu quả, ngay từ thời tiền dự án đến khi thực hiện dự án cần:
Đầu tư nhiều cho công tác điều tra, giám sát, thống kê, phân tích, so sánh tổng hợp mới có thể xây dựng được các mục tiêu, các định hướng, các giải pháp của dự án phù hợp.
Công tác nghiên cứu còn giúp cho việc nhận thức rõ được những thiếu sót, hạn chế của dự án quy hoạch, để từ đó có những giải pháp kế hoạch điều chỉnh bổ sung kịp thời.
Đồng thời, kết quả điều tra và thống kê đánh giá, còn cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc quy hoạch của dự án ở những giai đoạn sau.
3.3 Các loại hình du lịch bền vững
Có một số loại hình du lịch hiện đang hấp dẫn du khách, và góp phần phát triển du lịch bền vững. Đó là “du lịch sinh thái” hay còn gọi là “du lịch dựa vào thiên nhiên” và “du lịch văn hóa” hay “du lịch dựa vào văn hóa”.
Theo Khoản 19 và Khoản 20, Điều 4, Chương I – Luật Du Lịch Việt Nam (năm 2005), hai loại hình du lịch trên được định nghĩa như sau:
– Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc địa phương, với sự tham gia của cộng đồng, nhằm phát triển bền vững.
– Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc dân tộc với sự tham gia của cộng đồng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Các loại hình du lịch sinh thái bao gồm: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch nghiên cứu, vui chơi giải trí,…
Các loại hình du lịch văn hóa bao gồm: du lịch tham quan nghiên cứu, du lịch hành hương và lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch làng bản,…
Các loại hình du lịch bền vững là các loại hình du lịch mang tính giáo dục nhận thức cao, có trách nhiệm bảo tồn và phát triển cộng đồng. Do vậy, khi quy hoạch du lịch cần nghiên cứu các chiến lược phát triển, xây dựng kế hoạch và giải pháp cho việc phát triển các loại hình du lịch bền vững.
Trong Khoản 1, Điều 5, Chương I – Luật Du Lịch Việt Nam (năm 2005) về các nguyên tắc phát triển du lịch có nêu:
“Phát triển du lịch bền vững theo quy hoạch, kế hoạch đảm bảo hài hòa giữa kinh tế xã hội, và môi trường, phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, bảo tồn, tôn tạo phát triển giá trị của tài nguyên”.
Như vậy, phát triển du lịch bền vững trở thành định hướng, mục tiêu, chiến lược, nguyên tắc phát triển của du lịch Việt Nam. Vì vậy, trong quá trình quy hoạch các dự án phát triển du lịch Việt Nam.
Việc vận dụng quan điểm phát triển bền vững là cần thiết, nó giúp cho các dự án quy hoạch du lịch mang tính khả thi và có hiệu quả cao.
4. Quan điểm và chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước
Nghị quyết Đại hội Trung ương Đảng lần thứ IX và X đều khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Đồng thời, Nhà nước cũng đã có các chính sách phát triển du lịch thể hiện trong Điều 6, Chương I – Luật Du Lịch Việt Nam (năm 2005) như sau:
a) Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động mọi năng lực, tăng đầu tư phát triển du lịch để đảm bảo du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
b) Nhà nước có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực sau đây:
Bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường du lịch; Tuyên truyền, quảng bá du lịch; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch; Hiện đại hóa hoạt động du lịch;
Xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; Nhập khẩu phương tiện cung cấp phục vụ cho việc vận chuyển hành khách du lịch; Trang thiết bị chuyên dùng hiện đại cho cơ sở lưu trú du lịch hạng cao và du lịch quốc gia;
Phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhằm sử dụng lao động, hàng hóa, và dịch vụ tại chỗ, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo.
c) Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác quy hoạch; Hỗ trợ dân trí xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị du lịch, khu du lịch, điểm du lịch; Hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, bảo vệ tôn tạo tài nguyên và môi trường du lịch, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch.
d) Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; Công dân Việt Nam, người nước ngoài ở Việt Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài; Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch.
Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động du lịch, mở rộng giao lưu hợp tác giữa du lịch Việt Nam, với du lịch khu vực và quốc tế.
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch từ nguồn đóng góp của các chủ thể hưởng lợi từ hoạt động du lịch, nguồn tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Những chủ trương chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước là cơ sở pháp lý quan trọng, và là nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch, cũng như cho các dự án quy hoạch du lịch đạt được tính thực thi và hiệu quả.
Vì vậy, những quan điểm và chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước phải được vận dụng, soi sáng và là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình quy hoạch phát triển du lịch ở nước ta.
5. Quan điểm lãnh thổ tổng hợp và chuyên môn hóa.
Đối tượng nghiên cứu và quy hoạch của các dự án phát triển du lịch là các hệ thống lãnh thổ du lịch thuộc các cấp, các kiểu khác nhau, có quy mô diện tích được xác định trong không gian.
Vì vậy, khi tiến hành các dự án quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, cần phải xác định rõ vị trí, quy mô lãnh thổ, tính toán quy mô diện tích của các dự án sao cho phù hợp với các điều kiện phát triển, và quy mô lãnh thổ của các địa phương hoặc quốc gia.
Đồng thời, phải đảm bảo các dự án quy hoạch phát triển du lịch thuộc cấp quản lý về hành chính, và theo ngành nhất định.
Mỗi hệ thống lãnh thổ du lịch được quy hoạch để phát triển du lịch, thường có nhiều nguồn lực để phát triển du lịch.
Nhưng đồng thời mỗi địa phương, hoặc mỗi hệ thống lãnh thổ du lịch được quy hoạch, phát triển du lịch cũng có những nguồn lực phong phú, đặc sắc là thế mạnh để phát triển du lịch riêng.
Vì vậy, khi tiến hành công tác quy hoạch ở các địa phương hoặc cấp các vùng lớn (cấp quốc gia) cần phải nghiên cứu để có được các dự báo, giải pháp, chiến lược, vừa phát huy được những lợi thế tổng hợp các nguồn lực, để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch.
Nhưng đồng thời cần ưu tiên đầu tư, phát triển những loại hình du lịch mang tính chất riêng biệt, mũi nhọn của mỗi hệ thống lãnh thổ du lịch, cũng như mỗi địa phương để tạo ra sức cạnh tranh.
6. Quan điểm viễn cảnh lịch sử
Khi tiến hành lập, thực hiện các dự án quy hoạch phát triển du lịch, có nghĩa là hoạch định các mục tiêu, các chiến lược, các giải pháp cho phát triển du lịch không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai.
Vì vậy, các nhà quy hoạch cần: nghiên cứu, tính toán xây dựng các chỉ tiêu dự báo, các kế hoạch phát triển, các định hướng, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với các nguồn lực, xu hướng phát triển trong nước và quốc tế, tận dụng được các cơ hội phát triển,…
Cần xem xét thực trạng phát triển du lịch, các nguồn lực phát triển du lịch để thấy được những quy luật phát triển trong quá khứ và hiện tại. Đồng thời, dự báo được các định hướng, mục tiêu, chiến lược phát triển du lịch cho tương lai.
Kết quả của dự án quy hoạch du lịch phải đảm bảo tính hiệu quả trong một thời gian dài, thậm chí hàng chục, hàng trăm năm, không được tác động tiêu cực tới tài nguyên môi trường, kinh tế xã hội cũng như các hệ thống lãnh thổ khác.
7. Quan điểm kế thừa
Quy hoạch du lịch có mối quan hệ với nhiều ngành khoa học khác như quy hoạch kinh tế xã hội, khoa học du lịch, địa lý, môi trường, kinh tế,…
Quy hoạch du lịch là quy hoạch ngành kinh tế, nó có mối quan hệ chặt chẽ và là một bộ phận của quy hoạch kinh tế xã hội, và tổ chức lãnh thổ sản xuất.
Vì vậy, trong quá trình quy hoạch du lịch, để tiết kiệm thời gian, công sức và tài chính, các nhà quy hoạch nên kế thừa các công trình nghiên cứu, các dự án quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, các dự án quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đã có, và các công trình khoa học khác có liên quan.
Bùi Thị Hải Yến
Bạn đang xem bài viết:
7 phương pháp luận phân tích hệ thống quy hoạch du lịch
Link https://vnlibs.com/du-lich/7-phuong-phap-luan-phan-tich-he-thong-quy-hoach-du-lich.html