Khái niệm quy hoạch du lịch là gì?

Quy hoạch là một thuật ngữ khá rộng, không dễ định nghĩa. Khi nói đến quy hoạch, người ta thường chỉ quan tâm đến khía cạnh quy hoạch sử dụng đất, hoặc quan tâm đến nhiệm vụ tổ chức không gian đối tượng được quy hoạch.

Tuy nhiên, cụm từ quy hoạch cho đến nay được dùng trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau của con người, ở nhiều cấp độ khác nhau như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và vùng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch giao thông vận tải và thiết kế công trình đô thị, quy hoạch môi trường, quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch du lịch,…

Những người làm quy hoạch trong mọi lĩnh vực cho rằng, mình biết rõ điều mình muốn nói và điều mình phải làm. Nhưng cách hiểu và cách thực thi công việc của họ, không phải lúc nào cũng giống nhau, và hiệu quả cũng khác nhau, đôi khi gây ra nhiều tranh cãi.

1. Quy hoạch là gì?

Thông thường, người ta hay tưởng tượng sản phẩm quy hoạch là các bản đồ, hay các bản vẽ thiết kế. Do đó, làm quy hoạch tức là chuẩn bị các bản vẽ hoặc các bản đồ. Có nhiều kiểu quy hoạch cần tới hình vẽ, hay bản đồ để trình bày các kết quả nghiên cứu một cách dễ hiểu và rõ ràng.

Ví dụ như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch chung cư, quy hoạch đất nền,… Tuy nhiên, có nhiều dạng quy hoạch chỉ cần trình bày bằng văn bản, các sơ đồ và bảng biểu kết hợp với việc trình bày bằng bản đồ.

Theo Forster Ndubisi (1996) chia sẻ: “Quy hoạch không hoàn toàn tập trung vào khoa học hay quyết định, mà là sự tích hợp của cả hai”. Quan niệm về quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành đã được nhiều tác giả trình bày như sau:

– Quy hoạch là sự tích hợp giữa các kiến thức khoa học và kỹ thuật, tạo nên sự lựa chọn để có thể thực hiện các quyết định về các phương án cho tương lai.

– Quy hoạch là công việc chuẩn bị có tổ chức cho các hoạt động có ý nghĩa bao gồm: việc phân tích tình thế, đặt các yêu cầu, khai thác và đánh giá các lựa chọn và phân chia một quá trình hành động.

– Quy hoạch là quá trình soạn thảo một tập hợp các chương trình liên quan, được thiết kế để đạt được mục tiêu nhất định. Nó bao gồm việc định ra một hay nhiều vấn đề cần được giải quyết; thiết lập các mục tiêu quy hoạch; xác định các giả thiết mà quy hoạch cần dựa vào; tìm kiếm và đánh giá các biện pháp hành động có thể thay thế, và lựa chọn hành động cụ thể để thực hiện (Compton, 1993).

2. Khái niệm về quy hoạch vùng kinh tế.

Quy hoạch vùng là lý luận và thực tiễn phân bố hợp lý nhất trên lãnh thổ vùng, những xí nghiệp công nghiệp, giao thông vận tải, và các địa điểm dân cư có tính toán tổng hợp các nhân tố, và những điều kiện địa lý kinh tế, kiến trúc xây dựng và kỹ thuật công trình.

Quy hoạch vùng cụ thể hóa trên lãnh thổ những dự đoán, những chương trình và kế hoạch phát triển tổng thể vùng. Đồng thời, quy hoạch bổ sung phát triển và làm phong phú thêm những điều kiện đó. (E.N Pertxik)

Quy hoạch vùng là phương pháp phân bố cụ thể kinh tế và dân cư, tổ chức hạ tầng sản xuất xã hội trên một lãnh thổ tương đối không lớn. (N. Kravov, Kinh tế vùng). Quy hoạch là một tập hợp các công tác đồng bộ, nhằm phân bố có căn cứ dân cư, sinh hoạt, xây dựng, thiết bị và những phương tiện giao thông hiện đại, trải rộng trên lãnh thổ (B. Merlin, Từ điển đô thị và quy hoạch).

Cho đến nay, chưa có một khái niệm về quy hoạch và quy hoạch vùng được nhiều người thừa nhận. Song trong các quan niệm về quy hoạch nêu trên, quan niệm của E.N Pertxik bao quát đầy đủ hơn về nhiệm vụ và nội dung của công tác quy hoạch vùng.

Quy hoạch du lịch là quy hoạch ngành kinh tế. Vì vậy, việc tổ chức quy hoạch tuân theo những cơ sở lý luận của quy hoạch kinh tế, vận dụng vào thực tế quy hoạch ngành du lịch, và mang những đặc điểm của ngành du lịch.

3. Khái niệm về quy hoạch chức năng.

Quy hoạch chức năng là những dự án quy hoạch, của các ngành kinh tế quy hoạch về các vấn đề kinh tế xã hội và môi trường.

– Quy hoạch môi trường là sự cố gắng làm cân bằng và hài hòa các hoạt động phát triển, mà con người vì quyền lợi của mình áp đặt một cách quá mức đến môi trường tự nhiên (E. John, 1979).

– Quy hoạch môi trường là sự xác định các mục tiêu mong muốn, đối với môi trường tự nhiên, và đề ra các chương trình, quy trình quản lý để đạt được mục tiêu đó. (Alan Gilpin, 1996).

– Quy hoạch môi trường là việc xác lập các mục tiêu, phương án, giải pháp để bảo vệ, cải thiện và phát triển một trong những môi trường thành phần, hay tài nguyên của môi trường, nhằm tăng cường một cách tốt nhất năng lực chất lượng của chúng theo mục tiêu đã đề ra.

– Quy hoạch môi trường là sự cụ thể hóa các chiến lược, chính sách về môi trường, và là cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động môi trường.

– Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian đô thị và điểm dân cư nông thôn, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tạo lập môi trường sống cho người dân tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

4. Các kiểu quy hoạch

Có tổng cộng 4 kiểu quy hoạch, được xác định và định nghĩa như sau:

Quy hoạch chiến lược và quy hoạch hành động. Quy hoạch chiến lược quan tâm đến mục tiêu chiến lược, thường là mềm dẻo, không bị ràng buộc bởi quy trình pháp luật (do đó sau này dễ dàng bổ sung, chỉnh lý). Quy hoạch hành động thường lấy ngân sách địa phương, quan tâm chủ yếu đến biện pháp và các hướng dẫn cho những hoạt động đặc trưng nào đó.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, và quy hoạch tổng thể phát triển các ngành. Thường được thực hiện ở các vùng lớn, hoặc các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, thường chỉ mang tính chiến lược, định hướng, xây dựng các chỉ tiêu dự báo những biện pháp thực hiện chung, là cơ sở cho việc đưa ra các chính sách, các quyết định cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, các ngành kinh tế nói riêng, và cung cấp thông tin, chỉ dẫn cho quy hoạch chi tiết.

Quy hoạch chi tiết. Thường được thực hiện ở quy mô lãnh thổ nhỏ, ở các cụm, các điểm, các khu du lịch. Quy hoạch đối với các dự án phát triển, có tính toán cụ thể các bài toán về kinh tế xã hội và môi trường.

Quy hoạch và chính sách. Chiến lược là tập hợp các chính sách có cùng tác dụng trong phối hợp hoạt động, nhằm đạt tới nhiều mục tiêu chính sách, là quy định bao quát có tính hướng dẫn đối với các quy định cụ thể.

Giữa chính sách và quy hoạch, có mối quan hệ hữu cơ. Quy hoạch gắn chặt với chính sách, có thể là căn cứ đầu vào, hay kết quả thu nhận được từ quá trình làm quy hoạch (Lang, 1980). Chúng là một dạng của kiểm soát, được thiết kế nhằm thống nhất các hoạt động, để đạt tới các mục tiêu.

5. Quy trình quy hoạch

Quy trình quy hoạch đô thị kinh điển (Reg Lang, 1978). Quy trình quy hoạch đặc biệt chú ý đến việc đưa ra các phương án lựa chọn, đánh giá, phản hồi. Theo Vũ Quyết Thắng, trong cuốn Quy Hoạch Môi Trường, thì sơ đồ tổng quát của quy hoạch hợp lý được chia thành như sau:

Mục tiêu -> Phân tích -> Phương án -> Đánh giá -> Quy hoạch -> Quản lý

Quy trình quy hoạch gồm các bước: Thiết lập mục tiêu; Phân tích; Phát triển các phương án lựa chọn; Đánh giá các phương án theo mức độ đạt tới mục tiêu; Chọn lựa phương án hiệu quả nhất và nếu không tồn tại thì quay lại Phân tích; Thực hiện; Giám sát.

Bùi Thị Hải Yến


Bạn đang xem bài viết:
Khái niệm quy hoạch du lịch là gì?
Link https://vnlibs.com/du-lich/khai-niem-quy-hoach-du-lich-la-gi.html

Tìm kiếm có liên quan: Bài giảng môn quy hoạch du lịch; Ban hành quyết định quy hoạch du lịch cụ thể; Bất động sản ăn theo siêu quy hoạch du lịch quốc gia; Các bước quy hoạch du lịch; Chiến lược về thị trường trong quy hoạch du lịch; Dự án quy hoạch du lịch; Giáo trình quy hoạch du lịch; Nội dung quy hoạch ngành du lịch trong GDP;

Tìm kiếm có liên quan: Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hệ thống du lịch; Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia; Quy hoạch du lịch là gì; Quy hoạch phát triển các điểm tuyến du lịch; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; Tiền đề quan trọng trong du lịch phát triển; Vai trò của quy hoạch du lịch; Ý nghĩa của việc quy hoạch du lịch.